Sunday, October 11, 2009
Phi Đoàn THẦN TƯỢNG – GIỜ THỨ 25
Thành kính nghiêng mình tưởng niệm đến phi hành đoàn AC-119 cùng các chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh tính mạng cho Tổ Quốc trong giờ phút thứ 25 của đất nước.
Bài viết này ghi lại một chuyến bay định mệnh sau hơn 30 năm rời quê hương. Tôi xin gửi đến tất cả các vị chiến hữu niên trưởng và các bạn để chia sẻ một kinh nghiệm đã qua trong giây phút cuối cùng của cuộc chiến.
Tất cả được viết lại từ vị thế của tôi dưới một góc độ nhỏ hẹp và đã qua bao năm tháng trí nhớ lu mờ nên có thể nhiều chi tiết không được chính xác. Nếu có gì sơ sót thì mong các vị niên trưởng cũng như các bạn có mặt trong cuộc hành trình này thông cảm.
Xin thành thật cám ơn.
29 tháng 4/75 – Phi truờng Tân Sơn Nhất
Khoảng mười giờ sáng, chiếc xe Ford pick-up bắt đầu lăn bánh chở ba phi hành đoàn trực thăng võ trang phi đoàn 215 ra bãi đậu trong một phi vụ yểm trợ vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả phi hành đoàn nhận chỉ thị phi vụ này, như bao nhiêu phi vụ khác, nhưng không thể ngờ đây là một chuyến bay định mệnh sẽ có ảnh hưởng lớn đến cho sự sống còn của nhiều nhân viên phi hành của phi đoàn Thần Tượng. Tôi và Trung Úy Sơn ngồi ép sát nhau trên băng trước của xe pick-up, băng sau là bốn hoa tiêu khác, mỗi người ôm chặt lấy túi bay để trên đùi, không ai nói với ai một lời. Sau những ngày tháng căng thẳng và một đêm không ngủ vì trận pháo kích ào ạt vào căn cứ tối hôm qua, những khuôn mặt thể hiện lên một nét rã rời và mệt mỏi.
Người trung sĩ tài xế lo lắng uu tư, vừa lái xe vừa chăm chú nhìn và tránh né những miểng sắt của đạn pháo nằm rải rác trên con đường nhựa đen, hẹp, chạy ra bãi đậu. Mỗi khi nghe tiếng nổ “oành”, anh ta giật mình, hai vai rút lại như để tránh những mảnh đạn vô hình đang rít lên trong bầu không khí căng thẳng sáng hôm nay. Chắc hẳn anh ngạc nhiên, không hiểu được tại sao trong giờ phút phi trường gần như đã bỏ ngỏ lại có những phi vụ lạ lùng này.
Dọc theo hai bên đường dẫn ra bãi đậu là những bãi đất trống đầy cỏ dại cao, chạy dài ra vòng rào kẽm gai phòng thủ, khoảng chừng vài ba trăm mét lại có một công sự chiến đấu, chồng chất những bao cát cũ kỹ, loang lổ những vết lủng do mảnh đạn pháo kích. Phía bên phải, một barrack trước chứa đồ tiếp liệu nay bỏ trống, bị trúng đạn cháy gần hết chỉ chừa lại bốn bức tường nám đen. Gần đấy là những hố lớn mới toanh phơi màu đất đỏ đang còn bốc khói. Tất cả là hậu quả của một đêm tổng pháo kích của CS trước khi chiếm cứ mục tiêu cuối cùng, với mục đích phá hủy tất cả các phi cơ của QL/VNCH, chặng đường rút lui của tất cả hoa tiêu còn kẹt lại tại TSN dùng làm phương tiện thoát khỏi miền Nam.
Theo lệnh của Tr/T Khưu Văn Phát, phi đoàn trưởng PĐ 215, nhiệm vụ của chúng tôi sáng hôm ấy dùng 3 chiếc trực thăng võ trang bay theo vòng đai phi trường đánh phá những mục tiêu nào trong tầm tay, làm chậm bước tiến của Cộng Quân đang trên đà tràn ngập căn cứ. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận được chỉ thị này, vì đây là phi vụ đầu tiên của tôi trong 30 ngày qua, kể từ ngày phi đoàn di tản chiến thuật từ Nha Ttrang vào trú đóng tại Tân Sơn Nhất. Trong giây phút này đa số những đơn vị chủ lực quân VNCH có thể đã bị tan rã hay bị cô lập đâu đó, tôi đã ý thức rằng chúng tôi phải hoàn toàn dựa trên hỏa lực của mình mà không hề hy vọng có sự yểm trợ nào khác. Trước đó không hơn một giờ, chiếc gunship AC-119 bị bắn rớt bởi SA-7 ngay trên vòm trời Sài Gòn, một bằng chứng rõ ràng là mũi dùi của địch quân đã tiến đến rất gần thủ đô và đang nắm phần chủ động chiến trường.
Khoảng tám giờ sáng chúng tôi đứng tụm năm tụm ba bàn tán xôn xao với mấy người bạn trước cổng phi đoàn, nhìn lên trời chiếc AC-119 bay trên cao độ khoảng 3 ngàn bộ và chừng vài ba phút lại khạc ra những tràng đạn liên thanh. Chắc có lẽ đây là một phi vụ yểm trợ cho một đơn vị nào đó của quân bạn đang đụng trận ở vùng ngoại ô Sài Gòn. Trong sự ngạc nhiên và tò mò, chúng tôi tiếp tục theo dõi hoạt động của con chim sắt đơn độc này. Bỗng nhiên từ mặt đất bất thần xuất hiện một làn khói trắng nhỏ dài, xẹt thẳng lên trời nhanh như mũi tên lửa hướng về phía con tàu. Chiếc hoả tiễn trúng gần ngay giữa thân và đuôi tàu, con chim sắt như đứng sựng lại, chiếc đuôi gãy lìa ra cùng với thân tàu chúi xuống rồi quay vòng vòng hình trôn ốc, rơi như chiếc lá vàng lìa cành. Từ chỗ chúng tôi đứng nhìn lên tuy khá xa nhưng vẫn thấy được bốn năm bóng hình nhỏ nhảy thoát ra khỏi con tàu bị nạn và cùng rơi xuống mặt đất. Nóng lòng chờ đợi, nhưng chúng tôi đã vô cùng thất vọng không thấy có một chiếc hoa dù nào nở ra trên bầu trời xanh. Nhìn nhau bàng hoàng không nói nên lời, một cảm giác đau buồn khó tả dâng lên trong lòng tất cả những người đang có mặt tại đây, thương cảm cho số phận của những người chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho Tổ Quốc trong giờ phút tận cùng của cuộc chiến.
Tối hôm 28, anh em 215 còn ở lại trong phi trường, tại Câu Lạc Bộ đối diện phi đoàn, mạnh ai nấy kiếm chỗ ngủ, người thì nằm trên những chiếc bàn hay những chiếc ghế nối lại, người nằm dưới đất, kẻ nào may mắn thì kiếm được ghế bố, trong tư thế tác chiến, áo quần giày vớ để nguyên trên người. Khoảng hai giờ khuya, một tiếng “Oành” đầu tiên làm rung chuyển cả mặt đất, mọi người đang say sưa trong giấc điệp tức thời choàng tỉnh dậy, chạy ùa ra cửa hướng về những hố cá nhân, mấy tháng trước đây nhân viên trong phi trường được lệnh đào trước mỗi phần sở của mình. Trời tối mịt, không thấy rõ đường tôi phóng đại xuống ngay cái hố đầu tiên kế bên cỗng. Một tiếng la oái:
- Á, chết cái đầu tui rồi…
Hố cá nhân này đã có chủ rồi, tôi chạy vội qua hố kế bên nhảy đại vào lần nữa:
…“Oành, Oành, Oành”…
- Ê, ê, kiếm chỗ khác đi cha…
Lại một ông khác đang co rút người trong cái hố cạn như con nhộng trong tổ ong. Tôi xuống giọng năn nỉ:
- Cho ké chút đi, chật chật chút không sao mà…
“Oành, oành, oành…”, cả hàng trăm trái đạn bắt đầu nhắm vào phi trường như mưa rơi, liên tiếp không ngưng. Chưa bao giờ trong đời binh nghiệp của tôi được đối diện một đêm pháo kích kinh khủng như đêm nay. Không khác gì một đại hội hoa đăng, những tiếng nổ đủ loại xa gần, âm thanh chát chúa, đinh tai nhức óc, những chớp sáng lóe trong bầu trời đen như mực. Bản nhạc đại hòa tấu bắt đầu từ hai giờ sáng, kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Tiếng động của những mảnh sắt bay xé không gian rít lên những âm thanh lạnh lùng chết chóc.
Những tiếng động do hàng trăm mảnh sắt vụn rơi rớt rổn rảng trên mái ngói, trên nóc tôn, trên mặt đường như bất tận càng làm gia tăng thêm vẻ khủng khiếp đe dọa. Chúng tôi nằm bẹp dí trong hố cá nhân cả mấy tiếng đồng hồ, chân tay bắt đầu tê cứng. Đến gần sáng tiếng pháo mới bắt đầu thưa thớt dần dần rồi chỉ còn lại những tiếng ì ùng đó đây…
Qua một đêm nằm yên chịu trận trong hố đất cạn, hình ảnh cuộc đời bay bổng của tôi lần lượt diễn ra như cuốn phim quay chậm. Khi còn là một hoa tiêu chân ướt chân ráo du học Mỹ trở về, tôi được chỉ định gia nhập Phi Đoàn 215 trong phi đội võ trang. Hãnh diện trong bộ đồ bay oai vệ sẽ được khoác lên người với danh hiệu Thần Tượng trên ngực áo. Ôi sao cái tên nghe quá oai phong lẫm liệt, Thần Tượng, có phải các anh sẽ là Thần Tượng của các em gái hậu phương chăng? Đêm ngủ tôi mơ màng ấp ủ một hình ảnh hào hùng đẹp đẽ đó, cho đến khi nhìn thấy tận mắt phù hiệu phi đoàn chỉ là một con voi trắng ngồi trên trái banh tô màu vàng đỏ rực rỡ như đang ở trong gánh xiệc, Thần Tượng là Voi Thần chứ không phải là Thần Tượng của lòng em. Khí thế cao ngất trời của một chàng thanh niên trai trẻ mới bước vào đời binh nghiệp phút chốc tan thành mây khói.
Phi đoàn 215 trú đóng tại Nha Trang, thành phố nho nhỏ êm đềm nép mình bên bờ biển xanh cùng hàng thùy dương rì rào trong gió. Dù đang ở trong một cuộc chiến tranh khốc liệt, Nha Trang vẫn là một người em gái còn trinh nguyên, chưa bao giờ thật sự nếm mùi vị của chết chóc, tàn phá. Nha Trang là nơi che mưa đỡ nắng bao năm cho Trung Tâm Huấn Luyện K.Q, nơi xuất xứ của bao phi công tài ba, gan dạ. Những ngày cuối tuần, cổng trường rộng mở, từng đoàn sinh viên Sĩ Quan phi hành, lòng rộn rã, tung tăng như đàn bướm khắp mọi ngõ hẹp, phố phường, hãnh diện trong bộ quân phục ka-ki chỉnh tề thẳng nếp, con cá sáng vàng chói trên cầu vai. Những chàng trai Không Quân trong bộ đồ bay oai hùng bao giờ cũng là “Thần Tượng” của những người em gái nữ sinh trong tà áo trắng thơ ngây. Nha Trang đã là nơi thai nghén cho bao mối tình thơ mộng của những chàng trai nước Việt và những người em gái Nha Thành…
Những buổi chiều vàng, từ những phi vụ hiểm nghèo trên những chiến trường sôi động đẫm máu miền cao nguyên, nhìn trên cao thành phố hiền hòa dễ thương mở rộng vòng tay chào đón những đoàn chim sắt bay về tổ ấm. Những nỗi lo âu mệt mỏi tan biến theo những dải mây trắng đang trôi nhẹ nhàng trên bầu trời xanh lơ.
Nhớ những ngày sau phi vụ nóng bỏng, chúng tôi đến thăm em “áo anh mùi thuốc súng”. Nhớ những buổi chiều lộng gió, ngồi đựa lưng bên nhau dưới hàng thùy dương bóng mát hướng nhìn ra chân trời trong sáng, xa xa những con thuyền đánh cá nhấp nhô trên sóng biển, rồi cùng uống những trái dừa tươi ngọt dịu, chia sẻ những chuyện vui buồn lính chiến. Nhớ những lúc mặt biển trong xanh êm ả như mặt hồ thu một buổi sáng đẹp trời, những chiếc trực thăng bay trong phi vụ “giải lao”, tưởng thưởng cho những chàng trai phi công sau chiến thắng của một mặt trận lớn. Những chiếc trực thăng bay là sát mặt nước, chở đầy những em gái hậu phương cùng gia đình và đáp trên những hòn đảo thanh vắng, thức ăn, thức uống tràn đầy… Và làm sao tôi quên được cảm giác ngồi trên ghế bay, lái con tầu về câu lạc bộ phi đoàn từ hải đảo, chỉ độc trong chiếc quần tắm để lấy thêm nước đá cho mọi người, chiếc máy bay gần sát mặt biển đến độ tôi cảm tưởng những ngọn sóng lăn tăn chạm mũii tàu. Giây phút rời bỏ Nha Trang để vào cố thủ tại Tân Sơn Nhất, tôi linh cảm rằng đây là một sự ra đi vĩnh viễn, cơ hội nhìn lại thành phố thân thương êm đềm, bao nhiêu kỷ niệm đẹp đáng yêu đó có lẽ không bao giờ đến nữa.
Chiếc xe chở chúng tôi đã tới bãi đậu. Mấy tuần nay trực tại phi đoàn tôi chưa có cơ hội ra đây, giờ nhìn thấy một cảnh tượng hoang tàn đổ nát làm tôi sững sờ. Sau một đêm bị tàn phá bởi hàng trăm trái đạn đại pháo, bãi đậu đã biến thành một bãi phế thải. Những chiếc bị trúng đạn, gãy đổ, những chiếc bị mảnh văng lủng lổ chỗ, cánh quạt buông thả dập dềnh, bỏ dở.
Hai trưởng phi cơ theo tôi trong phi vụ này có Trung Úy Bùi Hữu Sơn, Đại Úy Chín từ phi đoàn Mãnh Sư 243. Trung Úy Sơn, trong phi đoàn thường gọi anh là “Sơn Mực” vì nước da ngăm ngăm đen. Anh đã cùng đi bay chung với tôi cả hàng trăm phi vụ trực thăng võ trang trong những phi vụ hiểm nghèo của mặt trận vùng II: Tiền đồn 5, Tiền đồn 6, Kontum, Tân Cảnh, Pleịku, Tam biên, Mùa hè đỏ lửa…
Đại Úy Chín là một hoa tiêu đầu đàn của phi đội trực thăng võ trang của Mãnh Sư, Phù Cát. Anh là một trong những hoa tiêu lên cấp bậc nhanh nhất vì những chiến công đã đem lại cho phi đoàn trong những trận chiến đẫm máu. Từ sau vụ di tản chiến thuật bỏ vùng II để về cố thủ Tân Sơn Nhất, phi đoàn 243 Mãnh Sư đã sát nhập với phi đoàn chúng tôi.
Nhìn Sơn đang lúi húi kiểm soát chiếc trực thăng võ trang dùng cho phi vụ, tôi đến gần và nói với anh:
-Này Sơn, bạn nghĩ chúng ta sẽ làm được gì trong hoàn cảnh này chăng?
Không ngạc nhiên chút nào trong câu hỏi chứa đựng một hàm ý nào đó, anh đã trả lời như đã đọc hết tư tưởng trong đầu tôi:
-Tùy bạn. Bạn tính như thế nào thì tôi theo vậy.
Tôi phân vân suy nghĩ. Quyết định của tôi có thể thay đổi hay ảnh hưởng cả cuộc đời và sinh mệnh của tất cả phi hành đoàn sáng hôm nay: một là cất cánh ba chiếc trực thăng võ trang lên và thi hành những gì đã được giao phó trong phi vụ, hai là chọn vài chiếc tàu còn tốt đầy đủ xăng nhớt bay thẳng ra đảo Côn Sơn. Tối hôm qua, tất cả vợ con gia đình của nhân viên 215 đã được gủi theo máy bay C-130 bay ra đảo Côn Sơn trước nên tất cả chúng tôi đều nôn nóng ra đó.
Trong giây phút tiến thoái lưỡng nan này, bài ca hùng tráng của Không Quân đã bao năm in sâu trong tiềm thức tôi như vang dậy:
“Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu…Cố chiếm chiến công ngang trời… Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến thắng, đi không ai tìm xác rơi… Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi, hối tiếc tấm thân làm chi…”
Trong lúc đất nước đang lâm nguy những người con thân yêu phải hy sinh cho Tổ Quốc, không hối tiếc tấm thân… Tâm tư tôi đang bị dày vò giữa bổn phận của một chiến sĩ và sự sống còn của một con người. Tôi suy tư và tự hỏi : sự hy sinh cho Tổ quốc trong giây phút vô vọng này có còn cần thiết nữa hay không? Ba chiếc trực thăng võ trang với hỏa lực hạn hẹp để ngăn cản bước tiến ào ạt của Cộng Quân lúc này không khác vài con muổi vo ve đốt đàn con voi đang hung hãn tiến bước. Hình ảnh của con chim sắt AC-119 gãy cánh trên vòm trời Sài Gòn mới đây còn in sâu trong đầu tôi. Lương tâm của một người lính chiến đã dằn vặt tâm tư tôi khi phải đứng trước một quyết định tiến thoái lưỡng nan này. Nhưng cuối cùng như đã ý thức được thực tại, có lẽ tôi phải quyết định chọn giải pháp thứ hai, giải pháp đi tìm sự sống, sự sống trong tự do và hạnh phúc.
Tập trung tất cả phi hành đoàn lại, tôi tuyên bố ý định hủy bỏ phi vụ yểm trợ và quyết định dùng những chiếc trực thăng này vượt ra khỏi vòng vây của địch bay về phía vùng trời tự do. Mọi người đều hăng hái tán thành. Trên những khuôn mặt đầy nét hân hoan tất cả vội vã lăng xăng đi chọn những chiếc trực thăng tốt, đầy đủ xăng nhớt . Có thể nói rằng hơn 70% của những chiếc đậu trên bãi này đã bị trúng miểng pháo kích đêm qua, nhiều chiếc tàu còn nguyên vẹn nhưng lại không còn đủ xăng hoặc bình điện bị yếu. Một chuyện lạ làm tôi nhớ mãi là gặp một chiếc tàu hoàn hảo, đầy đủ mọi yếu tố khả dụng, nhưng éo le thay, bị ông hoa tiêu nào mua khóa ngoài chợ khóa tay lái lại làm của riêng, bây giờ thì đã bị quên lãng.
Tôi chợt nghĩ đến Bộ chỉ huy 215 và vài chục nhân viên phi hành đang còn ở lại tại phòng hành quân phi đoàn. Trong giây phút này của đất nước, họ vẫn còn ở lại để cố thủ đến giây phút cuối cùng, sẵn sàng dâng hiến, hy sinh tánh mạng mình bảo vệ quê hương. Câu nói đầu môi chót lưỡi của những người trong quân chủng Không Quân văng vẳng trong tai tôi: “Không Quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè…” Làm sao tôi có thể nhắm mắt làm ngơ cất cánh ra đi để lại những người chiến hữu đã từng sát cánh bên nhau sau nhiều năm khói lửa chiến tranh, chia cơm sẻ áo, sống chết có nhau. Trong những phi vụ hiểm nghèo, khi có những con tàu gãy cánh, rơi rớt vùng đất nóng bỏng hay ngay trong lòng địch, chúng tôi đã không chút ngại ngùng, suy nghĩ, sẳn sàng lao mình xuống bất chấp hiểm nguy để đưa tay nắm, cõng, bồng những người bạn lâm nạn bay đến chốn an toàn. Chúng tôi là những anh em ruột thịt trong một đại gia đình, gia đình Thần Tượng.
Đây là những người chiến sĩ trong phù hiệu: Bảo Quốc-Trấn Không, Tổ Quốc-Không Gian, đã làm sáng rỡ, vinh danh cho binh chủng Không Quân hào hùng. Tôi muốn họ phải rời khỏi nơi đây, như chúng tôi, để đoàn tụ với vợ con đang mong ngóng trên hòn đảo xa xôi hẻo lánh.
Nhìn anh tài xế còn ngồi trong xe tôi bước đến bên cạnh nói:
-Anh hãy về thông báo phi đoàn rằng chúng tôi sẽ đi Côn Sơn và ai muốn đi thì anh chở ra giùm. Còn riêng anh có muốn đi với chúng tôi thì tùy ý. Nhanh lên nghe…
Hai chiếc tàu bắt đầu quay máy sẵn sàng để cất cánh. Theo như dự tính của tôi thì có thể mất mười lăm tới hai chục phút trước khi chiếc xe hậu trạm chở những hoa tiêu 215 trở lại.
Giờ phút đi qua thật chậm, tôi cố lấy bình tỉnh kiểm soát tất cả phi cụ một lần nữa.Thỉnh thoảng một trái pháo đánh “Ình” một cái đâu đó làm ruột gan tôi nóng như lửa đốt...
Bỗng từ xa, thấp thoáng trong những chiếc tàu ngổn ngang, hai người trong bộ đồ bay đang chạy vội vã về hướng tàu tôi. Khi đến gần, họ nhảy phóc lên sàn tàu không hề hỏi ý. Tôi nhận rõ đó là hai hoa tiêu trong cấp bậc Thiếu Úy, một người mang phù hiệu trực thăng và người kia mang phù hiệu khu trục. Một người chồm lên phòng cockpit, trong tiếng động ầm ĩ của tiếng máy đang ở tốc độ cao, ghé vào tai tôi nói như hét vừa chỉ tay ra hướng hàng rào phòng thủ:
-Cất cánh nhanh đi, tôi thấy tụi nó đang lố nhố ở ngoài hàng rào có chừng cây số thôi… gần lắm…
Quay đầu nhìn về phía ngoài hàng rào phòng thủ, không thấy có một biến chuyển nào cả khả dĩ có thể nói lên một đe dọa nào, tất cả vẫn yên tỉnh. Hai người hoa tiêu mới này chờ lâu sốt ruột chịu không được, một anh thỉnh thoảng nắm dây an toàn sau ghế của tôi giật mạnh, như thúc dục, làm tôi thêm rối trí, bực bội. Trong tiếng ầm ĩ của động cơ tôi quay lại phía sau la lớn:
- Anh kiếm một chiếc khác bay trước đi, tôi còn phải chờ…
Không còn đủ kiên nhẫn, sau khi vừa nghe tôi dứt lời hai anh nhảy phóc ra xuống đất chạy biến mất dạng giữa những chiếc tàu trong bãi đậu. Vài phút sau tôi nghe tiếng xè xè của một chiếc tàu nào đang quay máy gần đâu đây. Ngoái cổ nhìn ra phía sau, qua khung cửa sổ cách tàu tôi không xa, một chiếc trực thăng đang “hover” từ từ đi tới và chuẩn bị cất cánh.
Chuyện đó không dính dáng gì đến chúng tôi trong giây phút này, tôi quay lại hướng con đường, chăm chú tầm mắt chờ đợi. Đột nhiên “Ầm”, một tiếng nổ long trời xẻ đất như tiếng nổ của một trái đại pháo rới gần đây, phản ứng cấp thời, tôi định kéo tàu rời khỏi bãi thì tiếng anh xạ thủ trong tàu tôi la hét to:
- Á, á…chết rồi, chết rồi, tầu bị lật …
Cách chúng tôi khoảng vài trăm feet con tàu của hai vị hoa tiêu lúc nãy bây giờ nằm lật úp, chỏng cọng lên trời, quay mòng mòng, quằn quại như con vật đang dãy chết, cánh quạt đập tung tóe xuống đất bể từng mảnh vụn, bụi tung mịt mù.
Tr/u Sơn buột miệng:
-Hình như đuôi tàu bị vướng hàng rào kẽm gai…
Nhìn thấy tình trạng của chiếc bị nạn trong giây phút hỗn độn, loạn ly này, tôi vô cùng lo ngại và quan tâm cho tánh mạng của hai hoa tiêu mới này, nhưng cảm thấy bất lực, không thể làm được gì hơn, tôi tiếp tục ngồi chết dí trên ghế bay, chờ …
Nhưng chỉ trong khoảng khắc sau, trong sự ngạc nhiên và sững sờ của tôi, hai người hoa tiêu trên chiếc tàu lật úp đó, hớt hãi chạy đến nhảy phóc lên sàn tàu trong bộ đồ ướt đẫm, nồng nặc mùi xăng máy bay, chiếc nón trên đầu không còn, khuôn mặt tỏ lộ đường nét kinh hoàng. Làn da của họ đỏ ửng vì dầu xăng, nhưng lạ lùng thay tôi không một hề thấy có một vết thương nào, dù là một vết nhỏ. Không nói lên được một lời, tôi thầm nghĩ rằng trên đời này vẫn còn có những phép lạ.
Từ xa hai chiếc xe Dodge phăng phăng chạy đến, chở đầy người. Xe chưa kịp ngừng tất cả vội vàng nhảy xuống chạy về phía hai chiếc tàu của chúng tôi đang chờ. Trong hơn ba bốn chục người vừa đến, thấy sự có mặt một số hoa tiêu của 215 như Trung Úy Lê Ri, Lê Viết Tánh, Tống Văn Thịnh, Đại Úy Nguyễn Hồng Huỳnh… cộng thêm những anh em cơ phi xạ thủ như “Phước chìa khóa”, Kiệt, Lộc, Song… và một số khác tôi không nhớ rõ. Ngoài ra có thêm những anh em hoa tiêu phi đoàn khác đã “quá giang” theo, đặc biệt là Thiếu Tá Hạnh, Trưởng phòng HQ/CC Phan Rang, Thiếu Tá Nguyễn Minh Lương, phi đội trưởng 259C, cựu sĩ quan An Phi 215. Ban chỉ huy 215 có Th/t Lê Hữu Đức, Trưởng Phòng HQ, và sau cùng là Tr/t Khưu Văn Phát, vị chỉ huy cuối cùng thay thế Tr/T Phạm Bính trong chức vụ hướng dẫn phi đoàn Thần Tượng 215. Riêng không thấy sự có mặt của Thiếu Tá Sơn Thái Huyền, người đã thay thế Thiếu Tá Đặng Đình Vinh trong chức vụ chỉ huy phó phi đoàn, mà tôi đã gặp tại phòng hành quân sáng trước đó không lâu, điều này đã làm cho tôi bâng khuâng không ít.
Thấy số đông anh em 215 đã có mặt khá đầy đủ, tôi không dấu được một nỗi sung sướng trong lòng, nhất là sự có mặt của con chim đầu đàn Thần Tượng, một vị chỉ huy trưởng được anh em thương mến như một người anh, đã cùng chia vui sẻ buồn với tất cả trên những chiến trận hiểm nghèo, sống chết. Dưới đôi mắt tôi, Tr/T có những tánh khí đúng nghĩa của người phi công và một người chỉ huy trưởng của những chàng trai tinh hoa của đất nước, hào hoa phong nhã, vui chơi khi cần nhưng không bao giờ xao lảng bổn phận. Phi đoàn Thần Tượng là một danh hiệu quen thuộc và được sự kính nể của tất cả những đơn vị quân bạn trên vùng II Chiến Thuật vì những chiến công hiển hách.
Giờ này nhìn thấy con chim đầu đàn tay xách túi nón bay, đứng ngỡ ngàng buồn bã tại bãi đậu ngổn ngang này, tôi cảm thông được tâm trạng của một vị chỉ huy trưởng khổ đau khi nhìn gia đình thân yêu, mình đùm bọc bao năm qua, đã đến hồi rã rời ly tán trên một tương lai bất định.
Bây giờ, tất cả nhóm người đến sau chia nhau leo lên hai chiếc tàu đang quay máy sẵn, nhưng không đủ chỗ, cuối cùng phải tăng cường thêm một chiếc nữa. Thế là hợp đoàn ba chiếc trực thăng đã sẵn sàng lên đường. Thiếu Tá Phát dẩn đầu cùng với Thiếu Tá Đức, chiếc thứ hai Đại Úy Chín của phi đoàn 243 và chiếc thứ ba do tôi cầm lái cùng Trung Úy Sơn.
Chiếc số một cất cánh nhẹ nhàng không một tiếng thông báo trong tầng số, lần lượt chiếc thứ hai, rồi tới chiếc sau cùng của tôi. Ba con chim sắt đã tung cánh lên vùng trời quen thuộc bay ra khỏi vùng lửa đạn hướng về vùng trời tự do. Chiến tranh, hận thù, chết chóc… đã để lại đằng sau.
Không lâu hợp đoàn ba chiếc trực thăng đã lên cao độ, nhìn lại phi trường xa dần với những con tàu nằm rải rác trên mặt đất như những món đồ chơi nho nhỏ. Lên gần bốn ngàn bộ, sông Đồng Nai như con rắn lớn uốn lượn quanh làng mạc, những cụm khói bốc lên từ những xóm làng xa xa vì bom đạn cho ta cảm tưởng như khói lam chiều của mẹ già đang thổi nồi cơm nóng, hình ảnh của một bức tranh thái bình không hề mang một chút gì của không khí chiến tranh tàn bạo.
-”Sài Gòn ơi, quê hương ơi, xin giã từ”, tôi thì thầm trong hơi gió, nước mắt lưng tròng.
Bây giờ không còn gì phải lo sợ nữa, đường mây rộng thênh thang trước mặt, Côn Sơn đảo đang chờ đợi chúng tôi. Tôi nhường cần lái cho Sơn rồi duổi thẳng tay chân ra cho máu chạy đều, xong móc điếu thuốc lá đưa lên miệng châm lửa hút một hơi dài, làn khói trắng bay nhiểu loạn trong không gian, thần kinh tôi nhẹ nhàng sảng khoái sau một thời gian dài căng thẳng. Quay lại phía sau sàn tàu tôi nhìn thấy Th/ T Lương, Đ/u Huỳnh râu, Th/u Từ bộ Chừng một hoa tiêu “sữa” đẹp “gái” từ Phù Cát, bốn năm anh cơ phi, xạ thủ…cùng vài hoa tiêu phi đoàn khác, cả thảy trên mười người đang ngồi bệt trên sàn tàu. Ai nấy đều hân hoan, không dấu được nụ cười tươi trên khuôn mặt.
Lên đến không phận Sài Gòn, một quang cảnh nhộn nhịp bận rộn khác thường, hoàn toàn khác hẵn cảnh tượng tiêu điều vắng vẻ tại bãi đậu sáng nay. Đủ mọi loại máy bay trực thăng của Không Lực Hoa Kỳ, từ ngoài hải phận Việt Nam, bay ra vào dập dìu. Tiếng nói của những phi công Hoa Kỳ oang oang trên tầng số guard rộn rịp, tiếng xè xè xạch xạch trong radio không ngưng nghỉ. Không Quân Mỹ đã làm một cầu không vận cuối cùng để di tản những người của họ còn kẹt lại tại thành phố Sài Gòn. Hình như đã có một thỏa ước ngầm bảo đảm sự di tản an toàn của quân đội Mỹ rời khỏi miền Nam Việt Nam trong giờ phút này, tôi không hề thấy một hỏa lực nào từ mặt đất bắn lên. Bay trong hành lang chuyển vận này, chúng tôi cảm thấy như được an toàn, bảo đảm, không còn e dè vì những họng súng hay những hỏa tiễn phòng không rình rập đe dọa.
Sau bốn mươi lăm phút hợp đoàn đã ra quá hải phận Việt Nam, trước mặt là vùng trời xanh, biển rộng bao la bát ngát. Một cảnh tượng vĩ đại bất ngờ và vô cùng ngoạn mục đã hiện ra dưới mắt chúng tôi: vô số tàu đang chạy đầy, chi chít trên mặt biển, ngoài khơi hải phận Vũng Tàu. Nguyên hạm đội của Hoa Kỳ đang thi hành một công tác cuối cùng cho cuộc chiến tại miền nam Việt Nam. Đủ loại tàu lớn nhỏ chạy ngoằn nghèo theo một đội hình tác chiến để lại sau đuôi những vệt dài trắng xóa, trên cao nhìn xuống giống như một mô hình của một hải chiến trận đồ. Chúng tôi không thể nào ngờ được là đang làm nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử, một lực lượng Hải Quân hùng hậu của một cường quốc đang thu dọn chiến trường sau hơn chục năm dài chiến đấu. Ba con tàu nhỏ xíu của chúng tôi như ba chấm đen nhỏ trên vòm trời xanh, tiếp tục lầm lủi bay qua hạm đội không hề thay đổi lộ trình. Một cơ hội ngàn vàng để đáp xuống an toàn trên hạm đội đã bị bỏ qua không một phút giây suy nghĩ, một lòng quyết chí chúng tôi hướng về nơi vợ con thân yêu đang chờ đón tại Côn Sơn, một hòn đảo nhỏ xíu chơ vơ nằm trong vùng đại đương bao la bát ngát. Chúng tôi đang đánh một ván bài với định mệnh, với thần chết.
Với số xăng rất có giới hạn, không có một khí cụ điện tử nào để hướng dẫn chúng tôi đến mục tiêu ngoài tấm bản đồ trên tay. Một yếu tố vô cùng quan trọng có thể ảnh hưởng đến sự chính xác của lộ trình bay là vận tốc và chiều gió, điều mà chúng tôi không hề có.
Sau chừng hai mươi phút bay, tất cả hạm đội đi qua chỉ còn là những chấm nhỏ li ti…, tôi bắt đâu lo ngại khi nhìn đồng hồ xăng và thấy số lượng không còn đủ bay bao lâu nữa. Trên sàn tàu, tôi nhìn thấy Thiếu Tá Lương đang điều chỉnh lại áo phao cấp cứu mặc trên người. Vị niên trưởng ngồi từ phía sau với chồm lên trên cockpit, ghé vào tai tôi nói lớn:
- Bạn có thể để cho tôi lên bay thế Trung Úy Sơn được không?
Tôi nhìn Sơn, qua intercom tôi nói:
- Sơn nghe không? Tùy bạn quyết định đó, tôi không có ý kiến…
Sơn đang ngồi bên ghế trái, không nói gì, rồi trong một cử chỉ dứt khoát tay gật mở nịt an toàn đứng dậy khỏi ghế bay, leo ra sau để nhường chỗ cho Thiếu Tá Lương.
Hợp đoàn chúng tôi tiếp tục hướng về phía đại dương thăm thẳm, ba con chim sắt bây giờ chỉ còn là những hạt bụi trên vòm trời bao la không bờ bến. Bao nhiêu cặp mắt đều mở lớn, như những đài radar quét về phía chân trời hy vọng một hòn đảo nào đó sẽ xuất hiện. Theo sự ước đoán của tôi, đường chim bay từ Sài gòn ra đảo gần 150 chục dặm. Nếu đầy đủ xăng nhớt không kể yếu tố gió thì cỡ một tiếng rưỡi bay chúng tôi sẽ đến đảo.
Từ khi cất cánh đến giờ đã trên một tiếng rưỡi rồi ba con tàu vẫn lầm lủi vào chốn hư không, Côn Sơn Đảo vẫn mịt mù trước mặt. Trước mặt là chân trời vô tận, sau lưng là Hạm đôi Mỹ đã không còn trong tầm mắt, kim xăng đồng hồ đã tụt xuống đến mức độ báo động, không ai nói với ai một lời nhưng cùng mang một tâm trạng lo âu tuyệt vọng. Hoang mang cũng như bất lực trước một con đường không lối thoát, đầu óc tôi choáng váng… Tiếng nói của Thiếu Tá Lương vang lên trong intercom:
- Đèn xăng đỏ rồi đó, coi chừng…
Vừa nói Thiếu Tá Lương vừa chỉ chỉ cái đồng hồ xăng đang bật sáng báo hiệu tàu chỉ còn khoảng 20 phút nữa để bay. Đối diện với thực tại, tôi phân vân tự hỏi: tôi phải làm gì trước hoàn cảnh này?
Một cảm giác lạnh chạy dài theo xương sống như chưa bao giờ có trong đời bay bổng, ngay cả trong những phi vụ hiểm nghèo nhất ở sâu trong lòng địch hay những giây phút trên những chiến trường nóng bỏng. Phía sau tàu, một quang cảnh nhốn nháo, khủng hoảng. Và trong một hành động hầu như là tuyệt vọng, vô nghĩa, mọi người trên tàu đều đã cổi hết giày ra. Rơi xuống biển khơi mênh mông hoang vắng này, không hề có một chiếc tàu nào trong tầm mắt, mạng sống của mấy chục nhân viên phi hành này coi như đã được an bài…Phép lạ có thể đến với chúng tôi trong giây phút tận cùng vô vọng này không?
Lo âu, tuyệt vọng, tôi cố đảo mắt nhìn mặt biển mênh mông để tìm một phép lạ trong một niềm tin cuối cùng. Bỗng tầm mắt tôi đứng sững lại, hướng mười giờ của tôi chừng vài chục dậm, hình như có một chấm đen nhỏ đang nằm chơ vơ trên mặt biển sáng bạc, lấp lánh ánh mặt trời. Tôi nhìn không chớp mắt, rồi sau cùng đưa tay chỉ cho Thiếu Tá Lương:
-Xem kìa, cái gì vậy? Có phải là chiếc thuyền không vậy Thiếu Tá?
Theo chỉ tay của tôi, sau vài giây chăm chú, vị này trả lời:
- Xa quá, không rõ, nhưng hình như vậy…
Linh cảm tôi đã cho tôi biết là không còn một sự chọn lựa nào khác nữa, trong một hành động dứt khoát tôi ngoặc cần lái về hướng đó, tách rời hợp đoàn trong im lặng. Là chiếc bay sau cùng nên hai chiếc đầu không hề hay biết hành động của tôi, một hành động không thể chấp nhận được trong kỷ luật phi hành. Theo luật phi hành, người cấp bậc cao nhất chỉ huy trong hợp đoàn luôn luôn bay lead, dẫn đầu và quyết định tất cả mọi hành động của hợp đoàn. Chiếc sau cùng của hợp đoàn, gọi là trail, luôn luôn được bay bởi người có cấp bậc hoặc vị thế quan trọng thứ hai, trong trường hợp này là tôi. Dĩ nhiên tất cả mọi hành động của tôi đều phải được sự chấp thuận của chiếc dẫn đầu trước khi thi hành. Trong giây phút mạng sống của tất cả như chỉ mành treo chuông, tôi không còn đầu óc để nghĩ đến chuyện gì ngoài sự sinh tồn của tất cả mọi người trên tàu. Trong thâm tâm, nghĩ rằng trong vài phút bay nữa, sau khi nhận định rõ ràng mục tiêu tôi sẽ thông báo với chiếc lead.
Vài phút sau, chấm đen đó đã hiện rỏ ra dần và chúng tôi nhận thấy đó là một chiếc tàu có một tầm vóc khá lớn của một thương thuyền.Tất cả mọi người trong tàu đều khấp khởi mừng rỡ và cầu mong rằng đó không phải là tàu của khối Cộng Sản. Nhưng dù là của khối nào đi nữa thì cũng đã muộn, con đường quay trở về đã khép kín từ lâu. Chỉ còn chừng chưa tới một dậm ở cao độ khoảng 500 feet, hiện rõ ra một thương thuyền với những cột buồm cao ngất, trên đỉnh cao phất phới những lá cờ màu sắc đủ loại:
-Tầu Anh Quốc…Thiếu Tá Lương buột miệng.
-Tầu Anh Quốc, đúng rồi, tàu Shell chở dầu, đúng rồi…Giọng nói tôi mang một âm thanh chất chứa một nỗi mừng rỡ, phấn khởi…
Lá cờ màu xanh đậm cùng hai dấu thập đỏ nền trắng cắt chéo vào nhau trên đỉnh cột cờ cao ngất bay phất phới như vẫy tay tươi cười chào đón chúng tôi, những con người trở về từ cõi chết. Dưới đó là lá cờ màu vàng thắm với hình con sò màu đỏ tươi cùng đồng múa trong gió khơi với những lá cờ màu sắc rực rỡ khác, càng làm cho lòng chúng tôi thêm rộn ràng. Chắc đây là tàu chở dầu cho Việt Nam Cộng Hòa, vì không vào hải phận được phải tạm neo lại đây chờ.
Mọi người trên tàu xôn xao rộn rịp lên, khác hẳn với cái không khí u ám trong vài phút trước đây, những lời nói chúc tụng đồng thời những tiếng vỗ tay bôm bốp như bắp rang… Người thì ôm choàng lấy nhau, người thì bắt tay nhau rối rít như những đứa trẻ.
Con đường sống đã rộng mở, tôi vội vàng bấm intercom:
-Lead đây trail.
-Lead nghe…
-Tôi đã đến được bên tàu dầu của Anh Quốc. Lead nên bay về đây…
-Trail cho biết vị trí…
Tôi vội vàng đáp:
-Khoảng hướng 7 giờ của Lead, khoảng 5 phút bay…
- OK... hai chữ vắn tắt nhưng Lead đã hiểu.
Tàu của chúng tôi đã xuống gần sát mặt nước cỡ 100 feet, tôi cho lượn một vòng quanh chiếc thương thuyền để quan sát và tìm được chỗ nào khả dỉ có thể đáp được. Đây là một chiếc tàu chở dầu hạng lớn dài cả vài trăm feet, những cột cao đầy những giây cáp chằng chịt, không có một chỗ hở nào khả dĩ để đủ chỗ đáp cho một chiếc trực thăng. Trên boong tàu một số thủy thủ ngoại quốc đang đứng hóng mát, mắt hướng nhìn vào bờ biển Vũng Tàu, quan sát những hoạt động của hạm đội Mỹ bằng những ống dòm cực lớn. Người thì đánh trần, quần sọt tay cầm lon bia, người thì bận áo mai-dô hút pipe trông rất là nhàn nhã. Nhìn thấy chiếc trực thăng bay vòng quanh chiếc thương thuyền, thủy thủ trên boong vui vẻ đưa tay cao vẫy chào chúng tôi một cách thân thiện. Chắc họ đang phân vân không hiểu chiếc trực thăng lạc loài nơi vùng biển xa xôi này đang có ý định gì?
Trong lòng tôi ruột gan rối như tơ vò vì chỉ còn trên dưới mười phút xăng để bay. Phía dưới là mặt biển mênh mông đe dọa, há miệng chờ đợi con chim sắt đang thi hành sứ mạng cuối cùng của nó: đưa những người bạn đồng hành, những chiến sĩ cùng vào sanh ra tử đến chốn bình an. Như một con ngựa già cố đưa chủ nó thoát khỏi vòng vây của kẻ thù trước khi ngã quỵ vì kiệt sức.
Tôi có ý định đem chiếc tàu thật thấp gần boong tàu để cho một người tình nguyện sẽ nhảy xuống. Chiếc trực thăng đến gần kề bên hông thương thuyền, nhìn cánh quạt đánh phần phật sát bên những sợi giây, mồ hôi tôi rịn chảy. Nhìn xuống boong tàu còn cao cỡ hai ba tầng lầu, mọi người ngồi trên sàn tàu chồm ra khung cửa mở rộng, bất động, không ai đủ nội lực để nhảy…
Một vài người chúng tôi lấy súng flare nhỏ bắn lên trời vài ba phát, nhưng hình như trên boong tàu không ai hiểu chúng tôi muốn gì. Bắt buộc một người của chúng tôi phải hy sinh nhảy xuống trước bất cứ giá nào. Trong ý định của tôi, giải pháp cuối cùng là sẽ cho tất cả mọi người nhảy xuống biển. Có một số anh em không sành bơi lội, nhất là ngoài biển khơi mênh mông này, tôi cần vài chiếc canoe sẵn sàng kế cận để vớt họ.
Sau vài vòng bay quanh, không thể nào chờ đợi được nữa, xăng đã cạn đến mức tối thiểu, tôi cho con tàu sát vào boong tàu một lần cuối. Con tàu đong đưa, sát bên hông chiếc thương thuyền, cánh quạt khổng lồ vù vù quay tít sát bên những những sợi giây cáp to như cổ tay, nín thở tôi hạ dần, hạ dần con tàu từng ly. Tới giây phút này mọi người trên sàn tàu đều ý thức rằng không còn một giải pháp nào tốt hơn, tất cả lần lượt nhảy xuống boong tàu không chút lưỡng lự. Chiếc trực thăng nhẹ hẳn đi, tôi nghiêng cần lái tách rời chiếc thương thuyền, lòng nhẹ nhàng hơn vì đã trút đi phần nào trách nhiệm.
Sau khi tiếp xúc được với thủy thủ trên boong tàu, hai chiếc canoe được hạ xuống biển cấp thời. Bây giờ tôi mới có thì giờ để nhận biết Lead và chiếc số hai đã đến với chúng tôi từ lúc nào. Như chiếc tôi đã làm, hai trực thăng còn lại, lần lượt cặp sát hông chiếc thuyền buôn, tất cả anh em thi nhau nhảy xuống boong tàu, “không dù”.
Cuối cùng ba chiếc trực thăng đã giải tỏa tất cả “hành khách” trên sàn, chỉ còn lại những hoa tiêu cầm lái con tàu. Trên chiếc trực thăng tôi vẫn còn hai người, Thiếu Tá Lương và tôi. Chỉ cần một trong hai chúng tôi ở lại với con tàu đến giây phút cuối cùng của nó. Ai sẽ đóng vai “thuyền trưởng” trong giây phút này?
Thiếu Tá Lương trên người đang mang một áo cấp cứu cùng với cặp phao hai bên hông. Trong những ngày cuối cùng hỗn loạn vị niên trưởng vẫn còn trang bị đủ “đồ nghề” đúng như một Sĩ Quan An-Phi, chức vụ anh đã giữ trong thời gian phục vụ với Thần Tượng. Với cặp áo phao bên hông, Th/T Lương sẽ an toàn hơn tôi khi rớt xuống biển, tôi nghĩ thầm. Quay mặt về người niên trưởng đang ngồi bên chiếc ghế trái bất động, nhìn thẳng vào đôi mắt Th/t Lương, trong giây phút cực kỳ nghiêm trọng này, tôi đã đọc được ánh mắt của anh muốn nói gì. Trong một hành động nhanh và dứt khoát tôi nắm chốt nịt an toàn giật mở bung ra, quay người lại tôi leo vội về phía sau sàn tàu. Thiếu Tá Lương đã can đảm nhận trọng trách cuối cùng trong chuyến bay đệnh mệnh này, “ditching” (động tác đáp khẩn cấp xuống nước )!
Tay tôi xách túi helmet, trong đó chứa một vài đồ lặt vặt như cuốn album những hình ảnh cũ, một bộ áo quần dân sự và đặc biệt là chai rượu Champagne bà cô tôi vài ngày trước đây đã cho tôi nhưng chưa có dịp dùng tới... Ngồi sau sàn tôi chợt thấy ngay gần sau đuôi chiếc thương thuyền chở dầu, một thùng connex nhỏ đang nằm chơ vơ sát thành tàu, trên mặt của nó bằng phẳng không có chướng ngại vật nào cả. Tôi quay lại phía cockpit chỉ cho Thiếu Tá Lương xong trở lại phía sau. Chiếc trực thăng từ từ cập con tàu sát bên hông chiếc thương thuyền đúng ngay vị trí đã định, cao không quá năm sáu feet, tôi lẹ làng nhảy phóc ra khỏi sàn và đưa tay ra hiệu cho Thiếu Tá Lương tôi đã an toàn.
Bây giờ số mệnh của ba hoa tiêu cuối cùng trên ba con chim sắt mệt mỏi đã đến giờ quyết định. Hai chiếc canoe cấp cứu dập dềnh trên mặt biển cách chiếc thương thuyền này vài trăm feet kiên nhẫn chờ…
Tất cả chúng tôi tụ tập trên bong tàu và hồi hộp nín thở theo dõi. Một số thủy thủy sẵn sàng trong những chiếc máy chụp hình hay quay phim chuẩn bị ghi nhận những giây phút lịch sử mà họ được cơ hội chứng kiến.
Chiếc tàu đầu tiên của Đại Úy Chín hình như đang sẵn sàng trong tư thế ditching. Con tàu đứng yên cách mặt biển chừng mươi feet trong vài giây, cánh quạt đang quay tốc độ nhanh bỗng chậm hẵn lại, con tàu rơi nhẹ nhàng như chiếc lá vàng đồng thời nghiêng hẳn mình qua phía trái, cánh quạt chém mạnh mặt nước văng ra từng mảnh tung tóe trên những làn sóng nhấp nhô, bộ máy nóng như cục than đỏ gặp nước lạnh nổ “ầm” lên khũng kiếp như trái phá. Con tàu lật nghiêng rồi từ từ đưa hẳn bụng lên trời, trong năm bảy giây ngắn ngủi nó chậm rãi lắng chìm xuống đáy biển sâu, như một con ngựa già giã từ cuộc đời không một tiếc nuối sau khi đã làm tròn bổn phận cao cả cuối cùng.
Mọi người trên boong lo lắng cho số phận của người bạn đang chiến đấu với biển cả. Trong vùng nước sôi sục đó, một cái đầu đang trồi lên khỏi mặt nước, Đại Úy Chín đang vẫy vùng bơi ra khỏi vùng nguy hiểm. Chiếc canoe gần đó vội vã chèo đến, chiếc phao cấp cứu được liệng ra kéo người phi công can đảm lên thuyền. Mọi người trên boong tầu la lớn reo mừng trong tiếng vỗ tay. Trong chúng tôi, có người vỗ tay bôm bốp, người thì la hét ầm ĩ, có người lại ôm chầm lấy mấy anh thủy thủ người Anh nhảy cỡn lên như những đứa trẻ thơ… một khung cảnh vui mừng khó quên.
Chiếc trực thăng đang còn bay vòng trên trời do Trung Úy Vĩnh cầm cần lái, mọi người trong phi đoàn thường gọi anh là Vĩnh Gấu vì anh to lớn không khác gì cái tên được đặt. Anh đã tình nguyện bay thế cho Trung Tá Phát, vì biết thầy không hề có khả năng về bơi lội. “Ditching” là một hành động khẩn cấp, tính mạng của người hoa tiêu không khác gì đồng tiền đặt trên mặt bàn roulette. Anh Vĩnh biết thầy mình có gia đình con cái, anh không vợ không con. Vì kính mến cũng như cảm phục con chim đầu đàn của Thần Tượng, anh đã lên cầm con tàu để “thầy” mình nhảy xuống trước an toàn. Hành động sẵn sàng hy sinh tính mạng cho một vị đàn anh cần phải sống hơn mình, một hành động cao cả nói lên tình thương thắm thiết huynh đệ chi binh…
Không chờ đợi lâu, một phút sau, Vĩnh bay gần đến hai chiếc canoe đang chở anh Chín, theo đúng phương pháp như đã học, anh cho con tàu rơi xuống mặt biển. Con tàu thứ hai lại từ từ biến dạng khỏi mặt nước. Một vài giây phút trôi qua trong im lặng, mọi người nín thở theo dõi và chờ đợi sự xuất hiện của Vĩnh. Thời gian trong khoảng khắc như ngưng đọng, anh Vĩnh trồi vội vã lên khỏi mặt nước, máu đỏ tươi chan hòa trên khuôn mặt của anh, nhưng mọi người lại một lần nữa trong tiếng vỗ tay reo mừng khi thấy anh đã chiến thắng tử thần.
Chiếc thứ ba Thiếu Tá Lương còn lưỡng lự khi nhìn thấy khuôn mặt chan hòa máu đỏ của anh “Vĩnh Gấu”, anh bay vòng trở lại thương thuyền cố tìm chỗ đáp trước mũi tàu. Khi con chim sắt này tiến đến gần boong tàu, những giây cáp chằng chịt chờ đợi cánh quạt khổng lồ sẽ cắt chúng từng mảnh. Hết thảy chúng tôi chạy ùa lên phòng lái của thuyền trưởng ở trên cao, qua những khung cửa kiếng, chăm chú theo dõi diễn tiến.
Nếu chiếc trực thăng rớt và nổ trên boong tàu chở đầy dầu này thì mạng sống chúng tôi sẽ biến thành tro bụi. Tôi ghi nhận có nhiều người quá lo sợ, la hét inh ỏi, có người khoa chân múa tay, chỉ chỏ lung tung, cố ý ra hiệu cho vị hoa tiêu biết rằng đáp trên boong tàu là chuyện không thể được, nhưng vị niên trưởng này tinh thần đang tập trung vào tay lái, không hề để ý đến. Trong sự lo sợ hồi hộp kinh hoàng của tất cả mọi người, chiếc trực thăng tiếp tục đong đưa, nhấp nhô, lên xuống trong khoảng cách vài feet trên mặt boong tàu. Vài phút ngắn ngũi nhưng như dài bất tận, vị hoa tiêu này biết đây là một hành động vô vọng, quay tàu trở lại mặt biển. Mọi người trên phòng lái thở dài nhẹ nhỏm như vừa được tha một bản án tử hình. Trong bộ râu quai nón và tay đang cầm ống pipe, trong một cử chỉ vô thức, vị thuyền trưởng Anh lắc đầu…
Và như hai chiếc trước, chiếc trực thăng cuối cùng rớt xuống biển, nổ bùng lên, từ từ chìm xuống. Trong vùng nước sôi sục đó, chỉ trong vài khoảnh khắc, một cái đầu trồi lên cùng với cặp phao vàng chói lọi nổi bật, dập dềnh trên nền biển xanh. Thiếu Tá Lương là người cuối cùng trong hợp đoàn đã vượt qua sự thách đố của định mệnh.
Thế là tất cả chúng tôi, sau những khúc quanh hiểm nghèo, sau như giây phút tưởng chừng như tuyệt vọng, thập tử nhất sanh, đã đến bến bờ bình an. Trong ba bốn chục người của chúng tôi trên thương thuyền, có chừng mười mấy người bị trặc, hoặc sưng chân, nặng hay nhẹ. Đó chỉ là một điều xui xẻo quá nhỏ nhoi đối với quá trình mà chúng tôi đã đi qua. Riêng anh “Vĩnh Gấu” thì chỉ bị một vết cắt không sâu lắm trên vầng trán cao rộng của anh.
Ở lại với thương thuyền một đêm, chúng tôi được hậu đãi như những vị anh hùng. Rượu bia, thịt cá ê hề. Những câu chuyện huyên thuyên không ngớt, vui vẻ ồn ào ăn mừng cho sự an toàn của tất cả. Thủy thủ đoàn và chúng tôi trao đổi nhau những kỷ vật, phù hiệu… chụp hình luu niệm để đánh dấu cho một ngày không thể quên được cuối đời của những người phi công thời chiến.
Sáng hôm sau, một tàu chiến Mỹ đã đến và bốc chúng tôi về với Hạm Đội, sát nhập với tất cả những người đã thoát khỏi Việt Nam để tiếp tục đoạn đường đi tìm tự do đang còn dang dở.
Phi vụ bất ngờ cuối cùng của một trận chiến, trong giờ thứ 25, đã biến thành một chuyến bay định mệnh đưa tất cả chúng tôi vượt ra khỏi vùng lửa đạn. Một cuộc đời mới đang chờ đợi chào đón những chiến sĩ lưu vong trên con đường đi tìm tự do và hạnh phúc ở một vòm trời xa lạ nhưng đầy hứa hẹn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment