Nguyễn Nhược Nghiễm dịch
Trên hòn đảo chánh Kyushu ở cực Nam Nhật Bản, thành phố Saga nhỏ bé nằm giữa lộ trình đưa đến hai trung tâm quan trọng, mà những năm gần đây đã trở thành quen thuộc đối với hàng nhiều ngàn người Mỹ. Ở Sasebo có căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ với hầu hết hạm đội đã tham dự vào cuộc chiến Triều Tiên, và từ các phi trường ở Ashiya, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Mỹ cất cánh bay ngang qua eo biển nhỏ hẹp Tsushima để tấn công quân Trung Cộng và Bắc Hàn.
Các cuộc viễn chinh xuyên eo biển Tsushima không phải mới mẻ gì đối với thành phố Saga. Tổ tiên của chúng tôi đã từng có chân trong lực lượng Nhật Bản, phát xuất từ Saga, xâm chiếm Triều Tiên vào năm 1592. Hình ảnh của cuộc xung đột mới ở Triều Tiên không phải là không có trước đây. Cuộc chiến Nhật Bản – Triều Tiên thời Trung Cổ, năm 1597, đã bị đẩy vào nước bí sau khi triều đình nhà Minh tung lực lượng Trung Hoa vào phía Triều Tiên, giống như hành động của Trung Cộng ở cuộc chiến hiện đại.
Như vậy, giòng họ của tôi có một nguồn gốc binh nghiệp, và trải qua nhiều năm, tổ tiên của tôi đã trung thành phục vụ lãnh chúa Saga cho đến kỳ Trung Ương Tập Quyền vào thế kỷ XIX, tất cả lãnh chúa đều qui về tay Thiên Hoàng. Trong thời phong kiến, dân chúng Nhật Bản chia ra làm bốn giai cấp, giòng họ tôi được hưởng đặc quyền của giai cấp cầm quyền, đó là giai cấp Samurai. Sống cách biệt hẳn với các giai cấp khác, giới Samurai kiêu hãnh không quan tâm đến các vấn đề riêng tư, họ tận tùy với công việc điều hành chánh quyền địa phương, và luôn luôn chuẩn bị các biến cố đòi hỏi lòng dũng cảm chiến đấu của họ. Vị lãnh chúa sẽ đảm bảo đời sống của các Samurai, họ không cần chú ý đến gia sản hoặc lợi lộc nào khác.
Việc phế bỏ các giai cấp vào thế kỷ XIX như một cú đấm chí tử nện vào giới Samurai đầy kiêu hãnh. Chỉ một cú đấm, tất cả những đặc quyền trước đây của họ đều bay hết, và họ bắt buộc phải chuyển sang nghề buôn bán, nghề nông. Họ không thể nào thích nghi với đời sống mới. Có lẽ vì vậy mà hầu hết Samurai trở nên nghèo khốn, cố gắng tìm miếng ăn bằng những nghề lao động ti tiện nhứt, hoặc quần quật suốt ngày trên mảnh đất nhỏ bé của họ. Đời sống của ông nội tôi không hơn gì các bạn hữu của ông. Khi rời nghiệp võ, ông được cấp cho một nông trại nhỏ. Ở đó, ông đã quần quật sống một cách thống khổ, và ở đó vào ngày 26 tháng 8 năm 1916, tôi chào đời. Ba tôi có 4 trai, 3 gái, tôi thứ ba.
Mỉa may thay, tôi lại bước trên con đường gần gũi với con đường mà ông nội tôi đã đi qua. Khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh tháng 8 năm 1945, tôi là phi công dẫn đầu các phi công hạ trên 10 phi cơ địch còn sống sót của xứ sở tôi. Tôi đã chánh thức đốn ngã 64 phi cơ địch trong các trận không chiến. Tuy nhiên, với sự kết thúc của chiến tranh, tôi bị sa thải khỏi Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản và bị cấm nhận bất kì công việc nào của chính phủ. Không một xu dính túi, không nghề không nghiệp, tôi không thể tìm được một việc làm thích hợp trong một thế giới mà tất cả đều đổ nát quanh tôi. Giống như ông nội của tôi, tôi đã sống bằng sức lao động chân tay, nhọc nhằn không kể xiết. Nhiều năm phấn đấu gay go, tôi tìm cách dành dụm đủ số tiền để mở một nhà in nhỏ và lấy đó làm sinh kế…
Công việc trồng trọt nhọc nhằn trên mảnh đất nhỏ bé của gia đình oằn xuống đôi vai của má tôi, người đã bỏ cả một đời cho 7 đứa con. Khi tôi lên 7, gánh nặng trên vai má tôi oằn thêm, vì người trở thành góa phụ. Những gì mà tôi nhớ về má tôi vào thời gian đó là hình ảnh một người đàn bà cần cù làm việc, còng lưng hết giờ nầy sang giờ trên thửa đất dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, với đứa con gái nhỏ nhất đai trên lưng.
Người đàn bà ấy, không bao giờ tôi nghe hở môi than thở một lời. Bà là một trong những người can đảm nhứt mà tôi chưa từng thấy, một mẫu người Samurai, kiêu hãnh và cứng rắn, nhưng không phải là không có một trái tim biết xúc động.
Thỉnh thoảng tôi bị bọn học sinh lớn tuổi đánh đập, tôi khóc sướt mướt trở về nhà. Những giọt nước mắt của tôi không làm má tôi động lòng, người còn nhíu mày và gay gắt nói: “Con không biết xấu hổ à! Đừng quên con là con trai của một Samurai, con không được quyền khóc.”
Khắp nước Nhật, lãnh địa phong kiến Saga là một trong những lãnh địa nghèo nhất. Trải qua nhiều thế hệ, giai cấp Samurai ở Saga đã sống một đời sống khắc khổ, và nổi tiếng nhờ kỷ luật bản thân nghiêm ngặt của họ. Saga là tỉnh lỵ duy nhứt xem Bushido, tức tâm niệm của giới Samurai, như là một giáo lý. Một trong những câu chánh yếu của tâm niệm nầy: “Samurai đã sống một đời sống như vậy, hắn luôn luôn chuẩn bị để chết.”
Đó là điều không thể nào ngờ đối với một đứa trẻ nhà quê như tôi. Không khí náo loạn và xa lạ nầy đã khiến tôi ngơ ngác. Không hy vọng vô học trong các học đường danh tiếng, tôi đành ghi tên vô trường Aoyama Gakuin, do các nhà truyền giáo Hoa Kỳ thiết lập nhiều năm trước đó. Mặc dù trường nầy không nổi danh bằng các trường khác, nhưng nó cũng có chút ít tiếng tăm. Đời sống của tôi trong gia đình người chú rất dễ chịu. Mặc dù chú tôi nghiêm khắc, ít chú ý đến con cái, nhưng mợ tôi và mấy đứa em bà con của tôi tỏ ra tử tế và thân mật. Trong không khí vui vẻ nầy, tôi lại bắt đầu những ngày của một học sinh trung học, với lòng đầy nhiệt thành và tham vọng. Tôi nhứt quyết phải luôn luôn đứng đầu lớp.
Không đầy một tháng sau, giấc mộng của tôi tan biến. Hy vọng dẫn đầu lớp như trước kia của tôi đã vỡ thành từng mảnh. Việc nầy hiển nhiên không chỉ do lỗi mấy ông thầy trường làng của tôi mà cũng do chính tôi nữa. Tôi nhận thấy có nhiều học sinh chưa bao giờ đứng đầu lớp hồi còn ở tiểu học lại học giỏi hơn tôi khi lên bậc trung học. Điều nầy khó tin, nhưng là sự thật. Bởi lẽ họ biết nhiều thứ mà tôi không biết cho dù tôi cố học ngày học đêm, tôi cũng không thể nào tiến bộ mau lẹ hơn họ được.
Kỳ thi đệ nhứt lục cá nguyệt chấm dứt vào tháng bảy. Hạng trung bình trong kết quả học của tôi khiến chú tôi thất vọng não nề, và gây nhiều chán nản, tôi biết sở dĩ chú tôi đài thọ tất cả tiền bạc ăn học cho tôi vì ông cảm thấy tôi là một đứa trẻ đầy hứa hẹn, có thể luôn luôn đứng đầu lớp. Sự bất mãn của ông không thể nào phủ nhận được. Do đó, thời gian nghỉ hè, tôi cắm đầu cắm cổ lo học. Trong khi các bạn đồng lớp vui chơi, tôi miệt mài đèn sách, quyết định lấp đầy khoảng trống học vấn của mình. Nhưng niên học bắt đầu vào thàng Chín đã chứng minh các nỗ lực của tôi là vô ích. Tôi không đạt được một tiến bộ nào.
Việc học hành gặp hết thất bại nầy đến thất bại khác đã làm cho tôi tuyệt vọng cùng cực. Không những các môn học của tôi chỉ đứng trung bình trong lớp, mà ngay cả những môn thể thao tôi cũng thua sút mọi người. Rõ ràng có nhiều học sinh trưởng thành nhanh nhẩu, hoạt bát hơn tôi. Thay vì tiếp tục cố gắng để vượt qua các bạn đồng học xuất sắc trong lớp, tôi làm bạn với một số học sinh kém cỏi. Tôi cầm đầu bọn nầy, và sau đó tôi bắt đầu khai chiến với các học sinh lớn tuổi. Không ngày nào tôi không tìm cách đánh nhau với họ. Hầu như mỗi đêm tôi đều về nhà với mình mẩy bầm dập. Tuy nhiên, tôi đã dấu kín những cuộc phiêu lưu nầy một cách kín đáo. Cú đấm đầu tiên giáng xuống vào cuối niên học của tôi. Một bức thư của thầy học thông báo cho chú tôi biết tôi là một “học sinh cần phải lưu tâm”. Điều tốt nhất mà tôi có thể làm là bỏ qua những trận đấm đá không quan trọng, nhưng tôi không bỏ qua những phương cách chứng tỏ rằng tôi là một học sinh “tốt hơn” các học sinh lớn tuổi. Vì vậy, những bức thư của thầy dạy tôi tiếp tục bay về nhà nườm nượp, và cuối cùng, chú tôi được mời đến trường để nghe báo cáo trực tiếp về hành vi xấu xa của tôi.
Tôi chấm dứt niên học thứ nhì hầu như ở cuối danh sách. Như vậy, đối với chú tôi cũng đã quá nhiều rồi. Những bài “lên lớp” của ông càng lúc càng gia tăng thịnh nộ, và bây giờ quyết định của ông là không cho tôi ở Đông Kinh nữa. Lời nói sau cùng của chú tôi: “Saburo, chú chán rầy la cháu rồi, và chú thấy không thể làm gì khác hơn, nhưng dù sao hình như chú đã làm cho một người con đầy kiêu hãnh của giòng họ Sakai đi vào con đường quấy. Cháu nên trở về Saga.” Không biết làm sao hơn. Tôi không thốt ra một lời bào chữa nào, vì những điều chú tôi nói đều đúng sự thật. Tôi nhận tất cả phần lỗi về tôi. Nhưng tôi không để lộ vẻ gì gọi là tủi hổ khi phải trở về Saga. Tôi quyết định dấu kín nỗi lo lắng, nhứt là với con gái của chú tôi, Hatsuyo, người mà tôi rất yêu mến. Tôi lên đường, như là một chuyến về thăm gia đình ở Kyushu.
Tuy nhiên, đêm đó, khi xe lửa rời nhà ga Trung Ương Đông Kinh trực chỉ 800 dặm đến Saga, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi đã làm cho gia đình tôi thất vọng, và tôi cảm thấy sợ hãi khi phải trở về nhà.
Chương II
Tôi trở về nhà như là một sự điếm nhục cho gia đình tôi cũng như cho làng nước. Gặp nhiều vấn đề rắc rối, sự nghèo đói của gia đình tôi càng lúc càng trầm trọng. Má tôi và người anh lớn cắm cúi trên thửa đất nhỏ từ bình minh cho đến hoàng hôn. Cả hai người, và ba chị gái của tôi, ăn mặc quần áo tả tơi. Mái tranh, nơi tôi đã lớn lên, tiêu điều dột nát. Mọi người trong làng đã phấn khởi và đặt hết tin tưởng vào chuyến đi Đông Kinh của tôi, họ chờ đợi chia xẻ sự thành công của tôi. Bây giờ, mặc dù tôi làm cho họ thất vọng, nhưng không ai buông thẳng một lời trách cứ nào. Tuy nhiên trong đôi mắt họ có bóng dáng của sự xấu hổ, và họ thường quay mặt để tránh làm tôi bối rối. Bởi thái độ nầy mà tôi không dám đi lại trong làng. Tôi không thể nào chịu đựng nổi sự trách mắng lặng lẽ của họ. Mong muốn chạy trốn khỏi nơi tủi hổ nầy trở thành mong muốn mãnh liệt trong tôi. Bấy giờ tôi nhớ lại tấm yết thị to tướng ở nhà ga Saga kêu gọi thanh niên tình nguyện gia nhập vào hải quân. Đầu quân hình như là lối thoát duy nhứt cho một kẻ sống trong tình trạng khổ sở. Má tôi, từng chịu đựng sự vắng mặt của tôi trong mấy năm, đã than khóc trước quyết định ra đi một lần nữa của tôi. Nhưng bà không còn cách nào khác để chọn.
Ngày 31 tháng 5 năm 1933, tôi đầu quân ở căn cứ hải quân Sasebo, và trở thành một thủy thủ 16 tuổi. Căn cứ nầy cách phía Đông nhà tôi 50 dặm. Tôi bắt đầu một đời sống mới của một thứ kỷ luật sắt, của một sự cứng rắn vượt xa cả những cơn ác mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Và chính nhờ vào tâm niệm Bushido mà tôi đã tồn tại.
Chắc chắn rằng đọc giả xứ ngoài sẽ khó tán thành thứ kỷ luật thép mà tôi phải chịu đựng trong Hải Quân. Các hạ sỹ quan không ngần ngại trong việc đánh đập tàn nhẫn tân binh mà họ thấy cần trừng phạt. Trong trường hợp tôi phạm kỷ luật hoặc lỗi lầm trong huấn luyện, đêm đến 1 hạ sỹ quan lôi đầu tôi ra khỏi giường hét lên: “Chống tay vô tường! Cúi gập xuống, tân binh Sakai! Tôi làm việc nầy không phải oán ghét anh, nhưng vì thương anh, muốn anh trở thành một thủy thủ giỏi! Cúi xuống!”.
Và hắn vung cây gậy thật dài đập xuống mông tôi. Đau đớn khủng khiếp, và mạnh mẽ không thể tưởng. Không có cách nào khác hơn là nghiến răng để khỏi bật tiếng kêu la. Nhiều khi tôi bị đánh tới 40 gậy. Thường thường tôi ngất xỉu. Tuy nhiên hình phạt không thể bỏ qua vì lý do bất tỉnh. Viên hạ sỹ quan sẽ dội một thùng nước lạnh lên thân xác mềm nhũn của tôi, dựng tôi dậy, và tiếp tục áp dụng “kỷ luật”. Một tân binh phạm lỗi, tất cả 50 tân binh khác đều bị đánh. Do đó, mỗi tân binh đều tìm hết cách ngăn chặn đồng đội phạm lỗi. Mỗi lần bị đánh, chúng tôi không thể nằm ngửa trên giường. Hơn nữa, chúng tôi không được phép buông lời than oán, ngay cả một tiếng kêu trong đau đớn của mình. Để cho một người rên rỉ khóc than vì đau đớn hoặc tủi thân, mọi người sẽ bị đá hoặc lôi cổ ra khỏi giường để lãnh hình phạt.
Lẽ dĩ nhiên sự đối xử như vậy làm cho chúng tôi oán ghét bọn hạ sỹ quan. Bọn nầy đa số đều 30 tuổi, và hình như không được lên cấp trong suốt cuộc đời binh nghiệp của họ. Ám ảnh quan trọng nhứt của họ là tìm cách khủng bố tân binh. Chúng tôi coi hạng người nầy như những con thú bạo dâm hèn hạ nhứt. Trong vòng 6 tháng, công việc huấn luyện khắc nghiệt đã biến chúng tôi thành bầy gia súc. Chúng tôi không bao giờ dám hó hé trước các mạng lịnh đưa ra, không dám tỏ ý nghi ngờ cấp trên. Chúng tôi không dám làm bất cứ cái gì khác hơn là thi hành lập tức mệnh lệnh của thượng cấp. Chúng tôi vâng lời như những người máy.
Công việc huấn luyện tan thành một khối lờ mờ sự tập dượt, học hỏi, và tập dượt, của những cây gậy vung lên liên hồi, của những chiếc mông ê ẩm luôn luôn, của thịt da bầm dập và mặt mày nhăn nhó khi ngồi xuống. Khi hoàn tất khóa huấn luyện tân binh, tôi không còn là một chàng thanh niên hăng hái và đầy nhiệt tâm như lúc rời khỏi ngôi làng nhỏ bé đi học tại Đông Kinh nhiều năm trước đây. Đường học vấn thất bại, sự tủi hổ của gia đình và kỷ luật huấn luyện, tất cả hợp lại đè bẹp tôi, tánh tự tôn tự đại của tôi bị hạ sát ván. Nhưng không bao giờ, trong suốt thời gian huấn luyện cũng như sau nầy, nỗi phẫn nộ sâu xa về sự tàn ác của bọn hạ sỹ quan giảm bớt trong tôi. Ra trường tôi được chỉ định làm thủy thủ tập sự trên thiết giáp hạm Kirishima. Tôi đã nghĩ, sau thời gian huấn luyện, sự đối xử tàn nhẫn sẽ giảm bớt đi. Nhưng không, và có thể nói tôi còn bị đối xử tệ hơn trước đây. Cách tốt nhất mà tôi phải làm: vượt khỏi số kiếp của một tên thủy thủ hèn mọn nầy. Mỗi ngày tôi không được rảnh rang tới một tiếng đồng hồ, nhưng tôi cũng đã xử dụng thời gian nầy học hỏi thêm. Mục đích của tôi là xin theo học khóa huấn luyện đặt biệt của Hải Quân. Như vậy, một anh linh tình nguyện mới có thể hoàn tất về kỹ thuật và chuyên môn, đủ điều kiện để thăng chức.
Năm 1935, tôi đậu kỳ thi tuyển vô trường huấn luyện xạ thủ hải quân. Sáu tháng sau, tôi lên cấp Thủy Thủ I, và được chỉ định nhiệm vụ trên biển trở lại, lần nầy trên thiết giáp hạm Haruna, phụ trách một trong những pháo tháp 300 ly. Nghề nghiệp ngày càng tiến, sau nhiều tháng lênh đênh trên Haruna, tôi đã trở thành sỹ quan với cấp bậc Trung Sỹ.
Chương III
Lực lượng võ trang của Nhật Bản chia ra làm hai binh chủng, Lục Quân và Hải Quân. Mỗi bộ tư lệnh đều có không lực riêng trong tay. Một không lực độc lập không được nghĩ đến trước đây hoặc ngay cả trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Nhật Bản cũng không binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tự trị như Hoa Kỳ hoặc các cường quốc khác, tức binh chủng được huấn luyện cho các cuộc hành quân vừa trên bộ vừa dưới nước.
Vào giữa năm 1930, tất cả các phi công hải quân được huấn luyện tại trường phi công Hải Quân ở Tsuchiura, cách Đông Bắc Đông Kinh 50 dặm. Mỗi khóa học có 3 lớp, một lớp dành riêng cho các thiếu úy xuất thân từ Hàn Lâm Viện Hải Quân ở Eta Jima, miền Tây Nhật Bản, một lớp dành cho các hạ sỹ quan đang phục vụ, và lớp cuối cùng dành cho các thanh niên từ 13 đến 19 tuổi muốn khởi nghiệp Hải Quân của họ trong tư cách sinh viên phi công.
Sau khi Nhật Bản khai chiến toàn diện với Hoa Kỳ, hải quân phát triển mạnh mẽ các căn cứ huấn luyện phi công, và đặt căn cứ trên việc sản xuất phi công chiến đấu. Tuy nhiên, vào năm 1937, quan niệm huấn luyện phi công ồ ạt nầy không hề được đặt ra. Phi công huấn luyện gồm toàn những người được chọn lọc kỹ càng, chỉ các ứng viên xuất sắc trên toàn quốc mới hi vọng được thâu nhận. Năm 1937, năm tôi theo học, chỉ có 70 người được chọn theo học lớp phi công trong tổng số 1.500 người dự thi. Khi tôi biết có tên mình trong danh sách 70 người được thâu nhận, nỗi vui mừng của tôi không thể nào tả xiết. Việc nầy có nghĩa là tất cả những tủi hổ trên đường học vấn ở Đông Kinh của tôi được quét sạch, danh dự gia đình cũng trở lại trong tôi. Kỳ nghỉ phép đầu tiên, tôi trở lại nhà của người chú ở Đông Kinh với tất cả sự vui vẻ. Tôi không còn là một thiếu niên cứng đầu và bực tức, đối diện với vấn đề học vấn một cách đầy sợ sệt. Tôi đã trở thành một chàng thanh niên hai mươi tuổi, đầy kiêu hãnh, bảnh bao trong bộ đồng phục phi công hải quân mới toanh, với 7 chiếc nút sáng chói, và mong muốn, mong muốn nhứt, nhận lãnh những lời khen ngợi của gia đình chú tôi.
Ánh mắt của cô em họ Hatsuyo hướng về tôi đăm đăm. Cô học trò bé bỏng ngày nào đã biến mất, nhường lại cho sự chững chạc, hấp dẫn của một nữ sinh trung học 15 tuổi. Hatsuyo đã đón tiếp tôi thân mật và nồng nhiệt hơn. Tôi nói chuyện rất lâu với người chú. Ông tỏ vẻ hài lòng, tất cả niềm kiêu hãnh đã trở lại trong ông. Quá khứ thất bại của tôi không còn vướng vấp chút nào. Chuyến viếng thăm nầy khiến tôi không quên được trong nhiều năm. Sau bữa ăn tối, chúng tôi ngồi trong phòng khách và nghe Hatsuyo dạo dương cầm. Nàng mới bắt đầu học trong vòng 3 năm trở lại. Nhưng tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc, vì vậy tiếng đàn của nàng đối với tôi rất tuyệt diệu. Xinh tươi, thoải mái và thân ái, tất cả đã xóa sạch những ngày huấn luyện đầy gian khổ nhọc nhằn. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm ngắn ngủi, và tôi sớm trở lại quân trường.
Căn cứ huấn luyện Tsuchiura tọa lạc bên cạnh một cái hồ rộng lớn, và tiếp cận một sân bay có 2 phi đạo, 3000m và 2500m. Nhiều nhà chứa phi cơ khổng lồ có thể chứa hàng mấy trăm phi cơ cùng lúc, và căn cứ luôn luôn hoạt động rộn rịp. Mỗi chương trình huấn luyện mới của Hải Quân là mỗi kinh ngạc đối với tôi. Những thứ kỷ luật mà tôi đã từng trải qua so với quân trường mới đến nầy không thấm vào đâu. Kỷ luật ở căn cứ hải quân Sasebo nhiều khi còn dễ chịu hơn ở Tsuchiura. Ngay cả thứ kỷ luật sắt đá ở trường huấn luyện xạ thủ hải quân cũng ấu trĩ đối với trường phi công. “Ở đây, Tsuchiura, chúng tôi sẽ thấm nhuần dần dần hai đặc tính nầy cho các bạn”. Nếu không thấm nhuần được các bạn sẽ không bao giờ trở thành một phi công hải quân. Không để mất thì giờ nhằm chứng tỏ cho chúng tôi thấy sự hùng hổ ấy ra sao, hắn ta bất chợt chỉ ngay hai khóa sinh và ra lệnh cho họ vật nhau. Kẻ chiến thắng sẽ được phép rời khỏi đấu trường, kẻ thua cuộc chuẩn bị đấu với một khóa sinh khác. Thua cuộc chừng nào hắn ta phải đấu nhiều chừng nấy, hắn có thể lần lượt đấu với cả 69 khóa sinh. Và nếu thua hết, ngày mai hắn lại phải tiếp tục đấu nữa. Cái ngày mai đó, hoặc là hắn chiến thắng một người hoặc là hắn ôm gói ra khỏi khóa học.
Đối với những khóa sinh nào không muốn bị đuổi ra khỏi khóa phi công, các màn đô vật sẽ trở thành những màn tranh đua dữ dội nhất của họ. Thường thường hễ khóa sinh nào bị hạ đều bất tỉnh. Nhưng bất tỉnh không phải hy vọng được miễn trừ. Một thùng những lạnh hoặc nhiều cách khác để làm hắn tỉnh lại, và cuộc đấu lại tiếp diễn.
Sau một tháng huấn luyện căn bản trên mặt đất, chúng tôi bắt đầu những bài học phi hành vỡ lòng. Những bài học nầy dạy vào buổi sáng, các môn khác dồn cho buổi chiều. Sau bữa ăn chiều, chúng tôi học thêm 2 giờ nữa.
Nhiều tháng trôi qua, con số khóa sinh sút giảm hẳn. Khóa huấn luyện đòi hỏi khóa sinh phải hoàn hảo mọi mặt, và khóa sinh không thể nào tránh khỏi lỗi lầm nhẹ nhàng nhứt. Trong khi các phi công hải quân được xem là thành phần ưu tú nhứt của binh chủng hải quân, của ngay cả các lực lượng võ trang Nhật Bản không có chỗ nào gọi là chỗ sai lầm dành cho họ. Trước khi giai đoạn huấn luyện 10 tháng hoàn tất, 45 trong số 70 khóa sinh bị loại khỏi trường. Thẩm quyền áp dụng kỷ luật thể xác dữ dội không đáng sợ bằng thẩm quyền loại bỏ khóa sinh, với bất kì lý do nào của các huấn luyện viên.
Vào ngày mãn khóa, một trong những khóa sinh còn bị sa thải. Một nhóm tuần tiễu nhìn thấy hắn bước vô một quán rượu bị cầm ở Tsuchiura để ăn mừng “ngày thành tài” của hắn. Khi trở về trường, hắn được lịnh trình diện hội đồng kỷ luật, và biện hộ bằng cách qùy gối trước mặt các sĩ quan cán bộ. Nhưng lời biện hộ của hắn như đàn gảy tai trâu.
Hội đồng kỷ luật tìm thấy hắn phạm 2 tội không thể tha thứ được. Tội đầu tiên, mọi phi công đều biết: một phi công chiến đấu không bao giờ, vì bất kì lý do nào, uống rượu đến say khướt trong đêm trước khi bay. Ngày hôm sau chúng tôi sẽ có một chuyến bay theo đội hình, chuyến bay nầy được xem như một phần thực tập tốt nghiệp mà chúng tôi đã trải qua. Tội thứ hai, thường tình hơn nhưng nghiêm trọng không kém, không một binh sỹ hải quân nào làm giảm giá trị binh chủng của mình bằng cách bước vô một nơi có để bảng “cấm”.
Sự huấn nhục ở Tsuchiura có thể là trầm trọng nhứt so với các trường khác ở Nhật Bản. Một trong những môn huấn nhục hốc búa hơn hết: leo cột sắt. Cột nầy rất cao, chúng tôi phải leo lên tận ngọn và chỉ được nắm lơ lửng một tay. Khóa sinh nào bám không tới 10 phút mà để rơi xuống sẽ nhận ngay một cái đá chớp nhoáng và bị bắt leo trở lên. Cuối môn huấn luyện nầy, khóa sinh nào muốn khỏi bị loại trừ ít ra cũng phải bám lâu đến 15 hoặc 20 phút.
Tất cả các quân nhân trong binh chủng hải quân Hoàng Gia đều biết lội. Có nhiều khóa sinh người miền núi nên không biết lội như thế nào. Phương pháp huấn luyện rất đơn giản. Các khóa sinh cột dây quanh lưng rồi quăng xuống biển, một là họ lội được hai là họ chìm lỉm. Hiện thời tôi đã 39 tuổi rồi mà vết dây siết chặt vẫn còn để dấu lại trong thân thể tôi. Tôi có thể lội 50m trong vòng 34 giây. Ở trường phi công, lội khoảng cách đó dưới 30 giây là chuyện thường. Mỗi khóa sinh buộc phải lặn sâu xuống nước 50m và duy trì ít nhất 90 giây. Một người bình thường với tất cả nỗ lực, có thể nín thở được 40 – 50 giây, nhưng thành tích nầy được xem là trung bình đối với một phi công Nhựt. Riêng tôi có thể nín thở 2’30 giây dưới nước.
Chúng tôi trải qua hàng nhiều trăm buổi tập lộn nhào để làm quen với cảm giác thăng bằng, giúp một phần sau nầy khi chúng tôi cho các chiến đấu cơ lộn nhào nhiều vòng trong bất kì cách thức nào. Có lý do đặc biệt để chúng tôi chú tâm vào các buổi tập tành nầy, vì một khi thấy chúng tôi lộn nhào đã thành thuộc, các huấn luyện viên ra lịnh cho chúng tôi leo lên một cái tháp cao và lộn nhào xuống mặt đất cứng. Trong lúc rơi xuống, chúng tôi phải lộn nhào 2 – 3 vòng trong không khí và đáp xuống bằng đôi chân. Đương nhiên, nhiều lỗi lầm xảy ra với những kết quả thảm khốc. Môn lộn nhào nầy được xem là một phần huấn luyện thân thể quan trọng, đòi hỏi chúng tôi hoặc là phải thực hành chính xác và đầy đủ những gì mà huấn luyện viên đưa ra hoặc là bị loại khỏi khóa học. Môn đi bằng tay cũng được xem là quan trọng. Thêm vào đó là môn cắm đầu xuống đất và giữ thăng bằng thoạt đầu 5 – 10 phút, và cuối cùng khóa sinh có thể giữ thăng bằng đến 15 phút hoặc hơn nữa. Dần dần, tôi có thể giữ thăng bằng hơn 20 phút, trong thời gian nầy mấy bạn đồng khóa đốt thuốc cho tôi hút. Đương nhiên, mấy trò xiệc nầy không chỉ có tánh cách luyện tập thân thể mà thôi, mà chúng còn giúp cho chúng tôi phát triển một cảm giác thăng bằng cả tinh thần lẫn thể xác đáng kinh ngạc, và có giá trị cứu mạng sống chúng tôi nhiều năm sau nầy. Mỗi khóa sinh ở Tsuchiura đều phải có thị độ sắc bén, việc nầy, dĩ nhiên, là một đòi hỏi tối thiểu khi mới bước chân vô quân trường. Lúc nào chúng tôi cũng phải học nhìn, để chỉ với một cái liếc mắt chúng tôi có thể biết các mục tiêu cách bao xa. Tóm lại, chúng tôi phát triển mọi kỹ thuật giúp chúng tôi thắng thế phi công đối phương.
Một trong những môn học mà chúng tôi khoái nhứt là tìm tòi các ngôi sao vào ban ngày. Các huấn luyện viên thường nhấn mạnh rằng việc nhận diện một ngôi sao giữa ban ngày còn dễ hơn một chiếc phi cơ ở khoảng cách nhiều trăm thước. Và một phi công khám phá kẻ thù trước tiên rồi chuẩn bị vị thế tấn công thuận lợi, phi công đó có thể đánh “trăm trận trăm thắng”. Sau nhiều lần thực tập, công việc “săn sao” của chúng tôi trở nên thiện nghệ. Chúng tôi có phương pháp nhìn và định vị trí một ngôi sao đặc biệt một cách chính xác và nhanh như chớp. Các phi công chiến đấu Nhật Bản đều làm được.
Riêng cá nhân tôi không thể đánh giá quá cao điều học hỏi đặc biệt nầy, nó có vẻ không thích hợp với những hoạt động của những chiến pháp trên không, chết hoặc sống chỉ trong nháy mắt. Tôi biết như vậy trong suốt 200 trận không chiến của tôi, ngoại trừ 2 lỗi lầm nhỏ, tôi không bao giờ để vấp vào một cuộc tấn công bất thần bởi các chiến đấu cơ địch, tôi cũng không để mất một đồng đội nào bay bên cạnh bao giờ. Những giờ rảnh rỗi trong suốt cuộc huấn luyện ở Tsuchiura, không lúc nào chúng tôi không tìm những phương pháp có thể thu ngắn thời gian phản ứng và cải tiến những cử động chính xác của chúng tôi. Khả năng tạo những cử động chính xác không thể không có được trước những dụng cụ trong buồng lái của một chiến đấu cơ.
Chương IV
Hai mươi lăm khóa sinh của khóa 38 hạ sỹ quan, trong đó có tôi, tốt nghiệp vào cuối năm 1937. Tôi được chọn làm khóa sinh ưu tú trong năm để nhận một chiếc đồng hồ bằng bạc, tặng phẩm của Thiên Hoàng.
Nhóm hai mươi lăm người chúng tôi là số còn lại trong 70 khóa sinh nguyên thủy tuyển chọn trong số 1500 dự tranh trên toàn quốc. Chúng tôi đã trải qua một thời gian huấn luyện gắt gao và thông suốt. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi nhận nhiệm vụ ở Trung Hoa, nơi chiến tranh phát động vào tháng 7 năm 1937, chúng tôi được huấn luyện bổ túc. Mặc dù chúng tôi trải qua nhiều cuộc huấn luyện như vậy, nhiều người thuộc nhóm chúng tôi đã bị phi công địch bắn hạ, không kịp gặt hái một chiến thắng nào. Ngay cả tôi, với khả năng bay có hạng, tôi vẫn thấy cái chết trước mắt trong trận không chiến đầu tiên, nếu đối thủ của tôi tấn công mạnh thêm chút nữa. Quả thật, tôi đã quá vụng về trong trận không chiến đầu tiên nầy, không hỗ trợ nổi các phi công đồng đội. Tôi sống sót là do sự thiếu khéo léo của đối thủ.
Đối với tôi, không chiến luôn luôn là một việc làm hóc búa, một nhiệm vụ quá gay go, với sự căng thẳng không nào chịu đựng nổi. Ngay cả khi cuộc chiến đấu đầu tiên của tôi đã vượt qua, và ngay cả khi nhiều phi cơ địch trở thành nạn nhân của tôi, mỗi lần chấm dứt một cuộc không chiến dữ dội trên không là mình mẩy tôi ướt đẫm mồ hôi. Luôn luôn có “cơ hội” để vấp phải một sai lầm nhỏ nhặt, điều nầy có nghĩa là sẽ biến thành bó đuốc. Xuyên qua tất cả hình thức diễn tập: đảo vòng tròn, đảo thật ngắn, lộn nửa vòng, lộn nhiều vòng, xoáy hình trôn ốc, bổ chúi xuống, bay vượt lên, rơi như chiếc lá, và nhiều hình thức khác nữa, chỉ sơ hở một đường tơ kẻ tóc là đi đời ngay. Hai mươi lăm bạn đồng khóa của tôi, cuối cùng chỉ một mình tôi sống sót. Cuộc chiến trên không kéo dài và đầy gian nan, do đó những ưu thế vào những ngày đầu của chúng tôi chìm dần vào cơn ác mộng. Trong cơn ác mộng đó, chúng tôi đã vật lộn một cách vô vọng với một dòng thủy triều đối nghịch càng lúc càng cuồng bạo.
Suốt thập niên 1930, hải quân Nhật huấn luyện trung bình 100 phi công mỗi năm. Nhưng chương trình huấn luyện khắc nghiệt đã loại bỏ gần hết, để cuối cùng trong vòng 10 năm chỉ khỏang hơn 100 phi công tốt nghiệp. Nếu hải quân được dành thêm ngân khoản huấn luyện và nếu hải quân giảm bớt thái độ cố chấp trong việc chọn lựa khóa sinh, tôi tin rằng con đường chúng tôi đi trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến sẽ bớt chông gai. Chắc chắn kết quả của cuộc chiến không thể cải biến, nhưng những cú đấm chết người mà đơn vị không quân của chúng tôi nhận lãnh trong hai năm cuối cùng của cuộc chiến sẽ nhẹ bớt đi phần nào. Chỉ sau khi cuộc chiến Thái Bình Dương bắt đầu, và những phi công đầy đủ kinh nghiệm hao mòn đến mức độ nguy ngập cần phải được thay thế ồ ạt, hải quân mới từ bỏ chính sách huấn luyện vô lý của mình. Nhưng lúc đó đã quá muộn rồi. Tài năng của các phi công tốt nghiệp trong những năm chiến tranh đáng nghi ngờ. Tôi biết chắc rằng 45 bạn đồng khóa với tôi đã bị loại khỏi Tsuchiura trước đây, còn tài cán gấp mấy lần những phi công đã hoàn tất huấn luyện trong thời chiến.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được chỉ định đến nhiều không đoàn để thực tập. Thoạt đầu tôi được gởi đến căn cứ Không Quân hải quân ở Oita và Omura ở miền Bắc Kyushu. Cả hai căn cứ nầy là nơi đáp tạm của những phi vụ từ các phi trường ở đất liền, cũng như từ các hàng không mẫu hạm. Chứng kiến tài năng lão luyện của các phi công hàng không mẫu hạm đã khiến tôi hơi xao xuyến, nhứt là những cú bổ nhào của họ, khéo léo không thể tưởng tượng. Tôi ngờ vực khả năng của mình, ngay cả nhiều năm sau.
Đáp xuống hàng không mẫu hạm đối với tôi khó khăn vô cùng. Suốt một tháng ròng rã tập luyện, tôi mới hết gặp rắc rối, nhưng sau công cuộc tập luyện nầy, tôi chưa từng cất cánh hoặc hạ cánh xuống một hàng không mẫu hạm trong lúc chiến đấu bao giờ. Tất cả những phi vụ chiến đấu của tôi đều thực hiện ở các phi trường trên đất liền. Tiếp theo sau 3 tháng thực tập liên tục trên đất liền và hàng không mẫu hạm, tôi được lệnh thuyên chuyển đến căn cứ không quân Kaohsing trên đảo Đài Loan, bấy giờ thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Nhịp độ của đời sống hải quân đã đổi khác. Cuộc chiến ở Trung Hoa đến hồi ác liệt, các phòng tuyến lan rộng. Thêm phi công chiến đấu cho cuộc chiến đó, ngay cả những phi công tay mơ như chúng tôi bỗng nhiên trở thành nhu cầu thúc bách.
Từ Đài Loan, tôi được thuyên chuyển lên Kiukiang ở miền Đông Nam Trung Hoa, và vào tháng 5 năm 1938, tôi nếm mùi chiến đấu lần đầu tiên. Vị chỉ huy trưởng liên phi đoàn ở Kiukiang rất ghét sử dụng bọn phi công mới ra trường vào các phi vụ chánh yếu, ông ta cảm thấy sự thiếu kinh nghiệm của họ sẽ làm mất mặt bọn phi công kỳ cựu đang bay ở Trung Hoa. Do đó, tôi chỉ được cắt đặt thực hiện các phi vụ thấp kém: yểm trợ các cuộc hành quân của Lục Quân. Các phi vụ không có gì nguy hiểm, bộ binh đã đè bẹp tất cả những cuộc chống đối của địch quân trên mặt đất, còn chống đối trên không hầu như hoàn toàn không có. Nhiều tuần lễ trôi qua, chỉ lãnh các nhiệm vụ yểm trợ, tôi cảm thấy bực bội. Hăng hái, nhiệt tâm và kiêu hãnh trong tư cách một trung úy phi công hải quân, tôi quyết định thử tài với địch quân một phen. Vào ngày 21 tháng 5, tôi hớn hở khi dò thấy tên tôi nằm trong danh sách 15 phi công chiến đấu được chọn thực hiện một phi vụ tuần tiễu chánh thức ở Hán Khẩu vào ngày hôm sau. Chuyến đi nầy đầy “hứa hẹn”, vì Hán Khẩu là căn cứ không quân chánh của Trung Hoa Quốc Gia lúc đó.
Vào năm 1938, loại chiến đấu cơ Zéro chưa được mang ra sử dụng trên các mặt trận. Chúng tôi bay loại chiến đấu cơ Mitsubishi 96, Đồng Minh đặt tên là Claude, tốc độ chậm, tầm hoạt động giới hạn, bộ phận hạ cánh cố định và buồng lái lộ thiên.
Sáng ngày 22, 15 chiến đấu cơ của chúng tôi rời khỏi Kiukiang, từng nhóm 5 chiếc trong đội hình chữ V, nhìn rất ngoạn mục. Chín mươi phút bay từ phía Đông Bắc của căn cứ chúng tôi đến Hán Khẩu giống như một phi vụ huấn luyện nhàn nhã. Không có chiếc phi cơ nào của địch xuất hiện tấn công chúng tôi, cũng không có một khẩu phòng không nào thăm hỏi chúng tôi. Dường như khó thể tin rằng có một cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở phía dưới. Từ 10.000 bộ trên cao, phi trường Hán Khẩu đánh lừa chúng tôi một cách tuyệt hảo. Toàn là màu cỏ thẫm xanh chiếu lấp loáng dưới ánh mặt trời buổi sớm. Căn cứ không quân quan trọng của địch quân như một sân gôn vĩ đại được chăm sóc cẩn thận. Nhưng các chiến đấu cơ địch không phải để sử dụng một cách giản dị vào môn thể thao nầy. Tôi nhìn thấy 3 chấm nhỏ lướt như bay trên cỏ. Đó là 3 chiến đấu cơ địch.
Thế rồi chúng vượt lên cùng một độ cao với chúng tôi trong chớp mắt, to lớn, đen đúa và mạnh mẽ. Không một dấu hiệu cảnh báo nào, và trước sự kinh ngạc của tôi, một trong 3 chiến đấu cơ địch tách ra khỏi đội hình và đâm thẳng vô phi cơ của tôi với một tốc độ khủng khiếp. Những gì tôi sắp xếp để đối phó với cuộc không chiến đầu tiên của tôi đều biến mất. Tôi cảm thấy các thớ thịt của tôi xoắn lại, và mặc dù tình trạng hiện nay không lấy gì làm vui vẻ, tôi lại thấy toàn thân rung lên với nỗi kích thích lẫn xúc động, khi thấy phi cơ địch đã “chọn tôi” làm mục tiêu. Tôi hành động có vẻ đần độn trong những giây phút khủng hoảng nầy. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng các phản ứng trí não của chúng tôi ở độ cao 10.000 bộ, sau 90 phút bay không có mặt nạ dưỡng khí, không còn chính xác bằng lúc chúng tôi ở mặt đất. Không khí loãng, dưỡng khí ít đã ảnh hưởng nhiều đến trí não. Hơn nữa, buồng lái lộ thiên, tiếng động nghe đinh tai nhức óc, cũng như những luồng gió lạnh cóng thổi tạt vô kiếng che gió, và không lúc nào bỏ lơi các cần kiểm soát được. Tôi xoay đầu nhìn mọi hướng một cách lo âu để xem còn bị đối thủ nào tấn công nữa hay không, cùng lúc tay chân tôi hoạt động trên cần điều khiển, bàn đạp bẻ lái, tốc độ, và các dụng cụ khác. Tóm lại, tôi hoàn toàn rối loạn.
Những thói quen trong thời gian huấn luyện lần lượt được áp dụng. Lời dặn của tất cả các bậc đàn anh: “Luôn luôn đeo dính đuôi phi cơ cầm đầu trong đội hình chữ V của anh”. Tôi mò mẫm một tay cột những sợi dây đai của chiếc mặt nạ dưỡng khí (cung cấp dưỡng khí trong vòng hai giờ và chúng tôi chỉ sử dụng mặt nạ khi lâm trận hoặc bay ở độ cao trên 10.000 bộ), nâng tốc độ lên tối đa. Tất cả các thùng chứa xăng phụ của các phi cơ Nhựt khác đều đã được thả ra. Tôi quên khuấy điều nầy. Tay tôi run run đưa ra ấn nút. Bình chứa xăng của tôi rơi xuống. Tôi hoàn toàn bối rối. Tất cả những điều tôi làm đều vụng về, hầu như quên mất hết các qui luật không chiến căn bản. Tôi không nhìn thấy các diễn biến ở 2 bên hoặc phía sau tôi. Phi cơ địch cũng biến mất trước mắt tôi. Tôi chỉ thấy cái đuôi của chiếc phi cơ đầu nhóm. Tôi cứ đảo phi cơ tôi theo, và cuối cùng tôi bay bên cạnh phi cơ dẫn đầu. Tôi lấy lại bình tĩnh, tay chân không sờ soạng trong buồng lái một cách vụng về nữa. Hít một hơi thở thật dài, tôi liếc nhìn thật mau về bên trái. Hai chiến đấu cơ địch bóng loáng đang bay thẳng vô phi cơ của tôi. Đó là 2 chiếc E.16 do Nga Sô chế tạo, với bộ phận hạ cánh có thể rút vào thân phi cơ. Loại E.16 nhanh nhẹn hơn và bay mau hơn loại chiến đấu cơ Claude của chúng tôi nhiều. Tôi lại ngần ngừ, tay lơ lửng trong không khí, không biết làm gì bây giờ. Thay vì đảo qua một phía hoặc vượt thẳng lên cao, tôi vẫn tiếp tục bay như trước. Nhưng bất ngờ, khi cái chết của tôi ở trước mắt, hai chiến đấu cơ địch vượt lên và bay mất. Cả đời tôi chưa hề biết đến sự may mắn nào huyền diệu hơn sự may mắn nầy. Nhưng không có gì gọi là khó hiểu. Đoán trước tôi sẽ là “gà chết” trong trận không chiến đầu tiên nầy, người cầm đầu phi vụ chỉ định một trong những phi công kỳ cựu bay theo phía sau để bảo vệ phi cơ tôi. Khi thấy tôi lâm nguy, viên phi công nầy lách ra như chớp và chĩa mũi thẳng vào hai chiến đấu cơ địch, phá vỡ ngay ý định tấn công của chúng.
Tôi vẫn bay như đui mù, không biết ngay cả việc tôi đã xê dịch vị trí và đặt phi cơ của tôi cách 500 m phía sau một trong những phi cơ địch. Tôi đang “mơ mộng”. Cuối cùng tôi bừng tỉnh và phóng về phía trước. Chiếc phi cơ địch, trước mắt tôi, đã nằm trong tử điểm. Tôi ấn cò súng. Không một tiếng nổ nào nghe thấy. Tôi ấn cò súng liên hồi, miệng không ngớt nguyền rủa hai khẩu đại liên. Cuối cùng tôi mới nhận ra tôi quên mở khóa an toàn của mấy khẩu súng trước khi chạm địch. Viên hạ sỹ quan Nhật bay bên trái thấy tôi sờ soạng một cách vụng về trong buồng lái, hắn không còn kiên nhẫn được nữa đã lướt về phía trước, và khai hỏa vào chiếc chiến đấu cơ địch đang tháo chạy. Đạn không trúng, chiếc E.16 đảo về phía phải chỉ cách tầm súng của tôi 200 m. Lần nầy tôi đã sẵn sàng, tôi ấn tay vào cò súng. Những viên đạn bay ra thành hình vòng cung, nhưng hoang phí. Tôi lại để mất một cơ hội bằng vàng khác.
Nếu tôi tiến gần hơn, tôi sẽ hạ đối thủ dễ dàng. Tôi gia tăng hết tốc lực. Viên phi công địch lộn nhào nhiều vòng và rớt xoáy xuống theo hình trôn ốc, tránh thoát hết tất cả những viên đạn tôi vừa bắn ra. Sau đó, phi cơ địch cố xoay lại để nghinh chiến. Đó là một lối bay nghèo nàn đáng kinh ngạc. Hiển nhiên hắn không có dịp may. Một trong những chiếc Claude đang quần trên cao bổ chúi xuống. Viên phi công địch cố chạy thoát một lần nữa thay vì cố tiêu diệt tôi. Tuy nhiên, hắn không làm được việc nầy. Bây giờ hắn chỉ cách trước mặt tôi có 150 m, và tôi rót ngay một tràng đạn vô đầu máy chiếc phi cơ. Một luồng khói túa ra ở mũi và chiếc phi cơ chúi thẳng xuống mặt đất. Cho đến khi nó biến thành mảnh vụn trong chiếc nấm khói phía dưới, tôi mới biết các khẩu đại liên của tôi không còn một viên đạn nào. Mọi phi công chiến đấu đều phải cố duy trì một số đạn cho lượt về, nhằm chống đỡ các chiến đấu cơ tuần thám của đối phương. Tôi đã bắn xả láng.
Tôi nhìn quanh một cách đầy lo âu, và tim tôi chùng xuống. Không còn một chiếc phi cơ nào khác quanh tôi. Tôi đã lạc bầy. Chiến thắng của tôi đáng buồn cười, nó đã được các đồng đội dâng lên đến miệng tôi trên một chiếc dĩa bằng bạc. Những hành động quờ quạng vừa qua đã làm tôi xấu hổ, và mắt tôi dần dần bao phủ trong màn lệ. Chắc chắn tôi đã khóc cho đến khi, đảo mắt một lần nữa, tôi nhìn thấy 14 chiếc Claude đang bay vòng tròn chầm chậm trong đội hình, kiên nhẫn chờ đợi tôi lấy lại “tinh thần” và kết hợp với họ.
Trở lại Kiukiang, tôi kiệt sức khi leo ra khỏi buồng lái. Viên chỉ huy phi vụ hùng hổ chạy lại phi cơ tôi, mặt mày đỏ gấc vì phẫn nộ: “Sakai! Mọi việc …” ông ta lắp bắp: “Anh là một thằng ngu, Sakai! Anh sống được cũng lạ! Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một lối bay vụng về và buồn cười như vậy! Anh…”. Ông ta không thể nói tiếp được nữa. Tôi cúi gầm mặt, buồn rầu và hối hận. Tôi muốn ông ta đấm đá tôi cho hả cơn tức. Nhưng viên đại úy không làm như vậy, ông quay lưng và bước đi.
Chương V
Vào thời gian nầy chúng tôi không thể tìm hiểu được quốc tịch các phi công lái loại chiến đấu cơ do Nga Sô chế tạo. Có nhiều lý do để tin rằng có một số “phi công chí nguyện Nga” lái phi cơ vượt biên giới để giúp đỡ Trung Hoa, nhưng chúng tôi đã thất bại trong việc nhận dạng xác phi công Nga bên cạnh các phi cơ địch bị bắn hạ. Hải quân Nhật tin tưởng mạnh mẽ rằng một nhóm phi công “Lê Dương” đã gia nhập không lực Trung Hoa. Nhóm phi công nầy đủ quốc tịch, lái nhiều loại phi cơ khác nhau, vì chúng tôi đụng đầu không chỉ với phi cơ Nga mà còn phi cơ Mỹ, Anh, Đức và của vài quốc gia khác. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng các phi công Trung Hoa Quốc Gia cũng lái những phi cơ nầy.
Có lần một phi cơ Hoa Kỳ chế tạo rơi gần Thượng Hải, binh sỹ của chúng tôi vội vã tiến đến nơi và mang về xác của một phi công Mỹ. Giấy tờ trong xác chết đã cho biết như vậy. Tài nghệ nghèo nàn đáng chán nản của tôi được khỏa lấp bởi việc tôi hạ được chiến đấu cơ Nga Sô.
Ngày hôm sau, tôi kẻ ngay một ngôi sao xanh trên thân chiếc Claude mà tôi đã lái, như vậy có tất cả 6 ngôi sao. Các phi công Nhật, nhứt là các phi công mới ra trường như tôi, không thực hiện các phi vụ với cùng một phi cơ, bởi lẽ không đủ số. Cứ mỗi khi đến lượt bay, chúng tôi nhảy đại lên chiếc nào có thể sử dụng được. Điều nầy lại hỗ trợ cho các phi công thiếu kinh nghiệm, bởi lẽ phi công địch mỗi khi thấy hàng tá ngôi sao xanh, hoặc nhiều hơn nữa kẻ trên thân phi cơ của chúng tôi, hắn sẽ nể mặt ngay. Mỗi ngôi sao xanh là một phi cơ địch bị hạ.
Cuộc chiến ở Trung Hoa là một cuộc chiến không thể tin được. Nó không bao giờ được xem là một “cuộc chiến” giữa các lực lượng của chúng tôi. Đó chỉ là một biến cố Hoa – Nhật. Tôi phỏng đoán lúc người Mỹ tung quân vào Triều Tiên, trong khi Quốc Hội của họ không tuyên chiến chánh thức, đó chỉ là một “hành động chính trị” , như chính phủ Nhật đã cảm thấy nhiều năm trước khi xảy ra cuộc xung đột hiện thời. Chúng tôi không tuyên chiến, vì vậy cuộc xung đột chỉ là một “biến cố” đối với chúng tôi. Ngay khi tình thế cho phép, chúng tôi dựng lên một chính phủ bù nhìn dưới sự lãnh đạo của Uông Tinh Vệ, công khai chống đối với Quốc Dân Đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, viễn ảnh ngại nhất của cuộc chiến là sự xung đột ác liệt trong xứ giữa các lực lượng Tưởng và Cộng Sản Trung Hoa. Cộng Sản lợi dụng mọi cơ hội chận đánh lực lượng Trung Hoa Quốc Gia khi bị quân chúng tôi đẩy lui.
Các lực lượng trên bộ và trên không của Nhật Bản ở Trung Hoa thường đối đầu với chiến thuật biển người. Hàng nhiều đạo quân với cả triệu binh sỹ Tàu cố gắng tràn ngập chúng tôi. Tuy cán cân quân số chênh lệch hẳn người Trung Hoa hiếm khi nắm được ưu thế, bởi vì binh sỹ của họ huấn luyện kém cỏi và trang bị nghèo nàn. Hết loạt nầy đến loạt khác, địch quân ùa đến các đơn vị võ trang hữu hiệu của chúng tôi, nhưng chỉ để bị đánh bật ra và rước lấy những thương vong trầm trọng. Ngay cả sự yểm trợ như thác lũ của Đồng Minh trên phương diện tiếp tế xuyên qua Miến Điện, Mông Cổ, Xiêng Khoang, vẫn không giúp được quân của họ Tưởng trên chân quân của chúng tôi. Các nguồn tiếp tế nầy tỏ ra hữu hiệu trong việc giúp họ Tưởng chạy vắt giò về Trùng Khánh, hơn là giúp ông ta tập trung một cuộc phản công xứng hợp nhằm chống lại chúng tôi. Đúng là một cuộc chiến chỉ có một bên đánh, và tình trạng nầy kéo dài cho đến khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8 năm 1945.
Tuy nhiên, Nhật không có ý định chinh phục, hoặc không thể chinh phục cả khối người Trung Hoa khổng lồ, và chiếm lấy lãnh thổ bao la nầy. Thay vào đó, lực lượng của chúng tôi chỉ chiếm lấy những thành phố then chốt tại khu vực chiến lược , cắt đứt hệ thống giao thông của địch quân và góp các sắc thuế của nhiều nông dân Trung Hoa nằm trong thẩm quyền của các lực lượng chiếm đóng Nhật Bản mà thôi. Nhưng bên ngoài các thành phố quan trọng có thành lũy bao quanh, tử thần luôn luôn chờ đợi các đơn vị Nhật Bản. Du kích của họ Tưởng, cũng như của Cộng Sản Trung Hoa, phục kích sẵn hết để chờ tiêu diệt các nhóm quân Nhựt rơi vào vòng. Có nhiều viên chức Trung Hoa trong các thành phố chiếm đóng làm việc với chúng tôi. Tuy nhiên, bên ngoài họ ton hót và hợp tác rất chặt chẽ nhưng bên trong họ lại tiếp xúc với du kích quân hoạt động ở các vùng quê và miền núi. Nhiều khi các cuộc tiếp xúc như vậy lại được duy trì với sự chấp nhận của các vị chỉ huy Nhật Bản nhằm gây thuận lợi cho nhiều vấn đề cai trị trong các thành phố chiếm đóng.
Quả thật đây là một cuộc chiến kỳ lạ.
Nhiều lần thực hiện các phi vụ yểm trợ bộ binh, quang cảnh phía dưới đã làm cho tôi kinh ngạc. Tôi thấy các nông dân Trung Hoa cắm cúi làm ruộng, không để ý đến các trận đánh xáp lá cà hoặc khai hoả vào nhau giữa quân Hoa – Nhật các đó không đầy 2 cây số. Nhiều lần tôi cũng bay xà trên đường phố của các thị trấn có tường lũy xung quanh đang bị chúng tôi bao vây và pháo kích. Những dãy tiệm buôn dọc theo đường phố vẫn hoạt động, mua bán như thường lệ, mặc dù máu của quân phòng thủ Trung Hoa vung vẩy trên mặt đường.
Tuy nhiên, nhiệm vụ ở Trung Hoa không có gì gay go, nếu không nói là đáng chán, đối với các đơn vị không quân Nhật. Hiển nhiên, ưu thế trên không nghiêng hẳn về phía chúng tôi. 16 tháng sau khi tôi đến Kiukiang lực lượng bộ binh của chúng tôi tiến sâu vô lãnh thổ địch quân, đánh chiếm Hán Khẩu dễ dàng và chúng tôi dời đến phi trường ở đây. Lúc bấy giờ báo chí có loan tải vụ tôi hạ được chiếc chiến đấu cơ của Nga Sô. Má tôi có gởi cho tôi một bức thơ với lời lẽ tràn đầy hãnh diện. Điều là tôi thích thú nhứt là bức thư của Hatsuyo Hirokawa, con gái của chú tôi, hiện thời đã 16 tuổi. Nàng viết: “Ba em vừa được bổ nhiệm vào chức Giám Đốc sở Bưu Điện ở Shikoku. Em đang theo học trường nữ sinh trung học Tokushima, và anh có thể tượng tượng từ Đông Kinh đến Shikoku đã có sự thay đổi lớn lao. Bức thơ nầy của anh khiến em xúc động, và khiến cho các bạn của em đều thích thú. Mỗi ngày tụi em đều chúi mũi trên báo để dò thêm tin tức của anh. Chúng em không muốn bỏ sót tin tức nào về chiến công của anh ở Trung Hoa. Bỗng nhiên, Saburo, em muốn giới thiệu với anh cô bạn thân nhứt của em ở Tokushima, tên Mikiko Niori. Mikiko đẹp nhất lớp của em, và cũng học giỏi “số dách”. Ba cô ta dạy học ở đại học Kobe. Trong số mấy cô được em cho coi qua thơ của anh, Mikiko tỏ vẻ thích nhất. Nàng năn nỉ em giới thiệu anh cho nàng đó.” Thơ có gởi kèm bức hình chụp chung của Hatsuyo và một lá thơ của cô gái mà tôi chưa từng gặp mặt. Cô ta đẹp, đúng như lời Hatsuyo đã nói, và những lời cô ta mô tả về thành phố và gia đình cô ta khiến tôi khoái chí.
Mấy bức thơ gây phấn khởi tinh thần của tôi vô cùng. Tôi nhớ rõ cái ngày vui vẻ tột độ ấy, ngày 3 tháng 10 năm 1939, tôi vừa đọc thơ vừa lau chùi mấy khẩu đại liên trên chiếc chiến đấu cơ của tôi. Mọi người ở phi trường được nghỉ xả hơi. Còn gì đáng lo? Chúng tôi hầu như đã quét sạch bọn phi công quốc tế và Trung Hoa trong mỗi cuộc đụng độ. Nhưng không khí lạnh trang thình lình bị phá vỡ. Còi báo động trên đài kiểm soát hụ vang. Ngay lúc đó, một loạt tiếng gầm thét lướt đến và mặt đất rung chuyển với những làn sóng bom đinh tai nhức óc. Có ai đó thét lớn một cách không cần thiết: “Không kích”.
Không có thời giờ để chạy vô hầm trú ẩn. Tiếng bom nổ kéo thành dây như tiếng sấm liên tục. Khói bốc cao trên phi đạo. Tôi nghe cả tiếng miểng bom lướt vèo vèo qua không khí. Nhiều phi công khác cùng với tôi chạy ra khỏi xưởng cơ khí để chui vô hầm trú ẩn. Tôi bò dưới đất để tránh miểng bom, và sau đó chúi đầu vô giữa 2 bồn chứa nước vĩ đại. Tôi cũng khá mau chân. Một kho súng gần đó nổ tung lên, bao trùm lửa khói, và mấy trái bom như những cây gậy chọc trên mặt đất, nện vào 2 màng tai tôi, và vít tung lên hàng bụm đất vĩ đại. Bom bỗng nhiên dứt tiếng, tôi ngóc đầu dậy để nhìn những gì xảy ra. Tai tôi tràn ngập tiếng la hét, rên rỉ. Những người nằm xung quanh tôi đều bị thương trầm trọng, và khi tôi bắt đầu bò đến 1 phi công nằm gần nhất, tôi nghe ở bắp đùi và mông tôi đau nhói như dao cắt. Tôi đưa tay rờ và cảm thấy máu thấm ướt qua quần. Đau đớn quá đỗi, nhưng cũng may vết thương không sâu. Đầu óc choáng váng, tôi gượng đứng dậy và chạy ngược về sân bay. Tôi vừa chạy vừa ngước nhìn lên bầu trời, tôi thấy 12 oanh tạc cơ bay trong đội hình, đảo một vòng thật rộng ở độ cao ít nhất 20.000 bộ. Đó là loại oanh tạc cơ SB hai máy do Nga Sô chế tạo, oanh tạc cơ chánh của không lực Trung Hoa. Hiệu quả vượt bực của cuộc tấn cống bất thần nầy không thể phủ nhận được. Cho đến khi bom từ phi cơ rơi xuống và nổ tung mọi người mới biết.
Đa số 200 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của Hải quân và Lục quân đậu san sát dọc theo phi đạo đang bốc cháy. Những bựng lửa vĩ đại túa ra từ các bồn chứa xăng nổ tung, biến thành những cột khói trên không. Xăng từ các phi cơ chưa cháy đang thoát ra ngoài qua các lỗ hổng do miểng bom xoi thủng. Lửa bén xăng cháy lan từ phi cơ nầy sang phi cơ khác. Các oanh tạc cơ nổ bùng như cây pháo và các chiến đấu cơ loà sáng như diêm quẹt. Tôi chạy quanh dãy phi cơ bốc cháy như điên cuồng cố tìm xem còn chiếc nào nguyên vẹn hay không. Một vài chiếc chiến đấu cơ nằm riêng rẽ thoát khỏi cuộc hủy diệt. Tôi leo lên buồng lái của một chiếc, rồ máy và cất cánh tức khắc ngay khi chạy ra phi đạo.
Các oanh tạc cơ địch tăng thêm độ cao khi chiếc chiến đấu cơ nhanh nhẹn hơn của tôi đuổi theo ráo riết. 20 phút sau khi cất cánh, hầu như tôi bắt kịp đối phương. Một mình trên không, nhưng tôi không để ý đến điều nầy. Tôi cũng biết rằng chiến đấu cơ của tôi trang bị yếu, sự đe doạ không đủ trầm trọng đối với 12 oanh tạc cơ địch. Phía dưới tôi là thành phố Ichang nằm cạnh bờ sông Giang Tử, vẫn còn nằm trong tay quân phòng ngự Trung Hoa. Bị bắn hạ ở đây, cho dù bị thoát chết khi rơi xuống, nhưng không thể nào thoát chết trong tay binh sỹ của họ Tưởng. Nhưng tôi phải tấn công, không thể trì hoãn.
Tôi bay sát đến từ phía sau và ở phía dưới dãy phi cơ địch đang lướt đi. Súng địch khai hoả, nhưng không trúng tôi. Tôi tiến sát hơn nữa, và tập trung hoả lực vào chiếc oanh tạc cơ bên trái. Khi bay lãng ra và vượt lên tôi nhìn thấy khói từ phi cơ địch túa ra. Chiếc oanh tạc cơ rơi khỏi đội hình, bắt đầu mất hướng khi tôi đảo lại và sắp bổ nhào xuống vồ thêm một cú ân huệ. Nhưng tôi bỏ dở lợi thế. Ngay khi đẩy cần điều khiển, tôi nhớ lại Ichang nằm cách phía Tây Hán Khẩu ít nhất là 150 dặm. Nếu tôi truy đuổi chiếc oanh tạc cơ què quặt thêm nữa, tôi sẽ không đủ xăng để quay về căn cứ, và như vậy nghĩa là tôi bắt buộc đáp xuống đất địch. Sự liều lĩnh chống lại một nhóm địch quân vượt trội khác hẳn với sự liều mạng. Tiếp tục tấn công là tự sát, hành động nầy không thể gọi là can đảm. Tôi quay về căn cứ. Dĩ nhiên tôi không biết chiếc oanh tạc cơ địch có về đến phi trường của nó được hay không. Trở lại Hán Khẩu, sự huỷ diệt chỉ do 12 chiếc oanh tạc cơ địch gây ra khủng khiếp không thể tưởng. Hầu hết phi cơ của chúng tôi tan tành. Vị chỉ huy trưởng căn cứ mất cánh tay trái, nhiều sỹ quan cũng như phi công và nhân viên bảo trì lớp chết lớp què quặt. Tôi đã quên mấy vết thương của tôi, nhiệt độ của cuộc truy đuổi và sự căng thẳng của trận chiến làm cho cơn đau tạm thời biến mất. Leo xuống và rời khỏi phi cơ một vài bước, tôi ngã quỵ trên phi đạo.
Các vết thương lành lặn một cách chậm chạp. Một tuần lễ sau, trong khi vẫn còn nằm trong bệnh viện, tôi nhận được thơ của Hatsuyo, với những tin tức còn tàn phá hơn cuộc oanh tạc vừa qua. Hatsuyo viết: “Em rất buồn khi phải viết thơ nầy, nó chứa đựng một tin tràn ngập đớn đau cho anh. Mikiko, người bạn thân nhất của em, chết thình lình trong một tai nạn lưu thông vào ngày 3 tháng 10. Em không biết nói gì. Em rối loạn và đau đớn. Em tức giận Thượng Đế. Tại sao, tại sao một người toàn vẹn như Mikiko lại phải chết lúc mới 16 tuổi, và nàng hoàn toàn ngây thơ vô tội? Em đã tự oán ghét mình khi báo tin nầy cho anh, một trong những phi công đang chiến đấu. Nhưng không còn ai khác để em kể lể ngoài anh…”.
Bức thơ của Hatsuyo còn kèm theo mấy giòng do má của Mikiko viết: “Con Mikiko bất hạnh ngày ngày thường nói về anh với gia đình chúng tôi. Sau khi gởi thơ cho anh, nó nôn nóng trông chờ phúc đáp. Nhưng thơ của anh chỉ đến vào ngày cử hành tang lễ của nó. Ôi! nếu nó được đọc thơ của anh trước thì vui vẻ biết bao! Tại sao đấng toàn năng mang nó đi sớm như vậy. Tôi không hiểu nổi. Tôi đã kêu gào nhiều ngày. Tôi muốn anh biết rằng bức thơ của anh đã được đặt trong áo quan của con gái tôi, và bức thơ sẽ theo nó về trời. Xin anh nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của chồng tôi, và của chính tôi về những giòng chữ mà anh đã viết cho con tôi. Hiện tại, chúng tôi cầu nguyện linh hồn của Mikiko sẽ che chở anh trên không trung, trước lằn tên mũi đạn của quân thù.” Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi choáng váng và hụt hẫng. Nhiều giờ, sau khi nằm trên giường, tôi viết một bức thơ dài cho má của Mikiko để chia buồn với bà. Trong thơ tôi gởi kèm một số tiền để góp vào việc xây mộ cho nàng, hành động nầy theo đúng với tập tục của tổ tiên chúng tôi. Trải qua nhiều ngày, lòng nhớ quê hương của tôi nổi lên mạnh mẽ, tôi mong muốn gặp lại gia đình, má tôi và các anh chị tôi.
Niềm mong ước nầy chờ đợi không mấy lâu. Hai ngày sau tôi nhận được lịnh thuyên chuyển, chỉ thị tôi trình diện Liên Phi Đoàn Omura, căn cứ không quân gần nhà tôi nhứt. Viên đại úy phòng nhân viên, mặt mày lạnh lùng, cảnh cáo tôi: “vì lí do an ninh, khi về Nhật anh không được kể với ai về thảm họa vừa xảy ra. Anh hiểu chớ?.”
“Dạ, thưa đại úy vì lý do an ninh, tôi sẽ không kể lại với ai về thảm hoạ vừa xảy ra.” Tôi đáp rồi chào và bước ra sân bay leo lên một vận tải cơ. Nó sẽ mang tôi về quê nhà.
Chương VI
Với tâm trạng đen tối, tôi trở về căn cứ Omura. Cuộc không tập tàn phá phi trường Hán Khẩu, mất một số bạn thân, cái chết của Mikiko, và các vết thương của tôi, tất cả khiến tôi rủn chí. Hơn nữa, mặc dù căn cứ gần sát bên nhà tôi, tôi không được phép về thăm gia đình cho đến khi các vết thương của tôi hoàn toàn lành lặn.
Trước tiên tôi đến gặp vị chỉ huy trưởng căn cứ Omura với tất cả sự e dè. Khi tôi được chỉ định về phục vụ tại căn cứ nầy vào năm trước đây, thái độ khinh bỉ và không thiện cảm của ông đối với tất cả các phi công mới ra trường thật đáng buồn. Thái độ nầy làm tôi lo âu. Nhưng tôi đã kinh ngạc khi vị chỉ huy trưởng mỉm cười rạng rỡ lúc tôi đứng nghiêm trước bàn giấy của ông. Ông nhìn tôi trong giây lát, ngắm nhìn bộ quân phục, mặt mày, và đôi mắt của tôi đang nhìn thẳng về phía trước. Dần dần tôi hiểu thái độ hiện thời của ông. Tin tức về việc tôi đơn độc chống lại 12 oanh tạc cơ địch, mặc dù kết quả không rõ đã bay trước bước chân tôi trở về Nhật Bản của tôi. Thái độ khinh thường trước đây của ông đã chuyển hướng, vị chỉ huy trưởng báo cho tôi biết, tôi có thể nghỉ ngơi thoải mái ở Omura và trong thời gian nầy tôi sẽ khỏi phải thi hành một công tác nào cả. Việc nầy đáng kinh ngạc, những tay lính mới chưa từng được đối xử như vậy bao giờ.
Ở nhà ăn, tôi biết được các phi vụ ở Trung Hoa của tôi, với việc hạ được 1 chiến đấu cơ và tấn công 12 oanh tạc cơ địch, được thêm mắm dậm muối rất nhiều, khiến tôi trở thành một vị anh hùng nho nhỏ đối với các phi công thực tập ở căn cứ. Những người này bao quanh lấy tôi, nôn nóng nghe câu chuyện không chiến trên lục địa Trung Hoa.
Suốt một tuần lễ, tôi ăn ngủ thoả thích và nhìn bọn phi công thực tập, thực hiện các phi vụ huấn luyện của họ. Sau đó, tôi nhận được lá thơ của cô gái tôi chưa từng quen biết tên là Fujiko Niori. Nàng viết: “Tôi là chị của Mikiko, và tôi muốn nhân cơ hội nầy để chân thành cảm ơn bức thơ của anh đã gởi cho má tôi, cùng những lời lẽ tử tế và lưu tâm mà anh đã dành cho em gái của tôi. Bức thơ của anh là một tia nắng ấm chiếu rọi vào nỗi tuyệt vọng đang trùm lấp gia đình tôi sau cái chết của Mikiko. Tất cả chúng tôi đều than van rằng Mikiko đã rời bỏ chúng tôi trong lúc nó đang hạnh phúc nhất, tôi không hổ thẹn để nói với anh như vậy. Tôi phải thú nhận, trước khi được thơ của anh, tôi luôn mang cảm tưởng rằng tất cả các phi công chiến đấu chỉ thích đánh nhau, họ thiếu nhiệt tình và sự xúc động. Dĩ nhiên, bức thơ của anh đã làm tôi thay đổi ý kiến. Tôi thành thật ước muốn được kết bạn với anh, nếu anh cho phép nhứt là nhân danh em gái của tôi. Nỗi vui mừng của tôi sẽ trọn vẹn nếu anh phúc đáp bức thơ nầy.” Trong phong bì kèm theo một tấm hình của Fujiko. Cô gái 18 tuổi nầy còn đẹp hơn cô em nàng. Tôi lập tức viết thơ trả lời. Nói cho nàng biết tôi chỉ bị thương nhẹ ở Trung Hoa và hiện thời đã trở về Nhựt để chữa trị cho lành hẳn. Tôi nói với nàng theo lời các bác sỹ cho biết, tôi sẽ sớm được bay trở lại và, ngay khi bình phục, tôi hy vọng sẽ gặp mặt nàng.
Bức thơ thứ nhì Fujiko kể cho tôi nghe dài dòng về đời sống của nàng và những việc xảy ra hàng ngày trong thành phố Tokushima trên đảo Shikoku. Tháng kế đó, không bao nhiêu công việc ở căn cứ Omura, tôi bỏ nhiều thì giờ viết thơ cho Fujiko và đọc đi đọc lại những bức thơ nàng đã gởi cho tôi.
Vào tháng 11 năm 1939, tôi nhận được 24 giờ phép đầu tiên trong năm. Với các vết thương đã hoàn toàn bình phục, tôi nôn nóng trở về nhà. Từ căn cứ về nhà tôi không quá 1 giờ xe lửa. Mùa gặt đã qua rồi, đồng ruộng quạnh hiu khi mùa đông đến, nhưng quang cảnh nầy không làm tôi chú ý mấy. So với quang cảnh lục địa Trung Hoa đầy buồn chán, tỉnh nhà của tôi không khác nào một vườn hoa và khi xe lửa hướng về ngôi làng, tôi ngắm nhìn dãy núi Kyushu vươn cao trên bầu trời, với màu xanh thẳm của những cánh rừng dày bịt, những dòng suối sáng lóng lánh dưới ánh nắng ban trưa. Khi bước xuống con đường dẫn vô ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ, tôi không còn tin vào đôi mắt của mình nữa. Một đám đông đang tụ họp trong sân, trên đường cùng cất tiếng chào mừng tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy má tôi cùng đi với xã trưởng và nhiều viên chức khác trong làng bước ra đón tôi. Vị xã trưởng cất cao giọng: “Mừng anh trở về, Saburo, vị anh hùng của ngôi làng nghèo khó của chúng ta.”. Tôi bẽn lẽn, tôi chưa bao giờ mơ tưởng sự việc như vầy có thể xảy ra. Tôi ấp úng mãi mới nói cho vị xã trưởng biết tôi không có gì gọi là anh hùng cả, tôi chỉ là một hạ sỹ quan bắn rơi được 1 chiến đấu cơ duy nhứt của địch. Ông ta ngắt lời: “Tánh khiêm nhường rất tốt, nhưng tất cả chúng tôi đều biết anh đoạt được cái đồng hồ bằng bạc của Thiên Hoàng ở trường phi công hải quân, và điều nầy có nghĩa là anh được chọn làm phi công nhiều hứa hẹn nhứt của đất nước chúng ta.” Tôi lặng yên. Những hình ảnh của 5 năm về trước chiếu rọi lại trong trí tôi, lúc tôi bước xuống cùng con đường nầy, với tâm trạng của một kẻ gây tủi nhục cho gia đình làng xã, với những bạn bè hồi còn để chỏm quay mặt ngượng ngùng. Nếu những người nầy biết tôi đã vụng về, hầu như chết sững trong buồng lái phi cơ khi đụng trận lần đầu tiên ra sao, hoặc nếu họ biết hành vi của tôi khiến cho vị đại úy phẫn nộ đến nỗi không thốt nên lời như thế nào! Và hiện thời… tất cả những thứ nầy! Thật là quá mức!
Sau đó, một con heo to lớn được quay ngay trong sân. Hàng đống thức ăn, rượu sakê và rượu nếp. Tôi vẫn còn đứng ngơ ngác trước quang cảnh đón tiếp không ngờ nầy cho đến khi má tôi gọi lại bên cạnh khẽ nói: “Tất cả mọi người đều tốt với con. Các thức ăn nầy được họ góp lại để mừng ngày trở về của con! Đừng nhăn mày nhíu mặt bữa. Hãy vui lên.” Mọi người đều muốn nghe đủ chuyện ở Trung Hoa, và thường ngắt lời tôi để hỏi rõ nhiều chi tiết liên quan đến trận không chiến chống lại chiến đấu cơ địch, và việc tôi đã tấn công nhóm oanh tạc cơ địch ra sao. Ai ai cũng tỏ vẻ kính nể. Đôi mắt má tôi sáng long lanh, trong niềm hãnh diện. Ba anh chị tôi, mặc quần áo mới, ngồi mỉm cười, mặt mày rạng rỡ! Khi thực khách ra về, tôi sớm tìm hiểu và biết gia đình tôi vẫn nghèo khổ, như lúc tôi bước chân vô hải quân. Má tôi trấn an tôi, cho biết cả làng giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều và không tử tế bằng những người lân cận.
Trong thời gian ở Trung Hoa, tôi đã gởi hơn nửa phần tiền lương về nhà, vì tiền bạc bên ấy không tiêu dùng nhiều. Tôi không bao giờ uống rượu và, quả thật tôi không giao du với bất cứ cô gái nào. “Saburo,” má tôi tiếp, “cả nhà cám ơn con đã gởi đều đặn hết số lương của con về. Nhưng hiện thời má không muốn con gởi nữa. Con phải để dành mà tiêu dùng, đã đến lúc con phải nghĩ đến con, và bắt đầu dành dụm để một ngày nào đó còn lập gia đình.” Tôi phản đối mạnh mẽ. Tôi có dành dụm chút ít tiền, nhưng không hề dự định gì vào những năm sắp tới. Nhưng bỗng nhiên tôi nhớ đến Fujiko. Tôi hiểu rõ, nếu tôi vẫn ở trong làng nầy thay vì gia nhập hải quân và trở thành một phi công, gia thế của nàng sẽ không cho phép nàng giao du với tôi. Trở về Omura, vi chỉ huy trưởng trả lại nghiệp bay cho tôi, và tôi bắt đầu thực hiện một loạt phi vụ tập luyện để lấy lại phong độ. Đầu tuần lễ thứ hai của tháng giêng năm 1940, tôi nhìn thấy tên tôi trên bảng thông cáo. Theo đó, tôi được chọn với nhiều phi công khác để bay biểu diễn trên thành phố kỹ nghệ rộng lớn Osaka vào ngày 11 tháng 1 năm 1940, ngày quốc khánh của chúng tôi.
Tôi vội vã gởi thơ cho Fujiko, báo cho nàng biết chuyến đi của tôi. Trong thơ phúc đáp, nàng hỏi tôi sẽ ở đâu tại Osaka, vì “ba má và tôi muốn gặp anh tại Osaka vào ngày nầy.” Cả gia đình nầy đều có mặt! Quả thật đó là một danh dự đối với tôi. Muốn đi, gia đình nàng phải mất trọn một ngày từ Tokushima xuyên qua biển Nhật Bản để đến Osaka.
Phi vụ biểu diễn không có gì khó khăn. Quá trưa hôm đó, sau khi phi vụ hoàn tất, chúng tôi vô ngụ trong một khách sạn ở Osaka. Khi tôi đang cạo râu và thay đổi bộ quân phục mới, một trong những hạ sỹ quan chạy ùa vô phòng hả họng rống lên:
“Phi công Sakai! Mau lên! Vị hôn thê của anh đang chờ gặp anh dưới lầu!”
Mọi người cười ồ. Tôi đỏ mặt và vội vã đi ra ngoài.
Fujiko đang bối rối. Tôi ngừng lại trên thang lầu và nhìn nàng. Trong chiếc Kimono xinh xắn, Fujiko cùng với cha mẹ đứng chờ tôi ngoài hành lang. Tôi khom mình chào họ.
Đêm đó tôi được gia đình Fujiko mời ăn cơm tại một trong những nhà hàng danh tiếng nhất ở Osaka. Tôi chưa bao giờ đặt chân vô một nhà hàng như vậy trước đây. Song thân của Fujiko thật phi thường đối với tôi. Cả hai đã làm mọi cách để gây cho tôi sự thoải mái. Nhưng tôi không tránh khỏi ké né, vì hiển nhiên tôi nghĩ mình đang bị xâm xoi, ngắm nghía như một chàng rể tương lai của họ. Điều làm tôi rụt rè hơn nữa khi tôi biết được gia đình Niori là một trong những gia đình tiếng tăm nhứt ở Nhật Bản, xuất thân từ một giòng họ Samurai xuất sắc trong xứ, và thân phụ của Fujiko hiện thời là giáo sư đại học, một địa vị đầy danh vọng thời ấy. Trong bữa ăn, tôi đã từ chối ly sakê do ông Niori tự tay rót cho tôi. Ông cười và thúc giục tôi uống mãi, cuối cùng tôi phải nói cho ông biết tôi không uống rượu, vì tôi là một phi công chiến đấu. Câu đáp của tôi rõ ràng đã làm cho cả gia đình hài lòng.
Đêm hết quá mau và những lời từ giã được trao đổi tuy nhiên lời cầu hôn của tôi chưa thốt ra. Trở về Omura, tôi vùi đầu trong công việc huấn luyện bổ túc từ sáng sớm cho đến tối mịt. Mùa Xuân lướt qua rồi mùa Hạ đến và đi. Tôi vẫn ở Omura, vẫn miệt mài với chương trình huấn luyện. Những gì làm cho tinh thần tôi phấn khởi chính là những bức thơ của Fujiko đến đều đặn. Những bức thơ dâng đầy niềm hi vọng và mộng mơ trong tôi ấy. Nhưng tôi trở nên nôn nao. Nhiều bức thơ tôi nhận được từ mấy người bạn phi công vẫn còn bay ở Trung Hoa kể lại những chiến công mà họ đã gặt hái được từ tuần nầy qua tuần khác. Hầu hết mấy người bạn nầy đều đã hạ trên 10 phi cơ địch, gây thất điên bát đảo cho kẻ thù trên không phận Trung Hoa. Tin lành sau cùng đã đến, tôi được lịnh thuyên chuyển đến căn cứ không quân Kaohsiung ở Đài Loan. Từ Trung Hoa trở về nước đúng 1 năm, và bây giờ tôi lại được gần gũi với cuộc chiến. Hiện thời Kaohsiung trở thành căn cứ không quân hải ngoại chánh yếu của Nhật Bản, và sự thuyên chuyển nầy có nghĩa là tôi sẽ lâm trận ngay sau đó.
Trước khi lên đường tôi đi mua ngay một vật mà tôi đã ao ước suốt năm nay. Đó là chiếc máy chụp hình hiệu Leica, thấu kính 2.0 Sonar, lúc đó được xem là máy chụp hình tốt nhất thế giới. Giá chiếc máy nầy hơn 3 tháng lương, và tôi đã vét hết số tiền dành dụm. Các chiến đấu cơ của chúng tôi không được trang bị loại máy chụp hình tự động như của người Mỹ, và chiếc máy Leica thích hợp để chụp không ảnh từ phòng lái.
Ở Kaohsiung, tôi đã gặp phải một sự sửng sốt tột cùng. Trên sân bay, tôi nhìn thấy nhiều chiến đấu cơ loại mới, xa lạ, khác hẳn loại 96 Claude. Đây là loại chiến đấu cơ Zéro Mitsubishi vừa chế tạo, trơn bóng và tối tân. Zéro đã gây cho tôi sự thích thú chưa từng thấy. Phòng lái của loại phi cơ nầy có nắp che, động cơ cực mạnh và bộ phận hạ cánh có thể rút được vào thân. Thay vì chỉ có 2 khẩu đại liên hạng nhẹ như loại 96 Claude, loại chiến đấu cơ Zéro được trang bị đến 2 khẩu đại liên và 2 đại bác 20mm.
Chiến đấu cơ Zéro được chúng tôi mang ra thử thách lần đầu tiên trong cuộc xâm chiếm Đông Dương thuộc Pháp, trong nhiệm vụ bao che cho các đơn vị lục quân đánh chiếm những vị trí then chốt trên mặt đất. Điều nầy có nghĩa là Zéro phải bay không ngừng nghỉ suốt 800 dặm từ Kaohsiung đến đảo Hải Nam. Đó là một khoảng cách không thể nuốt trôi đối với các loại chiến đấu cơ trước đây, nhứt là không trình phần nhiều nằm trên mặt đại dương. So với Claude tầm ngắn, Zéro như một kỳ quan đối với chúng tôi.
Tuy nhiên, khi tiến vô Đông Dương, chúng tôi không gặp một sự chống đối nào, ngoại trừ một vài cuộc đụng độ nhỏ ở biên giới, gây ra bởi một số đơn vị Pháp không kịp thông báo. Cuộc xâm chiếm xúc tiến một cách “hoà dịu” sau thoả hiệp với nhà cầm quyền địa phương Pháp, tránh được sự lan rộng của chiến tranh.
Tôi vẫn chưa nếm mùi chiến đấu với loại chiến đấu cơ Zéro cho đến khi tôi được bổ nhiệm trở lại Liên Phi Đoàn Trung Hoa, tôi nhận thấy phi công địch mất hẳn tinh thần chiến đấu. Sự hùng hổ trong trận không chiến đầu tiên của tôi không còn nhìn thấy ở đối phương nữa. Các phi công địch tìm mọi cách để tránh né chúng tôi, và họ chỉ chấp nhận đụng độ khi nào chiếm được ưu thế, lao từ trên mây xuống đánh úp chúng tôi. Thái độ co đầu rụt cổ nầy bắt buộc chúng tôi càng lúc càng tiến sâu vô nội địa, dồn họ vào thế phải chấp nhận đánh nhau.
Tôi được chỉ định một nhiệm vụ như vậy vào ngày 11 tháng 8 năm 1941, với mục đích ép buộc đối phương lâm trận. Đó là một phi vụ 800 dặm không ngừng nghỉ từ Ichang đến Chengtu. Khu vực nầy quen thuộc, ở trên Ichang, bấy giờ nằm trong tay địch quân, mà tôi đã từng đối đầu với 12 oanh tạc cơ Nga Sô trước đây. Trong phi vụ xâm nhập nầy, chúng tôi có thêm nhiệm vụ hộ tống 7 oanh tạc cơ loại Mitsubishi I hai máy, người Mỹ gọi là Betty. Quá nửa đêm, các oanh tạc cơ cất cánh từ Hán Khẩu và được chúng tôi đưa đến Ichang. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hướng đến phi trường Wenkiang. Chúng tôi ở trên mục tiêu trước bình minh và bay quần chầm chậm chờ ngày lên hẳn. Chúng tôi nhìn chiếc Zéro dẫn đầu, nghiêng cánh và chúi xuống. Đó là ám hiệu khai hoả. Từng chiếc một, chúng tôi túa xuống phi trường, nơi tôi nhìn thấy nhiều chiến đấu cơ Nga Sô chạy trên phi đạo, chuẩn bị cất cánh. Nhân viên địch dưới đất chạy túa mọi nơi, hướng đến hầm trú ẩn. Tôi sà thật thấp, lướt đến phía sau một chiến đấu cơ E.16 của địch vừa cất đầu lên khỏi mặt đất. Đó là một mục tiêu ngon ăn, và chỉ một viên đại bác tầm ngắn đã biến chiếc phi cơ thành cây đuốc. Tôi xẹt ngang qua phi đạo đảo sang phải thật ngặt và vượt thẳng lên để quành lại kiếm ăn nữa. Súng phòng không địch vây tôi mọi mặt, nhưng tốc lực của chiến đấu cơ Zéro mau không thể tưởng, khiến xạ thủ địch bó tay. Nhiều chiến đấu cơ khác Zéro khác bổ nhào xuống, cày nát mặt phi đạo. Một số chiến đấu cơ Nga phát hoả hoặc vỡ tan. Tôi lại đâm đầu xuống để chụp một chiếc phi cơ khác trong tầm mắt. Một viên đạn đại bác thứ hai, và một trái cầu lửa hình nấm nổ lên. Không còn gi để xạ kích nữa. Cuộc tấn công của chúng tôi đã dọn sạch phi cơ địch trên phi trường, không một chiếc nào ngốc đầu lên nổi. Đa số bốc cháy hoặc nổ tung. Trở lên 7000 bộ, chúng tôi nhận thấy nhiều nhà chứa phi cơ và các cơ sở khác bao trùm trong lửa đó. Đó là một nhiệm vụ trơn tru từ đầu đến cuối. Chúng tôi thất vọng vì thiếu màn đánh nhau trên không, nên tiếp tục đảo vòng, hy vọng các cột khói sẽ lôi cuốn phi cơ địch.
Thình lình 3 chiến đấu cơ Zéro tách khỏi đội hình và chúi xuống đất. Xa xa phía dưới, tôi nhìn thấy một phi cơ hai cánh sơn màu sáng chói sáng bay sà sát mặt đất. Trong nháy mắt, 3 chiến đấu cơ Nhựt nhảy xổ vào phi cơ địch, tung ra hàng loạt đạn đại liên và đại bác nhưng không có kết quả, vì viên phi công địch lộn nhào tránh né tài tình. Cả 3 chiến đấu cơ đều bay vượt qua chiếc phi cơ 2 cánh. Bây giờ đến lượt tôi. Tôi chúi xuống và kế hoạch phi cơ địch nằm trom tầm súng, tôi bóp cò. Chiếc phi cơ đảo thật ngặt về phía trái và thoát khỏi. Một chiếc Zéro khác nhập cuộc, và cả 5 chúng tôi hùa nhau đuổi bắt chiếc phi cơ quỉ quái. Tài tránh né của viên phi công địch quả đáng bực thầy. Chiếc phi cơ hai cánh như hồn ma bóng quế. Nó lộn nhào, rơi xuống thoe hình trôn ốc, vượt lên cao và xoay ngang xoay dọc tài tình đến nỗi khi thoạt nhìn thấy khó thể thực hiện được. Chúng tôi không thể nào nhắm chiếc phi cơ một cách chính xác.
Sau đó, bất ngờ chúng tôi bay đến gần đỉnh của một ngọn đồi thấp phía Tây Chengtu. Viên phi công địch thay vì tránh né, đã bay vượt lên ngọn đồi, và khi vượt lên hắn xoay một vòng chậm chạp. Đó là một lỗi lầm chết người mà không một phi công nào dám để mắc phải. Bụng hắn loé sáng trước mắt tôi, và những viên đạn đại bác của tôi đã xé rách, xuyên thấu tận buồng lái. Đang lúc chiếc phi cơ hai cánh rơi xuống như một chiếc chong chóng một chiến đấu cơ Zéro khác bồi thêm một loạt đạn vô ích vào một xác chết. Nó chạm vô sườn đồi và nổ tung.
Tôi ghi hai điểm, và đây là điểm đầu tiên với một chiếc Zéro.
Đó là phi vụ chiến đấu cuối cùng của chúng tôi ở mặt trận Trung Hoa. Không lâu sau đó chúng tôi nới tầm hoạt động lên Yungcheung, một thị trấn nhỏ ở mãi tận giòng sông Hoàng Hà. Suốt nhiều tuần lễ, các phi vụ tuần thám của chúng tôi thất bại trong việc khám phá ra phi cơ địch. Đầu tháng chín, tất cả các phi công hải quân trở về Hán Khẩu, nơi mà chúng tôi bởi sự xuất hiện của phó đô đốc Eikichi Katagiri, tư lịnh không lực hải quân ở Trung Hoa. Vị đô đốc nói cho biết tất cả chúng tôi được thuyên chuyển về Đài Loan, ở đó chúng tôi sẽ lãnh một sứ mạng quan trọng nhứt. Phó đô đốc không tiết lộ nhưng tất cả chúng tôi đều biết rõ Nhật Bản sắp khai chiến với các cường quốc Tây phương.
Giữa tháng chín, chúng tôi quay về Đài Loan. Sau đó, toàn thể 150 phi công chiến đấu cơ và con số tương đương phi công oanh tạc cơ di chuyển từ căn cứ không quân Kaohsiung trên đảo Đài Loan đến căn cứ Tainan để gia nhập và tân hạm đội Tainan (Đài Nam).
Cuộc chiến Thái Bình Dương đang trên đà bùng nổ.
[Hết phần 1].
No comments:
Post a Comment