Thursday, November 12, 2009

Tiến tới một nền cộng hòa văn chương

Nguyễn Hưng Quốc
11/11/2009


Ðã đến lúc văn học Việt Nam phải vượt qua khỏi giới hạn của những lũy tre và những chiếc cổng làng với những hương ước tủn mủn, cũ kỹ và những đám hào mục tầm nhìn không vượt qua khỏi những cái đầu gà...

Theo tôi, ở vào thời điểm toàn cầu hoá như hiện nay, đã đến lúc giới cầm bút Việt Nam phải thoát ra khỏi tâm lý hậu thuộc địa và cùng với nó, chủ nghĩa bộ lạc (tribalism). Đã đến lúc không ai có quyền tự xem mình như một thứ ngoại lệ của thế giới. Đã đến lúc văn học Việt Nam phải vượt qua khỏi giới hạn của những luỹ tre và những chiếc cổng làng với những hương ước tủn mủn, cũ kỹ và những đám hào mục tầm nhìn không vượt qua khỏi những cái đầu gà và những cái phao câu.

Đã đến lúc văn học Việt Nam phải trở thành một nền cộng hoà.

Sự khác nhau giữa ý niệm "làng" và ý niệm "cộng hoà" chủ yếu là sự khác nhau trong ý thức về bản chất của sinh hoạt văn học. Cũng có thể nói là sự khác nhau về "thể chế" sinh hoạt văn học cũng như văn hoá của văn học. Một sự khác biệt triệt để.

Tinh thần cộng hoà trước hết là thứ tinh thần chuyên nghiệp.

Khái niệm "chuyên nghiệp" tôi dùng ở đây không phải theo nghĩa kinh tế. Sống được bằng ngòi bút hay không, không phải là điều quan trọng. Thậm chí, trong tình hình Việt Nam hiện nay, khi thị hiếu của quần chúng nói chung khá thấp, việc sống bằng nghề cầm bút có khi là một sự nguy hiểm: người ta rất dễ trở thành rẻ tiền.

Tính chất "chuyên nghiệp" tôi dùng ở đây chủ yếu nhấn mạnh vào hai khía cạnh: tay nghề và ý thức.

Về tay nghề, một cây bút gọi là chuyên nghiệp nhất định phải là kẻ rất tự giác về những kỹ năng và kỹ thuật căn bản trong công việc viết lách chứ không phải chỉ là kẻ hoàn toàn cậy vào năng khiếu hay cảm hứng.

Về ý thức, một cây bút chuyên nghiệp là kẻ chỉ muốn lập sự nghiệp bằng chính sáng tác của mình. Sáng tác là phương tiện duy nhất để người ta khẳng định tư cách nhà văn / nhà thơ / nhà viết kịch / nhà phê bình lý luận của mình. Sáng tác là thứ visa để người ta bước vào cửa khẩu văn chương. Người ta sẽ trở thành một kẻ gian lận nếu muốn tồn tại trong thế giới văn chương mà không phải tốn công đầu tư công sức vào sáng tác.

Sau nữa, với tư cách một người cầm bút thực sự, tham vọng lớn nhất mà người ta nhắm tới là biến mỗi tác phẩm thành một công trình nghệ thuật hoàn hảo chứ không đơn giản chỉ là công cụ cho một thứ gì khác, dù là những lý tưởng thật đẹp hay những biến động thật lớn trong lịch sử.

Cuối cùng, một ý thức chuyên nghiệp không cho phép người ta lẫn lộn văn chương và những gì phi văn chương ngay cả với tư cách là độc giả. Ôn lại các biến động văn học lớn nhỏ ở hải ngoại từ hơn hai mươi năm qua, chúng ta dễ dàng phát hiện tính chất nhẹ dạ trong những con người làm văn học nghiệp dư khi đối diện với những tác phẩm mang nhiều ý nghĩa chính trị, đặc biệt những tác phẩm có nội dung tố cáo những tội ác dưới chế độ cộng sản.

Là thế giới của những người chuyên nghiệp, nền cộng hoà văn chương loại trừ tính chất phong trào, một ám ảnh dai dẳng trong sinh hoạt văn học Việt Nam, ít nhất là từ năm 1945 đến nay.

Nền tảng của mọi phong trào là tinh thần tập thể trong khi văn học cũng như nghệ thuật nói chung chủ yếu lại là một trò chơi mang tính cá nhân cao độ, ở đó, một bài thơ hay có thể chấp cả hàng triệu bài thơ dở, một cái riêng độc đáo có giá trị bằng triệu cái "điển hình" chung chung và sơ lược.

Những người chạy đuổi theo các phong trào thường sung sướng với những con số thống kê về số lượng tác phẩm cũng như số lượng ấn bản của mỗi tác phẩm, trong khi chỉ cần đọc lại các tờ báo cũ, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay những con số ấy hoàn toàn vô nghĩa: có những giai đoạn, sách báo được in ào ạt, nhưng cuối cùng, chỉ cần năm mười năm trôi qua, không có gì còn lại cả; trong khi, ngược lại, có những giai đoạn chỉ có năm mười cuốn sách được xuất bản nhưng đó lại là những kiệt tác: giai đoạn ấy bỗng có vẻ tấp nập và ồn ào hẳn.

Một sự thật cực kỳ đơn giản: lịch sử văn học được tạo nên bởi những tác phẩm còn lại chứ không phải bởi những cuốn sách hay những tờ báo đã được in ra hay bán được.

Loại trừ tính chất phong trào, nhưng một nền cộng hoà văn chương, tự bản chất, là một thế giới dân chủ.

Tính chất dân chủ ấy thể hiện đầu tiên ở các khía cạnh: đề tài, chất liệu, thể loại và ngôn ngữ.

Trước đây, trong nền văn học cổ điển cũng như văn học lãng mạn chủ nghĩa, người ta có thói quen thiên vị một số đề tài và một số chất liệu: những gì gắn liền với thiên nhiên thường dễ được xem là đẹp hơn những gì gắn với kỹ thuật; những gì nhẹ nhàng hoặc mờ ảo dễ được xem là có nhiều chất thơ hơn những gì nặng nề và rõ ràng.

Trong nền văn học hiện thực chủ nghĩa cũng như "hiện thực xã hội chủ nghĩa", người ta lại có khuynh hướng thiên vị những đề tài và những chất liệu gắn liền với đời sống chính trị của cả một dân tộc hoặc ít nhất của một cộng đồng đông đảo, hoặc một địa phương hoặc một giai cấp, hơn là những gì gắn liền với đời sống cá nhân và tâm linh. Những sự thiên vị ấy nếu không phải xuất phát từ, thì cũng dẫn đến, sự lẫn lộn giữa cái diễn đạt và cái được diễn đạt, giữa phong cách và đề tài, giữa nghệ thuật và hiện thực, giữa bài-thơ-về-con-cóc và bản thân con cóc.

Trong nền cộng hoà văn chương, ngược lại, mọi đề tài đều được phép và mọi chất liệu đều bình đẳng với nhau: ngay chính sự phân biệt giữa cái gọi là chất thơ và chất văn xuôi trong đối tượng được miêu tả cũng trở thành vô nghĩa; tầm vóc lớn hay nhỏ của đề tài lại càng vô nghĩa hơn nữa. Người ta có thể viết về bất cứ đề tài gì và có thể sử dụng bất cứ chất liệu gì chỉ với một điều kiện duy nhất: viết thật hay.

Về phương diện ngôn ngữ và thể loại cũng thế. Không có sự phân biệt giữa bình dân và cao cấp. Bất cứ ngôn ngữ và bất cứ thể loại nào cũng có thể trở thành ngôn ngữ và thể loại nghệ thuật khi, với tài năng sáng tạo của người cầm bút, nó thực sự mang tính nghệ thuật. Riêng trong phạm vi ngôn ngữ, tính chất dân chủ vừa nêu càng ngày càng mở rộng, dung hợp cả những yếu tố phi ngôn ngữ như trong thơ cụ thể hoặc thơ hình hoạ trước kia cũng như trong các sáng tác hypertext gần đây.

Nhưng tính chất dân chủ trong nền cộng hoà văn chương thể hiện rõ nhất là trong mối quan hệ giữa tác giả và độc giả.

Theo Roland Barthes, trong cuốn S/Z, văn bản có thể được chia ra làm hai loại: một, văn bản khả độc (lisible / readerly), chủ yếu dựa trên các quy ước quen thuộc về thể loại và văn hoá, có cấu trúc giống với những tác phẩm đã được viết trước đó, bởi vậy, có tính chất khả đoán, rất dễ dàng cho việc diễn dịch và cảm nhận; hai, văn bản khả tác (scriptible / writerly) thường mang nhiều yếu tố thử nghiệm, vượt ra ngoài khuôn sáo, bởi vậy, rất dễ làm người đọc có cảm tưởng là khó hiểu. Với loại văn bản khả độc, người đọc chỉ cần đọc, một cách thụ động, như một người tiêu dùng, với hai khả năng lựa chọn: chấp nhận hoặc bác bỏ. Với loại văn bản khả tác, người đọc phải tích cực tham gia vào quá trình tạo nghĩa, như một người sản xuất hoặc như một đồng tác giả.

Theo Roland Barthes, phần lớn các tác phẩm cổ điển mang tính chất khả độc trong khi phần lớn các tác phẩm hiện đại đều mang tính chất khả tác. Bước vào các tác phẩm văn học hiện đại, người đọc như lạc vào một thế giới đa nguyên, có thật nhiều lối đi và không có lối đi nào thực sự là lối đi chính cả.

Biểu hiện sâu sắc nhất của tính chất dân chủ trong cộng hoà văn chương là thái độ của cả người viết lẫn người đọc đối với những cái thường được gọi là điển phạm.

Trước đây hầu như mọi người đều tin là có một cái đẹp "vượt thời gian" và "vượt không gian" nào đó mà người ta có thể sử dụng như một quy phạm để sáng tác và như một thước đo để đánh giá văn học. Cha ông chúng ta, trong suốt cả hàng ngàn năm, tin tưởng một cách chân thành là cái đẹp ấy đã được kết tinh trong văn học Trung Hoa.

Sau này, kể từ thập niên 30 của thế kỷ 20, tiếp xúc với văn học phương Tây, người ta lại biến ngay một số thành tựu trong văn học phương Tây, đặc biệt là phương Tây ở thế kỷ 19, thành một thứ điển phạm, theo đó, thơ, muốn hay, phải dạt dào tình tứ như thơ lãng mạn Pháp, và truyện, muốn hay, phải giống truyện của Honoré de Balzac và của Leo Tolstoy.

Trong thời đại ngày nay, một mặt, do ảnh hưởng của xu hướng hoàn cầu hoá, mặt khác, do ảnh hưởng của các trào lưu phê bình hậu cấu trúc luận hay giải kiến tạo, người ta biết, thứ nhất, trong văn học thế giới có vô số điển phạm khác nhau chứ không phải chỉ có một số mẫu mực như trong văn học Trung Hoa, văn học Pháp hay văn học Nga trước đây; thứ hai, những cái gọi là điển phạm thực chất chỉ là sản phẩm của lịch sử và của văn hoá, có thể thay đổi theo thời gian.

Nhận thức thứ nhất dẫn đến một thứ chủ nghĩa đa văn hoá trong văn học, trong khi nhận thức thứ hai dẫn đến phản-duy bản luận (anti-foundationalism), một quan niệm cho những nguyên tắc căn bản trong đạo đức cũng như nhận thức luận của con người xuất phát từ thực tiễn xã hội hơn là từ một luật lệ phổ quát và vĩnh cửu nào đó.

Từ quan niệm đa văn hoá, người cầm bút thoát khỏi sự sùng bái có tính chất tín ngưỡng đối với một điển phạm nhất định, từ đó, có thể dung hợp mọi thử nghiệm từ mọi vùng đất khác nhau trên thế giới. Chỉ với thái độ như thế, người ta mới có thể tiến hành những cuộc giao lưu thực sự, hiểu theo nghĩa: một, giữa những người đồng thời (ngược lại, chỉ có nghĩa là học tập hay mô phỏng một chiều và thụ động), hai, một cách chọn lọc (trong đó ưu tiên bao giờ cũng dành cho những giá trị còn sức sống chứ không phải là những giá trị đã hoá thạch từ xưa); và ba, trong ý hướng sáng tạo (mục tiêu nhắm tới là tạo nên một cái gì mới chứ không phải chỉ là một sự lặp lại).

Từ quan niệm phản-duy bản, người cầm bút có thể sáng tác với tâm thế không chấp nhận bất cứ cái gì là điển phạm, và như vậy, hắn sẽ sáng tác trong tư thế của kẻ đang trên đường tìm kiếm cho chính mình một điển phạm chưa từng có. Sáng tác không còn là cách tìm kiếm chi tiết để lấp đầy một câu chuyện hay tìm kiếm câu chữ để lấp đầy một bài thơ trong đó cái gọi là "câu chuyện" hay "bài thơ" đã có một định nghĩa cố định với những đặc điểm cấu trúc cũng như mỹ học đã được nhìn nhận. Sáng tác, ngược lại, trở thành một cuộc thử nghiệm những cách viết mới để từ đó làm nảy sinh những khả tính mới cho chính cái ý niệm gọi là thơ hay truyện.

Một nền cộng hoà văn chương, do đó, thực chất là cộng hoà của những kẻ muốn thăm dò và thử nghiệm tất cả những khả tính của văn chương và của ngôn ngữ; những người không bao giờ chịu tin vào bất cứ một định nghĩa nào gọi là chung quyết về văn chương cũng như về ngôn ngữ.

Nói cách khác, một nền cộng hoà văn chương bao giờ cũng là một cái gì đó đang trong tiến trình hình thành.

No comments: