Monday, December 7, 2009

Chiến Thuật Chiến Lược tại Miền Nam 1959-1975


Trọng Đạt


Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc trưa ngày 30-4-1975 khi Cộng quân lũ lượt kéo vào Sài Gòn y như nước chảy, cho tới nay có nhiều nhân định, ý kiến của nhiều nhà bình luận, các giới chức chính trị, quân sự…về nguyên do đưa tới sụp đổ miền Nam. Người cho là Hiệp định Paris bất lợi đã đưa tới cái chết thảm khốc, hoặc cho kế hoạch tái phối trí lực lượng của giới lãnh đạo khiến miền Trung mất trong thời gian kỷ lục đưa tới sụp đổ toàn diện, nhiều người đổ lỗi cho quốc hội Mỹ cắt quân viện hoặc phong trào phản chiến đã thúc đẩy lập pháp Hoa Kỳ rút quân bỏ Ðương Dương. Trên thực tế không riêng nguyên nhân nào có tác dụng ảnh hưởng hoàn toàn mà có thể là hậu quả của sự kết hợp của tất cả những nguyên nhân ấy.

Trong cuốn Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, tác giả cựu Ðại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng có nói trong hai trang cuối cùng 294, 295..

“Trong quyển Chiến Thụât và Chiến Lược (Trung Tâm Quân Sử, Lục Quân Hoa Kỳ 1980), tác giả Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung có nói đến một số châm ngôn về chiến tranh như sau ( không rõ xuất xứ):

Khi chiến thuật sai và chiến lược sai thì chiến tranh sẽ chóng thua;
Khi chiến thuật đúng nhưng chiến lược sai, trận chiến có thể thắng nhưng chiến tranh sẽ thua;
Khi chiến thuật sai nhưng chiến lược đúng, trận chiến có thể thua nhưng chiến tranh sẽ thắng; và
Khi chiến thuật đúng và chiến lược đúng thì chiến tranh sẽ thắng mau lẹ.

Cả Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ đều ở vào trướng hợp thứ hai. Trong phần kết luận ở cuối sách, tác giả đã nêu rõ lý do tại sao VNCH không tồn tại được. Bây giờ phải thêm một lý do không kém phần quan trọng – Nếu không nói là quan trọng nhất: Cả Hoa Kỳ và VNCH không áp dụng một chiến lược địa lý chính trị (geopolitics) thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến. Cũng vì chúng ta không có một chiên lược thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến nên phía Cộng sản mới có thể đem nhiều quân vào miền Nam và đạt được thế thượng phong trong tương quan lực lượng”

Trên đây là một lối giải thích khác về nguyên nhân sụp đổ của miền Nam dựa trên khía cạnh Chiến thuật chiến lược. Nhận thấy ý kiến của cựu Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung và cựu Tướng Cao văn Viên hay, sâu sắc có những nét độc đáo nên chúng tôi cũng muốn góp ý vào một ít lời bàn Mao Tôn Cương để tìm hiểu thêm về khía cạnh này.

Trước hết chúng tôi xin định nghĩa hai danh từ Chiến thuật và chiến lược. Theo tự điển Hán Việt của Ðào Duy Anh chiến lược có nghĩa Mưu lược, kế hoạch về việc chiến tranh (tiếng Pháp: stratégie, Anh: strategy), chiến thuật là phương pháp bày sắp sai khiến quân đội ở chiến trường (Pháp:tactique, Anh : tactics). Trong tự điển Mỹ Webster’s NewWorld College Dictionnary định nghĩa strategy (chiến lược) là kế hoạch và điều động một chiến dịch quân sự lớn (The science of planning and directing large-scale military operations), tactics (chiến thuật) là việc sắp xếp và thao diễn các lực lượng quân sự, hải quân vào trận địa hay trước địch quân (The science of arranging and maneuvering military and naval forces in action or before the enemy).

Như vậy chúng ta có thể hiểu chiến lược là kế hoạch quân sự cho cuộc chiến (the war), còn chiến thuật là kế hoạch quân sự cho một trận đánh (battle) hoặc nói khác đi chiến lược là kế hoạch quân sự ở bình diện lớn, ngược lai chiến thuật ở bình diện nhỏ, thí dụ máy bay B-52 gọi là máy bay chiến lược, máy bay khu trục phản lực F-5 gọi là máy bay chiến thuật.

Ông Cao Văn Viên dẫn lời ông Hoàng Ngọc Lung cho biết VNCH và Hoa kỳ ở trong trường hợp chiến thuật đúng nhưng chiến lược sai thì chiến tranh sẽ thua. Chúng ta có thể hiểu là kế hoạch quân sự tại các mặt trận đúng nên VNCH đã thắng được nhiều trận lớn như Mậu thân 1968, An Lộc, Kontum hay Quảng trị… năm 1972 nhưng kế hoạch cho toàn bộ cuộc chiến sai nên đã thua cuộc chiến (lose the war).

Cũng trong trang cuối của cuốn sách này ông Cao Văn Viên nói.

“Thêm vào đó, sự liên hệ với Hoa Kỳ giới hạn nhiều hoạt động và bắt buộc VNCH phải nằm trong thế thủ”

Như chúng ta đều biết cuộc chiến tranh từ 1959 cho tới 1975 miền Nam luôn luôn nằm trong thế thủ, chúng ta chỉ tự vệ chống lại quân xâm nhập của Bắc Việt, họ luôn ở thế tấn công. Mặc dù biết rằng phòng thủ có nhiều bất lợi vì không biết địch sẽ đánh ở đâu lúc nào, nhưng VNCH phải phụ thuộc vào người Mỹ, họ không muốn chúng ta đánh qua bên kia vĩ tuyến 17 vì nhiều lý do.

Bắc Việt có lợi thế lựa chọn chiến trường, họ tập trung quân và có ưu thế về quân số cũng như hoả lực tại trận đánh từ thời chiến tranh du kích thập niên 60 cũng như thời chiến tranh qui ước thập niên 70. Trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975, theo hồi ký của Tướng BV Văn Tiến Dũng vì Cộng quân tập trung lực lượng tại khu vực chủ yếu nên bộ binh BV trội hơn VNCH gấp 5 lần, xe tăng coi như ngang nhau, pháo binh gấp 2 lần.

Ông Cao Văn Viên cho rằng vì chúng ta không có một chiến lược địa lý chính trị thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến nên phía Cộng sản mới có thể đem nhiều quân vào miền Nam và đạt được thế thượng phong trong tương quan lực lượng, ông muốn nói VNCH cần phải có kế hoạch ngăn chận sự xâm nhập của BV.

Năm 1965 Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đưa ra “chính sách áp lực, đe dọa vừa phải” để hy vọng BV sẽ phải lên bàn hội nghị thương thuyết thuận lợi cho Mỹ. Sau đó Tổng thống Johnson cho áp dụng chính sách đánh cầm chừng, giới hạn mục đích cho BV thấy sự thiệt hại để phải lên bàn hội nghị.

Năm 1965 quân số Mỹ tại miền Nam là 184 ngàn, năm 1966 lên 385 ngàn, năm 1967 là 485 ngàn, 1968 lên 536 ngàn đó là đỉnh cao của sự hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến. Theo tiến sĩ Nguyễn Ðức Phương (Chiến Tranh VN Toàn Tập) trong ba năm 1965, 66, 67 BV đã bị thiệt hại khoảng gần 350 ngàn người nhưng họ vẫn tiếp tục gia tăng nhân lực từ 180 ngàn năm 1964 lên tới 261 ngàn trong năm 1967. Mặc dù bị oanh tạc dữ dội ngoài Bắc cũng như trên các tuyến đường xâm nhập, bị thiệt hại nặng trong các cuộc giao tranh nhưng họ vẫn tiếp tục xâm nhập và lì lượm không chịu thương thuyết.

Theo tin báo Times tháng 6-2009: năm 1965 có 1,300 lính Mỹ tử trận tại VN, năm sau 1966 tăng lên 5,000, năm 1967 lên 9,300, năm 1968 lên 14,000, tới 1968 tổng số lính Mỹ tử trận lên tới khoảng 31,000 người. Ngày 6-4-1969 Tướng Wesmoreland, cựu Tổng Tư lênh quân đội Mỹ tại VN và Ðô đốc Sharp cựu tổng tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về chiến cuộc tại Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách chiến tranh hạn chế của TT Johnson và sự cấm đánh qua Mên và Lào .

Ngày 27-4-1969 Ðô đốc Grant Sharp, cựu Tổng tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, đăng báo công kích cựu bộ trưởng Quốc Phòng McNamara: ông này đã ngăn cản không cho oanh tạc để phá hủy các cơ sở và tiềm lực kinh tế Bắc Việt mà chỉ cho ngăn chận sự xâm nhập , nên các cuộc oanh tạc hoá ra vô hiệu.
Như vậy kế hoạch chiến tranh giới hạn của Johnson - McNamara thất bại về chiến lược đã đưa phong trào phản chiến lên cao, hành pháp Hoa Kỳ phải đương đầu với cuộc chiến tranh ngay tại đất nhà (War at home) để rồi chính nó đã làm sụp đổ toàn diện cuộc chiến.

Theo ông cao Văn Viên

“Thật vậy, gần một phần tư thế kỷ, Cộng sản Việt Nam có được hai ưu điểm lớn hơn phía Tự do: Họ có được sự an toàn ở các căn cứ hậu cần – trong nội địa hay bên quốc gia lân cận – những căn cứ hậu cần đó là nơi họ dưỡng quân sau những cuộc đụng độ để chuẩn bị cho những trận đánh mới mà không sợ bị quấy phá.”
Những Ngày Cuối VNCH, trang 282



“Về phía Hoa Kỳ, theo tướng Phillip Davidson (Viet Nam at War, Oxford University Press,1988), cả Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ cùng đô đốc Sharp và đại tướng Wesmoreland, đều có kế hoạch đánh ra vùng bắc khu phi quân sự, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, đánh phá các căn cứ ở Lào, Cam Bốt, và oanh tạc các mục tiêu quan trọng chung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Các kế hoạch trên đều không được tổng trưởng quốc phòng McNamara và tổng thống Johnson (1967) chấp thuận”.
Những Ngày Cuối VNCH trang 292

Cuối tháng 6-1965 chiến dịch lùng và diệt địch (Search and Destroy) ra đời, trong những năm 1965, 1966, 67 CSBV bị tổn thất nặng trước hoả lực hùng hậu của không quân và pháo binh Mỹ, họ phải rút về những chiến khu hoặc bên kia biên giới. Cuối năm 1967 Tướng Wesmoreland cho biết tình hình VN khả quan, Mỹ có thể rút quân năm 1969 nhưng CS bất thần mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, đưa 100 tiểu đoàn, khoảng 84,000 người vào trận chiến. Sau ba tháng tấn công CS thiệt hại tổng cộng 58,372 cán binh, bị bắt toàn bộ 9,461 người chỉ còn 16,168 tên chạy thoát, chưa tới 20% quân số. Mặc dù bị thiệt hại nhiều trong những năm 1965, 66, 67.. nhưng họ rút vào hậu cần bên kia biên giới nghỉ dưỡng quân và đã có khả năng mở trận tấn công qui mô.

Không riêng gì các Tướng Tư lệnh Mỹ đã đưa kế hoạch đánh qua hậu cần CS bên kia biên giới mà Tướng Cao Văn Viên cũng đã phác hoạ một kế hoạch tương tự. Ông cho rằng CS luôn tôn sùng một nguyên lý: Tiếp liệu là phương diện quan trọng nhất của chiến trường, kết quả trận chiến thường được quyết định từ đó. Năm 1971 tổn thất hàng tuần của Mỹ là 50 người, VNCH 350 người, Cộng quân 2,500 người. BV cố gắng mở đường tiếp tế, Hoa Kỳ tìm cách cắt đứt.

Từ 1966 trong một buổi nói chuyện với nhiều sĩ quan cao cấp, ông Cao Văn Viên có đề cập tới một chiến lược để đối phó với tình hình gọi là Cô Lập gồm 7 điểm:

“1-Tách rời du kích ra khỏi dân để phá đi hạ tầng cơ sở của chúng.
2- Cô lập các đơn vị chủ lực và đơn vị địa phương để cả hai không tựa vào và tiếp ứng nhau để chúng ta có thể tiêu diệt dễ hơn.
3-Triệt tiêu các căn cứ hậu cần của địch trong lãnh thổ VNCH.
4-Triệt tiêu các căn cứ hậu cần của địch ỡ những nước lân cận.
5-Thiết lập một hàng rào chống xâm nhập dọc theo vĩ tuyến 17 từ Ðông Hà đến Savannakhet.
6-Cắt liên lạc giữa mặt trận và hậu cứ của CSBV ra làm hai bằng cách đổ bộ lên Vinh hay Hà Tĩnh.
7-Thành lập một liên minh các quốc gia gồm Thái Lan, Lào Căm Bốt và Việt Nam”
Những Ngày Cuối VNCH trang 287, 288

Ông Cao Văn Viên cũng đã nói tiếp tất cả 7 điểm của chiến lược kể trên phải được thực hiện cùng một lúc thì mới có hiệu quả mong muốn. Theo ông thời gian thuận tiện nhất là sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, lúc đó hạ tầng cơ sở Cộng Sản đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, các đơn vị chính qui bị đánh bật ra vùng biên giới. Trên thực tế không một kế hoạch nào trong chiến lược Cô lập kể trên được thực hiện.

Như đã nói trên trong nhựng năm 1965, 66, 67… Johnson-McNamara chỉ cho phép quân đội Mỹ và VNCH thực hiện những kế hoạch quân sự giới hạn. Chiến lược hạn chế có mục đích làm hao mòn lực lượng BV để họ sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ phải lên bàn hội nghị. Kế hoạch đánh hao mòn mà Hoa Kỳ đã áp dụng thành công Thế chiến thứ hai khiến cho Ðức, Nhật phải suy yếu đi tới chỗ kiệt quệ đầu hàng nhưng lại không đạt được mục tiêu trong chiến tranh Việt Nam. Như chúng ta đã thấy ở trên mặc dù bị tổn thất rất nhiều, BV vẫn gia tăng xâm nhập. Các nước Nam Hàn, Mã Lai đã đánh bại CS, họ thuận lợi hơn miền Nam vì là những bán đảo, địa hình thuận lợi cho những kế hoạch chống xâm nhập. Miền nam VN có trên 1500 cây số biên giới phía Tây đã cho CS có một hành lang xâm nhập dài vô tận.

Ngoài ra trang 292 cuốn sách nêu trên ông Cao Văn Viên cũng nói.

“Tấn công vào Vinh hay Hà Tĩnh có lẽ là giải pháp duy nhất để chặn đứng cuộc chiến tranh trường kỳ của CSBV nếu VNCH có thể thuyết phục thế giới thấy ý định của mình là chỉ chặn đứng sự xâm nhập của Cộng sản Hà Nội. Và nếu cuộc đổ bộ này được thực hiện, mục tiêu đổ bộ sẽ nằm trong khoảng trên vĩ tuyến 18 và dưới phía nam sông Cả một chút. Lực lượng tấn công sẽ đổ bộ gần Bến Thuỷ. Từ đó lực lượng đánh ngang qua đèo Keo Neua và đèo Mụ Già-cửa ngõ của đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Cuộc tấn công chỉ thành công khi lực lượng đổ bộ chiếm và giữ được đầu ngọn của con đường xâm nhập và chặn đứng mọi di chuyển vào Nam”

Tướng Wesmoreland và cả Tướng Viên ngoài việc lập hàng rào ngăn chận đã đề nghị đánh qua hậu cần BV bên kia biên giới với Miên, Lào hoặc phía trên vĩ tuyến 17 để dứt điểm hậu cần của CSBV và ngăn chận xâm nhập nhưng mọi kế hoạch đã không được chấp thuận. Mãi đến 1970, Tổng thống Nixon yểm trợ cho VNCH đánh qua Miên 1970 và sau đó qua Hạ lào 1971. Tại chiến trường Căm Bốt 1970, hậu cần của CSBV đã bị hủy diệt gần như hoàn toàn. Tháng 2-1971 hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào, theo Tướng Hoàng Lạc cả hai bên đều bị thiệt hại nặng , ông Cao Văn Viên nói nó đã chặn đứng kế hoạch phản công của BV tại vùng I, mặc dù không thành công mỹ mãn như cuộc hành quân qua Căm Bốt nhưng Hành quân Lam Sơn 719 đã phá hủy một số lớn quân nhu quân dụng ở vùng Tchepone, làm gián đoạn sự xâm nhập của CSBV vào Nam.

Tổng thống Nixon đã yểm trợ cho VNCH đánh vào hậu cần BV tại bên kia biên giới là một kế hoạch đúng chiến lược, đạt thắng lợi lớn về quân sự nhưng bị thất bại nặng về chính trị tại Mỹ, nó thúc đẩy phong trào phản chiến lên cao hơn. Ngày 4-5-1970 trong một cuộc biểu tình tại đại học Kent, Ohio 4 sinh viên phản chiến bị quân đội bắn chết, nhiều người khác bị thương khiến những người chống chiến tranh ngày càng quyết liệt. VNCH đã thắng trận nhưng thua cuộc chiến vì từ đó lập pháp dần dần trói tay hành pháp và buộc phải rút quân. Tổng thống Johnson có nhiều cơ hội thuận lợi, đã được quốc hội ủng hộ và cho tăng quân như đã thấy: năm 1965 quân số Mỹ tại miền Nam là 184 ngàn, năm 1966 lên 385 ngàn, năm 1967 là 485 ngàn, 1968 lên 536 ngàn đó là đỉnh cao của sự hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến. Mặc dù nhiều thuận lợi nhưng Johnson đã không đạt kết quả mong muốn, không giải quyết được cuộc chiến tranh Ðông Dương. Ông đã khiến cho số lính Mỹ tử trận ngày càng lên cao như đã nói ở trên và đã thúc đẩy phong trào chống chiến tranh lan rộng khắp nơi, cuộc chiến tại đất nhà lên cao phá hủy dần dần mọi nỗ lực chính trị quân sự Việt Mỹ .

Khi Nixon lên thay Johnson năm 1969 thì ông đã thừa hưởng tất cả những sự khó khăn do Johnson -McNamara để lại nhất là phong trào phản chiến lên cao điểm năm 1968 sau trận Mậu Thân. Nixon đã không được nhiều thuận lợi như Johnson, ông đã không được Quốc hội cho tăng quân mà phải đem lính về nước dần dần để thoả mãn đòi hỏi của phong trào chống đối. Năm 1969 rút về 61 ngàn người, năm 1970 rút 141 ngàn , năm 1971 rút 178 ngàn, năm 1972 rút 132 ngàn. Cuộc chiến tại đất nhà lên cao, Quốc hội trói tay hành pháp, năm 1972 Nixon bắt tay Trung Cộng tìm cách rút bỏ Ðông Dương một phần vì tranh cử, Lập pháp cắt viện trợ quân sự tối đa đưa tới sụp đổ nhanh chóng.

Trở lại bốn câu châm ngôn về chiến tranh của Ðại tá Hoàng Ngọc Lung, đã nói ở phần trên, nếu VNCH và Hoa Kỳ ở vào trường hợp thứ hai thì CSBV ở vào câu thứ ba.

“Khi chiến thuật sai nhưng chiến lược đúng, trận chiến có thể thua nhưng nhưng chiến tranh sẽ thắng”

Sau 1975 tại Việt Nam chúng tôi có được đọc cuốn “Nguyên Lý Căn Bản Của Chủ Nghĩa Lénine” do Staline viết, đây là một bài giảng tại viện đại học Véc Lốp.

Về quân sự Lenine đưa ra những nguyên tắc chính :

a- Con đường đã vạch ra là phải đi đến cùng.
b- Chủ động tấn công tiêu diệt địch.
c- Phòng ngự là con đường chết của vũ trang khởi nghĩa.
d- Ðã đánh là phải thắng bằng được, địch một thì ta năm, địch hai thì ta mười.

Người Cộng Sản theo rất sát những nguyên tắc của sư phụ đã đề ra, họ dai dẳng, lì lợm hy sinh nhân mạng tối đa để đạt chiến thắng.

Ngày 22-6-1941 Hitler mở chiến dịch Barbarossa đưa một lực lượng vĩ đại 180 Sư đoàn bộ binh và cơ giới, 70% lực lượng của Ðức tiến đánh miền Tây nước Nga. Mặc dù Nga đã biết trước qua một số tin tức nhưng Staline không tin và quân Ðức vẫn đạt yếu tố bất ngờ, vả lại vũ khí quân Nga lạc hậu nên đã bị Ðức đè bẹp ngay khi chiến dịch tiến hành. Từ tháng 6-1941 cho tới khi quân Ðức đã tiến sát Mạc Tư Khoa, trong gần nửa năm họ đã bắt được khoảng 3 triệu tù binh Nga. Các tài liệu cho biết Nga thiệt hại khoảng trên 200 sư đoàn, nếu chính phủ Nga không phải là Cộng Sản thì chắc đã đầu hàng, nhưng với với chính sách cứng rắn tàn bạo của Staline họ đã thắng trong cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Ðại này (The Great Patriotic War).

Tổn thất nhân mạng của Nga cao nhất thế giới trong thế chiến : Tài liệu Liên xô đưa ra con số khiêm tốn 20 triệu người (kể cả dân và lính), nhưng theo số thống kê trong cuốn phim tài liệu Anh-Mỹ “Second World War, Behind Closed Door” thì tổng số tổn thất của Nga lên tới 27 triệu người chiếm một nửa tổng số người chết trên thế giới trong cuộc thế chiến. Riêng trận Stalingrad kết thúc 2-2-1943 quân Nga bị thiệt mạng 500 ngàn người (nửa triệu) gấp 4 lần quân Ðức, nhiều hơn số tồn thất của Mỹ (400 ngàn) và gần gấp hai số tổn thất của Anh (270 ngàn) trong suốt cuộc Thế chiến thứ hai. Tài liệu trong phim cho biết những người lính Nga nếu tháo chạy sẽ bị bắn giết ngay, họ có tổ chức riêng những toán an ninh đằng sau các đơn vị để buộc binh sĩ phải chiến đấu đến chết. Cuối cùng họ đã trả giá chiến thắng bằng núi xương sông máu, đó là ý nghĩa của nguyên lý con đường đã vạch là phải đi tới cùng, đã đánh là phải thắng, địch một thì ta năm, địch hai ta mười. Ngoài ra CS luôn luôn ở thế chủ động tiến công, không hề thấy họ xây dựng công sự phòng thủ hay đào hào đắp lũy.

CSVN theo sát những nguyên tắc kể trên của sư phụ Lénine, đó là chiến lược chỉ đạo cho họ trong cuộc chiến, BV theo đúng con đường đã vạch, phải nuốt cho được miền Nam bằng mọi giá qua chiến lược Cố đấm ăn xôi lì lợm, họ đã thành công trong cuộc chiến tranh chống Pháp nay đem áp dụng lại trong cuộc chiến 1960-75. Theo con số thống kê của Hoa kỳ công bố sau ngày ký hiệp định Paris 27-1-1973, có 58 ngàn lính Mỹ tử trận, quân đội VNCH có khoảng 183 ngàn binh sĩ thiệt mạng, khoảng hơn một triệu cán binh BV và một trăm ngàn quân thuộc Mặt trận giải phóng chết trong suốt cuộc chiến. Năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm ngày đại thắng, Hà Nội đã công nhận họ đã bị tổn thất một triệu 100 ngàn người (Chiến Tranh VN Toàn Tập) trong cuộc chiến chống Mỹ. Như thế BV đã chấp nhận tỷ lệ 16 đổi một đối với Mỹ và 5 đổi một với VNCH để đổi chiến thắng, chiến lược cố đấm ăn xôi đã thành công dựa trên xương máu của hàng triệu cán binh, chỉ có CS mới làm được như vậy.

Trong suốt cuộc chiến quân đội BV không hề phòng thủ, họ luôn ở thế tấn công, BV có lợi thế lựa chọn chiến trường và tập trung lực lượng tối đa để đạt mục tiêu giống như chiến lược của Napoléon trong Chiến Tranh Và Hoà Bình (Guerre et Paix) của Léon Tolstoi, Napoléon có nói với một cận thần tại trận Borodino 1812 bên Nga:

“Ngươi có biết thế nào là nghệ thuật quân sự không? đó là mình mạnh hơn đối phương ở một lúc nào đó, chỉ có thế thôi”
(Savez–vous ce qu’est l’art de guerre? …C’est l’art d’être à un moment donnée plus fort que l’ennemi. Voilà tout).

Trong một bài viết về Vạn Lý Trường Thành của một tờ báo Reader’s Digest năm 1973, người ký giả kết luận lịch sử đã cho thấy phòng thủ là thất bại. Mặc dù biết yếu điểm của phòng thủ nhưng như đã nói ở trên VNCH phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Người bạn đồng minh không muốn tấn công qua biên giới và bên trên vĩ tuyến 17 vì sợ Trung Cộng sẽ vào tham chiến như tại Triều tiên mà cũng có thể họ muốn cù cưa kéo dài chiến tranh theo chỉ đạo của tài phiệt để buôn bán súng đạn làm giầu trên trận địa như nhiều giả thuyết đã nghi ngờ.

Từ cuộc chiến tranh chống Pháp 1946-1954, CS cũng đã chấp nhận đánh thí quân để yểm trợ phong trào chống chiến tranh tại Pháp khiến cho họ phải ghê sợ chiến tranh Ðông Dương tìm cách rút bỏ về nước. Nay CSBV lại theo đúng cái chiến lược cố đấm ăn xôi ấy, chấp nhận thiệt hại nhân mạng với tỷ số 16 đổi một để thúc đẩy phong trào phản chiến. Tuy nhiên nếu chính phủ Johnson, McNamara giải quyết nhanh gọn cuộc chiến bằng những cuộc tấn công đánh phá hậu cần BV bên kia biên giới như kế hoạch của Wesmoreland hoặc ngăn chận hữu hiệu sự xâm nhập của BV thì chiến lược Cố đấm ăn xôi sẽ bị vô hiệu hoá vì họ không thể hy vọng vào phong trào phản chiến, dẫu thí quân đến đâu cũng vô ích và phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị rút quân về Bắc, nhưng cơ hội ấy đã vuột khỏi tầm tay.

CS áp dụng chiến thuật du kích, bám vào dân như cá với nước, đợi lúc thuận lợi tập trung tiến công áp đảo nhờ số đông và yếu tố bất ngờ. Du kích chiến đã có từ thời xưa không phải do Mao Trạch Ðông hay Võ Nguyên Giáp nghĩ ra, trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, đoạn nói về cuộc truy kích quân Pháp trên đường tháo chạy về nước 1812 quân Nga áp dụng một chiến thuật mới: người lính phân tán, khi gặp địch mạnh thì chạy, tấn công khi có cơ hội, đó là du kích chiến. Chiến tranh du kích không theo qui luật chiến tranh qui ước, qui luật nói bên nào mạnh đông thì sẽ thắng. Quân Nga phân từng đội nhỏ vì tinh thần rất cao, đánh những đòn nặng vào Pháp. Những đội quân du kích đã tiệu diệt đạo quân lớn thành từng mảng, có đội trang bị cả pháo binh, có đội chỉ có kỵ binh.

Những năm 1959, 60, 61… VC dùng vũ khí bén nhọn dao găm, mã tấu, dần dần họ tiến lên vũ trang súng đạn và tới vũ khí cá nhân tối tân như AK, B-40 và sau cùng tiến tới vũ khí nặng như chiến xa, đại bác bắt đầu từ thập niên 70. Những năm 1960, 61, 62 họ áp dụng du kích chiến, từ giữa 1965 khi bộ đội chính qui xâm nhập miền Nam họ áp dụng cả du kích và qui ước và từ thập niên 70 BV được CS quốc tế viện trợ nhiều vũ khí tối tân xe tăng đại bác, hoả tiễn thì chủ yếu là qui ước, vả lại sau trận Mậu Thân Mặt Trận Giải Phóng bị thiệt hại rất nặng chỉ còn khoảng hai chục ngàn người.

Tiền pháo hậu xung là chiến thuật CS thường áp dụng ngoài mặt trận sự thực không phải do họ nghĩ ra mà đã có từ thời Napoléon, vị đại đế này đã thành công huy hoàng trước đây đó là tập trung nhiều đại bác pháo kích vào một địa điểm, cho trừ bị quân phá vỡ phòng tuyến địch, cuối cùng cho kỵ binh tiến đánh chiếm mục tiêu. Chiến thuật của CS như ta đã thấy không có gì mới lạ trong cuộc chiến 1959-1975, VNCH và đồng minh đã thắng được nhiều trận nhờ chiến thuật và ưu thế về hoả lực nhưng sau cùng thua cuộc vì chiến lược sai.

Nếu nói về sự thiệt hại nhân mạng thì tổn thất của BV + VC gấp năm (5) lần tổn thất của Mỹ + VNCH như vậy coi như phía VNCH và đồng minh thắng vì bên nào chết nhiều coi như thua. Nếu nói về lãnh thổ thì BV thắng vì họ cuối cùng đã chiếm được đất.

Trên đây cũng chỉ là lối nhìn, giải thích về nguyên nhân sự kết thúc của cuộc chiến tranh Quốc Cộng đã qua, cuộc chiến dài nhất thế kỷ này đã có nhiều lối nhìn khác nhau từ nhiều phía Mỹ, VNCH, CS Hà Nội… chưa hẳn lối nhìn nào đã đúng. Mọi sự giải thích về nguyên nhân, hậu quả cũng chỉ là tương đối.



Tài Liệu Tham Khảo.


Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà,Vietnambibliography, 2003.Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam.Ðoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.Staline: Nguyên Lý Căn Bản Của Chủ Nghĩa Lénine, in 1977, Sàigòn .Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.Văn Tiến Dũng: Ðại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HàNội 2005.Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1990.Léon Tolstoi: La Guerre et la Paix, Traduction nouvelle par Elisabeth Guertik, Préface de Brice Parain, Livre de poche, Paris 1963.Leo Tostoy: War And Peace, The Maude translation, W.W Norton & Company, New York-London, 1966Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman - General Editor, A Bison-book 1958.Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A History in documents, Oxford University Press 2002.Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Ðầu, Sài Gòn nhỏ-Dallas-28-4-2006.

Wednesday, November 25, 2009

Những ngày cuối cùng của TTHLKQ Nha Trang

* Khánh Hòa, những giờ cuối của cuộc chiến

Cũng như nhiều thành phố khác tại Quân khu 2 (Vùng 2), trong suốt thời gian từ cuối tháng 3 đến những ngày đầu tháng 4, Nha Trang không tránh được sự hỗn loạn, nhốn nháo. Trong ngày 2 tháng 4/1975, không có lực lượng nào có đủ sức duy trì trật tự cả an ninh trong thành phố. 

Theo tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên thì bộ tư lệnh Quân đoàn 2 vẫn tiếp tục hoạt động tại Nha Trang đến hết ngày 2/4/1975. Tuy nhiên theo hồi ký của Thiếu tá Phạm Huấn, sĩ quan báo chí của tư lệnh Quân đoàn 2, thì tối ngày 1/4/1975, Thiếu tướng Phú và một số sĩ quan đã ngủ lại tại bộ chỉ huy của một tiểu đoàn Địa phương quân phòng thủ căn cứ Không quân ở Phan Rang. Trong hai ngày đầu của tháng 4/1975, trận chiến đã diễn ra tại một số nơi trong địa phận tỉnh Khánh Hòa, CQ bắt đầu pháo kích vào một số doanh trại quân đội gần Nha Trang.

Rạng sáng ngày 3/4/1975, CQ tung quân tiến chiếm Nha Trang, 7 giờ sáng cùng ngày Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn nhận được báo cáo là CQ đã kiểm soát thành phố Nha Trang. Cùng thời gian này, thành phố Cam Ranh cũng bắt đầu di tản. Tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận (thị xã Phan Rang) nhốn nháo, công chức bỏ nhiệm sở, quân nhân các đơn vị Địa phương quân bỏ đơn vị đi tìm gia đình. Gần một nửa số tiểu đoàn Địa phương quân tỉnh Ninh Thuận đã bỏ vị trí phòng thủ. Tuy nhiên nhờ có các tiểu đoàn Dù đương phòng ngự gần Phan Rang nên CQ không mở được những cuộc tấn công vào thị xã này.


* Những giờ cuối cùng trên lãnh thổ Quân khu 2 của tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú


Những giờ cuối cùng của Thiếu tướng Phú tại Nha Trang đầy bi tráng. Trong nhật ký hành quân mang sang Mỹ được và được phổ biến trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Thiếu tá Phạm Huấn đã ghi một số sự kiện xảy ra cho vị tư lệnh Quân đoàn 2 với nội dung được tóm lược như sau:


5 giờ 50 chiều ngày 1/4/1975, Thiếu tướng Phú vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân ở Nha Trang, nhưng vị tư lệnh Sư đoàn này đi vắng. Ông phải ngồi ngồi đợi, 20 phút sau thì Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Không quân và Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân, bước vào. Lúc bấy giờ Tướng Phú ngồi ở chiếc ghế sát bàn của Tư lệnh của Sư đoàn 2 Không quân. Tướng Lượng và Tướng Oánh thấy Tướng Phú nhưng không chào hỏi và tới ngồi ở bàn khác đối diện. Thấy thái độ và cách xử sự khác thường của vị tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân, một trong 2 sư đoàn Không quân thống thuộc quyền điều động của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Thiếu tướng Phú hơi ngạc nhiên nhưng rồi ông chợt hiểu. Ông hỏi Chuẩn tướng Lượng:


- Có chuyện gì xảy ra?


Tướng Lượng không trả lời, mặt lầm lì. Còn Chuẩn tướng Oánh, với giọng từ tốn, lễ độ nói với Tướng Phú:


-Tôi muốn thưa với Thiếu tướng là tôi được chỉ định làm Tư lệnh Mặt trận Nha Trang, vì Quân đoàn 2 không còn nữa. Thiếu tướng Phú mặt biến sắc, hỏi dồn:


-Lệnh ai? Anh nhận lệnh ai?


Tướng Oánh vẫn điềm đạm, chậm rãi nói: Thưa Thiếu tướng, lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, của Trung tướng Đồng Văn Khuyên từ Sài Gòn.


Nghe Tướng Oánh trình bày, Tướng Phú cảm thấy danh dự bị tổn thương, vì theo tổ chức quân đội, người có quyền ra lệnh cho ông là Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, còn Trung tướng Khuyên là Tham mưu trưởng, không có quyền ra lệnh cho các Tư lệnh Quân đoàn, về vai vế và quyền hạn thì Tư lệnh Quân đoàn và Tư lệnh quân chủng chỉ xếp sau Tổng tham mưu trưởng.


18 giờ 40 Tướng Phú dùng điện thoại tại văn phòng Tướng Lượng để gọi về Sài Gòn gặp Trung tướng Khuyên. Ngay từ câu đầu tiên, Tướng Phú đã hét lên trong ống liên hợp:


-Trung tướng hỏi tôi đi đâu à? Tôi bay chỉ huy.


Sau một hồi tranh cãi, Tướng Phú nói lớn:

-Tôi là Tư lệnh Quân đoàn. Đi đâu, đó là quyền của tôi. Trung tướng Thuần (Chỉ huy trưởng trường Hạ sĩ quan) cùng đi trên máy bay chỉ huy của tôi mấy tiếng đồng hồ, nhưng tôi không cần trung tướng phải tin. Và tôi cũng không phải trình trung tướng.


19 giờ 45 phút cùng ngày, Tướng Phú ra trực thăng bay về Phan Rang. Khi ông vừa ngồi lên xe Jeep để ra bãi đậu trực thăng, thì một sự việc bất ngờ xảy ra. Một xe chở đầy lính và vũ khí phóng tới, một thiếu tá Không quân nhẩy xuống nói lớn:


-Tại sao, tại sao, các ông là tướng lại bỏ lính chạy. Ai phòng thủ căn cứ này.


Khi đó, Thiếu tá Huấn cùng đi với Tướng Phú, đã ngồi đè lên người Tướng Phú, và chĩa khẩu AR 18 về phía người sĩ quan này và nói: “Anh không được vô lễ. Tướng Tư lệnh Quân đoàn không có nhiệm vụ phải phòng thủ căn cứ Không quân”. 


Cuối cùng thì mọi việc êm xuôi, Tướng Phú hiểu được sự phẫn nộ của vị sĩ quan Không quân và những người lính đi cùng.


* Tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú bàn giao phần lãnh thổ còn lại cho bộ Tư lệnh Quân đoàn 3.


Đêm 1 tháng 4/1975, Tướng Phú nằm dưới chân núi, trên một cái giường bố, tại ban chỉ huy của một tiểu đoàn Địa phương quân Ninh Thuận, phòng thủ căn cứ Phan Rang. 


1 giờ 45 trưa ngày 2 tháng 1/1975, Tướng Phú bay đến ngọn đồi “Lầu Ông Hoàng” ở Phan Thiết chờ Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân đoàn 3, để thảo luận về việc bàn giao phần lãnh thổ còn lại của Quân đoàn 2 & Quân khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân đoàn 3. Theo kế hoạch, Quân đoàn 3 chính thức phụ trách tuyến Ninh Thuận-Bình Thuận từ ngày 3/4/1975. 

Vào giờ này, Bộ tham mưu của Thiếu tướng Phú chỉ còn lại Thiếu tá Vinh, chánh văn phòng; Thiếu tá Hóa, tùy viên; Thiếu tá Huấn, sĩ quan báo chí, và Đại tá Đức, quyền tư lệnh Sư đoàn 23 BB.


Đúng 2 giờ 12 phút chiều cùng ngày, Thiếu tá Hóa trình với Tướng Phú là trực thăng của Tướng Hiếu sắp đáp xuống. Khi Thiếu tá Hóa vừa quay gót, Thiếu tướng Phú rút khẩu súng ngắn ra khỏi vỏ, nhưng tiếng hét của Đại tá Đức vang lên: “Thiếu tướng!”, ngay sau đó, khẩu súng trên tay Tướng Phú bị Đại tá Đức gạt bắn xuống đất. 


Tướng Phú không chết trong ngày 2 tháng 4/1975, nhưng 28 ngày sau ông đã tự sát tại Sài Gòn.


Nguồn
https://vietbao.com/a8745/tuong-pham-van-phu-ngay-cuoi-tai-quan-khu-2
______________

Saturday, November 14, 2009

KINH BỎ MẸ


[Đăng ngày 16.09.2007 12:23 - Tác giả/Người đăng: Ban Quản trị Web site thkl]

Ta vốn dĩ là con chiên không ngoan đạo Nếu lỡ lên thiên đàng cũng chỉ vì em . Tôi đi đạo theo cái kiểu đó, nhưng khi bị vào hộp sau 30-4 vẫn bị kể là một thằng "Bốn có" của trại cải tạo , đó là : Có du học; Có phi pháo; Có Công giáo; Có Bắc Kỳ di cư .
Ba “có” đầu thì tôi không phàn nàn, nhưng ghép tôi vào tội Bắc Kỳ di cư thì quả là oan ơi ông địa . Vốn sanh đẻ ở Bình Dương, nhưng ngụ cư ở Cái Sắn với những người di cư năm 54, nên mấy đứa cùng lớp kêu anh em tôi là "thằng Nam" . Nhờ gần mực thì đen, gần đèn thì tối , nên mấy năm sau tôi chửi thề và nói tục bằng tiếng Bắc còn ngon hơn tụi nó nhiều.
Ngày thi tiểu học, cần có khai sinh để nộp đơn, má tôi dụ khị được hai ông Trùm Khờ của xứ đạo đi xuống toà Hoà Giải Rộng Quyền của tỉnh Kiên Giang mà thề rằng: Tôi đẻ ở tỉnh Bùi Chu ngoài Bắc . Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành thằng Bắc Kỳ di cư với tờ Thế Vì Khai Sanh ghi sinh quán là làng Địch Giáo, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Bùi Chu. …
Khi lên học trên Sài Gòn, mấy thằng Nam Kỳ Quốc muốn chọc quê tôi, cứ chờ khi có mặt mấy đứa con gái, giả làm một ông già hút thuốc lào rồi nói: - Thuốc lào Cái Sắn! Say! Đó là câu quảng cáo mà ta hay thấy ở chợ Ông Tạ hay đầu ngõ vào xứ Bùi Phát đường Trương Minh Giảng . Có khi tụi nó còn hợp ca: - Từ Bắc vô Namtay cầm bó rau Còn tay kia , ta dắt con cầy . Những lúc đó tôi cầu trời khấn Phật cho mấy thằng giá sống kia thi rớt để vô Quang Trung cho đáng đời. …
Sau bao nhiêu năm quân ngũ với bao lần sưu tra lý lịch , tôi vẫn yên trí rằng mình sinh ở tỉnh Bùi Chu . Mãi cho đến ngày xập tiệm, có một anh Bắc kỳ chính hiệu Bà Lang Trọc cho tôi biết là ở ngoài Bắc làm gì có tỉnh Bùi Chu, Giáo Phận Bùi Chu thì có. Tôi thắc mắc: Bùi Chu là Giáo phận hay họ đạo nhỏ bé là thế mà sao đi đâu cũng thấy địa danh dính dáng tới nó ?? Tôi ở xứ Tân Chu, bên kia sông là Tân Bùi, bác tôi ở trên Bùi Phát SG, ở gần Nghĩa trang QĐ Biên Hoà còn có Bùi Thái nữa.
Người Bắc Bùi Chu đặt tên ngộ lắm : Ông Bứa có thằng em là ông Bỉnh, hai thằng con ông là thằng Vênh, thằng Váo. Kêu tên cả gia đình ông ra thì dân anh chị nghe cũng phải phát rét. Ông anh rể tôi tên là Yêm, anh ông tên là Uông, Bố tên Am, tên cả nhà: Am Uông Yêm nghe cứ như bản nhạc ếch nhái kêu ngày mưa đầu mùa dưới ruộng vậy.
Ngôn ngữ người di cư hồi đó cũng khó hiểu: Cái thước thăng bằng của thợ nề họ kêu là cái Li-vô (level), cái gào mên ăn cơm của lính họ gọi là cái Lập-là (plate): Tôi vào khoá 69A Hoa tiêu thì họ gọi là Lái Phi Công!!!… Gần nhà tôi có ông hàng xóm tốt bụng nhưng coi bộ ông ganh với má tôi lắm, chỉ vì bà là đàn bà goá mà dám có đứa con "Bay được lên giời". Thỉnh thoảng để tự an ủi hay để an phận, ông thở dài nói:
- Bay lên giời! Kinh bỏ mẹ!…
Nếu có ai hỏi tôi bay bổng ra sao, tôi thường cười rồi lập lại câu nói ngày xưa của ông: Kinh bỏ mẹ.
Thực ra đời bay bổng, kể cả đi bay lẫn đi máy bay có những cái vui, nhưng cũng có những nỗi lo sợ ít ai chối cãi được. Tính tôi nhát cáy, mà sao ông trời cứ cho tôi gặp những sự bủn rủn tay chân. Hôm chở ông Tư lịnh Sư đoàn từ Tân Uyên sang Lai Khê họp, mới qua khoảng Bố Lá thì trần mây thấp quá nên phi cơ chỉ bay cao khoảng 1000 bộ, đạn VC nổ như bắp rang dọc theo một tuyến thật dài cả cây số. Ngài Tư Lịnh hoảng quá vội lấy tấm bản đồ hành quân che lên mặt để .. tránh đạn! Thử hỏi gặp cảnh như thế bố thằng nào lại không sợ. Nhất là khi đáp xuống Lai Khê kiểm lại: Thân tàu lãnh hơn 10 lỗ đạn.
Đi hành quân Kampuchia, gồm 1 C&C, 2 gunships, và 4 slicks khởi hành từ Biên Hoà trực chỉ Tây Ninh. Ông C&C muốn dẫn bầy rồng rồng đi le gái nên dõng dạc ra lệnh: - Bay theo quốc lộ cho an toàn. Một hợp đoàn gồm bảy chiếc bay rà rà sát mặt đường, thỉnh thoảng lơ xe đò nhìn lên có vẻ ngưỡng mộ lắm. Ngang Trảng Bàng, chiếc Lead la lên:
-Sương mù nhiều quá . Ê ! C&C làm sao bây giờ ??
-Lead cứ bay tới; Thằng một quẹo trái; Thằng hai quẹo phải; Trail bốc lên cao. Gunships bay sau la hoảng:
-Tụi tao kè hai bên, thằng nào quẹo, tao húc !!
Tôi bay trail (Chiếc cuối cùng) nghe thế hồn phi phách tán, bèn bốc tít lên tận trời xanh, mặc cho sương mù dầy đặc… Khoảng hai phút sau, văng ra được một lỗ mây, to hơn cái dạng háng của thím Tư Nãi, mừng thầm. Bỗng thấy một chiếc UH từ cụm mây bên kia bay cái vèo bên hông và lủi tuốt vào vùng mây khói âm u. Trong cảnh này có ai dám nói là mình không sợ ?? Thằng Xạ thủ đái ra chiếc "Phi bào" sau khi kêu được một câu:
-Chúa ơi! Nhờ vận số hên, (Hồi đó tôi cứ tưởng là do tài bay bổng của mình) bốn Tề Thiên tụi tôi cũng đằng vân lên được bên trên mây, có điều không thằng nào đoán nổi là núi Bà Đen nó nằm ở chỗ nào phía dưới. Sợ cảnh "Đi không ai tìm xác rơi" nên chiếc UH cứ bay vòng vòng trên mây hoài. Khốn nỗi là xăng có hạn, làm sao bây giờ? Chúa ơi! Nếu có thiêng thì cho người đi kiếm xác bọn con, trước sau gì con cũng phải đục mây chui xuống . Tôi chuẩn bị làm một kỳ công tối kỵ của ngành phi hành: Chui mây! ...
Có lẽ lời cầu được Chúa thông cảm vì: Dù sao thì chúa cũng Một thời làm trai tơ Dù sao thì chúa cũng Là đàn ông dại khờ (Thơ trích) Sau một hồi vật lộn với mây, bọn tôi cũng xuống được đất an toàn. Thằng Xạ thủ nói:
-Vợ em nó bảo Giời vật em cũng không chết. Thiêng thật!
Những chuyện như thế, không gọi là sợ thì gọi là gì?
****
Sang Mỹ, mỗi lần có dịp đi máy bay, tôi hay lén nhìn ra phi đạo xem chiếc phi cơ chở mình có mở nắp ca bô lên không, vì theo kinh nghiệm ngoài xa lộ , cứ chiếc nào có cái hood mở lên là y như rằng chết máy.
Đúng ra mấy hãng máy bay Mỹ, nếu thấy phi cơ không đủ tiêu chuẩn cất cánh thì cũng nên lôi vào chỗ kín kín mà sửa, đừng để cho khách thấy, nếu sợ tốn thì giờ thì cứ bay đại đi rồi tính sau.
Chuyện bay đại ở VN thì Kỹ Thuật KQ làm là thường. Tôi nhớ có lần hành quân ở Chơn Thành, cái đèn Chip Detector báo đỏ, phải gọi Kỹ Thuật Biên Hoà lên sửa, ông Thượng Sĩ già ung dung trèo lên phòng lái, nhẹ nhàng rút chiếc cầu chì ra cho đèn tắt rồi bảo:
-Trung uý cứ bay về đi.
Tôi cự lại, thì ông nói máy bay này chỉ bị mát, chứ không có hư và ông sẽ leo lên bay về chung với tôi. Ông ta còn giải thích:
-Điện có mát thì chỉ cháy thôi, chứ không nổ trên trời như khi có mạt sắt trong máy.
Về VN năm nào, nhớ lại nghề bay bổng nên cứ mỗi lần nhìn thấy phi cơ trên trời là lòng tôi lại thấy nao nao . Tôi hỏi thằng em ruột:
-Rạch Giá đi Sài Gòn, thuê xe hơn hay mua vé máy bay hơn?…
-Máy bay hết 45 phút, xe chạy hết bốn tiếng, tiền thuê xe bằng tiền mua vé máy bay.
Tôi quyết định đi máy bay của Nga cho biết với người ta. Sáng thứ tư tôi chuẩn bị cho thằng em đưa ra phi trường Rạch Sỏi để đi Sài Gòn, nó nói:
-Không biết hôm nay có máy bay không?
-Sao mày nói nó bay mỗi thứ tư và thứ bảy?
-Ừ, đó là chương trình, còn nó bay hay không thì chưa biết.
Chờ ở phi trường chừng nửa tiếng thì chiếc phi cơ khá lớn đáp xuống phi đạo. Tôi làm thủ tục lên tàu, vé mang số 5 ở tuốt hàng đầu, thiên hạ chen nhau lên trước nên khi tôi lên đến nơi thì không còn chỗ. Cô tiếp viên nói gia đình họ đi có đoàn. Tôi đành nhường chỗ và theo cô xuống phía dưới.
Cô khá xinh, chỉ cho tôi vịn vào chiếc cột nhôm gần đuôi chiếc máy bay để cô xếp chỗ. Một lúc sau viên phi công hầm hầm đi xuống từ phòng lái, cự nự:
-Các cô làm ăn thế này thì chết cả lũ.
Một cô mặc áo màu xanh, nhân viên phòng vé dưới đất (hồi xưa Tiếp viên Hàng không đi bay thì mặc áo màu xanh, còn bây giờ họ lại đổi màu hồng) năn nỉ:
-Anh Ba thông cảm cho em chuyến này, chuyến sau em làm tốt hơn.
-Chuyến sau! Chuyến sau! Quá tải có ngày chết cả lũ.
Viên phi công hậm hực trở lên phòng lái, chiếc phi cơ gầm lên lao nhanh trên phi đạo rồi rời khỏi mặt đất. Tôi nhìn qua cửa máy bay, sống lại cảm giác hồi mình còn ở trong Không Quân, bay liên lạc đáp xuống phi trường Rạch Sỏi này. Có khác chăng là ngày xưa thì ngồi, còn bây giờ thì đứng ôm chiếc cột trong thân tàu.
Chuyện phi cơ quá tải ở VN là thường, tôi đã từng chở 18 người từ An Lộc về Lai Khê, trong khi UH chỉ có 9 chỗ ngồi mà có sao đâu.
Phi cơ không về SG ngay mà lại ra Phú Quốc. Lỗi này là tại tôi không đọc kỹ vé. Hàng Không Dân Dụng có ghi rõ tuyến đường là: HCM- Phú Quốc- Rạch Giá- Phú Quốc- HCM. Có nghĩa là máy bay từ SG ra tới Phú Quốc đổ khách, bốc khách về Rạch Giá, đưa khách từ Rạch Giá ra Phú Quốc rồi mới vòng về SG. Không đọc kỹ vé thì không kêu ca vào đâu được. Có điều bay từ Rạch Giá ra Phú Quốc thì được free , cho dù là đứng hay ngồi.
Tôi cũng chẳng phàn nàn gì về cái ghế trên phi cơ, vì cô tiếp viên cũng ôm chặt cái cột khi máy bay cất cánh như tôi. Tôi hỏi:
-Cô bay tuyến này khá không?
-Chả có gì đâu anh ạ, bay tuyến quốc ngoại mới ăn, nhưng đỡ hơn bay tuyến ngoài Bắc.
-Sao thế ??
-Tuyến ngoài Bắc khách cứng đầu lắm, nói thế nào cũng chẳng chịu nghe.
Cô ta làm tôi nhớ tới một ông "Bắc Kỳ Di Cư", y hệt tôi đi trên chuyến Hồng Kông - Sài gòn trước đây một tuần. Trời SG tháng bảy nóng như đổ lửa mà ông mặc bộ com lê đầy đủ. Khi chuyển máy bay ở Hồng Kông, ông ngồi lộn ghế, tiếp viên năn nỉ thế nào cũng không chịu đứng lên, cuối cùng cô tiếp viên đành chào thua để ông ngồi lỳ ở đó. Lát sau ông quay qua phía tôi phân bua:
-Cứ tưởng ông như nhà quê mà bắt nạt. Mẹ, ông mua vé thì ông muốn ngồi đâu ông ngồi chứ!
Tôi hy vọng ra đến Phú Quốc sẽ có chỗ ngồi, tôi lại lầm vì có lẽ VN đang trên đà đổi mới nên làm ăn khấm khá, tuyến nào cũng đầy khách.
Tôi lại đành làm anh hùng đứng ôm cột với cô tiếp viên như khi còn nhỏ chơi Thả Đỉa Ba Ba vậy.
Khi phi cơ trở ra cuối phi đạo để cất cánh, tôi dòm ra thấy có hai viên công an chạy hai chiếc Honda kề bên hông nên hỏi:
-Họ làm gì vậy?
Cô giải thích:
-Họ chạy theo để chặn bò. Đôi khi phi cơ cất cánh, mà bò chạy ra trên phi đạo thì cũng có ... vấn đề đấy.
Tôi hỏi bò của ai mà vào được cả trong phi trường , cô trả lời không biết, chắc là của Công an!!!
Khi đáp xuống Tân Sơn Nhứt tôi mới khám phá ra một sự lạ nữa, là không phải chỉ có tôi và cô tiếp viên không có ghế, mà ở tuốt trên hàng ghế đầu, đặt nằm dưới sàn có một cái băng ca, trên đó nằm đưỡn đừ một bênh nhân đang thiêm thiếp. Có lẽ ông này được khiêng lên ở Phú Quốc lúc tôi ngồi trong phòng đợi.
Người ta khiêng ông xuống và chiếc băng ca được đặt nằm trên mặt đất ngoài phi đạo thi gan cùng nắng gió và bụi, hình như chờ xe thuê bao đến chở đi nhà thương.
Vị chi chuyến này có ba người ngồi ghế SÚP, y hệt lơ xe đò ngày xưa ráng nhét hành khách vào giữa hai hàng ghế !!
Tôi rời nhà lúc 7g sáng, phi cơ đáp Tân Sơn Nhứt khoảng 12g trưa, vậy là khoảng 5 tiếng đồng hồ. Lâu hơn đi xe, có điều là được đi một đoạn miễn phí và học hỏi được đôi điều thú vị.
Mấy hôm sau, gặp lại thằng em ở SG, nó hỏi:
-Anh đi máy bay Nga có sướng không?
Tôi mỉm cười như mếu:
-Kinh bỏ mẹ.
Phương Toàn

Buồn Vui Huấn Nhục


Kính tặng các niên trưởng của trại Ngân Hà đã dậy các khóa đàn em nhận xét và đối phó với những gian khổ trên đời.
Cùng kính tặng những người lính VNCH để nhớ lại những ngày đầu vào lính.


***

Tôi vào Không Quân trong cái lo âu của mẹ già. Nhưng trong không khí chiến tranh của cả nước, giặc Cộng nổi lên đánh phá khắp nơi, làm thân trai với lòng yêu nước nhiệt thành, đã được hun đúc bởi bao nhiêu công lao dậy dỗ của các thầy cô trong những năm cắp sách, tôi không thể ngoảnh mặt quay lưng với những đau thương quằn quại của cả một dân tộc. Nếu muốn, thì với cái vốn „con trai độc nhất còn lại trong gia đình“, tôi có thể ở nhà, lang thang qua lại trong các trường đại học sống lây lất qua ngày! Hay là theo bọn Huỳnh Tấn Mẫm, Lê văn Nuôi đi biểu tình chống chính phủ. Nhưng tôi đã chọn con đường mà biết bao thệ hệ ông cha, trai hùng nước Việt đã chọn khi tổ quốc lâm nguy.
Hai lần đưa đơn lên Đà Lạt không có hồi âm, tôi vào Không quân.
Sau khi trải qua bao lo âu hồi hộp trong những kỳ khám sức khỏe, tôi được tuyển vào đợt đầu tiên, đợt „ngon lành nhất“.

Vào trại khóa sinh ở Tân Sơn Nhất chờ ngày ra Nha Trang, chúng tôi tập đi đứng như một người lính...(Sau này ra Nha Trang tôi mới thấy đi một hai kiểu Tân Sơn Nhất là đi kiểu lính dởm!) Tôi dại khờ tự nhủ: „đi lính vậy mà có người than khổ“. Ăn thì xếp hàng thứ tự vào nhà ăn, cơm dọn sẵn có cá chiên có canh, cơm trắng. Tôi nghe ai đó nói là cá mối chiên nên tôi lợm. Nghe đến tiếng „mối“ là thấy nhợn quá rồi. Mẹ tôi vào thăm qua ngả trại Hoàng Hoa Thám, gặp tôi cứ xoa xoa nắn nắn: „Trời ơi, mới có mấy ngày mà sao con gầy đét như thế nầy...“
Ba chuyến C-130 chở bọn tôi hăm hở ra Nha Trang học lái máy bay! Tôi đi chuyến thứ hai. Lần đầu tiên trong đời được đi máy bay, thấy cũng thích mà cũng ớn. Ngồi trong lòng máy bay cứ mơ tưởng đến cái đẹp Nha Trang của miền Thùy Dương cát trắng trong sách vở mà lòng háo hức không thôi. Cảnh đẹp với những hàng dừa, phi lao, bãi cát trắng, trong bộ ka-ki vàng dạo phố, bộ đồ bay oai phong lẫm liệt như mấy ông pi-lốt thường thấy trong xi-nê, sách báo... Mình sắp ngon lành rồi...
Máy bay hạ cánh.
Ái dà, Nha Trang với gió biển sao mà nóng quá vậy. Khô quá. Toàn cát là cát. Phi lao phi liếc gì đâu sao không thấy. Núi cao vời vợi. Hàng rào kẽm gai. Vỉ sắt lót đường. Sao không thấy gì hấp dẫn hết vậy ta?
Sao không thấy ai đem đồ bay phát cho mình vậy? Đứa nào đứa nấy mặc đồ treidi xanh coi „dởm“ quá. Ông hạ sĩ quan hướng dẫn bọn tôi đang đứng ngóng chờ ai đó với sắp giấy trong tay. Trời Nha Trang với miền thùy dương cát trắng gì mà sao khủng khiếp thế này.
Mồ hôi bắt đầu lấm tấm. A! May quá. Có hai người mặc ka-ki vàng đi tới. A! Sinh viên Sĩ quan. Có đứa trong bọn tôi cười chỉ chỉ.
Một ông ka-ki vàng hùng hổ sấn tới:
- Ông cười tôi cái gì?
Cả bọn xính vính: „Sao bất lịch sự quá. Ngang tàng quá. Ma cũ bắt nạt ma mới đây mà“.
- Mấy ông đi đâu đây?
- Dạ ...chúng tôi đi ra quân trường...
Chưa dứt lời „hắn“ đã chận họng:
- Mấy ông là đàn bà đi chợ chứ đi quân trường cái gì... Như một đàn vịt ngoài chợ. Quân trường này không chấp nhận những người như các ông.
Thêm mấy ông ka-ki vàng tới nữa. Mặt ông nào cũng đằng đằng sát khí. Lườm lườm, kênh kênh, giận dữ, mắng mỏ. Không khí bất chợt trở nên cực kỳ ngộp thở.
- Ông tên gì?
- Dạ tên...
Bỗng... Ông ka-ki vàng quát lên một tiếng long trời:
- Dạ cái gì? Quân đội mà dạ hả? Không có dạ ai hết... Nghe chưa?
Thằng đàn em run rẩy, lí nhí:
- Dạ nghe...
Đây là còn ở phòng khách của phi trường Nha Trang. Bao nhiêu cặp mắt của đàn ông, đàn bà, con nit, người lớn, thanh niên thiếu nữ đổ dồn về nhìn chúng tôi ngạc nhiên. Quê quá. Quê quá!
- Lại dạ nữa... Ông bước ra khỏi hàng cho tôi.
Thằng em tội nghiệp lếch thếch vác cái túi đồ nặng chình chịch đi theo ông ka-ki. Rất là vô lý và ngang ngược, ông ka.ki đứng đối diện với con ma mới:
- Ông thích dạ lắm phải hôn? Ra đứng đằng kia. Dạ đủ cho tôi một trăm tiếng.
Thằng em chạy ra xa, mắc cỡ ngó đám khán giả, ngại ngần.
- Ông chống đối phải không?
- Dạ, dạ, dạ, dạ...
Tiếng dạ „vang lừng“ trời đất. Tôi liếc thấy mấy đứa con gái đang che miệng cười ngặt nghẹo. Quê ơi là quê! Bỗng...có tiếng nạt bên tay:
- Ông ngó cái gì? Bò ra khỏi hàng, hít đất cho tôi một trăm cái.
Tôi chới với, lừng khừng một chút:
- Thưa huynh trưởng, tôi...
Nạt nộ lấn át:
- Huynh trưởng cái gì? Bộ ở đây là Thủ Đức hả? Hay là Hướng Đạo? Ông muốn chống đối phải không?
Tôi tiu ngỉu, ngoan ngoãn bò ra khỏi hàng nằm chống hai tay xuống hít lên hít xuống. Thằng đứng kế tôi được một ka-ki khác hỏi thăm:
- Ông có cái băng vải đỏ với bốn chữ SVSQ là nghĩa gì vậy?
- Dạ... là Sinh viên Sĩ quan...
- À! Sinh viên Sĩ quan. Có nghĩa là ông bằng cấp bực với tôi phải không? Ngon. Ông có giấy tờ chứng nhận là Sinh viên Sĩ quan không?
- Dạ..dạ... không.
Bỗng ông ka-ki vàng gào lên:
- Ông muốn chết như những khóa trước ông phải không? Vậy thì ông cứ dạ hoài đi... Không quân mà khúm núm như ông thì chết rồi. Ông có giấy gì chứng nhận là Sinh viên Sĩ quan không?
Có lời nói to:
- Không.
- Ủa! Vậy là ông giả mạo Sinh viên Sĩ quan ra đây phải không?
Cả bọn chúng tôi ngơ ngác chẳng biết mô tê gì hết. Bỗng một ông có vẻ là trưởng toán đứng ở đầu hàng quân nói lớn:
- Các ông xưng là SVSQ ra đây để hù dọa chúng tôi? Không ai gắn an-pha cho các ông. Không ai có lấy một giấy tờ gì để chứng nhận. Tôi cho các ông 30 giây để xé cái băng SVSQ giả mạo xuống. Một, hai, ba...
Cả đám nhốn nháo đưa tay xé, bứt... mà làm sao bứt được cái băng vải may thật kỹ phía trên nắp túi. Giờ ngồi nghĩ lại thấy mình sao ngu quá: tự nhiên mấy người trời ơi đất hỡi nó đến „phạt“ mình... rồi cái mình hùng hục làn theo vậy à!
Tiếng đếm vẫn lạnh lùng, khô khốc: „ chín, mười, mười một...“
Thế là cả bọn tôi nhào vào, thằng nầy cắn cho thằng kia. Cả đám khán giả ở ngoài xem vở „bi...hùng kịch“ chắc là ...thích lắm.
- Để trừng phạt cái tội giả mạo, chúng tôi cho các ông một ân huệ là hít đất 100 cái đúng thế. Bất cứ ai ma giáo, cả hàng sẽ phải làm lại từ đầu.
Những tiếng thét gào lại vang ầm lên như cố tình lấy oai với đám khán giả bất đắc dĩ ở phòng chờ đợi máy bay. Cả bọn chúng tôi bò nhoài ra. Cát bụi tung mù lên.
Một, hai, ba...mười, hai chục, ba chục... Má tôi mà gặp cảnh như vầy chắc bả lấy đòn gánh khện mấy ông ka-ki vàng nầy chết quá.
Mồ hôi đã nhễ nhạ. Cũng gần 80 cái rồi. Trời nắng chang chang, gay gắt đổ lửa. Miệng lưỡi khô rát. Bỗng có tiếng quát tháo:
- Có người ma giáo. Ông kia bước ra khỏi hàng. Bước ra mau. Mau. Nãy giờ nằm yên không lên xuống gì hết. Bỏ...bỏ... Đếm lại... một, hai, ba, bốn... Ông kia nữa bước ra khỏi hàng. Tử tế, thấy các ông mệt mỏi, cho các ông khuây khỏa các ông không muốn. Các ông lại giở trò ma giáo với khóa đàn anh.
Tôi nghĩ thầm:
- À! Thì ra là khóa đàn anh đây. À! Thì ra đây là huấn nhục đây mà. Cũng chưa sao.
Hít. Hít. Hít. Cả bọn tôi sau vài lần đếm tới đếm lui, đếm qua đếm lại rất là „bất nhân“ của các ông „anh“, đã xơ xác tiều tụy thê lương lắm lắm rồi. Tiêu điều thấy rõ. Tôi thấy đã bắt đầu hơi... chán lính. Nhớ mẹ quá. Ai bảo? Cũng tại không nghe lời mẹ ở lại Sài Gòn đi học đại học!

tiếp...
Thuyduong
Administrator

Hai chiếc GMC xịch đến. Hai chiếc xe buýt dân sự cũng chạy đến chở đám hành khách Air Viêt Nam.
- Các ông có 15 giây để lên xe. Ông nào lè phè ờ lại sẽ bị hành xác tối đa.
Cả bọn ùa lên xe nháo nhào. Đứa nào đứa nấy mặt cắt không còn hột máu. Tôi ước ao chạy đến chiếc xe dân sự về lại Sai Gòn sống với... má! Xe GMC đến một cái sân nhỏ có tượng đại bàng xòe cánh.


"Kiến vàng tàn sát... kiến đen"

- Trong 15 giây các ông phải tập họp trước tượng đại bàng. Xuống! Xuống! Lẹ lên.
Có tiếng gào:
- Mau lên. Dòm cái gì. Biết chạy không?
Cả một bầy ka-ki vàng nhốn nháo lăng xăng rầm rập gào hét khắp nơi y như một bầy kiến lửa bao vây xâu xé một bầy kiến đen bất hạnh đang co rúm người lại, rách bươm.
- Các tân khóa sinh quỳ xuống. Chúng tôi trước mặt Đại bàng... xin thề.
-...Toàn thể khóa sinh... Xin thề, xin thề.


Tôi chẳng biết mấy ông nội nói cái gì. Thấy đưa tay thì cũng đưa lên đưa xuống. Khát nước quá, mệt muốn lả ra rồi. Cát trắng Nha Trang khô khan nóng bỏng. Bên kia chắc là câu lạc bộ, vài người đang đưa ly nước đá lên uống. Ôi chao! Sao mà đã quá. Chắc là nước đá chanh đường. Bọn tôi vẫn thở hồng hộc, chỉ khác con chó là không có le lưỡi ra mà thôi. Mặt trời vẫn như đổ lửa xuống những con người khốn khổ dám mơ mộng đòi lái máy bay.
Xe tiếp tục đến trại.
- Nhanh lên. Nhanh lên. Sao các ông giống mấy bà già quá.
Vào đến nơi thấy mấy đứa đi chuyến bay trước đang lảo đảo chạy vòng quanh chào trại. Bọn tôi bị lùa vào chung một mẻ, vác cái túi nặng đựng quân trang trên vai nối theo dòng người, cùng nhau tơi tả. Cứ lếch thếch chạy như những người điên. Cái nắng, cái khô, cái mệt cùng ập vào ngững người „dại dột“. Những bước chân bắt đầu xiêu vẹo dần và từ từ gục ngã trên đám cát trắng của ... miền Thùy Dương!! Vài đứa đã bắt đầu lật ngửa lật nghiêng chổng gọng. Vài ông đàn anh có vẻ nóng nẩy co chân đá vào cái túi quân trang. Té sấp lủi vào cát nóng bừng bừng. Có tiếng đàn anh hô to khoan khoái:

- Có hai người chết rồi. Niên trưởng ơi, có người chết rồi. Hết thở rồi... Đem lên núi chôn đi...
- Khoan. Cho nó phủ lá cờ rồi hãy chôn.
Bốn đứa được chỉ định khiên hai xác...“chết“ đem đi chôn. Một giọng nói lạnh lùng:
- Lột áo ra.
Hai chiếc áo được cởi ra. Hai đứa nữa được tăng cường để khiên lên hai xác một lượt.
- Để nằm lên vỉ sắt kia. Một lát nửa chôn cũng được.
Vừa được đặt nằm lên vỉ sắt, Bỗng hai xác chết bật dậy nhăn nhó oằn oại. Cái vỉ sắt có ba hàng song lót cho xe chạy, nằm tênh hênh giữa bãi cát dưới ánh nắng thiêu đốt của quân trường Nha Trang đã trở thành một cái “vỉ nướng”.
Hai xác chết “hồi dương” nhìn gương mặt lạnh lùng cô hồn của ông đàn anh đang nhìn chằm chằm, kênh xì-po. Biết thân biết phận hai thằng lại lủi thủi chạy. Ba ngày sau, trên lưng mỗi đứa đều hiện rõ ba sọc ngang của lá cờ, rát bỏng.
Mèo vờn chuột một lúc rồi cũng phải chán.
Vào nhà nghỉ lại phải chịu một đòn cân não.
- Các ông mà lái máy bay cái gì. Chạy mới có mấy vòng đã xỉu lên xỉu xuống. Chúng tôi được lệnh phải loại sức khỏe khóa nầy 50%. Ai chịu không nổi sẽ loại ra khỏi Không Quân. Ê! Ông kia còn muốn lái nữa không?
Thằng nào thằn nấy bắt đầu chua chát. Mấy ông kẹ bắt đầu có vẻ dễ chịu hơn, có ông cười cười. Vừa vặn được năm mười phút. Bỗng bọn hắn “trở mặt” thật lẹ. Một ông kẹ bỗng “kiếm chuyện” quát lên:
- Ra sân! Ra sân! Các ông là những con người lêu lổng. Tôi về Sài Gòn đi phép gặp các ông tóc dài tóc ngắn, đi với đào nắm tay nắm chân. Gặp tôi không biết đàn anh đàn em. Chưa ra quân trường mà dám móc an-pha đi dạo phố Sài Gòn. Yêu cầu mấy ông tập họp ra sân làm 100 cái hít đất.
Đến màn khám xét vật dụng lại có một trận cười ra nước mắt. Một tên có đem theo hộp sửa. Bắt phải khui ra. Vừa chạy từ đầu trại đến cuối trại, vừu nút hộp sửa vừa la to cho mọi người cùng nghe:
- Tôi đi Không Quân mà chưa bỏ bú. Tôi chưa bỏ bú mà đòi đi Không Quân…Tôi đi Không Quân mà…
Rồi liên tục bị quần thảo, bị hành xác từ sáng tinh mơ 4, 5 giờ đến 11, 12 giờ đêm là thường. Vào nhà ăn phải bò, phải lết, phải quỳ… Đang ăn mà chạm nhẹ cái muỗng lên mâm là cả ba bốn ông đàn anh đến hỏi thăm:
- Ông ăn kiểu chợ Cầu Muối hay Cầu Ông Lãnh? Tư cách SVSQ là như vậy hả? Bỏ mâm cơm xuống, bước ra khỏi hàng. Móc chân lên cửa sổ, chống hai tay xuống đất. Cầm cái muỗng ăn cũng không nên thân.
- Ông kia nhảy cóc chung quanh nhà ăn cho đến khi nào được lệnh mới vô.
Có thằng tủi thân khóc sướt mướt, lấy nước mắt chan cơm. Có thằng lóc cóc vừa nhảy vừa sụt sịt.
Tối phải cầm súng thay ca gác cho đàn anh ngon giấc. Cơm phải thay phiên dọn sẵn, chờ các “quan” ăn xong mới được vào ăn. Phòng tắm, nhà cầu phải sạch sẽ cho các “ngài” xử dụng. Đang ngủ tơ lơ mơ 1, 2 giờ sáng lại bị dựng đầu dậy ra sân tập họp phạt vì… ngủ ngáy lớn quá. Đang mắc mùng đi ngủ thì bị lôi ra phạt nhễ nhại mồ hôi vì tội dám… đem muỗi ờ Sài Gòn ra đốt khóa đàn anh! Đàn anh đi ngang chưa kịp chào cũng bị bắt lỗi là khi dễ đàn anh.
Lại bò lê bò càng.
Một câu “có vẻ” tình người nhất là hôm chúng tôi được chở ra quân y viện Nha Trang hiến máu. Hiến xong có bíp-tếch, ốp-la, thuốc bổ, cà phê sửa… khoan khoái cuộc đời, hổm rày ăn toàn… chửi rủa với hét la. Khi về trại, chúng tôi nghe một lời thảng thốt của ông thiếu tá Liên đoàn trưởng:
- Trời ơi! Tụi nó là phi hành mà sao mấy anh bắt tụi nó đi hiến máu. Rồi làm sao huấn nhục được bây giờ.
Phi hành cũng có thớ lắm chứ nhỉ? Hà hà. Nhờ vậy mà nghỉ được vài ba ngày. Mấy ông đàn anh đi ngang cứ lườm lườm nguýt nguýt, kênh kiệu. Gặp các ông khóa 40, 41 hoa tiêu L-19 mặc áo bay, đội nón đen nón tím coi oai không thể tả. Mà gặp “tụi nó” là coi như lảnh đủ. Mấy ông nội nầy mà “quần” là xỉu dài dài. Thiên hạ đồn rằng “vì các ông ấy bất mãn không được đi Mỹ lái F-4, F-5 nên trút tất cả bực dọc lên đàn em là những đứa có khả năng đi Mỹ nhiều hơn”. Mỗi lần mấy ổng “ra tay” là 2 chiếc StepVan đậu chờ sẵn.
- Nếu không xỉu 2 phần 3 thì ngày mai chúng tôi sẽ không đi bay!
- Hai chiếc xe chờ sẵn đây. Một chiếc sẽ chở các ông đi nhà thương, một chiếc sẽ đi nhà xác nếu cần. Ông nào không đủ sức khỏe sẽ loại ra khỏi Không Quân.
- Bước ra khỏi hàng. Tại sao niên trưởng đang nói mà ông dám ngáp? Biết các ông mệt, tôi đã cho các ông thoải mái mà các ông còn khi dễ chúng tôi. Nhẩy xổm 100 cái…
Vua kiếm chuyện! Làm sao thì làm, các ngài cũng không vừa lòng đẹp ý. Hiệu lệnh được phát động thế là cả đàn kiến lửa cộng thêm kiến có cánh bò vào xé nát hàng ngũ đàn kiến đen xấu số… Lật! Ngả! Xỉu! Khiêng ra xe. Đủ một xe là phóng đi bệnh xá.
Tiếng hét, tiếng la, tiếng gào, tiếng hài tội. Cảnh áo vàng ka-ki láng o đứng nghiêm nghị quắc mắt trước một tên áo treidi ướt đẫm mồ hôi, bèo nhèo, nhăn nhúm, đầu cạo trọc lóc, dứng không vững… là hình ảnh rõ rệt nhất của “thế giới quân trường”.
Lật! Lật! Ngả dài dài.
- Bò! Bò như con chó đó. Sủa lên cho tôi nghe coi.
- Gâu. Gâu. Gâu.
- Lăn. Lăn như con heo đó.
- Ông khiên cái xắc-ma-ranh lên khỏi đầu nhảy cho tôi 100 cái đúng thế. Nhẩy sai đếm lại từ đầu…
Mệt lả, khát nước. Mắt mờ đi vì mồ hôi cứ tươm vào mắt. Run rẩy, hối hận. Phải chi giờ nầy ở Sài Gòn thì cà phê cà pháo. Khỏe quá. Không biết đào mình ở Sài Gòn bây giờ đang làm gì nhỉ. Chắc em tưởng mình đang “thụ huấn, học lái máy bay khu trục chiến đấu Skyraider. Đang học oanh tạc, học bắn rocket!!!” Ngu! Ngu thiệt! Em đâu ngờ anh bây giờ đang vừa bò vừa sủa như con ki-ki nhà em!
- Ông nhẩy xuống cái ống cống này cho tôi. Nằm xuống. Nhẩy lên. Nhăn cái gì. Chống đối phải không?
Xe chở đi nhà thương dài dài. Cũng may 72A đủ sức khỏe nên không có ai phải bị chở đi nhà xác.
- Ông nhảy cho tôi 100 cái công lực. Hai gót chạm mông. Sinh Viên Sĩ Quan mà các ông không có tư cách gì hết ráo.
Chưa vào lính mà nghe nhẩy xổm sao thấy dễ quá! Nhẩy 25 cái thôi là biết đá biết vàng liền. Từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm ít ra là khoảng vài ba ngàn cai hít đất, nhẩy cóc nhẩy nhái, nhẩy xổm, bò lê bò lết. Thư sinh cách mấy nà vô đó rồi thì cũng sạm đen, thịt da săn cứng, chắc nịt. hùng dũng. Cô-lét-tê-rôn, chất béo chất mỡ gì là láng sạch sành sanh. Chạy đường trường năm ba cây số là đồ bỏ.
Tin đồn huấn nhục chỉ hai tuần thôi mà sao kéo dài đến ba tuần. Rồi bốn tuần. Rồi hai tháng. Chết mẹ, chắc “mấy ổng” quên rồi…Rồi… ba tháng hơn!
A ha ha! Rồi cũng đền ngày gắn an-pha.

Các niên trưởng của tôi rước cờ thật đẹp. Cho đến bây giờ tôi chưa thấy đội hầu kỳ nào đi oai phong, hùng dũng và lả lướt như đội hầu kỳ của Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân.
- Quỳ xuống các khóa sinh…
- Xin thề. Xin thề…
- Đứng lên các Sinh viên Sĩ quan.
Đêm trao găng tay trắng diễn ra cảm động trong dẫy trại ba-rắc, bên ánh nến lung linh mờ ảo. Sau lưng là các khẩu garant với dây đeo màu trắng móc chéo vào nhau. Giây phút chờ đợi của SVSQ Không Quân đang đến với chúng tôi đây. Thôi cũng được. Chúng tôi “tha thứ” cho các niên trưởng đã hành hạ chúng tôi trong ba tháng qua. Toàn thể chúng tôi trong bộ ka-ki vàng mới toanh. Từng hàng SVSQ niên trưởng bước vào tươi cười đeo găng cho chúng tôi. Rồi tiệc vui, thoải mái, “bình đẳng”. Cuộc đời SVSQ chúng tôi sẽ khỏe khoắn hơn từ đây. Giã từ những ngày huấn nhục kinh hoàng cho những chàng trai trẻ vừa từ giã ghế nhà trường. Hôm nay ta ngủ được một giấc ngủ yên lành không chiêm bao mộng mị. Hãy cầu xin trời đất phù hộ cho các đàn anh dù họ đã hành hạ mình quá sức tưởng tượng. Sau cơn mưa trời cũng phải sáng lại mà thôi. Ngủ cho ngon cái đã.
Tiếng kẻng báo thức 5 giờ. Bọn SVSQ mới trở mình nhìn cái an-pha sung sướng:
- Mình là Sinh Viên Sĩ Quan rồi.
Bỗng cả đám giật bắn người như điện giật, kinh hoàng co giò chạy ào ra còn hơn ma đuổi. Cái giọng hò hét quát tháo quen thuộc của ông đàn anh lại vang lên:
- Giờ nầy còn chưa dậy phải không? Cho các ông khuây khỏa, tự giác các ông không muốn. Các ông lại muốn hành xác tối đa. Tập họp trong vòng một phút, nhẩy cho tôi một trăm cái công lực đúng thế. Gắn an-pha rồi mà vẫn còn lè phè ngủ không biết giờ dậy. Từ hôm nay sẽ phạt gấp đôi!…

XẠO KE _ Phương Toàn


Mấy anh em tôi đều khù khờ như nhau. Tân Ngố, thằng em kế từ Cali gọi điện thoại hỏi:

- Anh có biết gì về chương trình Viết về nước Mỹ cuả Việt Báo không?

- Có nghe nhưng không rành mấy.

Nó gạ:
Nếu có rảnh, viết bài gửi sang, nó ký tên, gửi. Lỡ trúng giải, nó ở gần, đại diện lãnh và xài dùm cho.

Tôi nói, bài đăng báo là để cho người viết hay, tôi sang đây, tối ngày đi chôn ống cống, biết gì mà viết với lách. Nó động viên:

- Có nhiều người viết hay, nhưng hay kiểu mèo khen mèo dài đuôi thì đọc không ''phê''. Trong nhà mình, anh được tiếng là khờ nhất. Người khờ thì hay nói thật, mình không hay nhưng mình viết thực, đôi khi ngựa về ngược. Nếu trúng giải, anh em mình cưa đôi.

Sau khi cúp phone, vợ tôi lo lắng hỏi:

- Hai anh em ông không bàn chuyện gửi tiền về Việt Nam đấy chứ?

- Không, bàn chuyện viết bài đăng báo.

Vợ tôi tròn xoe đôi mắt bồ câu quá date kêu lên:

- Giêsu Ma!

Nói đoạn, bả đến gần rờ vào đầu tôi, bắt mạch xem có bị sốt hay không.

Không lẽ từng này tuổi, tôi lại không viết nổi một bài luận văn sao. Tôi quyết định viết bài dự thi, cho dù biết chắc là bị loại nhiều hơn được chọn.

***

Hai vợ chồng tôi lấy nhau được hơn một năm thì vượt biên, vị chi đến nay định cư ở Mỹ được hai chục năm.

Ngày mới sang đến trại tị nạn, hăm hở lắm với những tin đồn được đãi ngộ tại Mỹ. Tôi là phi công của Không quân, vợ tôi là phụ tá nghiệm chế ở Dược khoa, chắc Mỹ chẳng bỏ rơi mình.

Đúng, Mỹ nó chẳng bỏ rơi hai vợ chồng tôi khi đặt chân đến phần đất mới này. Nó cho vợ tôi cái nghề rửa chén, và cho tôi một cái xẻng để làm helper đi đào đất chôn ống cống. Mỹ còn ưu ái hơn, cho chúng tôi mỗi đứa một số quần áo ''tốt'', tha hồ lựa ở kho Salvation Army. Hai vợ chồng từ đó biết thân phận mình, vừa làm, vừa học và vừa góp tiền cắc để gửi về giúp gia đình.

Một hôm, hình như cám cảnh cái nghề mới của tôi, vợ tôi hỏi:

- Kể cho em nghe, tại sao anh lại trở thành phi công?

- Tại anh có chí tang bồng hồ thỉ, muốn làm Đường Minh Hoàng đêm đêm du nguyệt điện.

Đây là lần đầu tiên nói dối vợ, không hiểu tại sao vợ tôi lại biết, bả bĩu môi đáp:

- Xạo ke.

***

Thú thực đời phi công của tôi bắt đầu chẳng phải vì chí tang bồng, mà nó bắt đầu bằng một sự ngẫu nhiên.

Biết khả năng mình chẳng thế nào lái nổi chiếc máy bay. Vì di truyền sao đó, có thể tại ông già bị má tôi dợt cho quay mòng mòng hoài, nên cứ ngồi lên cái gì nhúc nhích là tôi nhức đầu, kể cả ngồi võng.
Tôi ở Rạch giá, thời học trò thỉnh thoảng được về thăm quê, cứ mỗi lần xe đò chạy tới
Bình Chánh là tôi bắt đầu ói mửa như con gái có bầu. Nghĩ đến Không Quân, tôi cũng khoái lắm, khoái không phải vì bay bổng mà là vì khỏi lội sình. Nhưng cứ nghĩ sang Không Quân mà không bay được, thế nào nó cũng đuổi về Bộ Binh thì quê lắm.

Tôi gia nhập khóa 1/69 Bộ Binh, đang thụ huấn tại Quang Trung thì Không Quân sang tuyển người. Tôi chẳng tha thiết gì nhưng thằng Trương Phương Tuyên dụ:

- Ghi danh vào Không Quân, theo xe về Trung Tâm Y Khoa khám sức khoẻ, mỗi ngày mình chỉ cởi quần aó cho ông bác sĩ xem, nhảy tưng tưng mấy cái cho ổng đo, rồi vù ra phố chơi chiều về lại quân trường, đã lắm.

Tôi và nó ghi danh vào Không Quân và đúng như nó nói, hai thằng nhởn nhơ một tuần lễ đi khám sức khoẻ. Khám chẳng được là bao, nhưng chiều nào về ngang qua Ngã ba Chú Ía, hai thằng cũng không quên vẫy tay chào mấy nàng Kiều cho thắm tình Quân Dân cá nước.

Mãn khóa Quang Trung, tôi được chuyển về Thủ Đức học tiếp để chờ ngày ra trường. Một hôm chuẩn bị ra tuyến ứng chiến, tôi được lệnh trả quân trang để về Không Quân. Thằng Tuyên nói:

- Chỉ còn 6 tuần nữa ra trường, mang lon chuẩn uý, bây giờ về Không Quân mang Alpha dài dài.

Hai thằng bèn hạ quyết tâm ở lại.

Tôi nói với ông Thượng Sĩ già:

- Thượng Sĩ, tôi không về Không Quân đâu.

Ông trợn mắt lên nạt:

- Giỡn chơi cha non, quân đội chứ ở nhà hay sao? Bộ muốn làm gì thì làm hả ? Đến 8 giờ tối mà không ký giấy trả đồ, An Ninh nó ghép vô tội nội tuyến là bỏ mẹ.

Nghe nói tới An Ninh là tóc tôi dựng đứng đàng sau, tôi bèn trả đồ và lấy sự vụ lệnh để về Không Quân.

Tôi được xếp học khóa 69A, toàn là những tay thông minh và gốc bự, như thằng Phan Huy Bách, ba nó là Thủ tướng Phan Huy Quát, thằng Hà Thúc Việt chi chòm ông Hà Thúc Ký, Hồ Văn Anh Tuấn con cháu Hồ Bểu
Chánh (Nó thề độc là mình không có dính dáng gì đến Hồ Chí Minh). Chỉ có tôi là bần cố nông mê muội, ngay cả ông già cũng chết ngắc ngày còn nhỏ.

Ra đến Nha Trang tôi được niên trưởng chào đón và dạy dỗ rất chí tình. Khóa đàn anh, tôi gọi là niên trưởng, khóa lớn hơn tôi gọi là đại cồ, lớn nữa thì gọi là siêu đại cồ rồi dần dà lên đến Thiếu uý sinh viên sĩ quan, Trung uý, Đại uý... Có một ông niên trưởng tự xưng là Đại tá sinh viên sĩ quan siêu đại cồ niên trưởng. Hôm mới ra Nha Trang ông bắt tôi chào con Đại bàng ở cổng, ông cầm khẩu carbine lên đạn lách cách tuyên bố:

- Bắn bỏ ba mươi phần trăm không cần làm báo cáo.

Tôi hoảng hồn. Té ra tôi chọn lầm binh chủng rồi, ở đây nó coi mạng sống con người rẻ như bèo.

Ông niên trưởng hay ví von thời gian đi lính của tôi ít hơn ngày ông khai bịnh lậu ở quân trường. Ông dạy tôi về tinh thần ''thượng mã'' của phi công, ông nói ra trận, hạ máy bay địch, nếu phi công nó nhảy dù ra thì bay ngang, lắc cánh mà chào chứ không bắn pilot. Ông dạy về chữ: ''Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè''. Ông nói:

- Tất cả mọi người đeo con rồng lên ngực, sống chết có nhau, là ăn cùng mâm, ngủ cùng giường.

Thằng Hà Thúc Việt cười phá lên , ông niên trưởng đến gần gằn giọng:

- Ông này cười cái gì?

- Dạ cười ngủ chung với Tiếp Viên Hàng Không.

Ông ngạc nhiên nhìn nó, đi tới đi lui, ngẫm nghĩ, chợt ông đừng lại gằn giọng:

- Mặt ông ngu hơn thằng chăn trâu, Tiếp Viên nào cho ngủ chung mà mơ.

Nó dí dỏm đáp:

- Dạ tại niên trưởng nói ai đeo con rồng lên ngực thì mình được ngủ chung một giường.

Ông bực lắm, với giọng kẻ cả, ông giải thích:

- Có nhiều loại rồng, rồng Không Quân là rồng khạc lửa, rồng Nữ Tiếp Viên là rồng...lộn.

Đến lượt thằng Tuyên phì cười. Ông quát:

- Ông kia cười cái gì?

Nó bí thế đáp:

- Dạ cười con rồng.

Ông trợn mắt hỏi :

- Con rồng có gì mà cườI?

Tuyên đáp bằng giọng Huế:

- Dạ, tại nó ... lộn.

Cả hàng quân cười ồ lên, ông thấy mấy thằng đàn em này lếu láo qúa, ông phải ra oai kẻo chúng lờn, ông nạt tiếp:

- Rồng lộn có gì mà cười ?

- Dạ con rồng lộn không có gì để cười, nhưng Nữ Tiếp Viên rồng lộn thì buồn cười.

Ông tức mình bắt hai thằng móc giò lên cửa sổ, miệng hô to một trăm lần câu: ''Nữ Tiếp Viên rồng lộn không có gì phải cười''.

Tưởng như chưa đã nư, ông đến gần một thằng thấp nhất khóa, gằn giọng hỏi:

- Tại sao ông đã xấu, mà lại còn dám lùn?

Thằng Tú ngơ ngác vài giây rồi đáp sảng:

- Dạ tại ... ông già lùn.

Ông niên trưởng lại đi thêm một bài giáo khoa thư:

- Xe trước đổ thì xe sau tránh, cây đắng thì phải cố sinh trái ngọt, ông già lùn thì con phải cao, ông biết vậy mà còn ngoan cố cứ lùn. Móc giò lên đuôi bom cho tôi.

Giải quyết xong thằng Tú, ông bước sang đứa kế, ông hỏi:

- Ông tên gì ?

- Khóa sinh Lê Văn Nãi, khóa 69A trình diện niên trưởng.

Ông nhìn thằng Nãi đẹp trai, cố kiếm một tội để ghép. Ông chửi :

- Gái bán Bar cũng biết ông thuộc khóa 69A, tôi hỏi tên, khai chi cả khóa. Ông họ Lê, biết Lê Long Đĩnh không?

- Dạ không.

- Mặt ông và mặt Lê Long Đĩnh giống nhau như đúc mà còn chối, Lê Long Đĩnh là vua dâm dật Lê Ngọa Triều, ông tổ mười đời của ông mà ông còn chối thì mai sau ông sẽ chối bỏ bạn bè. Từ nay mỗi lần trình diện, ông phải nói: Khóa sinh Lê Văn Nãi, cháu đích tôn Lê Ngọa Triều, ông quên thì thác cô hồn với tôi.

Ông niên trưởng chừng như thấy quá mất giờ để phạt từng thằng, ông dõng dạc tuyên bố:

- Chưa có một khóa nào ngu như khóa này, mặt ông nào cũng đần đần độn độn, tôi đếm từ một tới năm, không muốn thấy một cái chân ông nào còn đứng trên quả địa cầu.

Ông bắt đầu đếm, hàng quân như ong vỡ tổ, mỗi đứa cố gắng kiếm một vị trí để móc cẳng mình cao hơn mặt đất, không cứ là móc lên cái gì, miễn là đôi giày bốt không còn chạm mặt đất cho ông niên trưởng hài lòng.

Tôi cắn chặt hai hàm răng, sợ bật cười sẽ bị ông ra lệnh móc cẳng lên ngọn cây dương thì khốn.

***

Thấm thoắt một năm trôi qua, tôi được đi Mỹ để học lái máy bay.

Đây là lần thứ ba tôi được leo lên chìếc máy bay. Hai lần trước đều ngồi bệt dưới sàn chiếc C119 thủng đít đi từ Sài Gòn ra Nha Trang và về lại, lần nào mưa cũng hắt ướt như chuột lột, lần này chiếc máy bay của hãng Braniff International không dột mà lại có ghế đàng hoàng, cô chiêu đãi viên đẹp hết cỡ, cô ta hỏi chuyện tôi nhiều, nhưng tôi không hiểu mấy. Một lần tới bữa ăn cô hỏi:

- Do you want coffee, tea or milk?

Nhìn chiếc xe cô đẩy, tôi hiểu ngay rằng cô hỏi tôi muốn ăn uống gì không.

Tôi trả lời là Yes. Cô lại hỏi:

- You want some coffee?

Tôi lập lại là Yes, với chữ S kéo dài thêm, ý nói muốn lắm.

Cô đưa cho tôi một ly cà phê đắng nghét. Mỉm miệng cười duyên, chắc cô đoán chuyến phi cơ này đụng toàn thứ thiệt, không cần phải hỏi thêm thằng Việt, cô đưa cho nó một ly sữa tươi. Cô hỏi hai đứa :

- Do you want some sugar?

Tôi tưởng cô hỏi muốn thêm cà phê không, nên trả lời rất lịch sự :

- No, thank you Sir .

Uống xong ly cà phê đắng, tôi hỏi thằng Việt, sao mầy được uống sữa, nó trả lời cũng không hiểu tại sao. Tôi nói ở quê tao sữa bột pha ra toàn cho heo ăn, người uống đau bụng chết. Nó nói, họ đưa gì thì uống nấy chứ bộ chọn được sao? Tôi than phiền phải uống cà phê đắng, nó nói chắc Mỹ nó không uống đường, hôm nay mình sang Mỹ tập uống cà phê đắng cho quen .

Sang đến Lackland Air Force Base tôi được học Anh ngữ và mãn khóa, lúc này trình độ Anh ngữ khấm khá lắm rồi, ông thầy Anh văn dưới quê bị tôi bỏ xa. Dù sao tôi cũng phải mang ơn ông vì ông đã dạy cho tôi biết những câu vỡ lòng, như chữ '' bacon'' nghĩa là thịt mỡ, hot dog'' là thịt chó nóng hổi và ''chase the girl'' nghĩa là rượt con gái. Tôi cũng đã biết chắc chắn rằng đồng mười xu tuy nó nhỏ hơn đồng năm xu nhưng giá trị gấp đôi.

Cuối cùng ngày chờ đợi đã đến, đó là ngày chuyển trại để đi học lái máy bay ở Fort Wolter,Texas, tôi lo lắm, vì cái bệnh say gió của mình thế nào cũng bị rớt đài. Hôm đầu tiên ra phi đạo, thằng thầy cho tôi lên chiếc TH 55 nhỏ như cái trứng gà, lại không có cửa, nó bay lên tắp tít mây xanh nghiêng qua nghiêng lại phát khiếp, mỗi lần như vậy tôi phải uốn người vào trong cho máy bay thăng bằng trở lại, chỉ sợ mình rớt ra ngoài. Có nhiều lần tôi phải gồng tay lại nắm lấy thành ghế cho chắc. Sau gần một giờ biểu diễn, thằng thầy đáp xuống phi đạo, nhìn tôi cười cười, tôi ra hiệu cho nó, ý nói phải ngừng ngay tại chỗ cho tôi nhảy xuống, bằng không tôi sẽ ói thẳng vào mặt nó. Thằng thầy đứng lại cho tôi ói. Tôi ói một cách thoải mái cho dù biết rằng cú ói này sẽ chấm dứt cuộc đời bay bổng cuả mình.

Lạ quá, sau khi đưa máy bay vào chỗ đậu, nó khen tôi chịu đựng giỏi và tiên đoán là tôi sẽ bay được. Tôi vận dụng khả năng Anh ngữ để hỏi là tại sao ói mà bay được? Nó cười cười trả lời:

Chẳng có thằng nào mà không ói ngày nó bay thử đầu tiên cả.

Tôi mừng lắm, thì ra tôi ói là do thằng này nó chơi, có lẽ cái sự quay mòng mòng của má tôi nó không áp phê ở xứ Mỹ này. Chắc là được Chúa Phật độ trì, sau gần một năm tôi thi mãn khóa và đậu. Bạn bè có đứa xì xào rằng tôi đậu vớt.

Về nước và chuyển về Không đoàn 43 Chiến thuật ở Biên Hoà. Một hôm đi hành quân ở biên giới Kampuchia, thả Biệt kích Lôi Hổ, đang mơ mộng nhìn con suối thì đạn AK nổ như bắp rang, phi cơ tôi như cục sắt rớt cái bịch xuống sườn đồi, tôi chẳng còn nhớ tí ti gì về phương pháp đáp khẩn cấp mà trường đã dạy. Nhìn ra ngoài, thấy chiếc phi cơ móp bẹp như con cóc tiá, cánh quạt chém cây rừng đổ te tua và chiếc cánh quạt cũng te tua chẳng kém ngọn cây rừng. Hai chiếc Cobra của Mỹ hộ tống bắn rocket rầm rầm làm tôi hoảng quá, rút vội cái chốt gắn khẩu đại liên cùng thằng xạ thủ phóng ra rừng chạy một mạch. Chạy khoảng 200 mét, tôi hoàn hồn chút đỉnh và
mệt quá, tôi chọn chiếc gò mối cao, căng chiếc càng đại liên ra, chuẩn bị một xạ trường để chiến đấu. Thằng VC nào vô phúc nhào lên là nhất định sẽ sinh Bắc tử Nam. Tôi thấy thiếu một cái gì mà nghĩ hoài không ra, bỗng thằng xạ thủ hỏi:

- Thiếu uý, mình không có đạn à?

Lúc bấy giờ tôi mới nhớ, thì ra vác cây đại liên mà chạy, tôi quên phéng ngay thùng đạn còn nằm trên phi cơ, tôi vội tháo lấy chiếc nòng, rồi vứt cây súng M 60 vào bụi rậm và... chạy tiếp.

Tôi còn một cây P 38 và hai viên đạn, lúc này mới thấy nguy hiểm quá chừng, hai viên đạn thì làm được trò trống gì. Ngày lãnh súng, tôi được phát 6 viên đạn, ráp đầy các lỗ của trái khế trong ổ súng, tôi thấy hơi ít, hỏi ông Phi đoàn phó, ông nói:

- Pilot đi đâu cũng chỉ đeo có một cây súng và hai viên đạn, mày có 6 viên còn ít ỏi gì. Nghe nói thế sau này mỗi lần đi bay gần bãi trống tôi hay bắn bia và cuối cùng còn lại đúng hai viên. Trên tay còn cái nòng súng M 60, tôi nghĩ, Việt cộng đội nón cối, mình lựa thế, dến cho một nòng đại liên bằng sắt lên đầu, có mà trời cứu. Nghĩ thế nên tôi vững bụng đôi chút. Cũng may lần này có hai chiếc gunship hộ tống và mấy chiếc H 34 thả Lôi Hổ ở Lào đang bay về gần, xuống bốc bọn tôi về an toàn.

Thấy hai thằng Võ Trang bay vòng vòng có vẻ đỡ hơn đi thả Lôi Hổ, tôi có ý định xin về bay Gunship, chưa kịp xin thì hên quá, xếp của tôi cho tăng cường vào Phi đội Gunship. Bay Gunship thì mệt một chút nhưng không phải lơ lửng trên ngọn cây đưa bụng cho chúng bắn.

Một hôm đi hành quân ở gần Bến Thế, Bình Dương, tôi phải yểm trợ cho Bộ Binh hành quân. Quân bạn cho biết họ ở sát bờ nam con rạch, địch ở phía bắc. Tôi nghĩ thầm, mấy cha Bộ Binh hay lừa mình, thôi thì bay cách hướng Nam con rạch hai cây số, bắn về phía Bắc, rồi cách con rạch một cây số ta vòng lại, nếu máy trục trặc thì cũng rớt lên đầu quân bạn. Tôi vào trục, nhắm mục tiêu bóp cò, rocket không nổ, tôi lượn ra mới hay mình bật lầm nút. Tôi nhào vào lại, bắn được hai quả rocket, một quả tịt, một quả nổ ở hướng nam con rạch, thì thấy đạn phòng không bay tứ phía, phi cơ bốc cháy ở bình xăng, tôi phải cho máy bay, bay ở vị thế nghiêng, cho khối lửa dạt ra ngoài, kẻo nó tràn vô phòng lái.

Theo bài bản học khi ở trường lái, nếu máy bay cháy, việc đầu tiên là phải bấm nút release cho hai bó rocket rớt khỏi thân tàu, kẻo nó bắt lửa nổ là bỏ mẹ cả đám. Tôi tính làm như vậy nhưng chợt nhớ lời ông già dặn hồi nhỏ: Đánh nhau, nếu bị thằng hàng xóm đấm vào mặt, không đấm lại được, thì lấy đất cày mà phang vào mái nhà nó, gặp thằng keo kiệt, tiền sửa mái nhà làm nó đau hơn bị đấm thiệt. Nên thay vì release hai bó rocket, tôi bèn bật nút cho nó nổ ''la phan''. Ôi thôi mười sáu quả còn lại thi nhau chui khỏi giàn phóng, quả thì nổ ở hướng bắc con rạch, quả thì bay tuốt sang bên kia sông Saì gòn nổ ở tận mật khu Bời Lời. Tôi quẹo 180 độ và cho phi cơ nhào đại xuống con rạch gần đó.

Chiếc máy bay cày tung bùn như con cá thòi lòi phóng dưới bãi sình và tôi phóng vội ra ngoài. Cụ mẹ cuộc đời, tôi bị lừa, Bộ Binh nó cách con rạch tới hai cây số. Sau này hỏi lại, tôi được trả lời là nó sợ tài bắn cuả tôi, nếu không nói vậy lỡ tôi bắn trúng đầu nó thì sao. Mà nó hay thiệt, nếu nó ở phía nam con rạch như lời nó nói, thì quả rocket vừa rồi đã làm nó chạy té đái trong quần.

Cũng may số tôi còn lớn, thằng Gunship 2 kề kịp và bốc tôi lên an toàn, bỏ lại chiếc máy bay cháy mịt mù ven bờ suối. Về đến Phú Lợi, tôi mới hoàn hồn hẳn và nhận ra Phi hành đoàn thiếu một người. Tôi hỏi Cơ Phi là thiếu ai, nó nói thằng Xạ Thủ nóng quá phóng ra lúc còn ở cao độ hơn trăm bộ. Và cũng may mắn là nó rớt xuống cái bào và thằng C & C hành quân gần đó bốc lên rồi.

Hôm sau đơn vị cho biết, tôi sẽ được Anh Dũng Bội Tinh, công bắn mười sáu quả rocket, trúng hầm đạn VC gây nhiều tiếng nổ phụ, tôi còn được Chiến Thương Bội Tinh vì vết phỏng trên tay do quên mang chiếc găng tay chắn lửa Nomex, cộng thêm chiếc Phi Dũng Bội Tinh vì tôi bay hay quá, máy bay đã cháy mà còn lết cả mấy trăm thước mới chịu rớt.

***

Trời phú cho tôi cái tính hay sợ chết, sau lần chết hụt này, tôi nhắm xem có loại phi vụ nào ngon hơn bay Gunship hay không.

May thay, phi đoàn trưởng nói tôi có tướng ''sát phi''. Cả phi đoàn có không đầy hai chục chiếc phi cơ bay được, tôi đã nướng hết hai, ông không muốn mất thêm nữa, nên cho tôi bay những phi vụ liên lạc, và bay VIP thật là nhàn hạ.

Một hôm nhận lệnh bay cho Phủ Phó Tổng Thống, đáp ở bãi đáp VIP Air Vietnam. Tôi tưởng là mình sẽ chở tướng Kỳ hoặc bay theo chiếc Triệu Minh Vô Kỵ của ông, tôi đáp chỗ ấn định thì chẳng thấy tướng tá nào, chỉ thấy một ông già râu tóc bạc phơ cùng hai cô bé thơm như mít tố nữ, tháp tùng bằng một anh Đại uý với chiếc máy truyền tin PRC 25.

Ông Đại uý hách xì xằng này ra lệnh cho tôi đi Trà Vinh. Tôi hỏi Trà Vinh là ở đâu? Ông trợn mắt nhìn tôi như nhìn một dị nhân, có lẽ ông nghĩ sao có thằng phi công ngu như vậy. Nhướng đôi lông mày, ông nói Trà Vinh nó ở Vĩnh Bình.Tôi tưởng rằng mình sẽ bay vòng vòng ở Quân khu 3 nên hỏi: Vĩnh Bình có gần Phước Bình không? Ông hỏi: Phước Bình nào? Tôi nói Phước Bình ở gần núi Bà Rá trên Phước Long. Ông chán đời nói: Mình đi Vùng 4. Tôi nói là không có bản đồ đi Vĩnh Bình ở Vùng 4 vì tôi hành quân ở vùng 3 Chiến thuật, ông nói cứ bay đi rồi ông chỉ.

Tôi bay xuống Vĩnh Bình, ông liên lạc sao đó, Tỉnh trưởng ra đón vào tòa hành chánh, để lại tôi và hai em bé xinh xinh chờ ở phi trường.

Tôi hỏi:

- Hai cô đi đâu mà xuống đây?

- Dạ em đi ăn giỗ ngoại.

Bây giờ thì tôi biết là phi vụ cuả tôi có nhiệm vụ đưa hai cô gái về quê ăn giỗ ông ngoại.

Chiếc xe Jeep cuả tỉnh chạy ra chở thêm mấy người nữa, có ông già búi tó, có bà mặc bà ba. Ông Đại Uý lại ra lệnh cho tôi:

- Mình đi Chợ Lách. Tôi lại hỏi:

Chợ Lách nó ở đâu?

- Ông chán nản nhìn tôi và lập lại câu cũ:

- Bay đi rồi tôi chỉ.

Ông khoác tay chỉ tôi bay về hướng Vĩnh Long, qua con sông Mỹ Thuận, rồi vòng vòng một hồi, ông chỉ một con sông, bảo tôi theo đó mà bay. Đến một con rạch nhỏ, ông dòm xuống một xóm làng và bảo tôi đáp xuống một con đê, gần đồn Nghĩa Quân. Ông ra lệnh:

- Tắt máy rồi mình vào đây ăn giỗ, chiều về.

Bốn thằng Phi Hành Đoàn tụi tôi nhìn nhau, tôi không dám để chiếc máy bay nằm đây cho Nghĩa Quân coi để vào ăn giỗ, sợ vợ nó xúi hút xăng về nấu rờ sô hoặc bỏ muối vào bình xăng chút ra đề khó nổ. Tôi năn nỉ ông cho bọn tôi về Mỹ Tho hay đâu đó để kiếm cơm bình dân mà ăn. Ông nói đi đâu thì đi 4 giờ trở lại đón Phái đoàn. Tôi bực mình cho phi cơ bay về Vĩnh Long đáp xuống bãi nổi ở bờ sông trước dinh Tỉnh trưởng. Một anh Địa Phương Quân ra đuổi, nói bãi đó dành riêng cho tỉnh trưởng, thằng Cơ Phi cương ẩu:

- Tỉnh Trưởng lớn bằng Phó Tổng Thống không? Phi cơ này của phủ Phó Tổng Thống.

Anh Địa Phương Quân chạy vào trong, lôi ra một anh Đại Uý, anh này khúm núm như tôi là Phó Tổng Thống vậy, anh hỏi tôi cần gì, tôi mượn một xe Jeep đi ăn cơm. Cơm xong tôi phanh ngực áo bay, tụt phẹc ma tuya tới gần háng cho mát, giăng võng nằm ngủ. Ông Đại Uý thỉnh thoảng ra dòm chừng, có lẽ ông thắc mắc, sao Phi hành đoàn của Phó Tổng Thống mà quá bình dân và xấu trai như vậy. Gần bốn giờ chiều, trở lại Chợ Lách đón phái đoàn. Hôm sau kể chuyện lại cho thằng Tuất nghe, nó trợn mắt:

- Mày điếc không sợ súng, vùng đó tụi tao ít thằng nào dám la cà vào, bay thấp thì AK nó bắn, bay cao thì SA 7 nó chào.

Tôi ngẫm nghĩ, phi vụ nào cũng nguy hiểm cả, như thế làm sao sống nổi cho đến ngày biết yêu. Tôi hỏi ông Phi đoàn Trưởng có phi vụ nào đỡ nguy hiểm hơn không, ông nói:

- Có, ở ngoài Phù Cát bay đỡ nguy hiểm hơn, vì toàn là cát và nước biển, có rớt cũng rớt êm êm.

Thực ra ông chỉ nói chơi thôi, vì tôi là thằng cuối cùng luân phiên thuyên chuyển sau bốn năm ở phi đoàn. Tôi ra Phù Cát, an toàn thật, vì thời điểm này Mỹ cắt viện trợ, một tháng chỉ bay vài phi vụ, còn lại là chuyên học nhảy đầm và luyện Tae Kwon Do.

Đến hôm di tản chiến thuật về Nha Trang, tôi đang uống cà phê ở Câu lạc bộ thì nghe súng nổ tứ tung, chạy ra ngoài thấy lính Không Quân chạy đầy phi đạo, tôi vội chạy ra chiếc phi cơ cuả mình, còn cách khoảng 20 mét thì thấy nó tự động vọt lên trời, bên trong đen ngòm là người. Quýnh quá, tôi vòng ngược trở lại, thấy một chiếc phi cơ cũng đầy là lính, trên ghế lái có một anh mặc đồ bay ngồi đó, chiếc ghế trưởng phi cơ còn trống, tôi phóng lên ngồi, cả phi cơ đều nhìn tôi. Tôi hỏi ông phi công:

- Vọt đi chứ cha, nó tràn ngập bây giờ.

Anh phi công nói:

- Em bay không được.

Tôi vội chụp cần lái, mở máy, cho phi cơ vội vọt lên trời và theo đoàn phi cơ hướng về Nam, đáp xuống Tân Sơn Nhất. Tôi hỏi ông phi công ngồi bên trái:

- Ông là phi công gì mà không biết bay?

- Dạ em chưa ra trường, với lại hôm nay máy bay nhiều quá, mà em thì không có Check list để mở máy.

Đó là phi vụ cuối cùng cuả tôi, nó chấm dứt cuộc đời bay một cách vô duyên, có lẽ cũng giống như nó đã bắt đầu cuộc đời bay bổng vô lý cuả tôi. Nó không bắt đầu bằng mộng mây trời và cũng không kết thúc bằng những chiến công oanh liệt.

Phi công của Không Quân toàn là những anh hùng, những người hào hoa và bay bướm, không hiểu tại sao lại đọa ra một thằng như tôi, vừa cù lần vừa dấm dớ. Hơn 5 năm khoác chiếc aó bay, tôi chẳng làm được cái gì nên tích sự, ngoại trừ lừa được một người con gái khờ, đó là má bầy trẻ của tôi bây giờ. Cho tới nay bà vẫn tin là tôi ngon lắm, hơn hẳn những thằng phi công khác, cho dù cứ mỗi lần tôi gáy, thì theo thói quen, bà vẫn đồng ý bằng câu trả lời cũ ''xạo ke''.

Hiện nay đã''An cư lạc nghiệp'' tại Mỹ, tuy cũng rất cùi đày chẳng kém ai, nhưng vào cuối tuần, tôi cũng hay la cà ở quán cà phê nghe anh em bàn chuyện thế sự.

Quán cà phê chỗ tôi ở, có đủ mọi chuyện dài ''Nhân dân tự vệ'', từ những ông đội đá vá trời một thuở, bây giờ làm Lã Vọng ở nhà ăn trợ cấp, đến những người biết quá nhiều nghề, chẳng nơi nào xứng đáng cho ông làm, bèn đi thụt bi da chờ thời. Tôi biết mình từng là pilot xạo ke thủa nọ, không dám gáy nồ trước đám đông, chỉ ngồi nghe kể chuyện thế thái nhân tình.

Hôm qua, có một ông sau khi kể thành tích long trời lở đất, thấy tôi ngồi im như Bụt, ông hỏi:

- Thế chú ngày xưa làm gì?

Bản tính bần cố nông của tôi tự nhiên vùng lên, không tự chế được mình, tôi gáy:

- Bay cho Phủ Phó Tổng Thống.

Cả quán bi da quay lại nhìn tôi, có nhiều câu bàn tán nhưng một câu tôi thấy thấm thía nhất do một anh thanh niên nói: “Xạo ke.”

Chuyện đóng góp vào cuộc chiến của tôi không có gì đáng ghi vào công trận, mà toàn là những chuyện làm mất mặt pilot và binh chủng. Tôi chỉ mong các phi công của Không lực thứ lỗi cho vì tôi bắt đầu nhận ra chân lý: ''Nhận cái dở mình có, hay hơn đánh bóng cái hay mình không có''.

Tuần rồi dự lễ ra trường của đứa con gái, nhìn lên câu khẩu hiệu mà lớp 2001 dùng làm kim chỉ nam cho cuộc đời tương lai của chúng, tôi suy nghĩ mãi. Câu nói rất giản dị của Tony Arata: 'I will do my dreaming with my eyes wide open and I will do my looking back with my eyes closed''.

Tuy phải lưu vong ở quê người, ngày ngày đóng vai thằng phu ống nước, kiếm đồng bạc nuôi con ăn học, khó có hy vọng trở về quê cũ cầm lại cần lái chiếc trực thăng, tôi vẫn cầu mong sao, kiếp sau nếu có làm người, tôi sẽ cố gắng trở thành một phi công đàng hoàng hơn để xứng đáng với lời hát: ''Phi công ra đi lướt trên ngàn mây gió''.

Tôi cũng mong sao tập thể phi công không buồn lòng khi có một thằng ''Pilot ke'' dám kể chuyện ''Xạo ke'' mà tỏ ra chẳng ''ke'' gì về dĩ vãng, ở cái mảnh đất tạm dung này. Thật là đa tạ, đa tạ.

Phương Toàn