Sunday, October 18, 2009

Samurai ! Những trận không chiến dữ dội _ Chương VII-XI


Chương VII

Vào ngày 2 tháng 12 năm 1941, phó đô đốc Fushizo Tsukahara, tư lệnh hạm đội II, lần đầu tiên gởi các phi công thám thính đến quần đảo Philippine. Ngày 4 và 5, các phi cơ nầy trở lại một lần nữa để chụp hình 2 phi trường Clark và Iba và những nơi đồn trú quan trọng khác của địch quân gần Manila, từ trên độ cao 20.000 bộ. Các không ảnh đã cho chúng tôi nhìn thấy rõ ràng tại phi trường Clark có 32 oanh tạc cơ B.17, 3 phi cơ hạng trung, và 71 phi cơ nhỏ. Theo xét đoán của hải quân, địch quân có khoảng 300 chiến đấu cơ đủ loại ở Lữ Tống. Sau nầy chúng tôi khám phá ra com số phi cơ của địch quân ở Philippine nhiều gấp hai lần con số vừa nói.
Không phải chỉ phi cơ của chúng tôi độc quyền thực hiện các phi vụ thám thính mà thôi. Nhiều phi cơ thám thính loại Catalina PBY của Hoa Kỳ cũng thỉnh thoảng được nhìn thấy trên không phận Đài Loan. Loại thủy phi cơ hai máy nầy xuất hiện vào những ngày mây sà thấp, bay chậm ở độ cao 1500 bộ, nhởn nhơ chụp hình các nơi đồn trú và phi cơ đậu trên mặt đất của chúng tôi. Các phi công Mỹ đã gây kinh ngạc cho chúng tôi. Với những chiếc phi cơ chậm chạp và cũ kỹ, coi rất dễ ăn, vậy mà chúng tôi không tóm được một chiếc PBY nào cả. Mỗi lần có báo động, hàng chục phi công, chúng tôi nhảy xổ lên không, nhưng mấy chiếc PBY Catalina chui vo trong mây dày đặt và biến mất tiêu. Với những không ảnh được chụp ở một độ thấp như vậy, phải nói rằng người Mỹ có trong tay mọi thứ mà họ muốn biết về các đơn vị không quân của chúng tôi.
Khi chúng tôi đến Tainan để gia nhập vào tân hạm đội, chúng tôi trải qua một giai đoạn huấn luyện mới không ngừng nghỉ. Từ bình minh cho đến tối mù, 7 ngày một tuần, bất chấp mọi thời tiết, chúng tôi tham dự vào các chuyến bay huấn luyện để cải tiến các phi vụ hộ tống, các phi vụ với đội hình đông đảo, các phi vụ đột kích v.v…
Kế hoạch tấn công Philippine nguyên thủy của chúng tôi đòi hỏi phải xử dụng 3 hàng không mẫu hạm nhỏ để mang chiến đấu cơ Zero đến gần các hòn đảo của địch. Đó là 3 hàng không mẫu hạm Ryujo 11.700 tấn, Zuiho 13.950 tấn một tàu tiếp tế cho tiềm đỉnh được cải biến, Taiho 20.000 tấn một tàu buôn cải biến. Về mặt lý thuyết 3 hàng không mẫu hạm nầy có khả năng chở đến 90 chiến đấu cơ, nhưng khả năng thực sự chỉ khoảng 50 phi cơ và con số nầy còn phải giảm xuống vào những ngày giông gió.
Phó đô đốc Tsukahara nhận thấy ba chiếc tàu nầy hầu như không đáp ứng các dự định của ông. Tuy nhiên, nếu chiến đấu cơ Zero có thể bay thẳng từ Đài Loan đến Philippine và trở về không ngừng nghỉ, bấy giờ chúng tôi sẽ không cần đến các hàng không mẫu hạm. Nhưng các vị phụ tá của Tsukahara không tin một chiến đấu cơ một máy có thể thực hiện nỗi nhiệm vụ có tầm xa như vậy. Phi trường Clark cách căn cứ chúng tôi 450 dặm, và phi trường Nichols, một mục tiêu quan trọng khác gần Manila, cách 500 dặm. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải bay suốt từ 1000 đến 1200 dặm. Từ trước đến nay chưa có chiến đấu cơ nào thực hiện được những phi vụ chiến đấu như vậy bao giờ. Những cuộc thảo luận ồn ào xảy ra giữa bộ tham mưu không quân xem chiến đấu cơ Zero có khả năng thi hành nhiệm vụ nầy hay không. Chỉ có một đường lối duy nhứt để xác định vấn đề nầy.
Từ đó trở về sau, chúng tôi bay ngày lẫn đêm để đo lường tầm hoạt động của chiến đấu cơ Zero. Nếu thực hiện các phi vụ đơn độc, loại chiến đấu cơ Zero có thể duy trì trên không tối đa 6 đến 7 giờ. Chúng tôi kéo dài thời gian nầy ra từ 10 đến 12 giờ, và thực hiện trong đội hình đông đảo. Riêng tôi đã lập được thành tích trong việc hạ thấp mức tiêu thụ xăng xuống không quá 17 galong (khoảng 68 lít) một giờ, trung bình, các phi công chúng tôi chúng tôi giảm mức tiêu thụ xăng từ 35 galong(khoảng 140 lít) xuống còn 18 galong (khoảng 72 lít). Thông thường, một chiếc Zero mang theo được 182 galong xăng. Để duy trì xăng, ở cao độ 12.000 bộ chúng tôi chỉ bay với tốc lực khoảng 200 cây số giờ. Tốc lực đầy đủ bình thường của một chiếc Zero khoảng 500 cây số, và dưới tình trạng khẩn cấp ngắn ngủi có thể lên đến tối đa khoảng 650 cây số. Nhiều phương pháp tiết kiệm nhiên liệu có tánh cách kỹ thuật khác cũng được thực hiện.
Các phương pháp mới nầy đã nới rộng tầm hoạt động của chiến đấu cơ Zero một cách đáng chú ý. Các vị chỉ huy đã báo cáo những tin tức đầy phấn khởi lên Phó Đô Đốc Tsukahara, và dẫn đến việc xoá bỏ 3 hàng không mẫu hạm nhỏ trong kế hoạch tấn công Philippine của ông. Hai chiếc được đưa về Nhật Bản và một chiếc di chuyển đến yểm trợ cho các cuộc hành quân của chúng tôi ở Palau. Do đó, không hạm đội II trở thành một không hạm đội không có một tàu chiến nào cả.
Chúng tôi tò mò tìm hiểu sự chống đối mà chúng tôi sẽ gặp từ người phía người Mỹ. Chúng tôi hiểu biết rất ít về các loại phi cơ và tài ba của phi công Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ phỏng đoán sẽ đối đầu với những phi công địch có nhiều khả năng hơn những phi công mà chúng tôi đã đối đầu ở Trung Hoa.
Không ai tỏ vẻ nghi ngờ về sự khôn ngoan trong việc phát động chiến tranh của Nhật Bản. Chúng tôi, tất cả hạ sỹ quan chúng tôi, đã được huấn luyện để chỉ biết nhắm mắt tuân lịnh. Khi được lịnh bay và đánh, chúng tôi cứ cắm cúi thi hành.
Lúc hai giờ sáng ngày 8 tháng 12 năm 1941, một liên lạc viên chạy vô chổ trú ngụ của chúng tôi ở Tainan, đánh thức nhóm phi công chúng tôi dậy. Đã đến rôi, ngày N, đó là ngày khai chiến theo như chúng tôi biết. Các phi công ngồi dậy lặng lẽ mặc quần áo và từng tốp nhỏ bước ra ngoài. Đêm trong lành, không trăng, với những vì sao chiếu lấp lánh khắp chân trời. Yên tĩnh của đêm bị phá vỡ bởi tiếng giày trận của chúng tôi khua vang trên nền đá và tiếng nói thì thào của các phi công lúc bước ra phi đạo. Đại úy Masahisa Saito, chỉ huy trưởng của chúng tôi, cho biết chúng tôi sẽ cất cánh lúc 4 giờ và ông thuyết trình về những chi tiết liên quan đến phi vụ tấn công vào các phi trường Mỹ ở Philippine. Sau đó chúng tôi chờ đợi. Binh sỹ chạy việc mang điểm tâm đến tận chổ chúng tôi ngồi bên cạnh phi cơ nằm sẵn trên phi đạo.
Khoảng 3 giờ sáng, sương mù bắt đầu sà thấp xuống phi trường, một hiện tượng hiếm thấy trong khu vực bán nhiệt đới. Vào lúc 4 giờ, sương mù trở nên dày đặt. Không thể nào nhìn thấy hơn năm thước. Chiếc loa trên đài kiểm soát vang tiếng: “ Cất cánh được hoản vô hạn định.” Nổi bồn chồn của chúng tôi càng lúc càng gia tăng khi màn đêm loãng dần. Chúng tôi luôn luôn nhìn đồng hồ, chửi rủa sương mù thậm tệ. Ba tiếng đồng hồ trôi qua trong tình trạng nầy, và sương mù đã không tan mà còn dày đặt hơn.
Bỗng nhiên loa phóng thanh lại lên tiếng: “ Chú ý đây là một công bố quan trọng!.” Các phi công chăm chú lắng nghe. “Vào lúc 6 giờ sáng nay, một lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản đã thành công khi tung ra cuộc tấn công hủy diệt bất thần các lực lượng Mỹ trên quần đảo Hạ Uy Di (Hawaii).”
Tiếng hò reo dữ dội nổi lên trong màn đêm. Các phi công nhảy múa và vổ lưng nhau. Nhưng nỗi vui mừng không được trọn vẹn. Đa số bọn phi công chúng tôi đều chửi thề khi bị đóng đinh trên mặt đất trong khi những phi công Nhật Bản khác đang nghiền nát kẻ thù.
Cuộc tấn công vừa được công bổ làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều. Người Mỹ hiện thời đã đề cao cảnh giác, khó thể tin rằng họ không gom góp hết sức mạnh để chờ đợi chúng tôi ở Philippine. Căng thẳng gia tăng khi buổi sáng ló dạng. Sương mù đã phá các kế hoạch của chúng tôi, nó sẽ cho phép người Mỹ tung phi cơ họ từ Lữ Tống về để vồ số phi cơ hiện còn nằm trên mặt đất của chúng tôi ngay khi sương mù vừa tan. Chúng tôi chuẩn bị chống trả. Các xạ thủ đại liên ghìm súng, và mọi người vểnh tai nghe tiếng oanh tạc cơ địch bay đến.
Lạ lùng thay, cuộc tấn công không xảy ra! Lúc 9 giờ sáng, sương mù bắt đầu tan, và âm thanh phấn khởi từ chiếc loa phóng thanh báo cho chúng tôi biết sẽ cất cánh trong vòng 1 giờ nữa. Tất cả những phi công chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đều leo lên phi cơ của mình mà không đợi nhận lịnh thêm.
Đúng 10 giờ, đèn báo hiệu lấp loáng xuyên qua màn sương mù mong manh. Hết chiếc oanh tạc cơ nầy đến chiếc oanh tạc cơ khác lần lượt cất cánh. Một, hai, ba, rồi sáu chiếc đã ở trên không trung. Chiếc thứ bảy đang chạy trên phi đạo và khi cách điểm khởi hành khoảng 500 thước bỗng nhiên bộ phận hạ cánh bên phải sụm xuống. Với một tiếng rít kéo dài khủng khiếp, chiếc phi cơ trườn bụng bên phải trên mặt sân bay, lửa bao phủ toàn thân. Trong ánh lửa chập chờn, chúng tôi nhìn thấy phi hành đoàn nhảy ra, chạy cuống cuồng khỏi chiếc phi cơ. Kế đó, một tiếng nổ dữ dội phát ra rung rinh cả phi trường. Bom chất trên phi cơ nổ tung. Không một người nào trong phi hành đoàn sống sót.
Những mảnh vụn được dọn dẹp hối hả. Không đầy 15 phút, oanh tạc cơ kế đó được lịnh chuẩn bị cất cánh. Đến 10 giờ 45 phút, tất cả phi cơ đều ở trên không: 53 oanh tạc cơ và 45 chiến đấu cơ Zero. Chiến đấu cơ chia làm 2 nhóm, một nhóm hộ tống các oanh tạc cơ, một nhóm bay phía trước để nghinh chiến. Tôi chắc chắn, sau khi cuộc tấn công trì hoãn quá lâu, kẻ thù đang chờ đợi chúng tôi với tất cả sức mạnh của họ. Tôi bay trong đợt thứ năm và đội hình chúng tôi nâng cao lên 19.000 bộ.
Ngay khi vượt qua mũi Cực Nam của đảo Đài Loan, tôi nhìn thấy 9 oanh tạc cơ bay thẳng về phía hòn đảo. Hiển nhiên, chúng đang trên đường tấn công phi trường của chúng tôi. Chín phi công, trong đó có tôi, trước khi cất cánh đã được chỉ thị chống trả bất kì phi cơ nào của địch quân phát hiện trên không trình đến Lữ Tống, trong khi các phi công khác cứ tiếp tục bay như kế hoạch đã định. Chúng tôi tách khỏi đội hình chính và bổ nhào xuống các oanh tạc cơ địch. Trong hai giây, tôi đã nằm trong vị trí khai hoả, và tiến sát vào nhằm tỉa chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu. Sắp sửa ấn cò súng, tôi nhận ra đây là các oanh tạc cơ của Lục Quân Nhật Bản ! Tôi lắc cánh để báo hiệu cho các chiến đấu cơ khác. Tôi chửi thề. Không một vị nào ở bộ Tư lệnh Lục Quân trong khu vực thèm để ý đến việc phối hợp với các phi vụ của hải quân. Bọn ngu đần ngồi trong mấy chiếc oanh tạc cơ nầy đang thực hiện một phi vụ huấn luyện thường lệ.
Chúng tôi kết hợp vào đội hình lúc bay qua quần đảo Batan, nằm giữa đường Đài Loan và Lữ Tống. Quần đảo nầy do quân nhảy dù Nhật vừa chiếm đóng, nhằm để đón nhận một phi cơ nào đó của chúng tôi bắt buộc phải đáp xuống trên đường từ Philippine trở về. Và rồi quần đảo Philippine hiện ra trong tầm mắt, một màu xanh xậm nổi bật giữa màu xanh lơ của đại dương. Bờ biển trãi dài phía dưới chúng tôi, ngoạn mục và hiền hoà. Không một chiếc phi cơ địch nào xuất hiện trên bầu trời. Bấy giờ chúng tôi bỏ Hải Nam lại sau lưng, và vào lúc 1 giờ 35, chúng tôi trực chỉ phi trường Clark.
Quang cảnh trước mắt không thể nào tin nổi. Thay vì đụng đầu với một bầy chiến đấu cơ đông như ruồi, bu lấy chúng tôi, chúng tôi nhìn xuống và thấy khoảng 60 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ địch đang nằm xếp hàng ngay dọc theo phi đạo như một đàn vịt. Chúng tôi khó có thể hiểu được thái độ của đối phương. Trân Châu Cảng vừa bị tấn công cách đây năm giờ, chắc chắn họ đã nhận được tin tức và lẽ ra họ phải đề phòng một cuộc tấn công khác nhằm vào phi trường nầy.
Chúng tôi vẫn không tin rằng người Mỹ không tung chiến đấu cơ lên để chờ đón chúng tôi. Cuối cùng, sau nhiều lần đảo quanh phi trường, tôi phát hiện 5 chiến đấu cơ địch đang bay trên cao độ khoảng 15.000 bộ phía trên chúng tôi khoảng 7.000 bộ. Tức khắc, chúng tôi nhả thùng xăng phụ và chuẩn bị hoả lực.
Tuy nhiên, phi công địch từ chối tấn công và vẫn giữ độ cao như cũ. Thật lạ lùng. 5 chiến đấu cơ Mỹ bay vòng quanh trên cao độ 15.000 bộ trong lúc chúng tôi bay vòng quanh phía dưới. Chúng tôi vẫn chưa được lệnh tấn công vì phải chờ các oanh tạc cơ của chúng tôi đến.
Lúc 1 giờ 45, từ phía Bắc, 27 oanh tạc cơ cùng các chiến đấu cơ Zero hộ tống lướt thẳng đến mục tiêu dội bom. Cuộc oanh tạc hoàn hảo. Dây bom rời khỏi bụng phi cơ, trãi lên mục tiêu thật chính xác, sự chính xác mà tôi chưa từng thấy trong suốt cuộc chiến. Cả căn cứ không quân địch như bật tung với những tiếng nổ. Mảnh của phi cơ, nhà chứa phi cơ và các cơ sở khác bay tứ phía. Những cột lửa và khói vĩ đại cuồn cuộn bốc lên.
Nhiệm vụ hoàn tất, các oanh tạc cơ đảo cánh và bắt đầu bay trở về. Chúng tôi bay theo để hộ tống khoảng mười phút rồi quay lại phi trường Clark đang bao trùm trong khói lửa. Chúng tôi bay vòng ở độ cao 13.000 bộ, vẫn không gặp sự chống đối nào, và nhận được lịnh xạ kích. Với hai đồng đội ở hai bên, tôi chúi thẳng xuống mặt đất, mục tiêu được chọn là hai oanh tạc cơ B.17 còn nguyên vẹn trên sân bay. Tất cả 3 chiến đấu cơ cùng khai hoả vào hai chiếc phi cơ khổng lồ, sà sát mặt đất và lướt thẳng lên.
Năm chiến đấu cơ địch nhảy xổ vào chúng tôi. Đó là loại P.40 mà tôi chưa từng đụng độ bao giờ. Tôi cho phi cơ rớt theo hình trôn ốc rồi vượt lên thình lình, thoát khỏi tay kẻ thù. 5 phi cơ địch phân tán tức khắc. 4 chiếc chui vào các cột khói đen bốc lên từ mặt đất và biến mất.
Chiếc thứ năm rơi theo hình trôn ốc về phía trái, một lỗi lầm. Nếu bay theo đồng bọn, nó đã có thể thoát thân an toàn. Lập tức, tôi vung ngang và lướt thẳng lên chiếc P.40 từ phía dưới. Phi cơ địch lấy thăng bằng và bắt đầu vượt lên cao, bụng nó phơi bày trước mắt tôi, cách 200 thước. Một loạt đạn đại liên và đại bác xuyên qua buồng lái, thổi bay mái che của chiếc phi cơ. Nó lảo đảo trong không khí, rồi rơi xuống và đâm đầu xuống đất. Đó là nạn nhận thứ ba của tôi và cũng là phi cơ Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn rơi ở Philippine.
Sau đó, tôi khụng đụng đầu một đối thủ nào nữa, nhưng tôi nhìn thấy những đồng đội khác đang quần thảo với một nhóm phi cơ địch. Gần nữa đêm hôm đó, chúng tôi trở lại Tainan với báo cáo: 9 phi cơ địch bị bắn rơi, 35 chiếc bị hủy diệt trên mặt đất. Súng cao xạ của phi trường Clark hạ một chiếc Zero và 4 chiếc khác rơi trên đường về căn cứ, nhưng không một chiếc nào bị hạ trong không chiến. Chương VIII
Ngày thứ hai của cuộc chiến, ngày 9 tháng 12 năm 1941, chúng tôi phải đương đầu với những trận đánh tồi tệ nhứt, những trận mưa bão. Chúng đã gây thiệt hại trầm trọng cho các đơn vị không quân của chúng tôi.
Ngày thứ ba của cuộc chiến, một ngày tôi không bao giờ quên. Đó là ngày tôi bắn rơi oanh tạc cơ B.17 đầu tiên, và cũng là pháo đài bay đầu tiên của Mỹ mất trong khi chiến đấu. Sau chiến tranh, tôi biết được viên phi công của chiếc oanh tạc cơ nầy là đại úy Colin P. Kelly Jr, một vị anh hùng không quân Hoa Kỳ.
Vào ngày hôm đó, chúng tôi bay bao che cho một đoàn công voa Nhựt chuyển quân đổ bộlên Vigan, bao gồm một tuần dương hạm hạng nhẹ 4.000 tấn và 6 khu trục hạm hộ tống 4 chuyển vận hạm (Sau nầy chúng tôi được biết người Mỹ lại sai lầm khi cho rằng đoàn công voa nầy bao gồm thiết giáp hạm Haruna 29.000 tấn, 6 tuần dương hạm, 10 khu trục hạm và 15 đến 20 chuyển vận hạm).
Trong khi bay bao che ở cao độ 18.000 bộ, tôi nhận thấy có 3 tia nước bắn lên gần đoàn công voa. Thật ra đây là 3 cột nước do 3 trái bom gây ra, nhưng vì bay quá cao nên chúng tôi không nhìn thấy rõ. (không chiếc tàu nào bị trúng bom, nhưng theo người Mỹ thì chiếc thiết giáp hạm “tưởng tượng” bị trúng bom trực tiếp, và chìm lĩm, chỉ còn thấy khói và dầu trên mặt nước.).
Mặc dù được các chiến đấu cơ chúng tôi bao che kỷ lưỡng như vậy, đối phương vẫn tấn công được. Điều nầy khiến tất cả chúng tôi đều bực tức. Ngay cả bóng dáng oanh tạc cơ địch, chúng tôi vẫn không nhìn thấy. Một vài giây sau khi nhìn ngang liếc dọc, tôi thấy một chiếc B.17 lẻ loi, bay cách 6.000 bộ phía trên chúng tôi, trực chỉ về hướng Nam. Tôi báo động cho các phi công bạn biết và đảo mắt tìm kiếm phi cơ khác của địch, vì chúng tôi chưa từng nghe nói một oanh tạc cơ lâm trận mà không có chiến đấu cơ hộ tống bao giờ. Nhưng không ngờ việc nầy thật sự xảy ra. Chiếc B.17 nầy đã thực hiện phi vụ tấn công đơn độc. Chắc chắn viên phi công có thừa can đảm.
Chiến đấu cơ dẫn đầu của chúng tôi báo hiệu truy đuổi, chỉ để lại ba chiếc phía sau bao che cho đoàn tàu chuyển vận. Chớp mắt, chúng tôi đuổi kịp chiếc B.17 và còn cách phi trường Clark khoảng 50 dặm, chúng tôi dàn đội hình khai hoả. Ngay lúc đó, 3 chiếc Zero khác đột nhiên xuất hiện và lướt ngang đường bay của chiếc B.17. Đây là 3 chiến đấu cơ của phi đoàn Kaohsiung tham dự cuộc tấn công phi trường Nichols vào sáng sớm nầy. Cả 3 cùng khai hoả, nhưng chiếc oanh tạc cơ vẫn lướt đi an toàn.
Bảy chiến đấu cơ chúng tôi nhập với 3 chiến đấu cơ ở phi đoàn Kaohsiung. Mười chiến đấu cơ khó có thể tạo ra một cuộc tấn công nhịp nhàng vào một oanh tạc cơ. Để tránh né hoặc bắn lầm lẫn nhau, thay vì tấn công một lượt, chúng tôi bay thành hàng dọc chiếc nầy khai hoả rồi vung ra ngoài để nhường cho chiếc kế tiếp. Chúng tôi sửng sốt, vì không một viên đạn đại liên hoặc đại bác nào trúng chiếc oanh tạc cơ.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi chạm mặt với một chiếc B.17, và kích thước bất thường cũng như tốc độ mau lẹ lạ lùng của nó làm cho chúng tôi ước lượng tầm súng sai lầm. May mắn, xạ thủ địch cũng tệ không thua chúng tôi.
Sau đó, tôi nhận thấy chúng tôi đang ở trên phi trường Clark. Chắc chắn viên phi công B.17 đã gọi chiến đấu cơ Mỹ giúp đỡ. Chúng tôi phải ra tay nhanh chóng. Tôi quyết định đánh cận tập từ phía sau. Tôi lướt đến trong khi các họng súng của chiếc oanh tạc cơ rực lửa nhưng không trúng tôi. Tôi lướt thêm nữa và khai hoả. Những mảnh kim khí bay tung ra từ cánh phải của chiếc B.17. Tôi lãng ra và chiếc Zero từ phía sau tôi xông tới, rót thêm một loạt đạn vô đối thủ. Tuy nhiên khi chiếc Zero khác nối đuôi theo, phi cơ địch chúi mũi cố đáp xuống phi trường Clark với đôi cánh đã lệch hẳn. Tôi chúi theo sau chiếc pháo đài bay què quặt, giữ khoảng cách nhiều trăm thước, và chụp hình với chiếc máy ảnh Leica. Lúc cách mặt đất khoảng 7.000 bộ, 3 người nhảy dù ra khỏi phi cơ, và chiếc B.17 biến mất vào một đám mây. Sau đó, chúng tôi nghe người Mỹ loan tin các phi công chiến đấu cơ chúng tôi đã bắn hạ mấy người nhảy dù ra khỏi máy bay của họ. Tin nầy chỉ có tánh cách tuyên truyền. Tôi là phi công duy nhứt bay gần chiếc oanh tạc cơ lúc đó và tôi không hề bắn ra một viên đạn nào cả. Vật duy nhứt mà tôi bắm là chiếc máy chụp hình Leica của tôi. Không một phi công Nhựt nào khác nhìn thấy chiếc B.17 rơi, vì vậy “chiến công” bị phủ nhận vào thời gian đó.
Xế trưa hôm đó, trở về Đài Loan, chúng tôi nhận thấy cánh của 2 chiến đấu cơ Zero đầy vết đạn đại liên do các xạ thủ chiếc B.17 gây ra. Và mười ba năm sau nầy, tôi có dịp gặp đại tá không quân Hoa Kỳ Frank Kurtz ở Đông Kinh, ông ta đã nói với tôi:
“ Ngày Colin bị bắn rơi, tôi đang ở trên đài kiểm soát của phi trường Clark. Tôi nhìn thấy phi cơ của ông ta bay đến và anh đang bay bên phải, phía trên, trong lúc ông ta cố đáp xuống. Ba chiếc dù rơi xuyên qua mây mù, tôi thấy hình như ở cao độ 2.500 bộ. Rồi năm cây dù nữa bung ra. Colin, dĩ nhiên, không rời khỏi phi cơ.” Chúng tôi tiếp tục các phi xuất thường lệ từ Đài Loan đến Philippine trong mười ngày kế tiếp và sau đó nhận lịnh thuyên chuyển đến căn cứ không quân Jolo ở quần đảo Sulu, nằm giữa Mindano và Borneo, cách phi trường Tainan 1.200 dặm đường bay. Ngày 30 tháng 12, tôi cất cánh vào lúc 9 giờ sáng với 26 chiến đấu cơ Zero khác, bay không ngưng nghỉ đến nhiệm sở mới. Nơi đây mạng lịnh đang chờ sẵn chúng tôi, và chúng tôi thực hiện một phi vụ 270 dặm xa hơn về phía Nam đến Tarakan, nằm cuối bờ biển phía Đông Borneo. Phi vụ không xảy ra điều gì quan trọng, chúng tôi không gặp một phi cơ địch nào. Phản công của đối phương đối với các đơn vị chúng tôi được tung ra lần đầu tiên vào tháng Giêng. Gần nửa đêm, một oanh tạc cơ B.17 đơn độc bất ngờ oanh tạc Tarakan. Một dây bom rơi xuống những doanh trại của công binh kiến tạo tại đây, sát hại hơn 100 người cùng gây bị thương cho nhiều người khác, và nhiều toà nhà sụp đỗ.
Không một chiếc Zero nào có thể cất cánh kịp thời, bởi vì phi trường Tarakan là một trong những phi trường xấu nhứt của quần đảo Đông Indies. Ngay cả những hoạt động ban ngày, chúng tôi phải cất cánh và đáp xuống trên phi đạo ngập bùn. Trong thời gian chúng tôi đến đây, hai chiếc Zero đã bị thiệt hại do phi đạo gây ra.
Bị oanh tạc chỉ huy trưởng căn cứ phẫn nộ, ra lịnh cho tôi và trung sỹ Kuniyoshi Tanaka cất cánh để bay tuần tiểu trên phi trường. Tanaka từng bắn hạ 12 phi cơ địch ở Trung Hoa, và 8 chiếc khác trong cuộc chiến Thái Bình Dương.
Bay đêm rất nguy hiểm và khó khăn, vì trong thời gian đó chiến đấu cơ Zero chưa được trang bị dụng cụ bay đêm, cả tôi lẫn Tanaka không biết phải làm gì nếu bị oanh tạc cơ địch tấn công trước. May cho chúng tôi, và cho căn cứ, chúng tôi không bị phá rầy trở lại.
Vào ngày 21 tháng 1, một trong những đoàn công voa của chúng tôi rời hải cảng Tarakan mang quân đổ bộ đến Balikpapan ở Borneo. Bộ Chỉ Huy Tối Cao ra lịnh cho nhóm chúng tôi cung cấp không yểm, nhưng chúng tôi chỉ có thể thực hiện một cuộc tuần thám trên đoàn công voa mà thôi.
Thay vì được cung cấp một số lượng chiến đấu cơ to tát theo nhu cầu xử dụng của chúng tôi, vào những tháng đầu năm 1942, chúng tôi chỉ có trong tay không hơn 70 chiến đấu cơ Zero cho toàn thể khu vực Đông Indies rộng lớn. Và các chiến đấu cơ lại còn bão trì, sửa chữa sau 150 giờ bay do đó chỉ còn trung bình 30 chiến đấu cơ khả dụng.
Giữa tháng Giêng, oanh tạc cơ B.17 bắt đầu được đưa đến căn cứ Malang của đối phương ở Java, và tung ra các cuộc tấn công sơ khởi nhắm vào lực lượng trên bộ của chúng tôi ở Philippine và Đông Indies. Loại phi cơ nầy làm bộ binh điêu đứng, nhưng vì con số ít ỏi nên không thể ngăn nổi các cuộc hành quân của chúng tôi.
Vào mùa xuân năm 1942, những oanh tạc cơ B.17 mới với các pháo tháp phía sau đuôi, xuất hiện trên chiến trường. Chúng tôi sớm tìm ra yếu điểm của loại phi cơ nầy để tấn công.
Chiều ngày 24 tháng Giêng, Tanaka trở về phi trường với hai đồng đội sau một cuộc tuần thám ở Kalikpapan. Cả ba phi công đều kiệt sức, tuy không ai bị thương. Tanaka báo cáo đã đụng độ với 8 pháo đài bay B.17 vào buổi sáng và cuộc tấn công của hắn không có kết quả. Tanaka cho biết có nhìn thấy đạn đại liên và đại bác của hắn trúng vào thân phi cơ địch rõ ràng, nhưng chiếc oanh tạc cơ không rơi. Hắn có vẻ chán nán: “ Mấy chiếc oanh tạc cơ khốn nạn nầy thật khó ăn khi chúng bay trong đội hình phòng vệ.”
Tanaka tiếp tục kể việc hắn đã tấn công khiến cho các oanh tạc cơ địch thả bom không chính xác xuống đoàn công voa phía dưới ra sao. Chỉ có một chiếc tàu dầu khổng lồ trúng bom và, khi hắn rời Balikpapan để quay về, lửa vẫn còn bốc cháy dữ dội.
Ngày hôm sau, tôi lại thực hiện cuộc tuần thám ở Balikpapan với một phi cơ khác do trung sỹ Sadao Uehara lái. Cả 2 chiếc Zero của chúng tôi là tất cả những gì còn lại mà căn cứ có thể tung ra giúp đoàn công voa, các chiến đấu cơ khác đều được cắt đặt vào nhiệm vụ riêng. Biết được Tanaka chạm địch ở cao độ 20.000 bộ, chúng tôi bay cao hơn hắn 2.000 bộ. Về phía dưới, chiếc tàu dầu trúng bom ngày hôm trước vẫn còn bốc cháy như một cây đuốc.
Khoảng 10 giờ, nhiều chấm đen nhỏ xuất hiện trên nền trời, tiến đến Java. Các chấm đen lớn mau dần cho đến khi hai nhóm phi cơ, mỗi nhóm 4 chiếc hiện ra rõ ràng. Các pháo đài bay, bay sát cánh nhau, giống như Tanaka đã mô tả ngày hôm qua. Nhóm phi cơ sau bay cao hơn nhóm dẫn đầu, và khi chúng tôi lướt đến, nhóm thứ hai bay sát vào nhau hơn, lập thành một “cái hộp phòng vệ”.
Tám chiếc B.17 bay ngang phía dưới tôi nửa dặm. Tôi lộn lại, với Uehara theo sát bên một cánh, và chúi xuống tấn công. Địch quân vẫn còn nằm ngoài tầm súng của tôi, nhưng tôi cũng quất một quả đại bác khi lướt qua. Tôi nhìn thấy những trái bom từ bụng oanh tạc cơ rơi xuống đoàn công voa phía dưới. Tôi lộn nhào nhiều vòng, lướt thẳng lên, và nhìn thấy những cột nước tung cao. Không trái bom nào trúng mục tiêu. Bầu trời trong sáng. Tôi quày phi cơ lại, cách 500 thước phía trên nhóm oanh tạc cơ bay phía sau, và chúi xuống hết tốc lực trong khi mọi loại súng đều khai hoả. Vô hiệu. Quanh tôi hầu như không nơi nào là không có bóng dáng phi cơ địch. Tôi chúi xuống trót lọt và bắt đầu vượt lên để chúi xuống tấn công nữa.
Chúi xuống, lộn nhiều vòng, tập trung hoả lực vào một oanh tạc cơ. Lần nầy tôi đã túm được đối thủ. Tôi thấy những viên đạn bùng nổ, những đốm đỏ và đen túa dọc theo thân phi cơ. Chắc chắn nó sẽ rớt ngay lập tức. Nhưng không có gì xảy ra. Không có lửa, không có khói… chiếc B.17 vẫn tiếp tục bay trong đội hình.
Tôi đảo vòng vượt lên và lộn lại tấn công hiệp thứ ba. Lần nầy tôi nhắm vào chiếc oanh tạc cơ trúng đạn của tôi trước đó. Tôi nhìn thấy những viên đạn bùng nổ và những mảnh kim khí túa ra từ cánh và thân phi cơ địch. Tôi lướt ngang qua, bung ra một vòng thật rộng, quày trở lại và vượt lên cao.
Chiếc B.17 vẫn còn trong đội hình. Không lửa, không khói. Mỗi lần tôi chúi xuống tấn công, mọi khẩu súng của địch thủ đều khai hoả dữ dội, nhưng cũng may đội hình chặt chẽ đã giới hạn hoả lực rất nhiều. Chiếc Zero của tôi nguyên vẹn. Tôi lại tấn công thêm hai lần nữa với sự hổ trợ của Uehara, và mỗi lần chúng tôi đều nhìn thấy đạn đại liên và đại bác nện vào thân phi cơ địch, nhưng không thấm tháp gì hết. Chúng tôi vừa hoàn tất đợt tấn công thứ sáu, tám oanh tạc cơ tẻ ra làm hai, một đảo qua trái, một đảo qua phải. Tôi gia tăng hết tốc lực đuổi theo nhóm có chiếc B.17 bị hư hại và rơi hẳn lại phía sau ba chiếc kia. Với tốc lực tối đa, tôi lướt đến trong khoảng 50 thước, và bóp mạnh cò súng xuống. Bao nhiêu đạn đại bác và đại liên cuối cùng tôi đều rót hết vào đối thủ què quặt. Một bụm khói đen bốc lên, chiếc oanh tạc cơ chúi mũi xuống và biến mất trong đám mây phía dưới.
Trở về Tarakan, tôi báo cáo chi tiết phi vụ cho thượng cấp của tôi là Trung úy Singo. Các phi công khác bu quanh để nghe tôi kể lại quang cảnh của trận đụng độ và tất cả đều cho rằng tôi trở về được là một phép lạ, sau khi phải đối đầu với hoả lực tập trung của 8 pháo đài bay. Nhân viên dưới mặt đất chỉ tìm thấy ba lổ đạn gần đầu cánh chiếc chiến đấu cơ của tôi. Hai ngày sau, một phi cơ thám thính Nhựt báo cáo có một chiếc B.17 đã vỡ tan khi cố đáp xuống một hòn đảo nhỏ nằm Balikpapan và Surabaya .
Chương IX
Nhiều năm sau chiến tranh, tôi có đọc quyển “Lịch sử những cuộc hành quân của hải quân trong thời Đệ Nhị Thế Chiến” của đề đốc Samuel Eliot Morison. Morison chứng tỏ là một sử gia có tài và việc làm của ông đã cung cấp một sử liệu đồ sộ. Tuy nhiên, đáng tiếc là có một đoạn lịch sử đặt biệt liên quan đến cuộc chiến trong sách nầy ít dựa vào căn bản của sự thật. Tôi muốn nói đến mặt trận quần đảo Đông Indies thuộc Hoà Lan, mặt trận đã mang đến chiến thắng cho chúng tôi, nhứt là việc đánh chiếm pháo đài quan trọng Java. Theo quan điểm của Đề đốc Morison, sự chiến thắng của chúng tôi ở mặt trận nầy là “do núp lén và sức mạnh, hơn là do sự khéo léo”. Một điều đáng lưu ý trong cuộc chiến bại của các hạm đội Đồng Minh và Hoà Lan vào tháng Hai năm 1942, là không chỉ một Morison mà còn nhiều sử gia tăm tiếng của Hoa Kỳ đều bỏ qua, không đề cập tới các chi tiết của trận không chiến lớn nhất mặt trận Thái Bình Dương trong tài liệu của họ.
Qua vai trò một hạ sỹ quan phi công, dù đã tham dự trực tiếp vào trận đánh đó, cái nhìn của tôi dĩ nhiên sẽ có nhiều giới hạn hơn cái nhìn của những sử gia “ôm đồm” cả một cuộc chiến rộng lớn trong tay. Tuy nhiên, sự góp phần cá nhân của tôi về mặt trận tháng Hai nầy có thể giúp soi sáng sự tìm hiểu những chi tiết liên quan đến cuộc chiến Thái Bình Dương.
Mặt trận Java kết thúc hẳn vào ngày 26 tháng hai với sự chiến bại của các lực lượng trên biển của Đồng Minh trong khu vực. Yếu tố quan trọng gây ra cuộc chiến bại nầy là các chiến hạm của Đồng Minh thiếu sự bao che về mặt trên không, vì trước đó, vào ngày 15 tháng hai, các đơn vị không quân của họ đều bị tiêu diệt trong một cuộc không chiến dữ dội và lớn nhất ở Surabaya, với tổng số gần 80 chiến đấu cơ của cả hai phía tham dự. Nhưng không có bài tường thuật nào của người Mỹ về cuộc chiến, mà tôi đã từng đọc qua, đề cập đến trận không chiến nầy.
Vào ngày 4 tháng Hai năm 1942, tôi bay đến phi trường Balikpapan với nhiều phi công Zero khác. Ngày hôm đó, tôi thực hiện các phi vụ tuần tiễu trong khu vực. Nhiệm vụ khó khăn, vì hoạt động không quân địch đã gia tăng mạnh mẽ.
Tuần lể kế đó, các phi cơ thám thính của chúng tôi báo cáo rằng địch quân đã tập trung trong trong khu vực Surabaya một số lượng chiến đấu cơ từ 50 đến 60 chiếc, loại Curtiss P.36 Mohawk, Curtiss P.40 Tomahawk và Brewster F.2A Buffalo, nhằm chống lại cuộc đổ bộ Java của chúng tôi.
Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhựt ra lệnh cho tất cả các chiến đấu cơ khả dụng, đóng tại các căn cứ trên đất liền nằm trong khu vực mặt trận, tập trung về Balikpapan vừa mới chiếm giữ. Vào buổi sáng ngày 19 tháng Hai năm 1942, 23 chiến đấu cơ Zero thuộc các đơn vị không quân ở Kaohsiung và Tainan đều cất cánh và qui tụ về Surabaya.
Đây là cơ hội đầu tiên, theo chúng tôi đoán biết, chúng tôi sẽ được đối đầu với các loại chiến đấu cơ mạnh mẽ của địch quân. Khi bay vô không phận Surabaya vào lúc 11 giờ 30, ở cao độ 16.000 bộ, chúng tôi đụng đầu với khoảng 50 chiến đấu cơ Đồng Minh, đang bay ở cao độ 10.000 bộ và xoay vòng trên thành phố, ngược chiều kim đồng hồ, theo đội hình hàng dọc. Như vậy, lực lượng đối phương nhiều hơn gấp đôi chúng tôi.
Chúng tôi thả bình xăng phụ và vượt xuống, ngang hàng với các địch thủ. Các chiến đấu cơ Đồng Minh phá vỡ đội hình vòng tròn và gia tăng hết tốc lực hướng về phía chúng tôi. Họ sẵn sàng và nôn nóng đánh nhau, khác xa các chiến đấu cơ Hoa Kỳ mà chúng tôi đã đối đầu ở phi trường Clark vào ngày 8 tháng 12 năm 1941.
Không đầy một phút, hai bên đã dàn xong các đội hình qui cũ và bước vào một trận đấu ác liệt.
Tôi nhìn thấy một chiếc P.36 đang gầm thét xông đến, rồi nhích cánh lộn thật mau về phía bên trái chờ phản ứng của đối thủ. Ngu dại thay, đối thủ vẫn duy trì hướng bay cũ. Tôi lập tức xoay sang phải thật ngặt, lấy thăng bằng, và lướt thẳng vào đuôi của chiếc P.36 với tên phi công đang sửng sốt.
Liếc nhìn lại phía sau thấy trống không, tôi thâu ngắn khoảng cách giữa tôi với viên phi công địch. Hắn lộn về bên trái, nhưng với một cái nhích nhẹ ở cần điều khiển, tôi theo sát đuôi hắn. Còn cách 50 thước, tôi thổi vừa đạn đại liên vừa đạn đại bác ra. Tức khắc, cánh phải của đối thủ long ra, bay trong không khí, rồi tới cánh bên trái cũng bị xé đứt. Xoay như chong chóng, chiếc P.36 chúi xuống vỡ tan dưới mặt đất cùng với viên phi công.
Tôi đảo một vòng thật rộng để vượt lên, và trở về đội hình chánh. Có ít nhất 6 phi cơ đang rơi xuống như những bó đuốc. Bóng màu ô liu của một chiếc P.36 đang xoay tít hướng về phía tôi. Tôi quay lại để chặn đầu, nhưng một chiếc Zero khác vượt thẳng từ dưới lên, chụp chiếc P.36 bằng một tràng đại bác, rồi lách ra như chớp trong khi chiếc phi cơ Hoà Lan nổ tung.
Phía bên trái một chiếc P.40 theo sát đuôi một chiếc Zero đang tháo chạy. Tôi cấp tốc xoay lại nhằm chận đứng chiến đấu cơ địch. Nhưng hành động của tôi thừa thải, chiếc Zero đã quất ngược mũi lên, lộn nhào về phía sau, ở trên chiếc P.40 một chút, rồi đạn đại liên và đại bác nện cùng lúc. Chiếc P.40 biến thành cây đuốc.

Cách đó không xa, một chiếc P.40 khác loé sáng, kéo một vệt lửa dài gấp 3 lần thân phi cơ, và một chiếc P.36 lảo đảo như một chiếc lá trên không, viên phi công đã gục chết trên tay lái. Phía dưới tôi một phi cơ dẫn đường không võ trang của chúng tôi đang bị 3 chiến đấu cơ của Hoà Lan rượt đuổi. Viên phi công Nhật đang cuống cuồng lẫn trốn.
Một lần nữa, tôi lại lướt đến quá chậm. Một chiếc Zero hùng hổ bổ nhào xuống và đạn đại bác của nó phá tung bồn chứa xăng của chiếc chiến đấu cơ Hoà Lan bay đầu tiên. Rồi vừa vượt lên chiếc Zero vừa “đấm” vô bụng chiếc P.36 thứ nhì, phi cơ địch đứt hẳn một bên cánh ngay khi chiếc thứ ba lộn vòng trở lại để chận đầu chiếc Zero. Quá muộn, buồng lái của chiếc P.36 nầy cũng ăn đạn và vỡ tan tức khắc. Chiếc Zero lướt dọc theo phi cơ của tôi, viên phi công đưa tay vẫy và cười rạng rỡ rồi bay đi hộ tống chiếc phi cơ quan sát ra khỏi khu vực.
Một chiếc P.36 tháo chạy, lướt ngang phía trên tôi. Tôi gia tăng tốc lực cấp tốc, vượt thẳng lên và ấn cò đại bác. Quá sớm. Áp lực của vòng xoay để lấy lại thăng bằng của đối thủ đã làm lệch đường nhắm của tôi. Chiếc P.36 lộn nhào nhiều vòng về phía trái và chúi thẳng xuống đất. Tôi cắt thẳng vào đường xuống của phi cơ địch và ấn cò súng. Một vệt khói màu đen kéo lê thật dài. Tôi bồi thêm hai viên đại bác nữa, và lãng ra ngoài khi cuộn lửa đỏ bao trùm cả thân chiếc chiến đấu cơ Hoà Lan nầy.
Một chiếc Zero với hai sọc xanh kẻ trên thân phi cơ lướt ngang qua cách 200 thước trước mặt tôi. Không dấu hiệu nào báo trước, chiếc Zero nổ tung, lửa loà sáng. Trung úy Masao Asai, phi đội trường của chúng tôi thiệt mạng. Lúc đó tôi không hiểu lý do gây ra sự nổ tung nầy.
Trở lên cao độ 8.000 bộ, tôi nhận thấy khoảng 20 chiến đấu cơ đang lượn vòng quanh trong đội hình. Một vài chiến đấu cơ Hoà Lan tồn tại chỉ còn là mấy chấm đen ở xa. Trận đánh đã kết thúc, sáu phút sau khi phát khởi.
Thật kỳ lạ, với bầu trời không còn một chiếc phi cơ địch nào, các khẩu pháo phòng không của Hoà Lan vẫn im tiếng khi chúng tôi lượn vòng trên thành phố của họ, chờ đợi xem còn chiếc chiến đấu cơ Zero nào truy đuổi địch trở về hay không.
Trong khi những chiến đấu cơ khác lượn vòng, tôi bay về phía trước, trên eo biển ngăn đôi Surabaya và đảo Madura… Nơi đây có một phi trường được ngụy trang cẩn thận. Tôi bay thật chậm, ghi toạ độ phi trường trên bản đồ, nằm ở mũi phía Tây Madura. Chưa ai báo cáo về phi trường bí mật nầy, tin tức của tôi chắc chắn sẽ được cơ quan tình báo đón nhận một cách hài lòng.
Khi bắt đầu bay lên cao để quày lại kết hợp với những chiến đấu cơ khác, tôi nhìn thấy một chiếc P.36 bay phía dưới sà thấp trên thành phố. Mục tiêu ngon lành. Viên phi công địch bay nhởn nhơ, không biết tôi đang đến gần.
Sự nôn nóng của tôi làm mất cơ hội chiến thắng nhanh chóng. Cách tầm súng quá xa tôi đã vội vã bóp cò. Bị động, viên phi công Hoà Lan lập tức chúi mũi xuống, gia tăng hết tốc lực để tháo chạy. Chửi thề cho sự ngu dốt của mình, tôi cũng gia tăng tốc lực rượt theo.
Khả năng bay của chiến đấu cơ P.36 kém hơn loại chiến đấu cơ Zero của chúng tôi. Zero mau lẹ hơn, nắm ưu thế về võ trang, và nhanh nhẹn khi nhào lộn hoặc vượt lên, nhưng lại rất yếu khi chúi xuống với tốc độ cao. Hơn nữa, tôi khai hoả quá sớm, cho phép chiếc P.36 kéo dài khoảng cách giữa hai phi cơ đến 200 thước. Tôi không thể tiến gần thêm được. Nếu ở một độ cao hơn nữa, chiếc P.36 chạy thoát dễ dàng bằng cách cứ bay chúi xuống. Nhưng lúc ấy mặt đất phía dưới đang dâng cao, bắt buộc viên phi công phải vượt lên. Bây giờ tôi có thể sử dụng ưu thế của chiếc Zero.
Viên phi công Hoà Lan bay sà sát mặt đất theo hình chữ chi rất ngặt. Tôi cắt thẳng vào mỗi nét của chữ chi (giống như chữ Z), thâu hẹp khoảng cách lại. Hắn bay càng lúc càng thấp hơn, lách vào khoảng trống của cây cối và nhà cửa, vừa trốn chạy vừa hy vọng tôi bỏ cuộc vì thiếu nhiên liệu. Tôi hiểu điều nầy. Đánh ván cuối cùng, tôi gia tăng tốc lực khẩn cấp ngay khi căn cứ không Malang hiện ra trước tầm mắt. Cách 50 thước, tôi nhắm vào buồng lái của chiếc P.36 và ấn cò súng. Đại bác hết đạn nhưng hai tràng đại liên đã xé nát viên phi công. Chiếc chiến đấu cơ nhào xuống và vở tan trong một ruộng lúa. Tôi là phi công cuối cùng trở về kết hợp với những chiến đấu cơ khác đang bay quần trên cao độ 13.000 bộ cách phía Bắc Madura 20 dặm.
Chúng tôi mất trung úy Asai và 2 phi công khác. Trở về Balikpapan, theo báo cáo của các phi công khác, có tất cả 40 chiến đấu cơ địch bị bắn hạ. Tôi luôn luôn trừ đi 30% báo cáo của bất kì nhóm phi công nào, một trận không chiến dữ dội, như trận không chiến vừa rồi chẳng hạn. Bởi lẻ, trong cảnh hỗn đấu, hai hoặc ba phi công có thể cùng xạ kích một chiếc phi cơ địch, và mỗi người đều cho rằng mình bắn hạ một chiếc. Tuy nhiên, lần nầy con số có vẻ ít sai sự thật, vì kể từ ngày đó chúng tôi hầu như không còn đụng độ với số lượng đông đảo các chiến đấu cơ Hoà Lan nữa. Đồng thời, phi trường bí mật ở Madura bị oanh tạc, tiêu diệt hầu hết số phi cơ P.40, Buffalo và Huricane còn lại trên mặt đất của địch quân.
Đêm nào chúng tôi cũng đều nghe đài phát thanh của địch quân cho biết 5 hay 6 chiến đấu cơ bị bắn hạ trong ngày. Điều nầy sai sự thật, vì nhóm chúng tôi là nhóm duy nhất bay loại phi cơ Zero trong khu vực, và con số thiệt hại lớn nhất của chúng tôi chỉ xảy ra vào hai ngày 19 và 20 tháng hai, với 6 phi cơ và phi công bị bắn hạ.
Và ngày 25, tám chiến đấu cơ Zero được lịnh rời khỏi Balikpapan bay đến “dọn dẹp” căn cứ không quân Malang nơi mà cơ quan tình báo tin rằng có nhiều oanh tạc cơ của Đồng Minh. Trên đường đến Malang, chúng tôi đụng đầu với một chiếc thủy phi cơ của Hoà Lan, và tôi đã tách khỏi đội hình để nhận nó xuống đại dương.
Sau khi bay quần trên phi trường khoảng 6 phút, chúng tôi nhào xuống làm thịt ba chiếc B.17 đang đậu trên mặt đất. Hoả lực phòng không của địch dữ dội, xoi thủng nhiều chiến đấu cơ của chúng tôi, nhưng không lôi được chiếc nào xuống đất.
Nạn nhân kế, cũng là nạn nhân chính thức thứ mười ba của tôi, xuất hiện vào ngày cuối của tháng hai.
Tôi tham dự vào một phi vụ gồm 12 chiến đấu cơ hộ tống 12 oanh tạc cơ từ Malang đến tấn công cuộc di tản bắt buộc của Đồng Minh ra khỏi đảo Tjilatjap. Chiến hạm của địch quân rời khỏi hải cảng trước chúng tôi đến. Các chiến đấu cơ chúng tôi quần chầm chậm trong khi các oanh tạc cơ phóng hoả tiễn vào những cơ sở của địch quân trên hải cảng. Cuộc không kích suông sẽ và, sau khi hộ tống các oanh tạc cơ đến biển Java, chúng tôi quay lại Malang để lục lọi phi cơ địch.
May mắn đến với chúng tôi hôm nay. Bốn chiến đấu cơ, thuộc loại mà tôi chưa từng đụng độ, bay quần trên không, gần một đám mây dầy đặc, ở cao độ 25.000 bộ. Khi tiến đến gần, tôi nhận ra đó là loại chiến đấu cơ Buffalo của Hoà Lan. Tôi không bao giờ hiểu nổi sự thiếu đề cao cảnh giác của mấy viên phi công Hoà Lan nầy, cho dù trước đó họ đã biết có sự hiện diện của chúng tôi.
Chúng tôi tiến sát, và một chiếc Zero đốt ngay một chiếc Buffalo với một quả đại bác. Tôi xông đến chiến đấu cơ thứ nhì, lúc nó đang xoay thân. Đúng là nó muốn nghinh chiến. Tôi cắt thẳng vòng xoay của chiếc phi cơ, mũi hơi chếch để bay lãng ra, cách địch thủ 200 thước, và bóp cò súng liên tục. Nhiều viên đại bác trúng đầu máy chiếc Buffalo và khói bốc ra cuồn cuồn trôi ngược về sau. Hình như viên phi công cũng bị trúng đạn, vì chiếc phi cơ lộn nhào chầm chậm nhiều vòng cho đến khi biến mất trong mây. Nó khó có thể tồn tại trước cơn nóng dữ dội trong những đám mây đó.

Nhiều tháng sau, chúng tôi chuyển hết căn cứ nầy đến căn cứ khác rồi trở về Philippine, và thực hiện các phi vụ yểm trợ cho Lục Quân lúc các hệ thống phòng thủ ở đảo Corregidor bị chọc thủng. Sau đo, đơn vị chúng tôi được chuyển đến đảo Bali ở Nam Dương (Indonesia) để chuẩn bị cho cuộc hành quân quan trọng kế tiếp về phía Nam.
Tôi không bao giờ hiểu nỗi những phúc trình của người Mỹ về các trận không chiến vào khoảng thời gian nầy. Đáng kinh ngạc hơn hết là một phúc trình của đại tá Jack D.Dale. Theo đó, phi đoàn chiến đấu cơ P.40 của ông đã hạ 71 phi cơ Nhựt và ông chỉ thiệt mất 9 chiếc trong suốt 45 ngày chiến đấu ở Java. Đây là một con số không thể tưởng tượng nổi, khi mà mất mát của chúng tôi vào giai đoạn nầy không hơn 10 chiếc Zero.
Đại tá Dale còn mô tả cả đội hình mà ông đã xử dụng để chiến đấu, khiến cho chúng tôi nhìn 16 chiến đấu cơ của ông thành 48 chiếc. Đó là đội hình chữ S phân tán. Trong tất cả những trận đụng độ giữa tôi với các chiến đấu cơ P.40 của Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ thấy đội hình nào như đại tá Dale mô tả.
Đại tá Dale cũng đã phúc trình: “Một đêm tôi chúng tôi có nghe đài phát thanh Đông Kinh loan báo: nhiều trăm chiến đấu cơ P.40 được tung ra tấn công đều khắp. Đó là những chiến đấu cơ Curtiss loại mới, võ trang đến 6 đại bác.” Katsutaro Kamiya, phụ trách phần phát thanh Anh Ngữ của đài Đông Kinh, nói với tôi rằng không bao giờ có loại tin tức như vậy được loan đi, bởi lẻ giản dị là đài chỉ loan đi những tin tức chiến thắng của Nhựt mà thôi. Các phúc trình của đại tá Dale cũng ít dựa vào sự thật như phúc trình “đánh chìm” thiết giáp hạm Haruna của đại úy Kelly.
Chương X
Đầu tháng ba năm 1942, 150 phi công phi công của phi đoàn chiến đấu cơ Tainan, trú đóng rãi rác trong một khu vực rộng lớn ở Philippine và Nam Dương, được tập trung về Bali, thuộc quần đảo Đông Indies. Việc chiếm giữ toàn thể xứ Nam Dương hình như không còn xa nữa. Một đại đội bộ binh Nhật Bản là lực lượng quân sự trấn đóng cả hòn đảo Bali. Cuộc tấn công nầy được xem là sai lầm vì lực lượng chúng tôi nhận thấy người bản xứ tỏ ra thân hữu đối với người Nhựt.
Bali giống như một thiên đường. Khí hậu tuyệt diệu, cảnh sắc địa phương tươi đẹp. Tôi chưa từng thấy một nơi nào như vậy ở Thái Bình Dương.
Thời gian nhàn rỗi của chúng tôi bỗng nhiên căng thẳng vì xảy ra cuộc xung đột giữa Lục quân và Hải quân. Nguyên do vào một buổi chiều, một chiếc B.17 xuất hiện và các xạ thủ phòng không trên đảo tài ba đến nỗi cuối cùng để cho chiếc phi cơ bay mất. Một phi công nóng tánh hét vang: “ Đ.M, mấy thằng chó đẻ nầy bắn cái gì vậy?” Sự giận dữ nầy là do lúc ấy tất cả các phi công chúng tôi đều xem loại pháo đài bay là những con mồi ngon lành nhất.
Tuần lễ trôi qua, sự căng thẳng giữa phi công hải quân và quân phòng thủ gia tăng mạnh mẽ. Chúng tôi không có phi vụ chiến đấu nào trong giai đoạn nầy, do đó chúng tôi dễ sanh ra bực bội. Tình trạng nầy bùng vỡ vào một đêm khi trung sỹ Honda đánh nhau với hai binh sĩ bộ binh. Tôi can Honda, nhưng vô ích. Thêm nhiều binh sĩ khác ùa vào, Honda bất chấp. Vừa lúc ấy viên Trung úy bộ binh can thiệp, đuổi lính của ông ta về doanh trại. Không nói một lời nào với chúng tôi, nhưng tôi nghe ông ta chửi rủa: “Đồ ngu, các anh ở đây là để đánh với địch quân, không phải người cùng quê hương xứ sở. Những phi công nầy, mỗi người đều là một “Samurai”, họ không thích làm gì khác hơn là chiến đấu.”
Sáng hôm sau viên trung úy bước vô căn phòng của chúng tôi. Trái với dự đoán của chúng tôi, ông ta mĩm cười nói: “Thưa quí vị, tôi hân hạnh báo tin cho qúi vị biết quân phòng ngự ở Banchung (Java) đã túm được một chiếc B.17 còn nguyên vẹn, có thể bay được.”
Chúng tôi ồ lên vui vẽ: Một chiếc B.17 có thể bay được. Viên trung úy khoát tay: “ Không may, Đông Kinh đã ra lịnh gởi chiếc oanh tạc cơ nầy về Nhựt lập tức. Tin tức nầy tôi chỉ nhận được ngay khi chiếc B.17 cất cánh bay về quê nhà vào sáng nay.”
Tiếng càu nhàu thất vọng nổi lên khi mọi người nghe tin cuối cùng nầy. Viên trung úy vội vã nói: “ Tuy nhiên tôi bảo đảm với quí vị là tôi sẽ cung cấp cho quí vị tin tức càng nhiều càng tốt về chiếc phi cơ bị bắt giữ nầy.”
Một tuần lễ trôi qua, chúng tôi vẫn ở trên mặt đất. Ngay cả không khí yên bình ở Bali cũng đè nặng lên chúng tôi. Nếu ở hoàn cảnh khác, có lẽ chúng tôi sẽ vui hưởng sự nhàn rỗi nầy. Nhưng chúng tôi đến đây để chiến đấu. Nhiều năm nay chúng tôi đâu làm gì khác hơn là học hỏi để chiến đấu như thế nào, tất cả những gì chúng tôi muốn là được trả về không trung.
Thế rồi một buổi sáng, một phi công chạy ùa vô chổ ở của chúng tôi với tin giựt gân. Thật là choáng váng! Đó là tin đồn, hình như chúng tôi sẽ được gởi về Nhựt Bản. Mọi người bắt đầu tính sổ thời gian ở hải ngoại của mình.
Tôi cảm thấy, cũng như tất cả những người khác, một khi về quê hương thế nào tôi cũng sẽ được nghỉ phép. Tôi rời Nhật Bản tháng 5 năm 1938, và ngoài một năm nằm điều trị các vết thương, tính ra tôi đã ở được nước ngoài được 35 tháng. Khi nghĩ sẽ được gặp lại gia đình nỗi nhớ nhà trong tôi bỗng nhiên thống thiết. Tôi dành hết thì giờ vào mỗi buổi chiều để đọc thơ của má tôi và Fujiko. Họ viết dài dòng về buổi lể tưng bừng ở quê hương khi Tân Gia Ba rơi vài tay Nhựt, và những buổi lể chào mừng chiến thắng liên tục khác của chúng tôi. Cả nước Nhựt phấn khích với những cuộc chinh phục vũ bão của các lực lượng Nhật Bản, nhứt là về mặt trận trên không. Tôi mơ ước được gặp lại Fujiko, một cô gái đẹp nhứt trong đời tôi. Với mơ tưởng, và nghĩ rằng có thể nàng sẽ trở thành vợ của tôi, tôi cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Tin đồn biến thành sự thật. Vào ngày 12 tháng 3, thiếu tá phi công hải quân Tadashi Nakajima từ Nhựt đến, và cho biết ông sẽ thay thế đại úy Eijo Shingo trong chức vụ chỉ huy trưởng phi đoàn. “ Đại úy Shingo được hoán chuyển cùng với một số phi công .” Nakajima nói, “bây giờ tôi sẽ đọc danh sách những phi công được lịnh trở về Nhựt.”
Mọi người im phăng phắc khi ông bắt đầu đọc. Người đầu tiên không phải là tôi, như tôi đã hy vọng. Người thứ hai, thứ ba cũng không. Tôi mất hết tin tưởng khi vị thiếu tá đọc qua hơn 70 tên. Tên tôi không có. Xúc động. Tôi không biết tại sao tên tôi lại bị loại ra khỏi danh sách, trong khi tôi ở nước ngoài lâu hơn mọi người khác.
Sau đó, tôi bước đến vị chỉ huy trưởng và hỏi: “Thưa thiếu tá, tôi biết tên tôi không nằm trong số những phi công về quê hương. Xin phép thiếu tá, thiếu tá có thể cho tôi biết lý do tại sao không? Tôi không tin rằng tôi…”
Thiếu tá Nakajima khoát tay chận lời tôi mỉm cười: “ Không, anh không về xứ với những người khác. Tôi cần anh đi với tôi, Sakai. Chúng ta sẽ đến một căn cứ không quân mới, nơi tốt nhất để đương đầu với đối phương. Đó là Rabaul, ở New Britain. Từ lâu tôi đã để ý, anh là một phi công tài ba nhứt của phi đoàn nầy, và anh sẽ bay chung với tôi. Hãy để cho mấy người khác đi bảo vệ quê hương.” Câu chuyện kết thúc. Dưới hệ thống chỉ huy của hải quân, tôi không dám hó hé nhiều hơn với vị chỉ huy trưởng. Tôi trở về doanh trại, buồn bã, tuyệt vọng. Nhưng nhiều tháng sau nầy tôi mới biết nhờ sự ưu ái mà thiếu tá Nakajima dành cho tôi, tôi mới còn sống sót. Tất cả những phi công về xứ đề được thuyên chuyển đến lực lượng Đặc Nhiệm Midway sau đó. Lực lượng nầy đã bị đối phương đánh tan vào ngày 5 tháng 6 năm 1942. Hầu hết những người rời khỏi Bali đều thiệt mạng.
Nhiều tuần lễ kế tiếp, tôi sống trong tình trạng tinh thần tồi tệ chưa từng thấy. Tôi cảm thấy đau yếu, chán nãn, và tuyệt vọng.
Nhiệm sở kế đó của chúng tôi, Rabaul, cách phía Đông Bali 2.500 dặm. Khoảng cách quá xa đối với sức bay của loại chiến đấu cơ Zero. Thay vì di chuyển nhóm phi công chúng tôi bằng vận tải cơ hoặc thủy phi cơ, hay là bằng chiến hạm có tốc lực mau, chúng tôi đã khủng khiếp khi nhận thấy bị lùa như bầy súc vật xuống một chiếc tàu buôn nhỏ bé, cũ kỹ và suy nhược. Hơn 80 đứa chúng tôi được nhét vô chiếc tàu hôi hám, chạy khập khiểng trên mặt nước với tốc độ 12 hải lý một giờ nầy. “Lực lượng” bảo vệ chúng tôi chỉ đơn độc một chiếc tàu săn tiềm thủy đỉnh nhỏ bé 1.000 tấn.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy phơi lưng trước kẻ thù bằng lúc tôi ngồi trên chiếc tàu đáng sợ đó. Chúng tôi không thể hiểu nổi ý nghĩ của giới chỉ huy cao cấp trong việc nầy như thế nào. Chỉ cần một trái thủy lôi phóng đi từ một chiếc tiềm thủy đỉnh núp lén hoặc 1 trái bom 500 cân Anh thả xuống từ một chiếc oanh tạc cơ, chiếc tàu mỏng manh nầy sẽ tan thành hàng ngàn mảnh. Một việc không thể tin, nhưng mà có vẻ thật, rằng các vị chỉ huy của chúng tôi muốn thí mạng phân nữa phi công chiến đấu của cuộc chiến, đặt biệt là những phi công kinh nghiệm nhứt, bằng một cuộc hải hành khủng khiếp như thế. Bất mãn và rầu rĩ, tôi đâm ra xuống tinh thần và nhuốm bịnh. Tôi nằm mẹp trên giường nhỏ dưới tàu hầu hết chuyến đi hai tuần lễ từ Bali đến Rabaul.
Cuộc hải hành đầy gian nan vất vả. Trời oi bức không thể chịu đựng nổi. Suốt cả tuần không ai khô ráo. Mồ hôi đổ ra như tắm. Mọi phi công đều lâm bịnh. Sau khi vượt qua đảo Timor, do lực lượng của chúng tôi chiếm đóng, chiếc tàu hộ tống quay trở về. Bấy giờ bịnh của tôi trở nên trầm trọng. Nhiều khi tôi cảm thấy đang hấp hối.
Nhưng ngay cả sự khốn khổ tồi tệ nhứt, cũng có phần thưởng của nó. Ở bên cạnh tôi suốt chuyến đi là một trung úy trẻ tuổi, vừa được bổ nhiệm chỉ huy phân đội của tôi. Trung úy Junichi Sasai là một trong những người nổi bật nhất mà tôi đã gặp từ trước tới nay. Xuất thân từ Hàn Lâm Viện hải quân Nhật Bản, giữa ông ta và hạ sỹ quan hiển nhiên là có một sự ngăn cách. Theo hệ thống quân giai nghiêm ngặt của hải quân, ngay cả khi chúng tôi hấp hối đi nữa, ông ta cũng không cần phải bước vô hầm tầu hôi hám nầy. Tuy nhiên Sasai lại khác hẵn. Ông không chú ý đến “lề luật bất thành văn” của hải quân, theo đó, sỹ quan không được thân mật với thuộc cấp. Trong lúc mê sảng tôi la hét, mình mẫy ướt đẫm mồ hôi, hầm tàu chật hẹp xông lên mùi hôi hám khó chịu, Sasai vẫn ngồi bên cạnh giường, tận tâm chăm sóc tôi. Sự ưu ái của ông đã khiến bịnh tôi dần dần bình phục.
Cuối cùng, chiếc tàu lướt vô hải cảng Rabaul, hải cảng chánh của quần đảo New Britain. Tôi nặng nhọc lê thân xuống cầu thang, bước lên bến tàu. Tôi không tin những gì đã nhìn thấy. Nếu Bali là một thiên đường, Rabaul là một địa ngục thật sự. Chúng tôi có một phi đạo nhỏ hẹp và lấm bụi để sử dụng. Đó là một phi đạo tồi nhứt mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào. Ngay phía sau phi đạo khốn khổ nầy là một ngọn núi lửa đầy doạ nạt, vươn cao 700 bộ trên bầu trời. Cứ một vài phút mặt đất rung chuyển, và núi lửa gầm lên hồi lâu rồi phun khói dày đặc, lẫn lộn chất phún thạch. Xa hơn nữa là một dãy núi màu xanh mét, trần trụi bóng cây.
Ngay khi xuống tàu, nhóm phi công di chuyển ngay đến sân bay. Trên con đường lấm bụi, chân chúng tôi ngập sâu trong đá bọt và tro than do núi lửa gây ra. Sân bay hoang phế. Bụi và tro dâng cao trong không khí. Những tiếng càu nhàu đầy thất vọng khi các phi công nhận thấy nhiều chiến đấu cơ Claude, bộ phận hạ cánh cố định và buồng lái lộ thiên cỗ lỗ nằm giữa bãi đậu. Tất cả những thứ đó quá nhiều đối với tôi. Tôi phát đau trở lại và ngã quị xuống. Trung úy Sasai đưa tôi vô một bịnh xá chưa hoàn tất, nằm trên một ngọn đồi, cạnh sân bay.
Sáng hôm sau, tiếng còi báo động không tập lôi tôi ra khỏi giấc ngủ thiêm thiếp. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy 12 chiếc Maurader, oanh tạc cơ hai máy, sà thấp trên hải cảng thả nhiều trái bom ngay xuống chiếc Komaki Maru, chiếc tàu chở chúng tôi từ Bali đến đây. Thủy thủ đoàn chạy tán loạn lên bến tàu và nhảy xuống nước. Trong một vài phút chiếc tàu bốc cháy và chìm dần. Các oanh tạc cơ mang dầu hiện của Úc Đại Lợi, bấy giờ quay sang tấn công sân bay và các phi cơ đậu trên đó. Các oanh tạc cơ Maurader quay lại ba ngày liên tiếp, xạ kích tất cả những gì di động trên mặt đất. Các cuộc tấn công là những liều thuốc tốt nhất đối với tôi. Tôi xin bác sỹ cho tôi xuất viện ngay lập tức. Tôi muốn đặt đôi tay ngứa ngáy của tôi lên cần kiểm soát của một chiếc Zero trở lại. Vị bác sỹ cười: “Ở đây thêm vài bữa nữa, Sakai. Anh xuất viện để làm gì bây giờ? Không có một chiếc phi cơ nào cho anh bay đâu. Khi nào phi cơ đến tôi sẽ cho anh xuất viện.”
Bốn ngày sau, gần bình phục hẳn, tôi rời bệnh viện. Với 19 phi công khác, tôi leo lên một chiếc thủy phi cơ 4 máy vừa bay đến vào buổi sáng hôm đó. Chúng tôi sẽ sớm được bay trở lại vì chiếc thủy phi cơ nầy cất cánh từ hàng không mẫu hạm Kasuga, chiếc tàu có nhiệm vụ chở 25 chiến đấu cơ Zero mới cho phi đoàn của chúng tôi. Nhưng các cuộc không thám và oanh tạc liên tục của đối phương đã ngăn trở Kasuga chạy vô Rabaul. Chiếc tàu phải đậu ở gần đảo Buka, cách xa đây 200 dặm, và cho thủy phi cơ chở chúng tôi đến đó nhận phi cơ.
Hai giờ sau chúng tôi trở về Rabaul, cười đùa như bọn học trò với 25 chiến đấu cơ mới, tất cả đều được võ trang và sẵn sàng lâm trận. Tuy nhiên, một phi cơ thám thính của địch quân đã nhìn thấy các chiến đấu cơ mới của chúng tôi, và nó biến mất trước khi chúng tôi cất cánh. Rabaul trở nên yên tĩnh, ngoại trừ những cơn mưa phún thạch không lúc nào giảm bớt của ngọn núi lửa.
Nhiều tuần lễ kế đó, các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Nhựt không ngớt được đưa đến Rabaul. Chúng tôi gom góp năng lực mới cho cuộc tấn công đang xúc tiến, nhằm chống lại Úc Đại Lợi và hải cảng Moresby ở New Guinea. Các kế hoạch của Nhật Bản, như chúng tôi được nói cho biết, là đánh chiếm toàn khắp New Guinea.

Đầu tháng tư, 30 phi công trong nhóm chúng tôi được thuyên chuyển đến một căn cứ không quân mới ở Lae, nằm trên bờ biển phía Đông New Guinea. Đại tá Masahisa Saito hướng dẫn chúng tôi đến căn cứ mới nầy.
Vào ngày 8 tháng 4, với 8 phi công khác, tôi bay đến Lae. Khi bay quần trên phi trường, tôi không nhìn thấy đâu là nhà chứa phi cơ, cơ xưởng bảo trì, đài kiểm soát. Tất cả chỉ là một phi đạo nhỏ bé, dơ bẩn, và giống như sân đáp trên một chiếc hàng không mẫu hạm. Ba mặt của phi đạo bao quanh bởi dãy núi chớn chở của bán đảo Papuan. Mặt thứ tư, tức mặt tôi đang tiến đến, là đại dương bao la. Hai mươi mốt phi công khác đã đến đây trước, đứng chờ chúng tôi ở cuối phi đạo. Phi đạo dài 3.000 bộ, chạy từ góc phải của sườn núi xuống tận mé biển. Ngay cạnh bãi biển là một nhà chứa phi cơ nhỏ, đầy lổ đạn và mảnh bom. Ba vận tải cơ của Úc Đại Lợi nằm bừa bãi trong nhà chứa, và dụng cụ bị phá hủy rãi rác khắp nơi. Đây là vết tích do phi cơ chúng tôi gây ra trong cuộc đổ bổ một tháng trước đây Phi trường Lae được người Úc thiết lập để không vận đồ tiếp tế và quặng vàng lấy được ở mỏ Kokoda, nằm tận bên trong dãy núi Owen Stanley.
Hải cảng ở đây cũng hoang tàn không thua sân bay. Một chiếc tàu buôn 500 tấn của Úc nằm trong bùn, gần cầu tàu, chỉ có cột buồm ló lên khỏi mặt nước. Tôi nhận thấy phi trường Lae tồi tệ hơn phi trường Rabaul hoặc ngay cả những phi trường tiền phương ở Trung Hoa.
Trung sỹ Honda, phi công bên cánh của tôi ở mặt trận Java, đã kể lại các hoạt động của những ngày trước khi chúng tôi đến. Vào ngày 5 tháng 4, 4 chiếc Zero cất cánh từ Lae, hộ tống 7 oanh tạc cơ tấn công hải cảng Moresby và bắn rơi 2 chiến đấu cơ địch. Đổi lại, một chiếc Zero bị mất. Vào ngày kế đó, cùng một số Zero đó cất cánh, nhưng lần nầy bắn rơi đến 5 phi cơ địch. Ngày hôm sau, 7 tháng 4, hai chiếc Zero nghinh chiến 3 oanh tạc cơ địch trên không phận Salamaua và rượt theo bắn rơi hai chiếc. Các xạ thủ địch hạ một chiếc Zero của chúng tôi.
Chiều hôm đó, chúng tôi tập họp trong Bộ Chỉ Huy phi trường để nghe thuyết trình. Tôi sử dụng mấy tiếng “Bộ chỉ huy” có vẽ hơi lớn lối để chỉ một căn nhà không có vách tường. Vách, màn che và mấy cánh cửa đều bằng chiếu. Căn phòng chỉ vừa đủ để nhét 30 phi công, chính giữa là chiếc bàn to lớn, đơn sơ, làm bằng cây thông. Một vài cây đèn cầy và một cây đèn dầu soi sáng căn phòng.
Sau khi nghe đại tá Saito thuyết trình, chúng tôi đi về chổ ở. Trên đường đi, trung sỹ Yonekawa, cũng như Honda, anh ta là phi công bên cánh của tôi ở mặt trận Java, chỉ cho tôi những cơ sở của căn cứ. Hai trăm thủy thủ đảm trách các vị trí phòng không toạ lạc phía bên kia phi đạo. Đó là lực lượng trú phòng cho cả nơi nầy, cộng thêm 200 nhân viên bảo trì và 30 phi công trong suốt thời gian chúng tôi ở đây. Và cho đến khi Lae bị Đồng Minh chiếm đóng vào năm 1943, không một dự tính nào nhằm cải thiện tiện nghi của chúng tôi, và cũng không có lực lượng tăng viện nào khác được đưa đến. Chổ ở của chúng tôi và sỹ quan không khác gì nhau. Chỉ huy trưởng căn cứ, chỉ huy phó và một phụ tá ở chung trong một căn nhà nhỏ nối liền với doanh trại sỹ quan.
Trong khi căn cứ Rabaul mướn một số dân địa phương tạp dịch, căn cứ Lae không có vấn đề nầy. Làng gần nhứt cách đây hai dặm. Không thể bắt dân làng phơi lưng dưới họng súng của phi cơ địch đến tấn công hầu như mỗi ngày.
Đó là căn cứ Lae. Thức ăn tồi tệ, công việc hàng ngày nặng nhọc và, không có gì thay đổi. Chúng tôi không có hợp tác xã quân đội, không có bất cứ một tiện nghi tối thiểu nào khác. Đàn bà ? Ở Lae, mọi người đều hỏi: “ Đàn bà là cái gì?.”
Tuy nhiên, tinh thần của chúng tôi rất cao. Chắc chắn chúng tôi thiếu tiện nghi và vật chất, ngay cả một số tiện nghi thiết yếu nhứt, trong đời sống hàng ngày, nhưng chúng tôi không lấy đó làm phàn nàn. Chúng tôi không có một đòi hỏi riêng tư nào ngoài đòi hỏi được chiến đấu. Phi công ở Lae không giống như phi công ở những căn cứ khác. Mỗi chúng tôi đều là thành phần chọn lọc của không lực hải quân. Các sỹ quan của chúng tôi cũng được chọn trong số những người “chỉ thích ấn tay vào cò súng” trên một chiếc Zero.
Vào ngày 11 tháng 4, tôi chiến đấu trở lại. Sau gần hai tháng bắt buộc nằm lì trên mặt đất, được chiến đấu trở lại làm tôi phấn khởi. Ngày hôm trước, 10 tháng 4, tôi không được sắp xếp thực hiện phi vụ, và phải ở lại mặt đất trong khi những phi công khác vui hưởng một ngày chiến đấu. Sáu chiến đấu cơ Zero hộ tống bảy oanh tạc cơ đến Moresby, bắn rơi hai oanh tạc cơ địch đang cố cất cánh để rời phi trường ở đó. Cùng ngày, ba chiếc Zero khác cũng trực chỉ Salamaua và bắn rơi một oanh tạc cơ địch, cùng gây hư hại cho nhiều chiếc khác.
Phi vụ của tôi vào ngày 11 là một phi vụ thông thường. Cùng với 8 chiến đấu cơ khác mới vừa đến Lae, chúng tôi cất cánh và bay thành nhóm theo đội hình cũ chữ V hướng về Moresby. Sau đó, dãy núi Owen Stanley sừng sững trước mặt chúng tôi, cao hơn mặt biển 15.000 bộ. Mặc dù dãy núi cao chớn chở như vậy, trên đỉnh không có một đám mây nào vướng vất, và dốc thẳng đứng giống như những bức tường vĩ đại mọc đầy cây cối.
Trên cao độ 16.500 bộ, chúng tôi vượt ngang qua đỉnh núi và lập tức bước vào một thế giới mới : thế giới của địch quân. Bốn mươi phút sau khi cất cánh căn cứ Moresby nằm phía dưới chúng tôi. Tôi có thể nhìn thấy nhiều phi cơ đủ loại trên mặt đất. Súng phòng không im tiếng dĩ nhiên chúng tôi bay quá tầm hoả lực của đối phương. Chúng tôi có thể đạt được kết quả nếu tấn công ngay vào các phi cơ đậu trên mặt đất. Nhưng theo chỉ thị, đây chỉ là một phi vụ thám thính thông thường, ngoại trừ không chiến chúng tôi không được phép tấn công.
Chúng tôi lướt qua Moresby và vòng ra biển San Hô sau đó quay lại lối cũ một lần nữa, lướt ngang qua căn cứ địch. Chúng tôi ngạc nhiên khi khi nhận thấy hình như các xạ thủ và phi công địch không hay biết có sự hiện diện của chúng tôi, nên họ không đưa ra một sự kháng cự nào.
Chúng tôi lướt qua phi trường. Lần nầy mặt trời đến từ phía sau chúng tôi. Lúc bay thật chậm, chúng tôi phát hiện bốn chiến đấu cơ P.39, loại Airacobra mà tôi gặp lần đầu tiên. Bốn phi cơ nầy hầu như bay cách ngay phía trước chúng tôi 3 dặm, nhưng chúng tôi không hiểu có bị phát hiện hay chưa. Tôi quăng bình xăng phụ và gia tăng tốc lực, với hai đồng đội bay sát cánh bên phải. Tôi lướt dọc theo phi cơ cầm đầu nhóm và báo hiệu cho trung úy Sasai biết sự phát hiện địch của tôi, và yêu cầu bao che cho chúng tôi tấn công. Ông nắm tay đưa về phía trước. “ Tiến ! chúng tôi sẽ bao che cho anh.” Tuy nhiên chưa thấy động tĩnh của mấy chiếc Airacobra. May mắn cho chúng tôi, lúc ấy mặt trời chiếu thẳng vô phi cơ địch nên các phi công Mỹ không nhìn thấy chúng tôi bay đến. Phi cơ địch chia làm hai cặp, bay trước và bay sau, cách khoảng 300 thước.
Tôi để Honda bay phía sau và trên tôi, trong khi Yonekawa ít kinh nghiệm hơn bay ngay phía dưới tôi. Bây giờ, chúng tôi chỉ còn cách phi cơ địch 500 thước, chếch về bên trái một chút. Chúng tôi sẵn sàng đánh trong vài giây nữa. Nếu phi công địch vẫn bị mặt trời làm cho mù loà, chúng tôi có thể hạ gục họ trước khi họ kịp nhận ra chúng tôi.
Thay vì tiến sát lại chúi xuống để tấn công, chúng tôi hạ thấp và xoay trở lại thật ngặt.
Hai chiến đấu cơ địch bay sau chót bây giờ ở ngay trên đầu tôi, vẫn không biết có sự hiện diện của chúng tôi. Tôi nâng khoảng cách gần lại, rồi còn chừng 50 thước, tôi nghiêng thân và bấm cò đại bác, qui tất cả hoả lực vào thân phi cơ địch. Những mảnh kim khí vở ra và bay túa trên không, một giòng khói và lửa kéo thành vệt dài về phía sau.
Tôi quay các họng súng về phía chiếc P.39 thứ hai. Một lần nữa, những viên đạn soi thủng thân phi cơ, nổ bên trong và xé chiếc phi cơ thành từng mảnh.
Tôi lướt ra ngoài và xoay ngay lại, chuẩn bị khai hoả trực tiếp vào hai chiến đấu cơ dẫn đầu. Nhưng trận đánh đã kết thúc ! Cả hai chiếc P.39 lảo đảo chúi xuống mặt đất, kéo dài hai vệt lửa và khói dày đặc. Hai chiếc Zero theo tôi đã mau tay hơn tôi tưởng. Tôi nhìn thấy chiến đấu cơ của Hiroyoshi Nishizawa đang lấy đà vượt lên. Chiếc thứ hai hạ đối thủ với chỉ một viên đại bác, do Toshio Ota lái, vừa lấy lại thăng bằng sau khi lướt thẳng lên để trở lại đội hình như cũ.
Không ngờ trận đánh chấm dứt chỉ trong vòng năm giây, với bốn chiến đấu cơ trở thành bốn mảnh vụn trên mặt đất phía dưới kia. Điều đáng ghi nhận là cả hai phi công đồng đội vừa ghi điểm của tôi: Nishizawa, 23 tuổi và Ota chỉ mới 20 tuổi. Như đã nói trước đây, các phi công ở Lae đều là thành phần chọn lọc. Để lựa chọn, tài năng phi hành của họ phải vượt bực. Đa số chúng tôi đều là phi công kỳ cựu. Nishzawa và Ota chỉ là những người chân ướt chân ráo, cần phải học hỏi thêm nhiều, tuy nhiên họ sớm trở thành những phi công hàng đầu của phi đoàn Lae, hạ trên mười phi cơ địch. Chúng tôi thường bay chung với nhau, và được các phi công khác gọi là “ Bộ ba quét sạch ”.
Chương XI
Đồng Minh rót người và vật liệu vào pháo đài của họ ở hải cảng Moresby không ngừng nghỉ. Và Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhựt thúc giục chúng tôi đánh mạnh hơn, đánh nhiều hơn vào các phi trường, các chổ trú quân, và các cơ sở trên hải cảng càng lúc càng mọc lên như nấm của địch quân.
Vào ngày 17 tháng 4, tôi thực hiện một phi vụ hộ tống đầu tiên của tôi trên đất địch. Mười ba chiến đấu cơ Zero, thay vì sáu hoặc bảy chiếc như trước đây, bao che cho các oanh tạc cơ.
Với bảy chiến đấu cơ được cắt đặt bay sát cánh các oanh tạc cơ ở cao độ 16.000 bộ, và với nhóm sáu chiến đấu cơ của tôi bay thấp hơn 1.500 bộ, chúng tôi vượt qua dãy núi Owen Stanley. Moresby hiện ra trong tầm mắt. Thình lình bảy chiến đấu cơ bay chung nhóm các oanh tạc cơ phía trên túa ra, lập thành màn lưới bao che, xoay tròn phía trên các oanh tạc cơ. Nhiều chiến đấu cơ P.40 của địch chúi xuống từ một độ cao hơn để tấn công các oanh tạc cơ của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng bị phát hiện quá sớm, và vòng xoay của bảy chiến đấu cơ Zero nứt ra, đánh bật cú đấm của địch quân đang giáng xuống. Bảy oanh tạc cơ trở về vị trí cũ.
Ngay lập tức, súng cao xạ từ mặt đất bắn lên, sáu chiến đấu cơ chúng tôi lập tức phân tán và lộn nhào thật mau để tránh né một vòng rào hoả lực cao xạ thứ hai nổ phía trên, nhưng cách xa chúng tôi. Ngay khi chúng tôi trở lại đội hình, các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ hộ tống gia tăng tốc lực tối đa để vượt lên cao nữa. Nếu các oanh tạc cơ vẫn duy trì đường bay cũ loạt cao xạ thứ ba sẽ bắn trúng.
Các oanh tạc cơ của chúng tôi vượt qua phi trường Moresby và đang đảo chầm chậm để thả bom. Bây giờ mặt trời chiếu từ phía sau chúng tôi, và các chiến đấu cơ địch lại đang lướt đến. Tôi đảo lại, chĩa thẳng vào mũi dùi tấn công của đối phương. Năm chiến đấu cơ khác thuộc nhóm của tôi cũng đeo dính một bên. Nhưng chúng tôi không có cơ hội để khai hoả, các chiến đấu cơ địch lãng ra và phân tán. Chúng tôi quay trở lại vị trí hộ tống, nhưng chỉ có hai chiếc Zero theo tôi. Chiếc của Miyazaki và hai chiếc khác đã chui xuống phía dưới các oanh tạc cơ.
Tôi không có thời giờ để lo lắng cho ba chiếc phi cơ đó. Cao xạ địch đang cố gắng điều chỉnh tầm bắn, và một loạt đạn đã nổ cách phía dưới các oanh tạc cơ đang dội bom 1.500 bộ. Tuy nhiên, tất cả đều đã vượt qua, bụng đã trống rỗng, các oanh tạc cơ gia tăng tốc lực, giữa những tiếng nổ rền vang liên tục của súng cao xạ, và đảo về phía trái. Miyazaki đang bay cách phía dưới các oanh tạc cơ 1.500 bộ. Không có vô tuyến, tôi không thể nào gọi hắn trở lại vị trí, và chúng tôi không dám rời các oanh tạc cơ.
Chúng tôi bỏ Moresby và súng phòng không địch lại phía sau. Tôi thở ra nhẹ nhõm. Quá sớm! Khoảng một dặm phía trên chúng tôi, một chiến đấu cơ P.40 chúi xuống với tốc lực khủng khiếp. Nó xuống nhanh đến nỗi tôi không kịp nháy mắt. Giống như một tia chớp soi thẳng vào các oanh tạc cơ, cách tôi sáu trăm thước.
Và tôi không hiểu làm cách nào mà chiếc P.40 nầy lọt qua khỏi khoảng trống chỉ một vài thước giữa hai oanh tạc cơ thứ ba và thứ tư. Chuyện khó thể tin nỗi, nhưng mà nó đã xảy ra. Với những họng súng rực lửa, sau khi lọt qua nhóm oanh tạc cơ xong, chiếc P.40 rót tất cả vào chiếc phi cơ của Miyazaki. Tức khắc, chiếc Zero biến thành ngọn đuốc. Và vẫn với tốc lực khủng khiếp, chiếc P.40 biến mất phía dưới chúng tôi. Phi cơ của Miyazaki rơi xuống chầm chậm, rồi lửa loé sáng và một tiếng nổ xé nát ra. Chúng tôi không nhìn thấy một mảnh kim khí nào rơi xuống. Mọi việc xảy ra trong vòng ba bốn giây. Chúng tôi vẫn tiếp tục bay. Đến Buna, các chiến đấu cơ chúng tôi tách ra, chấm dứt vai trò hộ tống và quay về Lae.
Cái chết của Miyazaki là một bài học đau đớn cho tất cả chúng tôi. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tôi vẫn khăng khăng cho rằng sự khéo léo cá nhân của các phi công Nhựt là ưu thế có tánh cách quyết định trước phi công đối phương. Công cuộc huấn luyện của chúng tôi, dĩ nhiên là trước chiến tranh, tỉ mỉ hơn bất kì quốc gia nào khác. Đối với chúng tôi, bay có nghĩa là mọi thứ, chúng tôi không tiếc bất kì nổ lực nào nhằm học hỏi thấu đáo mọi phương diện về không chiến. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc không chiến của Đệ Nhị Thế Chiến, khéo léo cá nhân chưa đủ bảo đảm sự tồn tại mãi mãi, ngoại trừ các cuộc không chiến tay đôi. Thất bại to tát nhứt trong các cuộc không chiến của chúng tôi là do chúng tôi thiếu tinh thần đồng đội. Một tinh thần mà người Mỹ đã phát triển không ngừng trong suốt cuộc chiến.
Sau cái chết của Miyazaki, bảy oanh tạc cơ B.26 tấn công Lae. May mắn thay, chúng tôi được báo trước và 9 chiến đấu cơ Zero được tung lên không, đón các oanh tạc cơ địch chỉ ở cao độ 1.500 bộ. Trận quần thảo giữa phi công chúng tôi với bảy chiếc Maurader kéo dài một tiếng đồng hồ đầy gian nan vất vã. Cuối cùng chỉ một oanh tạc cơ địch bị bắn rơi và một chiếc bỏ chạy với thương tích. Đó là trận không chiến vụng về nhứt, chưa từng thấy trong đời tôi. Chín chiếc Zero thiếu tổ chức. Thay vì liền tay tấn công một hoặc hai phi cơ địch, và xử dụng hoả lực của số đông để cắt bảy chiếc B.26 ra từng phần, các phi công của chúng tôi áp hết vào để đánh. Không có chiếc phi cơ nào của chúng tôi đụng chạm hoặc bắn hạ lẫn nhau cũng là một điều đáng lấy làm lạ.
Khi đáp xuống, cơn giận của tôi bùng nổ. Tôi nhảy ra khỏi phòng lái, hấp tấp bước đến các phi công đã tụ hợp trên mặt đất. Tôi chửi sự ngu ngốc của họ, vạch ra từng điểm sai lầm của mọi người và nhấn mạnh rằng chỉ có phép lạ mới khiến họ sống sót được. Từ đó trở về sau, mỗi đêm chúng tôi đều hội họp để chỉnh đốn lại tinh thần đồng đội của chúng tôi. Vào ngày 23 tháng tư, Nishizawa, Ota và tôi thực hiện một phi vụ thám thính Kairuku, một căn cứ mới của đối phương ở phía Bắc Moresby. Mặc dù chỉ được lịnh thám thính, chúng tôi cũng đã bắn cháy nhiều vận tải cơ địch trên phi đạo.
Báo cáo của chúng tôi đưa đến một cuộc tấn công với 15 phi cơ vào ngày hôm sau. Chúng tôi sà xuống sáu chiếc oanh tạc cơ B.26, 15 chiến đấu cơ P.40 và 1 chiếc P.39. Con số hủy diệt chính xác của chúng tôi là hai oanh tạc cơ và sáu chiếc P.40. Sau trận không chiến đơn phương, chúng tôi thẳng đường đến Moresby, bắn phá và đốt cháy một chiến hạm đang buông neo. Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại Moresby. Mặc dù thiệt hại nặng nề vào ngày hôm trước, địch quân vẫn đề kháng dữ dội. Bảy chiến đấu cơ P.40 thách thức 15 chiến đấu cơ của chúng tôi. Trước khi cuộc không chiến dữ dội thực sự kết thúc, sáu chiến đấu cơ địch đã chúi về phía Đông trong lửa đỏ. Chúng tôi bảo toàn lực lượng, và sau khi bầu trời được dọn sạch, chúng tôi bắt đầu xạ kích Moresby và Kairuku, đốt cháy 5 chiếc B.26 và 2 chiếc P.40.
Hiển nhiên cố gắng của tôi trong việc cải thiện tinh thần đồng đội khi chiến đấu cơ đã đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, tôi phải chịu thiệt thòi, vì sau hai trận đánh liên tiếp, các phi công khác đều ghi nhiều điểm trong khi tôi trở về với hai bàn tay trắng. Và trận không chiến kế tiếp vào ngày 26 cũng vậy, tôi không hạ được một phi cơ nào, mặc dù có ba trong số bảy chiếc P.40 bị bắn rơi. Ngày 29 tháng tư là sinh nhật của Thiên Hoàng Hirohito. Vị chỉ huy trưởng của chúng tôi tổ chức một buổi lễ khiên tốn để mừng ngày đặt biệt nầy. Mấy anh lính biết nấu nướng đều tiếp tay làm bếp và tận dụng tất cả đồ tiếp tế để chuẩn bị một bữa ăn sáng ngon nhứt. Vài ngày trước đó, Đồng Minh không hề đưa ra bất kì nổ lực nào nhằm tấn công Lae. Sự yên tĩnh nầy, cộng thêm với cảm giác thoải mái của chúng tôi ở hiện tại, chúng tôi lơ là với nhiệm vụ.

Khi chúng tôi chấm dứt bửa ăn sáng vào lúc 7 giờ sáng, tiếng thét của binh canh gác vang lên: “ Phi cơ địch!” Lập tức, một âm thanh hỗn loạn bùng vỡ, phá tan sự yên tĩnh của buổi sáng. Thùng, trống, mõ và tù và nổi lên inh ỏi, hệ thống báo hiệu không kích của chúng tôi.
Chúng tôi chạy ra phi đạo quá muộn. Những trái bom đã rơi xuống và đang nổ. Chúng tôi ngước mắt lên nhìn thấy mấy ông bạn cũ của chúng tôi, những chiếc oanh tạc cơ B.17. Ba chiếc tất cả, bay ở độ cao 20.000 bộ. Chỉ một vài trái bom được thả xuống, nhưng sự chính xác tôi chưa từng mục kích bao giờ. Năm chiến đấu cơ Zero nằm trên sân bay đang bao trùm trong lửa đỏ. Bốn chiếc khác hư hại nặng nề do mảnh bom gây ra. Riêng sáu chiếc ứng chiến chỉ còn năm chiếc bay được.
Ota và một phi công khác là hai người đầu tiên chạy ra phi cơ. Trong hai giây, họ cho phi cơ hoạt động và chạy ra phi đạo. Thành phần còn lại của chúng tôi bây giờ mới băng ra phi cơ, nhưng có cất cánh cũng đã trễ. Ba oanh tạc cơ B.17 và hai chiến đấu cơ Zero đã biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi. Thời gian trôi qua chậm chạp, chúng tôi chửi rủa mấy chiếc oanh tạc cơ không tiếc lời và nôn nóng chờ đợi Ota trở về. Một giờ sau, một chiếc Zero đáp xuống. Đó là Endo. Hắn giải thích: “Chúng tôi đánh ngay khi vượt lên. tôi quần thảo dữ dội với một chiếc oanh tạc cơ. Ota vồ một chiếc và vẫn còn khai hoả khi tôi hết đạn. Do đó, tôi phải trở về.”
Một giờ nữa trôi qua, Ota vẫn chưa thấy về. Chúng tôi lo âu. Ota, bạn của tất cả chúng tôi, hiện thời đơn độc quần thảo với ít nhất hai chiếc oanh tạc cơ có võ trang mạnh mẽ. Endo trở nên bồn chồn, và càu nhàu về việc phải rời bỏ Ota vì hết đạn.
Mười lăm phút nữa trôi qua, thế rồi đại úy Saito thò đầu vô bộ chỉ huy và vui vẻ nói lớn: “ Ê! Hắn an toàn! Ota vừa gọi từ Salamaua. Hắn hạ được một pháo đài bay. Hắn phải đáp xuống để lấy xăng và sẽ trở về ngay.”
Tin tức phấn khởi! Nhưng công việc vẫn chưa xong. Sáu phi công, bao gồm Nishizawa và tôi, được chọn để trở lại Moresby “mừng ngày sinh nhật của Thiên Hoàng”. Chúng tôi cảm thấy phi vụ với 16 chiếc Zero có lẻ tốt hơn, nhưng hiện thời chỉ có 6 chiếc của chúng tôi còn trong tình trạng chiến đấu. Chắc chắn đối phương đã đoán được một trận phục thù cuộc oanh tạc vừa qua của chúng tôi. Để tránh chui đầu vô hoả lực phòng không đang chờ đợi chúng tôi vượt qua đỉnh núi Owen Stanley ở cao độ 16.000 bộ. Và rồi thay vì tiếp tục hướng đến Moresby ở cao độ nầy, chúng tôi chúi xuống thật thấp, bay theo đội hình tam giác căng rộng. Sau đó chúng tôi vượt lên thật cao rồi chúi thẳng xuống căn cứ không quân địch. Không một ai đoán nổi chúng tôi tấn công theo lối mới nầy.
Hàng chục nhân viên bảo trì địch đang quay quần bên những chiếc oanh tạc cơ và chiến đấu cơ, hình như đều sẵn sàng cất cánh. Chúng giống như những con vịt nằm phơi lưng. Chúng tôi quét đại liên và đại bác xuống sân bay. Tôi có thể nhìn thấy nhiều người ngước nhìn lên với dáng vẻ đầy kinh ngạc, như không tin nổi vào đôi mắt của họ.
Nhát chổi đầu tiên có hiệu quả. Không một họng súng nào kịp khai hoả. Ở cuối đường bay, với các pháo đội phòng không vẫn im lặng trong sự sửng sốt, chúng tôi quay lại thật gấp và tức khắc bổ nhào xuống làm ăn nữa. Quang cảnh dưới mắt thật tuyệt diệu. Ba chiến đấu cơ và một oanh tạc cơ đang bốc cháy dữ dội. Lần nầy chúng tôi quét trên một dãy phi cơ khác, xếp thành một hàng dài gọn ghẻ ngay ngắn. Bốn oanh tạc cơ và chiến đấu cơ trúng đạn, tuy nhiên không cháy. Người trên sân bay bây giờ chạy hổn loạn, và có hơn một chục xác nằm bất động vì lảnh đạn của chúng tôi. Chúng tôi “làm ăn” ba lần tất cả và sau đó dông tuốt. Khi đã bay xa rồi, chúng tôi mới nghe khẩu cao xạ đầu tiên lên tiếng.
Nhưng vào lúc 5 giờ 30 sáng hôm sau, đối phương trả lễ chúng tôi bằng một cuộc viếng thăm của ba chiếc Maurader, đến mau và thấp, không cao hơn 600 bộ. Mặt đất như vỡ tung khi ba oanh tạc cơ B.26 trút bom xuống ngay phi đạo. Lúc khói đã tan, chúng tôi nhìn thấy năm trong số các chiến đấu cơ ứng chiến của chúng tôi lướt lên không trung. Tuy nhiên, khi năm chiến đấu cơ nầy vừa cất cánh được, các oanh tạc cơ đã quay lại và trút bom một lần nữa. Tiếng nổ vang dội trước khi các chiến đấu cơ có thể tiến sát đến các oanh tạc cơ. Nhưng đối phương đã kịp thời kiếu từ, biến mất vào ánh bình minh đang lên. Chuyến kiếm ăn khá khiển: một chiếc Zero bốc cháy và một chiếc khác vỡ tan. Bốn chiến đấu cơ và một oanh tạc cơ khác lổ chổ dấu đạn và miểng bom.
Trong nhiều ngày kế tiếp, nhịp độ của trận chiến trên không gia tăng dữ dội. Mười hai chiến đấu cơ P.39 thực hiện một cuộc viếng thăm Lae thật đẹp mắt, với chín oanh tạc cơ của chúng tôi hư hại nặng nề. Chúng tôi nhảy lên vồ khi đối thủ rút lui, và kéo 2 chiếc P.39 xuống đất mà không thiệt mất một chiếc Zero nào. Nhưng một lần nữa cả tôi lẫn Nishizawa đều đáp xuống với hai tay không. Nỗi rầu rĩ của tôi được khuây khoả vào ngày hôm sau, khi chín phi công chúng tôi trở lại Moresby. Chín chiếc P.39 chờ sẵn chúng tôi trên không phận phi trường địch. Một mình tôi hạ cả ba chiếc trong vòng 15 giây. Sáu chiếc khác bỏ chạy mau đến nỗi các chiến đấu cơ khác của chúng tôi không sao chụp kịp.
Trở về phi trường Lae, các chuyên viên cơ khí của tôi đã kinh ngạc khi nhận thấy tôi chỉ bắn có 610 viên đạn trong trận không chiến ngày hôm đó. Trung bình mỗi phi cơ địch nhận hơn hai trăm viên.
Ngày hôm sau, 2 tháng 5, chúng tôi quày trở lại Moresby nữa, với một lực lượng gồm tám chiếc Zero. Lần nầy, mười ba chiến đấu cơ P.39 và P.40 bay chầm chậm ở cao độ 18.000 bộ chờ đón chúng tôi. Nishizawa phát hiện địch đầu tiên và khai hoả. Trước khi phi cơ địch nhìn thấy chúng tôi và lộn nhào để tránh né, bảy chiếc đã rơi xuống như cây đuốc. Trong ngày nầy, chúng tôi “bỏ túi” đến tám chiếc P.39 và P.40. Riêng tôi được hai chiếc và Nishizawa được ba chiếc.
Vào ngày 7 tháng 5, sau nhiều ngày ngơi nghỉ, bốn chiến đấu cơ được lịnh thực hiện phi vụ thám thính ở Moresby. Mỗi người chúng tôi đều la lớn một cách vui vẻ khi nhận ra đồng đội của mình trong phi vụ nầy. Cả bốn chúng tôi đều là các phi công chiến đấu cơ điểm thắng của phi đoàn. Tôi đã hạ được 22 phi cơ địch, Nishizawa 13. Ota 11 và Takatsuka 9. Tôi hy vọng hôm nay làm ăn lớn. Khi chúng tôi lượn vòng trên không phận Moresby, Nishizawa lắc cánh báo hiệu và chỉ mười chiến đấu cơ địch trong đội hình hàng dọc, từ ngoài biển hướng đến chúng tôi, cao hơn nhóm phi cơ chúng tôi khoảng 2.000 bộ. Nishizawa và Ota lập thành mũi dùi, với Takatsuka và tôi bay ngay phía sau, thấp hơn chút ít. Bốn chiếc P.40 tách rời khỏi đội hình và bổ nhào xuống.
Tức khắc, bốn chiến đấu cơ Zero hướng mũi lên gần như thẳng đứng thay vì lộn nhào để né tránh và phân tán như phi công địch hy vọng. Chiếc P.40 đầu tiên vội vã vượt lên trong một vòng xoay trôn ốc, cố thoát khỏi cái bẩy do chính nó giăng ra. Bụng phi cơ địch lấp loáng trước mắt tôi. Nhanh như chớp, tôi thảy ngay một loạt đạn đại bác. Cánh chiếc P.40 đứt lìa. Tôi lấy lại thăng bằng và nhìn thấy mỗi chiếc Zero đánh bật một chiếc P.40 ra. Tất cả đều biến thành cây đuốc. Sáu chiến đấu cơ địch còn lại đang ở trên chúng tôi. Chúng tôi phân tán qua phải và trái, vượt lên trong những vòng xoay hình trôn ốc, và lấy thăng bằng theo hình vòng cung, đồng thời các khẩu đại bác đều hoạt động. Thân ba chiếc P.40 tan rã hoặc bốc cháy. Ba chiếc còn lại chúi mũi xuống và chạy luôn.
Vào ngày 8 và 9 tháng Năm. Tôi tiêu diệt thêm hai chiến đấu cơ địch nữa, một chiếc P.39 và một chiếc P.40. qua những nhát chổi kế tiếp trên không phận Moresby. Vào ngày 10, tôi lại bắn rơi một chiếc P.39 với thành tích tiêu thụ đạn ít nhất, chỉ bốn quả đại bác, trong một phi vụ trên biển San Hô với Honda và Yonekawa.
(còn tiếp)

No comments: