Wednesday, October 28, 2009

NGÂN HÀNG ĐỊA PHỦ

“Chiếm được thành, đánh được địch... chưa phải là thắng,
nếu chưa chiếm được lòng dân”. (Binh pháp Tôn Tử)



Ngày 30/4/05, trong khi cả nước tưng bừng cờ đèn kèn trống ăn mừng 30 năm ngày giải phóng Miền Nam, thì ở dưới âm phủ các vong hồn cán binh VC bị đói meo đói mốc vì chủ trương vô thần nên không được ai cúng kiến… Vong hồn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bèn dật dờ đội đơn lên gặp Bác Hồ để khiếu nại, xin được giải quyết vấn nạn:

_ “Thưa Bác, 2.500.000 âm binh của bộ đội ta được Tổ Quốc Ghi Công đang đói mốc meo trong các Nghĩa Trang Liệt Sĩ trên khắp cả nước. Trong khi những vong linh nguỵ quân miền Nam của Đại tướng Đỗ Cao Trí bên Nghĩa Trang Quân Đội là bên thất trận có nợ máu với nhân dân lại được Tổ Quốc Ghi Ơn cúng vái ăn uống phủ phê, khói nhang thơm ngát, đờn ca xướng hát vang lừng : ‘… Chè, xôi, chuối… để cúng ông bà… thịt gà rô ti, thịt vịt, tôm, cua, đậu, mè…’ Quân ta nghe mà phát thèm.

Và ghét nhất là những tên Ngụy mén ở quân trường. Chúng vừa đi diễu binh vừa hát : ‘Đường trường xaaa… con chó nó tha con mèo… Sá gì cá mối dưa leo ? Buổi sáng : ta ăn mì đường ! Trưa chiều : Cơm chan nước tương ! Muôn đời… Lục Quân Việt Nam… hai… baaa…’ Ngon lành như thế mà chúng nó còn chê, trong khi quân ta không có mà ăn…

Chi bằng Bác cho phép cháu đem quân qua ‘giải phóng’ phứt cái nghĩa trang quân đội đó để kiếm ‘chút cháo’ cứu đói… Hoặc xin Bác chỉ đạo cho các đồng chí lãnh đạo trên trần gian tìm cách lên dự án “qui hoạch” phứt cái nghĩa trang này thành Khu Công Nghiệp, rồi đem bán cho các công ty Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan… cho họ làm mặt bằng kinh doanh để khai thác tại chổ nguồn nhân công rẻ mạt của Việt Nam. Như thế là nhất cử lưỡng tiện, vừa có ngoại tệ để xoá đói giảm nghèo, vừa xóa đi được một cái tàn tích của chế độ cũ…”


Không ngờ, chẳng cần đợi tướng Thanh nói hết Bác đã gạt phắt:

_” Chú là dân võ biền chỉ biết đánh đấm, tính gần mà không biết nghĩ xa, 'đai sun' là phải. 
Bác hỏi chú : Nếu như bây giờ mà giải toả cái nghĩa trang đó đi thì tiền bán đất sẽ rơi vào túi ai ? Liệu bọn cơ hội chủ nghĩa đó có thí cô hồn cho những kẻ khuất mày khuất mặt như chúng ta ở dưới này đồng xu cắc bạc nào không ? Rồi đến ngày rằm, mùng một, giổ chạp… thì cháo cúng đâu mà cho đoàn cô hồn các đảng đói khát của ta xông vào hưởng ké ? Mà đa số vong hồn lính Ngụy đều được cúng tại gia, tại chùa chiền, nhà thờ… trên khắp miền Nam, thì chú làm gì được họ?

Còn nói chuyện dùng vũ lực để ‘giải phóng’ thì liệu hai triệu rưởi âm binh ốm đói của chú, mười tên đu một cành đu đủ không gảy, có chơi lại với hai trăm rưởi ngàn vong hồn lính nguỵ được giổ chạp cúng kỵ đầy đủ nên người nào cũng hào hùng và độc đáo, to con tốt tướng, phốp pháp như voi không?

Bộ chú tưởng là ta đã thật sự thắng được họ chắc? Không lẽ trình độ chính trị của chú kém cỏi đến nổi không biết gì về chiến lược Domino của Mỹ, nên không hiểu được rằng sở dĩ có được ngày 30/4/75 là vì ngày xưa Đảng ta chịu không nổi sức ép của Không Lực Hoa Kỳ, đành phải ký vào Hiệp định Paris? Theo đó Nixon và Henry Kissinger đã giao cho ta cả miền Nam để bao vây Trung Cộng, để Mỹ khỏi tốn 3 tỷ 750 triệu đô la tái thiết miền Bắc và bồi hoàn chiến tranh cho miền Nam. Mắc me hai gã SOB này làm cho dân chúng cả hai miền Nam Bắc của ta đói thấy cha, lại bị hai cựu đồng chí thâm giao chí cốt là Khờ Me Đỏ và Trung Cộng xua quân vượt biên giới vào nước ta kiếm chuyện…

Mà thôi, chuyện đó xưa rồi, bỏ đi. Chi bằng lo việc trước mắt của chú là tìm cách ‘xoá đói giảm nghèo’ cho đội âm binh đông đúc của ta trong cơn túng ngặt.

Bác thấy là bên nghĩa trang quân đội VNCH và nghĩa trang chiến sĩ trận vong Arlington của Mỹ tuy dư ăn dư để nhưng lại thiếu… đàn bà, vì nữ quân nhân của họ không có mấy người tử trận. Trong khi tại các nghĩa trang liệt sĩ của ta lại có cả trăm đội ‘quân tóc dài’ và hàng hà sa số đoàn nữ du kích, thanh niên xung phong… tuổi xuân hơ hớ đã phải bỏ mình trên khắp các nẻo đường mòn Hồ Chí Minh. Cho nên Bác khuyên chú hảy áp dụng chiến thuật ‘Đổi Người Lấy Lương Thực’. Nghĩa là ta nên xuất khẩu các đội nữ âm binh qua đó làm ‘hộ lý’ cho họ, để đổi lấy chút cháo cầm hơi cho quân ta trong khi chờ đợi được đi đầu thai kiếp khác…”

Vô cùng khâm phục Bác Hồ là người đa mưu túc trí, đại tướng Nguyễn Chí Thanh bèn rút đơn khiếu nại, trở về mồ chỉ huy của mình hăm hở triển khai kế hoạch hành động theo lời Bác dạy.


Quả nhiên chỉ sau một đêm hú hí bên nghĩa trang quân đội, đoàn nữ âm binh của đại tướng Thanh đã hí hững khiêng về nghĩa trang liệt sĩ của ta vô khối nhang, đèn, hoa, quả, gà luộc vàng óng, vịt quay đỏ ửng… để chia nhau. Lại có cả hàng đống đô-la xanh, vàng mã… Toàn tờ trăm có in hình tổng thống Thomas Jefferson đường hoàng. Và ngài đang nở nụ cười toe toét đến tận mang tai.

Nhưng… Ô hô, ai tai ! Thảm thiết, thương thay!

Các vong hồn liệt sĩ của tướng Thanh đã phải khóc bằng ‘tiếng Tàu’ trước đống đồ cúng vừa mới kiếm chác được bên nghĩa trang quân đội : Nhang đèn... thì đa số là hàng điện tử, cháy nghi ngút quanh năm suốt tháng mà ‘chẳng thơm chút nào’. Còn hoa quả gà vịt tôm cua… thì trông rất ngon lành bắt mắt, mà toàn làm bằng nhựa nylon dai nhách không thể nào nhai được !

Điện qua hỏi tướng Trí thì ổng trả lời đó là hàng ngoại của Trung Quốc rất đắt tiền, đồng bào miền Bắc ta đã nhập lậu qua biên giới rồi chở vào Nam bán kiếm lời. Nhiều đồng bào miền Nam mua về dâng cúng cho người thân đà khuất bóng, để bàn thờ của họ vừa sang vừa đẹp lại vừa bền bỉ xài được lâu. Thời buổi này đồ ngoại là đồ xịn mà. Không tin thì sai quỷ sứ hiện hồn lên khắp các chợ miền Nam mà hỏi.

Đại tướng Thanh vô cùng ngỡ ngàng khi trinh sát báo về xác nhận đó là hàng xịn thứ thiệt, chớ không phải là đồ bỏ đi của lính ông Trí chơi khăm. Ông chua chát nghĩ thầm:

_ “Mình làm kinh tế kiểu này coi như là... mất cả chì lẫn chài, chớ còn gì nữa ?”


Cũng may mà còn những xấp đô-la ! Ông bèn sai đội nữ thanh niên xung phong gánh tiền đô qua nghĩa trang Arlington của Mỹ để mua đồ hộp, ration C… nói riêng_ còn nói chung là các loại lương thực, chay mặn gì cũng được_ về cho lính ăn đở đói, trong khi chờ đợi Nhà nước ta cứu xét chế độ chính sách trợ cấp cho các anh hùng liệt sĩ dưới này.

Xét rằng ở bên đó có tới 58.000 KIA Vietnam đang an nghỉ, mà chỉ có duy nhất một em là đại úy điều dưỡng của Không quân tử trận trên chuyến bay C5 Babylift bị ta bắn rớt tại Sài gòn, như hoa lạc rừng gươm. Tướng Thanh hy vọng rằng đoàn chiến sĩ gái, nữ dân quân, du kích, thanh niên xung phong... của ta qua đó sẽ làm ăn khấm khá.



Đã mấy mùa lá rụng, thế mà đội nữ âm binh này lại đành đoạn ra đi… biền biệt, làm cả triệu cô hồn các đảng đang đói khát của ta cứ trông đứng trông ngồi như trẻ con chờ mẹ đi chợ. Phải thăm thẳm chiều trôi mới thấy một nhóm trong số họ mò về. Mà lại về tay không _ ngoài một mớ me xoài cóc ổi... toàn đồ chua, đói bụng ăn vào thêm xót ruột. Nhưng bộ mặt của em nào cũng hơn hớn cười tươi như hến, vừa đi vừa hát bài ‘Hà Nội đó... niềm tin yêu hy vọng’. Không hiểu tại sao.

Hỏi ra thì nữ đồng chí thủ trưởng phái đoàn đi chợ này trả lời:

_ “Báo cáo đồng chí Đại tướng : Ở bên nghĩa trang quân đội Mỹ thứ gì cũng có… nhưng họ không chịu bán cho chúng em. Vì PX địa phủ của họ chỉ xài đồng đô-la đỏ MPC, tức chứng chỉ chi phó. Trong khi tiền đô mà các anh lính Ngụy trả cho chúng em lại là đô-la xanh…

Những chàng GI chết trận bên đó đã chỉ cách cho chúng em qua giao dịch với các nghĩa trang dân sự, là nơi chấp nhận chi trả bằng đồng đô xanh. Nhưng tiền đô của họ mặt sau có hàng chữ “In God We Trust”, trong khi tiền đô của ta lại đề bốn chữ… “Ngân Hàng Địa Phủ” ! Nghi là tiền ‘dzỗm’ nên các cửa hàng mậu dịch quốc doanh địa phủ của Mỹ cũng không chịu xài…”

Đại tướng Thanh lắc đầu thất vọng :

_ Mỹ là một thị trường béo bở nhất thế giới mà các cô qua đó mua bán cũng không xong ! Làm ăn kiểu đó thì đòi phát triển kinh tế với thương mại để làm một con rồng Châu Á thế quái nào được ? Vậy thì tại sao công việc bị thất bại mà các cô không về báo cáo ngay cho Trung Ương Cục ? Còn nấn ná ở lại bên ấy cả tháng làm chi vậy ?

_”Dạ, báo cáo đồng chí Đại tướng...” _ các nàng bẽn lẽn trả lời _ “chúng em ở nán lại để tranh thủ mỗi người một cái… bầu Mỹ. Vì nghe mấy vong hồn Việt Kiều yêu nước bên đó đồn rằng sau này sẽ được Hội Đồng Địa Phủ ODP (Organizations of Dia Phu) cứu xét cho những người... có liên hệ mật thiết với Mỹ được di cư qua… Arlington, theo diện… Con Lai !”




Thật là hết ý kiến với cái kiểu đầu cơ chính trị của đàn cháu chắt con dân thơ dại này. Bác Hồ biết chuyện rất lấy làm thương tâm, bèn an ủi tướng Thanh :

_“ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Để Bác lệnh cho Thủ tướng Khải và Vietcom Bank qua Mỹ điều đình thử xem. Nếu họ chấp nhận cho ta gia nhập WTO trên dương gian, thì ở dưới này chắc tiền đô Ngân hàng Địa Phủ của các chú cũng được họ chấp nhận đấy. Khi đó tha hồ mà xài đồ Mỹ. Hãy chờ xem...”

Đại tướng Thanh ngoài mặt phải làm ra vẻ tin theo lời Bác, nhưng trong lòng quá sức ngao ngán cho thói đời đen bạc, hận kẻ bội tình… Sự hy sinh cao cả của những người lính cho Dân Tộc của họ được Độc Lập, Dân Quyền được Tự Do, Dân Sinh được Hạnh Phúc… nay được trả công theo cái kiểu như thế này ư ? Nằm buồn một mình trong căn… mồ, mà hồi đó là hầm chỉ huy đã bị B52 Mỹ đánh sập, ông thường thở dài lắc đầu : “Biết vậy hồi đó mình ra hồi chánh quách cho xong!“


Và người ta thường thấy ông hiện hồn lên nằm mắc võng tòn ten bên đường Trường Sơn, u uẩn ngâm nga bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hửu Loan, nhất là cái đoạn kết mà nhà thơ này mới thêm vào khi bán bản quyền bài thơ cho hảng Vietek, là công ty quốc doanh điện tử chuyên lắp ráp đầu máy karaoke DVD, với giá 100 triệu vnd:

_ “…Màu tím hoa sim,
Tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa.


Ráng vàng ma và tiếng sừng húc điệu quân hành
vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím…


Tôi ví vọng về đâu ?
Tôi với vọng về đâu ?
Áo anh… nát chỉ từ lâu !”


Rồi ông chép miệng :

” Hồi này đồng chí Hửu Loan giàu to rồi. Phải chi ổng còn nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ mà cúng cho mình một con vịt quay thì hay biết mấy… Mặc kệ nó có bị nhiễm virus bệnh cúm gia cầm H5N1 hay không, cũng được…”


McKeno (post lại từ bgkq.net)

Bọn làm chứng dối

Trên thế giới hiện nay có đến hàng tỷ tín đồ của Chúa Jesus Christ. Và Kinh Thánh có viết: "Chúa phán : Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống"(Jn 14:6). Cho thấy vẩn còn ít nhất một phần đông nhân loại chọn Đường Chánh Trực, Chí Thành Tín, Lòng Nhân Nghĩa làm lẽ sống.

Tuy nhiên nhiều nhà chính trị đã không nghĩ như vậỵ Vì những chính sách thủ lợi, họ đã dùng Hiệp định Paris_ như nụ hôn bán Chúa của Juda_ để bán đứng một dân tộc yêu chuộng tự do vào tay một chính quyền Cộng sản, và đẩy một quân đội đang dũng cảm chiến đấu cho chính nghĩa vào thế thúc thủ. Một trang lịch sử đã được viết lên bằng sự dối trá.

Cổ nhân Đông Phương có câu: "Hà chính mãnh ư hổ". Hành vi xô đẩy lương dân vào miệng cọp của một chính sách hà khắc độc tài là tội ác. Nhiều người có lương tâm đã đau đớn lòng trước vở kịch dối trá và tội ác đó. Một trong những người này là nhà báo lão thành George McArthur.

Nhân ngày Quân Lực và ngày Nhà Báo Quốc tế, xin được giới thiệu với quý niên trưởng và các bạn Cánh Thép những tâm sự của George McArthur về chiến tranh Việt nam, để cùng tưởng nhớ đến các Chiến Sĩ QLVNCH, còn sống hay đã khuất, những người đã hiến thân vì Tổ Quốc Tự Do.


BỌN LÀM CHỨNG DỐI
Tâm sự của một phóng viên.

Cựu phóng viên chiến trường George McArthur đã từng trải qua 3 năm tham gia đưa tin trong cuộc chiến tranh Triều tiên, với tư cách là phóng viên của hảng tin Associated Press (AP). Năm 1963, ông làm chánh văn phòng của AP tại Manila. Và khi chiến trường Việt Nam bắt đầu sôi động, ông đã thường qua Việt Nam đưa tin với những chức vụ tạm thời. Cho đến tháng Ba năm 1965, vào thời điểm mà Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, thì ông được chính thức chuyển qua Sài Gòn làm Chánh văn phòng của hảng tin AP, và liên tục viết bài từ Việt Nam trong 10 năm tiếp đó. Năm 1969, McArthur chuyển qua làm phóng viên chiến trường cho tờ Los Angles Times, và sau đó đã viết về sự sụp đổ tại Sài gòn vào tháng Tư năm 1975.

Sau đây là tâm sự của George McArthur với Giáo sư Larry Engelmann của trường đại học San Jose về những ngày cuối cùng này.

Vietnam Magazine Editor.


Cái hiệp ước ký vào tháng Giêng năm 1973 mà người ta hay gọi là hiệp định Paris đã đúc trong tâm trí tôi một cái ý tưởng là chiến tranh Việt Nam đang đến hồi kết thúc. Tôi nghĩ rằng tôi đã tin như vậy_ đó là tôi nói hồi đó.

Tôi nói là hồi đó tôi đã tin như vậy, nhưng tôi chưa hề tin vào điều gì một cách trọn vẹn. Tôi bị bập bềnh theo những sự kiện đang xảy ra trong ngày, tại bất cứ mọi thời điểm để xét lại xem điều đó có thực hiện được hay không. Tôi luôn cảm thấy rằng có lẻ tốt nhất là chúng ta nên rút ra khỏi đó, bởi vì có khoảng 25 triệu con người bên đó không muốn những kẻ xấu xa đổ quân vào và áp đặt lên đầu họ một thứ chính quyền mà họ không muốn có.

Tôi đã tin là chúng ta không hề muốn như thế. Và hầu hết ý tưởng này đều xuất phát từ trung tướng John Murray, tùy viên quân sự Mỹ tại Sài gòn. Tướng Murray đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi rất nhiều bởi vì tôi rất hợp ý với Murray, và ông này đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về súng đạn, và về tình hình đang diễn tiến, và nó đang diễn tiến một cách tồi tệ.

Rồi tôi đã đi đến cái kết luận, mà tôi vẫn giữ khư khư cho đến phút cuối, là được rồi, nếu chúng ta không rút ra khỏi đó được thì cũng đừng để những chuyện quái quỷ đó dây dưa gì tới bên này, hoàn toàn và dứt khoát đừng. Bởi vì đến thời điểm này thì điều đó đã trở thành tội ác. Các anh chỉ giết chóc thêm nhiều người, mà chẳng tạo dựng được một cái gì ráo.

oOo
Tôi cảm thấy cho đến khoảng năm 1972_ tôi không thể nhớ một cách chính xác_ thì lẽ ra chúng ta đã có thể làm được một điều gì đó, như là giữ cho chế độ miền Nam thoát khỏi quỹ đạo của Hà Nội chẳng hạn. Và anh không thể tìm ra một người nào tài năng hơn ở Sài gòn để mà giao phó cái trọng trách đó cho bằng ngài Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam hồi đó là Graham Martin_ Ông này có thể chỉ cho anh thấy một kế hoạch vĩ đại cho cuộc chiến.

Những người bình thường nghĩ đến điều này theo ý như tôi mới nói, là chúng ta đang cố cứu vớt một điều gì đó ra khỏi một vụ đắm tàu khủng khiếp, và điều duy nhất mà chúng ta có thể cứu vãn được là một chế độ có thể đưa dân tộc này đến sự hưng thịnh, và một loại xã hội công nghiệp tự do nào đó, vì đây là một dân tộc rất chịu thương chịu khó. Họ sẽ không hợp với khuôn mẫu của bất cứ ai. Dân miền Nam hoàn toàn khác với dân miền Bắc.

Và anh không thể nào viết ra điều đó trong thời chiến. Nếu anh viết rằng có một sự khác biệt chủng tộc ngay tại Việt Nam, thì chắc chắn anh sẽ bị mọi người ở Washington cười cho thối đầu. Người Pháp đã tế nhị hơn chúng ta về điều này. Họ biết là có. Họ biết là dân miền Bắc có những đặc tính riêng và dân miền Nam có những đặc tính riêng_ đó cũng là một phần niềm tin của tôi hồi đó_ và tôi đã đạt được cùng một kết luận với ngài Jean-Marie Merillon, đại sứ Pháp hồi đó_ một trong những người thức thời_ là dân Bắc sẽ khó mà nuốt trôi được miền Nam.

Và đó chỉ là tiên đoán dựa trên những điều đang xảy ra. Cho dù họ không cưỡng được cơn thèm muốn được nếm vào trái cấm. Nhưng miền Bắc sẽ không nuốt trôi được miền Nam. Không thể nào có chuyện đó được.

oOo
Một điều nữa mà hồi đó tôi đã tin_ tôi cho là vào lúc đó ai cũng tin_ là người ta đã từ bỏ hy vọng, và rất nhiều người Việt cũng đã từ bỏ hy vọng. Tôi cảm thấy rằng miền Bắc sẽ tỏ ra hiểu biết hơn khi họ chiếm được miền Nam, bởi vì vào lúc đó trong số những người ở lại đã có chung một cái ý tưởng như thế này, " Được rồi, mình đã chiến đấu dũng cảm cho đến phút cuối, rồi bị thua trận. Bây giờ để xem là mình có thể làm được gì để xây dựng đất nước và vượt qua hoàn cảnh này. Và nếu mình phải chịu đựng những tay Cộng sản này, thì cũng cam chịụ Mình sẽ nghe họ sai khiến, sẽ làm bất cứ điều họ muốn nếu họ tỏ ra hợp lý dưới một hình thức, mức độ...nào đó". Miền Nam đã sẳn sàng, hầu như từng người một, để hợp tác với bất cứ loại cai trị nào tỏ ra hợp lý. Và miền Bắc đã tận dụng cái học thuyết hợp lý ngu ngốc này. Họ thấy là cần phải đưa ra một hình thức cải tạo nào đó, thế này thế nọ. Thế mà họ đã kiếm được nhiều bạn hửu hơn kẻ thù.

oOo
Tôi ở Việt nam cho tới năm 75. Trong đêm cuối cùng đó, tôi vẫn còn tiếp tục viết bài. Tôi sẽ không ở bên đó tới mười năm nếu cảm thấy cuộc sống của tôi phần nào bị đe doạ. Đôi khi anh cũng phải chấp nhận đôi chút hiểm nguy, nhưng hồi đó tôi là con dê già sừng sỏ: tôi biết tự lo cho bản thân, và tôi tránh né những trận đánh đối mặt với quân Bắc Việt. Tôi không bao giờ nhúng mũi vào những chuyện như thế. Tôi bay ra Đà Nẵng vào mùa Xuân năm 75. Tôi cũng bay ra Huế vào thời điểm đó. Nhưng khi vụ đắm tàu đó vừa mới khởi đầu thì tôi chạy tới chạy lui khắp cả nước. Ở vào tình cảnh như thế thì anh phải biết tính toán thời giờ cho thật chính xác... Anh phải như một tay chơi bóng chày nhà nghề. Anh chạy vào rồi chạy ra. Nếu anh chạy ra trong vòng 24 giờ trước khi nơi đó đổ sụp xuống, thì việc canh giờ của anh thuộc hàng siêu hạng. Và tôi luôn là tay canh giờ thuộc hàng siêu hạng.

Lúc đó tôi đang viết tin về một cuộc họp quốc hội giữa các nghị sĩ Millicent Fenwick và Bella Abzug và những nghị sĩ khác. Tôi đang ở bên Nam Vang và họ đang ở đó vào cái ngày chiếc máy bay dân sự cuối cùng rời khỏi Nam Vang. Họ có một chiếc máy bay quân sự đang đậu cuối phi đạo với Bella và Phil Habib, Paul McCloskey, Millicent mồm ngậm ống vố, và cả lũ bọn họ. Và nơi này đang cơn hấp hối.

Nhưng khi tôi chạy ra phi trường để đón máy bay, thì chuyến bay khốn khổ của tôi đã bị hủy bỏ. Thêm vào chuyện chuyến bay bị hủy, tôi và tay tài xế còn bị pháo kích dọc đường ra phi trường, cho nên tôi không cảm thấy thoải mái chút nào. Nhưng rồi tôi chạy vào cái góc phi đạo, nơi tôi biết có chiếc C47 đang đậu ở đó. Phil Habib là bạn cũ của tôi, thế là tôi gọi, "Phil, cho tao quá giang chiếc máy bay đó về Sài gòn với", thế là hắn đáp, "Okay, trên máy bay còn nhiều chổ lắm."

Thế là tôi leo lên chiếc máy bay đó và ngồi ngay sau lưng Bella Abzug, và hai ba tay cha căng chú kiết nào đó. Bay về Sài gòn mất chừng 50 phút, và họ bàn cãi suốt trên chuyến bay. Tôi không xía vào tiếng nào cả. Nhưng họ đã tỏ ra quá nông cạn và nhạt nhẽo, và chẳng giải quyết được gì trước tình hình đang diễn tiến tại Nam Vang. Không ai nghi ngờ chút nào tính đúng đắn của họ, khi họ nhận định rằng đất nước này đang ở tận cuối đường hầm, nhưng điều đó làm tôi nổi điên lên khi cố tập trung để viết bài.

Đêm đó tôi bị xuất huyết tiêu hóa. Tôi đi với vợ tôi là Eva Kim_ sau chiến tranh chúng tôi mới cưới nhau_ tới nhà một người bạn uống rượu, rồi tôi bị lật gọng. Tôi sống chung với cái bao tử loét này đã 20 năm rồi. Thế mà đêm đó nó vật tôi. Và tôi đổ tội đó cho Bella Abzug. Có lẻ tôi cũng không phải là người độ lượng.

oOo
Nhớ lại là vào thời điểm đó, khi cuộc tổng tấn công cuối cùng bắt đầu, thì Graham Martin lại bỏ về Mỹ, và vợ tôi là thư ký riêng của hắn. Tôi và Martin là hai kẻ thù thân thiện, và chúng tôi vẫn còn là kẻ thù thân thiện của nhau cho tới khi hắn mất vào tháng Ba năm 90. Trong đêm trước khi bỏ về Mỹ, hắn nói là miền Nam Việt Nam không thể nào bị đánh bại về mặt quân sự. Và mặc dù cố phân tích điều đó một cách thật lịch sự, tôi đã hỏi thẳng vào mặt hắn là: "Có thật không đó?".

Bỏ lại cho tôi viên ngọc khôn đó, hắn lên đường về Mỹ. Hắn bỏ đi đâu chừng 4 tuần, theo như tôi còn nhớ. Không cho ai biết là hắn đi đâụ Washington đã cố tìm hắn. Eva cũng từ Sài gòn gọi khắp bang Carolina cố sức tìm xem hắn trốn chổ nào. Thế rồi hắn mò về, và lúc đó Đà Nẵng đang chuẩn bị tan rã. Phản ứng đầu tiên của Martin trước sự cố đó là, "Tôi sẽ ra đó, và đích thân tôi sẽ chỉ huy quân đội." Hắn sẽ là vị chỉ huy quân đội tồi nhất thế giới mà nhân loại từng được hân hạnh biết đến. Nhưng phản ứng đầu tiên của hắn là phải ra Đà Nẵng: "Tôi muốn ra Đà Nẵng, tôi sẽ đem lệnh ra đó". Và hắn cãi nhau suốt với mấy cái đầu còn đôi chút tỉnh táo ở tòa Đại sứ.

Hơn nửa tá lần khác hắn cũng đã làm những chuyện tương tự như thế. Ngày cuối cùng, khi mà cả thế giới đều biết phi trường Tân Sơn Nhất đã bị đập tung tóe như cái đe thợ rèn, thì hắn lại leo lên chiếc limousine và chạy thẳng ra ngoài phi đạo, không biết hắn làm cái giống gì ngoài đó, nhưng hắn phải báo cáo về cho Tổng thống : "Tôi đã thấy mặt phi đạo và nó không còn sử dụng được nữa." Không lẽ tôi phải nói cho hắn biết là nằm cách đó năm dặm, thế mà trận pháo kích chết tiệt đêm đó đã tống tôi bay ra khỏi giường? Anh không thể nghe những thứ tiếng như thế mà không đoán trước được là chuyện gì đang xảy ra, nếu như anh đang ở quanh quẩn đâu đó. Và Martin cũng biết, nhưng hắn giả điếc giả đui. Thế ra chính hắn đã ngồi xỗm ngay giữa sòng xập xí xập ngầu đó.

Hồi tưởng lại, tôi cũng đồng tình đôi chút với vài điều hắn đã nói. Hắn nói là người Mỹ không nên tạo ấn tượng là mình đang bị đá đít. Vì thế hắn ra lệnh cho mọi người trong tòa Đại sứ, trong nhiều trường hợp bất chấp cả phép lịch sự, rằng không ai được chuyển đồ đạt về nước. Nhờ thế mà sinh hoạt trong tòa Đại sứ vẩn giữ được bộ mặt bình thường. Và tôi cũng nói tốt thêm một điều nữa cho Martin. Là hắn mất sạch mọi thứ hắn có trong tòa Đại sứ. Bộ hình cưới, những thứ đại loại như thế, những khung hình bằng bạc_ anh sẽ thấy những thứ này nếu anh có dịp vào nhà ngài Đại sứ_ và tất cả những tấm hình chụp chung với Harry J. Không biết ai đó đã ký tặng "gửi bạn hiền Graham của tôi". Tất cả những thứ đó đều bị mất sạch. Những thứ mà Martin giữ để làm kỷ niệm. Tôi chắc là như thế.

oOo
Tôi chưa hề nói là tôi tiên đoán được chính xác ngày Sài gòn sẽ mất, nhưng cứ cho là tôi biết điều đó sẽ xảy ra trong vòng vài tuần nữa thôi. Tôi không biết nó sẽ xảy ra như thế nào. Vào lúc đó, tôi vẫn còn nghĩ là tôi sẽ rời khỏi nước trên một chuyến C130 cất cánh từ Tân Sơn Nhất.

Nhưng tôi không chắc lắm. Tôi biết là những người trong phòng báo chí đã có kế hoạch riêng. Và những người đó đã quyết định ở lại, họ rất tốt bụng. Tôi là tất cả đối với họ. Họ là những người thật can đảm. Còn nhớ vào lúc đó tôi vừa mới xuất viện, nơi tôi được cấp cứu lần bị xuất huyết tiêu hoá, và chỉ có thể đi lại loanh quanh trong tháng cuối cùng tôi còn bên đó. Nên tôi tự nhủ mình nên ở lại nếu tình trạng sức khỏe cho phép. Tôi đã có một quyết định hai tuần trước ngày cuối cùng đó, là khi thời cơ chín mùi tôi sẽ ra đi. Và dĩ nhiên Eva sẽ giúp tôi trong quyết định đó. Bất chấp thực tế là tôi không hề tin chuyện sẽ có một cuộc tắm máu tại Sài gòn. Tôi cũng không nghĩ là nó sẽ diễn ra một cách dịu dàng êm ái. Tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên là người ta sẽ cư xử dịu dàng đối với cánh nhà báo chúng tôi.

Eva và tôi sống chung với nhaụ Đó không phải là chuyện tối mật. Và tôi biết là tôi sẽ phải đợi cho tới khi nàng ra đi. Như tôi mới nói, tôi không hề quan tâm đến chuyện này. Tôi chưa bao giờ dự một buổi họp nào bàn về những vấn đề như vậy. Tôi biết là Brian Ellis, người của CBS, đang chơi trò con ngựa thành Trojan để đưa những nhân viên người Việt ra đi. Tôi biết những việc như thế này đang diễn ra. Nhưng nói đến việc ra đi của cá nhân tôi, thì tôi chưa hề bận tâm.

Chúng tôi ngủ qua đêm 28 tháng Tư tại nhà của Eva và thức dậy vào sáng sớm_ chúng tôi thức giấc lúc 3 giờ sáng khi họ pháo kích vào Tân Sơn Nhất. Và cả hai đứa chúng tôi đều đã gói ghém túi xách đủ dùng cho một tuần, và chúng tôi biết là đã đến lúc rồi đó. Thế là Eva, lúc đó đang còn Eva, mặc áo quần vào và lấy thêm một đôi giày, rồi khoác cái túi xách và lái xe về tòa đại sứ lúc 5:30 sáng. bởi vì nàng biết mọi sự sẽ được bắt đầu một cách sớm sủa.

Rồi tôi đi theo nàng chừng nửa giờ sau đó, ghé qua nhà tôi, dùng một bữa điểm tâm nhẹ, rồi cho người bếp tất cả số tiền còn trong túi, rồi lái chiếc xe Volkwagen nhỏ xíu của tôi về tòa Đại sứ. Lúc đó vào khoảng 6:30, và cánh cổng ở đó vẫn còn mở rộng. Thế là tôi tìm chổ đậu chiếc Volkwagen ở đó, rồi ra phố với một nhân viên của tòa Đại sứ. Hắn và tôi chạy loanh quanh thành phố cho tới gần trưa. Và khi trở về chúng tôi bị kẹt khi đi trở vô. Hắn đang lái chiếc xe công vụ và có giấy thông hành, vì vậy Thủy quân Lục Chiến đã phối hợp để đưa chúng tôi vào. Họ đang chặn không cho người lạ tràn vào.

Chừng giữa trưa thì chúng tôi vào được bên trong. Tôi không ra ngoài nữa. Lúc đó ngoài cổng là một biển ngườị Eva đang ở tuốt trên lầu 7. Tôi ở lại dưới tầng trệt. Tôi không muốn quấy rầy nàng, và tôi không muốn quấy rầy Martin, mặc dù tôi muốn lên đó lúc nào cũng được. Thế là tôi ở lại bên dưới để ghi chép và quan sát những chuyện khôi hài đang diễn ra.

Một nhóm người Phi-luật-tân lái hai chiếc xe Van to tướng chở nguyên cả dàn nhạc chạy tới xin được di tản. Có cả một cây bass thùng, đầy đủ các nhạc cụ và dàn âm thanh stereo. Tốt thôi, tay sĩ quan an ninh Marvin Garrett bảo họ: "Bỏ mấy cái của nợ này lại". Và tôi thấy rõ ràng là mấy tay người Phi này đã rớt nước mắt.

Ngài Đại sứ Nhật cũng làm một cuộc viếng thăm ngoại giao, và khi đến nơi người ta thấy ngài mặc một cái áo giáp chống đạn và đội một cái nón sắt sơn trắng. Thật là một ngày vui vẻ. Đúng là một ngày khôi hài. Đó chỉ là mới bắt đầu thôi. Người ta không được hạ cây me già trước sân tòa Đại sứ. Xin ngài cho phép chúng tôi hạ cây me. Không, các người không được hạ cây đó. Tốt thôi, cuối cùng người ta bảo nhau, chúng ta cứ hạ cây me mắc dịch đó xuống, mặc kệ Martin muốn nói gì thì nói.

Tôi tránh vào phòng của Martin. Cuối cùng, vào khoảng 9:30 tối_ trời tối đen và rõ ràng là vòng người càng ngày càng siết chặc_ không ai có thể ra vào được nữa và tôi cũng không còn việc gì để làm. Thế là tôi tự nhủ, ừ, mình nên lên trên văn phòng với Eva, để cùng nàng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Thế là tôi leo lên văn phòng của nàng_ tôi vừa nói lúc đó khoảng 9:30 tối_ và chừng nửa tá tay bặm trợn đang có mặt trong phòng. Viên lãnh sự, người có bộ ria mép tỉa theo kiểu lính ngự lâm mà tôi đã quên tên, bước vào mang theo nửa chai rượu Gin, và vài tay khác cũng mang vào lưng chai Scotch. Họ vừa cướp quầy rượu của tòa Đại sứ. Đây không phải là bữa tiệc rượu. Đây là đêm canh thức. Chúng tôi ngồi đó uống rượu bằng ly giấy, và ai cũng cần một ly. Nhưng tôi không nghĩ là có ai đó có thể uống hơn hai ly.


oOo
Vào phút cuối thì Thomas Polgar (trưởng phòng CIA) và Graham Martin quay qua thù ghét lẫn nhau. Polgar từng là đứa đầy tớ trung thành trong suốt một thời gian dài, nhưng đến phút cuối thì hắn nói, "Tôi nên tránh xa lão già đó, vì ổng là một kẻ phiền toái". Thế là Polgar bắt đầu đi theo con đường riêng. Còn Martin thì theo đường ngược lại, đang cố đổ mọi tội lỗi lên đầu Polgar. Và hắn gọi tôi vào văn phòng rồi bắt đầu nói xấu về Polgar, và hắn nói "Nếu như tên SOB Polgar kia đừng..." Polgar lúc đó đang đứng cuối hành lang, thấy tôi bước vào phòng của Martin bèn chạy lại. Thấy vậy Martin bèn cắt ngang câu chuyện, không nói nữa.

Mọi chuyện cũng xảy ra tương tự khi chúng tôi ở ngoài hạm độị Polgar dùng quá nửa thời gian trên tàu, nơi chúng tôi được di tản ra đó, để theo dõi Martin. Còn Martin thì không bỏ qua một cơ hội nào để đầu độc giới báo chí bằng những câu chuyện kể về Polgar, có dặm thêm mắm muối. Martin ra đi đem theo tất cả các tài liệu của tòa Đại sứ. Tốt thôi, hắn phải mang theo những thứ này vì sợ sẽ phải đương đầu với Henry Kissinger hoặc với CIA, và những tài liệu này là thứ vũ khí mà hắn cho là sẽ phải cần đến. Đó là lý do tại sao hắn lấy cắp những tài liệu đó.

Hồi đó tôi có viết rất nhiều bài kể về những chuyện đã xảy ra vào thời điểm đó. Anh đến chổ Kissinger. Anh qua nơi CIA. Ghé Martin. Và anh sẽ thấy họ đang đổ rác lên đầu nhau. Và người này đang cố đổ lỗi cho người kia. Khi chúng tôi về đến Mỹ, dĩ nhiên, anh sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng ở bên này chẳng ai muốn điều tra cái gì cả. Cái ý nghĩ về một cuộc đại bại_ nếu ở bên Anh thì chắc chúng tôi phải ra trước Hội Đồng Đại Nghị_ đang là cảm giác chung tại Mỹ, và anh không hề nghe Quốc hội nói gì cả. Không ai nói. Không nói gì.

Ý tôi muốn nói, anh vừa gặp những kẻ dối trá, những kẻ co vòi, không dám có ý kiến gì cả, và những kẻ như Polgar và Martin và cả lũ bọn họ. Nó làm cho vụ Watergate trở nên lu mờ. Bọn họ ai cũng có một cái chăn bẩn cần phải đem phơi. Người này sẳn sàng đổ lỗi cho người khác. Rồi hóa ra là không ai cần phải đổ lỗi cho ai cả. Bởi vì Quốc hội cũng không, Hành pháp cũng không, Báo chí cũng không, không ai muốn điều tra. Và họ không bao giờ muốn.

oOo
Sau lần cụng đầu với Polgar nơi hành lang đó, tôi và Martin bước ra khỏi văn phòng của Martin và một lần nữa tôi lại đến đứng bên bàn của Eva. Polgar đã bỏ đi, Martin đã quay vào văn phòng, rồi hắn lại quay trở ra và lúc đó vào khoảng 10 giờ tốị Rồi hắn quay sang Eva và nói, "Cô Kim, tôi không nghĩ là hôm nay mình sẽ còn bài diễn văn nào nữa để mà đọc. Sao cô chưa đi đỉ" Đó là những lời chia tay của hắn dành cho nàng đêm đó.

Tốt thôi, sau đó nàng với lấy cái túi xách. Chiếc dù cứu hộ là cái cầu thang cuốn nằm sát bên văn phòng, thế là chúng tôi đi ra đó rồi bước lên cầu thang để trèo lên sân thượng. Tôi sẽ ra đi với nàng. Con chó của Martin đang bị cột ở đó, tôi có biết và rất thích con chó nhỏ này, tên nó là Nit Noy_ tiếng Thái có nghĩa là "Tí xíu".

Nit Noy là con chó cưng của Janet_ con gái Martin, cũng là bạn thân của tôi_ và của Dorothy, vợ Martin; và tay SOB Martin này đang tính bỏ lại con Nit Noy ở đó. Hắn chối, nhưng tôi biết là hắn sẽ bỏ con Nit Noy ở lại. Tôi hỏi, "ông có muốn tôi đem con chó này đi không?" Và hắn nói, "Dĩ nhiên là tôi sẽ vô cùng biết ơn". Thế là tôi tháo dây đai buộc con chó_ và tôi đã không lấy làm áy náy chút nào vì đã chiếm thêm chổ của ai đó trên tàu. Tôi biết tay bác sĩ dưới lầu cũng có một con chó cái nhỏ nhét trong túi xách. Hắn chích cho con chó mê man suốt ngày vì không biết đến lúc nào sẽ được đưa đi, và người ta không muốn nghe tiếng chó sủa. Thế là con chó nhỏ đành phải ngủ vùi trong cái túi xách, và tôi có quen với tay bác sĩ này. Tốt thôi, hắn hé túi xách cho tôi xem con chó cái vì biết tôi cũng có một con chó đực. Ngủ suốt trong cuộc di tản.

Cuối cùng khi chúng tôi leo được lên trên mái nhà và chui vào một chiếc trực thăng, Eva ngồi bên tay phải còn tôi ôm con Nit Noy trên đùi. Thật tình cờ, Nit Noy có bộ lông đen. Người ta không nhìn thấy nó. Ý tôi muốn nói là tôi có thể đem lên tàu cây đại bác 105 ly. Vào lúc đó thì người ta sẽ không "nhìn thấy" những chi tiết. Tôi có thể đem bà già vợ của anh lên tàu; tôi có thể đem một con voi lên tàu. Lúc đó nó cũng sẽ không gây ra một sự chú ý nào. Vào lúc đó thì ai cũng chỉ có mỗi một việc, là cố mà leo lên một chiếc trực thăng để ra đi. Thế là tôi đem theo con chó của ngài Đại sứ, và nó đã làm cho tôi vô cùng khốn khổ khi ở trên hàng không mẫu hạm, nhưng đó là một chuyện khác.

Chiếc trực thăng cất cánh, và dĩ nhiên, vì là nhà báo cho nên tôi đã ngoái nhìn lại xuống các đường phố, và thấy như một vòng vây lửa chung quanh Sài gòn. Những kho đạn hướng Biên Hòa đang tung lửa lên trời. Đó một màn trình diễn pháo bông cao nhất, ngoạn mục nhất chưa ai từng thấy. Và tôi đã ngồi đoán mò vị trí của mình so với mặt đất, nghĩ dại lung tung, không biết là mình sẽ ra sao nếu như bị rơi xuống đó. Chúng tôi bay vòng vòng đâu chừng 5 phút, bởi vì họ bay ra với đội hình 2 chiếc, nên chúng tôi đang đợi chiếc thứ hai cất cánh. Nói là 5 phút_ thật ra chỉ chừng 60 giây, nhưng khi đó có vẻ như thời gian kéo dài vô tận.

Nhưng khi chúng tôi đang lượn vòng trên thành phố, tôi đã hớp sâu vào lòng cái quang cảnh đã kết thúc khoảng thời gian 10 năm sống trong cuộc đời của tôi; và, xin thú thật, tôi đã bật khóc; tôi không thể nào chợp mắt, và đêm đó tôi không ngủ được. Sự thật là như vậy đó.

Họ đưa chúng tôi ra chiến hạm Blue Ridge, chiếc tàu chỉ huy của cuộc di tản; rồi họ lại chuyển chúng tôi qua mẫu hạm Midway, bởi vì Midway là chiếc tàu đầu tiên ghé về vịnh Subic ở Phi-luật-tân, và tất nhiên tay nhà báo nào cũng muốn ngồi trên chiếc tàu đầu tiên về Subic. Hệ thống truyền tin của hải quân làm mất bài vở của chúng tôi như giặc. Khi tôi về đến Subic, thì phát hiện ra là người ta đã không hề nhận được một từ khốn khổ nào trong những bài báo của tôi gửi về. Khi hải quân nói là họ sẽ cung cấp phương tiện truyền tin thì chớ có tin. Chớ có dại mà gửi bài đi bằng phương tiện truyền tin của hải quân. Cũng may là tôi đã giữ lại các bản nháp, vì vậy ngay khi vừa về đến Manila là tôi đã bắt tay viết lại những bài đó. Tôi phải mất chừng hai ngày để ngồi viết lại những bài mà tôi đã viết trên tàu.

oOo
Tất nhiên, sau đó tôi đã bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Nó kéo dài đâu chừng một năm hoặc lâu hơn. Và hầu như tất cả những ai đã từng qua sống bên đó cũng đều bị như tôi_ xin nhớ cho là tôi đã từng ở bên đó tới 10 năm. Eva ở bên đó 12 năm. Những người bạn của tôi là những người không chỉ ghé lại bên đó qua đêm, nhưng là những người mà tôi thân thiết_ hầu hết những người đó đã cống hiến đời mình bên đó_ họ đã ở bên đó rất lâu. Vì thế trong số những người này có người vẫn còn ấp ủ trong lòng chuyện Việt Nam. Đó không phải là hội chứng hậu chiến của những người lính, không phải vậy. Nhưng khi anh đã bỏ ra mười năm sống của đời mình để viết một câu chuyện, và rồi câu chuyện đó chẳng ra chuyện gì ráo, thì chuyện anh bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng là chuyện tất nhiên. Đó là lý do tại sao tôi về hưu. Cho đến ngày nay tôi không thể nào viết về Việt Nam được nữa. Tôi đã cố viết, mà không viết được.

Tôi không tin là có ai đó trong số những người này có thể bình phục. Cho phép tôi giải thích từ "bình phục" cho rõ hơn một tí. Chắc chắn là không bao giờ họ vượt qua được điều đó. Họ sẽ đem nó theo xuống mồ. Và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của họ. Nó đã ảnh hưởng đến tôi và cái cách tôi cư xử với người khác_ thiên vị điều này và chống đối điều kia. Nó đã thay đổi cá tính của tôi, không phải là 180* nhưng cũng là một bước ngoặc gắt. Tôi không nghĩ là tôi có thể thiên về hoặc xa lánh... bất cứ điều gì. Tôi chịu đựng sự ngu ngốc kém hơn trước đây tôi có thể chịu đựng.

Xét về một khía cạnh khác. Tôi không còn nổi giận được nữa. Tôi không còn nổi giận được kể từ năm 1975. Anh không thể làm cho tôi giận được. Anh có thể phang một cây gậy bóng chày vào đầu tôi, và có lẽ tôi sẽ kêu các tên cực trọng của anh ra mà chửi. Nhưng anh không thể làm cho tôi giận được. Tôi không nghĩ là mình còn có khả năng để bày tỏ loại tình cảm này.

Tôi luôn là người tin vào thuyết tiền định, nhưng tôi chắc rằng nó đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi. Và tôi trở nên ái quốc hơn bất cứ sự gì trên đời. Ái quốc theo nghĩa là tôi tuyệt đối không muốn thấy chuyện đó xảy ra một lần nữa. Tôi biết chúng ta đã lừa dối họ. Tôi biết những lời hứa mà chúng ta đã hứa với người Việt Nam, và chúng ta đã không thể giữ lời. Sự lừa dối này có thể là không cố ý, nhưng nó đã xảy ra.

Riêng cá nhân tôi, cái mặc cảm dối trá trong tôi không nhiều cho bằng một nỗi thất vọng sâu sắc, giống như hồi nhỏ khi anh làm một chuyện gì đó quá xấu xa, và nó đã làm anh vô cùng hổ thẹn đến nổi không dám nhìn mặt bố mẹ, anh muốn trốn chạy, anh muốn bỏ nhà ra đi... Tôi không dám nhìn lại chính mình. Tôi không dám nhìn mặt nhiều người. Tôi cảm thấy hết sức xấu hổ như một tay CIA mà tôi có dịp chuyện trò ở bên đó. Hắn bỏ cuộc chơi khá sớm, và hắn nói hắn bỏ cuộc vì hắn đã đạt được một thứ trình độ siêu hạng, là không còn muốn nói chuyện với bất cứ ai về bất cứ điều gì, vì rằng hắn đã biết trước tất cả những gì người ta sẽ nói_ về Việt Nam. Bởi vì hắn đã thực sự trở thành một người toàn tri. Hắn biết những cái thây ma đang được vùi ở đâu.

Tôi thuộc về hạng người này. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng một mã ngôn ngữ riêng. Anh không cần phải lên đồng mới có thể giải thích được quân đội Bắc Việt và Việt Cộng là những kẻ xấu xa. Anh không cần phải tham thiền mới hiểu được rằng chính quyền Cộng sản không phải là một thể chế tốt đẹp và cần thiết. Cái mã ngôn ngữ mà phần lớn những người này dùng đã được đơn giản hóa, để có thể giúp cho anh hiểu được những hạng người như Graham Martin. Tôi có thể hiểu Martin trong khi những người khác không thể, bởi vì tôi chỉ tin hắn có một nửa. Tôi không bao giờ tranh cãi với Martin chuyện chủ nghĩa Cộng sản tốt hay xấu. Tôi biết Martin là một tay trùm phản động. Hắn đứng bên tay phải tôi chừng 100*, nhưng không thành vấn đề. Chúng tôi không cần phải tranh cãi về chuyện này.

oOo
Đối với giới báo chí đồng nghiệp của tôi, tôi cũng đã rất thất vọng. Hồi đó tôi đã sống trong tình trạng này chừng 5 năm. Xin nhớ tôi đã từng là Chánh văn phòng của hảng tin AP, và đã từng chịu đựng những anh bạn trẻ đồng nghiệp, như những cái nhọt ở mông. Tôi còn nhớ một đêm nọ, có một chú nhóc chạy tới nộp cho tôi một bài báo nói là "Sài gòn bị bao vây... thế này thế nọ". Rồi hắn tranh cãi một hơi dài về chuyện Sài gòn có bị bao vây hay không. Tôi nói, "Nào, ngay bây giờ tôi sẽ lái xe đưa anh xuống Mỹ Tho, ở phía Nam Sài Gòn cách đây 40 dặm. Nếu họ bao vây thì vòng vây này coi bộ khá lớn đó". Nhưng hắn cứ cả quyết là vì thì là mà VC kiểm soát vùng nông thôn vào ban đêm, rồi họ pháo kích vào Sài Gòn, như thế nghĩa là thành phố đã bị bao vây, chớ còn gì nữa. Tôi bảo, "Này này, đừng có nói cái giọng đó với tôi...". Thế là hắn đành phải dịu giọng.

Tôi đã phải chiến đấu theo kiểu như vậy suốt thời gian tôi ở bên đó với những người, không phải vì họ đang cố viết những điều sai trái, nhưng với những người đang có đầu óc chấp nhận một sự đơn giản hóa nào đó. Tôi sẽ không chấp nhận họ chừng nào tôi còn là Chánh văn phòng của AP. Rồi khi tôi qua làm việc cho tờ Los Angeles Times, tôi đã có một trận như thế với một tay đồng nghiệp, tôi không tiện nêu tên lúc này, trong tòa soạn khi hắn muốn viết một điều nào đó mà tôi không cho phép, tôi đã không cho là không cho.

Đó là một cuộc chiến đối với tôi kéo dài đâu chừng 5 hay 6 năm gì đó. Tôi sẽ không bao giờ là người chấp nhận những cách khôn ngoan thường tình, nhưng đã có một kiểu khôn ngoan của nghề báo để cho phép một hạng người nào đó nói điều này điều nọ về Việt Nam. Và nó còn tồn tại cho tới ngày nay. Sai lầm trong thực tế đã được chấp nhận. Anh cũng có thể gọi khuôn viên tòa đại sứ bên đó là " được dát vàng"_ lối chơi chữ như họ quen dùng để diễn tả. Tốt thôi, tôi cho đó là những bài báo lá cải. Báo chí đa số thường đã mắc những lỗi chung như vậy.

Một khía cạnh khác đã làm tôi ngao ngán_ tôi chẳng lấy làm hãnh diện tí nào, như trên đây có nói, với những hạng người như Gloria Emerson, và có vô số hạng người như thế ở bên đó. Morley Safer không phải là típ người hùng của tôi, Walter Cronkite cũng không phải là người hùng của tôi. Khi Cronkite đưa tin ngoài Huế trong trận Tết Mậu Thân, hắn đã dàn xếp trước để có một trận pháo làm hậu cảnh. Đây là chuyến đi thực tế chiến trường nổi tiếng của hắn, nhưng rồi hắn lại thay đổi ý định. Khôn thật.

Hắn đổi ý trước khi ra tới ngoài đó. Nhưng khi Thủy Quân Lục Chiến bắt đầu khai hỏa trận pháo đó vào lúc 4 giờ chiều, thì hắn đang đứng trên sân thượng của cái khách sạn 4 tầng ở trung tâm thành phố Huế dành riêng cho cánh nhà báo, mình mặc áo giáp đầu đội nồi thiếc, để ghi hình một cuộc tường thuật trực tiếp tại chiến trường! Và lúc đó tôi đang lên sân thượng để giặt đồ. Khổ thật, cái khách sạn cao 4 tầng và anh phải treo đồ lên mà phơi, và không có ai giúp mình làm chuyện đó cả.

Tại sao họ lại làm thế? Đó là câu hỏi mà tôi luôn hỏi đi hỏi lại chính mình. Tại sao tôi nhìn chiến tranh Việt Nam dưới góc cạnh này, thì Harry Horse Hockey lại qua đó nhìn họ dưới một góc cạnh hoàn toàn khác hẳn. Tôi không biết. Nhưng tôi biết là có nhiều kẻ qua đó viết về một cuộc chiến khác xa với những gì tôi đã viết.

oOo
Tôi tiếp tục viết. Sau đó tôi đã trở lại Đông Nam Á và tôi đưa tin ở Bangkok, và tôi viết về những người tỵ nạn đã chạy thoát khỏi Nam Vang, thế mà người ta cũng không tin. Tôi qua Thái Lan bởi vì nơi đó là trung tâm, và tôi muốn sắp xếp lại câu chuyện này, cứ gọi là như thế. Tôi ở lại Thái Lan trong 3 năm, rồi tôi về hưu. Nhưng tôi đã không làm được việc gì ra hồn ở Thái Lan. Chẳng qua tại tôi không còn cảm hứng để viết. Người ta đã không tin vào những điều tôi viết. Họ không tin những điều tôi viết về chính sách của Pol Pot tại Cambodia.

Chuyện này thì dư luận đã biết từ lâu, đã từng khiến bên Mỹ hay đâu đó một thời xôn xao. Anh chỉ cần đọc tin của AP và UPI (United Press International). Họ viết những bài báo ảo, hai hay ba đoạn một ngày. Tôi cũng có viết. Rất nhiều người khác đã viết về chuyện đó. Nó cũng chẳng gợi lên điều gì cả, bởi vì định kiến chung tại Mỹ lúc đó là, được rồi, chúng ta đã thua trận, thì: Trước hết, đừng mất công để ý tới chuyện khác; Kế đến, những người Cộng sản khác đâu đến nổi tệ như thế. Pon Pot cũng có thể là một anh bạn nhỏ con dể thương, cũng có thể là CrackPot, một cái nồi nứt; nhưng không hoàn toàn xấu xa như anh đã viết. Trước đây tôi cũng đã từng viết về sự dã man của phe Khmer Đỏ_ đã từng gây chấn động dư luận_ để xem, tôi nhớ đâu khoảng những năm 66, 67, 68 gì đó.

Tôi đã viết những chuyện như thế cả đời. Nhưng tôi nghĩ là tôi đã không viết với một văn phong, một sức thuyết phục mà lẽ ra tôi phải có. Sau này khi qua Thái lan, một lý do nữa khiến tôi về hưu là tôi cảm thấy mình không còn làm tốt công việc được nữa. Tôi muốn đến những nơi khác.

oOo
Tôi thường đến thăm Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam. Tôi khóc mỗi lần đi xuống đó. Tôi hay đưa người ta đến đó. Thật tình, nếu có ai đến thăm phố này, tôi muốn đưa họ tới Đài Tưởng Niệm Việt Nam. Chỉ đi tham quan thôi. Nếu anh ở Washington mà có người đến thăm. Tôi đưa họ đến đó thăm cũng là lẽ thường tình thôi. Tôi không có mặc cảm gì để tránh né nơi đó cả. Và mỗi lần xuống đó, tôi lại khóc.

Dịch từ 'It became sinful' by George McArthur.
Vietnam Magazine, April 95.

Tuesday, October 27, 2009

Bóng Đè



Bóng đè
ÐỖ HOÀNG DIỆU


LTS: Tuy mới xuất hiện gần đây và duy nhất trên tập san Hợp Lưu, Ðỗ Hoàng Diệu (sinh 1976) sau 3 truyện ngắn Tình chuột, Những sợi tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và 5 người đàn ông đã gây chú ý. Với Bóng đè, một truyện ngắn hoán dụ vực thẳm, Ðỗ Hoàng Diệu đã bắt gặp một trạng thái truyền kiếp của dân tộc. Bóng đè biểu hiện bứt phá, sức truyền đạt của một giọng văn cùng phong cách nổi loạn tràn lấp nhục cảm ở tác giả này.
(HL78 số tháng 8&9 năm 2004)

Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng. Hồi hai mươi tuổi, mới ra trường nằm nhà ba tháng, chỉ ăn và ngủ, cơ thể trồi lên những múi thịt, nhưng bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ. Thụ hay mân mê bàn tay tôi. Bàn tay thể hiện tâm hồn con người, dù em mập đến mấy ngón tay em vẫn chỉ là cọng cỏ chao lượn dưới gió xuân. Tôi đưa ngón dài nhất mơn quanh môi chồng. Cọng cỏ thường dai, chỉ liềm sắc mới cắt nổi anh biết không? Mắt Thụ cụp xuống tìm câu trả lời. Có khi chỉ một con kiến cũng làm ngọn cỏ tan gãy. Có thể. Tôi chìa bàn tay ra trước nắng, nhìn như nhìn bàn tay một kẻ khác. Giông gió, bão lũ, nắng hạn, tôi có thể chết đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn với năm ngón ngắn dài, làn da mỏng tanh không trọng lượng. Chỉ có tôi hiểu vì sao bàn tay tôi tách rời ra khỏi thể xác mình. Chỉ có tôi hiểu vì sao tôi hay trốn những vách dựng loang loáng một chiếc bóng. Thụ không hiểu. Chính tôi đôi khi cũng thấy mình là lạ.
Quê Thụ cách thành phố khoảng ba giờ tàu hoả. Tôi không ngờ đồng quê khác biệt đến thế. Một vùng đất vẫn giữ được nét cổ xưa hiếm hoi thời cuộc. Ngồi trên tàu Thụ dặn dò tôi kỹ lưỡng về những nghi lễ phải làm trong ngày giỗ cha. Chồng tôi mồ côi cha từ năm lên chín. Căn nhà mái ngói vốn là nhà gỗ ba gian được bao tường ẩn náu phía đáy làng. Ðằng sau ngôi nhà, phơi mình trong nắng, ruộng ngô đang ra bắp xanh mướt. Kéo dài tầm mắt một chút, ẩn hiện giữa đám ngô, bãi tha ma thênh thang còn giữ nguyên được mồ mả đắp đất cỏ mọc xanh tươi tốt. Lần về trước bận bịu khách khứa tôi đã chẳng có thời gian đẩy đưa con mắt. Thụ bảo lần này phải ở lâu lâu một chút cho mẹ chồng tôi vui. Tôi dạ vâng ngoan ngoãn. Thụ véo mũi tôi: sao trên giường em chẳng ngoan hiền như thế cho anh được yên thân? Tôi lơ đãng trước câu nói đầy hàm ý. Tôi không thể ngoan hiền. Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập. Tôi ưa kéo Thụ lên chà xát. Tôi bắt đôi tay Thụ bóp nắn liên tục. Tôi muốn đã cơn khát thèm từ buổi trưa ấy, một buổi trưa nắng bình thường như bất kỳ một ngày hè nào nhưng với tôi là bỏng rát, là bước ngoặt. Tôi cất giữ bí mật riêng mình. Thụ nào biết. Thụ cứ hay van xin tôi đừng hực lên như hổ cái. Tôi chẳng thể đặng đừng. Anh bị tôi co rút lôi đi. Ðôi lúc thấy anh kinh khiếp tôi đành phải dè dặt. Nhưng rồi đến cơn khát tôi vung vấp hết. Mỗi sáng thức giấc trông Thụ thật tội nghiệp.
Bàn thờ nhà chồng tôi to dài quá cỡ. Chưa bao giờ tôi nhìn chiếc bàn thờ nào lớn như vậy. Có rất nhiều bát nhang và những bức trướng chữ Tàu. Mẹ chồng tôi nói bâng quơ mà tựa căn dặn: “Nhà ta mỗi năm cúng mười sáu đám giỗ. Sau này anh Thụ cúng tôi nữa là mười bảy, sẽ vất vả đấy.” Tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi năm còng lưng làm cơm cúng mười bảy đám giỗ cho đến ngày Thụ qua đời, tôi không khỏi ngao ngán.
Khi Thụ quần áo tề chỉnh chắp hai tay trước ngực khấu đầu làm lễ, rèm vải hai bên bàn thờ lay động lươn lướt, màu đỏ nhức nhối trong nhang khói. Nép mình cúi đầu cùng mấy phụ nữ trong góc nhà, tôi cố giỏng tai xem chồng mình đang khấn những gì. Nhưng chỉ là ập è âm thanh xin xít nơi đầu lưỡi. Thụ không nói mà cũng không hát. Tựa tiếng kêu của loài bò sát. Tôi nhướng trí tưởng tượng phong phú của mình xem qua lời khấn của Thụ những ai đang về. Hồi sáng hai vợ chồng ra nghĩa địa dọn dẹp khu mồ mả tôi mới biết tổ tiên nhà Thụ cũng nhiều oan khuất. Mười một ngôi mộ dàn trải xưa cũ trong vùng đất trũng sâu dáng hình thung lũng. Thụ nói sau cơn động đất tự nhiên khu mộ nhà mình thụt xuống thành trũng như vậy và một ngôi mộ thì biến mất. Tôi băn khoăn về chuyện mười sáu đám giỗ sao chỉ mười một mộ phần? Giọng Thụ có vẻ buồn, tay anh đưa liềm cắt cỏ chuẩn xác.
“Cô em gái bố do hận tình nên trẫm mình xuống sông sâu năm vừa tròn mười tám không tìm thấy xác. Hai ông cố trẻ làm thầy phù thủy đi khắp nơi cùng chốn rồi không quay trở về, nhà lấy ngày hai ông bỏ đi làm ngày giỗ. Hai ông khác, một liệt sĩ Ðiện Biên, một liệt sĩ đường 9 Nam Lào, xương hốt về bằng đầu đũa chôn chung một mộ.”
Thụ im lặng đột ngột, tiếng liềm xén cỏ mạnh hơn.
“Thế còn một ngôi mộ nữa đâu anh?”
“Ông nội bị đấu tố hồi cải cách ruộng đất chết thảm trên tổ kiến lửa. Sáng mai bà nội chỉ tìm thấy vài cọng tóc ở nơi cột trói, xác không biết đi đường nào.”
Giọng chồng tôi nghèn ngẹn. Tôi thấy lạnh sống lưng. Tưởng như cũ xưa nào vừa lướt qua mình. Bây giờ quỳ trước bàn thờ tôi cũng lạnh sống lưng. Lẫn trong âm hưởng xin xít buồn thảm khấn vái của Thụ một tiếng nhẹ như gió lướt lụa bay trơn lọn. Ðã có lần tôi nghe đâu đó rắn là loài vật linh thiêng dẫn dắt người chết về trần. Tôi ngẩng phắt lên thanh đà treo ngang bàn thờ. Thanh gỗ bóng nhẵn không vết bụi, trống rỗng. Cô em chồng cấu mạnh. “Chị cúi đầu xuống đi, anh tôi không dạy chị à?” Khi đầu tôi lại cúi xuống, một cái gì láng nhẫy bay qua. Linh cảm đôi khi chỉ là linh cảm nhiều khi.
Và Thụ đứng lên húng hắng báo hiệu. Chồng tôi đã cúng xong. Cỗ được dọn xuống trong tiếng đũa lanh canh lũ trẻ háu đói. Suốt cả bữa ăn trong đầu tôi cứ lảng vảng hình ảnh mười sáu bóng ma tổ tiên theo lời khấn của Thụ trườn về, bay về thế nào. Thảng hoặc lại lành lạnh buôn buốt như gió cũ xưa nào lượt qua mình. Những cây nhang cháy hết cuộn thành vòng đầy ắp bát hương to màu đồng và những bát hương nhỏ màu trắng vẽ long phượng. Ai đó reo vui: “Hương cháy đẹp quá, nhà này năm nay chắc nhiều may mắn.” Mẹ chồng tôi thỏa mãn. “Anh chị Thụ thể nào chẳng sinh một thằng cháu đích tôn nay mai.” Thụ tay cầm cánh gà xoay xuống tôi đỏ mặt. Tôi thừa biết anh nghĩ hổ cái như tôi sẽ nhanh chóng kết nhuỵ sinh hổ nhỏ cho nhà anh nay mai. Ðàn bà như tôi có lẽ sinh năm một, anh chẳng từng nói thế. Miệng tôi cười mà lòng trống trải. Ông trẻ mặt xanh men rượu ngoắc cánh tay xuống mâm dưới, tôi để ý đàn ông nhà Thụ tay thường dài chạm gối. Có lần tôi đùa Thụ tay dài như tay vượn, anh sa sầm nét mặt. Em chẳng biết gì cả, những người tay dài thường dòng dõi đế vương, thiên tử. Có lẽ ông tổ anh từng là vua chúa vương giả Trung Hoa gặp nạn nên chạy loạn sang đây. Tôi thấy Thụ thật ngây thơ nhưng không dám nói. Dòng họ nào ở miền bắc này mà không chạy loạn hay đội trên đầu xứ Trung Hoa?
“Nhân thể cháu dâu trưởng thắp nén nhang lên bàn thờ khấn xin cha thằng Thụ phù hộ cho sớm sớm được thằng cu. Cha chồng cô mất vào ngày trồng, linh thiêng lắm.”
Tôi không biết ngày trồng ông trẻ nói là ngày gì nhưng đoán chắc rất thiêng. Len lén luồn qua mâm trên, kính cẩn lấy ba nén nhang châm lửa cắm lên bát hương đặt cạnh khung ảnh một người đàn ông trung niên có hàm răng hơi nhô với tia nhìn sắc lạnh, tôi khấn lạy ba lần. Vừa thụt lùi vừa liếc trộm khung ảnh cha chồng, ống chân tôi đau tấy lan dần. Một khắc, tôi nghĩ đến ám dấu cơ thể biết báo hiệu trước những chuyện bất thường. Chưa kịp định thần, bỗng dưng mái tóc, thân thể tôi nóng hực và tiếng cô út hét lên: “Bát hương cháy rồi.” Thụ xô ngã tôi, quỳ mọp trước bàn thờ dập đầu lia lịa. Bát hương ngùn ngụt cháy. Tôi hoảng loạn nghĩ thế nào tia lửa cũng lan rộng thiêu cháy bàn thờ, thiêu cháy ngôi nhà, thiêu cháy bãi ngô, đốt rụi mồ mả. Tôi muốn tìm xô xách nước dập lửa nhưng chân tay tôi cứng đơ tựa khúc gỗ, cơn đau nhức oại oằn trí não. Giọng nói đon đả mẹ chồng cất lên như vệt điện chạy dọc sống lưng. “Mời các bác, các ông xơi tiếp. Tôi nghĩ ông nhà tôi hoá bát hương vui mừng đón cháu đích tôn đấy.” Mọi người ồ lên đồng thanh. Nhưng cái liếc xéo của bà về phía tôi lại đầy cay nghiệt. Bát hương cháy tận gốc, tro dầy lên hình thù ngôi mả mới đắp. Tôi biết ngôi mả mới đắp bằng tro nung này sẽ thiêu cháy cuộc đời tôi nay mai. Thụ nhìn tôi không biểu lộ cảm xúc. Da thịt tôi rần rần kiến bò. Cảm giác ơn ớn, trơn lọn bóng nhẫy.
Tám giờ tối bãi ngô ngủ im. Thụ im lặng kéo tôi vào nhà. Sau buổi chiều hoá bát hương tro đắp hình ngôi mộ, Thụ nhìn tôi khang khác. Tôi chỉ cảm nhận khang khác trong một trực giác mơ hồ không bằng chứng.
“Anh chị Thụ vào buồng mà ngủ. Trong ấy ban đêm chuột hay thọc mạch, dém màn vào chiếu cho chặt kẻo nó vào giường.”
Sống lưng tôi dựng đứng. Viễn cảnh một bầy chuột chui vào giường bò lên thân thể khi tôi đang say giấc chẳng lãng mạn yên bình đồng quê chút nào. Tôi đưa bàn tay thon mảnh của mình ghì chặt Thụ, anh nhăn mặt nhìn tôi, bắt gặp ánh mắt thảng thốt của vợ, anh thẽ thọt nhìn mẹ:
“Mẹ cứ ngủ trong buồng với con Thắm để vợ chồng con ngủ ngoài này. Ban đêm gió máy mẹ không nên ngủ trên phản. Với lại con hay dậy đi ra đi vào sợ mẹ mất giấc.”
Mẹ chồng tôi loét quét đôi guốc vào buồng. Âm thanh roạc ngắn từng cơn. Con Thắm sang làng bên chưa về. Thụ bỏ tôi đứng trước cửa ra nằm chườn lên tấm phản kê gian ngoài cùng. Trước mặt tôi, bàn thờ chính giữa đã to giờ trương lên kỳ lạ. Hình ảnh nó phình nở trong đầu tôi. Bức màn đỏ lừ loang rộng. Hốt hoảng tôi chạy nhào vào Thụ. Chiếc quạt tai voi Liên Xô không rào rỉ sét ọc ạch quay tiếng một. Người Thụ đẫm mồ hôi. Giọng anh đừng đững.
“Em ngủ đi đừng làm ồn, mẹ không nghỉ ngơi được.”
Thụ là lạ thế nào. Thường ngày chưa bao giờ Thụ lên giường trước mười hai giờ khuya. Một lần Thụ bị ốm, tôi bắt anh ngủ sớm, anh nói đấy là cực hình. Sao Thụ có thể ngủ vào tám giờ tối hôm nay? Tôi tỏ vẻ quan tâm.
“Anh có nóng không, em quay quạt lại chỗ anh nhé?”
“Anh nằm phản thấy mát rượi, mấy phút nữa là ngáy, ngủ đi em.”
Thụ lại đùa. Từ ngày làm vợ Thụ tôi nào nghe anh ngáy nửa giây? Chiếc áo ba lỗ trắng tinh trên lưng Thụ xoay về tôi vẻ cấm đoán. Tôi cười thầm sự cẩn thận ngăn ngừa của anh. Cửa giả mở toang, bàn thờ linh thiêng ngay cạnh, mẹ chồng có thể đi ra đi vào bất cứ khi nào. Dù thèm chồng đến mấy tôi cũng phải gò mình trong bộ đồ ngủ kín đáo mà hậm hực. Tôi cũng không buồn thắc mắc về việc trái khoáy khi anh nói mát rượi mà người cứ đầm đìa mồ hôi. Thụ giờ khắc này sao quá đỗi xa lạ, không còn là Thụ buổi chiều đổ bóng xuống mình tôi. Anh lặng câm yên vị trong ngôi nhà bao tường cũ kỹ. Còn tôi lại muốn vách tường nhà anh rạn nứt để tôi cùng Thụ trốn ra ngoài. Ba cánh quạt tai voi vẫn ì ạch quay rít. Trước lúc thiếp đi tôi mơ hồ nghe lại cái giọng ngột ngạt, nhừa nhựa ập è xin xít nơi đầu lưỡi lúc Thụ cúng lễ. Rồi tôi rơi vào mê man. Loang loáng bãi ngô im lìm hứng sương không gió nào thãng thột. Trăng khuya phổng đứng chiếu ánh sáng sữa đục. Thoắt một cái, bóng tối ngập oà. Tôi thấy mình bừng tỉnh. Cảm nhận không khí ngột ngạt, hãm bức, chật chội vây quanh. Môi miệng khát cháy, toàn thân căng cứng. Nực nồng, oi bức như sắp đổ cơn giông. Ba cánh quạt tai voi ngừng phắt xê dịch. Không một tiếng gió nhưng tấm màn đỏ che bàn thờ cứ chốc chốc lay động khẽ khàng, chỉ mình nó đang chuyển động đỏ lừ trong thời gian lẫn không gian ngưng bặt. Tôi sợ, tôi muốn quay sang ôm Thụ để anh che chở cho mình. Song tôi không thể nào cử động, màu áo ba lỗ trắng tinh chồng tôi nằm sát ngay cạnh như trêu ngươi mà tôi chẳng thể nào nhúc nhích. Không khí mỗi lúc một ẩm thấp, nực nồng khoá cứng lấy tôi trên mặt phản.
Tiếng ho đứt đoạn từ trong căn buồng mẹ chồng lôi tôi khỏi đêm đen. Tứ chi rã rời, đầu váng vất, mồ hôi tôi rịn rạn dính bết. Bộ đồ ngủ tự nhiên mở khuy trễ nải lạ lùng. Tôi nhìn hàng cúc nhàu nát lạ lẫm, giống Thụ vừa vò nát chiếc áo và tôi vừa bận lên mình chưa kịp cài khuy. Cạnh tôi, Thụ vẫn ngủ im bằng bặt, ngoan hiền trẻ thơ, đôi má phụng phịu ninh nính. Tôi đâm nghi hoặc, kín đáo luồn tay xuống dưới. Chất lỏng đẫm ướt sền sệt ngầy ngậy mông đùi, thấm nhầy chiếc quần lót mỏng. Thụ trở mình ú ớ giữa giấc mơ. Tôi hoang mang nhìn chồng, cơ thể anh vẫn đầm đìa mồ hôi.
*
Ngày gặp Thụ tôi không còn con gái. Cơ thể săn chắc mượt mà vun đầy hai mươi rúc lên hồi còi dài khi chiếc bóng của anh đổ ập xuống mình. Một buổi chiều, bóng tôi lọt thỏm giữa bốn vách nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng Dân Tộc. Bàn chân ai lào xào sỏi đá sau lưng. Náu lặng tôi giữa hồi còi không ngừng rúc lên thúc bách trong da thịt. Chiếc bóng chồm lên chút nữa. Vách nhà rông nuốt chửng ngực tôi nhoi nhói từng hồi còi riết róng. Tôi chăm chú nhìn chiếc bóng đang hắt thẫm mảng sỏi đến gần, chiếc bóng như tạo ra tiếng động trên sỏi bị đè nghiến. Nghe có vẻ khác thường nhưng tôi tin chiếc bóng có thể đè nghiến được cả thế gian này, riêng gì sỏi đá. Chỉ có tôi mới biết điều ấy. Tôi muốn chạy trốn, khi trước mặt bóng đen lừng lững dịch chuyển. Giọng nói cất lên trước lúc cổ họng tôi bật ra tiếng kêu.
“Em bị chói mắt phải không?”
Gương mặt người đàn ông phúng phính hiện ra dưới chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ làm yên hoảng hốt trong tôi. Lúc anh đưa tay sửa vành mũ, tôi nhận ra cánh tay anh dài chạm gối. Tôi biết gương mặt này, cánh tay này, giọng nói này sẽ đóng đinh vào giữa vùng khuất lấp của mình. Vách nhà rông oặn ẹo vặn mình nứt khe. Tôi sẽ chui qua khe nứt ấy, tay tôi sẽ dắt anh cùng đi, chỉ cho anh thấy tôi thuộc về anh từ thuở nào. Anh rồi sẽ ngoan ngoãn nhập vào tôi như một gẫy gập định mệnh. Nhập vào tôi -hẫng hụt tôi- ngạc nhiên anh đêm tân hôn sau đó chẳng là bao. Làm sao để Thụ hiểu vì chính tôi cũng chỉ là người mù trong cõi tối tăm? Một cõi không Thụ, không mặt trời, không cả âm thanh giữa buổi trưa kỳ lạ. Tôi khám phá ra những chiếc bóng trên tường không chỉ đơn thuần là những chiếc bóng. Chúng cũng sống động như thân thể tôi khát thèm một vực thẳm. Chúng vờn vượt trên da thịt non tơ hứng háo của tôi. Về sau tôi biết mình đã đánh mất điều quý giá nhất buổi trưa hôm ấy. Chúng đã cướp mất cuộc đời con gái khi vừa chớm đến, khi tôi vừa mới biết xỏ tay thành thạo vào chiếc su chiêng. Chúng cho tôi biết nỗi sợ hãi khôn cùng, sự ngừng đập trái tim. Và cả khát thèm, chờ trông suốt những năm thiếu nữ khi chúng không còn quay lại. Mọi người nói tôi bị bóng đè, chẳng có gì đáng sợ. Tôi không thể ngờ đó chỉ là số phận. Thứ số phận đã đẩy đưa cho tôi gặp Thụ và làm vợ anh vội vàng, giống một linh ứng mà cơ thể tôi đã ám hiệu rúc còi.
Sau đám giỗ, chúng tôi đáp tàu trở lên thành phố. Trên đường về, Thụ luồn tay vào vùng ngực hồng hào của vợ xoa xoa bầu vú, miệng lấm lét cười. Tôi rất thích cử chỉ này của Thụ. Cả điệu cười tươi của anh. Dưới quê Thụ không cười với tôi như vậy, lúc nào cũng ra vẻ lạnh lùng.
“Vợ tôi thoát nạn nhà quê rồi, tiểu thư thôi không phải nằm phản mồ hôi nhễ nhại như đêm qua. Sướng nhé.”
Tôi không sướng, không thoát nạn như Thụ tưởng. Cảm giác như tiếc, như nhớ chiếc phản và bàn thờ với màn đỏ che đậy. Cảm giác lạ lùng mà chính tôi cũng không hiểu. Tôi vẫn không thể nào giải thích được những gì đã xảy ra trên tấm phản. Lẫn lộn tất cả. Nhưng có điều chắc chắn tôi không mơ cũng như Thụ không hề đụng chạm vào người vợ. Ban sáng anh đã giãy lên như đỉa phải vôi khi tôi dọ hỏi. “Về quê có một buổi không được làm hổ cái với anh mà em đã cuồng lên rồi tơ tưởng lung tung. Em thật là..!”. Tôi lại mơn nhẹ ngón tay dịu dàng của mình lên môi chồng. Như thế anh sẽ không còn giận dỗi. Bàn tay tôi thật kỳ diệu. Năm ngón ngắn dài với làn da mỏng tanh, như bàn tay của một người khác, có thể làm mọi việc mà tôi không có khả năng. Giá thân thể tôi cũng không trọng lượng như bàn tay đang xoè ra trước mặt. Giá thân thể tôi không có những đòi hỏi cảm xúc như bàn tay đang giơ lên trước nắng. Nhưng bàn tay ấy, của tôi hay của ai, chẳng thể nào phá tan được sự hoài nghi bí mật. Cảm giác trưa hè ngốt ngát năm nao đang trở lại. Chiếc bàn thờ to dài quá cỡ, tấm phản láng bóng thời gian, thung lũng mười một ngôi mộ, tiếng ho khúng khắng trong căn buồng mẹ chồng có liên quan gì đến nỗi hãi sợ mà kích động hứng háo đang chảy xuyên suốt huyết mạch đàn bà trong tôi?
Gương mặt Thụ ngó lơ những cánh đồng. Tôi nhìn Thụ đăm đăm. Mùi đất ràn rạt trên cần cổ anh. Tôi nghiện cái mùi ngai ngái trên ngực Thụ mỗi khi nằm sấp trên mình anh hôn tẩn mẩn đầu lưỡi có vị cỏ đắng. Bất giác tôi lại nghĩ đến cái đầu lưỡi đã phát thứ tiếng động ập è xin xít khi Thụ khấn vái.
Trở về thành phố, thân thể Thụ trở lại khô ráo thôi đầm đìa mồ hôi. Mỗi bận Thụ cởi trần, tôi ngắm tấm lưng anh nâu om khô ran tựa một mảnh ngói. Khô đến nỗi giá tôi đặt nụ hôn lên lưng anh khi ấy, đôi môi tôi sẽ bốc hơi khô cháy trong khoảnh khắc. Giống như thân thể Thụ đã trút hết nước ở vùng quê hoặc cái buổi tối Thụ nhễ nhại mồ hôi chưa bao giờ xảy đến. Chồng tôi trở lại làm một người đàn ông ưa nghịch ngợm, hay mân mê bàn tay vợ rồi khen dù mập ốm em vẫn giữ được bàn tay của một thiếu nữ. Tôi sung sướng mỗi khi nghe Thụ khen bàn tay mình không thay đổi. Thi thoảng tôi cũng nghĩ đến cái bàn thờ đỏ quạch và tự hỏi có phải mình nằm mơ? Ðôi lúc thắc mắc khiến tôi mất ngủ. Nhiều lúc tôi nhíu mắt trước gương tự hỏi mình là ai và cố tìm một trả lời. Thụ trả lời thay tôi bằng cách bồng ẳm tôi lên giường biến tôi thành hổ cái, đánh thức những rực rào của hai bầu ngực tôi liên tục rúc lên những hồi còi dài. Tôi kẹp cứng Thụ không cho anh xổng thoát về với bãi tha ma. Tôi chỉ giật thót mình sau vung vấp nhận ra bãi tha ma vẫn còn ở đó.
*
Ðám giỗ ông nội Thụ sau đấy một tháng. Hai vợ chồng lại thu xếp nhảy tàu lụi hụi về ngôi nhà mái ngói ba gian chất chứa bí mật dòng dõi đế vương. Thụ im lặng suốt quãng đường, mắt trống trải khi tàu vào ga. Tôi nghe tiếng rao bán hàng rong vọng lại thập thòm lẫn tiếng nghiến đường ray. Tâm trạng tôi lẫn lộn. Mơ hồ kinh sợ, mơ hồ mong chờ.
Sau cúng lễ, y như lần trước, Thụ đi ngủ sớm. Tôi níu kéo.
“Ðêm nay anh ôm em ngủ được không? Hôm trước em thấy sợ.”
“Em lại tính giở trò gì đây? Trời thiêu lửa mà ôm nhau ngủ?”
Giọng Thụ cục cằn, ánh mắt liếc xéo chẳng mấy yêu thương. Tôi trơ hẫng trước thái độ của chồng, ở thành phố Thụ chưa khi nào nói với tôi bằng giọng như vậy. Ngón tay tôi rụt vội. Hình như làn da mỏng tanh bị bỏng.
Mẹ chồng tôi không mấy vồn vã. Bỏm bẻm trầu cau, gương mặt tôi tối, bà vấn lại khăn trên đầu, mắt nhìn đâu đâu. Làm như mẹ chồng tôi cố tình thức khuya để canh chừng con dâu. Tôi ngó ngón cái tím bầm của mẹ chồng rồi lại ngó lên bàn thờ, vẫn ngôi mộ bằng tro nung và những tấm hình phủ mặt. Tôi cẩn thận đi tắm trước khi lên phản. Phòng tắm tuềnh toàng được quây chiếu lệ bởi những tàu dừa, dưới ánh trăng non vệt ra hình thù kỳ quái. Lớp trăng non lướt mỏng đến tấm phản soi lờ mờ gương mặt Thụ. Trong bóng tối nhìn gương mặt chồng có nét an bình đủ đầy, tôi bớt sợ. Mẹ chồng tôi đã tắt nến. Cơn buồn ngủ đến thản nhiên, một cách thanh bình tựa như nỗi hãi sợ và thân thể tôi là hai tách biệt không liên hệ. Tôi ríu mắt chìm ỉm vào giấc ngủ.
Thức giấc, tôi thấy mình khát cháy cổ họng. Làn môi khét khô căng rạn và mồ hôi lấm tấm trên trán, tôi nghĩ mình bị sốt. Người tôi ơn ởn. Mặt phản ẩm rít. Ngoài sân cửa nhà mở toang và ánh trăng vẫn đang rọi những mảng sáng cuối cùng. Ðúng lúc tôi chống tay định nhỏm dậy thì tấm màn đỏ nhúc nhích và tứ chi nặng trĩu. Từ sau tấm màn đỏ, những chiếc bóng bay ra lũ lượt tích tụ thành mảng đen lớn. Trái tim tôi muốn nhảy dựng khỏi lồng ngực, tôi nhắm chặt hai mắt trong kinh sợ tột cùng, nhưng vẫn cảm giác rõ rệt trước mặt khối đen đang lẩn nhẩn về phía mình. Tựa quả đất đang nặng nề đè nghiến tấm phản. Trời ơi, tôi phải gọi Thụ, mảng áo trắng ba lỗ chồng tôi loá rực như con mắt anh mở thao láo trong đen đặc ám mờ. Chỉ cần khẽ nhích cánh tay là tôi có thể đụng vào Thụ nhờ anh cứu giúp. Hình như chồng tôi còn thức, hai tròng trắng ươn ướt trừng trừng. Anh nằm ngửa, hai tay xếp trước bụng ngay ngắn như một xác chết mở mắt. Một thoáng tôi nghĩ chồng tôi đang nhìn lên trần. Một lúc tôi nghe hơi thở Thụ đều đều vung vãi. Làm sao anh lại có thể ngủ ngon đến vậy? Chưa bao giờ tôi ghét cái khuôn mặt phinh phính bình lặng của Thụ như lúc này, anh bỏ mặc tôi đơn độc, nhoài nhã. Khí quyển mỗi phút một nực nồng, rít ẩm, ngột ngạt. Thời gian như bất tận, tôi không dám ngoái lại nhìn mảng đen đã rất gần, chỉ tích tắc nữa sẽ ập xuống mình. Tay chân tê cứng mà lạ thay, hai con ngươi tôi mở to chưa từng thấy, sáng xuyên thủng màn đêm, đến nỗi tôi nhìn được cả những sợi lông mi của chính mình đang vòng cung lên vầng trán căng rát, xót rạn mồ hôi. Dường như Thụ vừa dịch lưng. Anh lăn sát vào tôi hơn, một chút nữa thôi là anh chạm vào người tôi, nhưng Thụ bất động ở ranh giới ma mãnh ấy, bây giờ tôi nhìn rõ hai mắt anh không nhắm tý nào, thậm chí mở to hơn thường ngày. Mảng đen đã thôi uốn lượn trên mền vải, nó thò hẳn vào lùng sục từng bộ phận thân thể tôi. Bàn tay lần rờ trọn đường viền môi, nắn từng chiếc răng xinh xắn, hệt như khi Thụ trườn lên tôi thổi khúc dạo đầu. Ðến hai núm vú bàn tay đang lạnh lẽo chợt nóng rẫy. Mỗi ngón thiêu rụi tôi như lửa. Màn đen rẫy rùng khi có tiếng giầy rón rén trên sân gạch và bóng áo cánh khen khét mùi đàn ông hiện ra. Cô út về tới. Bàn tay vẫn lẩn nhẩn nơi êm ái mượt mà làn da bụng con gái. Tôi đinh ninh em chồng mình sẽ nhìn thấy, sẽ tri hô lên và mọi người nhào tới hất mảng đen, chặt bàn tay vô liêm sỉ khỏi người mình. Nhưng Thắm chỉ trân trân ngưỡng cửa nhìn ngắm, hai hàm răng bít chặt, bước những bước ngắn vội vào buồng. Tôi nghe tiếng cười đắc ý sát gần. Bàn tay bắt đầu mạnh bạo hơn gỡ lớp vải kết mồ hôi, bóc tách thuần thục. Mồ hôi tướp ướt đùi non, rãi rà rề xuống mặt phản trơn rít. Rồi khi bàn tay túm trọn lụa nhiễu đen óng, mảng đen bỗng tan loãng hiện rõ hình dáng một con người nghênh ngáo. Tôi hiểu mình phải im lặng, im lặng trong sợ hãi tột tận đời người. Khói đen tan biến hết. Tôi hét lên, tôi thấy mình hét lên một tiếng sập trời khi lờ mờ nhận ra đường nét trên gương mặt đang đè mình. Tia nhìn xéo sắc lạnh, hàm răng hơi nhô đanh ác đầy quen thuộc. Chưa kịp định thần, chiếc quần tôi đã bị kéo phăng bằng một động tác như ảo thuật. Mồ hôi rìn rịn bức bối hai đùi, đúng khi tôi cảm được sự cương cứng thúc lên bụng thì cánh cửa buồng mở toang và mẹ chồng tôi hiện ra với chiếc bật lửa. Tôi muốn vùng chạy khỏi nỗi nhục nhã ê chề. Bóng đen vẫn nhịch, từng phân nhịch xuống. Ðôi mắt mẹ chồng nhìn vào phản làm tôi hãi hùng hơn tất cả những gì đang chịu đựng. Tia nhìn sòng sọc, hằn học, cay nghiệt bổ tát mỗi phân vuông cơ thể tôi loã lồ. Ánh mắt ấy như muốn thiêu cháy mỗi sợi lông măng hình hài tôi. Cố vùng vẫy, cằn đạp thoát cái nhìn của bà, tôi quên cả bóng đen đang nhinh nhích đã gần kề cửa sông con gái. Bóng tối tan chảy, lửa bùng lên loang khét tấm màn đỏ. Mẹ chồng tôi phẩy lia phẩy lịa nắm nhang khắp bàn thờ như điên dại. Bóng đen rít lên một tiếng man rợ xoẹt ngang lửa nhang. Bụng tôi kéo một vật gì dài cứng thép. Hụt hẫng rơi tòm tôi xuống đâu đâu. Tôi thấy có làn gió thổi mát sợi tóc, những làn gió làm ngả rạp bãi ngô lao xao. Dưới ánh sáng nhập nhoàng bó nhang toả khói, mẹ chồng tôi lê bước chậm chạp về buồng. Và Thụ khịt khịt mũi đạp chân vào đùi trần của vợ. “Sao nửa đêm ai lại thắp nhang thế này?” Lưng Thụ thẳng đứng như bị điện giật khi anh mở mắt. “Em.. em.. em cởi truồng?” Ðập mạnh cánh tay xuống phản trong nỗi cứu sinh, tôi choàng tỉnh, biết mình vẫn nguyên vẹn hình hài. Kéo quần lên, tôi quay lưng lại Thụ không giải thích một lời. Giấc ngủ đến ngon tuyệt diệu trong đời. Tôi không biết mắt Thụ hằn lên những tia đỏ dại cuồng.
Tôi thức sớm không phải bởi tiếng gà gáy, không bởi ánh nắng chói loá xuyên tấm liếp cứa da cứa thịt. Tôi thức dậy bởi giọng nói mỉa mai kéo dài đu đượi chua đôi môi hóng hớt của Thắm xỉa xuống tấm phản, đầy tiêu ớt cay xé đã làm tôi choàng tỉnh. “Làm dâu thời buổi này kể ra cũng sướng thật.” Lảng ánh mắt của Thắm, tôi thấy mẹ chồng đang ngồi ngoài hè, trông bà nhỏ thó như một đứa trẻ. Bà ngó lơ vườn tược cây cối trong im lặng lâng láo của loài rắn. Im lặng u ám như đêm qua mẹ chồng tôi không thấy con dâu cởi truồng tênh hênh trên mặt phản, đã không phẩy lia lịa bó nhang trước bàn thờ. Dưới bếp Thụ quần đùi bên rổ khoai lang tím. Anh ngừng nhai nhìn tôi không biểu lộ cảm xúc nào. Ðôi mắt Thụ vô hồn, tròng mắt anh quạnh quẽ rờn rợn.
“Ðêm qua anh ngủ có ngon không?”
Tôi hỏi gắng gượng. Dường như tôi không hỏi Thụ, nhưng tự vấn chính mình. Tôi không biết chồng mình có nhìn thấy những gì đêm qua trên tấm phản, có nghe tiếng hét mà tôi đã thét lên? Thụ vẫn nhai, khoai lang thì đâu cần nhai nhiều thế, hở Thụ? Miệng anh nhều nhào chất bột chẳng đẹp chút nào.
“Em dậy muộn quá đấy.”
Thụ không trả lời tôi. Câu nói của anh tôi biết hiểu thế nào. Tôi phải tự trả lời cho nghi hoặc của mình, phải tự mình chèo chống qua vùng lũ xoáy. Nhưng tôi biết hỏi ai, tìm ai bây giờ? Bàn tay thon ơi, bàn tay diệu kỳ ơi, bàn tay có biết không, trả lời tôi đi. Tôi thay áo quần, bỏ ra bộ đồ ẩm rít mồ hôi nhàu nhĩ, quần lót đặc quánh thứ chất nhầy ngà tôi chẳng biết gọi tên.
Khi trở lên nhà, mẹ chồng tôi không còn ngồi trước hiên. Cả Thụ và cô Thắm cũng lảng lờ nơi nào. Tôi bỗng thấy mình như được cởi dây trói vô hình. Bàn tay ngón dài sáng nay càng thanh tao lạ lùng. Không xui khiến, nó kéo roạc tấm màn đỏ trước bàn thờ, tựa muốn cho tôi thấy điều gì. Quả thực chưa bao giờ tôi nhìn kỹ bàn thờ tổ tiên nhà Thụ. Bây giờ đập ngay vào mắt tôi là hai huân chương liệt sĩ, một Ðiện Biên, một đường 9 Nam Lào. Hai tấm ảnh truyền thần dương cặp mắt dài dại song vẫn là tia nhìn lạnh lẽo đầy hãnh tiến. Thụ chưa kể tôi nghe về những tấm huân chương này bao giờ. Sống lưng tôi lại ởn sốt. Những đôi mắt đang chằm chằm hắt tia nhìn sắc lạnh lên thân thể. Ðôi mắt liếc xéo của những người đàn ông dòng dõi đế vương chết rồi vẫn đội lên đầu xứ sở Trung Hoa. Tôi quay lưng trước đôi mắt đêm qua đã vờn rượt lên tấm thân nóng ẩm kích động đàn bà của mình. Tôi chạy ra sân, chạy xuyên cánh đồng ngô đã vàng trĩu, bóng nhẫy những quả bắp căng rửng hạt tròn. Gió đượm mùi đất ẩm, mùi khô quánh trộn với nước sông tù hãm miết hơi dần dật vừa vuốt ve vừa sờ soạn chiếc áo cánh thêu cành hoa đỏ đậm vắt ngang hai bầu ngực tôi đang thở gấp. Bên trong chúng chẳng có gì mà vẫn bị kềm hãm. Tôi muốn thân thể tôi được giải phóng, tôi muốn bầu ngực mình núng nẩy tự nhiên reo hát. Chúng đang kêu lớn lên rằng đêm qua trí óc tôi không mơ, chúng đã bị vầy vò, bị liếm láp, bị nát nghiền. Tia nhìn xéo sắc lạnh, hàm răng hơi nhô của những tấm hình trên mộ bia thản nhiên, tráo trơ hãnh tiến một cách bình lặng. Bình thường như tôi đã bị cưỡng hiếp. Nhưng sao tôi không chống cự? Phải chăng tôi đồng loã, phải chăng tôi đã ưỡn người lên chờ đón? Phải chăng vòng quay đã được sắp đặt từ buổi trưa ngốt ngát bất thường tuổi thơ đến buổi chiều Bảo tàng Dân Tộc Thụ đổ bóng xuống đời tôi? Nhưng suốt những năm thiếu nữ tôi đã mong chờ, tôi đã khát cháy, giờ đây nó hiện hình sao tôi hoang mang? Vòng quay số phận cuộc đời tôi không phải vòng quay yêu thương. Tôi là ai, từ đâu đến? Tổ tiên đế vương Trung Hoa tay dài chạm gối nhà Thụ muốn gì?
Bãi tha ma thênh thang trước mặt. Gió sớm từ sông rì rào đổ thốc qua quần bò áo cánh đen. Thân xác tôi buôn buốt, nhưng nhức từng cơn, nhưng là sự nhưng nhức kích động, hỏi đòi và đau đớn. Tôi sợ chính mình. Cành hoa thẫm đỏ vắt ngang hai bầu ngực vẫn chỉ chực vểnh lên đĩ thoả. Nó đang mơn trớn, dỗ dành hoang đàng. Thung lũng mồ mả mười một ngôi mộ đẫm rượt sương đêm. Những cọng cỏ chà cứa vào chân tôi hay chân tôi lướt lên chúng mời mọc? Mười một ngôi mộ yên bình, sự yên bình thái quá một u mê. Tôi muốn những ngôi mộ nứt đất chui ra từng bóng ma, từng oan hồn liệt sĩ xéo sắc, tay dài chạm gối. Tôi nghĩ mình sẽ không sợ hãi. Tôi muốn họ trả lời tôi họ muốn gì ở đứa con gái nhiều xúc cảm này và có gan hãy hãm hiếp tôi giữa ban ngày ban mặt. Vẫn chỉ là im lặng. Má tôi nóng hực, miệng tôi lại khát cháy. Giật tung hàng khuy áo, cành hoa đỏ thẫm đứt đôi, tôi xoay vòng quanh mười một ngôi mộ. Vú tôi rứng tràn không khí. Vú tôi là đời sống, là hơi thở, là khí quyển. Mồ mả là quá khứ, là huân chương, là tổ quốc. Tôi chạy giữa bãi tha ma thênh thang hoang dại. Tôi múa điệu múa da thịt tươi tốt, thách thức thần linh, thách thức âm hồn dòng dõi Trung Hoa nhà Thụ. Tôi tung tăng thể xác, đôi bầu vú tự do khiêu khích cho đến lúc bàn tay xa lạ có năm ngón thuôn mềm đưa lên cài lại hàng khuy áo ngay ngắn. Tôi đứng nhìn bàn tay của chính mình như nhìn bàn tay của một kẻ chất phác quả quyết giắt tay tôi lầm lũi trở về. Có phải bàn tay của kẻ nào đó còn dính vào cườm tay tôi đã hiểu không thể nào chống cự nổi chiếc bàn thờ to dài quá cỡ với tấm màn đỏ nhức nhối chất chứa cả một quá khứ phi phàm?
*
Thụ mang ánh nhìn lạnh lẽo trên suốt chuyến tàu xuôi về thành phố. Tôi có cảm giác anh giống một pho tượng ai đặt cạnh mình. Anh náu lặng, làn da chỗ đỏ ửng chỗ nhợt nhạt. Những cánh đồng trơ hoác gốc rạ chạy tăm tắp trong nhập nhoạng hoàng hôn. Tôi không dám nhìn thẳng mặt chồng, chỉ len lén chăm chú lên đôi tay Thụ dường như dài hơn, bất động hơn, khoanh vòng nhiều hơn trước vùng ngực phẳng. Tôi muốn tự mình mân mê bầu vú, để tìm lại cử chỉ âu yếm của chồng. Nhưng tàu cứ tiếp tục rì rì, nhởn nhơ trên con đường dài trơ trẻn. Tôi muốn Thụ hét lên, chửi rủa thành lời những gì đang khoét rỗng đầu anh. Không còn nghi ngờ gì, Thụ đã nhìn thấy cảnh đêm qua, Thụ biết tất cả. Nhưng sao anh không cứu tôi, anh không thiêu cháy bóng đen man rợ bảo vệ vợ mình. Hay Thụ đồng loã, bán tôi cho những bài vị liệt sĩ khát đói? Tôi đâm hận anh vô cùng. Hận lây sang những ngày sau đó khi đã yên ấm nơi thị thành náo nhiệt, khi chiếc bàn thờ bỏ mặc bụi phủ nhà quê. Mà không là giận nữa, một nỗi hoài nghi thường trực ngày đêm.
Cuộc sống vợ chồng dần dà ngường ngượng. Thụ vẫn chăm chút tôi nhưng sự chăm chút đượm mùi sầu thảm. Chẳng còn lửa cháy, chẳng còn nồng nàn. Tôi thôi không hực lên hổ cái mỗi đêm trên người Thụ. Tôi không vồ nuốt lấy anh, hối hả rúc mặt vào trong nách anh tìm hương vách nhà rông của buổi trưa nào ở Bảo tàng Dân Tộc. Thụ cũng chẳng mấy mặn mà chuyện ái ân. Bàn tay anh thôi vuốt ve bóp nắn. Tôi cũng thôi cắn đầu lưỡi Thụ có mùi cỏ đắng. Mỗi sáng sớm thức giấc, tôi không còn cảm giác tội nghiệp nào cho Thụ. Và anh cũng không còn véo mũi tôi cảnh cáo đêm qua. Chúng tôi lặng im, không la hét, không dọ hỏi để tìm nguyên nhân, không một giải thích nào. Ngầm hiểu với nhau. Như đã cài trong đầu tôi và Thụ chuyện phải xảy ra để mà chấp nhận. Ðời sống bình lặng, trong bình lặng giấu giếm giằng xé với những mẩu đối thoại đều đều như kinh nhật tụng.
“Hôm nay anh đi làm mệt lắm không?”
...
“Em trông mắt anh trũng sâu, đừng gắng sức nữa.”
...
Nhưng thân thể tôi thì không im lặng. Ðêm khuya, khi đèn đường nguội lạnh, cạnh mình Thụ xoay lưng thin thít thì làn da tôi lại hực hội khát thèm. Tôi thấy vú tôi nở ra trong đêm tối, nở lớn như một đoá vạn thọ bất chợt bung cánh, to bằng một cái bát. Thân thể tôi giống một quả mít tố nữ ngậy thơm đợi bổ đôi. Lẫn trong thao thức, tôi nhớ tấm huân chương liệt sĩ Ðiện Biên lấp lánh, huân chương Ðường 9 Nam Lào sáng choang động đậy. Ðùi tôi thèm được rát rẫy mồ hôi, bụng thèm cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm vào. Tôi biết như thế là tội lỗi, nhưng rồi lại tự nhủ đó là một thứ tội tổ tông mà chẳng ai có quyền chê trách.
Tôi biết phải chấp nhận để tồn tại. Tôi yêu Thụ và anh cũng yêu tôi thực lòng. Sống trên đời ai chẳng có nỗi khổ, đâu riêng gì vợ chồng tôi. Nhưng rồi giỗ tổ lại đến và tôi không thể giấu diếm khoác lên mình bộ mặt bình lặng được nữa. Thụ cũng vậy, sau sự việc, đôi má anh hóp sâu chẳng còn phúng phính. Ngày oi nồng khi hai vợ chồng nhìn tờ lịch, thu xếp cặm cụi về quê. Nếu là những lần trước, tôi sẽ liến thoắng hỏi Thụ giỗ ai mà về. Giờ đây như một lẽ thường tình, tôi chẳng cần phải hỏi. Một năm mười sáu đám giỗ, cứ thế mà ngược tàu. Tôi lại mơ hồ kinh sợ, mơ hồ mong chờ, phập phồng theo tiếng nghiến đường ray với bãi tha ma chập chùng. Mọi chuyện vẫn diễn ra như bất kỳ đám giỗ nào nhà Thụ với nhang khói, với âm thanh khấn vái xin xít, ập è nơi đầu lưỡi Thụ. Chỉ khác một điều, lần cúng giỗ này vào buổi trưa. Mẹ chồng tôi bảo các cụ báo mộng cho bà làm như thế. Tất nhiên các cụ đã nói thì phải nghe. Ai nào dám cãi nửa lời. Còn nhớ ngày cưới, mẹ Thụ gọi tôi ra góc riêng, giọng bà nhỏ quá mức mà làm tôi run rẩy. “Chị về làm dâu trưởng nhà này trách nhiệm nặng nề. Lấy chồng theo thói nhà chồng, mọi thứ đều có lễ nghi, trên dưới, cứ thế mà làm. Chị làm khác sẽ rước hoạ vào thân, tôi nói trước.” Hân hoan hạnh phúc tôi quên mất giọng nói sắc ngọt của mẹ chồng hôm ấy. Trưa nay nó vọng rõ mồn một, thấu tim óc đứa con gái đang nuôi những vực thẳm khổng lồ trong mình chẳng khác nền trời không xanh lồng lộng cũng đang nuôi những tảng mây tối sáng lừ đừ. Thụ đi nhanh qua khoảng sân rát nắng, phịch lưng xuống phản nặng nề.
“Sáng nay dậy sớm đi tàu mệt quá, nghỉ trưa cho lại sức. Em thần người ra đấy làm gì, nghỉ đi.”
Thụ nói với tôi bực bõ. Làm như tôi cản trở gia tộc anh chuyện gì đó, làm như tôi chưa phục tòng khuôn phép gia đình anh đúng mức hay tôi phá đám giỗ nhà này. Tôi băn khoăn thắc mắc vì sao Thụ phải đổi giọng mỗi khi có sự hiện diện của chiếc bàn thờ? Thụ nói với tôi hay xin phép mẹ? Anh không nhìn tôi mà cũng chẳng nhìn mẹ đang ngấp nghé cửa buồng. Anh nhìn tấm màn đỏ bất động đang rang lửa. Bao nhiêu nhang thắp lúc nãy cháy cằn, tàn tro giữ nguyên dựng đứng như hình chĩa ngọn chông, trơ khấc tàn bạo. Thốt nhiên tôi muốn sập màn che giấu. Nhang cháy không cuộn thành vòng, không có điều tốt. Tia liếc xéo từ căn buồng mẹ chồng tôi bùng rát khuôn mặt, tôi ngoái đầu, chỉ là hai cánh cửa khép im lìm. Dạo này mẹ Thụ không còn nhìn thẳng mặt tôi nữa. Những cái liếc xéo lởm chởm nguyền rủa của bà hơn một hôn mê, một thôi miên hoà lẫn tiếng xoong chảo cô út vùng vằng ném đập ngoài giếng dìm xuống nước chìm ỉm trong nhiệt độ tăng cao và chiếc quạt tai voi xoay lấc láo. Tôi ỉm mình trong bỏng rát chật chội, hãm bức mê man. Tôi nói thầm nhà quê là thế ấy, lập đi lập lại cho đến khi giấc ngủ đến, rồi vô cớ thức giấc. Lại khát. Thụ dang rộng tay, một chân gác lên đùi tôi như kềm giữ. Ngạc nhiên chưa! Thụ không có thói quen này. Vừa lúc tôi gượng mình vươn vai thì lặng phắc đất trời. Trong tư thế ưỡn ngửa, tôi trơ cứng bất động. Ðám mây nằng nặng trôi qua khoảnh sân làm tối sầm gian nhà, tối sầm bức màn đỏ tôi đã kéo che những nén nhang cháy quằn quại. Sau bức màn đỏ, bóng đen thản nhiên bước ra. Lần này hiện rõ hình hài con người. Tôi không còn sợ hãi mà nghênh mặt ngắm nhìn. Nó mang trong mình dáng hình của một lão già Trung Quốc nào đó đầy quyền uy chập chờn trên cái nền lát gạch tàu. Lão Tàu xa xăm, bí ẩn, vừa đen tối vừa có sức hút lạ kỳ, quyến rũ khác thường, vừa giông giống bố chồng tôi. Tôi chăm chăm theo dõi mà vẫn phân định bên ngoài mây xám đã quệt qua khoảng sân, hắt thứ ánh sáng âm âm xuống lũ cây cối, và chỉ cách vài thước, mặt trời đang hực nắng nhựa đường. Cơn khát gắt gỏng nhức nhối trong cuống họng làm mặt mũi tay chân tôi chìm sâu trong nỗi hoảng loạn của thể xác dù phần trí não vẫn tỉnh táo. Khát mỗi sợi tóc. Khát từng nếp gấp làn da. Khát mỗi đốt xương. Khát từ hàng mày. Khát xuống viền môi. Khát trên đồi cao vươn ưỡn. Khát xuống thảo nguyên dang rộng. Khát như chờ đợi bóng đen nhịch nhịch, đến gần tưới nước. Mồ hôi tướp xót mi mắt. Mồ hôi rịn rạn da thịt đùi non. Nhỏ giọt giọt xuống mặt phản đen bóng. Phản này Thụ nói có từ lâu lắm, dễ đã bảy tám đời ngủ nghê, ăn uống, sinh con đẻ cái và khâm liệm. Tấm phản mang quá khứ của gia đình Thụ, xa xôi, chất chồng. Còn tôi, hiện tại, một đứa con dâu đĩ thoả đang ưỡn ngửa căng rát đón chờ. Bóng đen đã đứng ở khoảng giữa hai chân tôi tách rộng. Từng đường nét trên gương mặt lạnh lùng không hề xa lạ hiện rõ. Sao mà giống Thụ đến thế. Rõ ràng là Thụ. Chân Thụ đã rơi khỏi đùi tôi tự lúc nào giống thả cho tôi tự do đối mặt bóng đè. Anh vẫn nằm nghiêng, quay hai con mắt nửa nhắm nửa mở, như muốn chứng kiến. Lúc đôi tay quờ xuống rà rẫm, tôi biết trước chiếc bóng muốn gì, thứ mà mọi đàn bà trên thế gian khi nằm ngữa đều biết. Tôi dang rộng chân lúc nghe tiếng ho buồng trong dội lại. Tiếng ho càng lớn tôi càng dang rộng chân như muốn thách thức. Chính tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể dang chân trong lúc tứ chi bất động, muốn vùng dậy mà không được. Cơ thể tôi không vâng phục trí não nhưng vâng phục thèm khát của cái bàn thờ. Những tiếng ho đứt rời, cằn cộc, tiếp tục cay thét, làm như mẹ chồng tôi muốn biểu lộ ganh ghét với chỗ tôi đang nằm. Hai bàn tay thả xuống mạnh bạo, riết róng, hơi thở dập dồn. Nó luồn sâu bóp từng mạch máu chảy sôi huyết quản con gái đôi mươi. Gương mặt sà sát vùng cổ như muốn hút sức sống tôi căng rứng. Rồi lồng ngực bỏng rát, tôi vỡ vụn. Nó đang banh trái tim tôi ra. Tôi hét, tôi vùng vẫy, tôi van xin, hổn hển, oằn oại rên rỉ. Ông muốn gì ở tôi. Tôi biết phận dâu con, tôi sẽ làm tròn bổn phận. Mỗi năm tôi sẽ làm cơm cúng mười sáu đám giỗ. Tôi sẽ dọn sạch thung lũng mồ mả, sẽ lau bóng nhoáng bàn thờ. Sẽ sinh mười một đứa cháu trai cho ông. Bóng đen tảng lờ. Hai bàn tay bạo lực hung hãn khoét sâu, ngoáy vòng. Tôi điên đảo, đau đớn, nộ cuồng rồi tôi cười gằn thỏa mãn với ý nghĩ mẹ chồng tôi cũng đã nằm trên tấm phản này cũng đã dang chân cho nó ngoáy vòng. Sáng tối lẫn lộn. Tôi nhắm mắt cho trăm đời dòng dõi đế vương quần thảo, cho đến lúc đỉnh đầu nhức buốt, tôi bật nức nở man dại. Tiếng ho buồng trong lúc ấy hộc từng cơn xé phổi. Gần như Thụ bị bắn tung vào góc nhà, tôi có cảm giác thế, đôi mắt anh trừng trừng căm hận. Tiếng càu nhàu của Thụ cắt đứt giấc ngủ tôi mề mệt.
“Em thấy tháng sao không mang băng vệ sinh? Con gái mà đoảng quá. Mau dậy thay áo quần, lau chùi tấm phản đi.”
Vẫn bàn tay mảnh dẻ đập xuống phản giúp tôi dậy. Tôi nhìn Thụ rười rượi uất ức. Anh mở mắt, anh chứng kiến, anh vờ như không có chuyện gì. Anh cũng không còn để ý chu kỳ của vợ. Tôi chỉ vừa sạch vài ngày làm sao thấy tháng? Vả lại thứ máu loang áo Thụ, thứ máu đen đặc mặt phản, thứ máu quện bệt đùi tôi không phải máu đàn bà mỗi tháng. Mà là máu tươi chảy róc từ vết thương rách toác bị đâm sâu hung bạo. Mọi người bảo tôi bị bóng đè, nhưng bóng đè chỉ là giấc mơ khi đang ngủ, còn tôi rã rời, hai đùi nhớp nháp máu trộn nước con gái.
“Em còn ngồi ỳ ra đấy, làm nhanh lên, mẹ dậy bây giờ?”
Thụ chưa hết câu thì cửa buồng kẹt mở. Khuôn mặt mẹ chồng tôi đỏ gắt, tay lóc xóc quạt nan. Dừng cái nhìn nơi mảng áo đỏ con trai, nơi mặt phản ướt đen, bà ngẩng đầu bước thẳng đến bàn thờ kéo roạc tấm màn đỏ sang bên, châm lửa đốt nhang. Trưa chuyển về chiều, không ngọn gió nào chạy loạn. Tôi ngồi chết lặng. Vợ anh bị hiếp nhưng Thụ chỉ sợ mẹ dậy. Thụ tốc áo qua đầu ra giếng dội ào ào như muốn dội chất hờn căm trên mình anh hay muốn rửa ráy những dơ bẩn thay cho vợ. Tắm xong, anh trở thành một người khác.
*
Chúng tôi không đủ sức lực, can đảm mang trên mình bộ mặt bình thản thường nhật cố dối lừa bản thân được nữa. Thụ ít nói hẳn đi, gần như là im lặng. Hiếm hoi mới thấy nụ cười của anh, có chăng là trong một vài lần xã giao bắt buộc. Ðôi má anh hóp, ngày một sâu hơn. Tôi thường lén nhìn chồng, nhưng Thụ đã vĩnh viễn không còn sờ nắn bàn tay tôi mà khen ốm mập, ngắn dài. Ngôi nhà của chúng tôi ở thành phố giống một am thờ. Ðôi khi tôi hận anh. Vì lấy anh tôi mới về căn nhà xưa cũ đó, mới nằm trên tấm phản ấy, mới ra nỗi đoạ đầy bây giờ. Nhưng Thụ không còn nhìn thẳng mặt tôi. Hình như anh không muốn nhìn bất cứ cái gì, không muốn nghe bất cứ điều gì. Có bận, tôi bắt gặp anh ngồi câm điếc trong buồng tắm cả buổi chiều, ánh mắt vô hồn. Tôi thương chồng và thương chính mình. Thụ đau đớn một tôi đau đớn mười. Tôi là đứa hư hỏng. Tôi biết mình bị hãm hiếp trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng, trước mặt chồng, nhưng tôi lại bồn chồn, mong nhớ, thậm chí khát thèm cảm giác ấy. Tôi đạp quẫy, nội chiến, tâm linh héo rũ. Tôi thay rèm cửa màu đỏ, khăn trải giường màu đỏ, bao gối màu đỏ, cố trang trí căn nhà hao hao giống một trang thờ với nhiều tấm màn đỏ. Thụ không phản ứng gì.
Ðêm này qua đêm khác, khi tấm rèm cửa trong ngôi nhà thành phố bắt đầu phai màu nhức nhối, tôi và Thụ lại ngược tàu về ngôi nhà mang nhiều oan khuất. Trước hôm đi tôi bị lên một chiếc nhọt ở chỗ thật tai hại. Nó nằm gần cái đàn bà ê ẩm, đỏ tấy. Thụ thấy tôi nhăn nhó tỏ vẻ thông cảm, anh bảo tôi nếu đau quá không về cũng được, anh sẽ thưa lại với mẹ. Nhưng tôi đời nào bằng lòng, đời nào để chiếc phản trống trơn mình Thụ đêm dài. Chỗ của tôi là ở đấy. Không hiểu sao tôi thấy mình khoẻ mạnh, háo hức lạ thường. Tôi ngượng ngùng tự thừa nhận với mình nghiện mười sáu đám giỗ, mười một ngôi mộ, tấm phản đen bóng, cả tiếng ho cục thét buồng trong. Tôi phê cảm giác khát cháy, nhào nhoẽ mồ hôi. Chiếc bóng đen đúa làm tôi mê hoặc, xô đẩy tôi trong gầm thét cuộn trào. Thụ đau đáu trước thái độ phấn khích của tôi, dường như anh biết từ trước tôi sẽ phản ứng ra sao. Nhìn mặt anh lạnh lẽo, tôi hiểu. Cẩn thận, Thụ bắt tôi trần truồng dạng chân, chống tay trong phòng tắm, ghé sát cặp kính cận xem xét. Tôi sướng run lên vì cử chỉ thân mật này của chồng. Từ ngày ở quê lên, chưa khi nào anh ân cần đến thế. Tôi thầm cảm ơn chiếc nhọt, biết đâu nhờ nó, tất cả sẽ thay đổi. Ngón tay anh ve vuốt dịu dàng, người tôi mềm nhũn. Nhưng anh dịu dàng lâu quá, dịu dàng tôi không chịu nổi. Tôi muốn anh bóp nát, bục vỡ, tan oà chiếc nhọt. Một lần chồng vợ đã đời để quên hết. Ngón cái của Thụ cứ chờm hỡm trước cánh cửa dang rộng ẩm sâu. Tự nhiên tôi muốn buông một câu chửi thề, chửi thề một lần trong đời. Cánh cửa tự động cài khoá. Sao Thụ không cứ thế mà làm? Cứ thế cắm phập xuống. Cứ thế khoan sâu. Sao cứ chờm hỡm đấy mà dịu với chả dàng? Tôi bật khóc, nghĩ rằng nỗ lực cứu sông, cứu thuyền thế là hết.
Nhưng khi đêm xuống trên tấm phản, tôi nằm sấp, cánh cửa lại mở tanh bành. Sông ngập nước. Tỳ ép mắt mũi xuống mặt phản, tôi không ngờ bóng đen nhanh đến vậy. Không rà rẫm xoa xuê, không hít hà rờ ngửi. Vừa kịp hiện ra sau tấm màn đỏ đã thẳng thừng cắm trên cắm dưới vào lòng sông. Lần đầu tiên tôi không khát nước. Gẫy gập, cắt khúc tôi trong cơn xoáy liệt. Bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man. Thân thể tôi ngầy ngậy, nước tràn miệng. Lần đầu tiên tôi hưởng thú đau đớn mà thoả mãn. Tiếng ho ngừng lặng sau cao trào. Thụ ấm ớ giữa cơn mê lãng nhoẹt nào, trừng trừng mở mắt, bọt mép nhoè môi. Lúc cử động được chân tay tôi thấy mình hẫng nhẹ. Có gì khang khác. Sực nhớ tới mụn nhọt tôi đưa tay xuống dưới. Trời ơi. Xẹp nhép. Khô cong. Không còn mủ vàng, không còn đau tấy. Lao mình ra sân, dưới ánh trăng già tôi gào thét điên dại với hai hàm răng nghiến chặt. Trăng lạnh tanh, vàng võ. Tôi quỵ gục hoàn toàn. Tôi thương tôi và tôi ghét tôi. Tôi đã đồng loã, đã kiễng chân lên rên rỉ rồi sau đấy lại nghĩ mình bị hãm hiếp, lại căm oán bóng đen tổ tiên nhà Thụ. Rồi lại mong chờ, lại hứng háo thèm thuồng. Bóng đen ấy hiểu tôi thích gì, nó tràn lấp dục vọng trong tôi và đẩy Thụ xa cách. Hai bàn tay tôi dưới trăng xanh trắng, bấu chặt, xiết nhau. Tôi hiểu những ám dấu của cơ thể, hiểu mười ngón tay kỳ diệu đang mưu tính điều gì.
Bàn tay da mỏng tanh của tôi bắt đầu động đậy. Bàn tay diệu kỳ không trọng lượng và cũng không chấp nhận, không đồng loã, không thoả hiệp mọi chuyện. Nó muốn tôi thoát khỏi mê man. Những ngón dài trắng xanh đầy kiên quyết tỳ ép ngòi bút trên tờ giấy. Nó thúc bách tôi phải ly hôn với Thụ. Bàn tay ký lên trang giấy, nhưng thân thể tôi ù lỳ không nhúc nhích, không muốn cử động mà ngồi yên vít chắc vào mặt phản, nhất quyết không đi đâu. Thân thể tôi đã u mê trong nhang khói bấy lâu, cưỡng lại bàn tay với tất cả sức lực của nhung nhớ những phập mạnh, đâm sâu. Bàn tay mảnh dẻ cầm bút, bất lực với tự do đã nắm được ở đầu ngón tay nhưng bị trọng lượng thân thể buộc trói.
Rồi máu không còn nhỏ xuống chân tôi nữa. Cơ thể thoả mãn trong im lặng. Cái thai trong bụng tôi, không phải của Thụ, không của bất kỳ người đàn ông nào cứ lớn dần. Thụ thay đổi, xoay sang vỗ về, chăm sóc vợ từng ly từng tý. Anh thường xoa xoa bụng vợ, thường xuyên nhìn lên vách như anh muốn báo cáo với những chiếc bóng đang canh chừng cẩn mật, tiến trình tăng trưởng của đứa bé. Con tôi sẽ tiếp nối truyền thống Trung Quốc, sẽ tiếp tục thờ cúng bóng tối, sẽ tiếp tục banh dạng trên phản cho các liệt sĩ thoả mãn. Nếu là bé trai, con trai tôi sẽ bảo vệ cái bàn thờ, nếu là bé gái, con gái tôi sẽ tiếp tục hiến dâng cho những tấm huân chương. Tôi đã khinh ghét cái thai, đã tính đến chuyện giết nó đi nhưng ý nghĩ chỉ thoáng qua nhanh như một cơn gió độc làm nổi gai khắp cùng châu thân. Tôi thương giọt máu của mình.Tôi thương đứa bé vô tội cũng bất lực như tôi đã bất lực, đã khép mình làm bổn phận sinh nở, di truyền một quyền lực. Mỗi ngày tôi ra ngồi trước sân, đưa bàn tay nhẹ hẫng ra trước mắt, ngắm xem làn da mỏng tanh đang óng ánh dưới nắng, rồi lấy bàn tay ấy vuốt ve đứa trẻ đang quẫy nhè nhẹ, thấy yêu thương vô hạn hòn máu tôi đang mang trong mình, yêu thương tràn lấp tâm hồn đến chẳng nói thành lời. Không biết có người mẹ nào yêu thương bào thai của cha chồng cấy vào bụng như tôi? Không biết có người mẹ nào yêu thương di sản của tăm tối như tôi? Thi thoảng tôi cũng nhìn lên vách, đoán tìm những chiếc bóng mà tôi biết đang rình rập sau bức tường, đã lao xuống mình tôi cướp mất phần trinh trắng tuổi thơ một buổi trưa hè nào và sẽ còn lao xuống cướp nốt thai nhi tôi đang mang. Thi thoảng tôi nói với những oan hồn chuyên hành nghề bòng đè, tôi đã sẵn sàng và con tôi cũng sẵn sàng, chúng tôi sẵn sàng như những người nghèo sẵn sàng bán máu. Chúng tôi không biết chọn lựa vì cơ thể chúng tôi đòi hỏi những nhục cảm mà bóng tối ban phát. Chúng tôi bất lực, chỉ còn những ước mơ mà không chiếc bóng nào có thể tước đoạt. Tôi đưa tay mình ra sáng. Nắng lung linh trên năm ngón dài ngắn thanh tao lạ thường. Chiến tranh, giông gió, bão lũ, hán hạn, tôi có thể chết đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn. Tôi đinh ninh điều ấy. Con tôi sẽ có bàn tay của mẹ. Một bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng tanh nhưng biết níu giữ tự do cho dù bị thân thể buộc trói. Nắng tắt, mà bàn tay vẫn óng ánh diệu kỳ.
ÐỖ HOÀNG DIỆU
Hà-nội, 6-2004