Monday, October 19, 2009

Samurai! Những trận không chiến... Chương XVI-XIX



CHƯƠNG XVI

Tôi hồi tĩnh, ngước nhìn bầu trời. Thân thể tôi hình như đong đưa. Tôi xoay lại, nhận ra Sasai và Nakajima. Hai sỹ quan đã leo lên cánh phi cơ và đang khiêng tôi xuống. Tiếng nói lớn của Nishizawa vang lên trong những tiếng thì thầm của đám đông tụ họp. “Kêu một chiếc xe, mau lên!” hắn nạt nộ mấy tên chạy việc. “Mau lên! đến phòng hành quân, gọi điện cho y sỹ trưởng. Mau lên, mấy thằng chó đẻ nầy!”.
Tôi chưa thể vô bịnh viện ngay được. Tôi phải phúc trình với đại tá Saito trước khi làm bất cứ cái gì khác. Chúng tôi phải luôn luôn trình diện Bộ Chỉ Huy sau công tác. Những chi tiết báo cáo hoạt động trong ngày xoay chuyển trong đầu óc của tôi.
Tôi giơ tay mặt lên, ra dấu cho Sasai và Nakajima đặt tôi xuống. Tôi thì thào: “ Tôi phải báo cáo. Để tôi đi đến Bộ Chỉ Huy.” Nakajima nạt tôi: “Cần mẹ gì, việc đó thủng thẳng cũng được. Chúng tôi sẽ nói là đưa anh vô bịnh viện.”
Tôi khăng khăng và la lớn rằng tôi phải viết báo cáo. Nishizawa bước đến, và với Ota một bên, cả hai dìu tôi vô Bộ Chỉ Huy. Nishizawa càu nhàu luôn miệng. Tôi nhớ lại, tôi đã đứng một cách khó khăn trước mặt đại tá Saito, với đôi mắt của ông đang nhìn tôi bán tín bán nghi. Tôi suy nghĩ để nói, nhưng mọi vật bắt đầu nhuộm màu đen trở lại. Bỗng nhiên tôi muốn đi ngủ. Phải ngủ ! Tôi đang làm gì ở đây? Rồi tất cả chỉ là một màu đen thẫm.
Nishizawa và Ota lôi tôi ra xe (họ kể lại sau đó) đang đậu ở bên ngoài Bộ Chỉ Huy. Nishizawa nhảy lên xe lái như giông như gió đến bịnh viện. Sasai và Ota ngồi vịn tôi ở băng sau.
Vị y sỹ trưởng đang chờ tôi trong phòng cấp cứu. Ông cắt bộ quân phục đã te tua của tôi ra và bắt đầu may ngay các vết thương của tôi. Qua giấc ngủ, tôi cảm thấy đau đớn từng chập mỗi khi vết dao cắt vào da đầu của tôi. (Ông đã cất hai viên đạn đại liên 50 để đưa cho tôi coi sau đó). Tôi cảm giác có một con dao sắc bén nạo trên xương sọ của tôi.
Tôi tĩnh hẳn hầu như ngay khi cuộc giải phẩu vừa xong. Tôi nhìn lên khi viên bác sỹ cúi xuống. Đôi mắt của tôi! Tôi nhớ lại đôi mắt của tôi. Thình lình những nỗi sợ hãi phủ chụp lấy tôi. “Mắt của tôi!” Tôi la lớn, “Mắt của tôi ra sao, bác sỹ ?”
“Anh bị thương trầm trọng”, ông ta đáp. “Ở đây tôi không thể nào chữa trị được.” Ông nhìn ngay tôi và tiếp. “Phải gởi anh về Nhật Bản để một chuyên viên nhãn khoa chữa trị cho anh.” Một cảm giác bi thương tràn ngập hồn tôi. Tôi lo sợ con mắt phải của tôi. Phía nầy tôi không thể nhìn thấy gì cả. Ý nghĩ đui mù làm tôi khủng khiếp. Đời một phi công chiến đấu kể như tàn đời rồi. Tôi phải bay; tôi phải bay chiến đấu cơ trở lại !
Bốn ngày trôi qua trì trệ trong bịnh viện với những lần vải băng quấn khắp thân thể tôi. Bác sỹ lấy ra bốn mảnh kim khí ghim trong thịt cũng như nhiều miếng sắt trên đôi má của tôi. Đến ngày thứ tư tôi cảm thấy chân và tay trái cử động được chút ít. Vết thương ở cánh tay mặt và ở đầu thối rửa, do khí hậu quá ẩm thấp của miền nhiệt đới, và mắt phải tôi vẫn còn mù.
Trong lúc đó, những nhát chổi chiến đấu cơ và các cuộc không tập của oanh tạc cơ ở Guadalcanal không ngưng nghỉ. Mỗi ngày tôi đều nghe tiếng gầm thét của phi cơ cất cánh và hạ cánh xuống phi đạo. Rabaul có nhiều khách viếng thăm mỗi ngày, những chiếc pháo đài bay. Chúng đến tấn công hai phi trường ở đây từ trên cao độ. Mỗi lần oanh tạc cơ địch xuất hiện, tôi và các bịnh nhân khác đều được mang xuống hầm trú ẩn.
Mỗi đêm Sasai và Nakajima đều đến thăm tôi. Họ đồng ý rằng tôi nên trở về Nhựt. Theo họ, chỉ có khí hậu điều hoà ở quê hương và một chuyên viên nhãn khoa tài ba mới có thể chữa lành mắt của tôi. Tôi từ chối trở về xứ. Tôi nhấn mạnh rằng bệnh tình của tôi có thể chữa trị ngay ở Rabaul, và tôi có thể bay trở lại trong vòng một vài tuần.
Khó thể giải thích sự ngần ngừ của tôi rời khỏi địa ngục Rabaul. Tôi chỉ ý thức rằng ở hiện tại, tôi như bị bao vây bởi viễn ảnh đầy bi thãm: cuộc đời ph của tôi chấm dứt. Cũng vẫn còn vấn đề thể diện. Tôi cảm thấy bao lâu tôi còn ở Rabaul tôi vẫn còn giữ thể diện. Ngay nếu tôi không bay lại được, tôi cũng có thể giúp đỡ những phi công mới vô nghề. Tôi có thể khuyên họ tránh những sai lầm có thể đưa đến cái chết của họ. Tất cả những lý do đó trộn lẫn thành một. Chuyến trở về Nhật Bản của tôi có nghĩa là tôi sẽ nhận lãnh sự phán xét cuối cùng bởi một chuyên viên nhãn khoa, và tôi sợ phát điên lên khi được nghe sự thật.
Vấn đề nầy kết thúc vào sáng ngày 11 tháng Tám, khi đại tá Saito, chỉ huy trưởng căn cứ Lae, bước đến cạnh giường tôi. Sự tử tế mà ông ta dành cho tôi đã hết mức, và nó cũng bằng với sự cứng rắn của ông ta.
“ Tôi thông cảm với anh, Sakai”, ông nói, “nhưng tôi đã đắn đo suy xét. Anh sẽ được gởi về Nhật, và vô bịnh viện hải quân Yokosuka. Đây là lịnh của tôi. anh sẽ đáp vận tải cơ đi vào ngày mai. Vị bác sỹ ở đây đã cho tôi biết bịnh tình của anh chỉ hy vọng vào các bác sỹ ở Yokosuka mà thôi.”
Ông mỉm cười với tôi. “Chuyến trở về quê hương của anh sẽ khiến cho chúng tôi yên lòng nhiều hơn anh nữa. Tất cả chúng tôi đều biết anh sẽ được săn sóc thuốc men cẩn thận ở Nhựt.” Ông ta đứng dậy nhìn tôi trong giây lát rồi nghiêng mình xuống, đặt tay lên vai tôi. “ Đối với tất cả chúng tôi anh đã làm được một việc phi thường, Saburo,” ông dịu dàng nói. “Tất cả những ai đã từng biết anh, từng được bay chung và chiến đấu với anh, đều hãnh diện. Khi các vết thương của anh lành lặn, hãy trở lại đây với chúng tôi.” Thế rồi ông bước ra ngoài.
Đêm đó Sasai đến thăm tôi. Ông có vẻ mệt mõi sau phi vụ trong ngày ở Guadalcanal. Tôi cho ông biết tôi được lệnh về xứ ngày mai. Giây lát sau, tất cả bạn thân của tôi đều tụ họp trong phòng, bày ra môt buổi tiệc chia tay nho nhỏ. Không ai ca hát, không ai nói chuyện ồn ào hoặc đùa giỡn. Chúng tôi chuyện trò to nhỏ, hầu hết nói về Nhật Bản.
Nhưng người Mỹ có những ý kiến khác hơn đối với buổi tụ họp nho nhỏ của chúng tôi. Sự yên tĩnh của một đôi giờ chấm dứt với những bước chân dồn dập chạy vô các hầm trú ẩn. Tôi được một số phi công khiêng ra khỏi bịnh viện. Tôi nghiến răng xấu hổ và đắng cay với sự bất lực của mình. Đây chính là những người mà tôi từng cầm đầu trong khi chiến đấu, và bây giờ họ khiêng tôi đi, giống như một đứa trẻ mù loà, què quặt! Tôi muốn la hét và giựt hế những lần băng quấn quanh thân thể tôi. Nhưng tất cả những gì mà tôi có thể làm là nằm bất động với đôi mắt nhắm nghiền.
Sáng sớm hôm sau, tôi lê thân chầm chậm ra cầu tàu, một chiếc ca nô chờ đợi để đưa tôi ra một chiếc thuỷ phi cơ bỏ neo trên mặt nước.
Sasai siết chặt tay tôi. “ Tôi sẽ nhớ anh, Saburo. Anh không bao giờ biết được lòng tôi đối với anh.”
Hai giòng lệ chảy dài xuống đôi má tôi, tôi không thể nào cầm được. Tôi xúc động và chỉ có thể nắm chặt lấy tay Sasai.
Sasai rút tay lại, tháo vội dây nịt đang đeo và trao nó cho tôi. Tôi nhìn “ Con Cọp Gầm” khắc sắc sảo trên cái khoá. “ Saburo, sợi dây nịt nầy của ba tôi tặng. Một sợi cho tôi, một sợi cho anh rễ tôi. Anh rễ tôi đã chết. Tôi không mấy tin vào sự linh ứng của con cọp bằng bạc nầy, nhưng tôi muốn anh giữ và mang nó. Tôi hy vọng nó sẽ giúp anh trở lại đây với chúng tôi.”
Tôi từ chối, nhưng vô ích. Sasai bỏ sợi dây nịt vô túi cỉa tôi, rồi nắm lấy tay tôi. “Tôi sẽ gặp anh trở lại, Saburo. Đừng nói lời từ biệt ! chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau, tôi hy vọng.”
Ông dìu tôi xuống ca nô. Một phút sau nó lướt sóng hướng đến chiếc thuỷ phi cơ đang chờ đợi. Nishizawa, Ota, Yonekawa, Hatori, Nakajima và tất cả bạn bè khác của tôi vẩy tay trên cầu tàu. Họ la lớn dặn tôi sớm trở lại để bay với họ.
Giây lát sau, hình ảnh họ mờ mờ. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một vài thước với con mắt trái. Tôi đứng thật thẳng trên ca nô, giơ tay mặt lên, lúc bóng hình của mọi người biến mất. Thế rồi tôi la thật lớn, giống như một đứa trẻ.
Trong chiếc thủy phi cơ có một vài hành khách khác. Một binh sỹ phục dịch được cắt đặt để săn sóc tôi trong chuyến đi, và nhiều thông tín viên chiến tranh. Chúng tôi ngừng lại ở Truk và Saipan để tái tiếp nhận nhiên liệu.
Tôi rời xa mảnh đất quê hương đã lâu. Tình trạng hiện thời của nước Nhật như thế nào, tôi không mảy may lưu tâm đến. Nhưng, tôi đã xúc động khi đặt chân lên Yokohama, một xúc động bất ngờ. Chiều ngày thứ bảy, chúng tôi đáp xuống hải phận Yokohama. Không muốn trình diện bịnh viện vào đêm đó, tôi đi bộ vô thành phố để đón xe tắc – xi đến nhà chú tôi ở phía Tây Tokyo.
Dân chúng ở đây tuyệt đối không để ý đến những gì thực sự xảy ra trong cuộc chiến. Tôi như từ cung trăng rớt xuống giữa đám đông rộn rịt, giữa ánh đèn sáng trưng. Tôi không thể nào tin được những âm thanh lọt vô tai tôi, âm thanh của muôn ngàn tiếng cười, tiếng nói vô tư lự. Có phải thật họ không biết những gì xảy ra ở Tây Nam Thái Bình Dương không?
Trên khắp đường phố, mỗi bản tin tức của đài phát thanh đều vang vang “Bước tiến của chiến hạm”, loan đi chi tiết các chiến thắng lừng lẫy của những trận hải chiến xảy ra quanh quần đảo Salomon. Tôi không nghe gì khác hơn là danh sách những tàu chiến Mỹ bị tiêu diệt, hàng nhiều trăm phi cơ bị bắn rơi.
Những đám người mặc quần áo mùa hè màu sặc sở dừng lại bên ngoài mấy cửa tiệm, hoặc đứng ở các góc phố để lắng nghe đài phát thanh huyênh hoang. Mỗi lần xướng ngôn viên đề cập đến một cuộc chiến bại quan trọng của địch quân, tiếng reo hò nổi lên vang dội khắp đường phố.
Quốc gia đã sat sưa trên những chiến thắng lừa dối. Khó thể tin rằng có một cuộc chiến tranh hủy diệt đang diễn tiến. Trong các cửa tiệm, tôi thấy có một số hàng hoá được phân chia theo khẩu phần, nhưng các nhu yếu phẩm có thể nói là phong phú.



Tôi muốn rời xa thành phố nầy tức khắc. Mọi thứ ở Lae và Rabaul hình như không thật. Có thể nào hai thế giới cách biệt nầy hiện hữu cùng một lúc không? Máu lửa, chết chóc và nổi hoan hỉ dành cho những chiến thắng tưởng tượng chỉ cách nhau mấy giờ bay ngắn ngủi?
Tôi kêu một chiếc taxi và cho địa chỉ của chú tôi. Xe chạy ngang qua Yokohama và vô thành phố Đông Kinh. Vài phút sau, một cảnh sát viên chận xe lại và cúi nhìn xuyên quan kiếng. Bộ quân phục của tôi lổ chổ vết máu và vết thương vẫn còn quấn băng. Hắn hỏi:
“ Anh làm sao vậy?”
“ Tôi vừa ở mặt trận về,” tôi đáp một cách chua chát.
Hắn kêu lên: “ Anh bị thương ở mặt trận! Mặt trận nào? Sao lại bị thương?”
“ Tôi là một phi công,” Tôi hắng giọng. “ Ở Guadalcanal. Tôi bị đạn trong lúc chiến đấu.”
“ Guadalcanal!” Đôi mắt của viên cảnh sát trẻ bừng sáng. “ Hôm nay tôi có nghe một số tin ở đó”. Tôi biết rằng chỉ ngày hôm qua đây, chúng ta đã nghiền nát hết bọn Mỹ. Đài phát thanh cho biết hải quân của chúng ta đánh chìm 5 tuần dương hạm, 10 quân vận hạm và mười khu trục hạm. Chắc chắn cảnh đó ngoạn mục lắm!”
Bao nhiêu đó quá lắm rồi!. “ Tôi rất tiếc, thưa trung sỹ,” tôi nói mau. “ Tôi phải đi gấp.” Tôi thét tên tài xế. “Chạy đi! Tức khắc!”.
Nhiều năm rồi, tôi lại mới bước vô nhà của chú tôi. Ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi. Tôi đứng bên lề đường nhiều phút, nhìn ngôi nhà, ánh đèn và nghe những âm thanh quen thuộc. Một cảm giác yên bình kỳ lạ bao trùm lấy tôi. Quá khứ thức dậy trong tôi, và tôi đã mở cánh cửa giống như tôi đã mở lúc còn nhỏ. Tôi cũng xử dụng những tiếng nói tôi thường la lên khi bước vô nhà, “ Cháu đây! Cháu về nhà rồi đây!” “Ai đó?” tiếng hỏi có vẻ giựt mình giọng lên từ nhà bếp. Tôi mĩm cười. Tiếng hỏi của thím tôi.
“ Cháu đây!” Tôi đáp.
Yên lặng giây lát. “ Cháu đây ! Saburo!”. Tôi nói lớn một cách vui vẻ.
Tiếng hỏi đầy sửng sốt của chú tôi vang dội khắp nhà:
“ Cái gì đó?” Rồi cả nhà chạy ùa ra hành lang.
Họ nhìn tôi trừng trừng cả một phút. Chú thím tôi, hai người em họ Hatsuyo và Michio của tôi, không ai thốt nên lời, đứng im sửng, miệng mở tròn trong nổi kinh ngạc. Tôi bình thản nhìn những người trước mặt khi đôi mắt của họ di chuyển xuống bộ quân phục và những lần vải băng hoen máu của tôi.
Chú tôi thì thào: “ Có phải cháu thật không, Saburo? Đây là Saburo, đây không phải là một hồn ma?” Ông chồm về phía trước, như sợ tôi tan biến.
“ Không! Không phải là hồn ma”. Tôi đáp “ Cháu thật đây mà. Cháu về nhà đây!”.
Thật giống như chết đi sống lại. Những trận đánh, chết chóc, thương tích, ấn tay vào cò súng, lộn nhào liên hồi để tránh né chiến đấu cơ địch truy đuổi, chui rút vô những hầm trú ẩn ngập bùn… tất cả không còn nữa, tất cả đã trở thành không thật, xa lắm rồi. Một thế giới âm u, giống như hồn ma mà chú tôi đã tưởng, không còn treo lơ lửng trên tôi nữa. Để tôi được ngồi trong căn nhà nầy một lần nữa, để lại nói chuyện với chú thím tôi, để lại nhìn Hatsuyo và Michio, để thoải mái. Để biết nơi đây không còn những trái bom đêm nay, không còn âm thanh gầm thét của oanh tạc cơ Maurader và Mitchell, không còn những tiếng nổ, những mảnh kim khí, những viên đạn chọc thủng vô tận phòng ngủ… Tôi cứ lắc lắc đầu trong nỗi hạnh phúc đầy kinh ngạc. Hầu như đã ba năm rồi, tôi mới trãi qua một đêm với gia đình nầy. Đó là đêm đầu tiên trong nhiều năm, tôi mới được ngủ một giấc đều đặn. Ngay cả mấy vết thương cũng không quấy rầy tôi.
Sáng hôm sau tôi đáp xe lửa đến Yokosuka. Đời sống hàng ngày của dân chúng trong thành phố nầy hình như còn rộn rịp hơn cả thành phố Yokohama vào ban đêm. Những người qua đường, nhứt là thiếu phụ và thiếu nữ, liếc mắt nhìn tôi, khẻ nhăn mặt và nhìn đi nơi khác. Tôi là một tên dơ bẩn, bê bết máu mủ, và phải, đó là sự thật, tôi là một hình ảnh đầy ghê tởm với đồng bào của tôi. Tôi bị ghét bỏ.
Ngay khi tôi trình diện bịnh viện Yokosuka, một nhân viên đưa tôi đến phòng của vị y sỹ trưởng. Tôi đã quên mất, hôm nay là Chúa nhật. Ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, y sỹ trưởng không làm việc vào ngày hôm nay. Nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy ông ta đích thân tiếp đón tôi.
Ông ta mĩm cười khi nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của tôi. “ Tôi có dặn thông báo cho tôi biết ngay khi anh đến,” ông ta giải thích. “ Tôi vừa từ bên chổ trú ngụ sang đây. Tôi có nhận một lá thư riêng của đại tá Saito, yêu cầu tôi cố gắng bằng mọi cách để chữa trị cho anh.”
Ông ta nhìn tôi một thoáng. “ Đại tá Saito đã kể rành mạch cho tôi biết những gì mà anh đã làm ở Thái Bình Dương. Tôi biết anh là một phi công hạ nhiều phi cơ địch hơn tất cả những phi công khác của Nhật Bản.”
Tôi gật đầu
“ Bây giờ tôi có thể hiểu rõ nỗi lo lắng của đại tá của anh. Đến đây”, ông ta nắm lấy tay tôi, “ chúng tôi sẽ bắt đầu khám anh ngay.”
Sau khi khám xong, ông ta đích thân đưa tôi xuống khu nhãn khoa. “ Tôi có nhờ một bác sỹ nhãn khoa tài nhứt của Nhật Bản chữa trị cho anh,” ông ta giải thích. “ Bác sỹ Sakano được nhập ngũ và hiện phục vụ trong hải quân với cấp bậc thiếu tá. Xứ sở của chúng ta chưa có y sỹ nhãn khoa nào tài giỏi hơn ông ta. Khi tôi được thơ của đại tá Saito, tôi đã báo cho bác sỹ Sakano chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay vào việc chữa trị ngay khi anh đến.”
Do đó, tôi đang đối diện với giây phút định mạng. Tôi sẽ sớm biết tôi có thể nhìn thấy, tôi có thể bay trở lại được hay không.
Bác sỹ Sakano khám cho tôi. Nhiều phút sau, ông đứng thẳng dậy, mặt lộ vẽ nghiêm trọng và chậm rãi nói:
“ Phải làm liền. Tôi phải điều trị cho anh tức khắc. Anh còn nhìn thấy được nữa hay không đều tùy thuộc những gì mà tôi sẽ làm trong một giờ kế đây.”
Ông ngừng lại. “ Sakai, tôi không thể sử dụng thuốc mê. Nếu anh muốn nhìn thấy, nếu anh muốn cứu ít ra là một con mắt của anh, anh phải chuẩn bị để chịu đựng tất cả sự đau đớn trong khi vẫn tĩnh,”
Tôi hơi choáng váng. Tôi lặng lẽ gật đầu, sợ ngay cả tiếng nói của mình.
Họ đặt tôi lên một chiếc gường cao, rồi nhiều nhân viên giúp việc lấy đai da và vải buộc ghịt chặt tôi xuống. Tôi không thể nhúc nhích tay chân. Đầu tôi cũng bị buột một sợi dây da để giữ chặt lại, và một co nữ y tá đã vỗ vỗ tay vào đầu để trấn an. Vị bác sỹ biểu tôi nhìn thẳng vào một ánh đèn đỏ chói treo trên trần nhà.
“ Nhìn đi, Sakai” ông dịu dàng nói. “ Nhìn đi. Đừng rời mắt khỏi ánh đèn đó. Đừng nháy mắt, đừng đảo mắt sang nơi khác. Hãy để ý lời tôi dặn! Anh có thể đui mù cả đời nếu anh không làm đúng theo lời tôi dặn.”
Khủng khiếp! Hơn cả khủng khiếp nữa, đó là một nỗi đau đớn chưa từng gặp phải trong đời tôi. Tôi luôn luôn tự coi mình có một khả năng chịu đựng đau đớn vô song. Tâm niệm trong Bushido đã dạy tôi sự kiên nhẫn, chịu đựng, dưới mọi tình trạng khó khắn nhất.
Nhưng mà lần nầy! Tôi phải nhìn ngọn đèn trừng trừng. Nhìn cho đến khi tôi chỉ thấy màu đỏ chói tràn ngập mọi vật, cho đến khi bàn tay của vị bác sỹ chìa ra, mờ mờ ảo ảo, với dụng cụ bằng sắt nhọn và sáng loáng tiến gần hơn, gần hơn, gần hơn nữa.
Tôi thét lớn. Nhiều lần, tôi thét như một tên điên với nỗi hấp hối đầy khủng khiếp. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa. Ước muốn được bay lại, được thấy lại bây giờ trở thành đồ bỏ đối với tôi. Đau chết được ! một lần tôi thét lên: “ Ngừng lại! Bỏ hết, miễn đừng đau thì thôi!” Tôi cố né tránh lưỡi dao. Tôi cố thoát khỏi mấy sợi dây. Chúng được buộc quá chặt. “ Im đi!” Vị bác sỹ la tôi. “ Anh phải cố chịu đựng chớ! Nếu không, anh sẽ đui mù! Đừng hét nữa!.”
Sự hành hạ kéo dài hơn ba mươi phút. Nó dài bằng cả một triệu năm đối với tôi. Nó kéo dài vô tận. Không công việc đã xong, tôi cử động một ngón tay cũng không nổi. Tôi nằm dài trên giường để thở, bất động. Vị y sỹ trưởng cúi xuống cố gắng để an ủi trong lúc ngực tôi nặng trĩu và tôi bật khóc nức nở.
Suốt một tháng tôi nằm miết trên giường bịnh. Tôi khổ sở. Đời sống vô nghĩa đối với tôi. tôi cứ nằm mơ thấy lại chuyến bay dài dằng dặt từ Guadalcanal trở về Rabaul của tôi.
Bác sỹ Sakano thường tới thăm bịnh tôi. “ Tôi đã cố gắng hết sức” ông nói với tôi, “ nhưng mắt bên mặt của anh sẽ không bao giờ hồi phục, anh chỉ có thể nhìn thấy những vật cách anh một hai thước. Riêng mắt trái của anh sẽ phục hồi hoàn toàn.
Lời nói của ông giống như lời nói của tử thần. Một phi công chiến đấu độc nhãn. Tôi cười một cách cay đắng lúc vị bác sỹ bước ra.
Vết thương trên đầu tôi lành lặn mau chóng. Bác sỹ cho phép tôi dạo quanh bệnh viện. Mỗi tuần tôi đều thỉnh cầu được xuất viện và được gởi lại Rabaul. Và mỗi tuần lời thỉnh cầu của tôi đều bị bác bỏ.
Cuối cùng, vị y sỹ trưởng có phản ứng khi thấy tôi cứ lảm nhãm nói mãi. Hiển nhiên là ông ta nổi giận. “ Tôi cho anh biết, Sakai, còn nhiều tháng nữa anh mới có thể nghỉ đến việc trở lại Rabaul. Lịnh dứt khoát của tôi. Anh phải dưỡng sức ít nhứt sáu tháng trước khi anh được chỉ định vào bất kì nhiệm vụ nào, ở quê hương hau ở hải ngoại.”
Tôi cảm thấy giống như kẻ trốn chạy, một tên đào thoát khỏi chiến trường. Tôi nghĩ để các phi công khác, nhứt là Nishizawa, Ota và Sasai, mỗi ngày họ đều lama trận. Ngay cả những tin tức liên quan đến cuộc chiến loan đi trên đài phát thanh, tôi cũng sợ nghe. Những tin tức nhắc nhở tôi nhớ đến Rabaul ấy.
Một hôm, tôi có thêm hai khách viếng ( ngoài cô em họ Hatsuyo đến thăm tôi mỗi cuối tuần). Đó là Fujiko và ba của nàng, giáo sư Niori. Hatsuyo đã viết thư báo tin cho họ. Khi gặp tôi, cả hai đều lộ vẻ lưu tâm đến thương tích của tôi. Tôi chỉ cho họ xem bốn vết thương của tôi và, một cách buồn rầu, tôi chỉ con mắt bên mặt. “ Con mắt nầu … con mắt nầy không thấy được nữa, và các bác sỹ nói tôi sẽ duy trì tình trạng nầy suốt đời.”
Fujiko sửng sốt. Tôi nhấn mạnh: “ Đó là sự thật. Tôi đã tàn tật. Mất một con mắt có nghĩa là chấm dứt cuộc đời phi công chiến đấu cơ của tôi.”
Giáo sư Niori chận hỏi: “ Như vậy … Anh sẽ giải ngũ sao?”
“ Dạ, thưa không, tôi không nghỉ như vậy,” tôi đáp. Nỗi cay đắng dâng lên trong tôi. “ Ở quê hương, giáo sư không thể nào hiểu được sức hút nhân lực của cuộc chiến nầy ra sao. Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ được buông tha. Hải quân sẽ tìm cách sử dụng tôi cho bằng được, làm huấn luyện viên hoặc một nhiệm vụ nào đó ở Bộ Chỉ Huy trên mặt đất chẳng hạn.”
Một thoáng im lặng. Nó cho đủ thời gian để nghĩ đến cuộc hành trình xa hơn 500 dặm của họ từ Tokushima đến đây để thăm tôi.
Fujiko muốn nói với tôi nhưng không thốt nên lời. Cuối cùng nàng quay mau về phía ba nàng và kêu lên: “Ba!”
Ông Niori gật đầu và hằng giọng. “ Anh nghĩ khi nào được tái bổ nhiệm?” ông hỏi, mắt nhìn thẳng vào tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xúc tiến việc hôn nhân … việc nầy dĩ nhiên, nếu anh bằng lòng, Saburo!”
“ Giáo sư … muốn nói gì?” Tôi thản thốt. “ Tôi không thể tin câu nói của giáo sư. Xúc tiến hôn nhân ?” Đầu óc tôi quay cuồng!
“ Saburo, anh hãy tha thứ cho tôi,” ông Niori nói: “ Tôi biết đem việc nầy ra nói với anh thật là đường đột.”
Ông đứng thẳng lên và nói tiếp một cách nghiêm trang. “ Saburo, anh có chấp nhận con gái của tôi, Fujiko, làm bạn đời của anh không?”
Những tiếng nói ấy giống như những tiếng chuông vang dội trong không gian. Fujiko nhìn tôi với đôi mắt mở tròn, rồi bẻn lẻn cúi đầu nhìn xuống chân.
Tôi tránh nhìn nàng, tôi nhìn đâm đâm vào vách. Chính tấm vách đó, bao ngày tôi đã nhìn đâm đâm trong nỗi tuyệt vọng.
Cuối cùng, tôi ngần ngừ mất lượt rồi nói:
“ Giáo sư Niori, tôi … Dạ thưa, tôi rất lấy làm vinh hạnh khi nghe những lời giáo sư vừa nói. Nhưng …” tôi xúc động và cố dằn nước mắt. “ Tôi, tôi không thể … nhận lời đề nghị của giáo sư.”
Xong rồi! Tiếng nói của tôi đã thoát ra. Tôi đã nói được điều tôi muốn nói.
“ Hả?” Giọng ông đầy nghi ngờ. “ Anh… anh đã có ý trung nhân?”
“ Không! Dạ thưa không! Ngay cả nghĩ đến một người khác cũng không. Tôi không nhận lời vì một lý do hoàn toàn khác hẳn. Giáo sư Niori, tôi không thể nào nói tiếng “ bằng lòng”. Không thể được! Giáo sư hãy nhìn tôi! Tôi không xứng đáng với cô Fujiko. Giáo sư hãy nhìn con mắt của tôi.” Tôi kêu lên: “ Tôi đã đui một bên rồi!”.
Sự nhẹ nhõm toả khắp mặt ông. “ Ồ! Saburo, anh không cần phải tự hạ mình như vậy! Đừng tự làm khổ thân anh thêm nữa! Những vết thương của anh là những vết thương vinh dự, chúng không làm anh hổ thẹn. Anh không biết cả tư thế của anh nữa hay sao? Khắp nước Nhật hoan hô anh, ca tụng anh. Anh không hiểu rằng trong tư cách một phi công tài ba nhứt, vĩ đại nhứt của xứ sở chúng ta, anh đã trở thành một anh hùng dân tộc hay sao?”.
“ Giáo sư Niori, giáo sư chưa hiểu hết! Tôi chỉ nói với giáo sư sự thật, một sự thật mà chính giáo sư không thể nhìn thấy,” tôi nhấn mạnh. “ Không hề có sự khiêm tốn nào trong lời nói của tôi. Một vị anh hùng là cái gì không trường cửu. Người anh hùng như một đám mây trôi nổi. Và tôi không phải là một vị anh hùng. Tôi chỉ là một phi công, một phi công không thể nào bay được nữa. Tôi là một phi công nửa mù nửa sáng. Có gì ở tôi đáng ca ngợi đâu! Tôi hết xài rồi! Anh hùng, quả thật … giáo sư đã biết xứ sở của chúng ta không có anh hùng cá nhân.”
Ông Niori lặng yên trong giây lát. “ Có lẻ, tôi lầm lẫn phần nào,” ông tiếp. “Nhưng anh phải biết những gì tôi vừa nói không phải là yếu tố đưa đến sự quyết định của tôi. Nhà tôi và tôi đã “chọn” anh ngay lần gặp đầu tiên. Tôi hiểu biết những cảm nghĩ của anh, nhưng anh cũng phải hiểu biết một sự việc trên hết: Nhà tôi và tôi, cũng như Fujiko, tin tưởng anh là người duy nhất có thể mang đến hạnh phúc cho nó. Chúng tôi cũng hy vọng, cũng tin tưởng rằng con gái chúng tôi sẽ mang đến hạnh phúc cho anh.”
Tôi cảm thấy tim tôi hầu như tan vỡ. Có thể người đàn ông tốt lành và tuyệt diệu nầu không hiểu hết những gì tôi muốn nói? “ Làm sao giáo sư có thể xét đoán được một người chỉ qua một lần gặp gỡ?” Tôi nói.

“ Cả một đời của Fujiko, hạnh phúc của nàng, đâu có thể được đặt trên một lần gặp gỡ. Tôi không thể nào hiểu nổi lời đề nghị của giáo sư, cho dù tôi chưa từng gặp danh dự nào lớn hơn danh dự mà giáo sư đã mang đến cho tôi hôm nay.” Tôi lộ vẻ nóng nảy: “ Có nhiều người khác xứng hợp với Fujiko hơn. Hàng ngàn thanh niên học cao, tương lai đầy hứa hẹn. Thưa giáo sư, còn tôi, tôi có thể cung hiến cho ái nữ của giáo sư những gì? Những gì tôi có thể mang đến cho nàng? Một lần nữa, tôi xin giáo sư hãy nhìn tôi đi! Nhìn tôi đi! Tôi như vầy thì còn nói đến chuyện tương lai gì nữa?”


Fujiko không thể giữ yên lặng hơn được. Nàng ngẩn đầu lên và nhìn tôi đăm đăm. Tôi muốn trốn chạy khỏi căn phòng. “ Anh lầm rồi, Saburo,” nàng dịu dàng nói. “ Anh lầm rồi! Anh quá lưu tâm đến con mắt của anh! Anh đui hay không đối với em không thành vấn đề. Nếu cần, Saburo, nếu cần em có thể giúp đỡ anh.”
“ Cô lầm rồi, Fujiko,” Tôi đáp. “ Tôi biết cô can đảm, những gì cô thốt ra đều chân thật, nhưng hiện thời cô nói theo tình cảm. Cô không thể quyết định cả một đời dựa vào tình cảm đã qua rồi.”
“ Không, không” nàng vừa nói vừa lắc đầu. “ Anh không hiểu em. Đây không phải là tình cảm nhứt thời. Anh không biết rằng em đã nghĩ đến cuộc gặp mặt nầy từ nhiều tháng nay. Em đang nói những gì em ý thức rõ.”
Không tới đâu, nếu cứ tiếp tục nói qua nói lại như vậy. Tôi sợ một lúc nào đó tôi sẽ nhượng bộ.

“ Thưa giáo sư Niori và cô Fujiko,” tôi cố chứng tỏ sự cương quyết trong giọng nói, “ tôi không có ý định làm giảm giá trị của giáo sư và cô. Câu chuyện nầy không phải là vấn đề mặc cả. Tôi xin lập lại, thưa giáo sư, những lời đề nghị của giáo sư hôm nay là một vinh dự lớn mà tôi chưa bao giờ nhận được. Nhưng tôi không thể nhận lời đề nghị phi thường nầy. Tôi không thể nào nhận lấy danh dự kết hôn với ái nữ của giáo sư, bởi lẻ tôi không xứng đáng. Đó là lý do tại sao tôi phải từ chối.”
Dù cho Niori nói cách nào tôi cũng vẫn một mực từ chối. Fujiko không thể nào chịu đựng được nữa, nàng ngã vào tay cha và bật khóc. Tôi muốn tự sát để trả lại những gì mà tôi đã làm, sự đau buồn mà tôi đã gây cho nàng. Nhưng tôi biết hàng động của tôi không thích đáng, tôi đã xử sự như vậy chẳng qua là vì hạnh phúc của nàng. Cuộc hôn nhân có thể mang đến hạnh phúc bình thường ở hiện tại, nhưng những năm sau nầy kẻ chịu đựng buồn phiền sẽ là Fujiko.
Gần một giờ sau họ rời khỏi phòng tôi. Tôi không biết tôi đã đăm đăm nhìn theo họ bước ra cửa bao lâu. Cuối cùng, tôi quay vô phòng, buông thân rã rời trên giường. Đó là giờ phút buồn thảm nhứt trong đời tôi. Nhưng mà tôi có thể làm gì khác hơn? Một ngàn lần vẫn là một câu đáp đến với tôi: “ Không còn cách nào hơn”. Tôi đã gạt sang bên một vật tuyệt mỹ, chưa từng tiến đến tầm tay tôi bao giờ.
Hai ngày sau đó, Hatsuyo đến thăm tôi. Nàng không cười như thường lệ.
“ Tại sao anh có thể làm như vậy, Saburo?” Nàng hỏi ngay khi gặp tôi. “ Anh làm cho Fujiko đâu khổ quá nhiều”. Hatsuyo cho tôi biết, từ bịnh viện trở về, Fujiko đã khóc nức nở khi ghé thăm nàng ở Đông Kinh. Giáo sư Niori đã yêu cầu chú tôi và Hatsuyo hãy tìm cách thuyết phục tôi.
Hatsuyo nhìn tôi một cách giận dỗi. “ Saburo, họ nói anh đã từ chối, có lẽ tại vì anh không hài lòng những lời lẽ của họ. Ba em và em biết rõ gia đình đó lắm. Họ đều tốt cả. Tại sao anh làm như vậy?”.
“ Hatsuyo, em hiểu giùm anh”. Tôi van nàng. “ Em đã từng sống nhiều năm thơ ấu với anh, em và tất cả mọi người trong gia đình đều biết anh quá rõ. Anh không hối tiếc quyết định của anh, cho dù nó đã gây cho anh nhiều đau đớn. Anh thực sự tin rằng anh đã hàng động như vậy vì tương lai của Fujiko, và hạnh phúc của nàng.
Hatsuyo không đồng ý. “ Họ nói anh từ chối vì anh bị thương.”
“ Đó chỉ là một phần lý do. Anh đã yêu Fujiko ngay từ khi gặp nàng lần đầu. Tình yêu của anh đối với nàng càng lúc càng sâu đậm. Suốt những tháng dài dằng dặc ở Lae và Rabaul, đối với anh, Fujiko đã trở thành người đàn bà vĩnh cửu trong đời. Chắc em khó thể hiểu nổi được anh đã từ chối vì anh yêu nàng!”
“ Em không hiểu gì cả, Saburo!”
“ Suốt thời gian anh ở hải ngoại, suốt những tháng năm đầy mệt nhọc ở Thái Bình Dương, Fujiko không bao giờ rời khỏi tâm trí của anh. Có lẻ việc nầy không mấy tốt khi đem bàn với em, nhưng anh phải nói sự thật. Rabaul là một căn cứ quân sự quan trọng, lúc nào cũng có hơn 10.000 binh sỹ Nhựt đồn trú. Thêm vào đó, thỉnh thoảng có cả một sư đoàn bộ binh ghé tạt qua.
“ Em nghĩ thế nào khi những người đàn ông nầy xa nha, xa vợ của họ? Có nhiều gái điếm ở Rabaul, giống như ở đây Yokosuka. Khi được nghỉ phép ở Rabaul không phải tất cả, nhưng đa số phi công đều biết qua bọn gái điếm nầy. Riêng anh, anh không bao giờ dính dáng đến. Niềm kiêu hãnh của anh không cho phép anh dây dưa vớu bọn họ. Anh muốn giữ mình trong sạch cho Fujiko, chờ ngày anh có thể ngõ lời cầu hôn nàng.
“ Trước khi bị thương, anh đã nghĩ đến nàng trong tư cách một Sakai phi công tài ba, không hề biết sợ hãi, một người đàn ông kiêu hãnh của nàng. Nhưng mà hiện tại? Không!” Tôi lớn tiếng. “ Anh sẽ không cần đến lòng thương hại! Em nghĩ là anh có thể duy trì được lòng thương hại của Fujiko đối với anh không? Không bao giờ! Bây giờ em hiểu anh rồi chớ?”
Hatsuto nhìn ngay mắt tôi. “ Em hiểu anh, Saburo, em hiểu anh rất nhiều . Nhưng em không tránh khỏi buồn giùm cho Fujiko.”
“ Nàng sẽ hạnh phúc hơn. Nàng sẽ…”
Nhưng Hatsuyo chận lời tôi bằng cách choàng tay qua cổ tôi và kéo tôi đến gần. “ Tội nghiệp Saburo! Phải hy vọng … anh phải tin tưởng. Anh sẽ bay trở lại. Em biết anh sẽ được bay trở lại!”


CHƯƠNG XVII



Vào tháng Chín, tôi được chuyển đến bệnh viện hải quân Sasebo. Sự thay đổi nầy đã làm tôi hân hoan, tôi sẽ được gần nhà hơn, và tôi có thể gặp lại gia đình.
Bấy giờ mùa Hạ nóng bức đã trôi qua, và xe lửa lướt đi trong một bầu không khí ấm áp dễ chịu. Tôi mở rộng các cửa sổ, đẫm mình trong ánh mặt trời và gió dịu nhẹ của mùa Thu. Nước Nhựt chưa bao giờ đẹp hơn trước mắt tôi, với cảnh sắt mùa Thu trên núi, trên đồi, dáng vẻ êm đềm lạ lùng của vùng quê trôi qua. Màu cây xanh thẫm và màu hoa đỏ tía điểm tô dọc theo hai bên thiết lộ.
Ba giờ sau khi rời khỏi Yokosuka, Fujiyama đã ẩn hiện trong tầm mắt. Tôi nhìn ngắm một trong những hòn núi đẹp nhứt của nước Nhựt nầy không biết chán. Tuyết đã tan trên những con đường mòn chạy lượn cong trên đỉnh núi, thoạt ẩn thoạt hiện trong màu sương mù lấp loáng dưới ánh mặt trời, Phú Sĩ Sơn ( Fuji). Nó nhắc tôi nhớ lại Fujiko. Người ấy, quả thật, đã lấy tên núi nầy làm tên lót, nhưng hiện thời đối với tôi đã xa cách ngàn trùng.
Xứ sở êm ả và thanh bình. Chiến tranh không có ở đây, không có trong vòng hàng trăm nông trại, ruộng lúa nằm ngay ngắn, khoáng đạt và thịnh vượng dọc theo hai bên đường sắt. Chiến tranh đâu? Tôi chỉ nhìn thấy những gì mà trước kia tôi đã từng thấy, vả lại có phần đẹp đẽ hơn hồi tôi còn là một chàng thiếu niên.
Má tôi chờ đón tôi ở nhà ga Fukuoka. Nơi đây xe lửa chỉ dừng lại ngắn ngủi, và hành khách không được phép xuống xe. Tôi nghiêng thân hẳn ra ngoài cửa sổ để vẩy tay gọi má tôi. Thấy tôi, mặt má tôi rạng rỡ. Má tôi già hơn trước, và già đến nỗi ấy. Bây giờ má tôi chỉ trơ trọi một thân, mấy người con trai của bà đã ra đi hết rồi.
“ Con khoẻ mạnh!” Tôi la lớn. “ Con vẫn khoẻ mạnh, má! Đừng lo cho con.”
Xe lửa chuyển bánh. Má tôi đứng trên sân ga, đôi mắt nhoà lệ.
Các bác sỹ ở Sasebo lại ra lịnh cho tôi nằm dưỡng bịnh một tháng nữa. Thời gian trôi qua chậm chạp, nhưng cuối tuần lễ đầu tiên, tôi đã hoan hĩ vì có má tôi đến thăm với bánh quà mà tôi thích ăn hồi còn nhỏ. Tôi ngần ngại khi nói cho bà biết tôi đã đui ở mắt bên phải. Trước sự kinh ngạc của tôi, bà bình thãn nói: “ Có sao đâu, con vẫn là một con người, con trai của má.”
Bà đến thăm tôi mỗi cuối tuần. Gặp má tôi thường thật là thích thú, nhưng tôi xin bà đừng đến nữa. Bà đã lớn tuổi, đường xa mệt nhọc, vả lại di chuyển bằng xe lửa càng ngày càng trở nên khó khăn. Các toa xe đều chở đầy ấp dụng cụ chiến tranh, chổ dành cho hành khách bị hạn chế và rất tồi tệ.
Vào tháng 11 một biến cố xảy ra, mà nếu ở hoàn cảnh nào khác tôi sẽ coi đó là một trong những biến cố lớn nhứt của đời tôi. Nhưng ở hoàn cảnh hiện thời biến cố ấy ít có ý nghĩa. Bịnh viện nhận được lịnh thăng cấp Chuẩn úy cho tôi. Con đường dằng dặc khởi từ một tân binh thủy thủ, với kỷ luật tàn nhẫn và hình phạt liên miên, đã đến điểm cuối của nó. Từng bước một, tôi đã leo lên, và bây giờ phần thưởng đã đến tay. Đó là một chiến thắng hụt hẩng, nhưng có sự đền bù của nó. Với thân phận mới, tôi có thể hoàn tất thời gian dưỡng bịnh còn lại tại gia. Tôi chợp ngay lời đề nghị của vị bác sỹ và lập tức rời khỏi bệnh viện đến vùng ngoại ô Fukuoka, nơi má tôi đã đến chung sống với người chị và anh rễ của tôi.
Tháng kế đó là một tháng đầy tuyệt thú. Lần đầu tiên sau 10 năm, tôi được sống gần má tôi trọn 30 ngày. Hầu như mỗi ngày bà để hỏi tôi: “ Con nghĩ bao giờ chiến tranh sẽ hết, Saburo?”. Tôi biết bà nghĩ đến hai anh trai hiện đang chiến đấuở hải ngoại. Và mỗi lần bà hỏi, tôi chỉ biết nói sự thật: con không biết.
Rồi má tôi nhìn quanh, để chắc không có ai xung quanh, bà khẻ hỏi: “Saburo, nói cho má biết chúng ta có thắng thật không? Những điều họ nói có thật không?” Tôi chỉ có thể đáp: chúng ta phải thắng.
Vài tuần lễ sau khi tôi đến ở nhà người chị, một ông khách từ Đông Kinh đến viếng tôi. Một thông tín viên của nhựt báo Yomiuri Shimbun, một trong những nhựt báo lớn nhứt ở Nhật Bản. Thông tín viên nầy cho biết tờ báo của ông ta muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với phi công tài ba nhứt Nhật Bản, vì cả nước đều muốn đọc những lời nói của chính tôi về cuộc chiến ( Khi được gán cho danh hiệu phi công hạ nhiều phi cơ địch nhiều nhứt nước, tôi tự hỏi Ota, Nishizawa hiện thời đã hạ được bao nhiêu chiếc. Tôi chắc họ đã qua mặt tôi.)
Tôi không biết tôi có quyền đáp cuộc phỏng vấn nầy hay không. Tôi có thể phạm kỷ luật nếu tôi nói ra sự thật. Tôi gọi điện cho Sĩ Quan Hành Chánh ở Sasebo và trình bày vấn đề. Ông ta né tránh và nhấn mạnh rằng không có những qui định đặc biệt nào trong vấn đề nầy.
“ Tôi không quyền khuyến khích anh tiếp xúc với nhà báo,” ông ta kết luận. “Nhưng tôi phải nhắc anh nhớ rằng những lời nói của anh cần được cân nhắc cẩn thận, và anh phải chịu trách nhiệm những gì anh đã nói. Anh cũng phải luôn luôn nhớ rằng ở đây không tán thành mà cũng không ngăn chặn bất kì sỹ quan nào muốn trả lời một cuộc phỏng vấn của báo chí. Hãy cẩn trọng!”
Đó là một lời đáp chắc chắn có tánh cách phủ định. Tôi quay vô phòng và nói cho viên ký giả biết Thượng Cấp của tôi không hài lòng cuộc phỏng vấn mà ông ta yêu cầu. Nhưng ông ta không chịu bỏ cuộc một cách dễ dàng.
“ Tôi nghĩ việc nầy không có gì gây phiền phức cho ông”, hắn cãi. “ Tôi vượt bảy trăm dặm đường từ Đông Kinh đến đây chỉ để tiếp xúc với ông! Xin ông cho tôi hỏi một vài câu thôi! Năm phút là cùng!”
Tôi sớm biết tôi ngu! Khả năng vặn hỏi và mưu mô sắp xếp moi tim của thằng cha nầy qua cuộc phỏng vấn thật kì dị. “ Năm phút” của hắn trở thành ba ngày! Mỗi buổi sáng từ khách sạn trú ngụ, hắn lê thân đến nhà tôi ghi chép đủ thứ.
Hắn gợi tôi nói đủ chuyện. Những câu hỏi của hắn đều tránh đề cập đến chiến tranh, cho đến khi tôi khám phá ra rằng những câu chuyện liên quan đến chiến tranh. Hắn sớm nhận ngay niềm lạc quan đã mất hết trong tôi, và những phi công chúng tôi ở Rabaul, mặc dù đạt được nhiều thành quả, nhưng hiện thời đang tham dự vào một trận đánh gian nan ở Guadalcanal, và không nhận được một sự hợp tác nào của các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của Lục Quân Nhật Bản.
“ Chúng tôi cần nhiều chiến đấu cơ và những phi công kinh nghiệm hơn”, tôi nói với hắn trong lúc nổi nóng nhất thời. “ Mỗi chiến đấu cơ đều phải xem xét lại toàn diện sau 150 giờ bay. Ngay cả những phi cơ chưa bắn một phát súng nào và chưa bao giờ nhận một viên đạn nào của địch quân, cũng phải xem xét lại. Hiện thời chúng tôi không thể làm gì hơn được. Một chiếc Zero mang thương tích nhẹ, chúng tôi vẫn coi như còn trong tình trạng khả dụng và chỉ xem xét toàn thể sau 200 giờ bay.”
“ Ông hiểu rõ hậu quả như thế nào khi một phi công lâm trận với một chiếc phi cơ mà những dụng cụ kiểm soát không đáp ứng mọi đòi hỏi? Chỉ những phi công tài ba nhứt mới mong tồn tại sau khi lâm trận với loại phi cơ như vậy. Nếu những phi công chân ướt chân ráo, được gởi ra hải ngoại để thay thế, họ không có được các căn bản của những phi công mà tôi đã từng bay chung, lúc đó có trời mới giúp được họ sống sót mà thôi. Những phi công hải quân Hoa Kỳ mà chúng tôi đã từng đụng độ ở Guadalcanal là những phi công tài ba, và chiến pháp của họ siêu đẳng chưa từng thấy. Phi cơ của họ thì khỏi nói rồi.”
Ông thông tín viên hài lòng hơn nữa. Hắn không thể nào che dấu sự phấn khởi , ngõ lời cảm ơn rối rít và từ giã tôi. Tuy nhiên, sau đó tôi mới nhận thấy mình đã vấp phải một sai lầm quan trọng, khi đem nói hết mọi chuyện với hắn.
Một tuần sau đó, tôi trở lại bệnh viện Sasebo, và ghi tên xin tái khám tổng quát lần cuối cùng. Lần nầy sẽ quyết định việc bổ nhiệm trở lại của tôi. Lời xin được chấp nhận và tôi được sắp xếp một chiếc giường trong bịnh viện để ngủ cho đến khi cuộc khám bịnh nhiều ngày hoàn tất.



Sáng sớm hôm sau, tôi được gọi đến phòng hành chánh của Bộ Tư Lệnh Sasebo. Gương mặt của vị đại tá đỏ gay vì giận dữ.
“ Chuẩn úy Sakai,” ông hét lên “ anh là một thằng ngốc! Tôi vừa nhận được một công điện của Tổng Hành Dinh hải quân ở Đông Kinh, cho biết họ đã cấm đăng toàn thể bài phỏng vấn anh của báo Yomuiri Shimbun. Đi nói hết những chuyện mà anh đã làm, anh có điện không?
“ Đông Kinh đã khiển trách tôi nặng nề, với lý do thiếu kiểm soát thuộc cấp. Tôi sẽ không để cho chuyện ngu dại nầy xảy ra nữa. Bây giờ tôi nói cho anh biết, anh không hở một tiếng nào về nhiệm vụ chiến đấu của anh kà không hỏi ý trước với sỹ quan tâm lý chiến. Anh hiểu chớ? Lập lại sự dại dột nầy, không chỉ một mình anh mà chính tôi cũng phải ra toà án quân sự!”
Tôi biết hoàn toàn! Tôi bị bịt miệng, nhưng tôi thông cảm cái thế của ông ta. Đơn giản hơn hết, Sakai, hãy ngậm miệng của mầy lại.
Tôi quay về bệnh viện, gậm nhấm những lời trách mắng vừa nhận lãnh.
Có người gọi tên tôi. Một binh sĩ chạy việc đứng nghiêm ở cửa chào tôi. “ Gì đó?” tôi vội hỏi.
“ Dạ thưa, chuẩn úy có một ông khách. Một phi công hải quân lớn con, đang chờ chuẩn úy ở phòng khách. Hình như ông ta nói tên là Nishizawa.”
“ Hả?” Tôi lớn tiếng “ Nishizawa, có thật hắn ta không?”
Tôi quên câu chuyện vừa xảy ra và chạy như điên ra phòng khách, chạm vào tên lính chạy việc muốn té lăn cù. Tôi mở cửa phòng và nhìn vô.
Một người đàn ông gọn ghẻ, to lớn, bước lui bước tới trong phòng, miệng ngậm thuốc. Đây rồi! Hắn không thay đổi chút nào.
Hắn ngước nhìn tôi, cười rạng rỡ và thét lên “ Sakai!” Tôi la tên hắn “Nishizawa!” chúng tôi ôm choàng lấy nhau, sung sướng không nói nên lời.
Tôi vẫn nắm hắn và xô dang ra xa “ Để tôi nhìn anh coi!” Tôi nói. “ Ngon lành lắm! Không bị thương à?” tôi hỏi nhanh.
“ Không, Saburo,” giọng đáp vui vẻ. “ Tôi vừa rời Rabaul hồi tháng 11. Không một vết trầy nào hết. Hình như đạn sợ tôi.”
Tôi phấn khởi. “ Ha! Ha! Chúng tôi đặt tên anh thật thích hợp!” Tôi nói. “Quả thật anh là vị thần hộ mệnh của chúng tôi, lướt xuyên qua cả Lae lẩn Rabaul mà không một vết thương nào. Nishizawa, được gặp lại anh thật là tuyệt thú.”
“ Anh cho tôi biết những chuyện đã xảy ra sau khi tôi ra đi. Chắc hiện thời anh là phi công hàng đầu của hải quân. Ồ! Tôi có thể tưởng tượng hình ảnh của anh trên không phận Guadalcanal,”
Hắn khoát tay phản đối. “ Đưa tôi lên quá nhiều, Saburo,” hắn phàn nàn. “ Tôi cũng không biết chắc số nạn nhân của tôi. Năm mươi hoặc có lẻ trên chút ít. Nhưng tôi vẫn còn thua anh xa.” Hắn mĩm cười. “ Có lẽ anh không biết, nhưng anh vẫn còn là phi công số một.”
“Bạn điên rồi!” tôi nói. “ Tôi hiểu bạn mà. Ngay từ trước đây tôi đã ngại bạn qua mặt tôi rồi. Nhưng, nói tôi biết anh làm gì ở Sasebo?”
“ Họ gởi tôi về không đoàn Yokosuka” hắn đáp, mặt tiu nghĩu. “ Một huấn luyện viên! Đó là những gì mà họ giao cho tôi, một huấn luyện viên! Saburo, anh có thể tưởng tượng cả ngày tôi chạy vòng quanh với một chiếc phi cơ hai tầng cánh vừa cổ lổ vừa xộc xệch, hò hét mấy tên ngu như bò, dạy cho chúng biết quanh quẹo như thế nào, và làm sao giữ cho quần của chúng đừng ướt mẹp không? Tôi!”
Tôi cười ngất. Hắn nói đúng! Nishizawa mà làm huấn luyện viên sao được!
“ Đó”, hắn tiếp, “ sau một ít lâu ở đó, tôi cảm thấy muốn chết giấc. Vì vậy, tôi đã tình nguyện đi hải ngoại trở lại, họ vừa chịu buông tôi. Tôi nhận lịnh hồi sáng nầy, qua Philippine. Do đó mà tôi phải gặp anh hôm nay. Sáng mai chúng tôi cất cánh.”
“ Sớm vậy?”
“ Tôi muốn như vậy, Saburo,” hắn đáp. “ Bay quanh Yokosuka chán quá rồi. Tôi muốn chiến đấu. Tôi phải chiến đấu trở lại. Ở đây, ở Nhật Bản, tôi đang bị giết lần mòn.”
Tôi hiểu hắn. Thật vậy, tôi hiểu rõ hắn. Nhưng … có nhiều câu chuyện cần phải nói, những người bạn khác của chúng tôi.
“ Tôi ganh tị với anh, Nishizawa. Nhưng nầy, hãy nói cho tôi biết về Rabaul, nói cho tôi nghe về mấy người khác. Đại úy Sasai bây giờ ở đâu? Và Ota, hắn có bay với anh không? Hai phi công bên cánh của tôi, Yonekawa và Hatori? Hãy nói hết chuyện của họ cho tôi nghe đi.”
“ Cái gì?” hắn nhìn tôi, đôi mắt trống rỗng. Đôi mắt đong đầy nỗi tuyệt vọng ấy. “ Thì ra họ không nói với anh…”
“ Anh nói gì vậy?” tôi hỏi.
Hắn khoát tay một cách yếu ớt.
“ Anh sao vậy, Nishizawa? Mấy người kia được gởi về xứ với anh phải không?”
Hắn quay đi, lưng day về phía tôi. Tiếng nói của hắn đầy xúc động. “ Saburo, họ…” hắn đặt một tay lên trán, rồi xoay mau lại “ Chết hết rồi!”
Tôi không tin!… Chuyện đó khó thể xảy ra được!
“ Anh nói gì?” Tôi hét lên.
“ Họ chết hết rồi! Anh và tôi, Saburo, anh và tôi … chúng ta là hai người duy nhứt còn sống sót.”
Không thể là sự thật! Hai đầu gối tôi khuỵu xuống. Tôi dựa vô cạnh bàn, trong lúc đầu óc tôi cố phân tích thãm kịch nầy.
Nishizawa bắt đầu kể. “ Đại úy ra đi đầu tiên. Vào ngày 26 tháng 8, chúng tôi thực hiện một phi vụ càn quét ở Guadalcanal. Không phải như trước kia đâu, Saburo. Tôi không thể biết bao nhiêu chiếc Wildcat ở đó, nhưng chúng ùa đến như một giòng suối bất tận. Chúng tôi không có một dịp may nào cả. Đội hình chúng tôi phải phân tán mau đến nỗi không ai nhìn thấy phi cơ của Sasai rơi xuống! Chúng tôi nghĩ rằng có lẻ phi cơ của ông ta hư hại và đã bay phía trước chúng tôi. Nhưng khi trở về Rabaul, ông ta mất tích… Ông ta không bao giờ trở về.”
Nishizawa lộ vẻ mệt mõi. “ Kế đó là Ota. Đúng một tuần sau đó. Cứ mỗi lần ra đi là mỗi lần chúng tôi mất thêm phi cơ. Guadalcanal hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát cỉa địch quân. Ota đã ra đi giống như Sasai. Không ai nhìn thấy phi cơ của hắn rơi. Hắn không trở về căn cứ. Rồi khoảng ba hoặc bốn ngày sau đó, Yonekawa và Hatori bị bắn rơi. Cả hai chết cùng ngày. Nhóm 80 phi công thực hiện phi xuất hôm đó, chỉ có tôi, đại tá Saito, trung tá Nakajima và 6 phi công khác trở về.”
Tôi chết đứng. Nishizawa lặng yên. Chuyện nầy hình như không thật. Làm sao mà họ có thể chết hết được ?
Bốn trong những người bạn tốt nhứt của tôi. Tất cả đều bị giết trong lúc tôi nằm như chết trong bệnh viện Yokosuka. Tôi hiểu tại sao tôi không nhận được tin tức về sự mất mát nầy. Nakajima và Nishizawa đã dấu tôi, trong thời gian công việc chữa trị đôi mắt của tôi đang diễn tiến.
Khuôn mặt những người đã chết chập chờn trước mắt tôi. Tôi nhớ lại Ota, nụ cười của hắn từ trong phòng lái lúc chúng tôi lộn nhào trên không phận Moresby. Yonekawa và Hatori, hai người luôn luôn bám sát sau đuôi tôi trong các trận không chiến, luôn luôn chăm chăm bảo vệ tánh mạng của tôi. Sasai, ông ta … Và bây giờ, họ đã … chết. Tôi khóc nức nở, không xấu hổ, giống như một đứa trẻ khóc. Tôi khóc mùi mẩn, thân thể rủ rượi.
Nishizawa nắm lấy tay tôi, khuyên lơn. “ Saburo, đừng khóc nữa!”. Tôi ngước nhìn hắn.
“ Tôi là một tên khốn nạn!” Hăn nói. “ Tôi không thấy họ rơi xuống! Ngay cả khi họ mất tôi cũng không biết. Những bạn thân của chúng ta, Saburo, những bạn thân của chúng ta. Tôi không làm gì để giúp đỡ họ hết!”.
Hắn ngồi xuống. “ Không, không, điều nầy cũng không đúng. Tôi không thể làm gì được. Phi cơ địch đông vô số, không đếm xuể.” Tiếng nói của hắn mòn mõi.
Chúng tôi ngồi lặng yên hồi lâu, nhìn lẫn nhau.
Còn gì để nói nữa đây ?


CHƯƠNG XIX





Tôi rời khỏi bệnh viện hải quân Sasebo vào hạ tuần tháng Giêng. Những tháng dài điều trị đã chấm dứt. Tôi trình diện đơn vị gốc, không đoàn Tainan thuộc không hạm đội II, hiện trú đóng ở Toyohasai, miền trung nước Nhật.
Tôi từng gia nhập không đoàn nầy vào tháng Chín năm 1941 ở Tainan, trên đảo Formosa (tức Đài Loan). Tổng số 150 phi công rời khỏi Tainan trong cuộc thối lui vĩ đại của Nhựt xuyên qua Thái Bình Dương, chỉ còn khoảng 20 người sống sót. Những người sống sót nầy thành lập một không đoàn mới, quân số phần nhiều là phi công mới ra khỏi các quân trường ở Tsuchiura và một số căn cứ không quân khác. Khi tôi đến Toyohashi, trung tá Tadashi Nakajima đích thân tiếp đón tôi. Cả hai chúng tôi đều không ai nghĩ sẽ gặp lại nhau ở đây, thay vì Rabaul. Nhờ trời, Nakajima vẫn là thượng cấp của tôi. Ông không có vẻ nghi ngờ việc tôi có thể bay lại được hay không.
Ngay ngày hôm sau tôi quay về với tình yêu đầu của tôi, chiếc Zero. Tôi không thể nào diễn tả hết cảm nghĩ thích thú khi tôi trở lên không trung với chiếc chiến đấu cơ ngoan ngoãn. Nó giống như một giấc mơ. Tôi đã bay thử mọi cách, nhào lộn, lướt thẳng đứng, chúi xuống, rơi như cánh lá. Không gian đã khiến tôi ngây ngất.
Trong tư cách một sỹ quan, tôi bắt buộc phải biết qua viễn ảnh mới của toàn thể cuộc chiến. Lính trơn không được phép xem các báo cáo chiến đấu mật, và hải quân chỉ dành đặc ân cho sỹ quan mà thôi.
Tôi đến Toyohashi nhiều ngày, nhưng Nakajima không nói một lời nào liên quan đến cuộc rút lui khỏi Guadalcanal của chúng tôi vào ngày 07 tháng Giêng năm 1943, đúng sáu tháng sau ngày Hoa Kỳ đổ bộ. Đài phát thanh đã công bố đây là cuộc rút lui chiến lược, hoặc phải thâu hẹp các tuyến phòng thủ của chúng tôi, nhưng các phúc trình mật cho thấy đó là một cuộc chiến bại choáng váng với những mất mát khủng khiếp.
Cả hai sư đoàn bộ binh đã địch quân đánh tan tành. Hải quân hầu như mất hết một hạm đội thời bình. Nằm phơi thân rĩ sét trong bùn ở Guadalcanal ít ra là hai thiết giáp hạm, một hàng không mẫu hạm, năm tuần dương hạm, mười hai khu trục hạm, tám tiềm thủy đỉnh, hàng mấy trăm chiến đấu cơ và oanh tạc cơ, đó là không kể con số phi công chiến đấu cơ và phi hành đoàn oanh tạc cơ bị chôn vùi theo.
Chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi đã tung ra những cú đấm trừng phạt xuyên qua Thái Bình Dương. Chúng tôi đã quét sạch chiến đấu cơ địch hết lượt nầy sang lượt khác. Các cơ quan tuyên truyền Nhựt đã cho biết như vậy. Nhưng các phúc trình mật từ mặt trận cho biết đối phương có những loại phi cơ mới, còn tối tân hơn loại P.39 và P.40.




Và lần đầu tiên tôi biết được sự thật đã xảy ra ở Midway vào cuối tháng Sáu vừa qua. Bốn hàng không mẫu hạm, và gần 300 phi cơ với hầu hết phi công đã mất. Những con số không thể tin được.

Tim tôi như chìm xuống khi tôi nhìn thấy những tân phi công vừa mới được bổ nhiệm đến không đoàn Tainan. Họ là những người nhiệt thành, thừa can đảm! Nhưng sự nhiệt thành và lòng can đảm không dính dáng gì đến tài ba của một phi công. Những người nầy thiếu hẳn sự khéo léo để đương đầu với phi công Hoa Kỳ càng lúc càng gia tăng số lượng đông đảo chưa từng thấy ở Thái Bình Dương.
Những người có khuôn mặt rạng ngời nầy có thể lấp đầy những khoảng trống bỏ lại bởi những người như Sasai và Ota không?
Công cuộc huấn luyện mà họ trải qua ở Toyohashi rất đứng đắn. Từ bình minh cho đến hoàng hôn, các huấn luyện viên chạy theo họ không rời một bước. Những bài học trong lớp cũng như các chuyến bay thực tập liên tục và tất cả những trận đánh trong quá khứ được làm sống lại, nhét vô đầu óc những người mới nầy. Nhưng chúng tôi lại không có đủ thời giờ. Chúng tôi không thể xem xét những lỗi lầm của từng cá nhân một để sữa chữa. Không ngày nào trôi qua mà không có xe cứu thương rú còi inh ỏi chạy xuống phi đạo: một người chúi đầu xuống đất hoặc nhiều người văng ra khỏi những chiếc phi cơ vỡ tan khi cất cánh hoặc đáp xuống.
Không phải tất cả những phi công mới đều yếu kém. Nhiều người đã tỏ ra có triển vọng nối bước những phi công đại tài thế hệ 1939 – 1940. Nhưng đáng buồn là họ không có được dịp bay nhiều, không thâu thập kinh nghiệm chiến đấu nào, trước khi được tung ra đối đầu với phi công Hoa Kỳ.
Khoảng một tháng sau khi Guadalcanal thất thủ, chúng tôi được triệu tập tham dự một phiên họp gồm toàn sỹ quan để nghe tin tức liên quan đến một thảm họa khác. Tin tức nầy được duy trì độ mật trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến, và không bao giờ được tiết lộ ra ngoài công chúng. Phía sau các cánh cửa đóng kín, tôi đã đọc và biết rằng một đoàn cong voa của Nhựt bao gồm 12 quân vận hạm, 8 khu trục hạm và nhiền tàu hổ trợ nhỏ hơn, mưu toan đổ quân lên Lae, căn cứ không quân cũ của tôi. Có ít nhứt 100 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ địch đã tấn công đoàn cong voa đang lướt trên mặt biển bao la, đánh chìm tất cả quân vận hạm và khoảng 5 khu trục hạm. Thảm họa nầy lớn hơn thảm hoạ Guadalcanal, vì nó có nghĩa rằng chúng tôi đã bất lực không thể nào chận đứng nổi các cuộc tấn công hiệu quả không thể tưởng của đối phương nhắm vào các lực lượng trên mặt biển của chúng tôi.
Vài ngày sau đó, không đoàn Tainan được lịnh di chuyển cấp tốc đến Rabaul. Trung tá Nakajima hỏi tôi có thể theo ông trở lại Tây Nam Thái Bình Dương được không? Tại sao ông có thể nghĩ là tôi muốn làm khác hơn? Nakajima nói với tôi rằng mặc dù tôi đui mắt bên mặt, ông vẫn xem tôi tài ba hơn bọn phi công mới. Đêm đó, Bộ Chỉ Huy đưa ra một danh sách các phi công được thuyên chuyển đến Rabaul, bao gồm tên tôi.
Nhưng chúng tôi đã thất bại trong việc đối đầu với y sỹ trưởng của bịnh viện Toyohashi. Ông ta nổi nóng khi thấy tên tôi trong bảng danh sách. Ông ta bước ào vô văn phòng của Nakajima và để cơn giận bốc lên trước mặt vị chỉ huy trưởng có vẻ khó chịu. “ Anh mất trí rồi!”. Ông ta rống lên. “ Có phải anh muốn giết người nầy không? Sao anh lại cho phép một tên phi công một mắt ra trận? Tôi không cho phép Sakai thuyên chuyển đến Rabaul!” chúng tôi có thể nghe cuộc cải vả của họ lồng lộng từ phía bên nầy sân bay.
Nakajima cải lại rằng tôi còn tốt hơn bọn phi công mới, rằng hai mắt hoặc một mắt cũng vậy thôi, đâu có ảnh hưởng gì đến sự khéo léo phía sau những dụng cụ trong phòng lái của một chiếc Zero, mà cũng không thành vấn đề đối với kinh nghiệm chiến đấu lâu dài của tôi. Vị y sỹ trưởng không nhượng bộ. Bấy giờ Nakajima nổi nóng. Họ cải qua cải lại mấy tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng vị y sỹ trưởng bước ra khỏi phòng trong vẻ đắc thắng. Ông ta đã thuyết phục được Nakajima thay đổi ý kiến.
Tôi chạy ùa vô phòng của chỉ huy trưởng, van nài ông duy trì ý định. Ông nhìn tôi có vẻ nghi ngờ, ông cố nói, nhưng mặt ông càng lúc càng đỏ bừng. Cuối cùng, ông hét lớn, “ Im đi!” và bước ra ngoài, miệng càu nhàu rằng tất cả bọn phi công đều điên hết.
Do đó, tôi được chỉ định làm huấn luyện viên phi hành ở căn cứ không quân Omura, gần Sasebo.






Không đoàn Tainan đến Rabaul ngày 3 tháng Tư, khoảng một tuần sau, tôi đọc báo cáo tiền tuyến, biết được không đoàn đã thực hiện nhiều phi vụ tấn công quan trọng ở Guadalcanal, vịnh Milne, hải cảng Darwin và nhiều mục tiêu khác. Trong bốn phi vụ, chiến đấu cơ và súng phòng không địch đã hạ 49 chiếc trong tổng số phi cơ của không đoàn.
Hết thảm hoạ nầy đến thảm hoạ khác. Vào ngày 19 tháng Tư, một tin đồn khủng khiếp, được xác nhận không lâu sau đó, lan rộng giữa các sỹ quan. Vào ngày trước đó, đô đốc Isoroku Yamamoto, Tổng Tư Lịnh Hải Quân Hoàng Gia Nhựt đáng kính mến của chúng tôi đã thiệt mạng. Tôi đọc đi đọc lại phúc trình của vụ nầy. Theo đó, đô đốc Yamamoto đáp một trong hai chiếc oanh tạc cơ, với một số chiến đấu cơ hộ tống, trên đường đi thanh sát mặt trận đã bị một số chiến đấu cơ P.38 của Hoa Kỳ lướt xuyên qua vòng đai chiến đấu cơ Zero, bắn rơi cả hai oanh tạc cơ.
Và tôi vẫn ngồi ở Omura, với nhiệm vụ huấn luyện bọn phi công mới. Tôi nhận thấy khó thể giữ sự tin tưởng khi nhìn bọm khoá sinh chạy chập choạng trên phi đạo và lướt lên không. Hải quân thiếu hụt phi công trầm trọng, và các khoá học mở ra hầu như hàng tháng, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi. Trước khi bị quăng ra mặt trận, có nhiều người chưa rờ đến một chiếc chiến đấu cơ .
Mọi thứ đều cấp bách! Chúng tôi được chỉ thị dạy vội vàng, bỏ qua những điểm chi tiết. Đúng hơn là chỉ dạy họ bay và bắn. Nhiều tháng dằng dặc và buồn chán, tôi cố đào tạo những người được quăng đến tay chúng tôi ở Omura thành những phi công chiến đấu. Phương tiện chúng tôi quá kém cõi, đòi hỏi quá lớn, sinh viên quá nhiều .
Tôi cảm thấy đang chết lần mòn. Xứ sở của chúng tôi lâm vào tình cảnh bối rối, không còn nghi ngờ gì nữa. Công chúng không biết sự thật nầy, cả sinh viên sỹ quan lẫn tân binh cũng không biết. Nhưng các sỹ quan đã nhìn tận mắt các báo cáo, ý thức tầm mức nghiêm trọng của tình thế.
Vào tháng Chín năm 1943, tôi đã xúc động khi hay tin một người bạn thân của tôi, một trong những phi công vĩ đại nhứt của Nhật Bản, trung sỹ Kenji Okabe, đã bị bắn rơi và thiệt mạng ở Bougainville. Hắn là bạn đồng khoá với tôi ở Tenchiura, một “Ace” đã lập được thành tích vô song: bắn hạ bảy phi cơ địch trong một ngày chiến đấu trên không phận Rabaul. Sau thành tích phi thường nầy, đô đốc Ninichi Kusaka, Tư Lịnh Không Hạm Đội II, có yêu cầu Bộ Tư Lịnh Hải Quân ở Đông Kinh ân thưởng một huy chương cho Okabe. Không có gì thay đổi. Đông Kinh đã từ chối dựa trên căn bản “ không có tiền lệ” giống như lời từ chối được đưa ra cho đại tá Saito một năm trước đây. Tuy nhiên, đô đốc Kusaka không chịu gạt vấn đề một cách dễ dàng như vậy. Bất cần quyết định của từ Bộ Tư Lịnh ở Đông Kinh, đô đốc đã ban tặng thanh kiếm chỉ huy của ông cho Okabe, trong một buổi lễ danh dự đặt biệt.
Ba ngày sau, Okabe đã bị chết cháy trong chiếc Zero rơi xuống như cây đuốc của hắn.
Vào tháng Tư năm 1944, sau nhiều tháng huấn luyện dài dằng dặt đầy mệt mõi ở Omura, tôi được thuyên chuyển đến không đoàn Yokusuka. Trước chiến tranh, việc được bổ nhiệm về không đoàn Yokosuka là một sự mơ ước, vì đây là đơn vị không quân phòng vệ Hoàng Gia, có nhiệm vụ bảo vệ không phận Đông Kinh. Hiện thời, không đoàn nầy đã đổi khác. Thời gian của những sự bổ nhiệm gọi là mơ ước đã trôi qua hẳn rồi.
Qua những phúc trình mật, tôi đã lượng định cuộc chiến đúng sự thật của nó. Các phúc trình mật là một tiếng thét lớn hơn tiếng thét của đài phát thanh hướng đến đám quần chúng cả tin. Khắp nơi ở Thái Bình Dương, các lực lượng của chúng tôi thối lui liên hồi. Những lực lượng đặc nhiệm mạnh mẽ, những hạm đội đồ sộ không thể tưởng của Hoa Kỳ mặc tình ngao du trên Thái Bình Dương.
Tôi đọc hết phúc trình nầy đến phúc trình khác, và tất cả đều nói đến sự hủy diệt khủng khiếp do các hạm đội đánh mạnh đánh mau nầy gây ra. Không lực của địch quân càng ngày càng nắm quyền bá chủ trên không. Cả mấy trăm chiếc P.38 xuất hiện cùng lúc, tràn ngập chiến đấu cơ của chúng tôi. chiến đấu cơ và oanh tạc cơ loại mới của đối phương hầu như ra mặt hàng ngày, và những câu chuyện của oc Nhựt liên quan đến khả năng của phi công địch báo điểm đen tối cho tương lai. Chúng tôi vẫn còn giữ vững Rabaul, nhưng pháo đài có lần được coi là kiên cố nầy, không còn mảy may đe doạ nào đối với Moresby và các căn cứ khác của đối phương. Người Mỹ đang xử dụng pháo đài nầy để thực tập dội bom.



Ngay sau khi đến Yokosuka, tôi xin nghỉ phép và đáp xe lửa đến Đông Kinh, chỉ mất chín mươt phút. Gia đình chí tôi đã mừng đón tôi như một đứa con xa nhà trở về.
Đêm đó, sau bữa ăn, Hatsuyo bắt đầu trách cứ về việc chậm lập gia đình của tôi. Giọng nàng nghiêm trang một cách đáng buồn cười. Tôi trả đủa ngay. “ Tại sao em vẫn một mình, em của anh? Chưa có anh chàng nào đủ điều kiện phải không?”
Chú thím tôi ngừng nói chuyện, quay lại cười chúng tôi. “ Anh em bây ồn ào quá!”. Chú tôi chế nhiễu.
Tôi cười: “ Con không hiểu tại sao Hatsuyo không kiếm ra một ông chồng. Coi cô ta kìa. Đẹp như một minh tinh màn bạc, và có bao nhiêu cô tự phụ đánh đàn dương cầm giỏi hơn?” tôi vừa nói với chú thím vừa nhìn Hatsuyo. “ Con tin rằng chú có thể lựa chọn cho cô ta một tấm chồng xứng đáng.”
Cả chú thím tôi đều cười, nhưng Hatsuyo xụ mặt. Nàng liếc tôi rồi nhìn đi nơi khác. Anh mắt của nàng xa xôi.
“ Anh nói không phải sao, Hatsuyo?”
Nàng không lý gì đến tôi. Tôi giựt mình, nàng giận rồi. Tôi chuyển vấn đề ngay.
“ Hatsuyo, dạo dương cầm cho anh nghe đi! Từ khi nghe em dạo đàn đến giờ đã lâu lắm rồi.”
Nàng nhìn tôi đầy nghi vấn.
“ Có nhớ lần phép đầu tiên của anh không? Em dạo nhạc của …, để anh nhớ coi… Phải rồi của Mozart. Em có thể dạo lại bản nhạc đó cho anh nghe không?”
Thay cho câu đáp, Hatsuyo bước đến chiếc dương cầm và ngồi xuống.
Tiếng nhạc dứt. Hatsuyo ngồi yên hồi lâu, rồi quay lại nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng. Đôi mắt mở lớn và dò hỏi ấy. Nàng dịu dàng nói: “ Saburo, em muốn dạo một khúc nhạc khác, đặt biệt cho anh. Hãy lắng nghe. Khúc nhạc ấy sẽ nói với anh những gì mà chính em không thể thốt nên lời.”
Nàng có vẻ lạ lùng làm sao! Mặt nàng phơn phớt một màu hồng e thẹn và lảng nhanh đôi mắt nhìn tôi chăm chăm.
Nàng dạo khúc nhạc một chập nữa. Tiếng nhạc trầm bỗng. Tôi nhìn cô gái nầy. Chưa bao giờ tôi thấy nàng như vậy. Ý nghĩa gì khi nàng nói: “ Khúc nhạc sẽ nói với anh những gì mà chính em không thể thốt nên lời.”
Bỗng nhiên tôi hiểu, tôi đang nhìn Hatsuyo, không nhìn như một cô gái nhỏ, không như một người em họ của tôi, nhưng tôi nhìn nàng như một thiếu nữ! Lần đầu tiên, tôi thật sự “ nhìn thấy” nàng, chăm chú trên phím đàn, mười ngón tay nhảy múa, khuôn mặt nghiêm trang, như rót hết tâm hồn vào tiếng nhạc.
Hatsuyo? Và tôi? Chưa hẳn đúng. Nhưng, nàng không còn là một cô bé nữa. Hãy thức tĩnh, Sakai, anh thật ngu muội. Nàng là một thiếu nữ. Nàng đang nói với anh, trong giây phút nầy, rằng nàng yêu anh! Bây giờ tôi hiểu những gì mà nàng định nói. Trong lúc bồng bột, tôi muốn đáp trả. Không thể được, tôi nhủ thầm. Nhưng đó là sự thật. Tôi nhớ lại lúc còn trong bịnh viện, khi nàng choàng tay qua tôi và thổn thức nói rằng nàng tin chắc tôi sẽ được bay trở lại.
Nàng đã yêu tôi lâu hơn tôi tưởng. Vào lúc ấy, trong sâu thẳm của lòng tôi, tôi cũng yêu nàng. Nhưng tôi có thể làm gì được? Tôi từ chối tình yêu của Fujiko bởi lẻ tôi đui mù một nửa, tôi có thể làm khác hơn với tình yêu thầm kín của Hatsuyo không? Không.
Khi tiếng đàn chấm dứt tôi cố giữ bình tĩnh, không hề lộ vẻ gì cho nàng thấy tôi đã cảm thông nỗi lòng của nàng. Tôi ngồi lại một lúc cho phải phép rồi kiếu từ đi nghỉ. Nhưng trãi qua nhiều giờ, tôi không sao chợp mắt được.
Suốt thời gian được bổ nhiệm đến Yokusuka, tôi thường viếng thăm Đông Kinh. Trong 18 tháng vắng mặt của tôi, thủ đô đã thay đổi. Màu sắc và sự vui tươi biến mất. Đường phố ưu sầu, mất hẳn sinh động. Dân chúng cúi đầu bước đi với vẻ trầm tư. Con cái, cha anh, chú bác, thân thuộc của những người nầy đã ra đi, và không bao giờ trở lại.
Những tiệm buôn đã cạn hàng hoá, bán theo khẩu phần hiện là một vấn đề bắt buộc. Dân chúng kiên nhẫn đứng nối đuôi trong gió lạnh, chờ đợi để nhận thức ăn. Tuy nhiên thủ đô vẫn nguyên vẹn, ngoại trừ một cuộc không tập duy nhứt xảy ra vào năm 1942.





Nhưng chiến tranh lấn bước đến Nhật Bản vào tháng Sáu năm 1944, gây ảnh hưởng không tốt đối với công chúng. Vào ngày 15 tháng Sáu, dân chúng Đông Kinh đã xúc động khi nghe tin 20 oanh tạc cơ địch đã bay một mạch từ Trung Hoa đến tấn công một thành phố phía Bắc Kyushu. Cuộc oanh tạc không gây hư hại bao nhiêu. Nhưng trong nhà và trong các cửa tiệm, trong những cơ xưởng và trên đường phố khắp nơi ở Nhựt, ai ai cũng bàn tán đến vụ oanh tạc, nói về việc các chiến đấu cơ của chúng tôi đã thất bại không chận đứng nổi các oanh tạc cơ địch. Tất cả đều có chung những câu hỏi: thành phố nào bị oanh tạc kế đó? Khi nào? Và bao nhiêu oanh tạc cơ? .
Đài phát thanh lại loan đi một tin tức gây lo âu khác. Người Mỹ đã đổ bộ lên Saipan. Chiến tranh đã đến gần quê hương bằng một lối khác nữa. Saipan không mấy. Những tấm bản đồ được mở ra, và người dân Nhựt nhìn thấy hòn đảo nhỏ li ti sát bờ biển Nhật Bản. Và họ nhìn lẫn nhau. Họ đã bắt đầu đặt những câu hỏi, thì thầm, về các tin tức chiến thắng loan đi thường xuyên trên đài phát thanh. Làm sao Nhật Bản có thể nghiền nát chiến hạm, tiêu diệt phi cơ, đánh tan lực lượng của đối phương một khi Saipan đã bị xâm phạm. Đó là một câu hỏi mà ai ai cũng đặt ra, nhưng chỉ một vài người dám đưa ra lời giải đáp.





Tiếp liền tin tức về Saipan, chúng tôi nhận được tin các lực lượng hùng hậu thuộc hạm đội của chúng tôi tiến đến quần đảo Mariana, tham dự vào trận đánh mà mọi người ở Yokosuka đều biết sẽ là một trong những trận đánh quyết định cuộc chiến. Chúng tôi không còn mưu định đổ bộ lên các hòn đảo bên ngoài, chúng tôi đang canh gác ở ngay những cổng bước vào quê hương chúng tôi.
Sáng hôm sau, không đoàn Yokosuka nhận được lịnh di chuyển đến đảo Iwo Jima. Bộ Tư Lịnh Tối Cao của chúng tôi e rằng một khi Saipan được cũng cố, người Mỹ sẽ bước thêm bước nữa, bằng cách tấn công địa điểm chiến lược nầy. Với Iwo Jima trong tay đối phương, toàn thể nước Nhựt sẽ bị uy hiếp.
Sự thật, Iwo Jima không bị xâm chiếm vào mùa hạ năm 1944 là một gây kinh ngạc cho chúng tôi. Phòng thủ trên đảo nầy lúc đó rất yếu kém. Chỉ cần một phần lực lượng đổ bộ lên Saipan, địch quân có thể đặt chân lên các bãi biển Iwo Jima và tẩy sạch sức đối kháng của lực lượng phòng thủ trên đảo dễ dàng. Không hiểu vì lý do nào, cuộc đổ bộ bị trì hoãn nhiều tháng, cho phép Lục Quân và Hải Quân Nhựt đổ người và vũ khí lên hòn đảo chiến lược nhỏ bé nầy.
Khi không đoàn Yokosuka nhận được lịnh thiết lập một mạn lưới bảo vệ không phận hòn đảo. Không đoàn Yokosuka chỉ có vỏn vẹn ba mươi chiến đấu cơ khả dụng. Ba mươi chiến đấu cơ Zero, giống như mấy chiếc Zero mà tôi đã từng bay ở Trung Hoa gần 5 năm trước đây. Chỉ có bao nhiêu đó! Tuy nhiên, cuộc đổ bộ chưa xảy ra. Chúng tôi coi biến cố nầy như một phép lạ.
Trung tá Nakajima đã trở về Yokosuka. Một tháng sau khi ông rời Toyohashi để đến Rabaul, Đông Kinh đã gọi ông về và chỉ định chức vụ chỉ huy trưởng không đoàn Yokosuka. Bây giờ, sau một năm trên đất liền, ông ta lại ra đi nữa. Lần nầy ông sẽ đối diện với một mặt trận bi tráng hơn bất kì mặt trận nào khác trong đời chỉ huy của ông.
Tôi nhận được lịnh trình diện ông trong văn phòng. “ Sakai, tại sao anh không đi với tôi lần nầy?” ông hỏi. “ Anh biết là tôi nôn nóng muốn bay trở lại với anh đến mức nào không. Tôi bất cần những gì mấy thằng bác sỹ cứ lãi nhải. Hiện thời, đối với tôi, anh vẫn là một phi công xuất chúng. Anh đã chứng tỏ điều nầy mỗi khi tôi thấy anh bay.”
“ Saburo, tôi cần anh đi với tôi. Gần lắm. Anh sẽ giống như một vị thần hộ mạng đối với những phi công mới nầy. Có anh bay với chúng tôi, tinh thần của họ sẽ lên cao. Họ sẽ theo anh bất cứ nơi nào.”
“ Trung tá cần phải hỏi tôi nữa sao?” Tôi nói. “ Trung tá yêu cầu tôi đi với trung tá phải không? Bao nhiêu lần tôi đã chạy chọt! Bao nhiêu lần tôi đều bị lắc đầu, anh không thể bay được đâu, Sakai, anh nửa đui nửa sáng mà còn bay với bổng gì nữa, Sakai. Dĩ nhiên, tôi muốn đi! Tôi muốn đi với Trung tá. Tôi muốn chiến đấu trở lại!”.
Thời gian đã đổi thay. Không một viên y sỹ nào tỏ vẻ phản đối ý định của tôi. Những lời đầu môi để giữ một viên phi công độc nhãn đứng bên ngoài cuộc chiến không còn nữa. Nhật Bản không thể nào lo nghĩ đến những chi tiết nhỏ mọn như vậy nữa. Nhật Bản đang lâm nguy, và một phi công độc nhãn có đầy đủ kinh nghiệm chiến đấu như tôi vẫn phải gánh vác trách nhiệm.
Tôi lại ra đi. Xứ sở đang cần tôi.



Chúng tôi nhận được lịnh đến Iwo Jima tức khắc. Chúng tôi không có cả thì giờ liên lạc với gia đình. Không có những lời từ biệt.
Vào sáng ngày 16 tháng Sáu, chúng tôi cất cánh từ Yokosuka và bay trong đội hình, với tôi dẫn đầu, trực chỉ hòn đảo xa xôi. Nhưng chúng tôi không đến được mục tiêu. Sau 100 dặm bay trong những đám mây dầy đặc sà thấp và những cơn mưa như thác lũ, chúng tôi bắt buộc phải quay về Yokosuka. Mùa mưa của Nhật Bản đã bắt đầu. Nakajima và tôi, cũng như một số phi công kinh nghiệm khác có thể bay đến Iwo Jima dễ dàng, nhưng đa số ba mươi phi công thuộc không đoàn đều là tay mơ. Mưa bão sẽ đánh dạt họ ra khỏi đội hình không biết lúc nào, và điều đó có nghĩa là mạng sống của họ tiêu luôn.
Iwo Jima là một hòn đảo nhỏ cách phía nam Yokosuka 650 dặm. Bề ngang lớn nhứt của hòn đảo chỉ khoảng hai dặm. Trên mặt bản đồ thế giới, Iwo Jima có vẻ như là một hòn đá cuối cùng của một loạt hòn đá trải dài từ Yokosuka đến Guam. Tuy nhiên, các bản đồ thường đưa đến những sai lầm tai hại, và trên đường bay bao la của Thái Bình Dương, khoảng cách giữa mỗi điểm nhỏ có thể được phỏng định chênh lệch
một cách khủng khiếp. Quả thật, không rada, ngay cả vô tuyến cũng không có, chúng tôi không dám liều lĩnh, vì như vậy hầu hết phi cơ của chúng tôi có thể đi đời.
Chúng tôi đã từng gặt hái kinh nghiệm bi thãm về vấn đề nầy. Đầu năm 1943, nhiều phi đoàn chiến đấu cơ Lục Quân, được lái bởi những phi công không có một chút kinh nghiệm nào trong các phi vụ vượt đại dương, cất cánh ở Nhật Bản để đến một căn cứ ở phía Nam. Trên đường đi họ chạm trán với tình trạng thời tiết tồi tệ, nhưng họ không chịu quay về. Kết quảm hầu hết phi cơ đều biến mất trên khoảng không trình vô tận của Thái Bình Dương.
Chúng tôi cố lên đường một lần nữa vào sáng ngày 17 tháng Sáu. Lần nầy chúng tôi rời khỏi Yokosuka chưa đầy 100 dặm thì bị các trận bão đẩy bật trở lại, mặc dù theo báo cáo thời tiết ở Iwo Jima và quần đảo Mariana rất tốt đẹp. Chúng tôi nằm lì trong doanh trại, nghe tin tức do đài phát thanh loan đi liên quan đến đoàn quân trú trên đảo Iwo Jima. Theo đó, đối phương đã tung các cuộc không tập trên hòn đảo nầy suốt ngày suốt đêm.
Bốn lần, chúng tôi cất cánh, và bốn lần chúng tôi đều bị các trận bão đẫy bật trở lại. Vào ngày 20 tháng Sáu, khi chúng tôi cố gắng lên đường lần thứ năm, tình trạng thời tiết vẫn hoàn toàn không bảo đảm an toàn cho phi vụ. Tuy nhiên, Nakajima quyết định lướt qua. Chúng tôi để những phi công không kinh nghiệm bay ở cánh và đuôi, rồi tất cả xông vào mưa bão mù mịt.
Không ai trng chúng tôi biết được vào ngày nầy nhiều hạm đội quan trọng của chúng tôi đã chịu đựng một cú đấm thảm khốc do phi cơ và trọng pháo của lực lượng đặc nhiệm đối phương ở quanh quần đảo Mariana tung ra.
Cuối cùng, chúng tôi thoát ra khỏi trận mưa bão. Chúng tôi bay được 650 dặm, và nhiều phút sau đó, đỉnh của ngọn núi lửa trên đảo Iwo Jima hiện ra lờ mờ trên mặt nước, Nakajima bắt đầu đảo một vòng rộng lớn trên phi đạo thứ nhì, thiết lập trên ngọn núi Motoyama, nằm chính giữa hòn đảo. Tôi những tưởng những phi đạo lấm bụi ở Lae là tồi tệ, nhưng phi đạo nầy còn tồi tệ hơn. Đáp xuống sân bay trên một hàng không mẫu hạm có lẽ còn đơn giản hơn đáp xuống phi đạo khủng khiếp ở dưới kia. Hai phía của phi đạo vách đá dựng đứng. Chỉ cần đáp trật một chút, chúng tôi sẽ biến thành trái cầu lửa ngay. Và một hòn đá cao chớn chở chắn ngang cuối phi đạo chờ đợi những phi công không thận trọng.
Nakajima từ chối thử sức các phi công của ông trên phi đạo cấm kị nầy. Ông dẫn cả nhóm trở lại phi đạo thứ nhứt, nằm ở mặtm phía Nam của hòn đảo. Phi đạo nầy rộng và dài. Lần lượt, các chiến đấu cơ hạ cánh.
Đã có hơn 90 phi cơ đậu dọc theo phi đạo, không còn chổ trống nào dành cho các chiến đấu cơ của chúng tôi.
Nakajima đưa tay ra khỏi phòng lái và vẩy ra dấu cho chúng tôi đi theo ông. Một con đường dốc lộng gió dẫn từ phi đạo chánh đến phi đạo phụ dài hơn một dặm. Tôi cảm thấy buồn cười khi chạy cà xốc men theo con đường nầy. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi mới biết leo lên sườn núi với một chiến đấu cơ và một dọc ba mươi chiến đấu cơ phía sau.
Một tiểu đoàn bộ binh đã kinh ngạc đến nổi há hốc khi nhìn đoàn cong voa nối đuôi kêu vang rầm trời và quậy bụi mù mịt của chúng tôi. Nhiều người đưa tay chỉ chỏ, cười nghiêng ngữa. Riêng chúng tôi khó thể nào cười nổi. Lái một chiến đấu cơ lên dốc, với một chiếc ở phía trước và một chiếc khác quay cánh quạt vù vù ở phía sau trong khi phải cố gắng đối phó với mấy chỗ lượn cong, hốc búa còn hơn duy trì đội hình bay khít khao trong một đám sương mù dầy đặc.
May mắn thay, chúng tôi đến Iwo Jima trong thời gian các trận đánh lắng dịu tạm thời. Chỉ vào ngày trước đó, hòn đảo đã náo động dưới hàng ngàn quả đại pháo của lực lượng đặc nhiệm đối phương chạy dọc theo bờ biển. Hiện thời đối phương đã quay hướng đến Saipan để dập các pháo đài trên hòn đảo nầy.
Trong ba ngày, chiến tranh buông tha Iwo Jima. Không một người đàn ông lành mạnh nào muốn ở đây. Nó vừa ảm đạm vừa bất an, không cảm thấy dễ chịu như ở Rabaul. Nhưng chúng tôi thích nghi với hoàn cảnh, lợi dụng thời gian yên tĩnh giả tạo để trầm mình trong các suối nước nóng chảy róc rách thường xuyên qua các kẻ đá từ bên nầy đến bên kia phi đạo.
Cuộc chiến chưa bao giờ kì dị hơn đối với chúng tôi. Chúng tôi biết được tin hạm đội của chúng tôi đã tan tác trong trận hải chiến ở quần đảo Mariana. Và tất cả các phi công của hàng không mẫu hạm đều chết rụi không còn một mống. Những lực lượng đổ bộ của địch quân có sức mạnh siêu việt là điều không thể nghi ngờ được. Với sự yểm trợ của hàng nhiều trăm phi cơ, hàng nhiều ngàn đại pháo trên các chiến hạm, những lực lượng nầy chắc chắn sẽ diệt các đơn vị Nhựt trên đảo Saipan đến người cuối cùng.
Các sỹ quan của chúng tôi đã đến hồi tuyệt vọng. Họ biết rõ Saipan cần được giúp đỡ. Nhưng chúng tôi có thể làm gì được? Một cuộc tấn công toàn lực bằng chiến đấu cơ của chúng tôi chỉ hiệu quả nhứt thời, nếu không nói là vô nghĩa. Bởi lẻ Saipan nằm cách phía Nam Iwo Jima đến 600 dặm. Mặt khác, nếu chúng tôi rời Iwo Jima mà không để lại một số chiến đấu cơ khả dụng, lúc đó người Mỹ có thể thừa nước đục thả câu, đập tan hệ thống phòng thủ và quét sạch sức đề kháng yếu ớt trên hòn đảo.
Cuối cùng, quyết định được đưa ra: chiến đấu cơ ở lại, nhưng các oanh tạc cơ sẽ cất cánh tấn công các tàu chiến Hoa Kỳ trên đường chạy đến Saipan. Mỗi cuộc tấn công đều được thực hiện vào ban đêm, các oanh tạc cơ không hộ tống sẽ cất cánh từng nhóm tám hoặc chín chiếc.
Khoảng thời gian giữa mỗi phi vụ oanh tạc cơ đi và về là một khoảng thời gian vô tận. Các phi công của chúng tôi đã thi hành nhiệm vụ mới với lòng dũng cảm tột cùng và đã đạt được một số hiệu quả. Nhưng mà những hiệu quả nầy có nghĩa lý gì? Đó chỉ là cái đập cánh của lũ thiêu thân.
Vào ngày 24 tháng Sáu, sự yên tĩnh giả tạo của Iwo Jima biến mất. Vào khoảng 5 giờ sáng, còi báo động không tập rú lên đinh tai nhức óc. Ra đa sớm phát hiện nhiều nhóm phi cơ địch đông đảo còn cách phía Nam Iwo Jima 60 dặm và đang lướt đến nhanh chóng.
Tất cả chiến đấu cơ trên hòn đảo, hơn 80 chiếc Zero, chạy ra hai phi đạo và cất cánh. Các cơ khí viên mang những chiếc oanh tạc cơ Betty và Jill còn trên mặt đất vô hầm trú ẩn.
Thời gian chờ đợi bấy lâu đã được đền bù. Tôi lại được bay một chiếc Zero chiến đấu, và trong một giây lát đây tôi sẽ biết sự khéo léo của mình còn hay không.
Một đám mây treo lơ lửng 13.000 bộ trên bầu trời. Và các chiến đấu cơ chia làm hai nhóm, 40 chiếc vượt lên trên, và 40 chiếc nhóm của tôi duy trì phía dưới đám mây.
Ngay khi tôi vừa lấy thăng bằng sau khi vượt lên, một chiến đấu cơ địch hùng hổ chúi xuống xuyên qua các đám mây, kéo theo sau một vệt lửa và khói màu đen tật dài. Tôi liếc mắt, nhận ra đó là loại chiến đấu cơ mới, với đôi cánh rộng và mũi bẹt, chiến đấu cơ Grumman F6F Hellcat mới mà tôi đã nghe nói đến nhiều lần. Tôi vung phi cơ ra một vòng thật rộng và nhìn lên… một chiếc Hellcat khác ló khỏi các đám mây, chúi thật thẳng xuống, với vệt khói túa ra phía sau.
Phía sau tia khói của chiếc chiến đấu cơ nầy, hàng chục chiếc Hellcat khác cũng nối đuôi nhau chúi thẳng xuống. Tất cả 40 chiến đấu cơ đều xoay hướng và vượt lên để đối đầu trực tiếp với các phi cơ địch. Bọn phi công Mỹ không một chút lưỡng lự nào, lướt đến tấn công. Rồi phi cơ toả khắp bầu trời, xoay tít từ tầng mây trên cao cho đến mặt biển dưới thấp, khai diễn một trận không chiến kinh tâm động phách. Các đội hình bị cắt nát ra từng mảnh.
Như chớp, tôi xoay trôn ốc và lăn tròn đến sát đuôi một chiếc Hellcat, và ấn cò súng ngay khi chiếc phi cơ lọt vào tầm nhắm. Tôi lăn ra xa và nhận thấy những viên đạn của tôi đều bay trong không khí. Tôi xoay nửa vòng hình trôn ốc, lướt đến thật sát, cố tâm rót đạn vô bụng của đối thủ. Viên phi công địch mưu tranh tài xoay vòng tròn với tôi. Tôi chỉ chờ có vậy. Cạnh sườn của hắn nằm gọn trong tầm nhắm, và tôi quất ngay một loạt đại bác thứ hai, đạn chạm dọc theo thân phi cơ. Hai giây kế đó, những đám khói đen dầy đặc tuông ra và chiếc phi cơ chúi như gió lốc xuống biển.
Khắp nơi, tôi nhìn thấy nhiều chiến đấu cơ kéo những vệt khói dài bốc cháy và nổ tung. Lúc tôi đang nhìn, nhiều vệt đạn rót từ phía dưới lên cánh tôi. Tôi cấp tốc gạt cần lái sang trái, lăn tròn một vòng, tôi đã ở sau đuôi đối thủ và ấn cò súng. Trật. Hắn chúi xuống, mau hơn loạt đạn thứ hai của tôi.
Tôi vừa nguyền rủa sự lơ đãng vừa chửi bới con mắt đui mù của mình. Bởi con mắt nầy đã khiến tôi hầu như không nhìn thấy một phía. Nhanh chóng, tôi tháo hết dây dù buộc quanh thân, do đó tôi có thể xoay trở dễ dàng trên ghế ngồi để nhìn mọi hướng.
Ít nhất cũng có nữa tá Hellcat đang ở sau đuôi tôi, sẵn sàng trong vị thế khai hoả. Các họng súng trên đôi cánh của một chiếc bắt đầu rực lửa, một chiếc khác vừa lăn tròn vừa bắn, nhưng tất cả đều không trúng. Sáu chiến đấu cơ địch lướt qua hai bên cánh tôi và vừa vượt lên vừa xoay về phía phải.
Lần nầy không dễ dàng như vậy được! Không! Tôi gia tăng tốc lực khẩn cấp và lộn ngược về bên phải, xoay theo sáu chiến đấu cơ. Tôi liếc nhìn sau lưng, không có bóng dáng chiếc phi cơ nào khác. Khoảng cách giữa tôi và chiếc phi cơ địch gần nhứt thâu hẹp một cách nhanh chóng. Còn cách 50 thước, tôi khai hoả, nhìn thấy những viên đại bác chạm vô thân phi cơ và biến mất trong phòng lái. lửa sáng loà và khói xuất hiện sau kiếng che gió, một giây kế đó, chiếc Hellcat bay lồng lộn, một bên cánh trề hẳn xuống và một bựng khói tuôn ra càng lúc càng cuồng cuộn.
Nhưng có thêm chiến đấu cơ địch sau đuôi tôi. bỗng nhiên tôi không muốn dây dưa với chúng nữa. Nỗi mệt mõi bao trùm lấy tôi, giống như một chiếc khăn choàng kín mít. Những ngày trước đây ở Lae, tôi sẽ không bỏ phí một giây phút nào để đảo chiếc Zero lại và mặt đâu mặt với đối phương. Nhưng hiện thời, tôi cảm thấy năng lực của tôi hầu như đã bị hút cạn. Tôi không muốn chiến đấu nữa.
Tôi chúi xuống, bay về phía Bắc với hết tốc lực. Mấy chiếc Hellcat quay lại. Bấy giờ, tôi bỗng cảm thấy hàng trăm trận không chiến mà tôi từng tham dự là một cái gì đáng chán ghét nhứt.
Tôi liếc nhìn xuống bên phải và há hốc miệng. Một chiếc Hellcat lộn nhào dữ dội, cố để thoát khỏi một chiếc Zero đeo dính theo bên đuôi, khoảng cách không hơn 50 thước. Chiếc Zero vừa rượt vừa bắn. Ngay lúc ấy một chiếc Hellcat khác đuổi theo chiếc Zero. Lúc tôi còn đang nhìn diễn biến, một chiếc Zero nữa chúi từ trên cao và lộn vòng lại phía sau chiếc Hellcat thứ hai. Rồi hết chiếc nầy đến chiếc khác nhảy vào vòng đua, kéo thành hàng dài như một con trường xà. Hình như kể từ chiếc Zero thứ hai, chiếc nào chiếc nấy cứ nhắm mắt nhắm mũi rượt đuổi, không biết rằng phía sau mình còn có kẻ rượt theo nữa. Và phi cơ nào cũng khai hoả vào mục tiêu trước mặt. Hellcat, Zero, Hellcat, Zero, Hellcat, Zero. Thật lạ lùng, không một phi cơ nào, cả Nhựt lẫn Mỹ, lưu ý đến việc bảo vệ yếu điểm phía sau của họ.
Chiến đấu cơ dẫn đầu, chiếc Hellcat, bổng chúi nhủi dữ dội sau khi nhả ra khói đen, rồi đâm đầu xuống biển. Hầu như cùng lúc, chiếc Zero truy đuổi cũng nổ tung, biến thành trái cầu lửa. Chiếc Hellcat thứ nhì, bay ở hàng thứ ba, vừa tung cú ra đấm chết người, chỉ sống sót khoảng hai giây, đạn đại bác từ chiếc Zero thứ hai, bay ở hàng thứ tư, xé vứt một bên cánh của nó. Khi cái cánh vừa lìa khỏi thân chiếc Hellcat, một bựng lửa túa ra làm loà cả mắt, đánh dấu sự nổ tung của chiếc Zero thứ hai. Và khi chiếc Hellcat lãng ra xa khỏi tiếng nổ do nó vừa tạo ra, những viên đạn đại bác của chiếc Zero thứ ba xé nát phòng lái của nó ra làm muôn mảnh.
Khi năm chiến đấu cơ đâm đầu xuống biển hết, chiếc Zero cuối cùng lộn nhào để xoay hướng và bay đi. Đó là kẻ sống sót duy nhứt của cuộc hổn chiến kinh tâm.
Tôi lượn chầm chậm, phía Bắc Iwo Jima, hít thở không khí. Cơn choáng váng tan biến, tôi quày lại khu vực chiến đấu. Trận chiến đã kết thúc. Vẫn còn nhiều chiếc Zero vừa Hellcat trên bầu trời, nhưng hai phía bay thành từng nhóm riêng rẽ và cách rời hẳn nhau.
Phía trước và bên phải, tôi thấy 15 chiến đấu cơ Zero thấp thoáng trong đội hình. Tôi bay đến để kết hợp. Từ phía dưới, tôi lướt lên …
Hellcat! Bây giờ tôi mới biết tại sao bác sĩ đã khăng khăng phản đối việc tôi chiến đấu trở lại. Chỉ còn một mắt, tầm nhìn xa của tôi quả yếu kém, những chi tiết nhỏ trên thân phi cơ tôi không sao nhìn thấy. Cho đến khi những ngôi sao màu trắng nổi bật hai bên cánh của các chiếc phi cơ trở thành rõ rệt, tôi mới biết mình sai lầm. Tôi không phí một giây nào trong việc chận đứng nỗi sợ hãi đang bao trùm lấy mình. Tôi lộn về phía trái, xoay thật ngặt và chúi thẳng xuống, hy vọng mấy chiếc không phát hiện tôi.
Đâu được may mắn như vậy. Đội hình Hellcat vỡ ra và cuộc truy đuổi khai diễn. Tôi có thể làm gì? Không còn một cơ hội nào nữa.
Không, vẫn còn một lối thoát, một cơ hội mong manh. Tôi hầu như bay ngay trên Iwo Jima. Nếu tôi cứ chạy quanh quẩn, một việc không dễ, chờ cho đến khi xăng của các chiến đấu cơ địch cạn dần và bắt buộc phải quay về căn cứ.
Bấy giờ tôi lượng định tốc lực của những chiến đấu cơ mới nầy. Chỉ trong mấy giây chúng đã tiến sát. Nhanh quá đổi! Không thể chạy được…
Tôi xoay ngược lại thật mau, và doạ các phi công địch bằng cách từ phía dưới vượt lên, xoay một vòng hình trôn ốc.
Tôi kinh ngạc, phi cơ địch không phân tán. Chiến đấu cơ dẫn đầu đáp trả bằng cách xoay hình trôn giống như tôi. Tôi lại xoay nữa, lần nầy thâu hẹp đường bán kính hơn. Đối thủ không nhường tôi một bước nào.
Một chiếc Airacobra hoặc một chiếc P.40 sẽ thua cuộc nếu thi tài với tôi bằng lối nầy, ngay cả loại chiến đấu cơ Wildcat có thể giữ vòng xoay khá lâu cũng không thể chống lại một chiếc Zero. Nhưng những chiếc Hellcat nầy, một loại phi cơ nhanh nhẹn nhứt của địch quân mà tôi mới thấy lần đầu. Và tôi đã lọt vô bẩy. Mười lăm chiến đấu cơ địch lần lượt điền vào vòng xoay. Giây phút kế đó, tôi nhận thấy mình đang xoay chính giữa một sợi dây không lồ do mười chiếc Hellcat tạo thành. Bất cứ phía nào tôi cũng đều thấy những cái cánh rộng lớn với những ngôi sao màu trắng. Nếu có một viên phi công nào bị vây trên trời, viên phi công ấy chính là tôi.
Tôi có rất ít thì giờ để suy ngẫm về sự bất hạnh của mình. Bốn chiếc Hellcat phá vỡ vòng xoay đâm chúi vô tôi. Chúng quá nôn nóng. Tôi lăn tròn và thoát dễ dàng.
Nhưng tôi đã phơi lưng cho nhiều chiến đấu cơ khác. Một nhóm bốn chiếc thứ nhì tách ra khỏi vòng vây, ngay phía sau tôi.
Tôi chạy! Gia tăng hết tốc lực để thoát ra khỏi tầm súng đối phương. Tôi hành động kịp lúc. Bốn chiến đấu cơ đầu tiên, sau khi chúi xuống vồ hụt tôi, đang vượt lên để tiếp tục vồ nữa.
Tôi ấm chân phải lên bàn đạp bẻ lái, đảo chiếc Zero sang trái. Kế đó là cần điều khiển, gạt sang bên trái, lăn tròn nhiều vòng. Những tia đạn loé sáng dưới cánh phải tôi, tiếp liền theo một chiếc Hellcat bay vượt qua.
Tôi giải toả cú lộn nhào bằng cách xoay một vòng thật ngặt. Một chiếc Hellcat khác ở cách phía sau tôi 700 thước, mọi họng súng hai bên cánh đều rực lửa. Một điều tôi chưa biết trước đó, bây giờ tôi đã biết. Những tên phi công địch còn tệ hơn mấy tên phi công thiếu kinh nghiệm của tôi … và điều nầy có thể là yếu tố cứu mạng sống của tôi.
Chiếc Hellcat cứ tiến sát mãi, vừa bay vừa rãi đạn như mưa, nhưng cách phi cơ tôi quá xa. Tôi xoay hướng một lần nữa và vẫn chạy dài. Chiếc Hellcat tiến sát nhanh chóng. Khi chiếc phi cơ còn cách phía sau tôi 300 thước, tôi lăn về phía trái. Chiếc Hellcat vượt ngang phía dưới tôi, vẫn khai hoả trong không khí.
Tôi đã mất phong độ. Tại sao lại chạy dài trước một tên phi công vụng về như vậy. Không suy nghĩ, tôi lăn trở lại và ở sau đuôi hắn. Từ khoảng cách 50 thước, tôi rót vội một viên đại bác.
Phí đạn. Ngay lúc ấy một chiếc Hellcat khác đã đến sau đuôi tôi và đang khai hoả. Một lần nữa, tôi lăn về phía trái, cách nầy thì tôi không bao giờ thất bại. Chiếc Hellcat vượt qua , tiếp theo đó là hai chiếc khác.
Một nhóm bốn chiếc nữa hầu như ở ngay trên đầu tôi sẵn sàng nhào xuống. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên tấn công để tự vệ chớ! Tôi vượt thẳng đứng lên, ngay phía dưới bốn chiếc chiến đấu cơ. Mấy tên phi công lắc cánh qua lại cố tìm tôi. Tôi không có thì giờ để phá rầy họ. Ba chiếc Hellcat khác đâm thẳng vô tôi từ bên phải. Tôi né tránh những làn đạn thổi tới, bằng cách lăn về phải và chỉ thoát trong đường tơ kẻ tóc.
Mười lăm chiến đấu cơ lập vòng vây trở lại. Bất kì âm mưu thoát thân nào của tôi cũng đều đưa lưng cho nhiều chiếc Hellcat cắt ngang từ nhiều hướng khác nhau. Tôi xoay vòng chính giữa, suy nghĩ tìm lối thoát.
Đối phương không cho phép tôi suy nghĩ. Các chiến đấu cơ tách ra khỏi vòng vây, hết chiếc nầy đến chiếc khác, vừa lướt đến tôi vừa khai hoả.
Tôi không nhớ đã bị tấn công mấy lần mà cũng không nhớ mình đã lăn tròn bao nhiêu vòng. Mồ hôi đẫm ướt thân tôi, thấm ướt cả áo lót. Mồ hôi cũng đọng thành hột trên trán tôi và bắt đầu lăn dài xuống mặt. Tôi chửi thề khi mắt trái tôi xót xa như muối xát. Tôi không có thì giờ để đưa tay lên dụi. Tôi mệt nhoài, không biết làm sao thoát khỏi vòng vây. Nhưng rõ ràng mấy tên phi công nầy không tốt hơn phi cơ của họ. Một tiếng nói vang lên trong đầu tôi, lập đi lập lại … tốc lực … gia tăng tốc lực … cứ lăn tròn … lăn tròn không ngừng nghỉ.
Cánh tay phải tôi bắt đầu tê cứng khi giữ cho chiếc phi cơ lăn liên hồi về phía trái để tránh những làn đạn địch. Nếu tôi gượng lại, không lăn nữa, mạng tôi đi đời tức khắc. Nhưng tôi có thể lăn như thế nầy bao lâu ?



Tôi phải lăn tròn! Bao lâu mà mấy chiếc Hellcat còn giữ nguyên vòng vây, chúng chỉ có thể nhảy xổ vô tôi từng chiếc một. Né tránh đạn của chỉ một chiếc thì tôi không sợ. Tầm gần, nhưng ít ra nó phải nhắm trúng tôi cái đã. Những viên đạn được bắn ra từ khoảng cách một trăm thước tôi có thể né tránh dễ dàng.
Tôi chỉ cần giữ khoảng cách với mấy chiến đấu cơ địch, lúc ấy đang lần lượt từng chiếc một tách khỏi vòng vây, vừa chúi xuống vừa khai hoả vô tôi.
Tôi lăn tròn. Gia tăng hết tốc lực.
Gạt cần điều khiển qua trái. Lăn tròn liên tục. Mặt biển và chân trời xoay tít. Những tia đạn loé sáng, bùng nổ. Luôn luôn dưới cánh tôi. Gia tăng tốc lực. Lăn qua trái. Lăn nữa. Cánh tay của tôi! Tôi không còn nghe một cảm giác nào cả.
Nếu có một viên phi công Hellcat nào chọn một hướng tấn công khác hoặc tập trung đường nhắm cẩn thận trên mục tiêu, chắc chắn tôi không còn ở trên không. Bọn họ chỉ giữ nguyên lối tấn công cũ, rượt theo vòng lăn của tôi, tôi cũng lãnh đủ.
Bọn phi công kì lạ. Ngoại trừ một vài viên phi công đại tài, hầu như 99 phần trăm phi công địch giữ nguyên công thức mà họ đã được dại trong trường. Họ được dạy như thế nào họ làm theo như thế đó, không bao giờ suy xét để thích ứng với tình thế cấp thời khi chiến đấu, nơi mà giữa sống và chết chỉ cách nhau trong đường tơ kẻ tóc.
Do đó, cuộc thử thách nầu là cuộc thử thách chịu đựng giữa cánh tay của tôi, và khả năng xăng nhớt của chiến đấu cơ Hellcat. Những chiếc phi cơ nầy vẫn còn phải bay về các hàng không mẫu hạm. Tôi liếc nhìn đồng hồ đo tốc độ. Gần 350 dặm một giờ. Đó là tốc độ mà một chiếc Zero có thể đạt được dễ dàng.
Cánh tôi cần chịu đựng thêm nữa. Chiến đấu cơ Zero cũng cần có giới hạn của nó. Tôi ngại đôi cánh. Chúng đang oằn xuống dưới các vòng lăn tròn tránh né liên tục và dữ dội, có thể gảy rời ra khỏi chiếc phi cơ. Nhưng việc nầy nằm ngoài tầm tay đối phó của tôi. Tôi chỉ có thể tiếp tục bay. Tôi bắt buộc phải lăn tròn để tránh né hoặc chết.
Lăn tròn. Lăn tròn. Tôi không nghe gì hết. Tiếng động cơ của chiếc Zero, tiếng gầm thét của mười lăm chiếc Hellcat, tiếng rít của đạn đại liên 50 ly, tất cả đều biến mất.
Mắt trái tôi đau nhức. Mồ hôi đổ như tắm. Tôi không thể đưa tay lên lau. “Bỏ hết”. Gạt cần điều khiển. Đá bàn đạp lái. Né đạn địch.
Máy tính độ cao xuống tận cùng. Đại dương ở ngay phía dưới phi cơ của tôi. Hiện thời tôi không thể nào dời đổi độ thấp hơn nữa. Các chiếc Hellcat không thể chúi xuống vì phía dưới là mặt biển. Nhưng chúng sẽ tìm ra một cách khác. Tôi chỉ có một vài giây. Tôi nắm chặt cần điều khiển với tay trái, gạt về phải thật mạnh. Đau đớn cùng khắp. Đau đớn đến tê liệt. Tôi đảo về trái.
Những vệt đạn rót xuống. Những tia nước bắn lên từ mặt biển, trãi ra và sủi bọt. Bao giờ đối thủ bỏ cuộc? Chiến đấu cơ Hellcat cũng phải hết xăng chớ! Nhưng tôi không thể nào lăn tròn một cách hiệu quả mãi. Hai tay tôi dần dần tê liệt. Tôi đang mất cảm giác.
Phân nữa số phi cơ địch tạo thành một chướng ngại vật trên đầu tôi, trong khi những chiếc khác lướt đến, tập trung hoả lực vào tôi. Loại chiến đấu cơ Hellcat quá nhanh. Trong vòng một vài giây, phi cơ của tôi đã nằm trong tầm súng. Tôi lăn tròn sang phải , chiếc Zero lay động dữ dội qua mỗi lần lăn tròn, bỏ lại những tia nước sủi bọt trên mặt biển do đạn địch tạo ra.
Đối phương không chịu bỏ cuộc. Bây giờ các chiến đấu cơ địch đang chúi xuống chận đầu tôi trong khi những chiếc còn lại khai hoả. Không có lối thoát. Nếu tôi cứ tiếp tục bay thấp thì cái chết chỉ còn là vấn đề của phút giây. Tại sao chờ chết trong sự trốn chạy như một tên hèn nhát?
Tôi kéo cần điều khiển ngược lại, hai tay hầu như sát vô bụng. Chiếc Zero giật nẩy và vượt lên, phía trước tôi là một chiếc Hellcat , chỉ cách 100 thước với tên phi công kinh hoảng của nó. Chiếc phi cơ đảo thật mau để né tránh. Tôi ấn cò súng. Chiếc Hellcat lăn tròn, vượt lên và bay mất.
Những chiếc Hellcat khác rối loạn. Tôi vượt lên và chạy nữa. Mấy tên phi công ngu ngốc rượt theo và khai hoả từ khoảng cách 500 thước. Phí đạn vô ích, phí đạn vô ích, tôi thét lên. Nhưng, bọn nầy nhanh quá đổi! Những tia đạn loé sáng bên cánh tôi, và tôi lại lăn tròn một cách tuyệt vọng.
Xuống thấp nữa, Iwo thình lình xuất hiện ở phía dưới. Tôi lắc đôi cánh, hy vọng các xạ thủ dưới mặt đất nhìn thấy những dấu hiệu màu đỏ kẻ trên cánh phi cơ. Đó là một sai lầm, hành động nầy khiến tôi chậm lại, và những chiếc Hellcat đã ở ngay phía trên tôi.
Súng cao xạ ở đâu? Bắn đi, lũ ngu xuẩn, bắn đi!

Iwo nổi lửa. Những tia đạn chớp loé khắp hòn đảo. Mọi loại súng đều khai hoả. Tiếng nổ làm rung chuyển chiếc Zero. Những bựng khói do đạn cao xạ tạo ra xuất hiện trên không, giữa các chiếc Hellcat. Đối phương quay lại thật mau và chúi xuống để thoát khỏi tầm súng.
Tôi vẫn duy trì tốc độ tối đa. Tôi đang sợ hãi. Tôi cứ nhìn về phía sau sợ đối phương quay lại, sợ những tia đạn từ dưới đất rót vô phòng lái, xuyên thủng thân phi cơ, ghim vô thân tôi.
Tôi lướt ngang qua Iwo, ấn mạnh ga, thúc giục chiếc phi cơ bay mau hơn. Mau hơn, mau hơn! Phía Nam Iwo xuất hiện ở chân trời… ở đó có một đám mây! Một đám mây dày đặc chồng chất nhiều lớp vĩ đại, bay là đà trên mặt nước. Tôi bất cần lưu ý đến sự vận chuyển của không khí. Tôi chỉ muốn thoát thân. Với hết tốc lực , tôi chui vô đám mây.
Hình như có một bàn tay khổng lồ tóm lấy chiếc Zero và đu đưa nó qua lại một cách dữ dội. Tôi thấy gì khác hơn là những màu tím thẫm chợt loé chợt tắt. Tôi đã mất kiểm soát. Chiếc Zero chúi nhũi và giựt lại, liên tục. Thế rồi tôi qua khỏi đám mây, nhưng cơn bão bên trong đám mây quay chiếc Zero ra ngoài khiến nó lảo đảo dữ dội. Tôi ngã sấp về phía trước. Sau đó, tôi lấy lại cao độ khoảng 16.000 bộ. Xa về phía Nam, tôi nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng 15 chiếc Hellcat. Chúng đang bay về các hàng không mẫu hạm. Khó thể tin rằng mối hiểm nguy đã vượt qua, và tôi vẫn còn sống sót. Tôi muốn rời khỏi không trung lập tức. Tôi muốn được đứng trên mặt đất cứng rắn phía dưới.
Tôi đáp xuống phi đạo chánh của Iwo. Tôi ngồi trong phòng lái một vài phút, sức cùng lực kiệt, sau đó leo xuống chiếc phi cơ một cách mệt nhọc. Tất cả các chiến đấu cơ khác đã đáp xuống từ lâu. Một đám phi công và thợ máy chạy ùa ra phi cơ của tôi, la lên vui mừng. Nakajima cũng có mặt. Ông ôm choàng lấy tôi, la lớn với nỗi hân hoan. “ Anh mới làm nổi việc đó, Sakai. Một chống mười lăm… anh quả thật phi thường!” Tôi chỉ có thể tựa vô chiếc phi cơ và miệng càu nhàu nguyền rủa con mắt đui mù của mình. Mạng sống của tôi suýt đi đời vì nó.
Một cơ khí viên chạy đến tôi, chào và nói: “ Thưa Chuẩn úy, phi cơ của chuẩn uý. Nó … nó không… tôi không thể tin nỗi … nó không có một vết đạn nào cả!”
Tôi cũng không thể tin nỗi. Tôi xem xét lại chiếc phi cơ từ đầu đến cuối. Tên cơ khí viên nói đúng. Không có một viên đạn nào trúng phi cơ của tôi.
Sau đó, tôi trở về doanh trại, tôi biết được nhóm chiến đấu cơ Zero đầu tiên, bay phía trên các đám mây, đã đánh nhau với đối phương một cách dễ dàng hơn nhóm của tôi. Nhóm Zero nầy đã có được ưu thế từ trên cao bổ nhào xuống, khiến bọn phi công Hoa Kỳ trở tay không kịp. Trung sỹ Kinsuke Muto, ngôi sao sáng của phi đoàn Yokosuka, đã hạ một lúc bốn chiếc Hellcat. Các phi công khác cũng ghi điểm chiến thắng. Nhưng đổi lại, gần 40 hầu như phân nữa tổng số chiến đấu cơ của chúng tôi bị bắn rơi.


No comments: