Trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 12 tháng Năm, phi đoàn Lae của chúng tôi không thiệt mất một chiếc Zero nào trong những lần đụng độ với địch quân. Nhờ biết người biết ta, và nhờ vào đội hình chiến thuật hữu hiệu nhứt, chúng tôi đã tìm được lợi thế và thâu hoạch một loạt chiến thắng đơn phương.
Vào ngày 13 tháng Năm, phi cơ của tôi bị hư hỏng máy móc nên bắt buộc phải ở lại. Việc nầy đã cho tôi dịp may nhận được mấy lá thư vào buổi sáng, do tiền thủy đỉnh mang đến mỗi tháng một lần. Má tôi viết rằng các anh tôi đã nhập ngũ. Một người tình nguyện vô trường phi công hải quân nhưng không được, vì gặp phải những đòi hỏi quá nghiệt ngã. Thay vào đó, anh tôi đầu quân vào căn cứ hải quân Sasebo. Người anh khác của tôi xin vô Lục quân và đã lên đường sang Trung Hoa, nhưng không bao giờ trở về nhà. Sau Trung Hoa, anh tôi được thuyên chuyển sang Miến Điện và thiệt mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ.
Nhưng dĩ nhiên, bức thư mà tôi chờ đợi nôn nóng hơn hết là bức thư của Fujiko. Nàng viết nhiều về sự đổi thay to tát ở quê hương, và tôi đã ngạc nhiên với cái tin hiện nàng đang làm việc trong một cơ sở (biến cải thành cơ xưởng quân cụ) của người chú. Nàng viết:
“ Hiện tại, không ai được ăn không ngồi rồi cả. Thủ tướng đã tuyên bố như vậy. Ông ta nói rằng ngay cả phụ nữ nếu họ ở nhà mà không đóng góp vào nổ lực chiến tranh họ sẽ bị gọi nhập ngũ và gởi vô bất kì cơ xưởng quân cụ nào xét thấy cần đến sự phục vụ của họ. Do đó, để giữ em gần với gia đình, chú em đã mướn em làm việc cho ông.”
Cô em bà con Hatsuyo của tôi có những tin tức còn đáng lo âu hơn nữa. Nàng viết rằng thân phụ của nàng đã được thuyên chuyển từ Shikoku về Đông Kinh. Trở về thành phố nầy được vài ngày, nàng đã chứng kiến tận mắt các oanh tạc cơ B.25 của Hoa Kỳ dội bom. Đó là ngày 18 tháng Tư.
“Em biết rằng anh đang đứng trước đầu sóng gió,” Hatsuyo viết, “và những thành quả mà anh đạt được trong việc chống quân thù khiến cho tất cả chúng em, những người sống ở quê hương, cảm thấy vô cùng yên lòng. Nhưng Đông Kinh và nhiều thành phố khác bị oanh tạc đã làm thay đổi thái độ của dân chúng hướng về cuộc chiến. Bây giờ mọi việc đã đều đổi khác, những trái bom đã rơi xuống đây, trên quê hương chúng ta. Bây giờ hình như những cô gái khác, tất cả đều phải cố gắng làm việc nhiều hơn để yểm trợ cho anh và những phi công khác, những người cách xa Nhật Bản ngàn trùng.”
Hatsuyo vẫn đi học, nhưng trọn buổi chiều và vài giờ vào buổi tối nàng phải làm việc trong các cơ xưởng sản xuất quân trang với các cô gái khác. Hai anh tôi đi lính, Fujiko và Hatsuyo làm việc trong các cơ xưởng… tất cả đều lạ lùng như vậy.
Hatsuyo không mô tả chi tiết cuộc oanh tạc của đối phương, tuy nhiên cùng ngày đó chúng tôi đã nhận được tin tức. Đương nhiên chính phủ đã phủ nhận những thiệt hại nặng nề. Nhưng tất cả các phi công ở Lae đều biết mức độ tàn phá của oanh tạc cơ địch. Họ đủ sức nghiền nát quê hương chúng tôi, cho dù có thể bị trả đủa sau đó. Lúc tôi đang còn đọc thơ, chuẩn úy Wataru Handa bước vô yêu cầu tôi cho mượn Honda, phi công bên cánh của tôi để thực hiện một phi vụ ở hải cảng Moresby. Chuẩn úy Handa mới đến Lae, mặc dù chưa chiến đấu ở Thái Bình Dương, nhưng là một trong những phi công nổi tiếng của Nhật Bản ở chiến trường Trung Hoa, với 15 phi cơ địch bị hạ. Sau khi trở về từ Hoa Lục, hắn trở thành huấn luyện viên phi hành ở trường phi công Tsuchiura. Tôi không hề có một thắc mắc nào trong việc để cho Honda bay với hắn.
Tuy nhiên, Honda từ chối. Anh ta ấp úng: “ Tôi không đi thì tốt hơn, Saburo. Từ trước đến nay tôi chỉ bay chung với anh, và bây giờ tôi không muốn thay đổi.”
Tôi chận ngay: “Ồ! Anh đừng có nói điên!. Handa là một phi công tài giỏi hơn tôi nhiều , và cũng bay lâu hơn tôi anh cứ đi!.”
Trưa hôm đó, Honda cất cánh với năm chiến đấu cơ Zero khác cho một phi vụ quan sát trên không Moresby.
Sự miễn cưỡng của Honda khiến tôi lo lắng và tôi đã tháo mồ hôi hột trong lúc chờ đợi anh ta trở về. Hai giờ sau, năm chiếc Zero đáp xuống: phi cơ dẫn đầu của chuẩn úy Handa và bốn người khác. Phi cơ của Honda không thấy!
Tôi chạy ùa ra phi đạo và leo lên cánh chiếc Zero của Handa ngay trước khi cánh quạt ngừng quay. “Honda đâu?” Tôi hỏi lớn, “Anh ta đâu? Việc gì đã xảy ra cho anh ta?” Handa nhìn tôi mặt mày khổ nải. “Anh ta đâu?” tôi hét. “Việc gì xảy ra?”.
Handa leo ra khỏi phòng lái. Đứng trên mặt đất, hắn nắm lấy tay tôi, khom mình xuống, và cố gắng lắm mới nói được. Tiếng nói của hắn run run. “ Tôi … tôi rất ân hận Saburo. Honda, anh ta … anh ta đã thiệt mạng. Việc nầy lỗi tại tôi.”
Tôi ngơ ngẩn ! Tôi không tin được ! Honda không thể chết ! Anh ta là một phi công bên cánh tài ba hơn bất kì một phi công nào mà tôi đã từng bay chung.
Chuẩn úy Handa vừa đi vừa nhìn xuống mặt đất, rồi bước vô Bộ chỉ huy. Tôi đi theo hắn không thốt được lời nào.
“ Chúng tôi ở trên phi trường Moresby” vừa đi Handa vừa nói, giọng nhỏ. “ chúng tôi bắt đầu lượn vòng ở cao độ 7.000 bộ. Không thấy phi cơ địch nào trên bầu trời, và tôi nhìn những phi cơ đậu trên mặt đất. “ Đó là lỗi của tôi, tất cả đều là lỗi của tôi. Chiến đấu cơ xuất hiện mà tôi không thấy. Đó là những chiếc P.39. Tôi không biết bao nhiêu. Chúng chúi xuống mau đến nỗi tôi không kịp trở tay. Chúng tôi chỉ biết sự hiện diện của phi cơ địch khi súng đã nổ. Tôi lộn ngay mội vòng, phi công bên cánh khác của tôi cũng làm như tôi. Khi tôi đảo quành lại, tôi thấy phi cơ của Honda bao trùm trong lửa đỏ. Hắn bị hoả lực chéo của mấy chiếc P.39”
Tôi đứng lại nhìn hắn trừng trừng. Handa bước đi luôn. Hắn sẽ không bao giờ phục hồi sau cú đấm vừa nhận lảnh. Mặc dù hắn là một “Ace” ở Trung Hoam hiện thời hiển nhiên hắn đã mất hẳn sự nhạy bén trên không trung. Hắn chưa từng đối đầu với chiến đấu cơ Hoa Kỳ bao giờ. Dù sao đi nữa, Handa cũng cảm thấy hổ thẹn khi hắn để cho phi công bay bên cánh bị thiệt mạng. Những ngày ở Lae hắn xanh xao vàng vọt. Cuối cùng, hắn mắc bệnh lao và được gởi về xứ. Nhiều năm sau, tôi nhận được một bức thơ của bà vợ Handa. Bà ta viết: “ Nhà tôi qua đời ngày hôm qua sau chứng bệnh dai dẵng. Tôi viết thơ nầy thể theo lời yêu cầu của nhà tôi, nói lên lời tạ tội thay cho anh ấy. Nhà tôi không bao giờ hồi phục phong độ sau sự mất mát ở Lae. Lời cuối cùng nhà tôi thốt lên khi chết: “ Suốt đời tôi, tôi đã chiến đấu dũng cảm, nhưng không thể nào quên được khi tôi để mất người của Sakai.”
Khi chết, Honda chỉ mới 20 tuổi. Anh ta là một con người dũng mảnh trên mặt đất cũng như trên không trung. Vào những ngày nghỉ, tôi đi lang thang quanh căn cứ. Tôi không lưu tâm đến đòi hỏi phải phục thù cho phi công thiệt mạng đầu tiên của phi đoàn, do những người còn lại đề nghị. Nhưng đến ngày 17 tôi thay đổi ý kiến. Đối với tôi, thành công lớn nhứt trong khi chiến đấu cơ của tôi là không bao giờ để mất người bay bên cánh. Tôi đã làm trái ý muốn của Honda, để hắn bay với người khác, và hắn đã chết. Ngày hôm sau, 14 tháng 5, tôi nhận hạ sỹ Hatori thay thế cho Honda. Vào ngày 15 tháng Năm, mưa đổ như thác lũ, có nghĩa là một ngày nghỉ của tất cả các phi công. Nhưng trước bình minh ngày 16, nhiều oanh tạc cơ B.25 bay sà thấp trên ngọn cây lướt đến đào nát phi đạo và thổi bay nhiều cơ xưởng bảo trì.
Bước sang ngày thứ hai chúng tôi vẫn chộn chân trên mặt đất, bỏ cả một ngày để chỉ làm công việc dọn dẹp và lấp hố bom trên phi đạo. Sau đó, chúng tôi vô ngồi trong doanh trại, nhiều phi công ngủ gà ngủ gật, một số khác thảo luận về nhịp độ tấn công gia tăng của địch quân.
Ngày trôi qua chậm chạp, và đêm đó Nishizawa, Ota và tôi đi đến phòng truyền tin để nghe giờ nhạc do đài phát thanh Úc Đại Lợi phát ra hàng đêm.
Nishizawa thình lình lên tiếng: “Hãy nghe điệu nhạc nầy. Nó có phải là “Điệu Vũ của Tử Thần” không?”
Chúng tôi gật đầu. Nishizawa bổng nhiên lộ vẻ phấn khởi. “Điệu nhạc nầy làm tôi nẩy ra một ý kiến. Các bạn biết phi vụ không kích Moresby vào ngày mai? Tại sao chúng ta không biểu diễn “Điệu Vũ của Tử Thần” của chúng ta để đối phương xem chơi?”
Ota hỏi: “Anh nói cái quái gì vậy? Tôi thấy anh giống như thằng khùng!”
Nishizawa cãi: “ Tôi nói thật. Sau khi không kích xong, trên đường bay về hãy quay lại Moresby, chỉ ba chúng ta thôi, để biểu diễn một màn nhào lộn ngay trên phi trường của đối phương để chọc giận họ chơi.”
“Có lẻ thú vị đó,” Ota nói, “nhưng còn chỉ huy trưởng? Ông để chúng tôi đi suông sẽ không?”
Nishizawa cười: “Khi đề nghị trò chơi nầy tôi phải biết cách chớ.”
Chúng tôi trở lại doanh trại, và cả ba to nhỏ bàn tán kế hoạch hành động ngày mai. Dù cho chỉ có ba chúng tôi xuất hiện trên không phận Moresby nhưng chúng tôi không sợ. Cả ba chúng tôi đã bắn rơi tổng cộng gần 70 phi cơ địch rồi: tôi 27 chiếc, Nishizawa 20 chiếc và Ota 18 chiếc.
Ngày hôm sau, chúng tôi quét Moresby với sức mạnh tối đa: 18 chiến đấu cơ Zero, với thiếu tá Tadashi Nakajima, chỉ huy trưởng phi đoàn, đích thân hướng dẫn. Nishizawa và tôi bay hai bên cánh của ông. Cuộc không kích là một thất bại. Trên phi trường địch không có bóng một phi cơ nào. Nhưng câu chuyện trên trời cao thì khác. Nhiều chiến đấu cơ địch, trong đội hình ba chiếc, ùa đến tấn công chúng tôi. Chúng tôi xoay lại và đánh dàn mặt với nhóm đầu tiên. Cuộc hỗn đấu xảy ra, sáu chiếc P.39 trong đó có hai chiếc là nạn nhân của tôi rớt cháy như cây đuốc. Nhiều chiến đấu cơ Zero tách rời khỏi trận không chiến chúi xuống bắn phá phi trường. Hai chiếc bị đạn phòng không, què quặt và đâm vô sườn núi Owen Stanley trên đường trở về.
Ngay sau trận không chiến, chúng tôi trở lại đội hình, và trên đường về tôi ra dấu cho thiếu tá Nakajima biết tôi phải truy đuổi một phi cơ địch. Ông vẩy tay, và tôi bổ nhào ngay xuống với hai phi công bên cánh: Ota và Nishizawa.
Một vài phút tôi trở lại Moresby, bay vòng trên phi trường ở độ cao 12.000 bộ. Súng phòng không im tiếng và không có chiến đấu cơ nào xuất hiện. Cả ba chúng tôi bay trong đội hình chỉ cách nhau vài bộ. Chúng tôi lộn nhào bao vòng. Nhìn quanh để tìm kiếm phi cơ địch lần cuối cùng, tôi chúi mũi xuống để lấy tốc độ với Nishizawa và Ota đeo dính hai bên. Tôi kéo ngược cần điều khiển theo hình vòng cung và lộn ngược lại phía sau. Hai chiếc Zero kia cũng làm y như tôi, rồi lấy thăng bằng và vừa lăn tròn vừa bay vòng quanh.
Hơn hai lần, chúng tôi vượt lên, bay vòng quanh, chúi xuống và lại lộn ngược trở lên bằng cách lăn tròn. Không một khẩu cao xạ nào bắn lên từ mặt đất, và bầu trời không có bóng dán bất kì chiến đấu cơ nào của địch.
Sau khi biểu diễn lần thứ ba, Nishizawa khoái chí và muốn biểu diễn lại một lần nữa. Tôi xoay sang trái, thấy Ota cười và gật đầu đồng ý. Tôi không thể từ chối. Chúng tôi chúi xuống chỉ cách phi trường địch 6.000 bộ và lăn tròn ba vòng trên không trung rồi đảo quanh thật nhịp nhàng. Vẫn không có tiếng súng nào bắn lên.
Chúng tôi trở về Lae hai mươi phút sau khi các chiến đấu cơ khác đã đáp xuống. Chúng tôi im thinh thít. Ngay sau đó chúng tôi ngồi chụm đầu lại bàn tán, cười đùa thoã thích. Tuy nhiên, sự bí mật của chúng tôi sớm bị khám phá. Quá chín giờ đêm đó, một liên lạc viên chạy vô phòng ngủ cho biết đại úy Sasai muốn được “diện kiến” chúng tôi tức khắc. Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Hành vi của chúng tôi có thể nhận lảnh hình phạt nặng nề.
Ngay sau khi chúng tôi bước vô văn phòng, đại úy Sasai nói lớn: “Hãycoi đây, các anh là bọn hoang đàng!”. Mặt ông ta đỏ gay và phất qua phất lại một lá thư bằng tiếng Anh, trước mắt chúng tôi. “ Các anh có biết tôi được cái nầy ở đâu không?” ông hét lớn, “không biết? Để tôi nói cho nghe, mấy tên ngu ngốc nầy. Bức thư nầy vừa được một chiếc phi cơ địch thả xuống sân bay cách đây vài phút!”
Thơ viết:
“ Gởi chỉ huy trưởng phi đoàn Lae: chúng tôi sẽ nhớ mãi ba tên phi công đã thăm viếng chúng tôi ngày hôm nay. Tất cả chúng tôi đều khoái mấy cú lộn nhào của họ trên phi trường của chúng tôi. Đó là một màn trình diễn rất tới. Chúng tôi sẽ lấy làm hân hạnh nếu ba tên phi công nầy trở lại thăm viếng chúng tôi một lần nữa, mỗi tên nên quấn một khăn quàng màu xanh quanh cổ. Chúng tôi rất buồn đã không đón tiếp họ chu đáo, nhưng hy vọng lần sau họ sẽ được tất cả chúng tôi tiếp đón nồng nhiệt hơn.”
Cả ba chúng tôi cố giữ lắm mới khỏi cười ồ. Bức thư được ký bởi một nhóm phi công chiến đấu cơ. Sau đó đại úy Sasai bắt chúng tôi đứng như trời trồng để phạt hành vi ngu ngốc của chúng tôi. Đặt biệt, chúng tôi được lịnh không bao giờ thực hiện màn trình diễn nào thêm nữa trên các phi trường địch. Đó là một sự đối đãi tốt của thượng cấp, và chúng tôi hả dạ với “Điệu vũ của tử thần” ở Moresby của chúng tôi.
Tuy nhiên, đêm hôm đó không ai trong bọn chúng tôi biết rằng ngày hôm sau chúng tôi sẽ được xem một “Điệu vũ của tử thần” thực sự diễn ra, chưa từng thấy trong các vỡ kịch từng diễn trên không. Bảy chiến đấu cơ thuộc không đoàn của chúng tôi hộ tống tám oanh tạc cơ không tập Moresby. Chúng tôi chưa tiến đến phi trường địch thì đã bị 18 chiến đấu cơ địch nhào xuống từ mọi hướng. Đây là một trận đánh phòng vệ mà tôi chưa gặp bao giờ. Chúng tôi bị áp lực đến nỗi khó xoay trở trong việc bảo vệ cho 8 oanh tạc cơ. Mặc dù tôi đã đẩy bật nhiều chiến đấu cơ địch ra khỏi các oanh tạc cơ, nhưng không thể bắn rơi một chiếc nào. Ba chiến đấu cơ địch bị đồng bạn tôi bắn hạ. Trong khi đó, các oanh tạc cơ thả bom không mấy chính xác rồi bay lãng ra để quay về.
Tôi nhìn thấy một chiếc P.39 lướt thẳng đến nhóm oanh tạc cơ với một tốc độ khủng khiếp, nhưng tôi đành bó tay. Chiếc P.39 nhả một loạt đạn vào chiếc oanh tạc cơ bay cuối cùng, rồi lộn nhào và chúi xuống, vượt hẳn tầm súng của chúng tôi. Chiếc oanh tạc cơ tuông một vệt lửa, sau đó bốc cháy dữ dội, chúi mũi xuống thật mau. Nó mất độ cao nhanh chóng và hình như mất hẳn sự kiểm soát.
Thình lình, vẫn bốc cháy dữ dội, mũi chiếc oanh tạc cơ khẻ ngước và bắt đầu vượt lên cao. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc phi cơ bắt đầu lăn tròn, cách “biểu diễn” nầy khó thực hiện được đối với một chiếc Betty. Nó vẫn tiếp tục lướt lên và vẫn lăn tròn cho đến khi biến thành một trái cầu lửa.
Lửa rớt từng bựng. Ngay cả khi chiếc phi cơ sắp sửa chúi mũi xuống thì một tiếng nổ dữ dội làm rung rinh cả phi cơ của tôi, chiếc oanh tạc cơ biến thành những mảnh vụn rơi lả tả. Trong ba tháng Năm, Sáu và Bảy, hầu như các trận không chiến xảy ra liên miên. Cho đến sau chiến tranh, tôi mới biết không đoàn Lae của chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả nhứt so với những hoạt động của các đơn vị không quân chiến đấu Nhật Bản khác.
Vào ngày 23 tháng Năm, bảy chiến đấu cơ Zero chận đánh năm oanh tạc cơ B.25 trên không phận Lae và chôn một chiếc xuống biển, cách phía Nam Salamua 30 dặm. Ngày hôm sau, sáu oanh tạc cơ địch quay trở lại Lae. Không may cho các oanh tạc cơ nầy, mạn lưới báo động từ xa của Lae phát hiện ra chúng, và 11 chiến đấu cơ Zero cất cánh đốt cháy và bắn rơi 5 chiếc, đồng thời gây què quặt cho chiếc thứ sáu. Tôi bay cả hai phi vụ nghinh chiến nầy và trong hồ sơ của Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia đã ghi vô điểm thắng của tôi thêm ba oanh tạc cơ vào hai ngày nầy.
Nhịp độ của các cuộc tấn công gia tăng vào những ngày cuối tháng Năm. Lần đầu tiên, vào ngày 25 tháng Năm bốn oanh tạc cơ B.17 bay tới tấn công Lae với 20 chiến đấu cơ hộ tống. 16 chiến đấu cơ Zero nhào xuống chận đầu lực lượng nầy trên đỉnh dãy núi Owen Stangley. Năm chiến đấu cơ địch bị hạ, nhưng các pháo đài bay thoát thân an toàn. Ba ngày sau, năm oanh tạc cơ B.26 trở lại Lae. Tôi ghi một điểm nữa. Và vào ngày 9 tháng Sáu, tôi gởi thêm hai chiếc B.26 xuống đại dương.
Ngày giờ hình như không còn phân chia rõ rệt nữa. Đời sống trở thành một chuỗi bất tuyệt của những cuộc càn quét trên không, của những phi vụ hộ tống oanh tạc cơ đến Moresby, của những cuộc chạy đua cất cánh để tiếp đón kịp thời các đối thủ đến viếng thăm. Đồng Minh hình như có mọt nguồn tiếp tế phi cơ vô tận. Tuần nào họ cũng chịu đựng sự thiệt hại nặng nề, tuy vậy phi cơ của họ vẫn đến đều đều.
CHƯƠNG XIII
Trước đó, vào ngày 20 tháng Năm, chúng tôi đối đầu với đối phương trong một trận không chiến cao nhứt lịch sử khi chỉ huy trưởng không đoàn hướng dẫn 15 chiến đấu cơ từ Lae bay đến Moresby ở cao độ 30.000 bộ trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi duy trì cao độ nầy để lấy yếu tố bất ngờ, và chúng tôi cũng đã bất ngờ khi đụng đầu với một đội hình địch quân cũng bay cùng một cao độ như chúng tôi.
Tôi đã hồ nghi khả năng chiến đấu của phi cơ Zero ở cao độ nầy. Riêng tôi có thể đạt đến cao độ 37.720 bộ với chiến đấu cơ Zero, nhưng phải mang mặt nạ dưỡng khí và một chiếc áo ấm. Ở cao độ đó, cần điều khiển của phi cơ rất nặng nề và không thể nhích độ cao lên một tấc nào được nữa. Bởi vậy chiến đấu với một chiếc Zero ở độ cao 30.000 hình như không được khôn ngoan lắm.
Có mười chiến đấu cơ địch, loại P.39 kiểu mới. Tôi dẫn đầu cuộc tấn công và xáp chiến tức khắc. Mười bốn chiến đấu cơ Zero khác đối đầu với nhóm phi cơ còn lại.
Cần kiểm soát nặng nề và chậm chạp trong không khí loãng, hình như mọi cử động của tôi đều trì trệ. Lồng ngực của tôi như muốn rạn nứt và mặt nạ dưỡng khí tuột ra khỏi càm tôi.
Dường như khi một người đã tập trung tất cả sức mạnh vào một hành động quyết định, ngay cả khi ngộp thở vì thiếu dưỡng khí cũng không thể nào ngăn nỗi hành động của hắn. Giữa lúc tôi như bất tĩnh, tôi cảm thấy tay tôi vẫn nắm chặt cần điều khiển và giữ cho phi cơ chúi xuống trong vòng xoay hình trôn ốc. Khi đầu óc tôi đã tĩnh táo và nhìn thấy trở lại, phi cơ đã xuống ở cao độ 20.000 bộ. Tôi vừa xoay mình tức khắc, vì cảm giác phi cơ địch bám sát theo, vừa chuẩn bị hoả lực.
Nhưng phi công đich cũng gặp rắc rối. Có lẻ hắn xoay theo tôi quá ngặt hoặc có thể hắn cũng mất dưỡng khí như tôi, cho nên cũng cùng cao độ 20.000 bộ, nhưng phi cơ của hắn xoay theo hình trôn ốc chầm chậm. Không bỏ lỡ dịp may, tôi xông tới ngay khi chiếc phi cơ có vẻ lấy lại thăng bằng, cánh hơi ngước lên với các họng súng rực lửa hướng về phía tôi. Tôi lãng ra nhanh như chớp, bấy giờ chiếc P.39 đang ở trên và phía bên phải tôi, và tôi ấn cò đại bác. Một viên đạn cắt đứt phi cơ địch ra làm hai. Ngoài tôi chỉ có Ota bắn hạ được một chiếc P.39 khác vào ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, đầu tiên tôi hạ được một chiến đấu cơ địch mà không cần bắn một phát súng nào, trong một trận không chiến căng thẳng cao độ. Khác hơn lần trước, lần này ngày 26 tháng Năm, chúng tôi đụng nhau ở một cao độ thật thấp, chỉ sát trên ngọn cây. Một nhóm 16 chiến đấu cơ Zero chạm trán một đội hình đối phương kì lạ. Bốn oanh tạc cơ B.17 bay trong đội hình hàng dọc khoảng 20 chiến đấu cơ P.39 chia thành từng nhóm nhỏ hai hoặc ba chiến đấu cơ bao xung quanh các pháo đài bay nầy. Chúng tôi ở phía dưới đối phương và tấn công bằng cách vượt thẳng đứng lên mà họ không hay biết. Tôi đốt ngay một chiếc P.39, và bầu trời như nổ tung trong một trận hỗn chiến giữa phi cơ và phi cơ.
Hầu hết chiến đấu cơ địch đều thối lui và lãng xa các chiến đấu cơ của chúng tôi. Tôi bám sát đuôi của một chiếc P.39 đang chúi xuống khu rừng. Viên phi công tỏ ra sợ hãi, hắn bay có vẻ như quét trên ngọn cây và giống như cắt cỏ khi hắn xoay thân, vượt lên, chúi xuống với tôi đeo dính sau đuôi. Mỗi lần hắn vượt lên, xoay ngang hoặc lăn tròn, tôi cắt thẳng vào thân phi cơ của hắn. Tôi chụp ngay một viên đạn khi chiếc Airacobra lãng ra bằn cách lăn tròn về phía trái. Viên phi công chúi xuống ngay và nhắm về phía một thung lũng đầy cây cối, xung quanh toàn là dốc đá cao chớn chở.
Trước khi tôi nhận biết sự nguy hiểm, tôi đã lọt vô một hẻm núi, đeo dính một bên đuôi của chiếc P.39. Không có thời giờ để tập trung hoả lực, tất cả những gì mà tôi có thể làm là tránh né các mõm đá gie ra, khít khao trong đường tơ kẻ tóc. Hiểm nguy khiến tôi quên hẳn mục đích chánh của tôi. Mồ hôi đổ ra như tắm. Tiếng động cơ máy bay hình như vang vang như sấm động bên tai tôi.
Bỗng nhiên phía trước, một gộp đá treo lơ lửng án mất lối đi của chúng tôi. Lập tức viên phi công địch dựng đứng phi để vượt lên, nhưng quá muộn. Cánh chạm vào đá, chiếc phi cơ lộn nhào, và một tiếng nổ khủng khiếp vang lên phía dưới hố sâu,
Tôi kéo sát cần điều khiển về phía sau với tất cả sức mạnh của đôi tay và giữa thật chặt. Chiếc Zero quất ngược đầu lên thật dữ đội, và chỉ trong vòng một cái nháy mắt nhưng dài dằng dặt, chiếc phi cơ lướt lên khỏi gộp đá, có thể nói là chỉ trong gang tấc.
Tôi mất một vài phút mới lấy lại bình tĩnh, và đưa tay vuốt mồ hôi đổ xuống như tắm trên mặt. Gia tăng tốc lực và vượt lên cao từ từ. Đó là chiến thắng thứ 37 của tôi, mặc dù tôi không đích thân tiêu diệt chiếc phi cơ nầy, nhưng trận không chiến vừa qua là một trong những trận không chiến tổn sức nhất trong đời tôi. Sau đó, tôi được biết Nishizawa và Ota cũng lâm vào tình trạng chiến đấu không khác gì tôi. Họ rượt đuổi hai chiếc P.39 xuống một triền núi và hầu như lâm hiểm trong lúc vượt lên khi hai đối thủ phía trước của họ vỡ tan. Đêm đó, doanh trại của chúng tôi ồn ào nỗi vui qua những biến cố trong ngày.
Suốt tuần lễ cuối cùng của tháng Năm, không đoàn Lae tung hết sức mạnh càn quét khu vực Moresby, và trong vòng ba ngày của cuộc không chiến dữ dội, chúng tôi đã thâu đạt được những thành quả không thể tưởng tượng được. Qua chiều hướng nầy, Moresby được xét đoán đã đến lúc nhận lãnh một cú đấm dứt khoát. Vào ngày 1 tháng Sáu, 18 oanh tạc cơ cất cánh từ Rabaul, hộ tống bởi 30 chiến đấu cơ Zero của Lae và 11 chiếc khác của Rabaul, cố gắng san bằng pháo đài huyết mạch của địch quân lần cuối. Chúng tôi đã tin tưởng một cách chắc chắn rằng Đồng Minh không thể đưa ra một sự chống đối mạnh mẻ sau các trận đánh liên tục. Chúng tôi đãsai lầm. Hai mươi chiến đấu cơ địch đã gầm thét xông vào lực lượng to lớn của Nhật Bản. Một lần nữa, một trận đánh “xáp lá cà” giữa chiến đấu cơ và chiến đấu cơ xảy ra. Bảy phi cơ địch rớt trong lửa đỏ, một chiếc do súng của tôi gây ra. Nhưng đối phương đã đạt mục đích: phân tán lực lượng oanh tạc cơ của chúng tôi và bẽ gãy sự chính xác của cuộc không tập.
Trên đường trở về Lae, một oanh tạc cơ của chúng tôi rớt khỏi đội hình, bay lạng quạng trong không khí. Tôi và năm chiến đấu cơ khác phải bay tụt lại để bao che. Chiếc oanh tạc cơ lê thân chậm chạp. Những lổ đạn đại bác lổ chổ trên cánh và thân phi cơ, coi không khác nào một cái rây. Chiếc phi cơ vẫn còn bay được, đó là một phép lạ.
Phi công trưởng và phụ nằm dài trên ghế trong những vũng máu. Tôi không thể nhìn thấy bốn người khác thuộc phi hành đoàn. Chỉ có chuyên viên cơ khí vật lộn với cần điều khiển, cố giữ cho phi cơ thăng bằng. Hiển nhiên hắn không bị thương, còn những người khác có thể đã chết hoặc bị thương nặng.
Bằng mọi cách, chuyên viên cơ khí đã đưa được chiếc phi cơ lảo đảo như người say rượu về tới phi trường Lae. Hắn đã làm được một công việc đáng nể phục. Rõ ràng hắn bay với kiến thức học lớm. Việc nầy đã đành là khó khắn đối với những người chưa được huấn luyện lái phi cơ, nhưng còn khó khăn hơn nữa khi lái một chiếc phi cơ bị hư hại trầm trọng. Lúc ấy chiếc oanh tạc cơ đã tiến vào không phận Lae và anh chuyên viên cơ khí không còn biết phải làm gì thêm nữa. Hắn có thể giữ cho phi cơ bay, nhưng đáp xuống là cả một vấn đề.
Chiếc phi cơ què quặt đảo chầm chậm trên phi trường hết vòng nầy đến vòng khác, và anh chuyên viên cơ khí ngắm nghía phi đạo nhỏ hẹp phía dưới. Không có cách nào khác để giúp đỡ con người bồn chồn nầy. Chúng tôi bay sát hơn và cố chỉ cách cho hắn đáp xuống, nhưng mọi khi hắn rời tay khỏi cần điều khiển, chiếc phi cơ chao đi chao lại một cách nguy hiểm. Dần dần hắn giảm được tốc độ và bắt đầu hạ thấp xuống. Chiếc phi cơ bay vòng ra ngoài biển, và hạ xuống quá mau khi xoay lại để hướng đến phi đạo. Tôi nín thở. Chiếc phi cơ xốc dữ dội và bắt đầu rơi xuống tuồn tuột. Nó sẽ tan tành trong nháy mắt.
Một phép lạ xảy ra! Viên phi công gượng ngồi dậy, gương mặt trăng bệt lóm đóm máu. Hắn tựa một cách nặng nhọc vào vai của anh chuyên viên cơ khí. Chỉ một giây sinh tử, hắn ấn nút bộ phận đáp bật ra, phi cơ lấy lại tốc lực và bánh xe chạm trên mặt phi đạo. Trong nháy mắt, nó va vào hai chiến đấu cơ đang đậu vỡ tan, rồi bật nhào nửa vòng và đứt làm hai đoạn.
Chúng tôi đáp lập tức sau đó, cán trên các mảnh vụn nhưng lạ lùng là không có chiếc phi cơ nào bốc cháy. Viên phi công của chiếc oanh tạc cơ chỉ gượng đứng dậy được một phút rồi ngã ra bất tỉnh. Phi công phụ tử thương. Chuyên viên cơ khí bị thương trầm trọng ở giò, phải khiêng ra khỏi phi cơ. Tất cả nhân viên khác thuộc phi hành đoàn đều mang thương tích nặng.
Nhát chổi chiến đấu cơ vẫn tiếp tục quét, và suốt hai ngày kế tiếp chúng tôi bắn rơi thêm ba chiến đấu cơ địch. Nhưng không một người nào ở Lae biết được các chiến thắng liên tục của chúng tôi trái ngược một trời một vực với cuộc chiến bại đầy bi thảm của một lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản to lớn ở Midway vào ngày 5 tháng Sáu. Đông Kinh tuyên bố lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi đạt được chiến thắng quan trọng. Bộ Tư Lịnh Hoàng Gia đã giảm thiểu sự mất mát của chúng tôi xuống một mức độ vô nghĩa. Tuy nhiên, lần đầu tiên chúng tôi hồ nghi sự chính xác của các tin tức. Lý do dễ hiểu là chúng tôi biết Midway bị địch quân đổ bộ và chiếm đóng. Nếu hạm đội của chúng tôi rút lui mà không đẩy bật được cuộc chiếm đóng đó, không cần nhìn thấy cũng biết những gì đã xảy ra.
Sau nầy chúng tôi được biết bốn trong số các hàng không mẫu hạm mạnh nhứt và lớn nhứt của chúng tôi, cùng với 200 phi cơ và hầu hết phi công cũng như hàng mấy ngàn thủy thủ, đã bị chôn vùi xuống đáy biển.
Từ ngày 5 đến 15 tháng Năm, một sự yên tĩnh kì dị được nhìn thấy trên mặt trận New Guinea. Sự yên tĩnh nầy chỉ bị phá vỡ bởi một cuộc không kích duy nhất ở Lae vào ngày 9. Điểm thắng của tôi ghi thêm hai oanh tạc cơ B.26.
Vào ngày 16 tháng Năm, cuộc chiến trên không bùng nổ dữ dội trở lại. Đó là một ngày chiến đấu cơ của chúng tôi làm chủ chiến trường, khi 21 chiến đấu cơ Zero vồ ba nhóm phi cơ lơ đãng của địch quân. Chúng tôi đụng với nhóm 12 chiến đấu cơ đầu tiên của địch bằng cách bổ nhào xuống một lượt, phá tan đội ngũ của địch quân. Tôi bắn rơi một chiếc, và năm phi công khác mỗi người ghi một điểm. Sáu chiến đấu cơ địch còn lại chúi xuống và chạy thoát.
Trở lên cao độ cũ, chúng tôi nhào ra khỏi ánh mặt trời đâm thẳng vô nhóm 12 chiến đấu cơ thứ hai. Với cách đánh bất thần được lập lại nầy, chúng tôi hạ thêm ba chiến đấu cơ địch. Tôi lại ghi một điểm. Đợt phi cơ thứ ba, gồm khoảng 10 chiếc lướt đến ngay khi chúng tôi dọn dẹp xong nhóm thứ hai. Chúng tôi chi ra làm hai nhóm, một nhóm 11 chiếc Zero vượt lên cao để đánh xuống, một nhóm gồm 10 chiếc vẫn giữ độ cao như cũ. Các đội hình toả rộng trên khắp bầu trời Moresby. Phi cơ địch là loại P.39 mới, bay mau lẹ hơn loại cũ nhiều. Tôi nhảy vô một đối thủ, và hắn đã làm cho tôi ngạc nhiên qua lối vung thật lẹ ra khỏi hướng bay mỗi lần tôi khai hoả. Chúng tôi rượt đuổi nhau vòng quanh. Viên phi công của chiếc Airacobra nầy vừa chạy vừa xoay tít, lộn nhào, vượt lên, chúi xuống, xoắn vòng, rớt theo hình trôn ốc, và nhiều cách khác. Tài nghệ của hắn tuyệt luân. Với một chiếc phi cơ tốt hơn, đáng lẽ hắn đã lấy mạng tôi từ lâu, nhưng tôi không để hắn hở tay. Tôi cứ đeo dính cách phía sau đuôi hắn không đầy mười tám thước. Cuối cùng tôi lăn về phía trái một vòng, tung ra hai viên đại bác tầm ngắn, và chiếc P.39 biến thành cây đuốc.
Đó là chiến thắng thứ ba trong ngày. Chiến thắng thứ tư hầu như tiếp ngay sau đó và dễ dàng một cách đáng buồn cười. Một chiếc P.39 xẹt đến trước mặt tôi và chỉ lo chú ý đến một chiếc Zero khác đang truy đuổi ráo riết phía sau. Chờ cho chiếc phi cơ đến đúng tầm súng, tôi rót ngay 200 viên đại liên vô mũi. Nó lộn nhào như chớp để tránh né. Tôi bồi thêm loạt đạn đại liên thứ hai vô bụng. Nó vẫn chưa chịu rớt. Một loạt đại liên thứ ba chụp trúng buồng lái của chiếc phi cơ đang còn lộn nhào. Kiếng che gió vỡ tan, và tôi thấy viên phi công gục về phía trước. Chiếc P.39 xoay tít rồi chúi xuống mau, và nổ tan trong khu rừng phía dưới.
Hạ bốn chiến đấu cơ địch trong một ngày. Đó là thành tích của riêng tôi, đóng góp vào thành tích chiến thắng vĩ đại nhứt chỉ trong vòng một ngày hoạt động của phi đoàn Lae, với tổng số 19 chiến đấu cơ địch bị tiêu diệt thực sự.
Chiến thắng như vậy vẫn chưa đủ. 10 oanh tạc cơ B.26 lại mò đến căn cứ của chúng tôi. Phi cơ đã chọn giờ xấu, vì 19 chiến đấu cơ Zero đã rời khỏi mặt đất trước khi chúng đến. Chúng tôi không hạ được chiếc nào, nhưng gây hư hại hầu hết và phá hỏng kế hoạch oanh tạc của địch quân. Trên đường truy đuổi, chúng tôi đụng đầu với 10 chiến đấu cơ P.39. Hiển nhiên 10 phi cơ nầy đáp lại lời kêu cứu của các oanh tạc cơ. Chúng tôi đốt một chiếc.
Căn cứ Lae tưng bừng với chiến thắng đêm đó. Tất cả các phi công được phát thuốc hút thả giàn. Chuyên viên cơ khí bu quanh chúng tôi để chia xẻ niềm vui. Chúng tôi còn được tin sẽ có 5 ngày phép ở Rabaul. Tin nầy khiến tôi khoan khoái hơn hết. Không những tôi quá mệt mõi sau những ngày chiến đấu liên miên, nhưng các chuyên viên cơ khí muốn có thời giờ để sửa chữa chiếc chiến đấu cơ của tôi. Họ gọi tôi ra để chỉ cho coi nhiều lổ đạn trên cánh và trên thân phi cơ, và tôi đã thót ruột khi nhìn thấy những lổ đạn chạm thành một hàng phía sau phòng lái, cách đầu tôi không đầy hai phân.
Hồi năm 1942, không có một phi công chiến đấu nào của Nhật bận áo giáp, và phi cơ cũng không được chế tạo với những chổ bọc sắt để chống đạn như phi cơ của Hoa Kỳ. Nếu đối phương sớm khám phá điều nầy, chỉ cần một viên đại liên 50 bắn vô thùng chứa xăng, một chiếc Zero sẽ biến thành ngọn đuốc lập tức. Tuy biết như vậy, trong thời gian nầy không có một phi công nào của chúng tôi mang dù khi bay. Vấn đề nầyng Tây Phương đã diễn dịch sai lầm khi cho rằng cấp lảnh đạo Nhật Bản đã coi rẻ mạng sống của chúng tôi, rằng tất cả các phi công Nhật bị vắt chanh bỏ vỏ và bị coi như những món đồ vật hơn là con người. Diễn dịch quá nhiều tưởng tượng. Tất cả các phi công chúng tôi đều được phát một cây dù khi bay là quyết định riêng của chúng tôi, không có bộ chỉ huy cao cấp nào ra lịnh như vậy. Thực ra, chúng tôi được giới chỉ huy cao cấp thúc giục, tuy nhiên không ra lịnh phải mang dù khi chiến đấu, và tại một số phi trường, vị chỉ huy trưởng căn cứ bắt buộc các phi công phải mang dù. Gặp trường hợp sau nầy, phi công đem theo dù nhưng chỉ để trong phi cơ hoặc dùng làm nệm lót để ngồi.
Mục đích duy nhất khiến chúng tôi không mang dù là nhằm tránh vướng víu tay chân. Vả lại đa số các trận không chiến của chúng tôi đều xảy ra trên đất địch, nếu có nhảy dù xuống đất an toàn thì cũng sẽ bị bắt giữ. Trong các điều luật của quân đội Nhật Bản, hoặc trong các điều tâm niệm của giới Samurai, không có giòng nào ghi hai chữ “Tù binh” hết. “Không tù binh”. Một kẻ ra đi hoặc là chết hoặc là trở về. Không có phi công chiến đấu nào gọi là can đảm mà lại để cho địch quân bắt giữ bao giờ. Việc nầy hoàn toàn không được nghĩ đến. Tuy nhiên, quả thật là khó chịu vô cùng khi nhìn thấy một hàng lổ đạn chỉ cách đầu tôi có mấy phân.
Đêm đó tôi được Bộ Tư Lịnh Hải Quân Hoàng Gia xác nhận con số bốn nạn nhân trong ngày của tôi. Đây không phải là trường hợp duy nhất của hải quân Hoàng Gia. Tôi biết có nhiều phi công hải quân khác đã lập được thành tích nầy hoặc nhiều hơn nữa. Tính đến hiện tại, tổng số phi cơ bị tôi hạ là 43 chiếc.
Nishizawa trở thành phi công đại tài nhất của Nhật Bản với tổng số 103 phi cơ địch bị bắn rơi, và thành tích tột cùng của anh lập được vào ngày 5 tháng Tám ở Guadalcanal khi anh hạ một lúc sáu chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ, trung sỹ phi công hải quân Nhựt Kenji Okabe hạ một lúc bốn chiếc F4F Wildcat, TBF Avenger và SBD Dauntless qua một loạt trận không chiến trong ngày ở Rabaul. Okabe đã đáp xuống ba lần để lấy nhiên liệu và đạn dược trong suốt cuộc chiến đấu của ngày đó, lập được thành tích vô song nầy cho hải quân.
Tuy nhiên, hầu như tất cả những phi công đạt được chiến công trên đều bị thiệt mạng không lâu sau đó trong lúc chiến đấu. Có hai trường hợp ngoại lệ, đó là trường hợp của chính tôi và Nishizawa. Nhưng mĩa mai thay, Nishizawa lại bị thiệt mạng vào tháng Chín năm 1944 trên không phận Cebu ở Philippine, mà không bắn được phát súng tự vệ nào. Nhiều chiến đấu cơ Hellcat đã túm được anh trong một vận tải cơ DC3 không hộ tống và võ trang. Chiếc vận tải cơ bị bắn cháy và chấm dứt cuộc đời của viên phi công vĩ đại nhất của Nhật Bản một cách tăm tối.
Đêm đó tôi được lịnh trình diện Chỉ Huy Trưởng căn cứ, một việc hiếm xảy ra. Trong phòng của đại tá Saito, tôi còn nhận thấy có mặt đại úy Sasai và chỉ huy trưởng không đoàn, trung tá Nakajima. Cả hai vị sỹ quan chỉ huy đều có vẻ buồn bã.
Đại tá Saito nói: “ Tôi muốn báo cho anh biết tin nầy và tôi làm như vậy là lời yêu cầu của trung tá Nakajima. Đây là một việc không mấy gì vui vẻ đối với tôi. Hồi đầu tháng nầy, tôi có yêu cầu Tổng Hành Dinh Đông Kinh ân thưởng cho đại úy Sasai về tài ba lảnh đạo phi đội của ông trong chiến đấu. Đồng thời tôi cũng yêu cầu Đông Kinh công khai thừa nhận các thành quả phi thường mà Sakai đã đạt được trên mặt trận. Những thành quả nầy, theo chúng tôi biết, đã khiến anh trở thành phi công hàng đầu của toàn thể phi công hải quân Hoàng Gia. Tuy nhiên, những lời yêu cầu nầy đã bị bác bỏ. Đông Kinh nhận thấy không thích hợp trong việc phá bỏ tiền lệ. Lịch sử chúng ta chưa bao giờ có một vị anh hùng nào còn sống bao giờ,” Saito gằn giọng “và hiển nhiên Đông Kinh không muốn có sự thay đổi nào trong thời gian nầy. Họ đã từ chối,” ông nói thêm với giọng buồn bã “ngay cả ân thưởng một huy chương hoặc thăng cấp cho các anh cũng không”
Ông kết luận:
“ Tôi không muốn tiết lộ các chi tiết nầy cho các anh, e rằng các anh sẽ bàn tán nầy nọ về hành động của Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Nhưng có điều quan trọng không kém đối với tôi là tôi muốn cả hai anh biết rằng tôi, trong tư cách sỹ quan chỉ huy các anh, tôi hoàn toàn công nhận lòng nhiệt thành và sự cố gắng không lúc nào ngưng nghỉ của các anh.”
Trung tá Nakajima lên tiếng: “ Truyền thống của hải quân phải hoặc trái không biết là chỉ ân thưởng huân chương hoặc thăng cấp tại mặt trân cho người đã chết. Dĩ nhiên truyền thống nầy thật là bất lợi cho các anh trong thời gian nầy. Tôi cảm thấy cần phải nói cho các anh biết rằng đại tá Saito cũng đã yêu cầu thăng một cấp cho đại úy Sasai, và thăng cấp thiếu úy cho Sakai.”
Sasai đáp rằng: “ Tôi không biết cách nào để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với sự ưu ái của hai vị chỉ huy. Tuy nhiên, tôi cần phải nói thêm rằng cả tôi lẫn Sakai không ai bất mãn trước sự quyết định của Đông Kinh. Tôi không thấy có lý do nào để chúng tôi bất mãn. Theo ý kiến của tôi, và tôi chắc Sakai cũng vậy, những thành quả và những chiến thắng trên không của chúng tôi không phải là một mình chúng tôi có thể đạt được. Nếu không có những phi công bên cánh đã bao che cho chúng tôi, nếu không có sự tận tâm của các nhân viên dưới mặt đất, chúng tôi sẽ không thể làm gì được cả. Tôi hài lòng về việc làm có tính cách đồng đội của chúng tôi, và tôi không cảm thấy sự ân thưởng hoặc thăng cấp cá nhân là cần thiết, mặc dù những gì mà hai vị chỉ huy đã làm khiến cho chúng tôi rất lấy làm vinh dự”. Sasai đã nói lên tất cả những gì tôi muốn nói, và tôi chỉ biết gật đầu đồng ý.
Chính sách không tuyên dương công trạng cá nhân của hải quân vẫn được giữ triệt để cho đến cuối cuộc chiến. Tuy nhiên, vào tháng Ba năm 1945 có một sự phá lệ đặt biệt trong chính sách nầy khi đô đốc Soemu Toyoda, Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp, thốt lên lời khen ngợi các chiến công phi thường của trung sỹ Shoichi Sugita và tôi, bấy giờ là một thiếu úy. Nhưng lúc ấy sự khen ngợi nầy đã trở thành vô nghĩa. Những phi công vĩ đại của hải quân chúng tôi, Nishizawa, Ota, Sasai và nhiều người khác, đã không còn nữa.
CHƯƠNG XIV
Trong suốt tháng Sáu, chúng tôi chạm trán với một số lượng chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đối phương đông đảo chưa từng thấy. Chúng tôi được nói rằng đối phương đang gầy dựng lại một sức mạnh không quân quan trọng trong khu vực, và rằng từ đây trở về sau chúng tôi phải dốc toàn lực cho những nhát chổi chiến đấu cơ của chúng tôi. Điều nầy có nghĩa là chúng tôi phải tận dụng tất cả chiến đấu cơ Zero hiện có trong tay. Đối phương đã thiết lâho thêm nhiều phi trường bên ngoài các cánh rừng trên khắp khu vực Moresby.
Các cuộc oanh tạc của chúng tôi cũng gia tăng đều đặn về số lượng, và các chiến đấu cơ địch đối đầu với chúng tôi cũng có vẻ quyết tâm hơn. Vào ngày 17 tháng 6, 12 chiến đấu cơ Zero hộ tống 18 oanh tạc cơ Betty, bay đến dội bom hải cảng Moresby, đã đánh bật bảy chiến đấu cơ nghinh chiến của địch quân. Cuộc oanh tạc nầy đã gây cho khu vực bến tàu hư hại nặng và đánh chìm một chiếc tàu chở hàng 8.000 tấn đang buông neo trong cảng. Ngày hôm sau, 9 oanh tạc cơ và 9 chiến đấu cơ Zero khác không tập Kido, nằm gần vịnh Rescar, một căn cứ mới của địch quân ở phía Bắc Moresby. 10 chiến đấu cơ địch đụng độ với 18 phi cơ Nhật, chúng tôi hạ hai chiếc mà không bị tổn thất nào.
Vào ngày 24 tháng Sáu, tôi trở về Lae sau khi nghỉ phép ở Rabaul , và cất cánh sáng hôm sau, nằm trong một lực lượng gồm 21 chiến đấu cơ tấn công Moresby. Tôi hạ được một trong số 11 chiến đấu cơ địch nghinh chiến.
Sáng kế đó, Rabaul gởi 17 oanh tạc cơ trở lại Moresby với 11 chiến đấu cơ hộ tống. 12 chiến đấu cơ địch nghinh chiến và chúng tôi hạ hai chiếc.
Đó là cuộc tấn công cuối cùng của tháng Sáu. Ngày hôm sau, mưa trút ồ ạt xuống khu vực New Guinea. Mưa không chỉ trói chân chúng tôi mà còn trói chân cả Đồng Minh. Mây che kín bầu trời hầu như suốt mỗi buổi trưa, và ban đêm cuồng phong quét trên khu vực thật dữ dội. Chúng tôi yên lòng nhắm mắt tới sáng.
Tháng Bảy thời tiết bỗng thay đổi bất ngờ. Ngày thì mưa giớ nhưng ban đêm bầu trời lại sáng. Oanh tạc cơ địch bay đến hầu như mỗi đêm và trút bom xuống không ngừng nghỉ. Chúng tôi bó tay. Ngay cho dù phi đạo đủ rộng, thích hợp cho các hoạt động đêm, khả năng dạ chiến của chiến đấu cơ Zero thật đáng nghi ngờ. Do đó, chúng tôi vẫn ở trên mặt đất, chui vô hầm trú ẩn và chửi rủa bọn Mỹ.
Bình minh ngày 2 tháng Bay, chúng tôi đối đầu với một cuộc oanh tạc qui mô. Tiếng còi báo động vang lên, đánh thức giấc ngủ về sáng của chúng tôi. chúng tôi mặc đồ bay và chạy ùa ra phi đạo. Nhưng không ai chạy tới phi cơ được vì tiếng động cơ máy bay địch đã gầm thét trên đầu. Các phi công hối hả chạy vô hầm trú ẩn gần nhất.
Chúng tôi có thể nhìn thấy các oanh tạc cơ địch nổi bật trên nền trời đầy sao. Đó là loại Mitchell và Maurader bay không cao hơn 600 bộ.
Sau khi thả hết bom, các oanh tạc cơ sà thấp trên ngọn cây bắn phá phi đạo và tất cả các cơ sở nằm trong tầm mắt. Đạn địch rãi trên phi đạo giống như mưa đá.
Chổ tôi nấp không an toàn, tôi bỏ chạy vào các vị trí đặt súng. Tôi đẩy một xạ thủ ra khỏi súng và nói với hắn để tôi thay thế cho. Hắn đeo dính khẩu súng, và từ chối bỏ vị trí. Tôi không để mất thì giờ, tôi đạp hắn ra khỏi chổ ngồi. Hắn đứng dậy chửi rủa om sòm, nhưng một phi công khác đã chạy vô phía sau tôi nắm cổ xô hắn ra ngoài và lượm các băng đạn lên.
Đợt xạ kích thứ hai của 6 chiếc Maurader đang lướt đến, tôi lên cò súng và ghìm súng chờ đợi. Một chiếc Maurader bay ngang trên đầu, tôi ria một tràng đạn từ mũi đến láu, nhưng không trúng. Chiếc oanh tạc cơ quành lại chúi ngay xuống vị trí đặt súng, xạ thủ trước mũi của nó đáp trả hoả lực của tôi.
Đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi trên mặt đất vớu một chiếc phi cơ tiến thẳng đến trước mặt. Hình ảnh những trái bom xoáy xuống và nổ bùng trên vị trí đặt súng khiến tôi kinh hoảng. Tôi vụt bỏ chạy như giông như gió đến hầm trú ẩn xây bằng bao cát phía sau tôi. Một vài giây ngồi trong đó, tôi cảm thấy như một tên hèn nhát ngù ngờ và vô lý. Chiếc oanh tạc cơ gầm thét trên đầu, lướt qua nhưng không thả bom. Tôi tự rủa thầm và quay lại khẩu súng mà tôi vừa bỏ chạy. Dần dần tôi lấy lại bình tĩnh và quyết không làm thỏ đế nữa.
Mấy chiếc oanh tạc cơ quày lại, tiếng vang như sấm động, cách mặt đất chỉ 150 bộ, với những họng súng rực lửa. Tôi rót lên một tràng đạn nhắm chiếc phi cơ bay sau. Một giòng khói túa ra, nhưng chiếc phi cơ nầy vẫn bay như thường và rồi biến mất vào chân trời.
Ngày lên hẳn, sau một giờ dội bom và bắn phá các oanh tạc cơ địch ra đi an toàn. Không một chiếc nào bị hạ cho dù các khẩu cao xạ của chúng tôi bắn gần hết đạn. Bọn phi công chúng tôi mất tinh thần đến nỗi loạt bom cuối cùng vừa dứt mà không ai dám chạy ra phi cơ cất cánh truy đuổi, như chúng tôi thường làm trước đây.
Hầu hết cơ sở của căn cứ đều bốc cháy. Phi đạo đầy dẫy mảnh vụn, phi cơ không thể cất cánh được dù có cố gắng cách mấy đi nữa. Một việc khó thể tin, nhưng có thật 20 chiến đấu cơ đậu bên cạnh phi đạo hầu như an toàn, chỉ bị đạn và mảnh bom khoét lổ. Chúng tôi tập trung vô bộ chỉ huy để nhận lịnh, trong lúc 200 binh sỹ dọn dẹp phi đạo.
Thình lình nhiều liên lạc viên chạy vô Bộ Chỉ Huy cho biết một cuộc tấn công nữa sắp xảy ra. “ Hơn 100 phi cơ địch đang bay tới căn cứ!” Một trăm phi cơ ! Một con số khó thể tin nỗi ! Chúng tôi chưa từng nghe nói đến một cuộc tấn công nào dữ dội như vậy. Các sỹ quan tham mưu có vẻ xao xuyến và ra lịnh cho mọi phi cơ cất cánh tức khắc. Chúng tôi chạy túa ra các chiến đấu cơ, rồ máy chạy ra phi đạo lúc ấy vừa mới dọn dẹp xong, rồi nằm trong vị thể sẵn sàng cất cánh. Sau đó, chúng tôi được báo cáo: “Một trăm chiến đấu cơ địch biến thành một trăm con ****.”. Mọi người đều cười ồ.
Chúng tôi ăn trưa quanh Bộ Chỉ Huy, vẫn trong tư thế sẵn sàng cất cánh. Lúc chúng tôi còn đang nhai, các liên lạc viên chạy vô cho biết Salamaua báo cáo có 6 oanh tạc cơ B.17 trên đường hướng đến căn cứ chúng tôi. Không ai phí một giây nào. Chúng tôi bỏ ăn, chạy như bay ra phi cơ. Đảo Salamaua chỉ cách Lae mấy phút bay. Các phi công khác đã cho phi cơ chạy ra phi đạo trong khi tôi vẫn nguyền rủa và loay hoay bên chiếc Zero bất động của tôi. Cố gắng cách mấy động cơ cũng không chạy. Tôi leo xuống phi cơ, vì các chiến đấu cơ khác đã ở trên không rồi.
Tôi chạy băng ngang qua phi đạo hướng đến các hầm trú ẩn. Trung tá Nakajima đưa tay vẫy gọi tôi rối rít và tiếng rít của một trái bom, giống như một lưởi dao khổng lồ lướt xuống. Tôi bổ chúi vô hầm, càn trên lưng nhiều người nằm sẵn trong đó.
Tức khắc, thế giới như nổ tung. Tôi cảm thấy một áp lực mạnh mẻ đến từ mọi phía đè nặng trên thân thể tôi, một áp lực khủng khiếp, rồi tất cả biến thành màu đen. Tôi không thấy, không nghe gì nữa, như tôi đã rời xa hẳn thế giới quanh tôi. Tôi cố cử động chân tay nhưng vô ích, tôi đã đông cứng. Có thể nhiều giây hoặc nhiều phút , tôi nghe tiếng gọi văng vẵng của trung tá Nakajima. Tôi cố để la. Tôi nghỉ rằng tôi la lớn lắm, nhưng lạ thay tôi không nghe tiếng của chính tôi. Mũi miệng tôi cứng đờ. Có một cái gì đè nặng trên ngực tôi.
Tiếng nói của trung tá Nakajima lại văng vẳng: “Hắn bị chôn vùi ! Tìm kiếm đi! Đào lên mau!.”
Bị chôn ? Dĩ nhiên ! Tôi nằm dưới đá và cát. Tôi cố gắng mở mắt. Tối đen. Cơn sợ hãi ùa đến. Tiếng nói của trung tá Nakajima lần nầy lớn hơn: “Gặp cái gì đào cái nầy. Mau lên! Dùng cây cũng được! Cả tay và móng tay cũng dùng luôn, nếu các anh không tìm được vật gì để đào! Mau lên!”.
Rồi những âm thanh lao xạo vang lên, tiếng xẻng đảo trong cát. Tôi chờ, cố gắng không cựa quậy. Cuối cùng một bàn tay phẩy phẩy trên mặt tôi, rồi cát trên mũi tôi vẹt ra. Ánh sáng mặt trời bổng nhiên tràn ngập.
Không phải một mình tôi mà ít ra cũng hàng chục người nữa bị chôn vùi lúc trái bom nổ. Nhưng không một ai bị thương. Bộ Chỉ Huy tan nát. Hầu hết số phi cơ còn đậu trên phi đạo trở thành những mảnh vụn, thùng chứa xăng của nhiều chiếc đang bốc cháy. Gần một giờ sau, các chiến đấu cơ đã cất cánh trở về căn cứ. Bọn phi công tiu nghĩu. Sáu pháo đài bay đều bay thoát.
Chúng tôi phải bỏ ra hai ngày để sửa sang căn cứ sau cuộc tấn ngày 2 tháng Bảy. Và ngày 4, chúng tôi sẵn sàng mở trận phục thù trên phi trường Moresby. 21 chiến đấu cơ Zero gặp một ủy ban chào đón bao gồm 20 chiến đấu cơ địch trên không phận Moresby. Chúng tôi ra tay trong lúc chủ nhân vẫn còn chúi xuống. Chín chiến đấu cơ địch chánh thức bị hạ, và còn thêm ba chiếc nữa.
Trên đường trở về, còn cách Lae nhiều dặm tôi đã nghe mùi khói phản phất trong gió. Khi nhìn thấy căn cứ chúng tôi mới biết khói đó bốc lên từ các cơ sở nằm cạnh phi đạo đang bốc cháy. Những cột lửa dâng cao, toả khói đen trên khắp khu rừng và bãi biển. Trong lúc chúng tôi vắng mặt, nhiều oanh tạc cơ địch bau đến oanh tạc những kho chứa dầu.
Khi chúng tôi còn đang lượn vòng để đáp xuống, bảy chiếc Maurader gầm thét trên cánh rừng phía dưới. Khi chúng tôi phát hiện, các oanh tạc cơ đã đến phi trường và những trái bom được thả xuống làm tung đất cát lên không. Lúc chúng tôi chúi xuống để truy đuổi địch, nhiều chiến đấu cơ Zero khác đã rời khỏi phi đạo, và chúng tôi bắt đầu một cuộc rượt đuổi 7 oanh tạc cơ địch như điên cuồng. Nhiều lần chúng tôi suýt đụng nhau trên không, chỉ tránh khỏi trong vòng gang tấc.
Một chiếc Zero khác vừa cất cánh từ Lae bay bứt ra khỏi nhóm chánh, vượt qua mặt các oanh tạc cơ địch và vung trở trong một vòng xoay 180o rồi đâm thẳng vào chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu, có vẻ như muốn tự sát. Viên phi công không bắn một phát súng nào, chiếc phi cơ lướt đến như một cái bóng, với một tốc độ gần 600 dặm một giờ, rồi lách phía dưới chong chóng bên phải của chiếc Maurader, bay dọc theo thân và hơi nghiêng cánh một chút. Chiếc cánh như lưỡi dao cạo của chiến đấu cơ Zero tiện đứt lìa bánh lái của chiếc Maurader.
Chiếc Zero vẫn tiếp tục bay thẳng và lướt lên cao, có vẻ như không bị tổn hại, nhưng sau đó chiếc phi cơ bắt đầu một loạt lộn nhào chầm chậm, dần dần mất cao độ và chúi xuống biển hết tốc lực. Vài giây sau đó, chiếc B.26 mất bánh lái xiêng vẹo và lộn nhào liên hồi, phơi bụng lên trên và chúi xuống nước với một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Lập tức, sáu chiến đấu cơ xông tới rót đạn đại bác và đại liên như mưa vào thân cánh các oanh tạc cơ còn lại, chôn ngay một chiếc nữa xuống biển. Năm oanh tạc cơ khác chạy thoát.
Chúng tôi lại đánh Moresby vào ngày 6 tháng Bảy, với 15 chiến đấu cơ hộ tống 21 oanh tạc cơ. Chúng tôi dứt điểm 3 chiến đấu cơ địch nữa.
Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng Bảy, tới phiên đối phương đánh chúng tôi. Ba đêm liên tiếp, chúng tôi co rút như lũ chuột trong các hầm trú ẩn. Lae trở thành một cơn ác mộng của tiếng bom rền hàng loạt từ đầu sân bay đến cuối sân bay, những bựng khói và lửa, của những căn nhà đổ vỡ, của hàng ngàn mảnh bom bay tua tủa. Chắc chắn, đối phương dự định nghiền nát Lae ra như cám. Tuy nhiên họ không bao giờ đạt được mục đích nầy, chúng tôi vẫn còn chiến đấu cơ khả dụng để bay.
Ngày 11 tháng Bảy, chúng tôi vét hết lực lượng oanh tạc cơ để đánh Moresby một lần nữa. Mười hai chiến đấu cơ Zero hộ tống 21 oanh tạc cơ cất cánh từ Rabaul. Trên đường đi, đại úy Sasai phát hiện sáu chiếc B.17 trực chỉ đến phi trường của chúng tôi. Ông tách ra khỏi nhóm hộ tống cùng với năm chiến đấu cơ khác, trong đó có tôi, Nishizawa và Ota. Chúng tôi gây hư hại cho ba oanh tạc cơ, nhưng không hạ được chiếc nào. Trái lái, một chiếc Zero bị bắn cháy và các chiến đấu cơ khác kể cả tôi lảnh nhiều vết đạn.
Với chỉ sáu chiến đấu cơ hộ tống, đội hình của các oanh tạc cơ của chúng tôi bị chiến đấu cơ địch phá rối lúc đến mục tiêu, vì vậy bom thả không chính xác, gây thiệt hại cho địch không bao nhiêu. Việc nầy khiến cho Sasai bị khiển trách nặng nề. Thật sự ông ta đã vi phạm qui luật căn bản của chiến đấu cơ hộ tống: không bao giờ rời bỏ sự bao che các oanh tạc cơ.
Chúng tôi bước qua giai đoạn mới của cuộc hành quân chiến đấu cơ vào ngày 21 tháng Bảy, khi một sư đoàn bộ binh Nhựt đổ bộ Buna, cách phía Nam Lae 110 dặm. Bộ binh lập tức mở đường xuyên qua rừng già dầy bịt trên đảo để tiến đến hải cảng Moresby. Nhìn trên bản đồ, cuộc điều binh không mấy gì khó khăn. Buna giống như một hòn đá được quăng ra từ Moresby để nối liền eo biển giữa nó và bán đảo Papuan. Nhưng tình trạng các hòn đảo rừng rậm trên bản đồ hoàn toàn khác biệt với tình trạng nghiệt ngã phía dưới những tàn cây kín như bưng. Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã sai lầm khủng khiếp và chết người. Trước khi cuộc hành quân nầy chấm dứt, Nhật Bản phải chịu đựng một trong những tai họa bi đát và nhục nhã nhất.
Rặng núi Owen Stangley có lẻ còn cao hơn rặng núi đáng sợ Alps. Nếu chỉ mô tả rừng rậm dầy bịt trên sườn núi không thôi thì e quá dễ dãi. Dưới đời sống của cây cối còn nhiều sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi. Nếu không có những ao đầm, những bãi lầy dưới chân thì cũng phải là những tảng đá bén như dao cạo, những cái dốc thẳng đứng. Đó là không nói đến các loại sên vắt, khí hậu nóng bức đến nghẹt thở, và những chứng bệnh chết người không thể tìm ra nguyên nhân.
Vượt qua băng tuyết trên rặng Alps có lẻ còn dễ dàng hơn hơn vượt qua rừng rậm của dãy núi Owen Stangley. Đơn vị nào lọt ngay vô một bãi lầy thì kể như tiêu luôn. Khí hậu vừa nóng bức vừa ẩm thấp khiến cho các xây sát hoặc vết thương lở loét thêm. Mọi lổ chân lông nước tươm ra cho đến khô cạn. Đồ trang bị hư hại, quần áo rách tả tơi, đôi chân bị cắt nát bấy bởi đá, gai góc và lá cây sắc nhọn như dao.
Trong nhiều tháng ròng rã, lực lượng bộ binh của chúng tôi đã xung đột với một kẻ thù tồi tệ nhứt mà họ chưa từng đối diện bao giờ. Một kẻ thù không có súng ống, không đặt mìn bẩy, nhưng đã lần lượt nuốt trọn hàng ngàn binh sỹ Nhựt. Nhiều đơn vị cũng lập được chiến công siêu phàm, tìm đường lần mò đến gần mục tiêu chỉ định, pháo đài Moresby, trong vòng một dặm. Nhưng các đơn bị nầy đều bị tiêu diệt, đa số chết đói vì loay hoay trong rừng rậm không tìm được lối thoát.
Cuộc tấn công trên bộ là một cựa quậy tuyệt vọng. Trước kia Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã sắp xếp một cuộc tấn công Moresby qui mô, cả hai mặt đường biển và đường bộ. Nhưng kế hoạch nầy đã bị bãi bỏ vào ngày 7 tháng Năm, khi hai hàng không mẫu hạm Nhựt đụng độ với hai hàng không mẫu hạm của địch trên biển San Hô. Đây là trận hải chiến đầu tiên mà tàu cả hai phía không bắn một phát súng nào. Mỗi lực lượng chỉ xử dụng phi cơ oanh tạc lẫn nhau. Chúng tôi thắng trận nầy, nhưng địch quân đạt được mục đích của họ: cuộc tấn công thủy bộ như dự tính đã bị bãi bỏ.
Với cuộc đổ bộ của bộ binh ở Buna, Tổng Hành Dinh Rabaul ra lịnh cho chúng tôi đình chỉ các cuộc tấn công Moresby, và tất cả các phi cơ quay sang không yểm cho cuộc đổ bộ. Cuộc đổ bộ Buna, mà sự thất bại đã nhìn thấy ngay khi nó được phát động, chỉ là một phần trong một cuộc hành quân rộng lớn hơn. Sự thất bại nầy không chỉ do rừng rậm gây ra, nhưng còn do sự thiếu hiểu biết về các vấn đề tiếp vận của giới lảnh đạo chúng tôi. Sự yếm kém nầy, phối hợp với những chuyển động vượt trội của đối phương, một thảm họa đã cầm chắc trong tay.
Cùng lúc với cuộc đổ bộ ở Buna, một đơn vị xung kích đã nhảy lên mũi cực Đông của đảo New Guinea. Làm việc ngày đêm, đơn vị nầy thiết lập được một phi trường mới bên ngoài rừng rậm ở Rabi, với ý định đổ tiếp liệu cho binh sỹ di chuyển từ đầu cầu Buna xuyên qua New Guinea. Thật lạ lùng, địch quân không dội bom lúc công việc thiết lập phi trường nầy còn dở dang, nhưng họ ghi nhận đầy đủ bằng không ảnh do phi cơ thám thính chụp. Tuy nhiên, khi binh sỹ của chúng tôi vừa hoàn tất nhiệm vụ, lực lượng địch đánh úp bất ngờ, và vét tron đơn vị phòng giữ của chúng tôi. Đó là một cú đánh đẹp mắt, Nhật Bản thiết lập phi trường để cho phi cơ của Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi xử dụng.
Nhưng đối phương không hài lòng vớu phi trường của Nhựt có vẻ đơn sơ nầy. Công binh của họ thiết lập những phi đạo mới trong khu rừng với một tốc độ di chuyển đáng kinh ngạc. Oanh tạc cơ hạng trung và chiến đấu cơ của họ di chuyển trên các phi đạo mới nầy, ngay khi công việc còn đang dở dang. Và các cuộc không tập càng lúc càng gia tăng khối lượng phi cơ và bom. Không đêm nào mà không có những chiếc Mitchell và Marauder xuất hiện.
Trong ngày, phi đoàn Lae phải cắt đặt thế nào để luôn luôn có 6 đến 9 chiến đấu cơ hoạt động trên không phận Buna đồng thời phải duy trì một lực lượng để bảo vệ phi trường. Nhiệm vụ bao che ở Buna quá sức chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách ngăn chặn các cuộc không kích qui mô của đối phương nhằm tiêu diệt các đầu cầu đã được thiết lập.
Ngày 22 tháng Bảy, trong một phi vụ bao che gồm sáu chiến đấu cơ Zero, tôi bắn hạ thêm hai phi địch, nâng tổng số nạn nhân của tôi lên 49.
Một vài tuần kế đó, chúng tôi vẫn giữ nhiệm vụ bao che khu vực bãi biển Buna, nhưng vào hạ tuần tháng Bảy chúng tôi phải đương đầu với một giai đoạn mới và xa lạ của cuộc chiến. Lịnh đưa xuống từ Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Đại tá Saito chỉ thị mọi phi công phải mang dù trong khi chiến đấu. Tôi có một cảm giác kỳ lạ với cây dù phía sau lưng và những sợi dây buộc quanh thân. Tôi chưa bao giờ bay với tình trạng như vậy trước đây.
Một lịnh khác đã làm chúng tôi ngơ ngác không khác gì lịnh mang dù. Đại tá Saito ban xuống, từ nay trở về sau không có chiến đấu cơ nào được vượt qua rặng núi Owen Stangley, và lịnh nầy không giải thích lý do.
Chỉ có một dịp duy nhứt, vào ngày 26 tháng Bảy, đã khiến tôi thấy lại hải cảng Moresby. Chúng tôi nghinh chiến 5 oanh tạc cơ Maurader trên không phận Buna, tôi bắn hạ hai chiếc rồi cùng với Sasai và Endo truy đuổi những chiếc còn lại. Chúng tôi vượt qua bên kia rặng núi, trái với lịnh được đưa ra. Đó là lần cuối cùng chúng tôi bay trên căn cứ của địch quân. Tình thế chúng tôi thay đổi nhanh chóng. Vào cuối tuần lễ đầu tiên của tháng Tám, chúng tôi bắt đầu đối diện với những tình trạng mà chúng tôi chưa bao giờ biết đến trước đây. Người Mỹ đã phát động một cuộc đổ bộ qui mô lên đảo Guadalcanal.
Ngày 29 tháng Bảy, đại úy Joji Yamashita trở về Lae, sau một phi vụ tuần thám ở Buna, với một tin tức gây xôn xao cả căn cứ. Lần đầu tiên các phi cơ của ông bị phi cơ của hải quân Hoa Kỳ tấn công. Đại úy Yamashita đã báo cáo với đại tá Saito và trung tá Nakajima rằng chín chiến đấu cơ Zero của ông đã chạm trán với một lực lượng hỗn hợp bao gồm các loại chiến đấu cơ Grumman F4F Wildcat và oanh tạc cơ SBD Dauntless của Hoa Kỳ, được hướng dẫn đến Buna bởi các chiến đấu cơ P39. Theo xét đoán của ông lực lượng nầy phát xuất từ Rabi. Đây là lần đầu tiên các phi cơ của hải quân Hoa Kỳ xuất hiện trong khu vực chiến đấu của chúng tôi.
Tin tức về một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã dy chuyển vô hải phận New Guinea là một điềm dữ, và các sỹ quan tham mưu của chúng tôi có vẻ xao xuyến. Nếu người Mỹ đưa được hàng không mẫu hạm vô hải phận nầy để phóng ra các cuộc tấn công vào Lae, Buna và Rabaul thì chiến thắng của họ ở Midway kể như có thật và đồng thời phủ nhận những mất mát quan trọng của họ trong trận đánh ở biển San Hô. Trước đó, Đông Kinh đã công bố rằng hạm đội của chúng tôi đã tiêu diệt hết hàng không mẫu hạm địch trong các cuộc đụng độ ở biển San Hô và Midway, nếu sự thật đúng như vậy, tại sao lại có một hàng không mẫu hạm trong vùng lân cận của chúng tôi? Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ những công bố chiến thắng mà Đông Kinh luôn luôn lập đi lập lại.
Tuy nhiên, đa số phi công chiến đấu ở Lae đã ghi nhận tin tức với một thái độ khác biệt hoàn toàn. Đêm đó, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi với các phi công của đại úu Yamashita. Có bao nhiêu phi cơ của hải quân Mỹ? Loại chiến đấu cơ Wildcat có tốt hơn loại chiến đấu cơ P39 và P40 không? Các phi công hải quân Mỹ tài giỏi bậc nào?
Những câu giải đáp của họ đã làm chúng tôi phấn khởi. Phi đội của Yamashita đã hạ 3 oanh tạc cơ Dauntless , 5 chiến đấu cơ Wildcat và 1 chiếc P39 mà không mất một chiếc Zero nào. Do đó những gì có thể xảy ra ở Midway, ở biển San Hô hoặc bất cứ nơi nào khác không còn quan trọng đối với chúng tôi nữa. Chúng tôi chỉ cần biết trong bốn tháng liên tiếp vừa qua chúng tôi luôn luôn chiến thắng, và các phi cơ của hải quân Hoa Kỳ xuất hiện chẳng qua là giúp cơ hội cho chúng tôi chiến thắng nữa.
Ba ngày liền các phi cơ mới của địch không thấy xuất hiện ở Buna. Vào ngày 30, chín oanh tạc cơ B.17 tấn công khu vực đầu cầu đổ bộ, và cuộc tấn công xem như đã đạt hiệu quả. Chín chiến đấu cơ của chúng tôi chỉ bắn rơi được 1 oanh tạc cơ địch. Tôi đã gặt hái được chiến thắng nầy khi tôi đụng đầu với chiếc oanh tạc cơ trên mũi Nelson vớt tất cả hoả lực tập trung vào mũi của nó. Chắc chắn viên phi công chính và phụ đều thiệt mạng, vì chiếc phi cơ khổng lồ đâm chúi xuống biển. Đó là một trong những trận đánh khó khăn nhứt của tôi, vì tôi trở về Lae với nhiều vết thương ở cánh tay phải do đạn địch gây ra. Tôi chỉ thoát chết chỉ trong đường tơ kẻ tóc, và các chuyên viên cơ khí phải làm việc suốt đêm để vá lại hàng chục lổ đạn ở thân và cánh chiếc phi cơ của tôi.
Vào ngày 2 tháng Tám, hình ảnh của những chiếc phi cơ mới của hải quân Hoa Kỳ biến mất trong đầu óc của tôi. Khi ngày sắp hết, lúc bay quần trên Buna ở cao độ 12.000 bộ, chúng tôi phát hiện 5 chấm nhỏ li ti nổi bật trong mây, cách đầu cầu đổ bộ nhiều dặm. Hình như là những chiếc pháo đài bay và ở cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi bay dọc theo phi cơ của Sasai và chỉ những oanh tạc cơ đang đến. Ông gật đầu và chúng tôi cùng báo hiệu cho các phi công khác. Chúng tôi vẫn giữ đội hình, bay vòng quanh chầm chậm cho đến khi tiếng máy của năm oanh tạc cơ nghe thấy rõ ràng. Ông giơ tay lên, lắc cánh phi cơ ra lệnh phá vỡ đội hình chữ V của chúng tôi và tấn công trực diện theo hàng dọc. Các bình xăng phụ của chúng tôi được quăng ra.
Chín chiến đấu cơ Zero chống với năm oanh tạc cơ B.17 và hầu hết chín chúng tôi đều là những phi công hàng đầu của Nhật Bản về số điểm chiến thắng. Sasai cầm đầu cuộc tấn công. Ota bay cách 500 thước phía sau ông, tiếp theo là Endo. Tôi ở vị trí thứ tư, cũng cách 500 thước, với hai phi công bên cánh là Yonekawa và Hatori ở phía sau tôi, tức ở vị trí thứ năm và sáu. Nishizawa ở vị trí thứ bảy, kế đó là Takatsuka và cuối cùng là trung sỹ Yashio Sueyoshi. Chín chiến đấu cơ trái dài ra 400 thước và trên đó là những phi công tài giỏi nhứt Nhật Bản.
Các pháo đài bay khép chặt đội hình khi chúng tôi áp sát. Phi cơ Sasai hạ xuống phí dưới chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu rồi vượt lên và từ từ lăn tròn để nhắm “dưới cằm” của phi cơ địch. Giây thứ hai sau khi ông khai hoả và vượt lên, vừa vượt vừa bắn. Từ các oanh tạc cơ, những dòng khói ria ra, nhưng đó là khói của các khẩu đại liên 50. Đội hình của địch vẫn không thay đổi.
Thế rồi Ota lướt đến hàng động giống như Sasai. Tôi nhìn thấy những tia đạn từ phi cơ của hắn trúng vào chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu, và hắn lướt thẳng lên. Một tiếng nổ dữ dội rung chuyển mọi phi cơ xung quanh và bầu trời như bao phủ trong làn khói. Chiếc oanh tạc cơ không còn nhìn thấy nữa. Nó biến mất, tan ra thành muôn ngàn mảnh vụn do bom chất đầy trong phi cơ phát nổ. Đó là một đòn sát thủ ngoạn mục nhứt trên không mà tôi được nhìn thấy ta trước đến nay. Tôi vui mừng khi nhìn thấy phi cơ của Ota vọt lên khỏi màn khói.
Lúc đó Endo cũng nhập cuộc, nhưng vô hiệu vì bị hoả lực chéo dữ dội của các oanh tạc cơ ngăn chặn. Bây giờ tới phiên tôi. tôi kéo cần điều khiển nhè nhẹ về phía sau, chiếc pháo đài bay thứ ba lướt tới phía tôi chầm chậm. Gần hơn nữa và gần hơn nữa, tôi ấn cò súng. Không có tiếng nổ. Đồ ngu. Tôi quên mở khoá an toàn, một sai lầm mà ngay cả những phi công mới biết bay chập choạng cũng không để mắc phải. Tôi lộn nhào thật dữ dội để tránh chiếc B.17 đang lướt đến chỉ còn cách tôi có 20 thước.
Tôi bị hoả lực chéo của các xạ thủ địch. Chiếc Zero lảo đảo khi những viên đạn chọc vô thân, và tôi cảm thấy bị xốc khi nghe tiếng đạn xoi vô chất kim khí. Hiện thời tôi bối rối hẳn, và chiếc phi cơ phơi bụng lên trên. Tôi gạt cần điều khiển thật mạnh sang trái, chiếc Zero lộn nhào thật dữ dội. Tôi lướt qua, nhưng không phải là không bị hư hại. Tôi chửi thề sự ngu dốt của mình, nhưng có chửi thì cũng đã quá muôn. Tôi hạ xuống phía dưới đội hình của đối phương, và vọt cấp tốc về phía các oanh tạc cơ để đánh nữa.
Nishizawa đang quất một cú đẹp mắt, hắn vừa xoay tròn chầm chậm vừa vượt lên, lăn tròn một vòng như chớp khi khoảng cách giữa hắn và phi cơ địch thâu hẹp lại, rồi rót một loạt đại bác vô thùng xăng bên cánh của đối phương. Tức khắc, lửa túa ra, lan thật mau, và trong một vài giây chiếc pháo đài bay biến thành một cuộn lửa khổng lồ. Lửa hực hở theo chiều gió dọc theo thân chiếc phi cơ trôi tuồn tuột, rồi mũi cắm xuống đất. Lúc ấy Sasai đã quay trở lại chụp hoả lực lên chiếc một oanh tạc cơ từ mũi đến đuôi ở khoảng cách chỉ khoảng 150 thước. Thân chiếc phi cơ lãnh đạn lộn nhào về phải, mất kiểm soát. Tôi thấy lửa thò ra từ trong thân chiếc phi cơ, lan tới phòng lái và tháp súng thứ hai. Lửa dữ dội hơn trong vòng hai phút và một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, đánh dấu sự hủy diệt của chiếc B.17 thứ ba.
Tôi vượt lên theo hình thắt nút dây, căng mắt dõi theo hai chiếc oanh tạc cơ cơ còn lại, chúng đàng rẽ về hai hướng khác nhau. Một chiếc đang hướng đến một mõm núi chởn chơ, một chiếc quay ra biển. Tôi đang theo hướng chiếc đang bay ra biển gần nhứt. Chiếc B.17 chao đảo liên hồi khi tôi cố chụp lên buồng lái và bên cánh của nó bằng những loạt đạn tầm dài. Có điều lạ là chiếc phi cơ không chịu buông sức nặng trong mình ra. Nó vẫn trốn chạy với những trái bom mang theo. Tôi chúi xuống để lấy đà rồi lại vượt lên từ phía dưới chiếc oanh tạc cơ và khép khoảng cách vào phía cánh trái của nó. Chiếc B.17 lớn hơn, lớn hơn nữa trong mắt tôi. Tôi vồ ngược lên, và đưa mắt nhìn những viên đạn chọc thủng cánh trái của nó. Thế giới như đổ sụp. Một màn ánh sáng gay gắt hừng hực tràn ngập bầu trời khiến tôi thấy tối tăm mặt mũi. Có một bàn tay không lồ tóm lấy chiếc Zero và lắc qua lắc lại thật dữ tợn. Tai tôi điếc câm và tôi nghe mùi máu ứa ra từ trong mũi ra. Pháo đài bay thứ tư đã ra đi vĩnh viễn. Mỗi chiếc đều bị hủy diệt với chính những trái bom mang bên trong. Hiện thời chỉ còn lại một chiếc đang chạy về phía dãy núi. Tám chiến đấu cơ Zero ùa theo, giương nanh múa vuốt như lũ chó săn bu quanh một con heo rừng. Tuy nhiên mấy chiếc Zero khó bắt kịp chiếc B.17, vì lẽ nó đã thả hết bom và gia tăng tốc lực. Hướng bay của nó cắt ngang qua mũi của tôi, tôi nhận thấy đó là một dịp may để ngăn chặn trước khi nó tiến sâu vô đất liền.
Ngay khi gia tăng hết tốc lực lướt về phía trước, tôi phát hiện ba chiếc Airacobra ào xuống từ phía Đông và tiến sát vào tám chiến đấu cơ Zero đang truy địch. Ba chiếc P39 bắt đầu vượt lên, định chụp mấy chiếc Zero lơ đảng. Tôi xoay một vòng thật rộng, cũng với ý định chụp trước ba chiếc P39 “lơ đảng” nầy.
Ngay khi chiếc P39 đầu tiên vừa đặt chiếc Zero bay cuối vào vòng ngắm thì tôi chúi xuống thật nhẹ nhàng. Chắc viên phi công địch sẽ không bao giờ biết được những gì đã xảy ra, ngay lập tức một loạt đạn đại bác và đại liên của tôi đã nghiền nát thân phi cơ địch ra từng mảnh, một cái cánh bay ngang qua thân chiếc Zero của tôi. Tiếng súng tôi đã báo động cho tám chiến đấu cơ Zero và lập tức hai chiếc Zero xoay thân và chúi xuống theo hình trôn ốc và rớt ngay xuống hai chiếc P.39 kia, diễn tiến chỉ trong vòng một giây. Tôi ghi nhận đó là hai viên phi công vô địch Nishizawa và Ota. Mỗi người chỉ thổi một quả đại bác, và hai chiếc Airacobra biến thành cây đuốc rớt xuống.
Nhưng nhiệm vụ trên không vẫn chưa chấm dứt chiếc oanh tạc cơ còn sống sót đã bỏ đất liên để quay ra biển. Tốc lực của nó có vẻ sút giảm, và với máy móc đã hư hỏng, việc chiếc oanh tạc cơ nầy bị chúng tôi kéo xuống đất chỉ là vấn đề của thời gian.
Trở về Lae, khi chúng tôi cho các chuyên viên cơ khí biết đã tiêu diệt được 5 pháo đài bay, họ nhảy nhót vui mừng. Năm pháo đài bay và ba Airacobra, một ngày làm ăn khá khiển
CHƯƠNG XV
Ngày 3 tháng Tám, Rabaul gọi về hầu hết những phi công được chỉ định đến Lae trước đây. Việc thuyên chuyển nầy khiến chúng tôi hân hoan, vì nó hứa hẹn thoát khỏi các phi vụ tuần tiểu Buan và thoát khỏi cảnh bị oanh tạc hàng đêm. Chúng tôi không mang theo vật gì cả, vì tin rằng sớm sẽ trở về. Chúng tôi sai lầm, bốn ngày đầu tiên ở Rabaul, chúng tôi phải thực hiện những phi vụ càn quét ở Rabi. Màn lưới chiến đấu cơ đã được đối phương thiết lập nhanh chóng trên hòn đảo nầy, có thể so sánh với căn cứ Moresby.
Ngày 8 tháng Tám, sau khi nhận lịnh tuần thám của Bộ Chỉ Huy, chúng tôi bước ngang qua phi đạo để tiến đến các chiến đấu cơ của chúng tôi. Lúc hầu hết 18 phi công đều ngồi trong phòng lái, nhiều liên lạc viên chạy ra la lớn rằng phi vụ bị bãi bỏ. Chúng tôi lập tức trở lại trình diện Bộ Chỉ Huy. Nơi đây đang lên cơn sốt. Liên lạc viên và nhần viên đưa tin chạy tới chạy lui. Các sỹ quan lướt qua chúng tôi với vẻ mặt đầy khẩn trương. Trung tá Nakajima, cầm đầu phi vụ hôm nay, bước ra khỏi văn phòng của Đô Đốc, nói lớn với chúng tôi với vẻ tức tốc: “Phi vụ bị bãi bỏ. Chúng ta sẽ đi nơi khác.”. Ông chỉ một nhân viên đưa tin: “Anh, lấy cho tôi một bản đồ coi, mau lên!”.
Ông trãi bản đồn trên một cái bàn rộng và bắt đầu vạch một đường thẳng với một chiếc Compa. Ông cúi gầm trên bản đồ, không mảy mau lưu ý đến bọn phi công chúng tôi. Tôi hỏi đại úy Sasai xem ông có biết việc gì xảy ra không. Sasai hỏi Nakajima và chỉ nhận mấy câu càu nhàu, rồi vị chỉ huy trưởng không đoàn ba chân bốn cẳng vô văn phòng của Đô Đốc. Vài phút sau ông trở ra, và ra dấu cho các phi công tụ họp quanh ông. Những tiếng nói của ông không khác nào một trái bom: “Vào lúc 5 giờ 20 phút sáng nay, một lực lượng địch vô cùng mạnh mẽ bắt đầu đổ bộ lên Lunga, ở cuối bãi phía Nam của đảo Guadalcanal. Theo các báo cáo sơ khởi của chúng ta, người Mỹ đã ném lên hòn đảo nầy một khối lượng người và trang bị khủng khiếp. Cùng lúc, họ cũng mở ra các cuộc tấn công ở Tulagi, trên đảo Florida. Tất cả thủy phi cơ của chúng ta tiêu không còn một chiếc. Khi vị tư lịnh thảo xong kế hoạch, chúng ta sẽ cất cánh lập tức hướng đến Guadalcanal để tấn công các lực lượng địch trên bãi biển.”
Liên lạc viên phát bản đồ cho mỗi phi công. Chúng tôi xem xét và nghiên cứu hòn đảo còn xa lạ đó đối với chúng tôi, nhưng bỗng nhiên trở thành quan trọng nầy. Nhiều người bàn tán: “Ở đâu lại hiện ra hòn đảo trời đánh nầy?”. Một phi công nổi nóng la lên: “Ai đã từng nghe đến tên của một nơi chó chết như vậy chưa?”.
Chúng tôi tính khoảng cách từ Rabaul đến Guadalcanal. Không tin nổi. Xa đến 560 dặm. Chúng tôi sẽ phải bay đi tấn công các đầu cầu đổ bộ của địch quân và trở về với khoảng cách đó. Khoảng cách chưa từng nghe nói đến. Điều nầy nghĩa là đường bay khứ hồi dài hơn 1.100 dặm, đó là không kể trường hợp gặp bão hoặc đụng độ giữa đường.
Như vậy cũng đủ để mọi suy luận ngưng lại. Chúng tôi lặng yên để nghe vị chỉ huy trưởng đưa ra lịnh mới. Vừa lúc ấy một liên lạc viên chạy ùa vô văn phòng Đô đốc với những báo cáo mới đưa về từ mặt trận. Chúng tôi nghe một binh sỹ đưa tin nói với Nakajima rằng tất cả liên lạc với Tulagi đều bị cắt đứt, và quân phòng ngự ở đó đã hy sinh đến người cuối cùng.
Nghe tin, mặt Sasai tái đi. Tôi phải hỏi năm lần bảy lượt xem có phải ông ta đau ốm hay không. Cuối cùng nhìn đăm đăm về phía trước, ông nói thì thầm: “ Anh rể tôi chiến đấu ở Tulagi.” Nếu Tulagi bị địch quân chiếm đóng, anh rể của ông ta, thiếu tá Yoshiro Tashiro không thể nào sống sót được. Ông ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. (Cái chết của ông ta được xác nhận sau đó).
Nakajima ban lịnh: “ Các anh sắp thực hiện một phi vụ chiến đấu dài nhất trong lịch sử,” ông thông báo cho chúng tôi. “ Đừng dựa vào dịp may vu vơ nào ở hiện tại. Hãy hành động đúng theo lịnh đã đưa ra và quan trọng nhứt, đừng bay một cách liều mạng và phí phạm xăng nhớt của các anh. Phi công nào hết xăng trên đường từ Guadalcanal trở về, kẻ đó phải đáp xuống đảo Buka. Lực lượng Nhựt trên đảo nầy đã được chỉ thị phải theo dõi các phi cơ của chúng ta. “Hiện tại, để bay đến Guadalcanal và trở về Buka có nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện một không trình khứ hồi dài bằng không trình từ Tainan đến phi trường Clark ở Philippine trước đây. Tôi chắc chắn chúng ta có thể bay suốt khoảng cách mới nầy mà không gặp rắc rối. Nhưng biết đâu chuyện bất ngờ, do đó tôi lặp lại lời cảnh báo: “ Đừng phí phạm nhiên liệu.”
( Tại Đông Kinh sau chiến tranh, trung tá Nakajima có nói với tôi rằng Đô Đốc muốn ông đưa hết chiến đấu cơ khả dụng ở Rabaul đến Guadalcanal vào ngày 7 tháng Tám. Nakajima phản đối, ông cho rằng chỉ nên mang theo mười hai phi công tài ba nhứt bên cánh của ông mà thôi. Bởi lẻ ông phỏng đoán phải mất ít nhứt phân nữa số người của ông trong nhiệm vụ quá xa như vậy. Hai người thảo luận dằn co cho đến khi đạt được sự đồng ý với con số 18 chiến đấu cơ .)
Ngay khi nhận lịnh các phi công chia ra làm từng tổ ba người. Tôi nói với Yonekawa và Hatori, hai phi công bên cánh của tôi: “Các bạn sẽ gặp bọn phi công hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên trong ngày hôm nay. Bọn họ sẽ nắm hẳn ưu thế do khoảng cách mà chúng ta phải bay. Hai bạn phải luôn luôn cẩn trọng trong mọi chuyển động của mình. Tốt hơn hết là các bạn đừng bao giờ rời xa khỏi tôi. những gì xảy ra, những diễn biến xung quanh chúng ta không thành vấn đề, cứ bám chặt lấy phi cơ của tôi được chừng nào hay chừng nấy. Hãy nhớ, đừng có bay xa ra.”
Chúng tôi chạy ra phi cơ và chờ phi đạo trống trãi. Hai mươi bảy oanh tạc cơ Betty cất cánh trước chúng tôi. Trung tá Nakajima đứng trên phòng lái của ông vẫy tay. Lúc 8 giờ 30 sáng, tất cả chiến đấu cơ đều ở trên không. Nhân viên bảo trì và các phi công ở lại xếp hàng hai bên phi đạo vẫy nón chào và chúc chúng tôi may mắn. Thời tiết đẹp, nhứt là ở Rabaul. Ngay cả núi lửa cũng im tiếng. Nó ngưng phun phún thạch từ tháng Bảy, và chỉ còn nhả ra một giòng khói mỏng lã ngọn về phía Tây.
Chúng tôi giữ các vị trí hộ tống phía sau nhóm oanh tạc cơ. Tôi đã ngạc nhiên khi biết được mấy chiếc Betty nầy mang bom thay vì thủy lôi, vũ khí thông thường để tấn công tàu chiến. Điều nầy khiến tôi lo lắng. Tôi biết rõ vấn đề tấn công các mục tiêu di chuyển trên mặt biển từ cao độ. Hồi ở Buna, mặc dù các oanh tạc cơ B.17 địch có tiếng là oanh tạc chính xác, nhưng chúng đã phía hầu hết số lượng bom thả xuống các tàu chiến của chúng tôi.
Chúng tôi gia tăng cao độ lên 13.000 bộ rồi bay về phía Đông đến đảo Buka. Đây là hòn đảo xinh đẹp đặt biệt, cách Rabaul khoảng 60 dặm. Màu xanh tươi sáng, và giống như hình móng ngựa, hòn đảo san hô nầy có cái tên ghi trên bản đồ là Đảo Xanh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng quang cảnh đầy màu sắc và hấp dẫn phía dưới sẽ cứu mạng tôi sau nầy.
Trên không phận Buka, các đội hình của chúng tôi xoay hướng về Nam, dọc theo bờ biển phía Tây Bougainville. Mặt trời chiếu xuyên qua mây. Sự oi bức khiến tôi khát nước, và đây cũng là hiện tượng mà chúng tôi thỉnh thoãng cảm thấy khi tiến vô đất địch. Tôi lấy một chai soda trong hộp thức ăn và, không suy nghĩ, tôi mở nút. Tôi quên khuấy độ cao. Ngay khi nút chai vừa bật, nước soda vọt lên dữ dội, áp lực thoát ra trong không khí hiếm hoi. Trong nhiều giây, nước soda bao phủ hết mọi thứ trước mắt tôi. Chất đường trong nước khô lại trên kiếng đeo mắt khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi chửi thề cho sự ngu đần của mình. Mất hết 40 phút tôi mới lau sạch hết mọi thứ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn cười hơn. Lúc tôi có thể nhìn mọi hướng, chúng tôi đang lướt trên đảo Vella Lavella, nằm giữa đường Rabaul và Guadalcanal.
Bay ngang New Georgia, chúng tôi gia tăng độ cao và lướt qua Russell ở 20.000 bộ. Cách năm mươi dặm trước mặt chúng tôi, Guadalcanal hiện ra lờ mờ trên mặt nước. Ngay cả ở khoảng cách xa nầy, chúng tôi cũng nhìn thấy ánh lửa mà vàng hực nổ bật trên nền trời xanh trên hòn đảo đang tranh chấp. Hiển nhiên các trận đụng độ đã xảy ra giữa những chiến đấu cơ đến từ các căn cứ khác hơn Rabaul và phi cơ bao che của địch quân. Tôi nhìn xuống bờ biển phía Bắc Guadalcanal. Trong eo biển nằm giữa Guadalcanal và Florida, hàng mấy trăm vệt màu trắng chạy ngang dọc trên mặt nước, tàu chiến của địch quân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều chiến hạm và chuyển vận hạm một lần như thế nầy.
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc hành quân thủy không hỗn hợp của Hoa Kỳ. Một cuộc hành quân không thể nào tin nổi. Có ít nhứt 70 chiến hạm tiến vào các bãi biển, hàng chục khu trục hạm chạy quanh quẩn bên ngoài, và nhiều chiến hạm ẩn hiện dưới chân trời, khoảng cách quá xa khó có thể phân biệt hoặc đếm được.
Lúc ấy các oanh tạc cơ chầm chậm vung rộng để thả bom. Ngay phía trên các phi cơ nầy là những đám mây nhỏ treo lơ lững ở cao độ 13.000 bộ. Phía bên phải và ở trên mặt trời sáng chói loà, xoá nhoà mọi thứ trước mắt. Tôi cảm thấy bất an, vì chúng tôi không thể nào nhìn thấy được chiến đấu cơ nhào xuống từ góc đó. Điều lo sợ của tôi đã sớm thành sự thật. Không một dấu hiệu nào báo trước, sáu chiến đấu cơ địch thình lình nhô ra khỏi ánh sáng loé mắt. Chỉ cần liếc qua, tôi nhận ngay những phi cơ nầy to lớn hơn mọi loại chiến đấu cơ Mỹ mà chúng tôi thường đụng độ. Tất cả đều sơn màu ô liu, chỉ phía dưới cánh là sơn màu trắng. Đó là loại chiến đấu cơ Wildcat, Grumman F4F lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
Mấy chiếc Wildcat, không biết có sự hiện diện của các chiến đấu cơ Zero, chúi xuống tấn công các oanh tạc cơ. Nhiều chiến đấu cơ của chúng tôi xông tới, và một số khai hoả ngoài tầm hy vọng xua đuổi phi cơ địch. Sau chiếc Wildcat cùng lộn nhào và chúi xuống biến mất. Phía trên mặt nước cạnh đảo Savo, các oanh tạc cơ bắt đầu thả bom xuống nhóm chuyển vận to lớn của địch quân. Tôi nhìn theo hướng bom rớt. Những cuộn nước dâng cao khỏi mặt biển, nhưng chiến hạm địch vẫn lướt tới, không hề rối loạn.
Hiển nhiên, cố gắng thả bom cho trúng các chiến hạm đang chạy từ độ cao bốn dặm, là một việc làm ngu dại. Tôi không thể nào hiểu được tại sao không xử dụng loại thủy lôi đã từng chứng tỏ sự hữu hiệu trong quá khứ. (Ngày hôm sau các oanh tạc cơ quày lại, lần nầy mang theo thủy lôi để tấn công ở cao độ thấp. Nhưng bấy giờ thì đã trễ rồi. Nhiều chiến đấu cơ địch bu quanh các oanh tạc cơ đông như kiến, và nhiều chiếc bị nhận đầu xuống biển trước khi tiến đến được mục tiêu.). Sau khi trút hết bom, các oanh tạc cơ lãng qua trái và gia tăng tốc lực để trở về Rabaul. Chúng tôi hộ tống qua khỏi Russell, bên ngoài tầm hoạt động của chiến đấu cơ địch, và quày lại Guadalcanal. Lúc ấy khoảng 1 giờ 30 chiều. Chúng tôi lướt qua Lunga, tất cả 18 chiến đấu cơ Zero đều chuẩn bị lâm trận. Một lần nữa, trong ánh mặt trời mù loà, mấy chiếc Wildcat nhào xuống nhóm phi cơ của chúng tôi. Tôi là phi công duy nhứt phát hiện cuộc tấn công và lập tức, tôi chĩa mũi chiếc phi cơ của tôi thẳng đứng lên với những chiếc khác tiếp theo sau. Mấy chiếc Wildcat lại phân tán vào chúi xuống nhiều hướng khác nhau. Chiến thuật lẩn tránh của đối phương không có vẻ rối loạn, vì lối lẩn tránh nầy chỉ là để lẩn tránh mà thôi. Hiển nhiên phi công Mỹ không có ý định quyết chiến hôm nay.
Tôi quay lại để kiểm soát các phi cơ bên cánh cỉa tôi. Nhưng, nhìn khắp nới, tôi vẫn không thấy Yonekawa và Hatori ở đâu. Phi cơ của Sasai, với hai sọc xanh kẻ dọc theo thân, trở lại đội hình với nhiều chiến đấu cơ khác bay thành hàng phía sau ông. Nhưng vẫn không có hai phi cơ bên cánh của tôi.
Cuối cùng, tôi nhìn thấy họ bay khoảng 1.500 bộ phía dưới tôi. Tôi há hốc miệng. Một chiếc Wildcat đơn độc truy đuổi ba chiến đấu cơ Zero đang cuốn cuồng lẩn trốn.
Tôi lắc cánh để báo hiệu cho Sasai và chúi xuống. Chiếc Wildcat đang bám sát, rót đạn vô cánh và đuôi của một chiếc Zero. Trong lúc khẩn cấp, tôi bắn vội một viên đại bác. Lập tức chiếc Wildcat lảng ra bằng cách lộn nhào một vòng về phía phải, quành thật ngặt rồi vượt thẳng lên phi cơ của tôi. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một chiếc phi cơ địch nào bay mau lẹ và đẹp mắt như vậy. Mỗi giây các họng súng của nó mỗi chỉa vô sát bụng của tôi hơn. Tôi lăn thật nhanh để tránh né. Chiếc Zero rùng mình khi tôi hạ tốc độ xuống. Vồ trật viên phi công địch lộn ngược trở lại. Tôi tăng tốc độ, lộn nhào về bên trái. Ba lần lộn nhào, tôi cho chiếc Zero xoay tít để rớt xuống tạo một vòng xoay hình trôn ốc. Chúng tôi vẫn giữ hai chiếc phi cơ xoay theo hình trôn ốc. Tim tôi đập liên hồi và đầu tôi như có sức mạnh ngàn cân đè lên. Mắt tôi nổ đom đóm. Tôi cắn chặt răng chịu đựng. Nếu kẻ nào bỏ cuộc đầu tiên, lảng ra một hướng để giải toả áp lực, kẻ ấy sẽ đi đời.
Trên vòng xoay thứ năm, chiếc Wildcat hơi lơi ra. Tôi sẵn sàng, nhưng đối thủ chúi mũi xuống, gia tăng tốc lực và, một lần nữa, viên phi công địch nắm vững cần lái. Đáng nể !
Tuy nhiên, hắn đã tạo ra sai lầm ngay phút kế đó. Thay vì tiếp tục vung trở lại vòng xoay thứ sáu, hắn nhấn thêm tốc lực, phá vỡ một góc vòng xoay và lộn nhào theo hình thắt nút dây. Tôi chỉa mũi ngay phía sau, cắt ngang đường bay của hắn. Và tôi cứ cắt như vậy nhiều lần, khiến cho hình thắt núy dây của hắn càng lúc càng thâu hẹp lại. Khi hai phi cơ còn cách nhau 50 thước, chiếc Wildcat bỏ lối bay cũ để vượt thẳng lên. Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy lối tránh né nầy. Ở khoảng cách hiện thời, tôi không cần xử dụng đại bác 20 ly. Tôi rót 200 viên đạn đại liên vô phòng lái, nhìn thấy đạn xoi thủng lớp kim khí mỏng và phá tan kiếng chắn gió của chiếc Wildcat.
Tôi không thể tin nỗi vào đôi mắt của mình. Chiếc Wildcat vẫn tiếp tục bay như không có việc gì xảy ra. Nếu phòng lái bị lãnh đạn như vậy, một chiếc Zero sẽ bốc cháy lập tức. Tôi không sao hiểu nổi. Tôi gia tăng tốc lực, tiếp tục áp sát đối thủ, vừa đúng lúc chiến đấu cơ địch mất tốc lực. Trong một thoáng, tôi đã ở phía trước chiếc Wildcat mười thước. Tôi đưa lưng, chuẩn bị lãnh đạn của đối phương.
Không một viên đạn nào bay đến! Các khẩu súng của chiếc Wildcat vẫn im lặng. Tôi hạ tốc độ cho đến khi hai phi cơ bay song song. Tôi mở cửa buồng lái để nhìn. Tôi có thể nhìn thấy viên phi công địch rõ ràng. Một người khổng lồ với gương mặt bầu bĩnh, mặt quân phục ka ki nhạt, có vẻ đứng tuổi.
Chúng tôi bay song song nhiều giây trong đội hình kỳ quái của chúng tôi. Đôi mắt chúng tôi gặp nhau qua khoảng không gian nhỏ hẹp giữa hai chiếc phi cơ. Chiếc Wildcat như một đống sắt vụn. Nhiều lổ đạn soi thủng ở thân và cánh từ bên nầy suốt qua bên kia. Bánh lái chiếc phi cơ te tua, những miếng kim khí chỉa ra giống như một bộ xương. Tôi có thể hiểu tại sao viên phi công không khai hoả: máu đẩm ướt đôi vai và chảy thành nhiều vệt xuống ngực hắn. Vậy mà phi cơ của hắn vẫn còn bay không thể tin nổi.
Nhưng tôi không thể hạ sát một người bất động, mang đầy thương tích, trong một chiếc phi cơ chỉ còn là một đống sắt vụn. Tôi giơ nắm tay trái lên lắc lắc la lớn, biểu hắn hảy đánh nhau thay vì bay giống như một con bồ câu đất, mặc dù tôi biết chuyện đó khó thể xảy ra. Viên phi công Mỹ nhìn tôi có vẻ hoảng sợ, hắn giơ tay phải lên vẩy vẩy một cách yếu ớt.
Tôi chưa bao giờ có cảm giác kì dị như thế nầy. Tôi đã giết nhiều người Mỹ trên không, nhưng đây là lần đầu tiên, trước một đối thủ kiệt lực mang đầy thương tích, tôi lại ngần ngừ. Tôi không biết có nên dứt điểm hắn hay không. Nhưng ý nghĩ của tôi rõ ràng là ngù ngờ. Bị thương hay không, hắn cũng là kẻ thù, một kẻ thù vừa hạ ba đồng bạn của tôi vài phút trước đây. Tuy nhiên, thật sự tôi muốn hạ chiếc phi cơ hơn là hạ viên phi công.
Tôi lùi lại và lướt đến sau đuôi chiếc Wildcat. Viên phi công cố thu hết năng lực cuối cùng để đưa chiếc phi cơ của hắn lướt lên. Tôi nhắm đầu máy và ấn cò đại bác. Một tiếng nổ bùng với lửa và khói túa ra. Chiếc phi cơ lộn nhào và viên phi công nhảy dù ra ngoài. Phía dưới tôi, gần đúng trên bãi biển Guadalcanal, chiếc dù bung ra. Cuối cùng, tôi thấy viên phi công đáp xuống bãi biển.
Ba chiến đấu cơ Zero khác đã trở về kết hợp bên cánh của tôi. Chúng tôi vượt lên và quay trở lại hòn đảo để kiếm phi cơ địch nữa. Đạn cao xạ bắt đầu nổ quanh chúng tôi. Chỉ vài giờ sau khi đổ bộ, các giàn cao xạ hạng nặng của địch quân đã được thiết lập trên bãi biển. Tôi biết rằng những lực lượng Nhật phải mất ít nhất ba ngày sau khi đổ bộ mới thiết dựng được các vị trí phòng không. Tốc độ di chuyển chiến cụ lên bờ của người Mỹ nhanh chóng đến mức kinh ngạc.
Tôi trở lại cao độ 7.000 bộ với ba chiến đấu cơ phía sau. Chúng tôi bay xuyên qua những đám mây, lần đầu tiên trong suốt mấy năm chiến đấu, tôi bị một phi cơ địch vồ mà không hay biết. Tôi cảm nghe một tiếng phụp thật mạnh và một lổ hỏng nữa phân xuất hiện trên kiếng chắn gió bên trái của tôi. Lổ hỏng chỉ cách tôi vài phân.
Tôi vẫn không nhìn thấy chiếc phi cơ nào khác trên không. Có lẻ viên đạn từ mặt đất bắn lên. Sau đó, tôi mới nhìn thấy loáng thoáng một chiếc oanh tạc cơ địch, không phải một chiến đấu cơ, đang lủi vô mây. Sự liều lĩnh của viên phi công địch đáng sợ. Với một chiếc oanh tạc cơ chậm chạp, hắn dám giỡn mặt với ba chiến đấu cơ Zero của chúng tôi.
Chớp mắt, tôi đã ở phía sau đuôi hắn. Chiếc Dauntless nhô lên hụp xuống nhiều lần rồi thình lình chui vô một đám mây. Đâu thể để mất con mồi dễ dàng như vậy, tôi đeo dính hắn. Khoảng một vài giây, tôi chỉ thấy một màu trắng xoá khi chúng tôi lướt xuyên qua một đám mây dày đặc. Kế đó, chúng tôi bay ra khoảng trống, tôi tiến sát như chớp và khai hoả. Tên xạ thủ phía sau đuôi chiếc oanh tạc cơ ngã chúi trên khẩu súng của hắn. Một loạt đại bác nữa rót vô đầu máy. Chiếc Dauntless lộn về phía trái mấy vòng, rồi chúi xuống dữ dội. Yonekawa thấy viên phi công nhảy dù ra. Đó là sát thủ thứ sáu mươi của tôi.
Trở lên 13.000 bộ, tôi tìm kiếm những phi cơ khác của chúng tôi nhưng không thấy. Một vài phút sau, bay trên bờ biển Guadalcanal, tôi phát hiện một nhóm phi cơ bay cách phía trước mặt nhiều dặm. Tôi báo hiệu cho hai phi cơ bên cánh và lướt đến. Không lâu, tôi đếm rõ tám phi cơ địch tất cả, bay làm hai nhóm. Tôi ra dấu đánh nhóm bên phải nhường nhóm bên trái cho ba chiếc Zero theo sau tôi. Đối thủ bay trong một đội hình rất chặt chẽ, hình như là chiến đấu cơ Wildcat. Tôi có thể lướt từ dưới lên đánh tập hậu, và có thể hạ hai chiếc trong loạt khai hoả đầu tiên. Tôi tiến sát được chừng nào hay chừng nấy. Khoảng cách còn 200 thước, rồi 100 – 70 – 60 thước.
Tôi đã lọt vô bẩy! Phi cơ địch không phải chiến đấu cơ mà là oanh tạc cơ. Loại Avenger trang bị thủy lôi, loại oanh tạc cơ mà tôi chưa từng thấy trước đây. Từ phía sau, Avenger trong giống như chiến đấu cơ Wildcat, nhưng khi lại gần mới thấy kích thước đồ sộ của nó với hai tháp súng trên lưng và dưới bụng đều trạng bị đại liên 50.
Hèn chi chúng bay theo một đội hình chặt chẽ như vậy. Mấy chiếc Avenger đang đợi tôi, và bây giờ tôi bị chụp ở cả hai bên phải và trái với 16 khẩu đại liên một lúc. Tôi gia tăng tốc lực khẩn cấp. Tôi không thể giảm tốc lực để quay lưng. Nếu tôi bỏ chạy hoặc lộn nhào tôi sẽ lãnh đạn vô chiếc bụng phơi trần tức khắc. Chỉ còn một cách để chọn, cứ lướt đến và khai hoả tất cả vũ khí trong tay. Tôi ấn nút hoả lực, hầu như cùng một lúc với tất cả súng của địch quân. Tiếng đại bác và đại liên lấn át mọi tiếng động khác. Khi hai oanh tạc cơ bốc cháy, đối phương chỉ cách trước mặt tôi hai mươi thước. Đó là tất cả những gì mà tôi nhìn thấy. Một tiếng nổ dữ dội như chà nát thân thể tôi. Tôi cảm thấy hai lỗ tai như bị muôn ngàn lưỡi dao đâm thủng. Thế giới bừng lên trong lửa đỏ và đôi mắt tôi như mù hẳn.
(Ba phi công bay theo tôi về báo cáo vớu chỉ huy trưởng không đoàn rằng họ đã nhìn thấy hai chiếc Avenger rớt xuống cùng với chiếc phi cơ của tôi. Họ còn cho biết thêm, hai phi cơ địch kéo hai vệt lửa và khói thật dài. Đó là nạn nhân chánh thức thứ 61 và 62 của tôi. Nhưng một báo cáo chánh thức của người Mỹ phủ nhận sự mất mát các oanh tạc cơ Avenger cất cánh từ ba hàng không mẫu hạm hoạt động ở phía Tây Nam Guadalcanal. Có lẻ hai phi cơ đã trở về tàu được. Khi chiếc Zero của tôi chúi xuống, với tôi hôn mê bất tĩnh trong buồng lái, cả ba chiếc Zero cùng chúi với tôi. Họ đã bỏ dỡ cuộc săn tìm khi tôi biến mất trong một đám mấy sà thấp.)
Trong nhiều giây trôi qua tôi mới hồi tĩnh. Một luồng gió lạnh và mát mẽ quất vào tôi, xuyên qua tấm kính chắn gió đã vỡ nát. Nhưng tôi vẫn còn mất cảm giác. Mọi vật đều mờ mờ ảo ảo. Đầu tôi ngã hẳn về phía sau, ngoẻo trên tựa đầu. Tôi cố nhìn, nhưng mọi vật chập chờn nhảy múa trước mắt tôi. Phòng lái hình như đã mở ra, kiếng bể nát hết, gió du tôi vào cơn mê nửa tĩnh. Tôi không cảm thấy gì khác hơn là một sự chìm đắm êm ã dịu dàng. Tôi muốn ngũ. Tôi cố gắng và biết rằng tôi đã bị bắn trúng, rằng tôi đang hấp hối, nhưng tôi không hề cảm thấy sợ hãi. Nếu chết là như thế nầy, không đau đớn, thì có gì đáng lo.
Tôi đang ở trong một thế giới đầy mộng mị. Một sự ngây ngất tràn đầy trong trí não tôi. Ảo ảnh bơi lội phía trước tôi. Với sự ngạc nhiên, tôi nhìn thấy khuôn mặt má tôi rõ rệt. Bà kêu lên: “Xấu hổ chưa! Xấu hổ chưa! Thức dậy đi, Saburo, thức dậy đi! Con làm như đàn bà con gái không bằng. Con đâu phải là một tên hèn nhát! Thức dậy đi!”.
Dần dần tôi cảm biết những gì đang xảy ra. Chiếc Zero lao về phía Đông giống như một hòn đá. Tôi cố mở mắt ra và nhìn quanh, thấy màu sáng chói, hực hở của lửa. Tôi nghĩ rằng chiếc phi cơ đang bốc cháy. Nhưng tôi không nghe một mùi khói. Tôi vẫn choáng váng.
Tôi nháy mắt nhiều lần. Sao lại như vậy? Mọi vật đều màu đỏ hết ! Tôi đưa tay sờ soạng. Cần lái! Tôi nắm lấy nó. Vẫn không thấy gì hết. Tôi kéo cần lái lại phía sau. Nhẹ nhàng. Chiếc phi cơ bắt đầu gượng lại từ sức chúi xuống, lấy lại thăng bằng và vượt lên. Áp lực của gió giảm bớt, không còn quật mạnh vô mặt tôi nữa. Một ý nghĩa đầy kinh hãi bao trùm lấy tôi. Tôi có thể bị mù! Tôi không bao giờ có cơ hội trở về Rabaul!
Tôi hành động theo linh tính. Tôi đưa tay tráu về phía trước để nắm lấy cần gia tăng tốc độ. Tay tôi bất động. Tôi cố co mấy ngón tay lại. Không có một cảm giác nào cả. Đúng là nó đã liệt hẳn. Tôi nhấn hai chân lên bàn đạp bẻ lái. Chỉ có chân mặt của tôi còn chuyển động, và chiếc Zero lạng qua một bên khi bàn đạp bị ấn xuống. Chân trái của tôi tê liệt. Tôi nghiến răng cố gắng cử động lại một lần nữa. Vô ích.
Cả thân bên trái của tôi hình như đã bị tê liệt. Trong nhiều phút tôi cố cử động chân và tay trái, nhưng không thể nào cử động được. Tôi không nghe đau đớn. Thật khó hiểu.
Đôi má tôi ướt đẫm. Tôi đang khóc. Hai hàng lệ chảy xuống. Khối nặng trĩu trong lòng mắt tôi bắt đầu trôi đi. Nước mắt đã lau sạch máu đọng trong mắt tôi.
Tai vẫn còn điếc câm, nhưng mắt có thể nhìn thấy chỉ một chút ít, nhưng màu đỏ đã tan loãng dần. Ánh sáng mặt trời chiếu rọi trong phòng lái cho phép tôi nhìn thấy lờ mờ những dụng cụ bằng kim khí. Dần dần tôi nhìn thấy những dụng cụ hình tròn, nhưng không thể nhìn thấy chi tiết. Tôi xoay đầu và nhìn ra ngoài buồng lái. Những khối màu đen vĩ đại lướt qua dưới cánh phi cơ với tốc độ kinh khiếp.
Những khối màu đen chắc chắn là chiến hạm địch. Điều nầy có nghĩa là tôi chỉ cách mặt nước khoảng 300 bộ. Thế rồi tai tôi vang lên những âm thanh. Thoạt đầu là tiếng máy phi cơ kế đến đó là tiếng súng. Các chiến hạm đang khai hoả vào tôi. Chiếc Zero đong đưa trong những làn sóng chớp loé của đạn cao xạ bùng nổ. Lạ lùng thay, tôi không hề đưa ra một phản ứng nào cả. Tôi bất động, không tìm cách né tránh. Tiếng súng rơi lại phía sau. Tôi không còn nhìn thấy những khối màu đen trên mặt nước nữa. Tôi đã vượt qua khỏi tầm súng. Nhiều phút trôi qua, tôi vẫn ngồi bất động trong phòng lái với muôn ngàn ý nghĩ lẫn lộn. Tôi lại muốn thiếp ngủ. Trong cơn ngầy ngật, tôi cũng biết rằng tôi không thể nào bay trở về Rabaul, và ngay cả Buka gần hơn Rabaul 300 dặm. Một thoáng ý nghĩ đâm thẳng xuống biển với hết tốc lực đã lôi cuốn tôi, như là một cách giải quyết nổi tuyệt vọng trong tôi.
Trở nên ngu muội. Tôi cố mở mắt ra. Tôi nguyền rủa mình: Chết như vậy không phải! Nếu phải chết, tôi nghĩ, tôi phải chết cho ra hồn. Tôi đâu phải là một tay mơ chưa từng biết chiến đấu là gì? Tư tưởng của tôi chợt ẩn chợt hiện, nhưng tôi biết rằng bao lâu mà tôi kiểm soát chiếc phi cơ, bao lâu mà tôi còn có thể bay, tôi sẽ làm mọi cách để lôi theo một hai kẻ thù trước khi chết.
Chiến đấu cơ địch ở đâu? Tôi chửi rủa và la hét: Đến đây? Tôi đây! Đến đánh với tôi!.
Trãi qua nhiều phút, tôi thịnh nộ như một tên điên trong phòng lái. Dần dần tôi bình tĩnh trở lại và ý thức hành động đáng buồn cười của mình… tôi bắt đầu nghĩ đến những may mắn vô song đã khiến tôi sống sót cho đến bây giờ. Tôi đã gặp nhiều hiểm nguy trước đây, nhưng chưa lần nào hiểm nguy hơn lần nầy. Những viên đạn chỉ cách đầu tôi mấy phân, và gây cho tôi nhiều vết sướt, nhưng không trầm trọng mấy. Tôi có may mắn, tại sao tôi quăng nó đi? Và bỗng nhiên tooi muốn sống, tôi muốn trở về Rabaul.
Việc có ý thức đầu tiên của tôi là xem xét các thương tích. Tay trái tôi vẫn tê liệt, tôi đưa tay mặt lên rờ đầu một cách e dè như sợ những gì sẽ tìm thấy. Mấy ngón tay trên nón phi công, cảm thấy nhớp nháp. Tôi biết đó là máu. Rồi tôi gặp một lổ hủng trên nón, tôi thọc nhè nhẹ một ngón tay vô. Để coi bao lâu? Có vật cưng cứng chạm vô ngón tay tôi. Tôi sợ hãi để chấp nhận sự thật. Ngón tay tôi lọt hẳn vô bên trong chiếc nón. Vật cứng đó không gì khác hơn là xương sọ của tôi do đạn phá ra. Có lẻ là nó bể. Ý nghỉ nầy làm tôi lặng người. Viên đạn có thể chui vô trong óc, nhưng chắc chắn không sâu. Tôi nhớ lại những gì đã từng học hỏi về thương tích trong lúc chiến đấu. Tôi không cảm thấy đau đớn, nhưng có lẻ vết thương đã làm tê liệt phần thân thể bên trái của tôi. Những ý nghĩ nầy đến chầm chậm. Có bao giờ bạn ngồi trong phòng lái chiếc phi cơ hư hại, nửa phần đui mù, nửa phần tê liệt, thọt mấy ngón tay qua lổ hủng trên đầu của bạn và tìm hiểu sự việc xảy ra chưa? Tôi ý thức những gì đã xảy ra, tôi cảm thấy chất máu nhớp nháp và lổ hủng trên đầu của tôi, nhưng sự nghiêm trọng thật sự của vết thương không bao giờ xâm nhập vào tư tưởng của tôi lúc ấy. Tôi biết tôi bị thương, chỉ có vậy thôi.
Tôi lại di chuyển mấy ngón tay trên mặt tôi. nó sưng phù lên, nhiều vết sướt, và cũng có máu.
Chiếc Zero tiếp tục bay đều. Đầu óc tôi dần dần sáng suốt thêm. Cử động cỉa tôi chính xác hơn. Tôi hít một hơi thở thật mạnh. Không có mùi dầu, như vậy là cả máy lẫn thùng xăng không bị trúng đạn. Sự ý thức nầy là nỗi vui mừng lớn nhất trong đời chiến đấu của tôi. với thùng xăng còn nguyên vẹn và máy móc không hư hại, chiếc phi cơ có thể nuốt hết khoảng không trình còn lại. Gió luồng vô chổ hủng trên sọ vẫn còn rĩ máu. Tôi có thể bất tĩnh trở lại vì mất máu.
Bỗng nhiên nỗi đau đớn bao trùm lấy tôi. Mắt phải của tôi. Nó bắt đầu mờ dần khi cơn đau gia tăng kịch liệt. Tôi đưa tay dụi mắt. Cơn đau đến lúc không chịu đựng nỗi. Tôi lại dụi mắt. Tôi mù rồi!
Tất cả phi công Nhựt đều mang theo trong túi bốn mảnh băng vải hình tam giác. Tôi lôi ra một mảnh và phun nước miếng lên đó. Miệng tôi khô khốc và cảm thấy khát nước kinh khủng.
Tôi đưa mảnh băng lên miệng để nhai cho đến khi một góc của nó trở thành ẩm ướt. Chồm về phía trước để tránh gió, tôi lau mắt với góc băng ướt. Có hiệu quả, tôi nhìn thấy chút ít.
Một vài giây sau, khi tôi ngồi ngay ngắn trở lại, đầu tôi đau dữ dội, như có một chiếc búa gõ lên sọ. Tôi đắp ngay mảnh băng vô lổ hủng trên đầu, nhưng khi tôi vừa lấy tay ra, gió thổi mảnh băng bay mất ra ngoài cửa kiếng bể.
Thất vọng tột cùng! Làm cách nào tôi có thể cột mảnh băng quanh đầu? Tôi phải cầm máu lại. Tay trái tôi tê liệt, tôi chỉ có thể xử dụng tay mặt để giữ mảnh băng, nhưng tay nầy phải giữ cần điều khiển và các dụng cụ khác.
Tôi kéo mảnh băng thứ hai để đắp, nó lại bay mất khi tôi vừa lấy tay ra. Mảnh thứ ba và bốn cũng vậy. Tôi có thể làm gì đây? Tôi hầu như rối loạn. Cơn đau gia tăng dữ dội hơn.
Tôi còn một chiếc khăn quàng bằng lụa quấn quanh cổ. Tôi tháo ra và đè một chéo dưới đùi mặt để gió khỏi cuốn đi. Sau đó tôi rút con dao bỏ túi dùng răng kéo lưỡi dao ra. Tôi cắn chặt một chéo của khăn quàng và cắt một đoạn, nhưng bị gió cuốn bay mất lập tức. Tôi không biết làm sao. Tuyệt vọng. Tôi cuống cuồng tìm giải pháp. Chỉ còn một đoạn khăn quàng.
Tôi khom người về phía trước để tránh gió, và bắt đầu nhét đoạn khăn vô bên trong chiếc nón phi công ngay chổ vết thương. Thành công, tôi ngồi thẳng dậy và đưa chiếc phi cơ vượt lên. Cơn đau dịu xuống nhanh chóng. Máu ngưng chảy. Nhưng cơn buồn ngủ lại ùa đến, tôi xô đuổi cách mấy cũng không được. Hơn một lần tôi chợp mắt, càm gục xuống ngực. Tôi lắc lắc đầu, hy vọng cơn đau sẽ làm tôi tĩnh táo. Chiếc phi cơ đâm đầu xuống mấy lần. Cơn buồn ngủ vẫn không xua đuổi được khiến tôi nỗi giận. Tôi đưa tay tát vào má thật mạnh nhiều lần. Tôi không thể tiếp tục lối nầy mãi được. Tôi sớm cảm chất máu mằn mặn. Má tôi sưng phù thêm, không khác nào ngậm một trái banh trong miệng. Nhưng không có cách nào khác hơn, tôi tiếp tục tát vào má nữa. Có lẻ thức ăn sẽ thắng cơn buồn ngủ. Tôi lôi hộp thức ăn ra và nhét bánh mặn đầy miệng. Tôi lại cảm thấy buồn ngũ hơn bao giờ hết. Tôi nhét thêm thức ăn vô miệng nữa, nhai thật kỹ trước khi nuốt.
Lát sau, tôi nôn mửa dữ dội chiếc phi cơ mất kiểm soát khi tôi vặn vẹo thân thể trong cơn nôn mửa. Thức ăn tung toé đầy trên chân tôi và trên tấm bửng dụng cụ. Ngay cả sự khổ sở mới nầy vẫn không xua đuổi nổi cơn buồn ngủ của tôi. Tôi lại tát má liên hồi cho đến khi không còn cảm giác nào nữa. Trong lúc tuyệt vọng, tôi đưa tay đập lên đầu, nhưng cũng vô ích. Tôi muốn ngủ! Ồ! Hãy cứ ngủ, quên mọi chuyện.
Chiếc phi cơ chao qua chao lại, bay xiếng xẹo. Tôi cố giữ cần lái một mực, không biết rằng nhiều khi tay tôi rớt xuống bên trái hoặc bên phải khiến cho phi cơ xoay vòng dữ dội. Tôi sẵn sàng bỏ cuộc. Tôi biết không thể giữ mãi tình trạng nầy mãi mãi. Nhưng tôi nguyện với lòng sẽ không chết như một tên hèn nhát, bằng cách chúi xuống biển hoặc ít ra tôi cũng chết như một Samurai. Cái chết của tôi sẽ mang theo nhiều kẻ thù.
Một chiến hạm. Tôi cần một chiến hạm địch. Thoát ra khỏi cơn tuyệt vọng tràn ngập, tôi quay chiếc Zero hướng về Guadalcanal. Nhiều phút sau đó tôi tĩnh táo. Không còn buồn ngủ nữa. Không còn đau đớn nữa. Tôi có thể hiểu biết hành động của mình. Tại sao lại chết bây giờ, nếu tôi có thể bay đến Buka hoặc ngay cả Rabaul? Tôi lại quay hướng chiếc Zero và bay về phía Bắc. Một vài phút sau đó tôi lại muốn thiếp ngũ. Trí óc tôi u mê. Thế giới quanh tôi mù mịt. Tôi lại quày phi cơ, hướng về Guadalcanal. Quày đi quày lại năm lần như vậy. Tôi bắt đầu la khan nhiều lần. “Hãy tĩnh”. Dần dần cơn buồn ngủ biết mất. Tôi nhắm hướng Rabaul. Nhưng hiển nhiên cứ bay về phía Bắc thì không thể bảo đảm bao giờ tôi về tới căn cứ nhà. Tôi không định nổi vị trí. Tôi chỉ biết nhắm hướng Rabaul một cách tổng quát. Tôi biết tôi ở phía Bắc Guadalcanal, nhưng không biết khoảng cách bao xa. Tôi nhìn xuống biển, nhưng không tìm ra một hòn đảo nào trong chuổi đảo trãi dài đến Rabaul. Chỉ chân mặt của tôi còn đạp lái được, như vậy chiếc phi cơ có thể xoay về phía Đông của quần đảo Salomon.
Tôi rút tấm hải đồ dưới ghế ngồi. Nó vấy đầy máu. Tôi nhìn hồi lâu, chà tấm hải đồ lên quần để tẩy mấy vết máu, nhưng vô ích. Tôi cố định vị trí bằng cách nhìn mặt trời nhưng vô ích. Tôi cố định vị trí bằng cách nhìn mặt trời, nhưng cả ba mươi phút trôi qua vẫn không có một hòn đảo nào xuất hiện. Có cái gì không ổn ? Tôi hiện ở đâu? Bầu trời trong sáng hoàn toàn, và đại dương trải dài vô tận.
Một hòn đảo! Cuối cùng, một hòn đảo, ngay trước mặt tôi. Nó ở mãi phía chân trời, nỗi lờ mờ trên mặt nước. Phấn khởi, tôi cười khan. Bây giờ, mọi việc yên rồi, tôi có thể định vị trí và chắc chắn tôi đang hướng về Rabaul. Tôi bay và tiếp tục bay, bồn chồn dõi mắt tìm kiếm bờ biển.
Hòn đảo biến mất. Nó đâu rồi? Tôi không nằm mơ chớ? “Hòn đảo” đã trôi qua bên phải tôi, đó là một đám mây sà thấp.
Tôi cố gắng xem lại la bàn. Tôi không thể nào đọc được những con số. Tôi cúi mọp về phía trước, mũi hầu như chạm vô mặt kiếng la bàn. Cuối cùng tôi đọc được. Tôi đang bay ở hướng 330 độ. Gần hai tiếng đồng hồ tôi không nhìn thấy hòn đảo nào cũng phải. Chiếc Zero đang tiến ra trung tâm Thái Bình Dương.
Soát lại hải đồ, tôi biết vị trí của tôi cách phía Đông Bắc quần đảo Solomon 60 dặm. Chỉ phỏng đoán, nhưng đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm. Tôi xoay chiếc phi cơ về phía trái 90o và hướng đến một nơi mà tôi hy vọng là hòn đảo New Ireland, nằm phía Đông Bắc New Britain và Rabaul.
Những lượn sóng buồn ngủ lại phủ chụp lấy tôi. Nhiều lần làm tôi hoảng hốt giữ thăng bằng khi chiếc phi cơ đảo cánh hoặc lộn ngược. Tôi bay chập choạng. Xuyên qua bầu trời, lâu lâu cúi về phía trước xem la bàn, điều chỉnh hướng bay cho đến khi tôi chắc chắn phi cơ đang tiến đến New Ireland.
Nhưng bổng nhiên cơn đau trên đầu gia tăng khiến tôi không còn buồn ngủ nữa. Rồi thình lình tôi tĩnh táo hẳn. Không một dấu hiệu báo trước, chiếc phi cơ tắt máy. Tôi biết bình xăng chánh đã cạn.
Tôi còn một bình xăng phụ, nhưng phải mất một thời gian ngắn để chuyển qua. Tôi nhanh chóng và chính xác khi mở nút chuyển tiếp xăng. Thông thường, công việc nầy tôi xử dụng tay trái và không có gì khó khăn. Nhưng hiện thời tay trái tôi đã liệt hẳn. Tôi phải xử dụng tay mặt, nhưng với qua phía bên kia phòng lái không tới.
Chiếc Zero rớt xuống biển chầm chậm và êm ái. Tôi cố gắng hết sức cuối cùng mở được.
Xăng không chảy qua ống, vì ống quá lâu nên đã thoát hết không khí. Tôi vội vã xử dụng bom tay, dự trù cho trường hợp bất ngờ. Hiệu quả tức khắc. Với một tiếng rồ nhẹ, máy chạy trở lại và chiếc Zero lướt về phía trước. Không phí một giây nào, tôi trở lên cao độ 1.500 thước.
Phi cơ bay chầm chậm. Tôi chỉ còn trong tau không đầy hai giờ để tiến đến hòn đảo do Nhật Bản chiếm đóng. Không đầy hai giờ, tôi sống hoặc chết.
Một giờ trôi qua. Trước mắt tôi chỉ là biển cả bao la và bầu trời xanh thẳm. Thình lình tôi thấy một vật gì nổi trên mặt nước. Một hòn đảo! Lần nầy không lầm nữa, không phải là một đám mây trước mắt tôi. Nhứt định là một hòn đảo. Hòn đảo Xanh, hòn đảo san hô có hình chiếc móng ngựa mà tôi đã để ý trên đường bay đến Guadalcanal. Tôi soát lại bản đồ. Hy vọng tràn trề trong tôi… Tôi chỉ cách Rabaul 60 dặm.
Sáu chục dặm. Thông thường chỉ là một cái nhảy ngắn. Nhưng tình trạng hiện thời đầy bất thường. Tôi chưa từng lâm và tình trạng tồi tệ hơn. Tôi chỉ còn đủ nhiên liệu để bay trong vòng 40 phút. Chiếc Zero lại bị hư hại trầm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến tốc lực. Tôi bị thương nặng, tê liệt một phần thân thể, mắt bên mặt mù hẳn và mắt trái nhìn thấy không rõ lắm. Tôi đã kiệt sức, và tôi phải tận dụng hết năng lực để giữ chiếc phi cơ thăng bằng.
Một hòn đảo khác, ngay trước mắt tôi. Đây là đảo New Ireland, và phía xa xa là rặng núi cao 2.400 bộ. Vượt qua phía bên kia rặng núi đó, tôi có thể về tới Rabaul.
Tôi đã đâu mặt với với hàng loạt chướng ngại vật phía trước khi có thể tiến vô căn cứ nhà. Những đám mây dầy đặc tụ quanh các đỉnh núi, và một cơn mưa bão thật dữ dội trút xuống. Dường như khó có thể vượt qua nổi. Kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác, nữa đui nữa sáng, và trong một chiến đấu cơ hư hại trầm trọng, làm sao tôi có thể vượt qua một cơn mưa bão, nguy hiểm tột cùng ngay cả dưới những tình trạng bình thương?
Tôi không thể bay vòng. Kim đồng hồ chỉ mực xăng của tôi càng lúc càng hạ thấp. Tôi chỉ còn vài mươi phút trên không. Tôi bậm môi và quay về hướng Nam. Chiếc phi cơ bay chầm chậm xuống eo biển George nằm giữa Rabaul và New Ireland. Hai vệt trắng xoá lướt trên mặt nước phía dưới cánh tôi. Tôi thấy hai chiến hạm Nhựt, có vẻ là hai tuần dương hạm hạng nặng, đang xả hết tốc lực chạy về hướng Nam, tức hướng Guadalcanal.
Tôi hầu như ứa nước mắt khi nhìn thấy hai chiến hạm. Tôi muốn chúi phi cơ xuống biển, một trong hai tuần dương hạm có thể cứu tôi. Hy vọng tràn ngập trong tôi. Rabaul lúc ấy hình như cách xa hàng triệu cây số. Tôi quần mấy lần trên hai chiến hạm, sẵn sàng đáp xuống mặt nước.
Tôi không thể thực hiện ý định của mình. Hai tuần dương hạm đang trên đường đến Guadalcanal để chiến đấu. Nếu chúng ngừng lại để vớt tôi lên, việc nầy không chắc lắm, nhiệm vụ thúc bách của chúng sẽ trì trệ. Không thể nào đáp được.
( Nhiều tuần lể sau nầy tôi mới biết được đó là hai tuần dương hạm Aoba và Kinugasa, mỗi chiếc 9.000 tấn đang hướng đến Guadalcanal với tốc lực hơn 33 hải lý một giờ. Cùng với nhiều chiến hạm khác, Aoba và Kinugasa tấn công đoàn cong-voa của Đồng Minh ở Luga, đánh chìm bốn tuần dương hạm cùng gây hư hại cho một tuần dương hạm và hai khu trục hạm khác của địch quân).
Một lần nữa, tôi quay về hướng Rabaul. Đồng hồ chỉ mực độ xăng cho thấy chỉ còn hai mươi phút bay nữa mà thôi. Tuy nhiên nếu không tiến về Rabaul được, tôi có thể đáp trên bãi biển. Thế rồi hòn núi lửa quen thuộc hiện ra ở chân trời. Đã đến nơi rồi, Rabaul đã nằm trong tầm mắt.
Tôi phải đáp xuống. Việc nầy thật khó khăn vô cùng, với một nửa thân thể hoàn toàn tê liệt của tôi. Tôi cố đảo quanh phi trường, không quyết định, không biết làm gì. Tôi không biết rằng tôi đã bị báo cáo mất tích, tôi cũng không biết rằng tất cả các phi cơ khác đã đáp xuống hai giờ trước đó, ngoại trừ hai chiếc bị hạ ở Guadalcanal. Sau nầy đại úy Sasai nói với tôi ông không tin hai mắt của mình khi nhận ra chiếc Zero của tôi xuyên qua ống dòm. Ông la tên tôi thật lớn, và tất cả các phi công khác túa ra khắp nơi trên phi đạo. Tất cả những gì tôi nhìn thấy được là phi đạo nhỏ hẹp phía dưới.
Tôi quyết định đáp xuống mặt nước cạnh bờ biển. Chiếc Zero xuống chầm chậm. Tám trăm bộ, bảy, bốn rồi một trăm bộ, tôi chỉ còn cách mặt nước năm mươi bộ. Tôi lại thay đổi ý kiến. Hình ảnh chiếc phi cơ vỡ tan trong biể và chiếc đầu bị thương của tôi đập về phía trước, là hình ảnh đáng sợ đối với tôi. Tôi cảm khó có thể sống sót được.
Tôi vượt lên và quay lại phi đạo ở cao độ 1.500 bộ. Lần nầy hoặc là tôi đáp xuống hoặc là không bao giờ nữa. Chiếc Zero hạ chầm chậm khi tôi đẩy cần điều khiển về phía trước. Tôi hạ bánh xa. Tốc lực chiếc phi cơ giảm xuống. Tôi nhìn những dãy chiến đấu cơ xếp dài hai bên phi đạo đang xô chạy về phía tôi. Tôi phải tránh đụng chạm các phi cơ đó. Tôi vượt trở lên, vì nhận thấy tôi đã xuống lệch quá xa về phía trái.
Sau khi quần lần thứ tư trên phi trường, tôi cố đáp xuống một lần nữa. Dù cho xăng còn rất ít trong bình, chiếc phi cơ vẫn có thể nổ nếu nó đụng chạm. Hàng dừa trồng ở đầu phi trường lờ mờ trước mắt tôi. Tôi lướt phía trên và cố điều chỉnh độ cao của tôi bằng những ngọn dừa nầy. Bây giờ … tôi đã ở trên phi đạo. Có một cái xốc thật mạnh khi bánh xe của chiếc phi cơ chạm mặt đất. Tôi kéo ngược cần điều khiển và ghì chặt với tất cả sức mạnh để giữ cho chiếc phi cơ khỏi chạy xiêng vẹo. Chiếc Zero lăn bánh và ngừng lại gần Bộ Chỉ Huy. Tôi cố mỉm cười, một làn sóng thẩm đen phủ chụp lên tôi.
Tôi cảm thấy như bị rớt và chìm xuống đáy của một cái hố sâu vô tận. Mọi vật hình như đều xoay tít dữ dội. Tôi nghe những tiếng thét gọi tên tôi vang lên xa xa. “Sakai! Sakai” Tôi rủa thầm. Tại sao họ không giữ im lặng? Tôi muốn thiếp ngủ.
Màu đen biến mất. Tôi mở mắt ra nhìn thấy nhiều khuôn mặt bao quanh tôi. Tôi đang nằm mơ, hay tôi đã thật sự trở về Rabaul? Tôi không biết. Mọi thứ đều không thật. Tất cả đều là mộng mị. Tôi chắc vậy. Những gì tôi thấy không thể là sự thật. Mọi thứ đều tan thành những lượn sóng màu đen thẫm và những tiếng la lớn.
Tôi cố gượng dậy. Tôi bám vào cạnh cửa buồng lái phi cơ và đứng lên. Đó là “Rabaul”. Cuối cùng, không phải là mộng mị. Thế rồi tôi ngả quỵ xuống hẳn.
Những cánh tay mạnh mẽ nhấc bổng tôi ra khỏi phi cơ.
Vào ngày 13 tháng Năm, phi cơ của tôi bị hư hỏng máy móc nên bắt buộc phải ở lại. Việc nầy đã cho tôi dịp may nhận được mấy lá thư vào buổi sáng, do tiền thủy đỉnh mang đến mỗi tháng một lần. Má tôi viết rằng các anh tôi đã nhập ngũ. Một người tình nguyện vô trường phi công hải quân nhưng không được, vì gặp phải những đòi hỏi quá nghiệt ngã. Thay vào đó, anh tôi đầu quân vào căn cứ hải quân Sasebo. Người anh khác của tôi xin vô Lục quân và đã lên đường sang Trung Hoa, nhưng không bao giờ trở về nhà. Sau Trung Hoa, anh tôi được thuyên chuyển sang Miến Điện và thiệt mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ.
Nhưng dĩ nhiên, bức thư mà tôi chờ đợi nôn nóng hơn hết là bức thư của Fujiko. Nàng viết nhiều về sự đổi thay to tát ở quê hương, và tôi đã ngạc nhiên với cái tin hiện nàng đang làm việc trong một cơ sở (biến cải thành cơ xưởng quân cụ) của người chú. Nàng viết:
“ Hiện tại, không ai được ăn không ngồi rồi cả. Thủ tướng đã tuyên bố như vậy. Ông ta nói rằng ngay cả phụ nữ nếu họ ở nhà mà không đóng góp vào nổ lực chiến tranh họ sẽ bị gọi nhập ngũ và gởi vô bất kì cơ xưởng quân cụ nào xét thấy cần đến sự phục vụ của họ. Do đó, để giữ em gần với gia đình, chú em đã mướn em làm việc cho ông.”
Cô em bà con Hatsuyo của tôi có những tin tức còn đáng lo âu hơn nữa. Nàng viết rằng thân phụ của nàng đã được thuyên chuyển từ Shikoku về Đông Kinh. Trở về thành phố nầy được vài ngày, nàng đã chứng kiến tận mắt các oanh tạc cơ B.25 của Hoa Kỳ dội bom. Đó là ngày 18 tháng Tư.
“Em biết rằng anh đang đứng trước đầu sóng gió,” Hatsuyo viết, “và những thành quả mà anh đạt được trong việc chống quân thù khiến cho tất cả chúng em, những người sống ở quê hương, cảm thấy vô cùng yên lòng. Nhưng Đông Kinh và nhiều thành phố khác bị oanh tạc đã làm thay đổi thái độ của dân chúng hướng về cuộc chiến. Bây giờ mọi việc đã đều đổi khác, những trái bom đã rơi xuống đây, trên quê hương chúng ta. Bây giờ hình như những cô gái khác, tất cả đều phải cố gắng làm việc nhiều hơn để yểm trợ cho anh và những phi công khác, những người cách xa Nhật Bản ngàn trùng.”
Hatsuyo vẫn đi học, nhưng trọn buổi chiều và vài giờ vào buổi tối nàng phải làm việc trong các cơ xưởng sản xuất quân trang với các cô gái khác. Hai anh tôi đi lính, Fujiko và Hatsuyo làm việc trong các cơ xưởng… tất cả đều lạ lùng như vậy.
Hatsuyo không mô tả chi tiết cuộc oanh tạc của đối phương, tuy nhiên cùng ngày đó chúng tôi đã nhận được tin tức. Đương nhiên chính phủ đã phủ nhận những thiệt hại nặng nề. Nhưng tất cả các phi công ở Lae đều biết mức độ tàn phá của oanh tạc cơ địch. Họ đủ sức nghiền nát quê hương chúng tôi, cho dù có thể bị trả đủa sau đó. Lúc tôi đang còn đọc thơ, chuẩn úy Wataru Handa bước vô yêu cầu tôi cho mượn Honda, phi công bên cánh của tôi để thực hiện một phi vụ ở hải cảng Moresby. Chuẩn úy Handa mới đến Lae, mặc dù chưa chiến đấu ở Thái Bình Dương, nhưng là một trong những phi công nổi tiếng của Nhật Bản ở chiến trường Trung Hoa, với 15 phi cơ địch bị hạ. Sau khi trở về từ Hoa Lục, hắn trở thành huấn luyện viên phi hành ở trường phi công Tsuchiura. Tôi không hề có một thắc mắc nào trong việc để cho Honda bay với hắn.
Tuy nhiên, Honda từ chối. Anh ta ấp úng: “ Tôi không đi thì tốt hơn, Saburo. Từ trước đến nay tôi chỉ bay chung với anh, và bây giờ tôi không muốn thay đổi.”
Tôi chận ngay: “Ồ! Anh đừng có nói điên!. Handa là một phi công tài giỏi hơn tôi nhiều , và cũng bay lâu hơn tôi anh cứ đi!.”
Trưa hôm đó, Honda cất cánh với năm chiến đấu cơ Zero khác cho một phi vụ quan sát trên không Moresby.
Sự miễn cưỡng của Honda khiến tôi lo lắng và tôi đã tháo mồ hôi hột trong lúc chờ đợi anh ta trở về. Hai giờ sau, năm chiếc Zero đáp xuống: phi cơ dẫn đầu của chuẩn úy Handa và bốn người khác. Phi cơ của Honda không thấy!
Tôi chạy ùa ra phi đạo và leo lên cánh chiếc Zero của Handa ngay trước khi cánh quạt ngừng quay. “Honda đâu?” Tôi hỏi lớn, “Anh ta đâu? Việc gì đã xảy ra cho anh ta?” Handa nhìn tôi mặt mày khổ nải. “Anh ta đâu?” tôi hét. “Việc gì xảy ra?”.
Handa leo ra khỏi phòng lái. Đứng trên mặt đất, hắn nắm lấy tay tôi, khom mình xuống, và cố gắng lắm mới nói được. Tiếng nói của hắn run run. “ Tôi … tôi rất ân hận Saburo. Honda, anh ta … anh ta đã thiệt mạng. Việc nầy lỗi tại tôi.”
Tôi ngơ ngẩn ! Tôi không tin được ! Honda không thể chết ! Anh ta là một phi công bên cánh tài ba hơn bất kì một phi công nào mà tôi đã từng bay chung.
Chuẩn úy Handa vừa đi vừa nhìn xuống mặt đất, rồi bước vô Bộ chỉ huy. Tôi đi theo hắn không thốt được lời nào.
“ Chúng tôi ở trên phi trường Moresby” vừa đi Handa vừa nói, giọng nhỏ. “ chúng tôi bắt đầu lượn vòng ở cao độ 7.000 bộ. Không thấy phi cơ địch nào trên bầu trời, và tôi nhìn những phi cơ đậu trên mặt đất. “ Đó là lỗi của tôi, tất cả đều là lỗi của tôi. Chiến đấu cơ xuất hiện mà tôi không thấy. Đó là những chiếc P.39. Tôi không biết bao nhiêu. Chúng chúi xuống mau đến nỗi tôi không kịp trở tay. Chúng tôi chỉ biết sự hiện diện của phi cơ địch khi súng đã nổ. Tôi lộn ngay mội vòng, phi công bên cánh khác của tôi cũng làm như tôi. Khi tôi đảo quành lại, tôi thấy phi cơ của Honda bao trùm trong lửa đỏ. Hắn bị hoả lực chéo của mấy chiếc P.39”
Tôi đứng lại nhìn hắn trừng trừng. Handa bước đi luôn. Hắn sẽ không bao giờ phục hồi sau cú đấm vừa nhận lảnh. Mặc dù hắn là một “Ace” ở Trung Hoam hiện thời hiển nhiên hắn đã mất hẳn sự nhạy bén trên không trung. Hắn chưa từng đối đầu với chiến đấu cơ Hoa Kỳ bao giờ. Dù sao đi nữa, Handa cũng cảm thấy hổ thẹn khi hắn để cho phi công bay bên cánh bị thiệt mạng. Những ngày ở Lae hắn xanh xao vàng vọt. Cuối cùng, hắn mắc bệnh lao và được gởi về xứ. Nhiều năm sau, tôi nhận được một bức thơ của bà vợ Handa. Bà ta viết: “ Nhà tôi qua đời ngày hôm qua sau chứng bệnh dai dẵng. Tôi viết thơ nầy thể theo lời yêu cầu của nhà tôi, nói lên lời tạ tội thay cho anh ấy. Nhà tôi không bao giờ hồi phục phong độ sau sự mất mát ở Lae. Lời cuối cùng nhà tôi thốt lên khi chết: “ Suốt đời tôi, tôi đã chiến đấu dũng cảm, nhưng không thể nào quên được khi tôi để mất người của Sakai.”
Khi chết, Honda chỉ mới 20 tuổi. Anh ta là một con người dũng mảnh trên mặt đất cũng như trên không trung. Vào những ngày nghỉ, tôi đi lang thang quanh căn cứ. Tôi không lưu tâm đến đòi hỏi phải phục thù cho phi công thiệt mạng đầu tiên của phi đoàn, do những người còn lại đề nghị. Nhưng đến ngày 17 tôi thay đổi ý kiến. Đối với tôi, thành công lớn nhứt trong khi chiến đấu cơ của tôi là không bao giờ để mất người bay bên cánh. Tôi đã làm trái ý muốn của Honda, để hắn bay với người khác, và hắn đã chết. Ngày hôm sau, 14 tháng 5, tôi nhận hạ sỹ Hatori thay thế cho Honda. Vào ngày 15 tháng Năm, mưa đổ như thác lũ, có nghĩa là một ngày nghỉ của tất cả các phi công. Nhưng trước bình minh ngày 16, nhiều oanh tạc cơ B.25 bay sà thấp trên ngọn cây lướt đến đào nát phi đạo và thổi bay nhiều cơ xưởng bảo trì.
Bước sang ngày thứ hai chúng tôi vẫn chộn chân trên mặt đất, bỏ cả một ngày để chỉ làm công việc dọn dẹp và lấp hố bom trên phi đạo. Sau đó, chúng tôi vô ngồi trong doanh trại, nhiều phi công ngủ gà ngủ gật, một số khác thảo luận về nhịp độ tấn công gia tăng của địch quân.
Ngày trôi qua chậm chạp, và đêm đó Nishizawa, Ota và tôi đi đến phòng truyền tin để nghe giờ nhạc do đài phát thanh Úc Đại Lợi phát ra hàng đêm.
Nishizawa thình lình lên tiếng: “Hãy nghe điệu nhạc nầy. Nó có phải là “Điệu Vũ của Tử Thần” không?”
Chúng tôi gật đầu. Nishizawa bổng nhiên lộ vẻ phấn khởi. “Điệu nhạc nầy làm tôi nẩy ra một ý kiến. Các bạn biết phi vụ không kích Moresby vào ngày mai? Tại sao chúng ta không biểu diễn “Điệu Vũ của Tử Thần” của chúng ta để đối phương xem chơi?”
Ota hỏi: “Anh nói cái quái gì vậy? Tôi thấy anh giống như thằng khùng!”
Nishizawa cãi: “ Tôi nói thật. Sau khi không kích xong, trên đường bay về hãy quay lại Moresby, chỉ ba chúng ta thôi, để biểu diễn một màn nhào lộn ngay trên phi trường của đối phương để chọc giận họ chơi.”
“Có lẻ thú vị đó,” Ota nói, “nhưng còn chỉ huy trưởng? Ông để chúng tôi đi suông sẽ không?”
Nishizawa cười: “Khi đề nghị trò chơi nầy tôi phải biết cách chớ.”
Chúng tôi trở lại doanh trại, và cả ba to nhỏ bàn tán kế hoạch hành động ngày mai. Dù cho chỉ có ba chúng tôi xuất hiện trên không phận Moresby nhưng chúng tôi không sợ. Cả ba chúng tôi đã bắn rơi tổng cộng gần 70 phi cơ địch rồi: tôi 27 chiếc, Nishizawa 20 chiếc và Ota 18 chiếc.
Ngày hôm sau, chúng tôi quét Moresby với sức mạnh tối đa: 18 chiến đấu cơ Zero, với thiếu tá Tadashi Nakajima, chỉ huy trưởng phi đoàn, đích thân hướng dẫn. Nishizawa và tôi bay hai bên cánh của ông. Cuộc không kích là một thất bại. Trên phi trường địch không có bóng một phi cơ nào. Nhưng câu chuyện trên trời cao thì khác. Nhiều chiến đấu cơ địch, trong đội hình ba chiếc, ùa đến tấn công chúng tôi. Chúng tôi xoay lại và đánh dàn mặt với nhóm đầu tiên. Cuộc hỗn đấu xảy ra, sáu chiếc P.39 trong đó có hai chiếc là nạn nhân của tôi rớt cháy như cây đuốc. Nhiều chiến đấu cơ Zero tách rời khỏi trận không chiến chúi xuống bắn phá phi trường. Hai chiếc bị đạn phòng không, què quặt và đâm vô sườn núi Owen Stanley trên đường trở về.
Ngay sau trận không chiến, chúng tôi trở lại đội hình, và trên đường về tôi ra dấu cho thiếu tá Nakajima biết tôi phải truy đuổi một phi cơ địch. Ông vẩy tay, và tôi bổ nhào ngay xuống với hai phi công bên cánh: Ota và Nishizawa.
Một vài phút tôi trở lại Moresby, bay vòng trên phi trường ở độ cao 12.000 bộ. Súng phòng không im tiếng và không có chiến đấu cơ nào xuất hiện. Cả ba chúng tôi bay trong đội hình chỉ cách nhau vài bộ. Chúng tôi lộn nhào bao vòng. Nhìn quanh để tìm kiếm phi cơ địch lần cuối cùng, tôi chúi mũi xuống để lấy tốc độ với Nishizawa và Ota đeo dính hai bên. Tôi kéo ngược cần điều khiển theo hình vòng cung và lộn ngược lại phía sau. Hai chiếc Zero kia cũng làm y như tôi, rồi lấy thăng bằng và vừa lăn tròn vừa bay vòng quanh.
Hơn hai lần, chúng tôi vượt lên, bay vòng quanh, chúi xuống và lại lộn ngược trở lên bằng cách lăn tròn. Không một khẩu cao xạ nào bắn lên từ mặt đất, và bầu trời không có bóng dán bất kì chiến đấu cơ nào của địch.
Sau khi biểu diễn lần thứ ba, Nishizawa khoái chí và muốn biểu diễn lại một lần nữa. Tôi xoay sang trái, thấy Ota cười và gật đầu đồng ý. Tôi không thể từ chối. Chúng tôi chúi xuống chỉ cách phi trường địch 6.000 bộ và lăn tròn ba vòng trên không trung rồi đảo quanh thật nhịp nhàng. Vẫn không có tiếng súng nào bắn lên.
Chúng tôi trở về Lae hai mươi phút sau khi các chiến đấu cơ khác đã đáp xuống. Chúng tôi im thinh thít. Ngay sau đó chúng tôi ngồi chụm đầu lại bàn tán, cười đùa thoã thích. Tuy nhiên, sự bí mật của chúng tôi sớm bị khám phá. Quá chín giờ đêm đó, một liên lạc viên chạy vô phòng ngủ cho biết đại úy Sasai muốn được “diện kiến” chúng tôi tức khắc. Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Hành vi của chúng tôi có thể nhận lảnh hình phạt nặng nề.
Ngay sau khi chúng tôi bước vô văn phòng, đại úy Sasai nói lớn: “Hãycoi đây, các anh là bọn hoang đàng!”. Mặt ông ta đỏ gay và phất qua phất lại một lá thư bằng tiếng Anh, trước mắt chúng tôi. “ Các anh có biết tôi được cái nầy ở đâu không?” ông hét lớn, “không biết? Để tôi nói cho nghe, mấy tên ngu ngốc nầy. Bức thư nầy vừa được một chiếc phi cơ địch thả xuống sân bay cách đây vài phút!”
Thơ viết:
“ Gởi chỉ huy trưởng phi đoàn Lae: chúng tôi sẽ nhớ mãi ba tên phi công đã thăm viếng chúng tôi ngày hôm nay. Tất cả chúng tôi đều khoái mấy cú lộn nhào của họ trên phi trường của chúng tôi. Đó là một màn trình diễn rất tới. Chúng tôi sẽ lấy làm hân hạnh nếu ba tên phi công nầy trở lại thăm viếng chúng tôi một lần nữa, mỗi tên nên quấn một khăn quàng màu xanh quanh cổ. Chúng tôi rất buồn đã không đón tiếp họ chu đáo, nhưng hy vọng lần sau họ sẽ được tất cả chúng tôi tiếp đón nồng nhiệt hơn.”
Cả ba chúng tôi cố giữ lắm mới khỏi cười ồ. Bức thư được ký bởi một nhóm phi công chiến đấu cơ. Sau đó đại úy Sasai bắt chúng tôi đứng như trời trồng để phạt hành vi ngu ngốc của chúng tôi. Đặt biệt, chúng tôi được lịnh không bao giờ thực hiện màn trình diễn nào thêm nữa trên các phi trường địch. Đó là một sự đối đãi tốt của thượng cấp, và chúng tôi hả dạ với “Điệu vũ của tử thần” ở Moresby của chúng tôi.
Tuy nhiên, đêm hôm đó không ai trong bọn chúng tôi biết rằng ngày hôm sau chúng tôi sẽ được xem một “Điệu vũ của tử thần” thực sự diễn ra, chưa từng thấy trong các vỡ kịch từng diễn trên không. Bảy chiến đấu cơ thuộc không đoàn của chúng tôi hộ tống tám oanh tạc cơ không tập Moresby. Chúng tôi chưa tiến đến phi trường địch thì đã bị 18 chiến đấu cơ địch nhào xuống từ mọi hướng. Đây là một trận đánh phòng vệ mà tôi chưa gặp bao giờ. Chúng tôi bị áp lực đến nỗi khó xoay trở trong việc bảo vệ cho 8 oanh tạc cơ. Mặc dù tôi đã đẩy bật nhiều chiến đấu cơ địch ra khỏi các oanh tạc cơ, nhưng không thể bắn rơi một chiếc nào. Ba chiến đấu cơ địch bị đồng bạn tôi bắn hạ. Trong khi đó, các oanh tạc cơ thả bom không mấy chính xác rồi bay lãng ra để quay về.
Tôi nhìn thấy một chiếc P.39 lướt thẳng đến nhóm oanh tạc cơ với một tốc độ khủng khiếp, nhưng tôi đành bó tay. Chiếc P.39 nhả một loạt đạn vào chiếc oanh tạc cơ bay cuối cùng, rồi lộn nhào và chúi xuống, vượt hẳn tầm súng của chúng tôi. Chiếc oanh tạc cơ tuông một vệt lửa, sau đó bốc cháy dữ dội, chúi mũi xuống thật mau. Nó mất độ cao nhanh chóng và hình như mất hẳn sự kiểm soát.
Thình lình, vẫn bốc cháy dữ dội, mũi chiếc oanh tạc cơ khẻ ngước và bắt đầu vượt lên cao. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc phi cơ bắt đầu lăn tròn, cách “biểu diễn” nầy khó thực hiện được đối với một chiếc Betty. Nó vẫn tiếp tục lướt lên và vẫn lăn tròn cho đến khi biến thành một trái cầu lửa.
Lửa rớt từng bựng. Ngay cả khi chiếc phi cơ sắp sửa chúi mũi xuống thì một tiếng nổ dữ dội làm rung rinh cả phi cơ của tôi, chiếc oanh tạc cơ biến thành những mảnh vụn rơi lả tả. Trong ba tháng Năm, Sáu và Bảy, hầu như các trận không chiến xảy ra liên miên. Cho đến sau chiến tranh, tôi mới biết không đoàn Lae của chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả nhứt so với những hoạt động của các đơn vị không quân chiến đấu Nhật Bản khác.
Vào ngày 23 tháng Năm, bảy chiến đấu cơ Zero chận đánh năm oanh tạc cơ B.25 trên không phận Lae và chôn một chiếc xuống biển, cách phía Nam Salamua 30 dặm. Ngày hôm sau, sáu oanh tạc cơ địch quay trở lại Lae. Không may cho các oanh tạc cơ nầy, mạn lưới báo động từ xa của Lae phát hiện ra chúng, và 11 chiến đấu cơ Zero cất cánh đốt cháy và bắn rơi 5 chiếc, đồng thời gây què quặt cho chiếc thứ sáu. Tôi bay cả hai phi vụ nghinh chiến nầy và trong hồ sơ của Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia đã ghi vô điểm thắng của tôi thêm ba oanh tạc cơ vào hai ngày nầy.
Nhịp độ của các cuộc tấn công gia tăng vào những ngày cuối tháng Năm. Lần đầu tiên, vào ngày 25 tháng Năm bốn oanh tạc cơ B.17 bay tới tấn công Lae với 20 chiến đấu cơ hộ tống. 16 chiến đấu cơ Zero nhào xuống chận đầu lực lượng nầy trên đỉnh dãy núi Owen Stangley. Năm chiến đấu cơ địch bị hạ, nhưng các pháo đài bay thoát thân an toàn. Ba ngày sau, năm oanh tạc cơ B.26 trở lại Lae. Tôi ghi một điểm nữa. Và vào ngày 9 tháng Sáu, tôi gởi thêm hai chiếc B.26 xuống đại dương.
Ngày giờ hình như không còn phân chia rõ rệt nữa. Đời sống trở thành một chuỗi bất tuyệt của những cuộc càn quét trên không, của những phi vụ hộ tống oanh tạc cơ đến Moresby, của những cuộc chạy đua cất cánh để tiếp đón kịp thời các đối thủ đến viếng thăm. Đồng Minh hình như có mọt nguồn tiếp tế phi cơ vô tận. Tuần nào họ cũng chịu đựng sự thiệt hại nặng nề, tuy vậy phi cơ của họ vẫn đến đều đều.
CHƯƠNG XIII
Trước đó, vào ngày 20 tháng Năm, chúng tôi đối đầu với đối phương trong một trận không chiến cao nhứt lịch sử khi chỉ huy trưởng không đoàn hướng dẫn 15 chiến đấu cơ từ Lae bay đến Moresby ở cao độ 30.000 bộ trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi duy trì cao độ nầy để lấy yếu tố bất ngờ, và chúng tôi cũng đã bất ngờ khi đụng đầu với một đội hình địch quân cũng bay cùng một cao độ như chúng tôi.
Tôi đã hồ nghi khả năng chiến đấu của phi cơ Zero ở cao độ nầy. Riêng tôi có thể đạt đến cao độ 37.720 bộ với chiến đấu cơ Zero, nhưng phải mang mặt nạ dưỡng khí và một chiếc áo ấm. Ở cao độ đó, cần điều khiển của phi cơ rất nặng nề và không thể nhích độ cao lên một tấc nào được nữa. Bởi vậy chiến đấu với một chiếc Zero ở độ cao 30.000 hình như không được khôn ngoan lắm.
Có mười chiến đấu cơ địch, loại P.39 kiểu mới. Tôi dẫn đầu cuộc tấn công và xáp chiến tức khắc. Mười bốn chiến đấu cơ Zero khác đối đầu với nhóm phi cơ còn lại.
Cần kiểm soát nặng nề và chậm chạp trong không khí loãng, hình như mọi cử động của tôi đều trì trệ. Lồng ngực của tôi như muốn rạn nứt và mặt nạ dưỡng khí tuột ra khỏi càm tôi.
Dường như khi một người đã tập trung tất cả sức mạnh vào một hành động quyết định, ngay cả khi ngộp thở vì thiếu dưỡng khí cũng không thể nào ngăn nỗi hành động của hắn. Giữa lúc tôi như bất tĩnh, tôi cảm thấy tay tôi vẫn nắm chặt cần điều khiển và giữ cho phi cơ chúi xuống trong vòng xoay hình trôn ốc. Khi đầu óc tôi đã tĩnh táo và nhìn thấy trở lại, phi cơ đã xuống ở cao độ 20.000 bộ. Tôi vừa xoay mình tức khắc, vì cảm giác phi cơ địch bám sát theo, vừa chuẩn bị hoả lực.
Nhưng phi công đich cũng gặp rắc rối. Có lẻ hắn xoay theo tôi quá ngặt hoặc có thể hắn cũng mất dưỡng khí như tôi, cho nên cũng cùng cao độ 20.000 bộ, nhưng phi cơ của hắn xoay theo hình trôn ốc chầm chậm. Không bỏ lỡ dịp may, tôi xông tới ngay khi chiếc phi cơ có vẻ lấy lại thăng bằng, cánh hơi ngước lên với các họng súng rực lửa hướng về phía tôi. Tôi lãng ra nhanh như chớp, bấy giờ chiếc P.39 đang ở trên và phía bên phải tôi, và tôi ấn cò đại bác. Một viên đạn cắt đứt phi cơ địch ra làm hai. Ngoài tôi chỉ có Ota bắn hạ được một chiếc P.39 khác vào ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, đầu tiên tôi hạ được một chiến đấu cơ địch mà không cần bắn một phát súng nào, trong một trận không chiến căng thẳng cao độ. Khác hơn lần trước, lần này ngày 26 tháng Năm, chúng tôi đụng nhau ở một cao độ thật thấp, chỉ sát trên ngọn cây. Một nhóm 16 chiến đấu cơ Zero chạm trán một đội hình đối phương kì lạ. Bốn oanh tạc cơ B.17 bay trong đội hình hàng dọc khoảng 20 chiến đấu cơ P.39 chia thành từng nhóm nhỏ hai hoặc ba chiến đấu cơ bao xung quanh các pháo đài bay nầy. Chúng tôi ở phía dưới đối phương và tấn công bằng cách vượt thẳng đứng lên mà họ không hay biết. Tôi đốt ngay một chiếc P.39, và bầu trời như nổ tung trong một trận hỗn chiến giữa phi cơ và phi cơ.
Hầu hết chiến đấu cơ địch đều thối lui và lãng xa các chiến đấu cơ của chúng tôi. Tôi bám sát đuôi của một chiếc P.39 đang chúi xuống khu rừng. Viên phi công tỏ ra sợ hãi, hắn bay có vẻ như quét trên ngọn cây và giống như cắt cỏ khi hắn xoay thân, vượt lên, chúi xuống với tôi đeo dính sau đuôi. Mỗi lần hắn vượt lên, xoay ngang hoặc lăn tròn, tôi cắt thẳng vào thân phi cơ của hắn. Tôi chụp ngay một viên đạn khi chiếc Airacobra lãng ra bằn cách lăn tròn về phía trái. Viên phi công chúi xuống ngay và nhắm về phía một thung lũng đầy cây cối, xung quanh toàn là dốc đá cao chớn chở.
Trước khi tôi nhận biết sự nguy hiểm, tôi đã lọt vô một hẻm núi, đeo dính một bên đuôi của chiếc P.39. Không có thời giờ để tập trung hoả lực, tất cả những gì mà tôi có thể làm là tránh né các mõm đá gie ra, khít khao trong đường tơ kẻ tóc. Hiểm nguy khiến tôi quên hẳn mục đích chánh của tôi. Mồ hôi đổ ra như tắm. Tiếng động cơ máy bay hình như vang vang như sấm động bên tai tôi.
Bỗng nhiên phía trước, một gộp đá treo lơ lửng án mất lối đi của chúng tôi. Lập tức viên phi công địch dựng đứng phi để vượt lên, nhưng quá muộn. Cánh chạm vào đá, chiếc phi cơ lộn nhào, và một tiếng nổ khủng khiếp vang lên phía dưới hố sâu,
Tôi kéo sát cần điều khiển về phía sau với tất cả sức mạnh của đôi tay và giữa thật chặt. Chiếc Zero quất ngược đầu lên thật dữ đội, và chỉ trong vòng một cái nháy mắt nhưng dài dằng dặt, chiếc phi cơ lướt lên khỏi gộp đá, có thể nói là chỉ trong gang tấc.
Tôi mất một vài phút mới lấy lại bình tĩnh, và đưa tay vuốt mồ hôi đổ xuống như tắm trên mặt. Gia tăng tốc lực và vượt lên cao từ từ. Đó là chiến thắng thứ 37 của tôi, mặc dù tôi không đích thân tiêu diệt chiếc phi cơ nầy, nhưng trận không chiến vừa qua là một trong những trận không chiến tổn sức nhất trong đời tôi. Sau đó, tôi được biết Nishizawa và Ota cũng lâm vào tình trạng chiến đấu không khác gì tôi. Họ rượt đuổi hai chiếc P.39 xuống một triền núi và hầu như lâm hiểm trong lúc vượt lên khi hai đối thủ phía trước của họ vỡ tan. Đêm đó, doanh trại của chúng tôi ồn ào nỗi vui qua những biến cố trong ngày.
Suốt tuần lễ cuối cùng của tháng Năm, không đoàn Lae tung hết sức mạnh càn quét khu vực Moresby, và trong vòng ba ngày của cuộc không chiến dữ dội, chúng tôi đã thâu đạt được những thành quả không thể tưởng tượng được. Qua chiều hướng nầy, Moresby được xét đoán đã đến lúc nhận lãnh một cú đấm dứt khoát. Vào ngày 1 tháng Sáu, 18 oanh tạc cơ cất cánh từ Rabaul, hộ tống bởi 30 chiến đấu cơ Zero của Lae và 11 chiếc khác của Rabaul, cố gắng san bằng pháo đài huyết mạch của địch quân lần cuối. Chúng tôi đã tin tưởng một cách chắc chắn rằng Đồng Minh không thể đưa ra một sự chống đối mạnh mẻ sau các trận đánh liên tục. Chúng tôi đãsai lầm. Hai mươi chiến đấu cơ địch đã gầm thét xông vào lực lượng to lớn của Nhật Bản. Một lần nữa, một trận đánh “xáp lá cà” giữa chiến đấu cơ và chiến đấu cơ xảy ra. Bảy phi cơ địch rớt trong lửa đỏ, một chiếc do súng của tôi gây ra. Nhưng đối phương đã đạt mục đích: phân tán lực lượng oanh tạc cơ của chúng tôi và bẽ gãy sự chính xác của cuộc không tập.
Trên đường trở về Lae, một oanh tạc cơ của chúng tôi rớt khỏi đội hình, bay lạng quạng trong không khí. Tôi và năm chiến đấu cơ khác phải bay tụt lại để bao che. Chiếc oanh tạc cơ lê thân chậm chạp. Những lổ đạn đại bác lổ chổ trên cánh và thân phi cơ, coi không khác nào một cái rây. Chiếc phi cơ vẫn còn bay được, đó là một phép lạ.
Phi công trưởng và phụ nằm dài trên ghế trong những vũng máu. Tôi không thể nhìn thấy bốn người khác thuộc phi hành đoàn. Chỉ có chuyên viên cơ khí vật lộn với cần điều khiển, cố giữ cho phi cơ thăng bằng. Hiển nhiên hắn không bị thương, còn những người khác có thể đã chết hoặc bị thương nặng.
Bằng mọi cách, chuyên viên cơ khí đã đưa được chiếc phi cơ lảo đảo như người say rượu về tới phi trường Lae. Hắn đã làm được một công việc đáng nể phục. Rõ ràng hắn bay với kiến thức học lớm. Việc nầy đã đành là khó khắn đối với những người chưa được huấn luyện lái phi cơ, nhưng còn khó khăn hơn nữa khi lái một chiếc phi cơ bị hư hại trầm trọng. Lúc ấy chiếc oanh tạc cơ đã tiến vào không phận Lae và anh chuyên viên cơ khí không còn biết phải làm gì thêm nữa. Hắn có thể giữ cho phi cơ bay, nhưng đáp xuống là cả một vấn đề.
Chiếc phi cơ què quặt đảo chầm chậm trên phi trường hết vòng nầy đến vòng khác, và anh chuyên viên cơ khí ngắm nghía phi đạo nhỏ hẹp phía dưới. Không có cách nào khác để giúp đỡ con người bồn chồn nầy. Chúng tôi bay sát hơn và cố chỉ cách cho hắn đáp xuống, nhưng mọi khi hắn rời tay khỏi cần điều khiển, chiếc phi cơ chao đi chao lại một cách nguy hiểm. Dần dần hắn giảm được tốc độ và bắt đầu hạ thấp xuống. Chiếc phi cơ bay vòng ra ngoài biển, và hạ xuống quá mau khi xoay lại để hướng đến phi đạo. Tôi nín thở. Chiếc phi cơ xốc dữ dội và bắt đầu rơi xuống tuồn tuột. Nó sẽ tan tành trong nháy mắt.
Một phép lạ xảy ra! Viên phi công gượng ngồi dậy, gương mặt trăng bệt lóm đóm máu. Hắn tựa một cách nặng nhọc vào vai của anh chuyên viên cơ khí. Chỉ một giây sinh tử, hắn ấn nút bộ phận đáp bật ra, phi cơ lấy lại tốc lực và bánh xe chạm trên mặt phi đạo. Trong nháy mắt, nó va vào hai chiến đấu cơ đang đậu vỡ tan, rồi bật nhào nửa vòng và đứt làm hai đoạn.
Chúng tôi đáp lập tức sau đó, cán trên các mảnh vụn nhưng lạ lùng là không có chiếc phi cơ nào bốc cháy. Viên phi công của chiếc oanh tạc cơ chỉ gượng đứng dậy được một phút rồi ngã ra bất tỉnh. Phi công phụ tử thương. Chuyên viên cơ khí bị thương trầm trọng ở giò, phải khiêng ra khỏi phi cơ. Tất cả nhân viên khác thuộc phi hành đoàn đều mang thương tích nặng.
Nhát chổi chiến đấu cơ vẫn tiếp tục quét, và suốt hai ngày kế tiếp chúng tôi bắn rơi thêm ba chiến đấu cơ địch. Nhưng không một người nào ở Lae biết được các chiến thắng liên tục của chúng tôi trái ngược một trời một vực với cuộc chiến bại đầy bi thảm của một lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản to lớn ở Midway vào ngày 5 tháng Sáu. Đông Kinh tuyên bố lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi đạt được chiến thắng quan trọng. Bộ Tư Lịnh Hoàng Gia đã giảm thiểu sự mất mát của chúng tôi xuống một mức độ vô nghĩa. Tuy nhiên, lần đầu tiên chúng tôi hồ nghi sự chính xác của các tin tức. Lý do dễ hiểu là chúng tôi biết Midway bị địch quân đổ bộ và chiếm đóng. Nếu hạm đội của chúng tôi rút lui mà không đẩy bật được cuộc chiếm đóng đó, không cần nhìn thấy cũng biết những gì đã xảy ra.
Sau nầy chúng tôi được biết bốn trong số các hàng không mẫu hạm mạnh nhứt và lớn nhứt của chúng tôi, cùng với 200 phi cơ và hầu hết phi công cũng như hàng mấy ngàn thủy thủ, đã bị chôn vùi xuống đáy biển.
Từ ngày 5 đến 15 tháng Năm, một sự yên tĩnh kì dị được nhìn thấy trên mặt trận New Guinea. Sự yên tĩnh nầy chỉ bị phá vỡ bởi một cuộc không kích duy nhất ở Lae vào ngày 9. Điểm thắng của tôi ghi thêm hai oanh tạc cơ B.26.
Vào ngày 16 tháng Năm, cuộc chiến trên không bùng nổ dữ dội trở lại. Đó là một ngày chiến đấu cơ của chúng tôi làm chủ chiến trường, khi 21 chiến đấu cơ Zero vồ ba nhóm phi cơ lơ đãng của địch quân. Chúng tôi đụng với nhóm 12 chiến đấu cơ đầu tiên của địch bằng cách bổ nhào xuống một lượt, phá tan đội ngũ của địch quân. Tôi bắn rơi một chiếc, và năm phi công khác mỗi người ghi một điểm. Sáu chiến đấu cơ địch còn lại chúi xuống và chạy thoát.
Trở lên cao độ cũ, chúng tôi nhào ra khỏi ánh mặt trời đâm thẳng vô nhóm 12 chiến đấu cơ thứ hai. Với cách đánh bất thần được lập lại nầy, chúng tôi hạ thêm ba chiến đấu cơ địch. Tôi lại ghi một điểm. Đợt phi cơ thứ ba, gồm khoảng 10 chiếc lướt đến ngay khi chúng tôi dọn dẹp xong nhóm thứ hai. Chúng tôi chi ra làm hai nhóm, một nhóm 11 chiếc Zero vượt lên cao để đánh xuống, một nhóm gồm 10 chiếc vẫn giữ độ cao như cũ. Các đội hình toả rộng trên khắp bầu trời Moresby. Phi cơ địch là loại P.39 mới, bay mau lẹ hơn loại cũ nhiều. Tôi nhảy vô một đối thủ, và hắn đã làm cho tôi ngạc nhiên qua lối vung thật lẹ ra khỏi hướng bay mỗi lần tôi khai hoả. Chúng tôi rượt đuổi nhau vòng quanh. Viên phi công của chiếc Airacobra nầy vừa chạy vừa xoay tít, lộn nhào, vượt lên, chúi xuống, xoắn vòng, rớt theo hình trôn ốc, và nhiều cách khác. Tài nghệ của hắn tuyệt luân. Với một chiếc phi cơ tốt hơn, đáng lẽ hắn đã lấy mạng tôi từ lâu, nhưng tôi không để hắn hở tay. Tôi cứ đeo dính cách phía sau đuôi hắn không đầy mười tám thước. Cuối cùng tôi lăn về phía trái một vòng, tung ra hai viên đại bác tầm ngắn, và chiếc P.39 biến thành cây đuốc.
Đó là chiến thắng thứ ba trong ngày. Chiến thắng thứ tư hầu như tiếp ngay sau đó và dễ dàng một cách đáng buồn cười. Một chiếc P.39 xẹt đến trước mặt tôi và chỉ lo chú ý đến một chiếc Zero khác đang truy đuổi ráo riết phía sau. Chờ cho chiếc phi cơ đến đúng tầm súng, tôi rót ngay 200 viên đại liên vô mũi. Nó lộn nhào như chớp để tránh né. Tôi bồi thêm loạt đạn đại liên thứ hai vô bụng. Nó vẫn chưa chịu rớt. Một loạt đại liên thứ ba chụp trúng buồng lái của chiếc phi cơ đang còn lộn nhào. Kiếng che gió vỡ tan, và tôi thấy viên phi công gục về phía trước. Chiếc P.39 xoay tít rồi chúi xuống mau, và nổ tan trong khu rừng phía dưới.
Hạ bốn chiến đấu cơ địch trong một ngày. Đó là thành tích của riêng tôi, đóng góp vào thành tích chiến thắng vĩ đại nhứt chỉ trong vòng một ngày hoạt động của phi đoàn Lae, với tổng số 19 chiến đấu cơ địch bị tiêu diệt thực sự.
Chiến thắng như vậy vẫn chưa đủ. 10 oanh tạc cơ B.26 lại mò đến căn cứ của chúng tôi. Phi cơ đã chọn giờ xấu, vì 19 chiến đấu cơ Zero đã rời khỏi mặt đất trước khi chúng đến. Chúng tôi không hạ được chiếc nào, nhưng gây hư hại hầu hết và phá hỏng kế hoạch oanh tạc của địch quân. Trên đường truy đuổi, chúng tôi đụng đầu với 10 chiến đấu cơ P.39. Hiển nhiên 10 phi cơ nầy đáp lại lời kêu cứu của các oanh tạc cơ. Chúng tôi đốt một chiếc.
Căn cứ Lae tưng bừng với chiến thắng đêm đó. Tất cả các phi công được phát thuốc hút thả giàn. Chuyên viên cơ khí bu quanh chúng tôi để chia xẻ niềm vui. Chúng tôi còn được tin sẽ có 5 ngày phép ở Rabaul. Tin nầy khiến tôi khoan khoái hơn hết. Không những tôi quá mệt mõi sau những ngày chiến đấu liên miên, nhưng các chuyên viên cơ khí muốn có thời giờ để sửa chữa chiếc chiến đấu cơ của tôi. Họ gọi tôi ra để chỉ cho coi nhiều lổ đạn trên cánh và trên thân phi cơ, và tôi đã thót ruột khi nhìn thấy những lổ đạn chạm thành một hàng phía sau phòng lái, cách đầu tôi không đầy hai phân.
Hồi năm 1942, không có một phi công chiến đấu nào của Nhật bận áo giáp, và phi cơ cũng không được chế tạo với những chổ bọc sắt để chống đạn như phi cơ của Hoa Kỳ. Nếu đối phương sớm khám phá điều nầy, chỉ cần một viên đại liên 50 bắn vô thùng chứa xăng, một chiếc Zero sẽ biến thành ngọn đuốc lập tức. Tuy biết như vậy, trong thời gian nầy không có một phi công nào của chúng tôi mang dù khi bay. Vấn đề nầyng Tây Phương đã diễn dịch sai lầm khi cho rằng cấp lảnh đạo Nhật Bản đã coi rẻ mạng sống của chúng tôi, rằng tất cả các phi công Nhật bị vắt chanh bỏ vỏ và bị coi như những món đồ vật hơn là con người. Diễn dịch quá nhiều tưởng tượng. Tất cả các phi công chúng tôi đều được phát một cây dù khi bay là quyết định riêng của chúng tôi, không có bộ chỉ huy cao cấp nào ra lịnh như vậy. Thực ra, chúng tôi được giới chỉ huy cao cấp thúc giục, tuy nhiên không ra lịnh phải mang dù khi chiến đấu, và tại một số phi trường, vị chỉ huy trưởng căn cứ bắt buộc các phi công phải mang dù. Gặp trường hợp sau nầy, phi công đem theo dù nhưng chỉ để trong phi cơ hoặc dùng làm nệm lót để ngồi.
Mục đích duy nhất khiến chúng tôi không mang dù là nhằm tránh vướng víu tay chân. Vả lại đa số các trận không chiến của chúng tôi đều xảy ra trên đất địch, nếu có nhảy dù xuống đất an toàn thì cũng sẽ bị bắt giữ. Trong các điều luật của quân đội Nhật Bản, hoặc trong các điều tâm niệm của giới Samurai, không có giòng nào ghi hai chữ “Tù binh” hết. “Không tù binh”. Một kẻ ra đi hoặc là chết hoặc là trở về. Không có phi công chiến đấu nào gọi là can đảm mà lại để cho địch quân bắt giữ bao giờ. Việc nầy hoàn toàn không được nghĩ đến. Tuy nhiên, quả thật là khó chịu vô cùng khi nhìn thấy một hàng lổ đạn chỉ cách đầu tôi có mấy phân.
Đêm đó tôi được Bộ Tư Lịnh Hải Quân Hoàng Gia xác nhận con số bốn nạn nhân trong ngày của tôi. Đây không phải là trường hợp duy nhất của hải quân Hoàng Gia. Tôi biết có nhiều phi công hải quân khác đã lập được thành tích nầy hoặc nhiều hơn nữa. Tính đến hiện tại, tổng số phi cơ bị tôi hạ là 43 chiếc.
Nishizawa trở thành phi công đại tài nhất của Nhật Bản với tổng số 103 phi cơ địch bị bắn rơi, và thành tích tột cùng của anh lập được vào ngày 5 tháng Tám ở Guadalcanal khi anh hạ một lúc sáu chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ, trung sỹ phi công hải quân Nhựt Kenji Okabe hạ một lúc bốn chiếc F4F Wildcat, TBF Avenger và SBD Dauntless qua một loạt trận không chiến trong ngày ở Rabaul. Okabe đã đáp xuống ba lần để lấy nhiên liệu và đạn dược trong suốt cuộc chiến đấu của ngày đó, lập được thành tích vô song nầy cho hải quân.
Tuy nhiên, hầu như tất cả những phi công đạt được chiến công trên đều bị thiệt mạng không lâu sau đó trong lúc chiến đấu. Có hai trường hợp ngoại lệ, đó là trường hợp của chính tôi và Nishizawa. Nhưng mĩa mai thay, Nishizawa lại bị thiệt mạng vào tháng Chín năm 1944 trên không phận Cebu ở Philippine, mà không bắn được phát súng tự vệ nào. Nhiều chiến đấu cơ Hellcat đã túm được anh trong một vận tải cơ DC3 không hộ tống và võ trang. Chiếc vận tải cơ bị bắn cháy và chấm dứt cuộc đời của viên phi công vĩ đại nhất của Nhật Bản một cách tăm tối.
Đêm đó tôi được lịnh trình diện Chỉ Huy Trưởng căn cứ, một việc hiếm xảy ra. Trong phòng của đại tá Saito, tôi còn nhận thấy có mặt đại úy Sasai và chỉ huy trưởng không đoàn, trung tá Nakajima. Cả hai vị sỹ quan chỉ huy đều có vẻ buồn bã.
Đại tá Saito nói: “ Tôi muốn báo cho anh biết tin nầy và tôi làm như vậy là lời yêu cầu của trung tá Nakajima. Đây là một việc không mấy gì vui vẻ đối với tôi. Hồi đầu tháng nầy, tôi có yêu cầu Tổng Hành Dinh Đông Kinh ân thưởng cho đại úy Sasai về tài ba lảnh đạo phi đội của ông trong chiến đấu. Đồng thời tôi cũng yêu cầu Đông Kinh công khai thừa nhận các thành quả phi thường mà Sakai đã đạt được trên mặt trận. Những thành quả nầy, theo chúng tôi biết, đã khiến anh trở thành phi công hàng đầu của toàn thể phi công hải quân Hoàng Gia. Tuy nhiên, những lời yêu cầu nầy đã bị bác bỏ. Đông Kinh nhận thấy không thích hợp trong việc phá bỏ tiền lệ. Lịch sử chúng ta chưa bao giờ có một vị anh hùng nào còn sống bao giờ,” Saito gằn giọng “và hiển nhiên Đông Kinh không muốn có sự thay đổi nào trong thời gian nầy. Họ đã từ chối,” ông nói thêm với giọng buồn bã “ngay cả ân thưởng một huy chương hoặc thăng cấp cho các anh cũng không”
Ông kết luận:
“ Tôi không muốn tiết lộ các chi tiết nầy cho các anh, e rằng các anh sẽ bàn tán nầy nọ về hành động của Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Nhưng có điều quan trọng không kém đối với tôi là tôi muốn cả hai anh biết rằng tôi, trong tư cách sỹ quan chỉ huy các anh, tôi hoàn toàn công nhận lòng nhiệt thành và sự cố gắng không lúc nào ngưng nghỉ của các anh.”
Trung tá Nakajima lên tiếng: “ Truyền thống của hải quân phải hoặc trái không biết là chỉ ân thưởng huân chương hoặc thăng cấp tại mặt trân cho người đã chết. Dĩ nhiên truyền thống nầy thật là bất lợi cho các anh trong thời gian nầy. Tôi cảm thấy cần phải nói cho các anh biết rằng đại tá Saito cũng đã yêu cầu thăng một cấp cho đại úy Sasai, và thăng cấp thiếu úy cho Sakai.”
Sasai đáp rằng: “ Tôi không biết cách nào để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với sự ưu ái của hai vị chỉ huy. Tuy nhiên, tôi cần phải nói thêm rằng cả tôi lẫn Sakai không ai bất mãn trước sự quyết định của Đông Kinh. Tôi không thấy có lý do nào để chúng tôi bất mãn. Theo ý kiến của tôi, và tôi chắc Sakai cũng vậy, những thành quả và những chiến thắng trên không của chúng tôi không phải là một mình chúng tôi có thể đạt được. Nếu không có những phi công bên cánh đã bao che cho chúng tôi, nếu không có sự tận tâm của các nhân viên dưới mặt đất, chúng tôi sẽ không thể làm gì được cả. Tôi hài lòng về việc làm có tính cách đồng đội của chúng tôi, và tôi không cảm thấy sự ân thưởng hoặc thăng cấp cá nhân là cần thiết, mặc dù những gì mà hai vị chỉ huy đã làm khiến cho chúng tôi rất lấy làm vinh dự”. Sasai đã nói lên tất cả những gì tôi muốn nói, và tôi chỉ biết gật đầu đồng ý.
Chính sách không tuyên dương công trạng cá nhân của hải quân vẫn được giữ triệt để cho đến cuối cuộc chiến. Tuy nhiên, vào tháng Ba năm 1945 có một sự phá lệ đặt biệt trong chính sách nầy khi đô đốc Soemu Toyoda, Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp, thốt lên lời khen ngợi các chiến công phi thường của trung sỹ Shoichi Sugita và tôi, bấy giờ là một thiếu úy. Nhưng lúc ấy sự khen ngợi nầy đã trở thành vô nghĩa. Những phi công vĩ đại của hải quân chúng tôi, Nishizawa, Ota, Sasai và nhiều người khác, đã không còn nữa.
CHƯƠNG XIV
Trong suốt tháng Sáu, chúng tôi chạm trán với một số lượng chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đối phương đông đảo chưa từng thấy. Chúng tôi được nói rằng đối phương đang gầy dựng lại một sức mạnh không quân quan trọng trong khu vực, và rằng từ đây trở về sau chúng tôi phải dốc toàn lực cho những nhát chổi chiến đấu cơ của chúng tôi. Điều nầy có nghĩa là chúng tôi phải tận dụng tất cả chiến đấu cơ Zero hiện có trong tay. Đối phương đã thiết lâho thêm nhiều phi trường bên ngoài các cánh rừng trên khắp khu vực Moresby.
Các cuộc oanh tạc của chúng tôi cũng gia tăng đều đặn về số lượng, và các chiến đấu cơ địch đối đầu với chúng tôi cũng có vẻ quyết tâm hơn. Vào ngày 17 tháng 6, 12 chiến đấu cơ Zero hộ tống 18 oanh tạc cơ Betty, bay đến dội bom hải cảng Moresby, đã đánh bật bảy chiến đấu cơ nghinh chiến của địch quân. Cuộc oanh tạc nầy đã gây cho khu vực bến tàu hư hại nặng và đánh chìm một chiếc tàu chở hàng 8.000 tấn đang buông neo trong cảng. Ngày hôm sau, 9 oanh tạc cơ và 9 chiến đấu cơ Zero khác không tập Kido, nằm gần vịnh Rescar, một căn cứ mới của địch quân ở phía Bắc Moresby. 10 chiến đấu cơ địch đụng độ với 18 phi cơ Nhật, chúng tôi hạ hai chiếc mà không bị tổn thất nào.
Vào ngày 24 tháng Sáu, tôi trở về Lae sau khi nghỉ phép ở Rabaul , và cất cánh sáng hôm sau, nằm trong một lực lượng gồm 21 chiến đấu cơ tấn công Moresby. Tôi hạ được một trong số 11 chiến đấu cơ địch nghinh chiến.
Sáng kế đó, Rabaul gởi 17 oanh tạc cơ trở lại Moresby với 11 chiến đấu cơ hộ tống. 12 chiến đấu cơ địch nghinh chiến và chúng tôi hạ hai chiếc.
Đó là cuộc tấn công cuối cùng của tháng Sáu. Ngày hôm sau, mưa trút ồ ạt xuống khu vực New Guinea. Mưa không chỉ trói chân chúng tôi mà còn trói chân cả Đồng Minh. Mây che kín bầu trời hầu như suốt mỗi buổi trưa, và ban đêm cuồng phong quét trên khu vực thật dữ dội. Chúng tôi yên lòng nhắm mắt tới sáng.
Tháng Bảy thời tiết bỗng thay đổi bất ngờ. Ngày thì mưa giớ nhưng ban đêm bầu trời lại sáng. Oanh tạc cơ địch bay đến hầu như mỗi đêm và trút bom xuống không ngừng nghỉ. Chúng tôi bó tay. Ngay cho dù phi đạo đủ rộng, thích hợp cho các hoạt động đêm, khả năng dạ chiến của chiến đấu cơ Zero thật đáng nghi ngờ. Do đó, chúng tôi vẫn ở trên mặt đất, chui vô hầm trú ẩn và chửi rủa bọn Mỹ.
Bình minh ngày 2 tháng Bay, chúng tôi đối đầu với một cuộc oanh tạc qui mô. Tiếng còi báo động vang lên, đánh thức giấc ngủ về sáng của chúng tôi. chúng tôi mặc đồ bay và chạy ùa ra phi đạo. Nhưng không ai chạy tới phi cơ được vì tiếng động cơ máy bay địch đã gầm thét trên đầu. Các phi công hối hả chạy vô hầm trú ẩn gần nhất.
Chúng tôi có thể nhìn thấy các oanh tạc cơ địch nổi bật trên nền trời đầy sao. Đó là loại Mitchell và Maurader bay không cao hơn 600 bộ.
Sau khi thả hết bom, các oanh tạc cơ sà thấp trên ngọn cây bắn phá phi đạo và tất cả các cơ sở nằm trong tầm mắt. Đạn địch rãi trên phi đạo giống như mưa đá.
Chổ tôi nấp không an toàn, tôi bỏ chạy vào các vị trí đặt súng. Tôi đẩy một xạ thủ ra khỏi súng và nói với hắn để tôi thay thế cho. Hắn đeo dính khẩu súng, và từ chối bỏ vị trí. Tôi không để mất thì giờ, tôi đạp hắn ra khỏi chổ ngồi. Hắn đứng dậy chửi rủa om sòm, nhưng một phi công khác đã chạy vô phía sau tôi nắm cổ xô hắn ra ngoài và lượm các băng đạn lên.
Đợt xạ kích thứ hai của 6 chiếc Maurader đang lướt đến, tôi lên cò súng và ghìm súng chờ đợi. Một chiếc Maurader bay ngang trên đầu, tôi ria một tràng đạn từ mũi đến láu, nhưng không trúng. Chiếc oanh tạc cơ quành lại chúi ngay xuống vị trí đặt súng, xạ thủ trước mũi của nó đáp trả hoả lực của tôi.
Đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi trên mặt đất vớu một chiếc phi cơ tiến thẳng đến trước mặt. Hình ảnh những trái bom xoáy xuống và nổ bùng trên vị trí đặt súng khiến tôi kinh hoảng. Tôi vụt bỏ chạy như giông như gió đến hầm trú ẩn xây bằng bao cát phía sau tôi. Một vài giây ngồi trong đó, tôi cảm thấy như một tên hèn nhát ngù ngờ và vô lý. Chiếc oanh tạc cơ gầm thét trên đầu, lướt qua nhưng không thả bom. Tôi tự rủa thầm và quay lại khẩu súng mà tôi vừa bỏ chạy. Dần dần tôi lấy lại bình tĩnh và quyết không làm thỏ đế nữa.
Mấy chiếc oanh tạc cơ quày lại, tiếng vang như sấm động, cách mặt đất chỉ 150 bộ, với những họng súng rực lửa. Tôi rót lên một tràng đạn nhắm chiếc phi cơ bay sau. Một giòng khói túa ra, nhưng chiếc phi cơ nầy vẫn bay như thường và rồi biến mất vào chân trời.
Ngày lên hẳn, sau một giờ dội bom và bắn phá các oanh tạc cơ địch ra đi an toàn. Không một chiếc nào bị hạ cho dù các khẩu cao xạ của chúng tôi bắn gần hết đạn. Bọn phi công chúng tôi mất tinh thần đến nỗi loạt bom cuối cùng vừa dứt mà không ai dám chạy ra phi cơ cất cánh truy đuổi, như chúng tôi thường làm trước đây.
Hầu hết cơ sở của căn cứ đều bốc cháy. Phi đạo đầy dẫy mảnh vụn, phi cơ không thể cất cánh được dù có cố gắng cách mấy đi nữa. Một việc khó thể tin, nhưng có thật 20 chiến đấu cơ đậu bên cạnh phi đạo hầu như an toàn, chỉ bị đạn và mảnh bom khoét lổ. Chúng tôi tập trung vô bộ chỉ huy để nhận lịnh, trong lúc 200 binh sỹ dọn dẹp phi đạo.
Thình lình nhiều liên lạc viên chạy vô Bộ Chỉ Huy cho biết một cuộc tấn công nữa sắp xảy ra. “ Hơn 100 phi cơ địch đang bay tới căn cứ!” Một trăm phi cơ ! Một con số khó thể tin nỗi ! Chúng tôi chưa từng nghe nói đến một cuộc tấn công nào dữ dội như vậy. Các sỹ quan tham mưu có vẻ xao xuyến và ra lịnh cho mọi phi cơ cất cánh tức khắc. Chúng tôi chạy túa ra các chiến đấu cơ, rồ máy chạy ra phi đạo lúc ấy vừa mới dọn dẹp xong, rồi nằm trong vị thể sẵn sàng cất cánh. Sau đó, chúng tôi được báo cáo: “Một trăm chiến đấu cơ địch biến thành một trăm con ****.”. Mọi người đều cười ồ.
Chúng tôi ăn trưa quanh Bộ Chỉ Huy, vẫn trong tư thế sẵn sàng cất cánh. Lúc chúng tôi còn đang nhai, các liên lạc viên chạy vô cho biết Salamaua báo cáo có 6 oanh tạc cơ B.17 trên đường hướng đến căn cứ chúng tôi. Không ai phí một giây nào. Chúng tôi bỏ ăn, chạy như bay ra phi cơ. Đảo Salamaua chỉ cách Lae mấy phút bay. Các phi công khác đã cho phi cơ chạy ra phi đạo trong khi tôi vẫn nguyền rủa và loay hoay bên chiếc Zero bất động của tôi. Cố gắng cách mấy động cơ cũng không chạy. Tôi leo xuống phi cơ, vì các chiến đấu cơ khác đã ở trên không rồi.
Tôi chạy băng ngang qua phi đạo hướng đến các hầm trú ẩn. Trung tá Nakajima đưa tay vẫy gọi tôi rối rít và tiếng rít của một trái bom, giống như một lưởi dao khổng lồ lướt xuống. Tôi bổ chúi vô hầm, càn trên lưng nhiều người nằm sẵn trong đó.
Tức khắc, thế giới như nổ tung. Tôi cảm thấy một áp lực mạnh mẻ đến từ mọi phía đè nặng trên thân thể tôi, một áp lực khủng khiếp, rồi tất cả biến thành màu đen. Tôi không thấy, không nghe gì nữa, như tôi đã rời xa hẳn thế giới quanh tôi. Tôi cố cử động chân tay nhưng vô ích, tôi đã đông cứng. Có thể nhiều giây hoặc nhiều phút , tôi nghe tiếng gọi văng vẵng của trung tá Nakajima. Tôi cố để la. Tôi nghỉ rằng tôi la lớn lắm, nhưng lạ thay tôi không nghe tiếng của chính tôi. Mũi miệng tôi cứng đờ. Có một cái gì đè nặng trên ngực tôi.
Tiếng nói của trung tá Nakajima lại văng vẳng: “Hắn bị chôn vùi ! Tìm kiếm đi! Đào lên mau!.”
Bị chôn ? Dĩ nhiên ! Tôi nằm dưới đá và cát. Tôi cố gắng mở mắt. Tối đen. Cơn sợ hãi ùa đến. Tiếng nói của trung tá Nakajima lần nầy lớn hơn: “Gặp cái gì đào cái nầy. Mau lên! Dùng cây cũng được! Cả tay và móng tay cũng dùng luôn, nếu các anh không tìm được vật gì để đào! Mau lên!”.
Rồi những âm thanh lao xạo vang lên, tiếng xẻng đảo trong cát. Tôi chờ, cố gắng không cựa quậy. Cuối cùng một bàn tay phẩy phẩy trên mặt tôi, rồi cát trên mũi tôi vẹt ra. Ánh sáng mặt trời bổng nhiên tràn ngập.
Không phải một mình tôi mà ít ra cũng hàng chục người nữa bị chôn vùi lúc trái bom nổ. Nhưng không một ai bị thương. Bộ Chỉ Huy tan nát. Hầu hết số phi cơ còn đậu trên phi đạo trở thành những mảnh vụn, thùng chứa xăng của nhiều chiếc đang bốc cháy. Gần một giờ sau, các chiến đấu cơ đã cất cánh trở về căn cứ. Bọn phi công tiu nghĩu. Sáu pháo đài bay đều bay thoát.
Chúng tôi phải bỏ ra hai ngày để sửa sang căn cứ sau cuộc tấn ngày 2 tháng Bảy. Và ngày 4, chúng tôi sẵn sàng mở trận phục thù trên phi trường Moresby. 21 chiến đấu cơ Zero gặp một ủy ban chào đón bao gồm 20 chiến đấu cơ địch trên không phận Moresby. Chúng tôi ra tay trong lúc chủ nhân vẫn còn chúi xuống. Chín chiến đấu cơ địch chánh thức bị hạ, và còn thêm ba chiếc nữa.
Trên đường trở về, còn cách Lae nhiều dặm tôi đã nghe mùi khói phản phất trong gió. Khi nhìn thấy căn cứ chúng tôi mới biết khói đó bốc lên từ các cơ sở nằm cạnh phi đạo đang bốc cháy. Những cột lửa dâng cao, toả khói đen trên khắp khu rừng và bãi biển. Trong lúc chúng tôi vắng mặt, nhiều oanh tạc cơ địch bau đến oanh tạc những kho chứa dầu.
Khi chúng tôi còn đang lượn vòng để đáp xuống, bảy chiếc Maurader gầm thét trên cánh rừng phía dưới. Khi chúng tôi phát hiện, các oanh tạc cơ đã đến phi trường và những trái bom được thả xuống làm tung đất cát lên không. Lúc chúng tôi chúi xuống để truy đuổi địch, nhiều chiến đấu cơ Zero khác đã rời khỏi phi đạo, và chúng tôi bắt đầu một cuộc rượt đuổi 7 oanh tạc cơ địch như điên cuồng. Nhiều lần chúng tôi suýt đụng nhau trên không, chỉ tránh khỏi trong vòng gang tấc.
Một chiếc Zero khác vừa cất cánh từ Lae bay bứt ra khỏi nhóm chánh, vượt qua mặt các oanh tạc cơ địch và vung trở trong một vòng xoay 180o rồi đâm thẳng vào chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu, có vẻ như muốn tự sát. Viên phi công không bắn một phát súng nào, chiếc phi cơ lướt đến như một cái bóng, với một tốc độ gần 600 dặm một giờ, rồi lách phía dưới chong chóng bên phải của chiếc Maurader, bay dọc theo thân và hơi nghiêng cánh một chút. Chiếc cánh như lưỡi dao cạo của chiến đấu cơ Zero tiện đứt lìa bánh lái của chiếc Maurader.
Chiếc Zero vẫn tiếp tục bay thẳng và lướt lên cao, có vẻ như không bị tổn hại, nhưng sau đó chiếc phi cơ bắt đầu một loạt lộn nhào chầm chậm, dần dần mất cao độ và chúi xuống biển hết tốc lực. Vài giây sau đó, chiếc B.26 mất bánh lái xiêng vẹo và lộn nhào liên hồi, phơi bụng lên trên và chúi xuống nước với một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Lập tức, sáu chiến đấu cơ xông tới rót đạn đại bác và đại liên như mưa vào thân cánh các oanh tạc cơ còn lại, chôn ngay một chiếc nữa xuống biển. Năm oanh tạc cơ khác chạy thoát.
Chúng tôi lại đánh Moresby vào ngày 6 tháng Bảy, với 15 chiến đấu cơ hộ tống 21 oanh tạc cơ. Chúng tôi dứt điểm 3 chiến đấu cơ địch nữa.
Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng Bảy, tới phiên đối phương đánh chúng tôi. Ba đêm liên tiếp, chúng tôi co rút như lũ chuột trong các hầm trú ẩn. Lae trở thành một cơn ác mộng của tiếng bom rền hàng loạt từ đầu sân bay đến cuối sân bay, những bựng khói và lửa, của những căn nhà đổ vỡ, của hàng ngàn mảnh bom bay tua tủa. Chắc chắn, đối phương dự định nghiền nát Lae ra như cám. Tuy nhiên họ không bao giờ đạt được mục đích nầy, chúng tôi vẫn còn chiến đấu cơ khả dụng để bay.
Ngày 11 tháng Bảy, chúng tôi vét hết lực lượng oanh tạc cơ để đánh Moresby một lần nữa. Mười hai chiến đấu cơ Zero hộ tống 21 oanh tạc cơ cất cánh từ Rabaul. Trên đường đi, đại úy Sasai phát hiện sáu chiếc B.17 trực chỉ đến phi trường của chúng tôi. Ông tách ra khỏi nhóm hộ tống cùng với năm chiến đấu cơ khác, trong đó có tôi, Nishizawa và Ota. Chúng tôi gây hư hại cho ba oanh tạc cơ, nhưng không hạ được chiếc nào. Trái lái, một chiếc Zero bị bắn cháy và các chiến đấu cơ khác kể cả tôi lảnh nhiều vết đạn.
Với chỉ sáu chiến đấu cơ hộ tống, đội hình của các oanh tạc cơ của chúng tôi bị chiến đấu cơ địch phá rối lúc đến mục tiêu, vì vậy bom thả không chính xác, gây thiệt hại cho địch không bao nhiêu. Việc nầy khiến cho Sasai bị khiển trách nặng nề. Thật sự ông ta đã vi phạm qui luật căn bản của chiến đấu cơ hộ tống: không bao giờ rời bỏ sự bao che các oanh tạc cơ.
Chúng tôi bước qua giai đoạn mới của cuộc hành quân chiến đấu cơ vào ngày 21 tháng Bảy, khi một sư đoàn bộ binh Nhựt đổ bộ Buna, cách phía Nam Lae 110 dặm. Bộ binh lập tức mở đường xuyên qua rừng già dầy bịt trên đảo để tiến đến hải cảng Moresby. Nhìn trên bản đồ, cuộc điều binh không mấy gì khó khăn. Buna giống như một hòn đá được quăng ra từ Moresby để nối liền eo biển giữa nó và bán đảo Papuan. Nhưng tình trạng các hòn đảo rừng rậm trên bản đồ hoàn toàn khác biệt với tình trạng nghiệt ngã phía dưới những tàn cây kín như bưng. Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã sai lầm khủng khiếp và chết người. Trước khi cuộc hành quân nầy chấm dứt, Nhật Bản phải chịu đựng một trong những tai họa bi đát và nhục nhã nhất.
Rặng núi Owen Stangley có lẻ còn cao hơn rặng núi đáng sợ Alps. Nếu chỉ mô tả rừng rậm dầy bịt trên sườn núi không thôi thì e quá dễ dãi. Dưới đời sống của cây cối còn nhiều sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi. Nếu không có những ao đầm, những bãi lầy dưới chân thì cũng phải là những tảng đá bén như dao cạo, những cái dốc thẳng đứng. Đó là không nói đến các loại sên vắt, khí hậu nóng bức đến nghẹt thở, và những chứng bệnh chết người không thể tìm ra nguyên nhân.
Vượt qua băng tuyết trên rặng Alps có lẻ còn dễ dàng hơn hơn vượt qua rừng rậm của dãy núi Owen Stangley. Đơn vị nào lọt ngay vô một bãi lầy thì kể như tiêu luôn. Khí hậu vừa nóng bức vừa ẩm thấp khiến cho các xây sát hoặc vết thương lở loét thêm. Mọi lổ chân lông nước tươm ra cho đến khô cạn. Đồ trang bị hư hại, quần áo rách tả tơi, đôi chân bị cắt nát bấy bởi đá, gai góc và lá cây sắc nhọn như dao.
Trong nhiều tháng ròng rã, lực lượng bộ binh của chúng tôi đã xung đột với một kẻ thù tồi tệ nhứt mà họ chưa từng đối diện bao giờ. Một kẻ thù không có súng ống, không đặt mìn bẩy, nhưng đã lần lượt nuốt trọn hàng ngàn binh sỹ Nhựt. Nhiều đơn vị cũng lập được chiến công siêu phàm, tìm đường lần mò đến gần mục tiêu chỉ định, pháo đài Moresby, trong vòng một dặm. Nhưng các đơn bị nầy đều bị tiêu diệt, đa số chết đói vì loay hoay trong rừng rậm không tìm được lối thoát.
Cuộc tấn công trên bộ là một cựa quậy tuyệt vọng. Trước kia Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã sắp xếp một cuộc tấn công Moresby qui mô, cả hai mặt đường biển và đường bộ. Nhưng kế hoạch nầy đã bị bãi bỏ vào ngày 7 tháng Năm, khi hai hàng không mẫu hạm Nhựt đụng độ với hai hàng không mẫu hạm của địch trên biển San Hô. Đây là trận hải chiến đầu tiên mà tàu cả hai phía không bắn một phát súng nào. Mỗi lực lượng chỉ xử dụng phi cơ oanh tạc lẫn nhau. Chúng tôi thắng trận nầy, nhưng địch quân đạt được mục đích của họ: cuộc tấn công thủy bộ như dự tính đã bị bãi bỏ.
Với cuộc đổ bộ của bộ binh ở Buna, Tổng Hành Dinh Rabaul ra lịnh cho chúng tôi đình chỉ các cuộc tấn công Moresby, và tất cả các phi cơ quay sang không yểm cho cuộc đổ bộ. Cuộc đổ bộ Buna, mà sự thất bại đã nhìn thấy ngay khi nó được phát động, chỉ là một phần trong một cuộc hành quân rộng lớn hơn. Sự thất bại nầy không chỉ do rừng rậm gây ra, nhưng còn do sự thiếu hiểu biết về các vấn đề tiếp vận của giới lảnh đạo chúng tôi. Sự yếm kém nầy, phối hợp với những chuyển động vượt trội của đối phương, một thảm họa đã cầm chắc trong tay.
Cùng lúc với cuộc đổ bộ ở Buna, một đơn vị xung kích đã nhảy lên mũi cực Đông của đảo New Guinea. Làm việc ngày đêm, đơn vị nầy thiết lập được một phi trường mới bên ngoài rừng rậm ở Rabi, với ý định đổ tiếp liệu cho binh sỹ di chuyển từ đầu cầu Buna xuyên qua New Guinea. Thật lạ lùng, địch quân không dội bom lúc công việc thiết lập phi trường nầy còn dở dang, nhưng họ ghi nhận đầy đủ bằng không ảnh do phi cơ thám thính chụp. Tuy nhiên, khi binh sỹ của chúng tôi vừa hoàn tất nhiệm vụ, lực lượng địch đánh úp bất ngờ, và vét tron đơn vị phòng giữ của chúng tôi. Đó là một cú đánh đẹp mắt, Nhật Bản thiết lập phi trường để cho phi cơ của Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi xử dụng.
Nhưng đối phương không hài lòng vớu phi trường của Nhựt có vẻ đơn sơ nầy. Công binh của họ thiết lập những phi đạo mới trong khu rừng với một tốc độ di chuyển đáng kinh ngạc. Oanh tạc cơ hạng trung và chiến đấu cơ của họ di chuyển trên các phi đạo mới nầy, ngay khi công việc còn đang dở dang. Và các cuộc không tập càng lúc càng gia tăng khối lượng phi cơ và bom. Không đêm nào mà không có những chiếc Mitchell và Marauder xuất hiện.
Trong ngày, phi đoàn Lae phải cắt đặt thế nào để luôn luôn có 6 đến 9 chiến đấu cơ hoạt động trên không phận Buna đồng thời phải duy trì một lực lượng để bảo vệ phi trường. Nhiệm vụ bao che ở Buna quá sức chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách ngăn chặn các cuộc không kích qui mô của đối phương nhằm tiêu diệt các đầu cầu đã được thiết lập.
Ngày 22 tháng Bảy, trong một phi vụ bao che gồm sáu chiến đấu cơ Zero, tôi bắn hạ thêm hai phi địch, nâng tổng số nạn nhân của tôi lên 49.
Một vài tuần kế đó, chúng tôi vẫn giữ nhiệm vụ bao che khu vực bãi biển Buna, nhưng vào hạ tuần tháng Bảy chúng tôi phải đương đầu với một giai đoạn mới và xa lạ của cuộc chiến. Lịnh đưa xuống từ Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Đại tá Saito chỉ thị mọi phi công phải mang dù trong khi chiến đấu. Tôi có một cảm giác kỳ lạ với cây dù phía sau lưng và những sợi dây buộc quanh thân. Tôi chưa bao giờ bay với tình trạng như vậy trước đây.
Một lịnh khác đã làm chúng tôi ngơ ngác không khác gì lịnh mang dù. Đại tá Saito ban xuống, từ nay trở về sau không có chiến đấu cơ nào được vượt qua rặng núi Owen Stangley, và lịnh nầy không giải thích lý do.
Chỉ có một dịp duy nhứt, vào ngày 26 tháng Bảy, đã khiến tôi thấy lại hải cảng Moresby. Chúng tôi nghinh chiến 5 oanh tạc cơ Maurader trên không phận Buna, tôi bắn hạ hai chiếc rồi cùng với Sasai và Endo truy đuổi những chiếc còn lại. Chúng tôi vượt qua bên kia rặng núi, trái với lịnh được đưa ra. Đó là lần cuối cùng chúng tôi bay trên căn cứ của địch quân. Tình thế chúng tôi thay đổi nhanh chóng. Vào cuối tuần lễ đầu tiên của tháng Tám, chúng tôi bắt đầu đối diện với những tình trạng mà chúng tôi chưa bao giờ biết đến trước đây. Người Mỹ đã phát động một cuộc đổ bộ qui mô lên đảo Guadalcanal.
Ngày 29 tháng Bảy, đại úy Joji Yamashita trở về Lae, sau một phi vụ tuần thám ở Buna, với một tin tức gây xôn xao cả căn cứ. Lần đầu tiên các phi cơ của ông bị phi cơ của hải quân Hoa Kỳ tấn công. Đại úy Yamashita đã báo cáo với đại tá Saito và trung tá Nakajima rằng chín chiến đấu cơ Zero của ông đã chạm trán với một lực lượng hỗn hợp bao gồm các loại chiến đấu cơ Grumman F4F Wildcat và oanh tạc cơ SBD Dauntless của Hoa Kỳ, được hướng dẫn đến Buna bởi các chiến đấu cơ P39. Theo xét đoán của ông lực lượng nầy phát xuất từ Rabi. Đây là lần đầu tiên các phi cơ của hải quân Hoa Kỳ xuất hiện trong khu vực chiến đấu của chúng tôi.
Tin tức về một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã dy chuyển vô hải phận New Guinea là một điềm dữ, và các sỹ quan tham mưu của chúng tôi có vẻ xao xuyến. Nếu người Mỹ đưa được hàng không mẫu hạm vô hải phận nầy để phóng ra các cuộc tấn công vào Lae, Buna và Rabaul thì chiến thắng của họ ở Midway kể như có thật và đồng thời phủ nhận những mất mát quan trọng của họ trong trận đánh ở biển San Hô. Trước đó, Đông Kinh đã công bố rằng hạm đội của chúng tôi đã tiêu diệt hết hàng không mẫu hạm địch trong các cuộc đụng độ ở biển San Hô và Midway, nếu sự thật đúng như vậy, tại sao lại có một hàng không mẫu hạm trong vùng lân cận của chúng tôi? Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ những công bố chiến thắng mà Đông Kinh luôn luôn lập đi lập lại.
Tuy nhiên, đa số phi công chiến đấu ở Lae đã ghi nhận tin tức với một thái độ khác biệt hoàn toàn. Đêm đó, chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi với các phi công của đại úu Yamashita. Có bao nhiêu phi cơ của hải quân Mỹ? Loại chiến đấu cơ Wildcat có tốt hơn loại chiến đấu cơ P39 và P40 không? Các phi công hải quân Mỹ tài giỏi bậc nào?
Những câu giải đáp của họ đã làm chúng tôi phấn khởi. Phi đội của Yamashita đã hạ 3 oanh tạc cơ Dauntless , 5 chiến đấu cơ Wildcat và 1 chiếc P39 mà không mất một chiếc Zero nào. Do đó những gì có thể xảy ra ở Midway, ở biển San Hô hoặc bất cứ nơi nào khác không còn quan trọng đối với chúng tôi nữa. Chúng tôi chỉ cần biết trong bốn tháng liên tiếp vừa qua chúng tôi luôn luôn chiến thắng, và các phi cơ của hải quân Hoa Kỳ xuất hiện chẳng qua là giúp cơ hội cho chúng tôi chiến thắng nữa.
Ba ngày liền các phi cơ mới của địch không thấy xuất hiện ở Buna. Vào ngày 30, chín oanh tạc cơ B.17 tấn công khu vực đầu cầu đổ bộ, và cuộc tấn công xem như đã đạt hiệu quả. Chín chiến đấu cơ của chúng tôi chỉ bắn rơi được 1 oanh tạc cơ địch. Tôi đã gặt hái được chiến thắng nầy khi tôi đụng đầu với chiếc oanh tạc cơ trên mũi Nelson vớt tất cả hoả lực tập trung vào mũi của nó. Chắc chắn viên phi công chính và phụ đều thiệt mạng, vì chiếc phi cơ khổng lồ đâm chúi xuống biển. Đó là một trong những trận đánh khó khăn nhứt của tôi, vì tôi trở về Lae với nhiều vết thương ở cánh tay phải do đạn địch gây ra. Tôi chỉ thoát chết chỉ trong đường tơ kẻ tóc, và các chuyên viên cơ khí phải làm việc suốt đêm để vá lại hàng chục lổ đạn ở thân và cánh chiếc phi cơ của tôi.
Vào ngày 2 tháng Tám, hình ảnh của những chiếc phi cơ mới của hải quân Hoa Kỳ biến mất trong đầu óc của tôi. Khi ngày sắp hết, lúc bay quần trên Buna ở cao độ 12.000 bộ, chúng tôi phát hiện 5 chấm nhỏ li ti nổi bật trong mây, cách đầu cầu đổ bộ nhiều dặm. Hình như là những chiếc pháo đài bay và ở cùng một cao độ với chúng tôi. Tôi bay dọc theo phi cơ của Sasai và chỉ những oanh tạc cơ đang đến. Ông gật đầu và chúng tôi cùng báo hiệu cho các phi công khác. Chúng tôi vẫn giữ đội hình, bay vòng quanh chầm chậm cho đến khi tiếng máy của năm oanh tạc cơ nghe thấy rõ ràng. Ông giơ tay lên, lắc cánh phi cơ ra lệnh phá vỡ đội hình chữ V của chúng tôi và tấn công trực diện theo hàng dọc. Các bình xăng phụ của chúng tôi được quăng ra.
Chín chiến đấu cơ Zero chống với năm oanh tạc cơ B.17 và hầu hết chín chúng tôi đều là những phi công hàng đầu của Nhật Bản về số điểm chiến thắng. Sasai cầm đầu cuộc tấn công. Ota bay cách 500 thước phía sau ông, tiếp theo là Endo. Tôi ở vị trí thứ tư, cũng cách 500 thước, với hai phi công bên cánh là Yonekawa và Hatori ở phía sau tôi, tức ở vị trí thứ năm và sáu. Nishizawa ở vị trí thứ bảy, kế đó là Takatsuka và cuối cùng là trung sỹ Yashio Sueyoshi. Chín chiến đấu cơ trái dài ra 400 thước và trên đó là những phi công tài giỏi nhứt Nhật Bản.
Các pháo đài bay khép chặt đội hình khi chúng tôi áp sát. Phi cơ Sasai hạ xuống phí dưới chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu rồi vượt lên và từ từ lăn tròn để nhắm “dưới cằm” của phi cơ địch. Giây thứ hai sau khi ông khai hoả và vượt lên, vừa vượt vừa bắn. Từ các oanh tạc cơ, những dòng khói ria ra, nhưng đó là khói của các khẩu đại liên 50. Đội hình của địch vẫn không thay đổi.
Thế rồi Ota lướt đến hàng động giống như Sasai. Tôi nhìn thấy những tia đạn từ phi cơ của hắn trúng vào chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu, và hắn lướt thẳng lên. Một tiếng nổ dữ dội rung chuyển mọi phi cơ xung quanh và bầu trời như bao phủ trong làn khói. Chiếc oanh tạc cơ không còn nhìn thấy nữa. Nó biến mất, tan ra thành muôn ngàn mảnh vụn do bom chất đầy trong phi cơ phát nổ. Đó là một đòn sát thủ ngoạn mục nhứt trên không mà tôi được nhìn thấy ta trước đến nay. Tôi vui mừng khi nhìn thấy phi cơ của Ota vọt lên khỏi màn khói.
Lúc đó Endo cũng nhập cuộc, nhưng vô hiệu vì bị hoả lực chéo dữ dội của các oanh tạc cơ ngăn chặn. Bây giờ tới phiên tôi. tôi kéo cần điều khiển nhè nhẹ về phía sau, chiếc pháo đài bay thứ ba lướt tới phía tôi chầm chậm. Gần hơn nữa và gần hơn nữa, tôi ấn cò súng. Không có tiếng nổ. Đồ ngu. Tôi quên mở khoá an toàn, một sai lầm mà ngay cả những phi công mới biết bay chập choạng cũng không để mắc phải. Tôi lộn nhào thật dữ dội để tránh chiếc B.17 đang lướt đến chỉ còn cách tôi có 20 thước.
Tôi bị hoả lực chéo của các xạ thủ địch. Chiếc Zero lảo đảo khi những viên đạn chọc vô thân, và tôi cảm thấy bị xốc khi nghe tiếng đạn xoi vô chất kim khí. Hiện thời tôi bối rối hẳn, và chiếc phi cơ phơi bụng lên trên. Tôi gạt cần điều khiển thật mạnh sang trái, chiếc Zero lộn nhào thật dữ dội. Tôi lướt qua, nhưng không phải là không bị hư hại. Tôi chửi thề sự ngu dốt của mình, nhưng có chửi thì cũng đã quá muôn. Tôi hạ xuống phía dưới đội hình của đối phương, và vọt cấp tốc về phía các oanh tạc cơ để đánh nữa.
Nishizawa đang quất một cú đẹp mắt, hắn vừa xoay tròn chầm chậm vừa vượt lên, lăn tròn một vòng như chớp khi khoảng cách giữa hắn và phi cơ địch thâu hẹp lại, rồi rót một loạt đại bác vô thùng xăng bên cánh của đối phương. Tức khắc, lửa túa ra, lan thật mau, và trong một vài giây chiếc pháo đài bay biến thành một cuộn lửa khổng lồ. Lửa hực hở theo chiều gió dọc theo thân chiếc phi cơ trôi tuồn tuột, rồi mũi cắm xuống đất. Lúc ấy Sasai đã quay trở lại chụp hoả lực lên chiếc một oanh tạc cơ từ mũi đến đuôi ở khoảng cách chỉ khoảng 150 thước. Thân chiếc phi cơ lãnh đạn lộn nhào về phải, mất kiểm soát. Tôi thấy lửa thò ra từ trong thân chiếc phi cơ, lan tới phòng lái và tháp súng thứ hai. Lửa dữ dội hơn trong vòng hai phút và một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, đánh dấu sự hủy diệt của chiếc B.17 thứ ba.
Tôi vượt lên theo hình thắt nút dây, căng mắt dõi theo hai chiếc oanh tạc cơ cơ còn lại, chúng đàng rẽ về hai hướng khác nhau. Một chiếc đang hướng đến một mõm núi chởn chơ, một chiếc quay ra biển. Tôi đang theo hướng chiếc đang bay ra biển gần nhứt. Chiếc B.17 chao đảo liên hồi khi tôi cố chụp lên buồng lái và bên cánh của nó bằng những loạt đạn tầm dài. Có điều lạ là chiếc phi cơ không chịu buông sức nặng trong mình ra. Nó vẫn trốn chạy với những trái bom mang theo. Tôi chúi xuống để lấy đà rồi lại vượt lên từ phía dưới chiếc oanh tạc cơ và khép khoảng cách vào phía cánh trái của nó. Chiếc B.17 lớn hơn, lớn hơn nữa trong mắt tôi. Tôi vồ ngược lên, và đưa mắt nhìn những viên đạn chọc thủng cánh trái của nó. Thế giới như đổ sụp. Một màn ánh sáng gay gắt hừng hực tràn ngập bầu trời khiến tôi thấy tối tăm mặt mũi. Có một bàn tay không lồ tóm lấy chiếc Zero và lắc qua lắc lại thật dữ tợn. Tai tôi điếc câm và tôi nghe mùi máu ứa ra từ trong mũi ra. Pháo đài bay thứ tư đã ra đi vĩnh viễn. Mỗi chiếc đều bị hủy diệt với chính những trái bom mang bên trong. Hiện thời chỉ còn lại một chiếc đang chạy về phía dãy núi. Tám chiến đấu cơ Zero ùa theo, giương nanh múa vuốt như lũ chó săn bu quanh một con heo rừng. Tuy nhiên mấy chiếc Zero khó bắt kịp chiếc B.17, vì lẽ nó đã thả hết bom và gia tăng tốc lực. Hướng bay của nó cắt ngang qua mũi của tôi, tôi nhận thấy đó là một dịp may để ngăn chặn trước khi nó tiến sâu vô đất liền.
Ngay khi gia tăng hết tốc lực lướt về phía trước, tôi phát hiện ba chiếc Airacobra ào xuống từ phía Đông và tiến sát vào tám chiến đấu cơ Zero đang truy địch. Ba chiếc P39 bắt đầu vượt lên, định chụp mấy chiếc Zero lơ đảng. Tôi xoay một vòng thật rộng, cũng với ý định chụp trước ba chiếc P39 “lơ đảng” nầy.
Ngay khi chiếc P39 đầu tiên vừa đặt chiếc Zero bay cuối vào vòng ngắm thì tôi chúi xuống thật nhẹ nhàng. Chắc viên phi công địch sẽ không bao giờ biết được những gì đã xảy ra, ngay lập tức một loạt đạn đại bác và đại liên của tôi đã nghiền nát thân phi cơ địch ra từng mảnh, một cái cánh bay ngang qua thân chiếc Zero của tôi. Tiếng súng tôi đã báo động cho tám chiến đấu cơ Zero và lập tức hai chiếc Zero xoay thân và chúi xuống theo hình trôn ốc và rớt ngay xuống hai chiếc P.39 kia, diễn tiến chỉ trong vòng một giây. Tôi ghi nhận đó là hai viên phi công vô địch Nishizawa và Ota. Mỗi người chỉ thổi một quả đại bác, và hai chiếc Airacobra biến thành cây đuốc rớt xuống.
Nhưng nhiệm vụ trên không vẫn chưa chấm dứt chiếc oanh tạc cơ còn sống sót đã bỏ đất liên để quay ra biển. Tốc lực của nó có vẻ sút giảm, và với máy móc đã hư hỏng, việc chiếc oanh tạc cơ nầy bị chúng tôi kéo xuống đất chỉ là vấn đề của thời gian.
Trở về Lae, khi chúng tôi cho các chuyên viên cơ khí biết đã tiêu diệt được 5 pháo đài bay, họ nhảy nhót vui mừng. Năm pháo đài bay và ba Airacobra, một ngày làm ăn khá khiển
CHƯƠNG XV
Ngày 3 tháng Tám, Rabaul gọi về hầu hết những phi công được chỉ định đến Lae trước đây. Việc thuyên chuyển nầy khiến chúng tôi hân hoan, vì nó hứa hẹn thoát khỏi các phi vụ tuần tiểu Buan và thoát khỏi cảnh bị oanh tạc hàng đêm. Chúng tôi không mang theo vật gì cả, vì tin rằng sớm sẽ trở về. Chúng tôi sai lầm, bốn ngày đầu tiên ở Rabaul, chúng tôi phải thực hiện những phi vụ càn quét ở Rabi. Màn lưới chiến đấu cơ đã được đối phương thiết lập nhanh chóng trên hòn đảo nầy, có thể so sánh với căn cứ Moresby.
Ngày 8 tháng Tám, sau khi nhận lịnh tuần thám của Bộ Chỉ Huy, chúng tôi bước ngang qua phi đạo để tiến đến các chiến đấu cơ của chúng tôi. Lúc hầu hết 18 phi công đều ngồi trong phòng lái, nhiều liên lạc viên chạy ra la lớn rằng phi vụ bị bãi bỏ. Chúng tôi lập tức trở lại trình diện Bộ Chỉ Huy. Nơi đây đang lên cơn sốt. Liên lạc viên và nhần viên đưa tin chạy tới chạy lui. Các sỹ quan lướt qua chúng tôi với vẻ mặt đầy khẩn trương. Trung tá Nakajima, cầm đầu phi vụ hôm nay, bước ra khỏi văn phòng của Đô Đốc, nói lớn với chúng tôi với vẻ tức tốc: “Phi vụ bị bãi bỏ. Chúng ta sẽ đi nơi khác.”. Ông chỉ một nhân viên đưa tin: “Anh, lấy cho tôi một bản đồ coi, mau lên!”.
Ông trãi bản đồn trên một cái bàn rộng và bắt đầu vạch một đường thẳng với một chiếc Compa. Ông cúi gầm trên bản đồ, không mảy mau lưu ý đến bọn phi công chúng tôi. Tôi hỏi đại úy Sasai xem ông có biết việc gì xảy ra không. Sasai hỏi Nakajima và chỉ nhận mấy câu càu nhàu, rồi vị chỉ huy trưởng không đoàn ba chân bốn cẳng vô văn phòng của Đô Đốc. Vài phút sau ông trở ra, và ra dấu cho các phi công tụ họp quanh ông. Những tiếng nói của ông không khác nào một trái bom: “Vào lúc 5 giờ 20 phút sáng nay, một lực lượng địch vô cùng mạnh mẽ bắt đầu đổ bộ lên Lunga, ở cuối bãi phía Nam của đảo Guadalcanal. Theo các báo cáo sơ khởi của chúng ta, người Mỹ đã ném lên hòn đảo nầy một khối lượng người và trang bị khủng khiếp. Cùng lúc, họ cũng mở ra các cuộc tấn công ở Tulagi, trên đảo Florida. Tất cả thủy phi cơ của chúng ta tiêu không còn một chiếc. Khi vị tư lịnh thảo xong kế hoạch, chúng ta sẽ cất cánh lập tức hướng đến Guadalcanal để tấn công các lực lượng địch trên bãi biển.”
Liên lạc viên phát bản đồ cho mỗi phi công. Chúng tôi xem xét và nghiên cứu hòn đảo còn xa lạ đó đối với chúng tôi, nhưng bỗng nhiên trở thành quan trọng nầy. Nhiều người bàn tán: “Ở đâu lại hiện ra hòn đảo trời đánh nầy?”. Một phi công nổi nóng la lên: “Ai đã từng nghe đến tên của một nơi chó chết như vậy chưa?”.
Chúng tôi tính khoảng cách từ Rabaul đến Guadalcanal. Không tin nổi. Xa đến 560 dặm. Chúng tôi sẽ phải bay đi tấn công các đầu cầu đổ bộ của địch quân và trở về với khoảng cách đó. Khoảng cách chưa từng nghe nói đến. Điều nầy nghĩa là đường bay khứ hồi dài hơn 1.100 dặm, đó là không kể trường hợp gặp bão hoặc đụng độ giữa đường.
Như vậy cũng đủ để mọi suy luận ngưng lại. Chúng tôi lặng yên để nghe vị chỉ huy trưởng đưa ra lịnh mới. Vừa lúc ấy một liên lạc viên chạy ùa vô văn phòng Đô đốc với những báo cáo mới đưa về từ mặt trận. Chúng tôi nghe một binh sỹ đưa tin nói với Nakajima rằng tất cả liên lạc với Tulagi đều bị cắt đứt, và quân phòng ngự ở đó đã hy sinh đến người cuối cùng.
Nghe tin, mặt Sasai tái đi. Tôi phải hỏi năm lần bảy lượt xem có phải ông ta đau ốm hay không. Cuối cùng nhìn đăm đăm về phía trước, ông nói thì thầm: “ Anh rể tôi chiến đấu ở Tulagi.” Nếu Tulagi bị địch quân chiếm đóng, anh rể của ông ta, thiếu tá Yoshiro Tashiro không thể nào sống sót được. Ông ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. (Cái chết của ông ta được xác nhận sau đó).
Nakajima ban lịnh: “ Các anh sắp thực hiện một phi vụ chiến đấu dài nhất trong lịch sử,” ông thông báo cho chúng tôi. “ Đừng dựa vào dịp may vu vơ nào ở hiện tại. Hãy hành động đúng theo lịnh đã đưa ra và quan trọng nhứt, đừng bay một cách liều mạng và phí phạm xăng nhớt của các anh. Phi công nào hết xăng trên đường từ Guadalcanal trở về, kẻ đó phải đáp xuống đảo Buka. Lực lượng Nhựt trên đảo nầy đã được chỉ thị phải theo dõi các phi cơ của chúng ta. “Hiện tại, để bay đến Guadalcanal và trở về Buka có nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện một không trình khứ hồi dài bằng không trình từ Tainan đến phi trường Clark ở Philippine trước đây. Tôi chắc chắn chúng ta có thể bay suốt khoảng cách mới nầy mà không gặp rắc rối. Nhưng biết đâu chuyện bất ngờ, do đó tôi lặp lại lời cảnh báo: “ Đừng phí phạm nhiên liệu.”
( Tại Đông Kinh sau chiến tranh, trung tá Nakajima có nói với tôi rằng Đô Đốc muốn ông đưa hết chiến đấu cơ khả dụng ở Rabaul đến Guadalcanal vào ngày 7 tháng Tám. Nakajima phản đối, ông cho rằng chỉ nên mang theo mười hai phi công tài ba nhứt bên cánh của ông mà thôi. Bởi lẻ ông phỏng đoán phải mất ít nhứt phân nữa số người của ông trong nhiệm vụ quá xa như vậy. Hai người thảo luận dằn co cho đến khi đạt được sự đồng ý với con số 18 chiến đấu cơ .)
Ngay khi nhận lịnh các phi công chia ra làm từng tổ ba người. Tôi nói với Yonekawa và Hatori, hai phi công bên cánh của tôi: “Các bạn sẽ gặp bọn phi công hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên trong ngày hôm nay. Bọn họ sẽ nắm hẳn ưu thế do khoảng cách mà chúng ta phải bay. Hai bạn phải luôn luôn cẩn trọng trong mọi chuyển động của mình. Tốt hơn hết là các bạn đừng bao giờ rời xa khỏi tôi. những gì xảy ra, những diễn biến xung quanh chúng ta không thành vấn đề, cứ bám chặt lấy phi cơ của tôi được chừng nào hay chừng nấy. Hãy nhớ, đừng có bay xa ra.”
Chúng tôi chạy ra phi cơ và chờ phi đạo trống trãi. Hai mươi bảy oanh tạc cơ Betty cất cánh trước chúng tôi. Trung tá Nakajima đứng trên phòng lái của ông vẫy tay. Lúc 8 giờ 30 sáng, tất cả chiến đấu cơ đều ở trên không. Nhân viên bảo trì và các phi công ở lại xếp hàng hai bên phi đạo vẫy nón chào và chúc chúng tôi may mắn. Thời tiết đẹp, nhứt là ở Rabaul. Ngay cả núi lửa cũng im tiếng. Nó ngưng phun phún thạch từ tháng Bảy, và chỉ còn nhả ra một giòng khói mỏng lã ngọn về phía Tây.
Chúng tôi giữ các vị trí hộ tống phía sau nhóm oanh tạc cơ. Tôi đã ngạc nhiên khi biết được mấy chiếc Betty nầy mang bom thay vì thủy lôi, vũ khí thông thường để tấn công tàu chiến. Điều nầy khiến tôi lo lắng. Tôi biết rõ vấn đề tấn công các mục tiêu di chuyển trên mặt biển từ cao độ. Hồi ở Buna, mặc dù các oanh tạc cơ B.17 địch có tiếng là oanh tạc chính xác, nhưng chúng đã phía hầu hết số lượng bom thả xuống các tàu chiến của chúng tôi.
Chúng tôi gia tăng cao độ lên 13.000 bộ rồi bay về phía Đông đến đảo Buka. Đây là hòn đảo xinh đẹp đặt biệt, cách Rabaul khoảng 60 dặm. Màu xanh tươi sáng, và giống như hình móng ngựa, hòn đảo san hô nầy có cái tên ghi trên bản đồ là Đảo Xanh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng quang cảnh đầy màu sắc và hấp dẫn phía dưới sẽ cứu mạng tôi sau nầy.
Trên không phận Buka, các đội hình của chúng tôi xoay hướng về Nam, dọc theo bờ biển phía Tây Bougainville. Mặt trời chiếu xuyên qua mây. Sự oi bức khiến tôi khát nước, và đây cũng là hiện tượng mà chúng tôi thỉnh thoãng cảm thấy khi tiến vô đất địch. Tôi lấy một chai soda trong hộp thức ăn và, không suy nghĩ, tôi mở nút. Tôi quên khuấy độ cao. Ngay khi nút chai vừa bật, nước soda vọt lên dữ dội, áp lực thoát ra trong không khí hiếm hoi. Trong nhiều giây, nước soda bao phủ hết mọi thứ trước mắt tôi. Chất đường trong nước khô lại trên kiếng đeo mắt khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi chửi thề cho sự ngu đần của mình. Mất hết 40 phút tôi mới lau sạch hết mọi thứ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn cười hơn. Lúc tôi có thể nhìn mọi hướng, chúng tôi đang lướt trên đảo Vella Lavella, nằm giữa đường Rabaul và Guadalcanal.
Bay ngang New Georgia, chúng tôi gia tăng độ cao và lướt qua Russell ở 20.000 bộ. Cách năm mươi dặm trước mặt chúng tôi, Guadalcanal hiện ra lờ mờ trên mặt nước. Ngay cả ở khoảng cách xa nầy, chúng tôi cũng nhìn thấy ánh lửa mà vàng hực nổ bật trên nền trời xanh trên hòn đảo đang tranh chấp. Hiển nhiên các trận đụng độ đã xảy ra giữa những chiến đấu cơ đến từ các căn cứ khác hơn Rabaul và phi cơ bao che của địch quân. Tôi nhìn xuống bờ biển phía Bắc Guadalcanal. Trong eo biển nằm giữa Guadalcanal và Florida, hàng mấy trăm vệt màu trắng chạy ngang dọc trên mặt nước, tàu chiến của địch quân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều chiến hạm và chuyển vận hạm một lần như thế nầy.
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc hành quân thủy không hỗn hợp của Hoa Kỳ. Một cuộc hành quân không thể nào tin nổi. Có ít nhứt 70 chiến hạm tiến vào các bãi biển, hàng chục khu trục hạm chạy quanh quẩn bên ngoài, và nhiều chiến hạm ẩn hiện dưới chân trời, khoảng cách quá xa khó có thể phân biệt hoặc đếm được.
Lúc ấy các oanh tạc cơ chầm chậm vung rộng để thả bom. Ngay phía trên các phi cơ nầy là những đám mây nhỏ treo lơ lững ở cao độ 13.000 bộ. Phía bên phải và ở trên mặt trời sáng chói loà, xoá nhoà mọi thứ trước mắt. Tôi cảm thấy bất an, vì chúng tôi không thể nào nhìn thấy được chiến đấu cơ nhào xuống từ góc đó. Điều lo sợ của tôi đã sớm thành sự thật. Không một dấu hiệu nào báo trước, sáu chiến đấu cơ địch thình lình nhô ra khỏi ánh sáng loé mắt. Chỉ cần liếc qua, tôi nhận ngay những phi cơ nầy to lớn hơn mọi loại chiến đấu cơ Mỹ mà chúng tôi thường đụng độ. Tất cả đều sơn màu ô liu, chỉ phía dưới cánh là sơn màu trắng. Đó là loại chiến đấu cơ Wildcat, Grumman F4F lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
Mấy chiếc Wildcat, không biết có sự hiện diện của các chiến đấu cơ Zero, chúi xuống tấn công các oanh tạc cơ. Nhiều chiến đấu cơ của chúng tôi xông tới, và một số khai hoả ngoài tầm hy vọng xua đuổi phi cơ địch. Sau chiếc Wildcat cùng lộn nhào và chúi xuống biến mất. Phía trên mặt nước cạnh đảo Savo, các oanh tạc cơ bắt đầu thả bom xuống nhóm chuyển vận to lớn của địch quân. Tôi nhìn theo hướng bom rớt. Những cuộn nước dâng cao khỏi mặt biển, nhưng chiến hạm địch vẫn lướt tới, không hề rối loạn.
Hiển nhiên, cố gắng thả bom cho trúng các chiến hạm đang chạy từ độ cao bốn dặm, là một việc làm ngu dại. Tôi không thể nào hiểu được tại sao không xử dụng loại thủy lôi đã từng chứng tỏ sự hữu hiệu trong quá khứ. (Ngày hôm sau các oanh tạc cơ quày lại, lần nầy mang theo thủy lôi để tấn công ở cao độ thấp. Nhưng bấy giờ thì đã trễ rồi. Nhiều chiến đấu cơ địch bu quanh các oanh tạc cơ đông như kiến, và nhiều chiếc bị nhận đầu xuống biển trước khi tiến đến được mục tiêu.). Sau khi trút hết bom, các oanh tạc cơ lãng qua trái và gia tăng tốc lực để trở về Rabaul. Chúng tôi hộ tống qua khỏi Russell, bên ngoài tầm hoạt động của chiến đấu cơ địch, và quày lại Guadalcanal. Lúc ấy khoảng 1 giờ 30 chiều. Chúng tôi lướt qua Lunga, tất cả 18 chiến đấu cơ Zero đều chuẩn bị lâm trận. Một lần nữa, trong ánh mặt trời mù loà, mấy chiếc Wildcat nhào xuống nhóm phi cơ của chúng tôi. Tôi là phi công duy nhứt phát hiện cuộc tấn công và lập tức, tôi chĩa mũi chiếc phi cơ của tôi thẳng đứng lên với những chiếc khác tiếp theo sau. Mấy chiếc Wildcat lại phân tán vào chúi xuống nhiều hướng khác nhau. Chiến thuật lẩn tránh của đối phương không có vẻ rối loạn, vì lối lẩn tránh nầy chỉ là để lẩn tránh mà thôi. Hiển nhiên phi công Mỹ không có ý định quyết chiến hôm nay.
Tôi quay lại để kiểm soát các phi cơ bên cánh cỉa tôi. Nhưng, nhìn khắp nới, tôi vẫn không thấy Yonekawa và Hatori ở đâu. Phi cơ của Sasai, với hai sọc xanh kẻ dọc theo thân, trở lại đội hình với nhiều chiến đấu cơ khác bay thành hàng phía sau ông. Nhưng vẫn không có hai phi cơ bên cánh của tôi.
Cuối cùng, tôi nhìn thấy họ bay khoảng 1.500 bộ phía dưới tôi. Tôi há hốc miệng. Một chiếc Wildcat đơn độc truy đuổi ba chiến đấu cơ Zero đang cuốn cuồng lẩn trốn.
Tôi lắc cánh để báo hiệu cho Sasai và chúi xuống. Chiếc Wildcat đang bám sát, rót đạn vô cánh và đuôi của một chiếc Zero. Trong lúc khẩn cấp, tôi bắn vội một viên đại bác. Lập tức chiếc Wildcat lảng ra bằng cách lộn nhào một vòng về phía phải, quành thật ngặt rồi vượt thẳng lên phi cơ của tôi. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một chiếc phi cơ địch nào bay mau lẹ và đẹp mắt như vậy. Mỗi giây các họng súng của nó mỗi chỉa vô sát bụng của tôi hơn. Tôi lăn thật nhanh để tránh né. Chiếc Zero rùng mình khi tôi hạ tốc độ xuống. Vồ trật viên phi công địch lộn ngược trở lại. Tôi tăng tốc độ, lộn nhào về bên trái. Ba lần lộn nhào, tôi cho chiếc Zero xoay tít để rớt xuống tạo một vòng xoay hình trôn ốc. Chúng tôi vẫn giữ hai chiếc phi cơ xoay theo hình trôn ốc. Tim tôi đập liên hồi và đầu tôi như có sức mạnh ngàn cân đè lên. Mắt tôi nổ đom đóm. Tôi cắn chặt răng chịu đựng. Nếu kẻ nào bỏ cuộc đầu tiên, lảng ra một hướng để giải toả áp lực, kẻ ấy sẽ đi đời.
Trên vòng xoay thứ năm, chiếc Wildcat hơi lơi ra. Tôi sẵn sàng, nhưng đối thủ chúi mũi xuống, gia tăng tốc lực và, một lần nữa, viên phi công địch nắm vững cần lái. Đáng nể !
Tuy nhiên, hắn đã tạo ra sai lầm ngay phút kế đó. Thay vì tiếp tục vung trở lại vòng xoay thứ sáu, hắn nhấn thêm tốc lực, phá vỡ một góc vòng xoay và lộn nhào theo hình thắt nút dây. Tôi chỉa mũi ngay phía sau, cắt ngang đường bay của hắn. Và tôi cứ cắt như vậy nhiều lần, khiến cho hình thắt núy dây của hắn càng lúc càng thâu hẹp lại. Khi hai phi cơ còn cách nhau 50 thước, chiếc Wildcat bỏ lối bay cũ để vượt thẳng lên. Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy lối tránh né nầy. Ở khoảng cách hiện thời, tôi không cần xử dụng đại bác 20 ly. Tôi rót 200 viên đạn đại liên vô phòng lái, nhìn thấy đạn xoi thủng lớp kim khí mỏng và phá tan kiếng chắn gió của chiếc Wildcat.
Tôi không thể tin nỗi vào đôi mắt của mình. Chiếc Wildcat vẫn tiếp tục bay như không có việc gì xảy ra. Nếu phòng lái bị lãnh đạn như vậy, một chiếc Zero sẽ bốc cháy lập tức. Tôi không sao hiểu nổi. Tôi gia tăng tốc lực, tiếp tục áp sát đối thủ, vừa đúng lúc chiến đấu cơ địch mất tốc lực. Trong một thoáng, tôi đã ở phía trước chiếc Wildcat mười thước. Tôi đưa lưng, chuẩn bị lãnh đạn của đối phương.
Không một viên đạn nào bay đến! Các khẩu súng của chiếc Wildcat vẫn im lặng. Tôi hạ tốc độ cho đến khi hai phi cơ bay song song. Tôi mở cửa buồng lái để nhìn. Tôi có thể nhìn thấy viên phi công địch rõ ràng. Một người khổng lồ với gương mặt bầu bĩnh, mặt quân phục ka ki nhạt, có vẻ đứng tuổi.
Chúng tôi bay song song nhiều giây trong đội hình kỳ quái của chúng tôi. Đôi mắt chúng tôi gặp nhau qua khoảng không gian nhỏ hẹp giữa hai chiếc phi cơ. Chiếc Wildcat như một đống sắt vụn. Nhiều lổ đạn soi thủng ở thân và cánh từ bên nầy suốt qua bên kia. Bánh lái chiếc phi cơ te tua, những miếng kim khí chỉa ra giống như một bộ xương. Tôi có thể hiểu tại sao viên phi công không khai hoả: máu đẩm ướt đôi vai và chảy thành nhiều vệt xuống ngực hắn. Vậy mà phi cơ của hắn vẫn còn bay không thể tin nổi.
Nhưng tôi không thể hạ sát một người bất động, mang đầy thương tích, trong một chiếc phi cơ chỉ còn là một đống sắt vụn. Tôi giơ nắm tay trái lên lắc lắc la lớn, biểu hắn hảy đánh nhau thay vì bay giống như một con bồ câu đất, mặc dù tôi biết chuyện đó khó thể xảy ra. Viên phi công Mỹ nhìn tôi có vẻ hoảng sợ, hắn giơ tay phải lên vẩy vẩy một cách yếu ớt.
Tôi chưa bao giờ có cảm giác kì dị như thế nầy. Tôi đã giết nhiều người Mỹ trên không, nhưng đây là lần đầu tiên, trước một đối thủ kiệt lực mang đầy thương tích, tôi lại ngần ngừ. Tôi không biết có nên dứt điểm hắn hay không. Nhưng ý nghĩ của tôi rõ ràng là ngù ngờ. Bị thương hay không, hắn cũng là kẻ thù, một kẻ thù vừa hạ ba đồng bạn của tôi vài phút trước đây. Tuy nhiên, thật sự tôi muốn hạ chiếc phi cơ hơn là hạ viên phi công.
Tôi lùi lại và lướt đến sau đuôi chiếc Wildcat. Viên phi công cố thu hết năng lực cuối cùng để đưa chiếc phi cơ của hắn lướt lên. Tôi nhắm đầu máy và ấn cò đại bác. Một tiếng nổ bùng với lửa và khói túa ra. Chiếc phi cơ lộn nhào và viên phi công nhảy dù ra ngoài. Phía dưới tôi, gần đúng trên bãi biển Guadalcanal, chiếc dù bung ra. Cuối cùng, tôi thấy viên phi công đáp xuống bãi biển.
Ba chiến đấu cơ Zero khác đã trở về kết hợp bên cánh của tôi. Chúng tôi vượt lên và quay trở lại hòn đảo để kiếm phi cơ địch nữa. Đạn cao xạ bắt đầu nổ quanh chúng tôi. Chỉ vài giờ sau khi đổ bộ, các giàn cao xạ hạng nặng của địch quân đã được thiết lập trên bãi biển. Tôi biết rằng những lực lượng Nhật phải mất ít nhất ba ngày sau khi đổ bộ mới thiết dựng được các vị trí phòng không. Tốc độ di chuyển chiến cụ lên bờ của người Mỹ nhanh chóng đến mức kinh ngạc.
Tôi trở lại cao độ 7.000 bộ với ba chiến đấu cơ phía sau. Chúng tôi bay xuyên qua những đám mây, lần đầu tiên trong suốt mấy năm chiến đấu, tôi bị một phi cơ địch vồ mà không hay biết. Tôi cảm nghe một tiếng phụp thật mạnh và một lổ hỏng nữa phân xuất hiện trên kiếng chắn gió bên trái của tôi. Lổ hỏng chỉ cách tôi vài phân.
Tôi vẫn không nhìn thấy chiếc phi cơ nào khác trên không. Có lẻ viên đạn từ mặt đất bắn lên. Sau đó, tôi mới nhìn thấy loáng thoáng một chiếc oanh tạc cơ địch, không phải một chiến đấu cơ, đang lủi vô mây. Sự liều lĩnh của viên phi công địch đáng sợ. Với một chiếc oanh tạc cơ chậm chạp, hắn dám giỡn mặt với ba chiến đấu cơ Zero của chúng tôi.
Chớp mắt, tôi đã ở phía sau đuôi hắn. Chiếc Dauntless nhô lên hụp xuống nhiều lần rồi thình lình chui vô một đám mây. Đâu thể để mất con mồi dễ dàng như vậy, tôi đeo dính hắn. Khoảng một vài giây, tôi chỉ thấy một màu trắng xoá khi chúng tôi lướt xuyên qua một đám mây dày đặc. Kế đó, chúng tôi bay ra khoảng trống, tôi tiến sát như chớp và khai hoả. Tên xạ thủ phía sau đuôi chiếc oanh tạc cơ ngã chúi trên khẩu súng của hắn. Một loạt đại bác nữa rót vô đầu máy. Chiếc Dauntless lộn về phía trái mấy vòng, rồi chúi xuống dữ dội. Yonekawa thấy viên phi công nhảy dù ra. Đó là sát thủ thứ sáu mươi của tôi.
Trở lên 13.000 bộ, tôi tìm kiếm những phi cơ khác của chúng tôi nhưng không thấy. Một vài phút sau, bay trên bờ biển Guadalcanal, tôi phát hiện một nhóm phi cơ bay cách phía trước mặt nhiều dặm. Tôi báo hiệu cho hai phi cơ bên cánh và lướt đến. Không lâu, tôi đếm rõ tám phi cơ địch tất cả, bay làm hai nhóm. Tôi ra dấu đánh nhóm bên phải nhường nhóm bên trái cho ba chiếc Zero theo sau tôi. Đối thủ bay trong một đội hình rất chặt chẽ, hình như là chiến đấu cơ Wildcat. Tôi có thể lướt từ dưới lên đánh tập hậu, và có thể hạ hai chiếc trong loạt khai hoả đầu tiên. Tôi tiến sát được chừng nào hay chừng nấy. Khoảng cách còn 200 thước, rồi 100 – 70 – 60 thước.
Tôi đã lọt vô bẩy! Phi cơ địch không phải chiến đấu cơ mà là oanh tạc cơ. Loại Avenger trang bị thủy lôi, loại oanh tạc cơ mà tôi chưa từng thấy trước đây. Từ phía sau, Avenger trong giống như chiến đấu cơ Wildcat, nhưng khi lại gần mới thấy kích thước đồ sộ của nó với hai tháp súng trên lưng và dưới bụng đều trạng bị đại liên 50.
Hèn chi chúng bay theo một đội hình chặt chẽ như vậy. Mấy chiếc Avenger đang đợi tôi, và bây giờ tôi bị chụp ở cả hai bên phải và trái với 16 khẩu đại liên một lúc. Tôi gia tăng tốc lực khẩn cấp. Tôi không thể giảm tốc lực để quay lưng. Nếu tôi bỏ chạy hoặc lộn nhào tôi sẽ lãnh đạn vô chiếc bụng phơi trần tức khắc. Chỉ còn một cách để chọn, cứ lướt đến và khai hoả tất cả vũ khí trong tay. Tôi ấn nút hoả lực, hầu như cùng một lúc với tất cả súng của địch quân. Tiếng đại bác và đại liên lấn át mọi tiếng động khác. Khi hai oanh tạc cơ bốc cháy, đối phương chỉ cách trước mặt tôi hai mươi thước. Đó là tất cả những gì mà tôi nhìn thấy. Một tiếng nổ dữ dội như chà nát thân thể tôi. Tôi cảm thấy hai lỗ tai như bị muôn ngàn lưỡi dao đâm thủng. Thế giới bừng lên trong lửa đỏ và đôi mắt tôi như mù hẳn.
(Ba phi công bay theo tôi về báo cáo vớu chỉ huy trưởng không đoàn rằng họ đã nhìn thấy hai chiếc Avenger rớt xuống cùng với chiếc phi cơ của tôi. Họ còn cho biết thêm, hai phi cơ địch kéo hai vệt lửa và khói thật dài. Đó là nạn nhân chánh thức thứ 61 và 62 của tôi. Nhưng một báo cáo chánh thức của người Mỹ phủ nhận sự mất mát các oanh tạc cơ Avenger cất cánh từ ba hàng không mẫu hạm hoạt động ở phía Tây Nam Guadalcanal. Có lẻ hai phi cơ đã trở về tàu được. Khi chiếc Zero của tôi chúi xuống, với tôi hôn mê bất tĩnh trong buồng lái, cả ba chiếc Zero cùng chúi với tôi. Họ đã bỏ dỡ cuộc săn tìm khi tôi biến mất trong một đám mấy sà thấp.)
Trong nhiều giây trôi qua tôi mới hồi tĩnh. Một luồng gió lạnh và mát mẽ quất vào tôi, xuyên qua tấm kính chắn gió đã vỡ nát. Nhưng tôi vẫn còn mất cảm giác. Mọi vật đều mờ mờ ảo ảo. Đầu tôi ngã hẳn về phía sau, ngoẻo trên tựa đầu. Tôi cố nhìn, nhưng mọi vật chập chờn nhảy múa trước mắt tôi. Phòng lái hình như đã mở ra, kiếng bể nát hết, gió du tôi vào cơn mê nửa tĩnh. Tôi không cảm thấy gì khác hơn là một sự chìm đắm êm ã dịu dàng. Tôi muốn ngũ. Tôi cố gắng và biết rằng tôi đã bị bắn trúng, rằng tôi đang hấp hối, nhưng tôi không hề cảm thấy sợ hãi. Nếu chết là như thế nầy, không đau đớn, thì có gì đáng lo.
Tôi đang ở trong một thế giới đầy mộng mị. Một sự ngây ngất tràn đầy trong trí não tôi. Ảo ảnh bơi lội phía trước tôi. Với sự ngạc nhiên, tôi nhìn thấy khuôn mặt má tôi rõ rệt. Bà kêu lên: “Xấu hổ chưa! Xấu hổ chưa! Thức dậy đi, Saburo, thức dậy đi! Con làm như đàn bà con gái không bằng. Con đâu phải là một tên hèn nhát! Thức dậy đi!”.
Dần dần tôi cảm biết những gì đang xảy ra. Chiếc Zero lao về phía Đông giống như một hòn đá. Tôi cố mở mắt ra và nhìn quanh, thấy màu sáng chói, hực hở của lửa. Tôi nghĩ rằng chiếc phi cơ đang bốc cháy. Nhưng tôi không nghe một mùi khói. Tôi vẫn choáng váng.
Tôi nháy mắt nhiều lần. Sao lại như vậy? Mọi vật đều màu đỏ hết ! Tôi đưa tay sờ soạng. Cần lái! Tôi nắm lấy nó. Vẫn không thấy gì hết. Tôi kéo cần lái lại phía sau. Nhẹ nhàng. Chiếc phi cơ bắt đầu gượng lại từ sức chúi xuống, lấy lại thăng bằng và vượt lên. Áp lực của gió giảm bớt, không còn quật mạnh vô mặt tôi nữa. Một ý nghĩa đầy kinh hãi bao trùm lấy tôi. Tôi có thể bị mù! Tôi không bao giờ có cơ hội trở về Rabaul!
Tôi hành động theo linh tính. Tôi đưa tay tráu về phía trước để nắm lấy cần gia tăng tốc độ. Tay tôi bất động. Tôi cố co mấy ngón tay lại. Không có một cảm giác nào cả. Đúng là nó đã liệt hẳn. Tôi nhấn hai chân lên bàn đạp bẻ lái. Chỉ có chân mặt của tôi còn chuyển động, và chiếc Zero lạng qua một bên khi bàn đạp bị ấn xuống. Chân trái của tôi tê liệt. Tôi nghiến răng cố gắng cử động lại một lần nữa. Vô ích.
Cả thân bên trái của tôi hình như đã bị tê liệt. Trong nhiều phút tôi cố cử động chân và tay trái, nhưng không thể nào cử động được. Tôi không nghe đau đớn. Thật khó hiểu.
Đôi má tôi ướt đẫm. Tôi đang khóc. Hai hàng lệ chảy xuống. Khối nặng trĩu trong lòng mắt tôi bắt đầu trôi đi. Nước mắt đã lau sạch máu đọng trong mắt tôi.
Tai vẫn còn điếc câm, nhưng mắt có thể nhìn thấy chỉ một chút ít, nhưng màu đỏ đã tan loãng dần. Ánh sáng mặt trời chiếu rọi trong phòng lái cho phép tôi nhìn thấy lờ mờ những dụng cụ bằng kim khí. Dần dần tôi nhìn thấy những dụng cụ hình tròn, nhưng không thể nhìn thấy chi tiết. Tôi xoay đầu và nhìn ra ngoài buồng lái. Những khối màu đen vĩ đại lướt qua dưới cánh phi cơ với tốc độ kinh khiếp.
Những khối màu đen chắc chắn là chiến hạm địch. Điều nầy có nghĩa là tôi chỉ cách mặt nước khoảng 300 bộ. Thế rồi tai tôi vang lên những âm thanh. Thoạt đầu là tiếng máy phi cơ kế đến đó là tiếng súng. Các chiến hạm đang khai hoả vào tôi. Chiếc Zero đong đưa trong những làn sóng chớp loé của đạn cao xạ bùng nổ. Lạ lùng thay, tôi không hề đưa ra một phản ứng nào cả. Tôi bất động, không tìm cách né tránh. Tiếng súng rơi lại phía sau. Tôi không còn nhìn thấy những khối màu đen trên mặt nước nữa. Tôi đã vượt qua khỏi tầm súng. Nhiều phút trôi qua, tôi vẫn ngồi bất động trong phòng lái với muôn ngàn ý nghĩ lẫn lộn. Tôi lại muốn thiếp ngủ. Trong cơn ngầy ngật, tôi cũng biết rằng tôi không thể nào bay trở về Rabaul, và ngay cả Buka gần hơn Rabaul 300 dặm. Một thoáng ý nghĩ đâm thẳng xuống biển với hết tốc lực đã lôi cuốn tôi, như là một cách giải quyết nổi tuyệt vọng trong tôi.
Trở nên ngu muội. Tôi cố mở mắt ra. Tôi nguyền rủa mình: Chết như vậy không phải! Nếu phải chết, tôi nghĩ, tôi phải chết cho ra hồn. Tôi đâu phải là một tay mơ chưa từng biết chiến đấu là gì? Tư tưởng của tôi chợt ẩn chợt hiện, nhưng tôi biết rằng bao lâu mà tôi kiểm soát chiếc phi cơ, bao lâu mà tôi còn có thể bay, tôi sẽ làm mọi cách để lôi theo một hai kẻ thù trước khi chết.
Chiến đấu cơ địch ở đâu? Tôi chửi rủa và la hét: Đến đây? Tôi đây! Đến đánh với tôi!.
Trãi qua nhiều phút, tôi thịnh nộ như một tên điên trong phòng lái. Dần dần tôi bình tĩnh trở lại và ý thức hành động đáng buồn cười của mình… tôi bắt đầu nghĩ đến những may mắn vô song đã khiến tôi sống sót cho đến bây giờ. Tôi đã gặp nhiều hiểm nguy trước đây, nhưng chưa lần nào hiểm nguy hơn lần nầy. Những viên đạn chỉ cách đầu tôi mấy phân, và gây cho tôi nhiều vết sướt, nhưng không trầm trọng mấy. Tôi có may mắn, tại sao tôi quăng nó đi? Và bỗng nhiên tooi muốn sống, tôi muốn trở về Rabaul.
Việc có ý thức đầu tiên của tôi là xem xét các thương tích. Tay trái tôi vẫn tê liệt, tôi đưa tay mặt lên rờ đầu một cách e dè như sợ những gì sẽ tìm thấy. Mấy ngón tay trên nón phi công, cảm thấy nhớp nháp. Tôi biết đó là máu. Rồi tôi gặp một lổ hủng trên nón, tôi thọc nhè nhẹ một ngón tay vô. Để coi bao lâu? Có vật cưng cứng chạm vô ngón tay tôi. Tôi sợ hãi để chấp nhận sự thật. Ngón tay tôi lọt hẳn vô bên trong chiếc nón. Vật cứng đó không gì khác hơn là xương sọ của tôi do đạn phá ra. Có lẻ là nó bể. Ý nghỉ nầy làm tôi lặng người. Viên đạn có thể chui vô trong óc, nhưng chắc chắn không sâu. Tôi nhớ lại những gì đã từng học hỏi về thương tích trong lúc chiến đấu. Tôi không cảm thấy đau đớn, nhưng có lẻ vết thương đã làm tê liệt phần thân thể bên trái của tôi. Những ý nghĩ nầy đến chầm chậm. Có bao giờ bạn ngồi trong phòng lái chiếc phi cơ hư hại, nửa phần đui mù, nửa phần tê liệt, thọt mấy ngón tay qua lổ hủng trên đầu của bạn và tìm hiểu sự việc xảy ra chưa? Tôi ý thức những gì đã xảy ra, tôi cảm thấy chất máu nhớp nháp và lổ hủng trên đầu của tôi, nhưng sự nghiêm trọng thật sự của vết thương không bao giờ xâm nhập vào tư tưởng của tôi lúc ấy. Tôi biết tôi bị thương, chỉ có vậy thôi.
Tôi lại di chuyển mấy ngón tay trên mặt tôi. nó sưng phù lên, nhiều vết sướt, và cũng có máu.
Chiếc Zero tiếp tục bay đều. Đầu óc tôi dần dần sáng suốt thêm. Cử động cỉa tôi chính xác hơn. Tôi hít một hơi thở thật mạnh. Không có mùi dầu, như vậy là cả máy lẫn thùng xăng không bị trúng đạn. Sự ý thức nầy là nỗi vui mừng lớn nhất trong đời chiến đấu của tôi. với thùng xăng còn nguyên vẹn và máy móc không hư hại, chiếc phi cơ có thể nuốt hết khoảng không trình còn lại. Gió luồng vô chổ hủng trên sọ vẫn còn rĩ máu. Tôi có thể bất tĩnh trở lại vì mất máu.
Bỗng nhiên nỗi đau đớn bao trùm lấy tôi. Mắt phải của tôi. Nó bắt đầu mờ dần khi cơn đau gia tăng kịch liệt. Tôi đưa tay dụi mắt. Cơn đau đến lúc không chịu đựng nỗi. Tôi lại dụi mắt. Tôi mù rồi!
Tất cả phi công Nhựt đều mang theo trong túi bốn mảnh băng vải hình tam giác. Tôi lôi ra một mảnh và phun nước miếng lên đó. Miệng tôi khô khốc và cảm thấy khát nước kinh khủng.
Tôi đưa mảnh băng lên miệng để nhai cho đến khi một góc của nó trở thành ẩm ướt. Chồm về phía trước để tránh gió, tôi lau mắt với góc băng ướt. Có hiệu quả, tôi nhìn thấy chút ít.
Một vài giây sau, khi tôi ngồi ngay ngắn trở lại, đầu tôi đau dữ dội, như có một chiếc búa gõ lên sọ. Tôi đắp ngay mảnh băng vô lổ hủng trên đầu, nhưng khi tôi vừa lấy tay ra, gió thổi mảnh băng bay mất ra ngoài cửa kiếng bể.
Thất vọng tột cùng! Làm cách nào tôi có thể cột mảnh băng quanh đầu? Tôi phải cầm máu lại. Tay trái tôi tê liệt, tôi chỉ có thể xử dụng tay mặt để giữ mảnh băng, nhưng tay nầy phải giữ cần điều khiển và các dụng cụ khác.
Tôi kéo mảnh băng thứ hai để đắp, nó lại bay mất khi tôi vừa lấy tay ra. Mảnh thứ ba và bốn cũng vậy. Tôi có thể làm gì đây? Tôi hầu như rối loạn. Cơn đau gia tăng dữ dội hơn.
Tôi còn một chiếc khăn quàng bằng lụa quấn quanh cổ. Tôi tháo ra và đè một chéo dưới đùi mặt để gió khỏi cuốn đi. Sau đó tôi rút con dao bỏ túi dùng răng kéo lưỡi dao ra. Tôi cắn chặt một chéo của khăn quàng và cắt một đoạn, nhưng bị gió cuốn bay mất lập tức. Tôi không biết làm sao. Tuyệt vọng. Tôi cuống cuồng tìm giải pháp. Chỉ còn một đoạn khăn quàng.
Tôi khom người về phía trước để tránh gió, và bắt đầu nhét đoạn khăn vô bên trong chiếc nón phi công ngay chổ vết thương. Thành công, tôi ngồi thẳng dậy và đưa chiếc phi cơ vượt lên. Cơn đau dịu xuống nhanh chóng. Máu ngưng chảy. Nhưng cơn buồn ngủ lại ùa đến, tôi xô đuổi cách mấy cũng không được. Hơn một lần tôi chợp mắt, càm gục xuống ngực. Tôi lắc lắc đầu, hy vọng cơn đau sẽ làm tôi tĩnh táo. Chiếc phi cơ đâm đầu xuống mấy lần. Cơn buồn ngủ vẫn không xua đuổi được khiến tôi nỗi giận. Tôi đưa tay tát vào má thật mạnh nhiều lần. Tôi không thể tiếp tục lối nầy mãi được. Tôi sớm cảm chất máu mằn mặn. Má tôi sưng phù thêm, không khác nào ngậm một trái banh trong miệng. Nhưng không có cách nào khác hơn, tôi tiếp tục tát vào má nữa. Có lẻ thức ăn sẽ thắng cơn buồn ngủ. Tôi lôi hộp thức ăn ra và nhét bánh mặn đầy miệng. Tôi lại cảm thấy buồn ngũ hơn bao giờ hết. Tôi nhét thêm thức ăn vô miệng nữa, nhai thật kỹ trước khi nuốt.
Lát sau, tôi nôn mửa dữ dội chiếc phi cơ mất kiểm soát khi tôi vặn vẹo thân thể trong cơn nôn mửa. Thức ăn tung toé đầy trên chân tôi và trên tấm bửng dụng cụ. Ngay cả sự khổ sở mới nầy vẫn không xua đuổi nổi cơn buồn ngủ của tôi. Tôi lại tát má liên hồi cho đến khi không còn cảm giác nào nữa. Trong lúc tuyệt vọng, tôi đưa tay đập lên đầu, nhưng cũng vô ích. Tôi muốn ngủ! Ồ! Hãy cứ ngủ, quên mọi chuyện.
Chiếc phi cơ chao qua chao lại, bay xiếng xẹo. Tôi cố giữ cần lái một mực, không biết rằng nhiều khi tay tôi rớt xuống bên trái hoặc bên phải khiến cho phi cơ xoay vòng dữ dội. Tôi sẵn sàng bỏ cuộc. Tôi biết không thể giữ mãi tình trạng nầy mãi mãi. Nhưng tôi nguyện với lòng sẽ không chết như một tên hèn nhát, bằng cách chúi xuống biển hoặc ít ra tôi cũng chết như một Samurai. Cái chết của tôi sẽ mang theo nhiều kẻ thù.
Một chiến hạm. Tôi cần một chiến hạm địch. Thoát ra khỏi cơn tuyệt vọng tràn ngập, tôi quay chiếc Zero hướng về Guadalcanal. Nhiều phút sau đó tôi tĩnh táo. Không còn buồn ngủ nữa. Không còn đau đớn nữa. Tôi có thể hiểu biết hành động của mình. Tại sao lại chết bây giờ, nếu tôi có thể bay đến Buka hoặc ngay cả Rabaul? Tôi lại quay hướng chiếc Zero và bay về phía Bắc. Một vài phút sau đó tôi lại muốn thiếp ngũ. Trí óc tôi u mê. Thế giới quanh tôi mù mịt. Tôi lại quày phi cơ, hướng về Guadalcanal. Quày đi quày lại năm lần như vậy. Tôi bắt đầu la khan nhiều lần. “Hãy tĩnh”. Dần dần cơn buồn ngủ biết mất. Tôi nhắm hướng Rabaul. Nhưng hiển nhiên cứ bay về phía Bắc thì không thể bảo đảm bao giờ tôi về tới căn cứ nhà. Tôi không định nổi vị trí. Tôi chỉ biết nhắm hướng Rabaul một cách tổng quát. Tôi biết tôi ở phía Bắc Guadalcanal, nhưng không biết khoảng cách bao xa. Tôi nhìn xuống biển, nhưng không tìm ra một hòn đảo nào trong chuổi đảo trãi dài đến Rabaul. Chỉ chân mặt của tôi còn đạp lái được, như vậy chiếc phi cơ có thể xoay về phía Đông của quần đảo Salomon.
Tôi rút tấm hải đồ dưới ghế ngồi. Nó vấy đầy máu. Tôi nhìn hồi lâu, chà tấm hải đồ lên quần để tẩy mấy vết máu, nhưng vô ích. Tôi cố định vị trí bằng cách nhìn mặt trời nhưng vô ích. Tôi cố định vị trí bằng cách nhìn mặt trời, nhưng cả ba mươi phút trôi qua vẫn không có một hòn đảo nào xuất hiện. Có cái gì không ổn ? Tôi hiện ở đâu? Bầu trời trong sáng hoàn toàn, và đại dương trải dài vô tận.
Một hòn đảo! Cuối cùng, một hòn đảo, ngay trước mặt tôi. Nó ở mãi phía chân trời, nỗi lờ mờ trên mặt nước. Phấn khởi, tôi cười khan. Bây giờ, mọi việc yên rồi, tôi có thể định vị trí và chắc chắn tôi đang hướng về Rabaul. Tôi bay và tiếp tục bay, bồn chồn dõi mắt tìm kiếm bờ biển.
Hòn đảo biến mất. Nó đâu rồi? Tôi không nằm mơ chớ? “Hòn đảo” đã trôi qua bên phải tôi, đó là một đám mây sà thấp.
Tôi cố gắng xem lại la bàn. Tôi không thể nào đọc được những con số. Tôi cúi mọp về phía trước, mũi hầu như chạm vô mặt kiếng la bàn. Cuối cùng tôi đọc được. Tôi đang bay ở hướng 330 độ. Gần hai tiếng đồng hồ tôi không nhìn thấy hòn đảo nào cũng phải. Chiếc Zero đang tiến ra trung tâm Thái Bình Dương.
Soát lại hải đồ, tôi biết vị trí của tôi cách phía Đông Bắc quần đảo Solomon 60 dặm. Chỉ phỏng đoán, nhưng đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm. Tôi xoay chiếc phi cơ về phía trái 90o và hướng đến một nơi mà tôi hy vọng là hòn đảo New Ireland, nằm phía Đông Bắc New Britain và Rabaul.
Những lượn sóng buồn ngủ lại phủ chụp lấy tôi. Nhiều lần làm tôi hoảng hốt giữ thăng bằng khi chiếc phi cơ đảo cánh hoặc lộn ngược. Tôi bay chập choạng. Xuyên qua bầu trời, lâu lâu cúi về phía trước xem la bàn, điều chỉnh hướng bay cho đến khi tôi chắc chắn phi cơ đang tiến đến New Ireland.
Nhưng bổng nhiên cơn đau trên đầu gia tăng khiến tôi không còn buồn ngủ nữa. Rồi thình lình tôi tĩnh táo hẳn. Không một dấu hiệu báo trước, chiếc phi cơ tắt máy. Tôi biết bình xăng chánh đã cạn.
Tôi còn một bình xăng phụ, nhưng phải mất một thời gian ngắn để chuyển qua. Tôi nhanh chóng và chính xác khi mở nút chuyển tiếp xăng. Thông thường, công việc nầy tôi xử dụng tay trái và không có gì khó khăn. Nhưng hiện thời tay trái tôi đã liệt hẳn. Tôi phải xử dụng tay mặt, nhưng với qua phía bên kia phòng lái không tới.
Chiếc Zero rớt xuống biển chầm chậm và êm ái. Tôi cố gắng hết sức cuối cùng mở được.
Xăng không chảy qua ống, vì ống quá lâu nên đã thoát hết không khí. Tôi vội vã xử dụng bom tay, dự trù cho trường hợp bất ngờ. Hiệu quả tức khắc. Với một tiếng rồ nhẹ, máy chạy trở lại và chiếc Zero lướt về phía trước. Không phí một giây nào, tôi trở lên cao độ 1.500 thước.
Phi cơ bay chầm chậm. Tôi chỉ còn trong tau không đầy hai giờ để tiến đến hòn đảo do Nhật Bản chiếm đóng. Không đầy hai giờ, tôi sống hoặc chết.
Một giờ trôi qua. Trước mắt tôi chỉ là biển cả bao la và bầu trời xanh thẳm. Thình lình tôi thấy một vật gì nổi trên mặt nước. Một hòn đảo! Lần nầy không lầm nữa, không phải là một đám mây trước mắt tôi. Nhứt định là một hòn đảo. Hòn đảo Xanh, hòn đảo san hô có hình chiếc móng ngựa mà tôi đã để ý trên đường bay đến Guadalcanal. Tôi soát lại bản đồ. Hy vọng tràn trề trong tôi… Tôi chỉ cách Rabaul 60 dặm.
Sáu chục dặm. Thông thường chỉ là một cái nhảy ngắn. Nhưng tình trạng hiện thời đầy bất thường. Tôi chưa từng lâm và tình trạng tồi tệ hơn. Tôi chỉ còn đủ nhiên liệu để bay trong vòng 40 phút. Chiếc Zero lại bị hư hại trầm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến tốc lực. Tôi bị thương nặng, tê liệt một phần thân thể, mắt bên mặt mù hẳn và mắt trái nhìn thấy không rõ lắm. Tôi đã kiệt sức, và tôi phải tận dụng hết năng lực để giữ chiếc phi cơ thăng bằng.
Một hòn đảo khác, ngay trước mắt tôi. Đây là đảo New Ireland, và phía xa xa là rặng núi cao 2.400 bộ. Vượt qua phía bên kia rặng núi đó, tôi có thể về tới Rabaul.
Tôi đã đâu mặt với với hàng loạt chướng ngại vật phía trước khi có thể tiến vô căn cứ nhà. Những đám mây dầy đặc tụ quanh các đỉnh núi, và một cơn mưa bão thật dữ dội trút xuống. Dường như khó có thể vượt qua nổi. Kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác, nữa đui nữa sáng, và trong một chiến đấu cơ hư hại trầm trọng, làm sao tôi có thể vượt qua một cơn mưa bão, nguy hiểm tột cùng ngay cả dưới những tình trạng bình thương?
Tôi không thể bay vòng. Kim đồng hồ chỉ mực xăng của tôi càng lúc càng hạ thấp. Tôi chỉ còn vài mươi phút trên không. Tôi bậm môi và quay về hướng Nam. Chiếc phi cơ bay chầm chậm xuống eo biển George nằm giữa Rabaul và New Ireland. Hai vệt trắng xoá lướt trên mặt nước phía dưới cánh tôi. Tôi thấy hai chiến hạm Nhựt, có vẻ là hai tuần dương hạm hạng nặng, đang xả hết tốc lực chạy về hướng Nam, tức hướng Guadalcanal.
Tôi hầu như ứa nước mắt khi nhìn thấy hai chiến hạm. Tôi muốn chúi phi cơ xuống biển, một trong hai tuần dương hạm có thể cứu tôi. Hy vọng tràn ngập trong tôi. Rabaul lúc ấy hình như cách xa hàng triệu cây số. Tôi quần mấy lần trên hai chiến hạm, sẵn sàng đáp xuống mặt nước.
Tôi không thể thực hiện ý định của mình. Hai tuần dương hạm đang trên đường đến Guadalcanal để chiến đấu. Nếu chúng ngừng lại để vớt tôi lên, việc nầy không chắc lắm, nhiệm vụ thúc bách của chúng sẽ trì trệ. Không thể nào đáp được.
( Nhiều tuần lể sau nầy tôi mới biết được đó là hai tuần dương hạm Aoba và Kinugasa, mỗi chiếc 9.000 tấn đang hướng đến Guadalcanal với tốc lực hơn 33 hải lý một giờ. Cùng với nhiều chiến hạm khác, Aoba và Kinugasa tấn công đoàn cong-voa của Đồng Minh ở Luga, đánh chìm bốn tuần dương hạm cùng gây hư hại cho một tuần dương hạm và hai khu trục hạm khác của địch quân).
Một lần nữa, tôi quay về hướng Rabaul. Đồng hồ chỉ mực độ xăng cho thấy chỉ còn hai mươi phút bay nữa mà thôi. Tuy nhiên nếu không tiến về Rabaul được, tôi có thể đáp trên bãi biển. Thế rồi hòn núi lửa quen thuộc hiện ra ở chân trời. Đã đến nơi rồi, Rabaul đã nằm trong tầm mắt.
Tôi phải đáp xuống. Việc nầy thật khó khăn vô cùng, với một nửa thân thể hoàn toàn tê liệt của tôi. Tôi cố đảo quanh phi trường, không quyết định, không biết làm gì. Tôi không biết rằng tôi đã bị báo cáo mất tích, tôi cũng không biết rằng tất cả các phi cơ khác đã đáp xuống hai giờ trước đó, ngoại trừ hai chiếc bị hạ ở Guadalcanal. Sau nầy đại úy Sasai nói với tôi ông không tin hai mắt của mình khi nhận ra chiếc Zero của tôi xuyên qua ống dòm. Ông la tên tôi thật lớn, và tất cả các phi công khác túa ra khắp nơi trên phi đạo. Tất cả những gì tôi nhìn thấy được là phi đạo nhỏ hẹp phía dưới.
Tôi quyết định đáp xuống mặt nước cạnh bờ biển. Chiếc Zero xuống chầm chậm. Tám trăm bộ, bảy, bốn rồi một trăm bộ, tôi chỉ còn cách mặt nước năm mươi bộ. Tôi lại thay đổi ý kiến. Hình ảnh chiếc phi cơ vỡ tan trong biể và chiếc đầu bị thương của tôi đập về phía trước, là hình ảnh đáng sợ đối với tôi. Tôi cảm khó có thể sống sót được.
Tôi vượt lên và quay lại phi đạo ở cao độ 1.500 bộ. Lần nầy hoặc là tôi đáp xuống hoặc là không bao giờ nữa. Chiếc Zero hạ chầm chậm khi tôi đẩy cần điều khiển về phía trước. Tôi hạ bánh xa. Tốc lực chiếc phi cơ giảm xuống. Tôi nhìn những dãy chiến đấu cơ xếp dài hai bên phi đạo đang xô chạy về phía tôi. Tôi phải tránh đụng chạm các phi cơ đó. Tôi vượt trở lên, vì nhận thấy tôi đã xuống lệch quá xa về phía trái.
Sau khi quần lần thứ tư trên phi trường, tôi cố đáp xuống một lần nữa. Dù cho xăng còn rất ít trong bình, chiếc phi cơ vẫn có thể nổ nếu nó đụng chạm. Hàng dừa trồng ở đầu phi trường lờ mờ trước mắt tôi. Tôi lướt phía trên và cố điều chỉnh độ cao của tôi bằng những ngọn dừa nầy. Bây giờ … tôi đã ở trên phi đạo. Có một cái xốc thật mạnh khi bánh xe của chiếc phi cơ chạm mặt đất. Tôi kéo ngược cần điều khiển và ghì chặt với tất cả sức mạnh để giữ cho chiếc phi cơ khỏi chạy xiêng vẹo. Chiếc Zero lăn bánh và ngừng lại gần Bộ Chỉ Huy. Tôi cố mỉm cười, một làn sóng thẩm đen phủ chụp lên tôi.
Tôi cảm thấy như bị rớt và chìm xuống đáy của một cái hố sâu vô tận. Mọi vật hình như đều xoay tít dữ dội. Tôi nghe những tiếng thét gọi tên tôi vang lên xa xa. “Sakai! Sakai” Tôi rủa thầm. Tại sao họ không giữ im lặng? Tôi muốn thiếp ngủ.
Màu đen biến mất. Tôi mở mắt ra nhìn thấy nhiều khuôn mặt bao quanh tôi. Tôi đang nằm mơ, hay tôi đã thật sự trở về Rabaul? Tôi không biết. Mọi thứ đều không thật. Tất cả đều là mộng mị. Tôi chắc vậy. Những gì tôi thấy không thể là sự thật. Mọi thứ đều tan thành những lượn sóng màu đen thẫm và những tiếng la lớn.
Tôi cố gượng dậy. Tôi bám vào cạnh cửa buồng lái phi cơ và đứng lên. Đó là “Rabaul”. Cuối cùng, không phải là mộng mị. Thế rồi tôi ngả quỵ xuống hẳn.
Những cánh tay mạnh mẽ nhấc bổng tôi ra khỏi phi cơ.
No comments:
Post a Comment