Monday, December 7, 2009

Chiến Thuật Chiến Lược tại Miền Nam 1959-1975


Trọng Đạt


Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc trưa ngày 30-4-1975 khi Cộng quân lũ lượt kéo vào Sài Gòn y như nước chảy, cho tới nay có nhiều nhân định, ý kiến của nhiều nhà bình luận, các giới chức chính trị, quân sự…về nguyên do đưa tới sụp đổ miền Nam. Người cho là Hiệp định Paris bất lợi đã đưa tới cái chết thảm khốc, hoặc cho kế hoạch tái phối trí lực lượng của giới lãnh đạo khiến miền Trung mất trong thời gian kỷ lục đưa tới sụp đổ toàn diện, nhiều người đổ lỗi cho quốc hội Mỹ cắt quân viện hoặc phong trào phản chiến đã thúc đẩy lập pháp Hoa Kỳ rút quân bỏ Ðương Dương. Trên thực tế không riêng nguyên nhân nào có tác dụng ảnh hưởng hoàn toàn mà có thể là hậu quả của sự kết hợp của tất cả những nguyên nhân ấy.

Trong cuốn Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, tác giả cựu Ðại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng có nói trong hai trang cuối cùng 294, 295..

“Trong quyển Chiến Thụât và Chiến Lược (Trung Tâm Quân Sử, Lục Quân Hoa Kỳ 1980), tác giả Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung có nói đến một số châm ngôn về chiến tranh như sau ( không rõ xuất xứ):

Khi chiến thuật sai và chiến lược sai thì chiến tranh sẽ chóng thua;
Khi chiến thuật đúng nhưng chiến lược sai, trận chiến có thể thắng nhưng chiến tranh sẽ thua;
Khi chiến thuật sai nhưng chiến lược đúng, trận chiến có thể thua nhưng chiến tranh sẽ thắng; và
Khi chiến thuật đúng và chiến lược đúng thì chiến tranh sẽ thắng mau lẹ.

Cả Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ đều ở vào trướng hợp thứ hai. Trong phần kết luận ở cuối sách, tác giả đã nêu rõ lý do tại sao VNCH không tồn tại được. Bây giờ phải thêm một lý do không kém phần quan trọng – Nếu không nói là quan trọng nhất: Cả Hoa Kỳ và VNCH không áp dụng một chiến lược địa lý chính trị (geopolitics) thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến. Cũng vì chúng ta không có một chiên lược thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến nên phía Cộng sản mới có thể đem nhiều quân vào miền Nam và đạt được thế thượng phong trong tương quan lực lượng”

Trên đây là một lối giải thích khác về nguyên nhân sụp đổ của miền Nam dựa trên khía cạnh Chiến thuật chiến lược. Nhận thấy ý kiến của cựu Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung và cựu Tướng Cao văn Viên hay, sâu sắc có những nét độc đáo nên chúng tôi cũng muốn góp ý vào một ít lời bàn Mao Tôn Cương để tìm hiểu thêm về khía cạnh này.

Trước hết chúng tôi xin định nghĩa hai danh từ Chiến thuật và chiến lược. Theo tự điển Hán Việt của Ðào Duy Anh chiến lược có nghĩa Mưu lược, kế hoạch về việc chiến tranh (tiếng Pháp: stratégie, Anh: strategy), chiến thuật là phương pháp bày sắp sai khiến quân đội ở chiến trường (Pháp:tactique, Anh : tactics). Trong tự điển Mỹ Webster’s NewWorld College Dictionnary định nghĩa strategy (chiến lược) là kế hoạch và điều động một chiến dịch quân sự lớn (The science of planning and directing large-scale military operations), tactics (chiến thuật) là việc sắp xếp và thao diễn các lực lượng quân sự, hải quân vào trận địa hay trước địch quân (The science of arranging and maneuvering military and naval forces in action or before the enemy).

Như vậy chúng ta có thể hiểu chiến lược là kế hoạch quân sự cho cuộc chiến (the war), còn chiến thuật là kế hoạch quân sự cho một trận đánh (battle) hoặc nói khác đi chiến lược là kế hoạch quân sự ở bình diện lớn, ngược lai chiến thuật ở bình diện nhỏ, thí dụ máy bay B-52 gọi là máy bay chiến lược, máy bay khu trục phản lực F-5 gọi là máy bay chiến thuật.

Ông Cao Văn Viên dẫn lời ông Hoàng Ngọc Lung cho biết VNCH và Hoa kỳ ở trong trường hợp chiến thuật đúng nhưng chiến lược sai thì chiến tranh sẽ thua. Chúng ta có thể hiểu là kế hoạch quân sự tại các mặt trận đúng nên VNCH đã thắng được nhiều trận lớn như Mậu thân 1968, An Lộc, Kontum hay Quảng trị… năm 1972 nhưng kế hoạch cho toàn bộ cuộc chiến sai nên đã thua cuộc chiến (lose the war).

Cũng trong trang cuối của cuốn sách này ông Cao Văn Viên nói.

“Thêm vào đó, sự liên hệ với Hoa Kỳ giới hạn nhiều hoạt động và bắt buộc VNCH phải nằm trong thế thủ”

Như chúng ta đều biết cuộc chiến tranh từ 1959 cho tới 1975 miền Nam luôn luôn nằm trong thế thủ, chúng ta chỉ tự vệ chống lại quân xâm nhập của Bắc Việt, họ luôn ở thế tấn công. Mặc dù biết rằng phòng thủ có nhiều bất lợi vì không biết địch sẽ đánh ở đâu lúc nào, nhưng VNCH phải phụ thuộc vào người Mỹ, họ không muốn chúng ta đánh qua bên kia vĩ tuyến 17 vì nhiều lý do.

Bắc Việt có lợi thế lựa chọn chiến trường, họ tập trung quân và có ưu thế về quân số cũng như hoả lực tại trận đánh từ thời chiến tranh du kích thập niên 60 cũng như thời chiến tranh qui ước thập niên 70. Trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975, theo hồi ký của Tướng BV Văn Tiến Dũng vì Cộng quân tập trung lực lượng tại khu vực chủ yếu nên bộ binh BV trội hơn VNCH gấp 5 lần, xe tăng coi như ngang nhau, pháo binh gấp 2 lần.

Ông Cao Văn Viên cho rằng vì chúng ta không có một chiến lược địa lý chính trị thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến nên phía Cộng sản mới có thể đem nhiều quân vào miền Nam và đạt được thế thượng phong trong tương quan lực lượng, ông muốn nói VNCH cần phải có kế hoạch ngăn chận sự xâm nhập của BV.

Năm 1965 Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đưa ra “chính sách áp lực, đe dọa vừa phải” để hy vọng BV sẽ phải lên bàn hội nghị thương thuyết thuận lợi cho Mỹ. Sau đó Tổng thống Johnson cho áp dụng chính sách đánh cầm chừng, giới hạn mục đích cho BV thấy sự thiệt hại để phải lên bàn hội nghị.

Năm 1965 quân số Mỹ tại miền Nam là 184 ngàn, năm 1966 lên 385 ngàn, năm 1967 là 485 ngàn, 1968 lên 536 ngàn đó là đỉnh cao của sự hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến. Theo tiến sĩ Nguyễn Ðức Phương (Chiến Tranh VN Toàn Tập) trong ba năm 1965, 66, 67 BV đã bị thiệt hại khoảng gần 350 ngàn người nhưng họ vẫn tiếp tục gia tăng nhân lực từ 180 ngàn năm 1964 lên tới 261 ngàn trong năm 1967. Mặc dù bị oanh tạc dữ dội ngoài Bắc cũng như trên các tuyến đường xâm nhập, bị thiệt hại nặng trong các cuộc giao tranh nhưng họ vẫn tiếp tục xâm nhập và lì lượm không chịu thương thuyết.

Theo tin báo Times tháng 6-2009: năm 1965 có 1,300 lính Mỹ tử trận tại VN, năm sau 1966 tăng lên 5,000, năm 1967 lên 9,300, năm 1968 lên 14,000, tới 1968 tổng số lính Mỹ tử trận lên tới khoảng 31,000 người. Ngày 6-4-1969 Tướng Wesmoreland, cựu Tổng Tư lênh quân đội Mỹ tại VN và Ðô đốc Sharp cựu tổng tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về chiến cuộc tại Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách chiến tranh hạn chế của TT Johnson và sự cấm đánh qua Mên và Lào .

Ngày 27-4-1969 Ðô đốc Grant Sharp, cựu Tổng tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, đăng báo công kích cựu bộ trưởng Quốc Phòng McNamara: ông này đã ngăn cản không cho oanh tạc để phá hủy các cơ sở và tiềm lực kinh tế Bắc Việt mà chỉ cho ngăn chận sự xâm nhập , nên các cuộc oanh tạc hoá ra vô hiệu.
Như vậy kế hoạch chiến tranh giới hạn của Johnson - McNamara thất bại về chiến lược đã đưa phong trào phản chiến lên cao, hành pháp Hoa Kỳ phải đương đầu với cuộc chiến tranh ngay tại đất nhà (War at home) để rồi chính nó đã làm sụp đổ toàn diện cuộc chiến.

Theo ông cao Văn Viên

“Thật vậy, gần một phần tư thế kỷ, Cộng sản Việt Nam có được hai ưu điểm lớn hơn phía Tự do: Họ có được sự an toàn ở các căn cứ hậu cần – trong nội địa hay bên quốc gia lân cận – những căn cứ hậu cần đó là nơi họ dưỡng quân sau những cuộc đụng độ để chuẩn bị cho những trận đánh mới mà không sợ bị quấy phá.”
Những Ngày Cuối VNCH, trang 282



“Về phía Hoa Kỳ, theo tướng Phillip Davidson (Viet Nam at War, Oxford University Press,1988), cả Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ cùng đô đốc Sharp và đại tướng Wesmoreland, đều có kế hoạch đánh ra vùng bắc khu phi quân sự, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, đánh phá các căn cứ ở Lào, Cam Bốt, và oanh tạc các mục tiêu quan trọng chung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Các kế hoạch trên đều không được tổng trưởng quốc phòng McNamara và tổng thống Johnson (1967) chấp thuận”.
Những Ngày Cuối VNCH trang 292

Cuối tháng 6-1965 chiến dịch lùng và diệt địch (Search and Destroy) ra đời, trong những năm 1965, 1966, 67 CSBV bị tổn thất nặng trước hoả lực hùng hậu của không quân và pháo binh Mỹ, họ phải rút về những chiến khu hoặc bên kia biên giới. Cuối năm 1967 Tướng Wesmoreland cho biết tình hình VN khả quan, Mỹ có thể rút quân năm 1969 nhưng CS bất thần mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, đưa 100 tiểu đoàn, khoảng 84,000 người vào trận chiến. Sau ba tháng tấn công CS thiệt hại tổng cộng 58,372 cán binh, bị bắt toàn bộ 9,461 người chỉ còn 16,168 tên chạy thoát, chưa tới 20% quân số. Mặc dù bị thiệt hại nhiều trong những năm 1965, 66, 67.. nhưng họ rút vào hậu cần bên kia biên giới nghỉ dưỡng quân và đã có khả năng mở trận tấn công qui mô.

Không riêng gì các Tướng Tư lệnh Mỹ đã đưa kế hoạch đánh qua hậu cần CS bên kia biên giới mà Tướng Cao Văn Viên cũng đã phác hoạ một kế hoạch tương tự. Ông cho rằng CS luôn tôn sùng một nguyên lý: Tiếp liệu là phương diện quan trọng nhất của chiến trường, kết quả trận chiến thường được quyết định từ đó. Năm 1971 tổn thất hàng tuần của Mỹ là 50 người, VNCH 350 người, Cộng quân 2,500 người. BV cố gắng mở đường tiếp tế, Hoa Kỳ tìm cách cắt đứt.

Từ 1966 trong một buổi nói chuyện với nhiều sĩ quan cao cấp, ông Cao Văn Viên có đề cập tới một chiến lược để đối phó với tình hình gọi là Cô Lập gồm 7 điểm:

“1-Tách rời du kích ra khỏi dân để phá đi hạ tầng cơ sở của chúng.
2- Cô lập các đơn vị chủ lực và đơn vị địa phương để cả hai không tựa vào và tiếp ứng nhau để chúng ta có thể tiêu diệt dễ hơn.
3-Triệt tiêu các căn cứ hậu cần của địch trong lãnh thổ VNCH.
4-Triệt tiêu các căn cứ hậu cần của địch ỡ những nước lân cận.
5-Thiết lập một hàng rào chống xâm nhập dọc theo vĩ tuyến 17 từ Ðông Hà đến Savannakhet.
6-Cắt liên lạc giữa mặt trận và hậu cứ của CSBV ra làm hai bằng cách đổ bộ lên Vinh hay Hà Tĩnh.
7-Thành lập một liên minh các quốc gia gồm Thái Lan, Lào Căm Bốt và Việt Nam”
Những Ngày Cuối VNCH trang 287, 288

Ông Cao Văn Viên cũng đã nói tiếp tất cả 7 điểm của chiến lược kể trên phải được thực hiện cùng một lúc thì mới có hiệu quả mong muốn. Theo ông thời gian thuận tiện nhất là sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, lúc đó hạ tầng cơ sở Cộng Sản đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, các đơn vị chính qui bị đánh bật ra vùng biên giới. Trên thực tế không một kế hoạch nào trong chiến lược Cô lập kể trên được thực hiện.

Như đã nói trên trong nhựng năm 1965, 66, 67… Johnson-McNamara chỉ cho phép quân đội Mỹ và VNCH thực hiện những kế hoạch quân sự giới hạn. Chiến lược hạn chế có mục đích làm hao mòn lực lượng BV để họ sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ phải lên bàn hội nghị. Kế hoạch đánh hao mòn mà Hoa Kỳ đã áp dụng thành công Thế chiến thứ hai khiến cho Ðức, Nhật phải suy yếu đi tới chỗ kiệt quệ đầu hàng nhưng lại không đạt được mục tiêu trong chiến tranh Việt Nam. Như chúng ta đã thấy ở trên mặc dù bị tổn thất rất nhiều, BV vẫn gia tăng xâm nhập. Các nước Nam Hàn, Mã Lai đã đánh bại CS, họ thuận lợi hơn miền Nam vì là những bán đảo, địa hình thuận lợi cho những kế hoạch chống xâm nhập. Miền nam VN có trên 1500 cây số biên giới phía Tây đã cho CS có một hành lang xâm nhập dài vô tận.

Ngoài ra trang 292 cuốn sách nêu trên ông Cao Văn Viên cũng nói.

“Tấn công vào Vinh hay Hà Tĩnh có lẽ là giải pháp duy nhất để chặn đứng cuộc chiến tranh trường kỳ của CSBV nếu VNCH có thể thuyết phục thế giới thấy ý định của mình là chỉ chặn đứng sự xâm nhập của Cộng sản Hà Nội. Và nếu cuộc đổ bộ này được thực hiện, mục tiêu đổ bộ sẽ nằm trong khoảng trên vĩ tuyến 18 và dưới phía nam sông Cả một chút. Lực lượng tấn công sẽ đổ bộ gần Bến Thuỷ. Từ đó lực lượng đánh ngang qua đèo Keo Neua và đèo Mụ Già-cửa ngõ của đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Cuộc tấn công chỉ thành công khi lực lượng đổ bộ chiếm và giữ được đầu ngọn của con đường xâm nhập và chặn đứng mọi di chuyển vào Nam”

Tướng Wesmoreland và cả Tướng Viên ngoài việc lập hàng rào ngăn chận đã đề nghị đánh qua hậu cần BV bên kia biên giới với Miên, Lào hoặc phía trên vĩ tuyến 17 để dứt điểm hậu cần của CSBV và ngăn chận xâm nhập nhưng mọi kế hoạch đã không được chấp thuận. Mãi đến 1970, Tổng thống Nixon yểm trợ cho VNCH đánh qua Miên 1970 và sau đó qua Hạ lào 1971. Tại chiến trường Căm Bốt 1970, hậu cần của CSBV đã bị hủy diệt gần như hoàn toàn. Tháng 2-1971 hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào, theo Tướng Hoàng Lạc cả hai bên đều bị thiệt hại nặng , ông Cao Văn Viên nói nó đã chặn đứng kế hoạch phản công của BV tại vùng I, mặc dù không thành công mỹ mãn như cuộc hành quân qua Căm Bốt nhưng Hành quân Lam Sơn 719 đã phá hủy một số lớn quân nhu quân dụng ở vùng Tchepone, làm gián đoạn sự xâm nhập của CSBV vào Nam.

Tổng thống Nixon đã yểm trợ cho VNCH đánh vào hậu cần BV tại bên kia biên giới là một kế hoạch đúng chiến lược, đạt thắng lợi lớn về quân sự nhưng bị thất bại nặng về chính trị tại Mỹ, nó thúc đẩy phong trào phản chiến lên cao hơn. Ngày 4-5-1970 trong một cuộc biểu tình tại đại học Kent, Ohio 4 sinh viên phản chiến bị quân đội bắn chết, nhiều người khác bị thương khiến những người chống chiến tranh ngày càng quyết liệt. VNCH đã thắng trận nhưng thua cuộc chiến vì từ đó lập pháp dần dần trói tay hành pháp và buộc phải rút quân. Tổng thống Johnson có nhiều cơ hội thuận lợi, đã được quốc hội ủng hộ và cho tăng quân như đã thấy: năm 1965 quân số Mỹ tại miền Nam là 184 ngàn, năm 1966 lên 385 ngàn, năm 1967 là 485 ngàn, 1968 lên 536 ngàn đó là đỉnh cao của sự hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến. Mặc dù nhiều thuận lợi nhưng Johnson đã không đạt kết quả mong muốn, không giải quyết được cuộc chiến tranh Ðông Dương. Ông đã khiến cho số lính Mỹ tử trận ngày càng lên cao như đã nói ở trên và đã thúc đẩy phong trào chống chiến tranh lan rộng khắp nơi, cuộc chiến tại đất nhà lên cao phá hủy dần dần mọi nỗ lực chính trị quân sự Việt Mỹ .

Khi Nixon lên thay Johnson năm 1969 thì ông đã thừa hưởng tất cả những sự khó khăn do Johnson -McNamara để lại nhất là phong trào phản chiến lên cao điểm năm 1968 sau trận Mậu Thân. Nixon đã không được nhiều thuận lợi như Johnson, ông đã không được Quốc hội cho tăng quân mà phải đem lính về nước dần dần để thoả mãn đòi hỏi của phong trào chống đối. Năm 1969 rút về 61 ngàn người, năm 1970 rút 141 ngàn , năm 1971 rút 178 ngàn, năm 1972 rút 132 ngàn. Cuộc chiến tại đất nhà lên cao, Quốc hội trói tay hành pháp, năm 1972 Nixon bắt tay Trung Cộng tìm cách rút bỏ Ðông Dương một phần vì tranh cử, Lập pháp cắt viện trợ quân sự tối đa đưa tới sụp đổ nhanh chóng.

Trở lại bốn câu châm ngôn về chiến tranh của Ðại tá Hoàng Ngọc Lung, đã nói ở phần trên, nếu VNCH và Hoa Kỳ ở vào trường hợp thứ hai thì CSBV ở vào câu thứ ba.

“Khi chiến thuật sai nhưng chiến lược đúng, trận chiến có thể thua nhưng nhưng chiến tranh sẽ thắng”

Sau 1975 tại Việt Nam chúng tôi có được đọc cuốn “Nguyên Lý Căn Bản Của Chủ Nghĩa Lénine” do Staline viết, đây là một bài giảng tại viện đại học Véc Lốp.

Về quân sự Lenine đưa ra những nguyên tắc chính :

a- Con đường đã vạch ra là phải đi đến cùng.
b- Chủ động tấn công tiêu diệt địch.
c- Phòng ngự là con đường chết của vũ trang khởi nghĩa.
d- Ðã đánh là phải thắng bằng được, địch một thì ta năm, địch hai thì ta mười.

Người Cộng Sản theo rất sát những nguyên tắc của sư phụ đã đề ra, họ dai dẳng, lì lợm hy sinh nhân mạng tối đa để đạt chiến thắng.

Ngày 22-6-1941 Hitler mở chiến dịch Barbarossa đưa một lực lượng vĩ đại 180 Sư đoàn bộ binh và cơ giới, 70% lực lượng của Ðức tiến đánh miền Tây nước Nga. Mặc dù Nga đã biết trước qua một số tin tức nhưng Staline không tin và quân Ðức vẫn đạt yếu tố bất ngờ, vả lại vũ khí quân Nga lạc hậu nên đã bị Ðức đè bẹp ngay khi chiến dịch tiến hành. Từ tháng 6-1941 cho tới khi quân Ðức đã tiến sát Mạc Tư Khoa, trong gần nửa năm họ đã bắt được khoảng 3 triệu tù binh Nga. Các tài liệu cho biết Nga thiệt hại khoảng trên 200 sư đoàn, nếu chính phủ Nga không phải là Cộng Sản thì chắc đã đầu hàng, nhưng với với chính sách cứng rắn tàn bạo của Staline họ đã thắng trong cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Ðại này (The Great Patriotic War).

Tổn thất nhân mạng của Nga cao nhất thế giới trong thế chiến : Tài liệu Liên xô đưa ra con số khiêm tốn 20 triệu người (kể cả dân và lính), nhưng theo số thống kê trong cuốn phim tài liệu Anh-Mỹ “Second World War, Behind Closed Door” thì tổng số tổn thất của Nga lên tới 27 triệu người chiếm một nửa tổng số người chết trên thế giới trong cuộc thế chiến. Riêng trận Stalingrad kết thúc 2-2-1943 quân Nga bị thiệt mạng 500 ngàn người (nửa triệu) gấp 4 lần quân Ðức, nhiều hơn số tồn thất của Mỹ (400 ngàn) và gần gấp hai số tổn thất của Anh (270 ngàn) trong suốt cuộc Thế chiến thứ hai. Tài liệu trong phim cho biết những người lính Nga nếu tháo chạy sẽ bị bắn giết ngay, họ có tổ chức riêng những toán an ninh đằng sau các đơn vị để buộc binh sĩ phải chiến đấu đến chết. Cuối cùng họ đã trả giá chiến thắng bằng núi xương sông máu, đó là ý nghĩa của nguyên lý con đường đã vạch là phải đi tới cùng, đã đánh là phải thắng, địch một thì ta năm, địch hai ta mười. Ngoài ra CS luôn luôn ở thế chủ động tiến công, không hề thấy họ xây dựng công sự phòng thủ hay đào hào đắp lũy.

CSVN theo sát những nguyên tắc kể trên của sư phụ Lénine, đó là chiến lược chỉ đạo cho họ trong cuộc chiến, BV theo đúng con đường đã vạch, phải nuốt cho được miền Nam bằng mọi giá qua chiến lược Cố đấm ăn xôi lì lợm, họ đã thành công trong cuộc chiến tranh chống Pháp nay đem áp dụng lại trong cuộc chiến 1960-75. Theo con số thống kê của Hoa kỳ công bố sau ngày ký hiệp định Paris 27-1-1973, có 58 ngàn lính Mỹ tử trận, quân đội VNCH có khoảng 183 ngàn binh sĩ thiệt mạng, khoảng hơn một triệu cán binh BV và một trăm ngàn quân thuộc Mặt trận giải phóng chết trong suốt cuộc chiến. Năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm ngày đại thắng, Hà Nội đã công nhận họ đã bị tổn thất một triệu 100 ngàn người (Chiến Tranh VN Toàn Tập) trong cuộc chiến chống Mỹ. Như thế BV đã chấp nhận tỷ lệ 16 đổi một đối với Mỹ và 5 đổi một với VNCH để đổi chiến thắng, chiến lược cố đấm ăn xôi đã thành công dựa trên xương máu của hàng triệu cán binh, chỉ có CS mới làm được như vậy.

Trong suốt cuộc chiến quân đội BV không hề phòng thủ, họ luôn ở thế tấn công, BV có lợi thế lựa chọn chiến trường và tập trung lực lượng tối đa để đạt mục tiêu giống như chiến lược của Napoléon trong Chiến Tranh Và Hoà Bình (Guerre et Paix) của Léon Tolstoi, Napoléon có nói với một cận thần tại trận Borodino 1812 bên Nga:

“Ngươi có biết thế nào là nghệ thuật quân sự không? đó là mình mạnh hơn đối phương ở một lúc nào đó, chỉ có thế thôi”
(Savez–vous ce qu’est l’art de guerre? …C’est l’art d’être à un moment donnée plus fort que l’ennemi. Voilà tout).

Trong một bài viết về Vạn Lý Trường Thành của một tờ báo Reader’s Digest năm 1973, người ký giả kết luận lịch sử đã cho thấy phòng thủ là thất bại. Mặc dù biết yếu điểm của phòng thủ nhưng như đã nói ở trên VNCH phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Người bạn đồng minh không muốn tấn công qua biên giới và bên trên vĩ tuyến 17 vì sợ Trung Cộng sẽ vào tham chiến như tại Triều tiên mà cũng có thể họ muốn cù cưa kéo dài chiến tranh theo chỉ đạo của tài phiệt để buôn bán súng đạn làm giầu trên trận địa như nhiều giả thuyết đã nghi ngờ.

Từ cuộc chiến tranh chống Pháp 1946-1954, CS cũng đã chấp nhận đánh thí quân để yểm trợ phong trào chống chiến tranh tại Pháp khiến cho họ phải ghê sợ chiến tranh Ðông Dương tìm cách rút bỏ về nước. Nay CSBV lại theo đúng cái chiến lược cố đấm ăn xôi ấy, chấp nhận thiệt hại nhân mạng với tỷ số 16 đổi một để thúc đẩy phong trào phản chiến. Tuy nhiên nếu chính phủ Johnson, McNamara giải quyết nhanh gọn cuộc chiến bằng những cuộc tấn công đánh phá hậu cần BV bên kia biên giới như kế hoạch của Wesmoreland hoặc ngăn chận hữu hiệu sự xâm nhập của BV thì chiến lược Cố đấm ăn xôi sẽ bị vô hiệu hoá vì họ không thể hy vọng vào phong trào phản chiến, dẫu thí quân đến đâu cũng vô ích và phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị rút quân về Bắc, nhưng cơ hội ấy đã vuột khỏi tầm tay.

CS áp dụng chiến thuật du kích, bám vào dân như cá với nước, đợi lúc thuận lợi tập trung tiến công áp đảo nhờ số đông và yếu tố bất ngờ. Du kích chiến đã có từ thời xưa không phải do Mao Trạch Ðông hay Võ Nguyên Giáp nghĩ ra, trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, đoạn nói về cuộc truy kích quân Pháp trên đường tháo chạy về nước 1812 quân Nga áp dụng một chiến thuật mới: người lính phân tán, khi gặp địch mạnh thì chạy, tấn công khi có cơ hội, đó là du kích chiến. Chiến tranh du kích không theo qui luật chiến tranh qui ước, qui luật nói bên nào mạnh đông thì sẽ thắng. Quân Nga phân từng đội nhỏ vì tinh thần rất cao, đánh những đòn nặng vào Pháp. Những đội quân du kích đã tiệu diệt đạo quân lớn thành từng mảng, có đội trang bị cả pháo binh, có đội chỉ có kỵ binh.

Những năm 1959, 60, 61… VC dùng vũ khí bén nhọn dao găm, mã tấu, dần dần họ tiến lên vũ trang súng đạn và tới vũ khí cá nhân tối tân như AK, B-40 và sau cùng tiến tới vũ khí nặng như chiến xa, đại bác bắt đầu từ thập niên 70. Những năm 1960, 61, 62 họ áp dụng du kích chiến, từ giữa 1965 khi bộ đội chính qui xâm nhập miền Nam họ áp dụng cả du kích và qui ước và từ thập niên 70 BV được CS quốc tế viện trợ nhiều vũ khí tối tân xe tăng đại bác, hoả tiễn thì chủ yếu là qui ước, vả lại sau trận Mậu Thân Mặt Trận Giải Phóng bị thiệt hại rất nặng chỉ còn khoảng hai chục ngàn người.

Tiền pháo hậu xung là chiến thuật CS thường áp dụng ngoài mặt trận sự thực không phải do họ nghĩ ra mà đã có từ thời Napoléon, vị đại đế này đã thành công huy hoàng trước đây đó là tập trung nhiều đại bác pháo kích vào một địa điểm, cho trừ bị quân phá vỡ phòng tuyến địch, cuối cùng cho kỵ binh tiến đánh chiếm mục tiêu. Chiến thuật của CS như ta đã thấy không có gì mới lạ trong cuộc chiến 1959-1975, VNCH và đồng minh đã thắng được nhiều trận nhờ chiến thuật và ưu thế về hoả lực nhưng sau cùng thua cuộc vì chiến lược sai.

Nếu nói về sự thiệt hại nhân mạng thì tổn thất của BV + VC gấp năm (5) lần tổn thất của Mỹ + VNCH như vậy coi như phía VNCH và đồng minh thắng vì bên nào chết nhiều coi như thua. Nếu nói về lãnh thổ thì BV thắng vì họ cuối cùng đã chiếm được đất.

Trên đây cũng chỉ là lối nhìn, giải thích về nguyên nhân sự kết thúc của cuộc chiến tranh Quốc Cộng đã qua, cuộc chiến dài nhất thế kỷ này đã có nhiều lối nhìn khác nhau từ nhiều phía Mỹ, VNCH, CS Hà Nội… chưa hẳn lối nhìn nào đã đúng. Mọi sự giải thích về nguyên nhân, hậu quả cũng chỉ là tương đối.



Tài Liệu Tham Khảo.


Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà,Vietnambibliography, 2003.Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam.Ðoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.Staline: Nguyên Lý Căn Bản Của Chủ Nghĩa Lénine, in 1977, Sàigòn .Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.Văn Tiến Dũng: Ðại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HàNội 2005.Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1990.Léon Tolstoi: La Guerre et la Paix, Traduction nouvelle par Elisabeth Guertik, Préface de Brice Parain, Livre de poche, Paris 1963.Leo Tostoy: War And Peace, The Maude translation, W.W Norton & Company, New York-London, 1966Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman - General Editor, A Bison-book 1958.Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A History in documents, Oxford University Press 2002.Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Ðầu, Sài Gòn nhỏ-Dallas-28-4-2006.