Wednesday, November 4, 2009

Hữu Loan: Từ "Mầu Tím Hoa Sim" đến "Dao Khúc Cừu Và Cò"

Hữu Loan: Từ "Mầu Tím Hoa Sim" đến "Dao Khúc Cừu Và Cò"

Nguyễn Mạnh Trinh


Mấy ai, là người Việt Nam mà không biết bài thơ "Màu Tím Hoa Sim". Một bài thơ trong nhiều thập niên đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát làm say mê thính giả từ bình dân tới chọn lọc. Bài thơ đã được nhiều người coi là kiệt tác của thế kỷ 20. Tác giả Hữu Loan đã nói về bài thơ này của mình, như một phần đời sống của mình:

"Làm sao tôi có thể quên được điều đó. Màu tím hoa sim là màu tang thương của một tình yêu định mệnh tình vợ chồng ngắn ngủi mà giờ đây nó chỉ còn lại trong ký ức của riêng tôi. Đó là một mối tình ly kỳ nhất và tôi được là người may mắn nhất do tạo hóa ban tặng. Ngày tôi đặt chân đến gia đình ông Lê Đỗ Kỳ (sau này là nhạc phụ của tôi) làm gia sư cho ba người con trai của ông, cũng là ngày vợ ông ấy sinh hạ một bé gái xinh xắn. Nhưng có một điều khác thường là ở chỗ cô bé không cất tiếng khóc chào đời như mọi đứa trẻ khác. Gia đình họ mang cô bé đặt lên trên nắp một cái thùng phuy để cầu nguyện một điều gì đó, tôi tò mò lại ngắm nhìn thì cô bé nhoẻn miệng cười với tôi. Lớn lên, tôi đi đâu, cô bé ấy cũng đòi đi theo.

Và còn một điều kỳ lạ nữa là khi tôi quay trở lại làm gia sư dạy học cho chính cô bé sau này là vợ mình, nhà ông tham Kỳ lúc nào cũng có vài ba mươi người ăn, kẻ ở hầu hạ thế mà cô ta luôn giữ va-ly và không cho bất kỳ ai giặt quần áo của tôi, mà tự tay cô ấy giặt, là lấy rồi gấp xếp vào va-ly cho tôi. Cô bé càng lớn càng đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện. Chúng tôi cưới nhau ngày 16/2/1949 thì đến ngày 29/5 cùng năm đó, vợ tôi tên là Lê Đỗ Ninh mất do chết đuối khi tôi đang hoạt động cách mạng ở Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Đau thương này kéo dài lắm. Và cũng chính vì lẽ đó nên sau khi cô ấy mất, tôi có ý định không lấy vợ nữa. Mỗi lần nhớ tới cô ấy là tôi lại "khóc" ra một đoạn của bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" hoàn chỉnh bây giờ.."

Thế mà, bài thơ "kiệt tác" ấy lại là đầu mối những hoạn nạn cho suốt cả cuộc đời làm thơ. Bị trù dập, bị phê phán, bị kỷ luật, Hữu Loan đã nói tại sao mình bị hứng chịu những tai ương như vậy: "... bởi vì người ta làm Thơ lúc bấy giờ là phải làm về Đảng, ca tụng Đảng, ca tụng Cộng Sản, ca tụng cái buôn bán chiến tranh. Bởi vì cái đánh nhau là cái dễ kiếm chác lắm. Mà kiếm chác ở cái chiến tranh ấythì khó kiểm tra lắm cho nên những cái bọn ăn bẩn ấy là bao giờ cũng chù trương chiến tranh, buôn bán chiến tranh. Mà tôi thì tôi thấy đấy là cái đấy là cái khổ dân nhất nên tôi chống cái ấy hết sức cho nên vì vậy đã làm bài Thơ trong lúc bấy giờ một tí là người ta đề cao Hồ Chí Minh, hai tí là đề cao Hồ Chí Minh. Tôi thì tôi đề cao Tình Yêu.., tôi khóc cái người vợ tử tế với mình, hiếm có với mình. Lúc đó khóc như vậy nó cho là khóc cái tình cảm riêng.. lúc bấy giờ làm Thơ là phải có Hồ Chí Minh, phải có đảng Cộng Sản.. Lúc bấy giờ tôi làm thơ kể lại bằng thơ cái chuyện tôi lấy vợ rồi sau đi vào bộ đội thì ở nhà bà ấy đi giặt rồi chết đuối ở sông.. Mới lấy nhau được có hơn mấy tháng ấy mà... Thế rồi bà ấy chết đuối ở sông... tôi thấy đau xót tôi làm cái bài thơ ấy tôi khóc. Làm cái bài thơ mà lúc bấy giờ họ cho là "phản động". Làm thơ là phải bắt buộc làm về Cộng Sản, làm về bác Hồ chứ không được khóc cái đau riêng của mình. Cái đau khổ riêng của con người là không được khóc..."

Hữu Loan, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, người đã phê bình sự dốt nát của các quan "văn nghệ Cộng Sản" bằng hình ảnh ví von thật ác: "Những mắt lợn thưởng tranh. Những tai trâu huấn nhạc." Và cũng chính Hữu Loan, tác giả của bài thơ "Mầu tím hoa sim", người đã không thèm cầm bút theo sự chỉ huy của chính quyền chuyên chế, về cày ruộng thồ đá, lao động như một nông dân chính hiệu.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã có những câu thơ viết về Hữu Loan như:

"... Nguyễn hữu Loan
hồn nhiên như con trẻ
đơn sơ như miệng cười
dám chân thành làm một con người
giữa bão tố quyết không là cây sậy
chỉ biết cúi đầu vâng lời lẽ phải.
Với bạn bè gìn giữ thủy chung
Đỗ Phủ xưa dù lớn vô cùng
Nguyễn Hữu Loan không chịu là Đỗ Phủ
Ba mươi mấy năm chân trần lam lũ.
Đói khôngLoan?
Khổ không Loan?
Tao chẳng khổ bao giờ
Tao đi cày như tao làm thơ
Mày đi cày vì mày dám làm thơ.
Thơ vĩ đại vì thơ không đánh đĩ
Bọn dối trá chẳng thể là thi sĩ
Kiệt Trụ đừng nói chuyện thi ca.
Nhớ nguyễn Du xưa rau cháo xanh da
Nửa tháng ốm không có tiền mua thuốc.
Không cần thép thơ vẫn thành bó đuốc.
Thơ nâng người cao sát với thần linh..."

Thơ, đối với Hữu Loan cũng như một số người, là cứu cánh để tồn tại và sống còn trong những hoàn cảnh bi đát nhất. Tương tự như, những người bị giam hãm trong phòng biệt giam, chung quanh là không khí u trệ hắc ám, nhìn đời sống toàn màu đen, nếu không có óc tưởng tượng để vượt trên những chấn song của những tâm hồn thi nhân thì có lẽ khó sống còn nổi trong những điều kiện sinh hoạt vô cùng ngặt nghèo. Hay, những người bị cả một chế độ khủng bố, bao vây kinh tế, theo dõi tư tưởng, cả đời lao đao. Không những chỉ một cá nhân cam chịu riêng mình mà còn cả gia đình thân quyến cũng chịu ảnh hưởng lây. Có những người vẫn an nhiên sống bất chấp đấy ải. Nhưng cũng có những người không gượng dậy nổi trước những đè nén đôi khi vượt khỏi sức chịu đựng của con người. Thơ, như ví von của Phùng Quán, là gậy chống để gượng đứng dậy và tiếp tục đi....

Với Hữu Loan, ông có cách xử thế cương cường. Bỏ Đảng, bỏ Việt Quốc Quân, bỏ chức vụ, bỏ quyền lợi, không thèm xin phép, ông về quê, sống đời vất vả của một nông dân:

"Năm 1956, tôi không ở nữa mà tôi bỏ tôi về thẳng, bỏ Đảng, bỏ cơ quan để trở về nhà đi cày, đi thồ. Cánh ấy không cho bỏ bắt tôi phải xin bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi có cái tự do của tôi.. Cái chuyện bỏ Đảng, tôi muốn bỏ là tôi bỏ không ai bắt buộc được. Tôi bỏ tôi về, tôi cứ về... Tôi phải đi cày, đi bừa, đi đốn củi đưa về, đi thồ, đi xe đá để bán thì nó hành tôi đủ cách. Xe nó không cho đi xe, nó bắt xe đến nỗi sau cùng đi xe không được tôi phải đi xe cút kít. Tôi tự lam lấy cái xe cút kít rồi đi. Thế mà xe cút kít nó cũng không cho, nó xui người bắt bánh xe không bán cho tôi nữa. Có lần tôi phải gánh bộ, gánh bằng vai, tôi cũng cứ nhận để cho tôi gánh. Tôi cứ gánh, tôi cứ làm, không bao giờ tôi chịu khuất phục. Vợ con nó có vẻ oán hận tôi lắm cho rằng tại tôi bướng bỉnh cho nên làm chúng nó khổ. Thế nhưng mà tôi cứ làm đủ mọi thứ... không có cái gì là không làm, chỉ có cái hại người là tôi không bao giờ hại, cón cái gì tôi cũng làm hết. Làm thì nó theo dõi, nó ngăn cản, nó tìm cách làm hại mình. Nhưng mà, cái chuyện vẫn có là có Trời, và chẳng bao giờ nó hại được tôi, dù rằng đi đến đâu cũng có Công an mật theo dõi hết. Chỗ nào cũng cho người hãm hại tôi, nhưng mà lần nào như vậy thì lại có người cứu giúp. Có một cái lạ là những bài Thơ của tôi ấy có bài đã cứu sống tôi. Bởi vì lắm khi người ta bố trí công an mật đi để giết tôi thì lắm khi người ấy không nỡ giết vì yêu thích thơ tôi..."

Nhìn lại những biến cố văn học Việt Nam, từ xưa đến nay, có những người vì án văn tự mà bị chu di tam tộc. Đó là thời quân chủ phong kiến. Chế độ Cộng Sản có những cái án mà không thành án, suốt đời đeo đẳng, Thí dụ, vụ án "Xét lại", vụ án "Nhân Văn Giai Phẩm"... Sự tàn bạo, khốc liệt không thua gì đời phong kiến, nếu không nói là thâm độc hơn.

Thời kháng chiến hay khi vào tiếp thu miền Bắc, Đảng Cộng sản vẫn một chủ trương văn nghệ chỉ huy, văn chương phục vụ chính trị. Từ đề cương văn hóa "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt nam" của Trường Chinh Đặng Xuân Khu đọc trước Hội Nghị Văn hóa ở chiến khu Việt Bắc năm 1948 trở về sau, một đường lối cực đoan bảo thủ được thi hành với tất cả những biện pháp khắc nghiệt dành cho những ai muốn đi ra ngoài cương lĩnh ấy.

Năm 1955, nội tình miền Bắc nhiều rối ren. Phong trào cải cách ruộng đất rập khuôn Trung Quốc đã gây ra biết bao nhiêu oan khuất và sự phẫn nộ của dân chúng lên cao đến nỗi phải phát động chương trình sửa sai để làm giảm bớt căng thẳng. Văn nghệ cũng nhân theo đó mà nêu ra những khiếm khuyết của lãnh đạo, xoáy vào những bi thảm mà chính sách cải cách ruộng đất gây ra. Để đòi hỏi những mục tiêu tự do cầm bút.

Những nhà văn như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Hữu Loan... cùng chia sẻ một chủ trương chống lại chính sách chỉ huy văn nghệ của Đảng. Những Nhân Văn Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu với những bài thơ và truyện ngắn đã gây ra những dư luận sôi nổi với sự đồng tình của mọi giới từ trí thức đến bình dân.

Mục tiêu đầu tiên là phê phán Tố Hữu một cai thầu văn nghệ với tập thơ "Việt Bắc" được coi như là đỉnh cao thi ca của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cũng như, văn nghệ sĩ đòi quyền được tự do sáng tác, không muốn bị giam hãm trong vai trò minh họa cho chế độ. Tham ô, lãng phí, cửa quyền, bất công,... tất cả những tiêu cực của chế độ được đề cập đến cũng như vai trò của những ông bình vôi, những cây đa cây đề của văn nghệ bị lột trần trong vai trò văn nô hèn hạ.

Theo nhà thơ Lê Đạt, một người cột trụ của Nhân Văn Giai Phẩm trả lời bà Thụy Khuê của đài RFI mới đây thì thực hiên giai phẩm là một việc làm tự phát chứ không ảnh hưởng từ những biến cố ở Liên Xô và Trung Hoa. Nhân Văn Giai Phẩm Mùa Xuân xuất bản tháng giêng năm 1956 trong khi cuối tháng 2 cùng năm thì Đại Hội lần thứ 20 Đảng Cộng Sản Liên Xô phục hồi danh dự cho các văn nghệ sĩ bị giết hại hoặc đấy ải dưới thời Stalin. Đến tháng 5, Mao Trạch Đông phát động chiến dịch "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Năm 1956 quả là một năm đầy biến cố cho các chế độ Cộng Sản trên toàn thế giới.

Dĩ nhiên, ở Việt Nam, cả bộ máy chuyên chế không nương tay trong việc trừng phạt và dẹp tan những tư tưởng phản động chống đối. Tự phê, tự kiểm, một không khí khủng bố lan rộng trong giới văn nghệ sĩ. Trần Dần là một người hứng chịu những trừng phạt khủng khiếp nhất, không có án văn tự nhưng ghê khiếp với những hậu quả cho cả vợ con và gia đình. Ông bị Đảng không cho phép kết hôn với bà Bùi thị Ngọc Khuê là người có gia đình di cư vào Nam và thuộc giới tư sản địa chủ. Ông bất chấp và xin ra khỏi quân đội cũng như bỏ sinh hoạt Đảng đoàn.Vì những bài thơ chống chế độ. Ông bị bắt giam, có lúc uất ức cứa cổ tự sát. Họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung một người có vết sẹo trên cổ ám chỉ Trần Dần và bị kết tội "Bọn Nhân Văn". Lúc đó, bị gán cho nhãn hiệu ấy là một tội danh chết người.

Trần Dần bị kết tội là đồ đệ của Hồ Phong, một nhà văn đã viết bức thư ngỏ gửi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa phê phán "năm lưỡi dao" đâm vào tim óc các nhà văn, bị bắt giam và đầy đọa tới chết trong những trại lao cải tàn khốc. Thế là, cả đời của nha thơ Trần Dần và gia đình rơi vào tình trạng vô cùng khốn khổ. Gia cảnh nheo nhóc, con cái học hành dang dở tuy thông minh hiếu học nhưng vì cái án treo Nhân Văn lơ lửng. Bị bao vây kinh tế, ông suốt đời như cái bóng âm thầm, nhiều người thương tình muốn giúp đỡ mà không dám sợ bị tội liên quan. Như thế ai mà cả gan dám quan hệ với Trần Dần sẽ bị hậu quả ngay. Vậy, vẫn có một người đã dám công nhiên chia sẻ bằng thi ca. Đó. Tác giả "Màu tím Hoa Sim". Hữu Loan.

Hữu Loan, một kiện tướng văn nghệ với bài thơ "Màu tím hoa sim" mà người yêu thơ cả hai miền Nam Bắc truyền tụng hay truyện ngắn "Lộn Sòng" đăng trên Giai Phẩm Mùa Đông năm 1956 đã gây ra những chấn động cho chế độ miền Bắc. Hơn thế nữa, ông là một người kiên cường, từ bỏ tất cả để về quê ông ở Thanh Hóa làm ruộng, đi cày, thồ đá, sống thanh bạch. Bị đày về quê nhà, đóng vai trò nông dân, ông phải cày bừa, kéo những xe chở đá nặng nề khổ sở như những người bị lao động khổ sai. Đảng cố tình đầy đọa ông và gia đình suốt ba chục năm trường mà ông vẫn kiên cường chịu đựng. Về sau này, khi chế độ bị bắt buộc phải thay đổi đường lối cực đoan, thì nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo văn nghệ đến ve vuốt theo lệnh Đảng để lợi dụng danh tiếng và tài năng của ông. Ông vẫn giữ mực thường tiếp đãi, tự nhiên không cay đắng không xun xoe. Trong mọi thái độ vẫn giữ tính chất của kẻ sĩ. Hữu Loan đã nói với cái tâm kẻ sĩ khi trả lời cuộc phỏng vấn của đài BBC:

"Tôi là thằng thích được tự do mà bảo vệ tự do của tôi, với tự do của mình và tự do của dân tộc, tự do của mọi người. Tôi thấy ai mất tự do thì tôi bênh vực cái người ấy và tôi cũng không bao giờ để cho tôi mất tự do, như là tôi làm những cái mà... bao giờ cũng làm cái đạo đức tức là thương người. Thấy đói thì thương, ai rách thì cho mà ai bị áp bức thì binh vực. Nhưng mà có một cái là không ai có thể áp bức tôi được. Áp bức là tôi chống lại. Chống bất cứ ai mà ngay cả đến cần phải đánh nhau với cả hàng lũ người mà làm tôi mất tự do tôi cũng chống lại và nếu cần đánh là cũng phải đánh.

Thấy tình cảnh của gia đình Trần Dần, Hữu Loan viết tặng bạn bài thơ "Dao khúc: cừu và cò" với những ví von ẩn dụ. Hữu Loan đã mang câu ca dao "con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao..." vào thơ mình với hình ảnh nhiều nỗi niềm.

Vẽ hình ảnh của Trần Dần bằng những câu thơ:

"... Bố Cò chỉ ngồi
nằm hay đứng
không đi
Phong Ác bắt
Cứ đi
Là phải
Đi còm..."

Vẽ hình ảnh của bà vợ Trần Dần, một nhân dáng tội nghiệp vì chồng vì con mà hy sinh với chịu đựng biết bao nhiêu khổ nạn:

"Cò Mẹ kiếm ăn
trên cạn
giữa những nơi hôm qua còn là bãi chiến trường
dẫy đầy mìn bom
nổ rồi
chưa nổ
giữa đế dép nát, giày hư, vỏ rum, Bồ đào, Vốt ka hảo hạng
hộp sữa, hộp bơ
cặn bã phù hoa
từ yến tiệc lầu cao quẳng xuống
(nước miếng dào lên
chát đắng
trong mồm)
Vẽ hình ảnh của những đứa con:
"... Cò Bé không thương thì ai thương mẹ?
Cò Bé còn thương cha
Và suốt đêm thức vẽ
Bé vẽ cha
Một mắt
Mầu đỏ mưa sa
Trên hình chữ nhật
Đồng tử vàng tang
Đưa ma
Phố sập
Vẽ cổ cha
Gân to
Kim ấn
Vắt ngang!
lập thể Picasso?
Cubitsm Cò con hưa có Cò đâu
Khi có
"vấn đề bố Cò"
đăng trang đầu
"Đây" Nhân Dân" Số 1..."

và phác họa một thời đại của những con cừu non với những bánh ve õcủa một chế đo độc đoán:

"... bọn nghệ nô
đem hết tài
khuyển

tạo mầu
tạo thanh
gây ảo
tối
đa
hay hiện thực quái thai
thảo nguyên âm thanh
thảo nguyên áp phích
xanh mướt
mênh mông
ngon mắt
ngon tai
đến tận thiên hà!
(chỉ không ngon miệng)
vì thèm quanh năm
(như tội tổ tông)
được gậm
được nhai
được tiêu hóa
dần
một bữa
no

thật..."

Bài thơ khá dài, Hữu Loan đã so sánh hai phận người, một con cò lặn lội bờ sông và một những con cừu cam chịu phận hèn, ở trong "khuôn" thì phải "khổ".

Thơ Hữu Loan như những âm thanh gợn lên từ những xúc cảm từ nỗi uất hận từ những trái tai gai mắt của một thế kỷ nhiễu nhương. Câu kết như một lời "ai điếu cho một nền văn chương minh họa".

"... Tiếng người hát
trong không thời gian
vang vọng
(xùi xụt mưa thu điệp khúc
Chiêu Hồn)
Những thân Cò
Từ nguyên thủy
Việt Nam
Hỡi người Cò
Thời văn minh Cộng Sản
Vị dương gian tối cao
Đội trưởng
Đội
Thập loại chúng sinh Cò.

Hữu Loan đã làm một công việc của một người thấy sự bất bằng mà lên tiếng. Đã có kinh nghiệm sống với cộng sản, ông cũng thừa hiểu những trò trả thù của chế độ. Nhưng, có hề gì, đã hơn ba mươi năm trong lò luyện ngục thì xá gì thêm một chút đòn hằn!!!

No comments: